Người Việt hải ngoại: Quảng bá văn hóa múa ở Mỹ; Duy trì nghề chăn nuôi; 30 năm truyền bá Phật pháp; Trộm mỹ phẩm, 3 người bị bắt

QUẢNG BÁ MÚA ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT TẠI QUẢNG TRƯỜNG THỜI ĐẠI, MỸ

Các bạn trẻ người Việt tại Mỹ không chỉ mong muốn quảng bá nét đẹp về đất nước, con người mà còn hy vọng lan tỏa tinh thần Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Quảng trường Thời đại tại thành phố New York là một trong những giao lộ dành cho người đi bộ nhộn nhịp nhất thế giới, một trong những điểm đến mang tính biểu tượng nhất của nước Mỹ.

Người Việt Nam ở đâu cũng vậy, dòng máu Việt luôn chảy trong huyết quản mỗi người; dù có ở chân trời góc bể, họ cũng luôn hướng về cội nguồn dân tộc và mong muốn đóng góp sức nhỏ bé của mình cho quê hương.

Mới đây, một nhóm du học sinh Việt Nam tại Mỹ đã có sáng kiến thực hiện tiết mục múa đương đại với tà áo dài kết hợp trình chiếu clip về tinh thần Việt Nam tại Quảng trường Thời đại.

Tiết mục múa đương đại của nhóm du học sinh Việt Nam ngay lập tức thu hút sự quan tâm của du khách và người dân địa phương bởi sự duyên dáng và uyển chuyển của tà áo dài cùng nón lá.

Anh Prabhash (quốc tịch Ấn Độ) nói: "Qua phần biểu diễn này, tôi hiểu thêm về con người và văn hóa Việt Nam. Tôi và những người xem ở đây đều không thể dời mắt khi xem tiết mục này. Qúa hấp dẫn!".

Bạn Thạch Trang (du học sinh Việt Nam tại Đức) bày tỏ: "Mình là một du học sinh đến từ Đức, hôm nay mình dẫn mẹ đi chơi ở Mỹ. Đến Quảng trường Thời đại, mình tình cờ gặp được các bạn Việt Nam đang trình diễn áo dài ở đây. Mình rất ấn tượng trước màn trình diễn của mọi người, cảm giác tà áo dài được tỏa ở nước Mỹ. Rất bất ngờ, mình cảm thấy rất vui, tự hào vì là một người con Việt Nam".

Cùng với tiết mục múa, nhóm du học sinh đã có sáng kiến đăng ký trình chiếu hình ảnh Việt Nam tại giao lộ sầm uất bậc nhất thế giới này.

Cụ thể, một video với độ dài 15 giây về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam trong cơn bão Yagi đã xuất hiện mỗi giờ 1 lần và liên tục trong 24 giờ vào ngày 18/10 vừa qua trên billboard tại Quảng trường Thời đại.

Với hoạt động này, các bạn trẻ người Việt tại Mỹ không chỉ mong muốn quảng bá nét đẹp về đất nước, con người mà còn hy vọng lan tỏa tinh thần Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

 

 

DUY TRÌ NGHỀ CHĂN NUÔI TRÊN ĐẤT MỸ

Khi nói đến cộng đồng người Việt tại Mỹ, nhiều người thường nghĩ đến các ngành nghề như dịch vụ, nhà hàng, làm nail hoặc lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, cộng đồng người Việt đã tham gia nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi.

Cộng đồng người Việt bắt đầu tham gia vào nông nghiệp ở Mỹ từ những năm 1980. Tuy không phải là ngành nghề chủ đạo nhưng ngày càng nhiều người Việt nhận thấy cơ hội từ ngành này, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi các loài động vật nhỏ như gà, vịt và heo.

Nhiều gia đình đã mang theo những tập quán chăn nuôi truyền thống từ quê nhà sang nơi định cư mới. Những giống gia súc được nuôi thông qua những cách thức quen thuộc như nuôi theo hình thức thả vườn hoặc nuôi nhốt đã tạo ra những sản phẩm có hương vị đặc trưng, được thị trường ưa chuộng.

Không ít gia đình đã từng có kinh nghiệm trong nông nghiệp trước khi sang Mỹ, vì vậy họ dễ dàng hòa nhập vào các công việc liên quan đến chăn nuôi, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường việc làm thành phố và tạo nguồn thu nhập ổn định.

Một yếu tố quan trọng giúp nghề chăn nuôi của người Việt tại Mỹ phát triển chính là nhu cầu về các sản phẩm truyền thống trong cộng đồng người Việt. Các loại thực phẩm như gà ác, thịt heo sạch, trứng vịt lộn… được ưa chuộng không chỉ bởi cộng đồng người Việt mà còn thu hút người tiêu dùng bản địa.

Ngoài ra, sống tại Mỹ, người Việt có điều kiện tiếp cận với các công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, từ hệ thống quản lý chuồng trại, thức ăn chăn nuôi đến các biện pháp kiểm dịch và phòng bệnh. Đây là một lợi thế lớn giúp họ nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm.

Trường hợp anh Minh Nguyễn, ở TP Houston, bang Texas, là ví dụ. Anh từng giữ chức giám đốc dân sự của một công ty với mức lương khoảng 90.000 USD/năm cách đây hơn 10 năm nhưng lại quyết định từ bỏ tất cả để dồn tâm sức vào việc nuôi gà công nghiệp ở một nơi hẻo lánh.

Anh nói: “May mắn là công việc trôi chảy nên trong vòng 1-2 năm, tôi đã có đủ tiền trả các khoản vay”.

Nhiều người trẻ trong cộng đồng người Việt nhận thấy tiềm năng bên trong nghề chăn nuôi và quyết định quay về với những trang trại gia đình. Các bạn trẻ kết hợp giữa công nghệ mới và những kiến thức truyền thống, như ứng dụng các phần mềm quản lý trang trại, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi thông qua các thiết bị điện tử.

Những sáng kiến như vậy không chỉ giúp tăng năng suất mà còn bảo vệ môi trường bền vững. Một số người đã bắt đầu áp dụng phương pháp nuôi sạch, hữu cơ để thu hút khách hàng và nâng cao giá trị sản phẩm.

Chăn nuôi ở Mỹ đòi hỏi nguồn vốn ban đầu lớn để xây dựng trang trại, mua giống và đầu tư vào hệ thống thiết bị hiện đại. Điều này là một trở ngại lớn cho các hộ gia đình người Việt mới bắt đầu bước vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và vệ sinh cũng rất gắt gao. Các sản phẩm chăn nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh chuồng trại, an toàn dịch bệnh và chất lượng sản phẩm. Các tiêu chuẩn này khiến nhiều người Việt phải nỗ lực thích nghi để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, giá và thuế đất ở Mỹ cũng cao, hạn chế diện tích chăn nuôi ở những nơi có vị trí thuận lợi.

Gia đình anh Đoàn Trần, chị Quyên ở thị trấn Windsor, bang North Carolina, có trang trại thuộc loại lớn ở Mỹ trong đó kết hợp nuôi gà, lợn và vịt theo kiểu truyền thống của người Việt. Riêng vịt có 3.000 - 4.000 con, mang lại thu nhập ổn định.

Nghề chăn nuôi của người Việt tại Mỹ không chỉ là một nguồn thu nhập, mà còn là cầu nối giữa văn hóa, truyền thống và hiện đại. Dù còn nhiều thách thức nhưng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cộng đồng người Việt sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực này. Với tâm huyết và sự đổi mới, tương lai của nghề chăn nuôi tại Mỹ đang ngày càng hứa hẹn sẽ có nhiều thành công hơn.

 

 

GẦN 30 NĂM HƯỚNG DẪN PHẬT PHÁP CHO CỘNG ĐỒNG XA QUÊ

Gần 30 năm tu học và hướng dẫn Phật pháp cho cộng đồng người Việt tại Mỹ, Hoà thượng, tiến sĩ Thích Đức Tuấn - trụ trì Chùa Pháp Vương, California, Chủ tịch Giáo hội phật giáo Việt Nam tại Châu Mỹ đã góp phần vào việc giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, truyền thống lịch sử, văn hóa, Phật giáo Việt Nam đến bạn bè, chư tăng quốc tế; động viên tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài chung tay xây dựng quê hương, đất nước.

Hoà thượng Thích Đức Tuấn bắt đầu con đường tu hành từ năm 13 tuổi tại chùa Vĩnh Nghiêm TP.HCM. Năm 1996, Hoà thượng sang Mỹ du học ngành Tâm lý học và chính thức theo đuổi công việc phụng sự cộng đồng.

Để mở rộng thêm nơi sinh hoạt tinh thần cho cộng đồng người Việt tại Mỹ, một ngôi chùa mang tên Pháp Vương do hoà thượng Thích Đức Tuấn trụ trì đã hình thành tại bang California.

Dịp lễ Vu lan, Tết cổ truyền năm nào chùa này đều cũng hoan hỉ đón bà con người Việt đến chùa lễ Phật cầu an đầu năm. Không chỉ là nơi linh thiêng, mà đây cũng trở thành một gia đình lớn đầy đủ người thân, không khí và hồn cốt Việt.

Hoà thượng đã ứng dụng tinh thần Từ bi người con Phật, với hoạt động từ thiện xã hội. Bằng cách làm tuyên uý trong bệnh viện Medical Center of San Jose, làm tư vấn tâm lý cho những người bệnh ung thư giai đoạn cuối tại Chương trình Hệ thống Châu Á tại thành phố Oakland, California.

Thăm các vị cao niên trong các viện dưỡng lão, an ủi các bệnh nhân cuối đời đang được chăm sóc tại gia và cầu nguyện cho thân nhân cũng như người bệnh khi lâm chung tại các nhà quàng hay trên giường bệnh. Hòa thượng nói về triết lý Phật giáo, hướng dẫn họ tu thiền để tâm được bình an lại, có cơ may kéo dài sự sống. Những hành động cụ thể mang tính phục vụ cộng đồng thể hiện sự nhập thế tính cực của Phật giáo trong thời hiện đại.

“Phật giáo chính là sợi dây giúp người Việt ở nước ngoài gắn kết với nhau chặt chẽ hơn, để họ không còn đơn lẻ nơi xứ người và luôn thấy hồn Việt bên mình”, Hoà thượng Thích Đức Tuấn chia sẻ.

Cùng với công việc việc Phật sự, Hòa thượng Thích Đức Tuấn còn làm cầu nối kết nối bà con, phật tử kiều bào ở Mỹ hướng tới quê hương. Hoà thượng luôn khuyến khích kiều bào về nước nhiều hơn, để có thể tận mắt chứng kiến sự thay đổi và phát triển của đất nước.

Thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, hoành hành, Thượng toạ Thích Đức Tuấn cùng các Phật tử hướng về quê hương với nhiều hoạt động ý nghĩa như quyên góp mua đồ cứu trợ, thiết bị y tế gửi về Việt Nam, viết thư lên tổng thống Mỹ đề nghị hỗ trợ Việt Nam vaccine.

Mới đây, khi cơn bão số 3 xảy ra gây đau thương, mất mát cho những người dân miền Bắc, hoà thượng Thích Đức Tuấn đã quyên góp cùng với kiều bào Mỹ ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Thầy đã vượt hàng nghìn km xa xôi trắc trở đến tận làng Nủ, hay những địa phương bị ảnh hưởng khác tại Lào Cai để trao cho người dân những món quà từ kiều bào phương xa gửi về.

Theo Hoà thượng Thích Đức Tuấn đó là cách gieo duyên để kiều bào Mỹ gợi nhớ về quê hương.

Bằng những việc làm của mình, hình ảnh và tên gọi Hoà thượng Thích Đức Tuấn trở nên gần gũi không những đối với cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, người Việt Nam trong nước.

 

 

TRỘM MỸ PHẨM, 3 NGƯỜI VIỆT BỊ BẮT TẠI NHẬT

3 công dân Việt Nam, lần lượt 21, 22 và 27 tuổi, đã bị bắt giữ vì liên quan đến hành vi trộm cắp mỹ phẩm tại một cửa hàng thuốc. Cả 3 không có nơi cư trú cố định và hiện chưa rõ nghề nghiệp.

Theo thông tin từ cảnh sát, vào khoảng 10:15 sáng ngày 24/10, 3 người đàn ông này bị nghi ngờ đã lấy trộm một sản phẩm mỹ phẩm có giá bán lẻ khoảng 11.000 yên từ một cửa hàng thuốc tại khu vực Onomachi. Ngay khi nhận được trình báo, lực lượng cảnh sát đã nhanh chóng điều tra vụ việc, dựa trên hình ảnh từ camera an ninh và các nguồn thông tin khác.

3 người này đã bị bắt giữ trên đường phố tại thành phố Motomiya.

Họ đã thừa nhận tội danh và bị cảnh sát phát hiện đang sở hữu nhiều loại mỹ phẩm khác. Do đó, có khả năng họ sẽ bị điều tra và thêm tội danh.

 

Nguồn: Báo Quốc Tế; Sài Gòn Giải Phóng; Thời Đại; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang