Người Việt hải ngoại: Ngày VN tại Moscow; Vỡ mộng ra nước ngoài dễ sống; Hà Phương bị đồn ly hôn; Cô dâu ở Hàn

"Ngày Việt Nam" tại Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moscow, Nga

(Ảnh minh họa).

Chiều 24/5, tại trường Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moscow (MGLU), Nga đã diễn ra “Ngày Việt Nam” lần thứ hai, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Sự kiện nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam đến các sinh viên Nga, khuyến khích các bạn đang học tiếng Việt tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Tham dự sự kiện có Hiệu trưởng Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow Irina Kraeva, Bí thư thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga Mai Nguyễn Tuyết Hoa, các giảng viên và đông đảo sinh viên các trường đại học ở Moscow đang học tiếng Việt, các chuyên gia-nhà Việt Nam học, đại diện Hội Hữu nghị Nga-Việt, đại diện cộng đồng Việt Nam tại Nga.

Phát biểu khai mạc “Ngày Việt Nam”, bà Elena Zubtsova, Phó Giáo sư Khoa Ngôn ngữ Phương Đông-Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow cho biết, trường có mối quan hệ với Việt Nam từ những năm 1960 của thế kỷ trước, đào tạo cho Việt Nam nhiều chuyên gia. Nhiều người trong số đó đã đảm nhận các chức vụ cao trong chính phủ, đại sứ ở nhiều nước trên thế giới.

Vì công lao to lớn này, trường đã được tặng phần thưởng cao quý của Việt Nam-Huân chương Hữu nghị. Trường cũng bắt đầu giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Nga từ năm 2017. Hiện có gần 40 sinh viên đang học, do 3 giáo viên giảng dạy. Trong tháng sau tới, khóa thứ hai sẽ tốt nghiệp, cũng như tuyển 2 nhóm mới vào năm thứ nhất.

Thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các sinh viên Nga học tiếng Việt gặp khó khăn trong việc sang Việt Nam thực tập. Tới đây sẽ có 6 sinh viên đi thực tập ở Hà Nội và đợt tiếp theo là vào tháng 1/2024. Ngoài ra, hiện có 64 sinh viên Việt Nam đang học tại các khoa của trường.

Bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa - Bí thư thứ nhất- Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đánh giá cao sáng kiến tổ chức “Ngày Việt Nam” của trường Đại học Ngôn ngữ Moscow. Hoạt động này không chỉ thúc đẩy việc học tập, nghiên cứu tiếng Việt, văn hóa Việt Nam tại Nga, mà còn góp phần vào thắt chặt quan hệ hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, bao gồm giáo dục và đào tạo. Nhân dịp này, bà bày tỏ cảm ơn trường đã quan tâm tới các sinh viên Việt Nam đang học tập tại đây, giúp các bạn không chỉ nhận được kiến thức nền tảng, mà còn biết tự lập trong cuộc sống xa nhà, xa Tổ quốc.

Tiếp đến các sinh viên Việt Nam đã biểu diễn các điệu múa, thể hiện những bài hát ca ngợi đất nước và con người Việt Nam. Tiết mục biểu diễn đặc sắc nhất là vở kịch Mỵ Châu - Trọng Thủy, được biểu diễn lần hai, sau sự kiện năm ngoái do nhận được nhiều yêu mến, hâm mộ từ các sinh viên Nga. Nét mới của năm nay là toàn bộ chương trình do chính sinh viên Việt Nam tự xây dựng, đạo diễn và tổ chức biểu diễn.

Xen giữa các tiết mục văn nghệ là các câu đố vui kiến thức đất nước học về Việt Nam, kèm các phần thưởng nhỏ, thu hút sự tham gia sôi nổi của tất cả các sinh viên có mặt. Cuối chương trình, các bạn được thưởng thức những món ăn truyền thống Việt Nam do chính sinh viên Việt Nam chuẩn bị. Không khí vui tươi, thân thiện, tràn ngập sắc màu văn hóa Việt Nam như trở thành ngày hội của sinh viên hai nước.

(Nguồn: VTV4)

Vỡ mộng ra nước ngoài dễ sống

Ở trong nước, nhiều người không cần đi làm vẫn có tiền tiêu, bởi họ có nhà cho thuê và gửi tiết kiệm, nhưng ở nước ngoài hoàn toàn khác.

Tôi năm nay 52 tuổi, lấy chồng Tây, đang định cư ở Anh đến nay đã được 19 năm. Quan sát từ thực tế, tôi thấy một số người Việt sang nước ngoài định cư rồi vỡ mộng, không hòa nhập được với cuộc sống ở xứ người. Bởi họ tưởng rằng cuộc sống ở nước ngoài cũng dễ sống.

Tại nơi tôi đang định cư, tiền gửi tiết kiệm chỉ như là nhờ ngân hàng giữ hộ cho đảm bảo an toàn, còn lãi suất cực kỳ thấp. Nhà ở nước ngoài lại có giá rất cao, nên không phải ai cũng có tiền để mua vài căn nhà cho thuê.

Nếu bạn muốn đến thăm ai đó, hay hẹn họ đi chơi, bạn phải báo trước với họ cả tháng hoặc trước đó vài tuần để họ sắp xếp thời gian, để xem hôm đó họ có rảnh, có được nghỉ làm không, thì họ mới đón tiếp bạn được.

Khách đến nhà chơi ở lại qua đêm, là chủ nhà phải lau chùi nhà cửa, hút bụi sạch sẽ, chủ nhà sẽ làm phòng ngủ, thay toàn bộ chăn, ga, gối mới cho khách, khi khách ra về, cho dù khách chỉ ngủ lại một đêm, chủ nhà cũng lột toàn bộ vỏ chăn, ga, gối đó mang đi giặt. Ở nước ngoài không ai dùng vỏ chăn, ga, gối mà người khác đã dùng rồi, tất cả đều phải mới và sạch sẽ. Ly, cốc uống xong một lần cũng phải rửa sạch sẽ để người khác dùng, không ai dùng cốc mà người khác đã uống mà chưa rửa cả. Bếp, máy hút mùi, nấu ăn xong cũng lau chùi sạch sẽ, trong nhà mọi thứ lúc nào cũng sạch sẽ, không bụi bặm.

Nếu bạn làm việc cho công ty của người bản xứ thì nhất nhất phải tuân theo luật lệ của họ: không được đến chậm dù chỉ một phút, phải tuân theo tất cả nội quy của công ty. Bạn cũng phải thành thạo ngôn ngữ của người bản xứ, kèm theo kinh nghiệm làm việc, thì mới mong xin được việc làm. Nếu không phải người bản xứ, bạn phải nộp hồ sơ ít nhất là vài công ty.

Khi việc chuyển công ty lần thứ hai, tôi cũng phải nộp hồ sơ xin việc tới 10 doanh nghiệp và chỉ có bốn nơi gửi thư mời đến phỏng vấn, trong đó cũng chỉ một công ty nhận tôi vào làm. Đó là trước đó tôi cũng đã có kinh nghiệm làm việc gần bốn năm tại công ty cũ. Còn đối với lần đầu đi xin việc, có một người em kể với tôi rằng sau khi tốt nghiệp đại học, em gửi đến cả gần 100 hồ sơ xin việc cho vị trí kế toán, mà cuối cùng mới xin được việc làm kế toán tại công ty của người bản xứ. Bởi công ty nào cũng yêu cầu người xin việc phải có từ một đến hai năm kinh nghiệm.

Ở Anh, các công ty chỉ chú trọng đến kinh nghiệm làm việc, chứ không đề cao bằng cấp. Khi họ nhận bạn vào làm, họ cũng cho bạn thử việc một, hai tháng, nếu không đáp ứng được công việc thì họ sẽ sa thải bạn. Mọi thứ luật đều chặt chẽ, nhưng bên cạnh đó, bạn được đối xử tôn trọng, công bằng, mức lương họ trả cũng xứng đáng với công sức, trí tuệ bạn bỏ ra.

Trước khi ra nước ngoài, tôi lầm tưởng rằng lương cao thì chi tiêu thoải mái hơn. Thực ra lương cao nhưng chi phí mọi thứ cũng cao, hàng tháng phải chi trả đủ thứ tiền thuế, bảo hiểm, gas, nước, điện, tiền mua sách báo, trả cho người dọn vệ sinh, tiền xã hội (bao gồm tiền trả cho người thu gom rác, đèn bật ngoài đường, tiền cho cảnh sát bảo vệ, tiền cho người, công ty quét dọn làm sạch đường phố, tiền thuế xe ôtô lưu hành hàng năm, thuế cho đội cứu hộ khi xe gặp tai nạn hay bị hỏng giữa đường, tiền bảo hiểm nhà hàng tháng, tiền phát tâm từ thiện hàng tháng, tiền tham gia hội viên...) và nhiều thứ khác nữa.

Một gia đình hai người mỗi tháng trung bình cũng chi tiêu từ 2.000 bảng Anh trở lên (khoảng hơn 60 triệu đồng). Ở nước ngoài, muốn làm bất cứ thứ gì, bạn cũng phải đợi cuộc hẹn. Ví dụ như bạn muốn đi cắt tóc hay làm móng tay, cũng phải gọi đến rồi hẹn trước với salon vài ngày. Nhà tôi muốn sơn lại tường, cũng phải đợi cuộc hẹn gần một tháng người ta mới tới làm. Cho nên nhiều người sống ở nước ngoài, nhưng gì thấy khả năng có thể tự làm được thì làm luôn cho nhanh, đỡ phải đợi chờ lâu và giá lại rất rẻ.

Ở nước ngoài, tiền công làm mọi thứ rất đắt. Nếu mua thực phẩm về tự nấu thì rẻ, nhưng nếu bạn ăn ở nhà hàng thì vô cùng đắt đỏ. Ví dụ, một bữa bò bít tết, nếu mua về nhà làm chỉ hết 25 bảng Anh, kèm món súp khai vị, món tráng miệng, tổng cộng một bữa cho hai người ăn cũng chỉ hết khoảng 40 bảng. Nhưng nếu ăn ngoài nhà hàng thì hai người ăn như vậy cũng chi hết gần 100 bảng.

Cuộc sống ở nước ngoài là như vậy, nhưng đồi lại, cuộc sống ở đây rất đáng sống, đó là khí hậu mát mẻ, con người không bị mệt mỏi vì nóng bức, môi trường, khắp mọi nơi đều sạch sẽ. Đồ ăn, thực phẩm, hoa quả an toàn, không bị ngâm tẩm hóa chất. Ở Anh cả người đi làm và không đi làm, đến 67 tuổi đều được tiền lương hưu. Nếu ai đi làm thì sẽ nhận được cả lương hưu của công ty và nhà nước chi trả. Người 60 tuổi trở lên được đi xe buýt miễn phí. Phụ nữ, người già, trẻ em được tôn trọng, được chính quyền bảo vệ.

Ở bên này, nếu bạo hành gia đình, ai vi phạm có thể bị cảnh sát tạm giữ và phải nộp phạt nặng, vi phạm ba lần sẽ bị bắt giam. Khi ly hôn, cho dù tài sản, nhà cửa của chồng thì vợ cũng được ưu tiên ở lại nhà trước, tài sản sẽ chia đôi sau. Trẻ em cũng được bảo vệ nghiêm ngặt, không ai được đụng chạm, sờ mó khi chưa được sự cho phép của cha, mẹ các bé.

Nếu phải gọi cấp cứu khẩn cấp, xe cứu thương sẽ đến ngay để hỗ trợ bạn. Trên đường xe chạy, khi hú còi, các xe đang lưu thông trên đường phải dừng lại, lái dẹp vào một bên để nhường đường cho xe cấp cứu, xe cứu hỏa cùng vậy. Về y tế, khám chữa bệnh, mọi người đi làm đóng thuế đều có bảo hiểm. Nên khi đi khám hay bị trọng bệnh, kể cả phải mổ, người dân đều được miễn phí hoặc chi trả rất ít tiền tùy theo từng bệnh.

Bác sĩ, y tá bên này cũng luôn nhẹ nhàng, tươi cười với người bệnh. Khi tôi phải phẫu thuật cách đây mấy năm, bác sĩ gây mê nắm tay tôi trong suốt ca mổ để hỏi han, trong khi bác sĩ mổ luôn miệng động viên: "Em cố gắng nhé, chị sẽ cố gắng làm rất nhẹ nhàng cho em". Phòng mổ còn có nhạc nhẹ không lời du dương. Chồng tôi được đứng một bên nắm tay tôi, làm cho tôi cảm thấy bớt sợ hãi.

Trên đây là những chia sẻ rất thật của tôi - một người có gần 20 năm định cư ở nước ngoài. Hy vọng những điều này sẽ giúp mọi người hiểu thêm về cuộc sống ở trời Tây, có những cân nhắc thiệt - hơn kỹ càng, trước khi đưa ra quyết định có nên ra nước ngoài làm việc, sinh sống lâu dài hay không? Tất nhiên, mỗi người sẽ có một hoàn cảnh, điều kiện, sở thích riêng, nên sẽ không có đáp án nào đúng cho tất cả. Chỉ có chính bạn mới biết điều gì là phù hợp nhất cho mình mà thôi.

(Nguồn: Vnexpress)

Người đại diện của Hà Phương lên tiếng về tin cô đã ly hôn tỷ phú Chính Chu

(Ảnh minh họa).

Thông tin nữ ca sĩ và chồng tỷ phú chia tay xuất phát từ một bài báo trên trang Daily Mail, Anh.

Tối 25/5, trao đổi với chúng tôi, người đại diện của Hà Phương tại Việt Nam cho biết: "Thông tin chị Hà Phương và chồng ly hôn đã xuất hiện từ năm 2019. Nhưng đây là tin không đúng. Hiện tại, gia đình chị vẫn đang sống hạnh phúc. Vì vậy chị Hà Phương không muốn chia sẻ thêm về chuyện này".

Thông tin nữ ca sĩ và tỷ phú Chính Chu ly hôn xuất phát từ một bài báo trên trang Daily Mail, Anh. Theo thông tin trong bài báo, Chính Chu hiện là ông bố đơn thân của hai con gái. Vợ cũ của ông là ca sĩ Hà Phương. Ông hẹn hò với một siêu mẫu người Nga.

Hà Phương kết hôn với Chính Chu từ năm 2000. Sau khi làm vợ tỷ phú, nữ ca sĩ ít đi hát, dành phần lớn thời gian chăm sóc tổ ấm. Chia sẻ với báo chí, cô thừa nhận kết hôn với tỷ phú khiến cô cảm thấy áp lực bởi thường xuyên bị "nghe dèm pha là chỉ biết ăn ngon mặc đẹp, không phải làm việc".

Em gái Cẩm Ly từng kể một ngày của cô tại New York, Mỹ, là quán xuyến mọi việc trong gia đình để chồng yên tâm làm việc, hai con đi học. Thời gian rảnh, cô làm việc thiện nguyện, tham gia các chương trình vì cộng đồng.

Nói về việc chồng là tỷ phú, xung quanh luôn có nhiều cô gái đẹp, Hà Phương khẳng định cô tin tưởng anh. Cô kết nối tình cảm gia đình bằng các bữa ăn cùng nhau, những chuyến dã ngoại, du lịch vào mỗi cuối tuần.

3 năm qua, Hà Phương thỉnh thoảng về Việt Nam thực hiện MV hoặc tham gia các chương trình thiện nguyện nhưng cô thường đi một mình và không có sự đồng hành của Chính Chu.

(Nguồn: Soha)

Cô dâu Việt ở Hàn Quốc: Vượt 'cửa ải', bí quyết sống chung vui vẻ với mẹ chồng

Chị Kim Dung và chồng người Hàn Quốc quen nhau qua mai mối. Cả hai cho rằng được làm vợ chồng của nhau là duyên trời định và hiện đang hạnh phúc với cuộc sống ở xứ kim chi bên cậu con trai kháu khỉnh.

Quen nhau qua mai mối

Chị Lê Thị Kim Dung (37 tuổi, quê ở Nghệ An) có chồng là anh Kim Junil (50 tuổi, người Hàn Quốc). Chị Dung hiện là kinh doanh và sống cùng gia đình chồng ở TP.Uijeongbu, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.

13 năm trước, chị từ Nghệ An vào TP.HCM làm việc, tình cờ lúc đó anh cũng đến Việt Nam công tác. Hai người quen nhau qua mai mối khi dì của chị quen biết với cậu của anh. Từ lời giới thiệu của những người thân quên, cả hai gặp mặt và có những cuộc trò chuyện đầu tiên.

Họ nhận ra đối phương có sức hút đặc biệt, mới mẻ qua những những cuộc gặp gỡ, dòng tin nhắn điện thoại. Một năm trôi qua, anh chị chính thức trở thành người yêu. 5 tháng sau, họ nên duyên vợ chồng.

Tuy nhiên, để có thể về chung một nhà như hiện tại, cả hai cũng gặp đôi chút khó khăn. Bố mẹ chị không thích con gái lấy chồng xa vì sợ vất vả nhưng không phản ứng gay gắt. Nhìn anh quan tâm và chăm sóc chị, gia đình dần đồng ý, chấp nhận để con gái theo chồng về Hàn Quốc.

"Anh ấy hiền còn tôi thì ngược lại, tính nóng như lửa. Tôi quyết đoán bao nhiêu thì anh lại trầm tính bấy nhiêu, cả hai bù trừ cho nhau. Lúc đầu tôi vẫn tính ở lại Việt Nam vì công việc nhưng khi mang bầu được 2 tháng, vợ chồng tôi quyết định về Hàn Quốc sinh sống", chị chia sẻ.

Người phụ nữ Việt chia sẻ, cuộc sống ở Hàn Quốc khá thoải mái, chị luôn là người chủ động trong sinh hoạt hằng ngày còn anh luôn hỗ trợ.

"Tuy nhiên có một điều mà tôi phải làm thay anh là lái xe. Bình thường công việc của anh rất bận rộn nên việc lái xe đường dài anh không muốn. Thêm nữa, anh không lãng mạn cho lắm. Trong gia đình tôi là người chủ động và quyết định mọi việc. Tôi rất tôn trọng nên muốn hỏi ý kiến chồng nhưng anh toàn đồng ý nên có lúc chán không muốn hỏi nữa. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà tôi có thể rèn được tính mạnh dạn hơn", chị cười nói.

Bí quyết sống chung với mẹ chồng Hàn Quốc

Thời gian đầu khi sang Hàn Quốc sinh sống, chị khá chật vật vì những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống... Nhiều nàng dâu và mẹ chồng thường khó tìm tiếng nói chung. Chị Dung cũng gặp những vấn đề này nhưng luôn biết cách dung hòa để gia đình êm ấm.

"Mẹ chồng cũng muốn ăn thử đồ ăn Việt Nam nhưng có vẻ chỉ thích món cá kho, rau luộc còn những món đặc trưng mẹ chồng lại không ưng. Khẩu vị mọi người trong gia đình khác nhau nên nhiều khi mình nấu ăn một mình cũng không vui", chị bày tỏ.

Với việc nuôi dạy con cái, gia đình chị đã có những thỏa thuận trước khi về làm dâu, đó là con dâu được đi làm, bố mẹ chồng tôn trọng ý kiến trong vấn đề nuôi dạy con cái...

"Ngoài những điều chưa hợp ý thì bố mẹ chồng tôi khá tốt tính, chiều con dâu. Tôi vẫn nhớ lúc mang bầu, sợ tinh thần bị ảnh hưởng nên bà rất quan tâm, yêu thương. Tôi nhận ra, để gia đình luôn yên ấm thì lúc mẹ chồng nói mình lắng nghe trước rồi thể hiện ý kiến cá nhân sau. Vì cả hai cùng lên tiếng không khác gì mẹ con cãi nhau, tôi luôn dành sự tôn trọng với mẹ chồng", nàng dâu Việt bày tỏ.

Vợ chồng chị Dung có một con trai, năm nay học lớp 6. Lúc mới sang Hàn Quốc, chị bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Sau đó, vì lý do quản lý công nợ không được tốt và muốn dành nhiều thời gian cho con nên chị tập trung vào mảng giáo dục, nuôi dạy con cái.

Anh Kim Junil bày tỏ, chuyện lấy vợ người Việt Nam là duyên số. Thời gian trước anh không có ý định lấy vợ nhưng khi gặp chị Dung, hai người dường như có sợi dây kết nối với nhau từ trước.

"Vợ tôi rất thông minh, dù công việc khá bận bịu nhưng luôn chăm lo cho gia đình, con cái. Con trai tôi đã lớn nên cuộc sống khá nhẹ nhàng. Tôi vẫn thường xuyên phụ vợ làm việc nhà như sắp xếp quần áo, đồ đạc trong nhà... Tôi rất thích các món ăn Việt Nam như bún đậu mắm tôm, bún riêu…", anh nói thêm.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang