- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
Những người gốc Việt có tiền án, không giấy tờ đối mặt nguy cơ cao bị trục xuất khi ông Trump lên nắm quyền và siết kiểm soát nhập cư, luật sư cảnh báo.
Trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần chỉ trích người nhập cư trái phép, thậm chí gọi họ là "những kẻ tội phạm" đang tìm cách "xâm chiếm" nước Mỹ. Ông tuyên bố sẽ thực hiện đợt trục xuất lớn nhất lịch sử Mỹ ngay sau khi nhậm chức.
Lời cảnh báo đang dần thành hiện thực. Tổng thống đắc cử Mỹ đã chọn cựu giám đốc cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) Thomas Homan, quan chức có quan điểm cứng rắn trong nhập cư, làm "ông trùm biên giới" phụ trách nỗ lực trục xuất quy mô lớn. Đội ngũ cố vấn của ông Trump được cho là đang soạn các sắc lệnh để ông có thể triển khai kế hoạch trục xuất ngay trong ngày nắm quyền đầu tiên.
Ông Trump chưa nêu cụ thể các nhóm sẽ bị trục xuất, nhưng Lê Thanh Mai, luật sư nhập cư gốc Việt tại bang Michigan, cho hay chính sách này dự kiến gây tác động lớn tới cộng đồng người Việt ở Mỹ.
"Các chính sách trục xuất người nhập cư không giấy tờ, có tiền án nhắm vào người gốc Việt có thể tái xuất hiện trong nhiệm kỳ mới của ông Trump", luật sư Thanh Mai nói với VnExpress.
Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, khoảng 2,3 triệu người gốc Việt sinh sống tại nhiều bang ở nước này, tạo thành nhóm dân gốc Á lớn thứ tư, sau người gốc Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã thực hiện chính sách siết kiểm soát nhập cư. ICE đã ban hành lệnh trục xuất với khoảng 10.000 người Việt ở hàng loạt bang, hầu hết là những trường hợp đã có thẻ xanh nhưng chưa nhập tịch và có tiền án.
ICE khi đó đã mở chiến dịch truy quét người Việt nhập cư có tiền án, bắt hơn 100 người, tạm giam họ trong nhiều tháng chờ trục xuất. Chiến dịch được thực hiện dù Việt Nam và Mỹ đã ký Hiệp định song phương năm 2008, trong đó hai nước thống nhất những người Việt đến Mỹ trước ngày 12/7/1995, thời điểm Việt - Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao, sẽ không bị trục xuất.
Trong số 10.000 người Việt nhận lệnh trục xuất, có khoảng 8.000 người đến Mỹ trước năm 1995. Họ ban đầu không phản đối lệnh trục xuất vì tin rằng mình không thuộc diện này nhờ Hiệp định song phương năm 2008.
Chính quyền ông Trump trong nhiệm kỳ đầu đã đơn phương giải thích lại thỏa thuận, cho rằng những người có tiền án không thuộc diện bảo vệ theo luật nhập cư mở rộng. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khi đó là Ted Osius đã phản đối động thái này và xin từ nhiệm, rút khỏi Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cộng đồng người Việt ở nhiều nơi trên nước Mỹ năm 2018 đã tổ chức biểu tình, lên án chính sách trục xuất này là "bất công và tàn nhẫn".
"Nhiều người Việt đến Mỹ khi còn trẻ, nỗ lực tái định cư giữa nhiều khó khăn, thiếu sự hỗ trợ, nên một số mắc sai lầm. Nhưng nhiều người trong số đó đã hướng thiện, có cuộc sống đàng hoàng, không nên tách họ khỏi gia đình, công việc", Tania Pham, luật sư nhập cư hỗ trợ 40 người Việt bị tạm giam chờ trục xuất trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nói.
Sau khi vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận, chính quyền ông Trump vào cuối năm 2018 đã rút lại quyết định trục xuất nhóm người Việt trên.
Tuy nhiên, luật sư Tania cảnh báo rằng trong nhiệm kỳ hai, ông Trump có thể rút kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn, đẩy nhanh tiến độ trục xuất trước khi bị các bên phản đối.
"Mức độ thực thi của các chính sách trục xuất nhắm vào người gốc Việt lần này có thể sẽ nặng tay hơn", Tania nhận định.
Stephen Miller, cố vấn hàng đầu về nhập cư của ông Trump, cho biết chính quyền Trump nhiệm kỳ hai sẽ tăng lượng người trục xuất gấp 10, lên hơn một triệu người mỗi năm. Ngày 18/11, ông Trump ám chỉ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sử dụng quân đội để trục xuất hàng loạt người nhập cư không giấy tờ.
Luật sư Thanh Mai ở Michigan đồng tình với Tania, cho rằng quy mô đợt trục xuất lần này sẽ lớn hơn so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump, dù bày tỏ hoài nghi về khả năng Tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp để trục xuất người nhập cư.
Luật liên bang Mỹ không cho phép sử dụng quân đội để thực thi luật bang, trong đó có việc trục xuất, trừ vài ngoại lệ liên quan đến bạo loạn, ngoại xâm, Thanh Mai giải thích. Ông Trump từng nhiều lần tìm cách áp dụng ngoại lệ này nhưng không thành công do vấp phải trở ngại từ tòa án.
Bên cạnh việc trục xuất người nhập cư trái phép, ông Trump cũng đề cập nhiều đến việc thu hút lao động chất lượng cao tới nước Mỹ. Do vậy, chính phủ Mỹ sẽ phải dàn đều nguồn lực và thời gian để giải quyết các hồ sơ còn tồn đọng cho nhóm lao động nhập cư hợp pháp này. "Khả năng cao ông Trump sẽ chỉ tăng cường hoạt động của ICE và cảnh sát, thay vì huy động quân đội tham gia chiến dịch trục xuất", nữ luật sư dự đoán.
Nhưng nhiều người gốc Việt ở Mỹ đang sống trong lo âu, thấp thỏm với chính sách ông Trump có thể thực hiện và đã liên lạc với văn phòng luật sư để nhờ tư vấn, luật sư Tania cho biết.
Một trong số đó là ông Hoang Nguyen, 56 tuổi, người từ Việt Nam đến hạt Orange, bang California 40 năm trước và làm việc trong ngành công nghiệp điện tử. California có cộng đồng người Việt lớn nhất tại Mỹ với hơn 700.000 người, chiếm 35% dân số người Mỹ gốc Việt ở nước này.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, các sĩ quan ICE đã đến nhà ông Hoang, áp giải ông đến một trại giam ở Los Angeles.
"Họ thả tôi về nhà sau 4 tiếng mà không nêu lý do. Sự việc khiến tôi và gia đình căng thẳng tột độ, phải tiến hành các động thái nhằm điều chỉnh trạng thái pháp lý của tôi với chi phí gần 50.000 USD, song vẫn chưa được giải quyết", ông Hoang nói.
Luật sư Tania đã hỗ trợ ông Hoang trong quá trình kháng cáo đầu tiên năm 2017. Trước nguy cơ bị đưa vào danh sách trục xuất trong nhiệm kỳ mới của ông Trump, ông Hoang dự định tiếp tục đấu tranh pháp lý, tìm đến các công ty luật, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người gốc Việt ở Mỹ.
"Tôi rất lo lắng, sợ phải xa người thân, có thể mất việc, ảnh hưởng đến khả năng chu cấp cho con tôi học đại học, chưa kể nỗi căng thẳng liên tục trong cuộc chiến pháp lý và gánh nặng tài chính nó gây ra", ông Hoang chia sẻ.
"Tôi chỉ muốn được gần gia đình và cộng đồng trong những năm còn lại ở Mỹ. Tôi muốn làm điều đó một cách đúng đắn, bằng cách cam kết điều chỉnh lại tình trạng pháp lý của mình, để không bị coi là người nhập cư bất hợp pháp", ông nói.
Ông Derek Trần (Đảng Dân chủ) đã giành chiến thắng trước dân biểu đương nhiệm của Đảng Cộng hòa Michelle Steel ở địa hạt 45 của California, ngay từ lần tranh cử đầu tiên.
“Thật là một vinh dự lớn khi được bầu để phục vụ nhân dân trong Địa hạt bầu cử số 45 tại California,” ông viết trên mạng xã hội X vào ngày 27/11, không quên cảm ơn người thân trong gia đình, bạn bè, người ủng hộ và các cử tri.
Phần lớn cử tri trong hạt này là người Mỹ gốc Á.
Theo ông Trần, cũng trong ngày 27/11, bà Steel đã gọi điện cho ông để thừa nhận thua cuộc.
Trước đó vài ngày, ông Derek Trần đã tự tuyên bố chiến thắng trên X, trong đó có đoạn:
“Chỉ có ở nước Mỹ, một người tị nạn chạy trốn trên mình không có gì ngoài quần áo mới có thể vươn lên trở thành nghị sĩ Quốc hội chỉ trong một thế hệ.”
Ông Derek Trần là người Mỹ gốc Việt đầu tiên trở thành dân biểu liên bang đại diện cho California, tiểu bang có khu Little Saigon, Quận Cam. Đây được coi là một dấu mốc lịch sử vì sau 50 năm định cư, lần đầu tiên thủ phủ của người Việt tị nạn tại Mỹ có đại diện trong quốc hội liên bang.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu, người dân ở Quận Cam bầu cho bà Steel nhiều hơn, với hiện tại là 142.674 phiếu so với 139.048 phiếu dành cho ông Trần. Ông Trần đã lật ngược tình thế với cách biệt hơn 4.000 phiếu tại Quận Los Angeles (số liệu tính tới sáng 27/11).
Theo Politico, cuộc đua giữa ông Trần và bà Steel là cuộc tranh cử dân biểu tốn kém nhất trong cuộc bầu cử lần này, khi ít nhất có đến 46 triệu USD được chi.
Cũng theo trang này, Đảng Dân chủ đã kỳ vọng xuất thân là con trai của dân tị nạn Việt Nam giúp ông Trần chiến thắng bà Steel.
Các nhân vật nổi bật của cả hai đảng như cựu Tổng thống Bill Clinton, lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Kareem Jeffries đã đến Quận Cam để vận động cho ông Trần trong khi phe Cộng hòa có Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson tham gia vận động cho bà Steel.
Vào ngày 27/11, cả ông Trần và bà Steel đã nộp hồ sơ tái tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2026.
Hiện tại, Đảng Cộng hòa đã giành được 220 ghế tại Hạ viện, chiếm đa số, trong khi Đảng Dân chủ nắm 214 ghế.
Còn một cuộc đua chưa biết người thắng diễn ra ở Địa hạt 13 của California giữa ông Adam Gray thuộc Đảng Dân chủ và Hạ nghị sĩ Cộng hòa đương nhiệm John Duarte. Ông Duarte đang thua ông Gray gần 200 phiếu.
Quan điểm chính trị của ông Derek Trần
Ông Derek Trần, 44 tuổi, con của một gia đình tị nạn người Việt, là cựu chiến binh từng tham chiến ở Iraq và hiện là luật sư.
Theo thông tin trên trang web của ông Trần, cha mẹ của ông “đã trốn chạy khỏi chế độ Cộng Sản ở Việt Nam để con cái của họ có cơ hội biến Giấc mơ Mỹ thành hiện thực ở Miền Nam California”.
Theo Los Angeles Times, bố ông Trần từng chạy khỏi Việt Nam sau khi Sài Gòn thất thủ năm 1975. Do thuyền lật, vợ con của ông đã thiệt mạng. Ông quay lại Việt Nam, gặp và cưới một người phụ nữ khác là mẹ của ông Trần.
Trong tuyên bố ngày 25/11, ông cũng nhắc tới quá khứ của mình:
"Chiến thắng này là minh chứng cho tinh thần và sự kiên cường của cộng đồng chúng ta.
[…]
“Cha mẹ tôi đến đất nước này để thoát khỏi sự áp bức nhằm theo đuổi Giấc mơ Mỹ, và câu chuyện của họ phản ánh hành trình của rất nhiều người ở đây, ở Nam California."
Trong giai đoạn tranh cử, ông Trần xoáy sâu vào chỉ trích việc bà Steel từng ủng hộ lệnh cấm phá thai toàn quốc.
Ông ủng hộ hoàn toàn quyền lựa chọn sinh sản và quyết tâm bảo vệ nguồn tài trợ cho Tổ chức kế hoạch hóa gia đình Mỹ cũng như quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế quan trọng dành cho phụ nữ, theo trang web của ông.
Ông tự nhận mình là một người có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, vì rằng ông “hiểu rõ tác hại của các chính phủ toàn trị và cam kết quyết liệt chống lại chế độ Cộng Sản Trung Quốc”.
Một số yếu tố ông khẳng định sẽ thúc đẩy tại Quốc hội gồm dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận.
“Bằng cách đối đầu trực diện với các thách thức do chủ nghĩa cộng sản và Trung Quốc đặt ra, Derek tin rằng nước Mỹ có thể duy trì các giá trị tự do và dân chủ mà cha mẹ ông theo đuổi khi họ đến đất nước này, đồng thời bảo đảm một tương lai tươi sáng hơn cho các thế hệ mai sau,” website của ông nêu.
Một số chủ đề chính trị khác ông Trần tập trung vào là quyền súng đạn, vấn đề nhóm lợi ích và tham nhũng.
Về súng đạn, ông Trần sẽ vận động thông qua các luật sử dụng súng an toàn, hợp lý, gồm kiểm tra lý lịch toàn diện của người mua và lệnh cấm vũ khí tấn công, đồng thời tăng cường lực lượng cảnh sát đường phố. Ông cũng cho biết mình sẽ đấu tranh để chấm dứt nạn tham nhũng ở Mỹ, hạn chế tầm ảnh hưởng từ giới vận động hành lang và các nhóm lợi ích.
Ngoài ông Derek Trần, từng có hai người Mỹ gốc Việt từng làm dân biểu liên bang. Người đầu tiên là ông Joseph Cao Quang Ánh, dân biểu địa hạt 2 của bang Louisiana từ tháng 1/2009 tới tháng 1/2011. Người còn lại là bà Đặng Thị Ngọc Dung (Stephanie Murphy), dân biểu địa hạt 7 của Florida tử tháng 1/2017 tới tháng 1/2023.
Ở cấp bang, một số người Mỹ gốc Việt giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, gồm:
Hạ viện tiểu bang, Địa hạt 10, vùng Sacramento: Stephanie Nguyễn (Dân chủ) tái đắc cử với 67,7% số phiếu.
Hạ viện tiểu bang, Địa hạt 70, Quận Cam: Trí Tạ (Cộng hòa) tái đắc cử với 54,7% số phiếu.
Thành viên hội đồng giám sát Quận Cam, Đơn vị 1: Janet Nguyễn thắng với 61,2%, dù trước ngày bầu cử vài tuần ông Anrew Đỗ, thành viên giám sát đương nhiệm, đã phải từ chức vì bị cáo buộc tham nhũng, hối lộ.
Thành viên hội đồng giám sát Quận Santa Clara, Đơn vị 2 vùng San Jose: Betty Dương thắng với 53,4%. Chiến thắng của bà Dương ghi dấu lần đầu tiên có đại diện gốc Việt trong hội đồng giám sát quận vùng San Jose, khu vực có trên 100.000 cư dân gốc Việt sinh sống, đông thứ nhì ở California.
Sau khi chạy ra ngoài để lấy gói đồ từ người giao hàng, Trần Hường (ở Seoul, Hàn Quốc) cảm thấy tóc (chưa sấy sau khi gội) như bị đông đá.
Đi bộ 3km vì tuyết rơi khiến xe buýt không thể di chuyển
Đầu tuần, Trần Hường nhận được thông báo từ cơ quan khí tượng về đợt tuyết rơi đầu tiên tại Hàn Quốc trong mùa đông năm nay.
Sáng 26/11, cô rời Seoul đến Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc), cách thủ đô khoảng 2 tiếng đi xe buýt. Chiều tối, tuyết bất ngờ rơi dày, nhiệt độ nhanh chóng giảm từ mức 3-4 độ C xuống ngưỡng dưới 0 độ C. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, tuyết phủ kín đường, các cánh đồng chìm trong màu trắng xóa.
Sau khi ra ngoài ăn tối cùng bạn, trên đường trở về, Trần Hường chứng kiến thời tiết xấu đi nhanh chóng. Tuyết rơi dày khiến các con đường bị tắc nghẽn. Xe buýt không thể di chuyển, tài xế yêu cầu hành khách xuống đi bộ.
"Quãng đường 3km về nhà bạn tôi dài vô tận. Toàn bộ chân tay và cơ thể tôi lạnh buốt vì giá rét. Tôi phải lội giữa lớp tuyết dày 12cm, xung quanh chỉ toàn một màu trắng xóa.
Sáng hôm sau, tôi quay lại Seoul bằng tàu điện. Mọi người không thể lái ô tô do trơn trượt nên lượng khách đi tàu đông gấp 2-3 lần ngày thường", Trần Hường chia sẻ.
Về đến Seoul, trước mắt Trần Hường, đường phố và các tòa nhà phủ đầy tuyết trắng. Người đi bộ co ro trong những chiếc áo phao kín mít, cẩn thận nhích từng bước. Đứng trên vỉa hè, cô gái Việt Nam cảm nhận cái lạnh thấm vào da thịt, buốt đầu và khó chịu ở mũi do viêm xoang.
Bước vào căn hộ ấm áp, Trần Hường tranh thủ dọn dẹp nhà cửa và gội đầu. "Vừa gội đầu xong, chưa kịp sấy tóc, tôi nhận được cuộc gọi từ người giao hàng thông báo xuống nhận hàng nên vội vàng chạy ra ngoài. Chỉ 5 phút sau, mái tóc ướt của tôi như bị đông đá, cứng đơ. Tuyết rơi không phải là lúc lạnh nhất. Khi tuyết tan, tôi mới cảm nhận rõ cái giá buốt", Trần Hường chia sẻ.
Trong đoạn video được cô gái này chia sẻ trên mạng, chiếc áo phông màu trắng vừa được giặt bằng tay, phơi ngoài ban công đã đông cứng như miếng bánh đa.
"Trong những ngày tuyết rơi nhiều, áo quần vừa phơi ở ban công bị đóng băng ngay sau 5 phút. Cho nên, vào mùa đông, tôi thường phơi quần áo trong nhà, không dám phơi ở ban công", Trần Hường chia sẻ.
Đã sống tại Hàn Quốc suốt 9 năm, cô không còn xa lạ với những trận tuyết rơi. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên Trần Hường chứng kiến tuyết rơi đầu mùa dày như năm nay.
Nhiều người đến từ các quốc gia vùng nhiệt đới thích thú khi thấy tuyết. Tuy nhiên, hiện tượng thiên nhiên này mang đến nhiều phiền toái.
Tuyết rơi liên tục trong suốt nhiều giờ ở Seoul và các tỉnh lân cận khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Việc di chuyển gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi lái ô tô trên các con đường trơn trượt. Hầu hết ga tàu điện ngầm trở nên quá tải, còn đi bộ trên vỉa hè tiềm ẩn nguy cơ trượt ngã, dẫn đến chấn thương.
Tuyết rơi ảnh hưởng nặng nề tới những vùng sản xuất nông nghiệp. Các loại rau, củ ở Hàn Quốc phải trồng trong nhà kính suốt 3-4 tháng mùa đông dẫn đến giá cả tăng hơn so với mùa hè.
Từ chiều 28/11, tuyết đã ngừng rơi ở Seoul, trời bắt đầu có ánh nắng. Các công nhân tất bật dọn dẹp tuyết trên nhiều tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện di chuyển.
Tuyết rơi dày hiếm có
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho hay, trận tuyết vừa trút xuống Seoul là trận tuyết dày thứ ba ở thành phố này, tính từ năm 1907 đến nay.
Tuyết rơi dày khiến 140 chuyến bay phải hủy bỏ, nhiều chuyến bay bị chậm, thời gian chậm chuyến trung bình khoảng 2 tiếng.
Theo ghi nhận vào sáng 28/11, tuyết rơi ở Seoul dày 28,6cm - mức hiếm có trong tháng 11 và mùa đông nói chung. Đây cũng là mức kỷ lục về độ dày của tuyết đầu mùa ở nước này.
Đến nay, ít nhất 5 người tử vong do tuyết rơi ở tỉnh Gyeonggi, giáp Seoul. Trong đó, có 4 nạn nhân thiệt mạng do sức nặng của tuyết làm sập nhà, còn một nạn nhân bị tai nạn giao thông do xe buýt trượt bánh.
Ngoài ra, 11 người bị thương trong vụ tai nạn liên hoàn giữa 53 ô tô trên cao tốc ở Wonju (Gangwon, Hàn Quốc).
Tuyết đã ngừng rơi ở Seoul, Incheon, phía bắc Gyeonggi và Gangwon. Tuy nhiên, các tỉnh Chungcheong và Jeolla được dự báo vẫn có tuyết rơi trong ngày 29/11. Thậm chí, một số khu vực bao gồm cả đảo Jeju ở miền nam Hàn Quốc sẽ có tuyết rơi đến sáng 30/11.
Chính quyền thành phố Seoul cho biết, hơn 11.000 người và gần 20.000 thiết bị đã được huy động để dọn tuyết trên đường giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.
Nguồn: Vnexpress; BBC; Dân Trí
Người Việt hải ngoại: Gây tai nạn, người phụ nữ bị kiện ở Mỹ; Tỷ phú bị người mẫu Mỹ kiện; Vụ Đàm Vĩnh Hưng kiện chồng ca sĩ Bích Tuyền
Người Việt hải ngoại: Đêm lo lắng tại Hàn Quốc; Cơ hội vàng cho chuyên gia AI Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Người Việt hải ngoại: Phở vươn tầm thế giới; 38 người ‘mất tích’ ở đảo Jeju; Làm giả thẻ My Number ở Nhật; Ngọc Quyên đón Noel ở Mỹ
Người Việt hải ngoại: ‘Chào tân sinh viên’ tại Nga; Chàng trai Pháp tìm mẹ ruột ở Bắc Kạn; Một quản lý bị bắt ở Lào
Người Việt hải ngoại: Kịch tính bầu cử ở Mỹ; Người đầu tiên thắng giải TechWomen 100; Đột nhập nhà dân, 3 người bị bắt ở Ibaraki
Người Việt hải ngoại: Hỗ trợ trẻ em tại Hungary; Phó giáo sư tại Nam Úc; Derek Trần tuyên bố chiến thắng; Du học sinh khiếu nại công ty Nhật
Người Việt hải ngoại: Đại hội bóng đá tại Nhật; Cô gái Pháp tìm thấy mẹ ruột; Nữ nghệ sĩ guitar làm say đắm công chúng Bỉ
Người Việt hải ngoại: Chi đậm cho lễ Tạ ơn; ‘Hoa văn hóa’ tại Úc; Nữ khoa học gia cấp cao ở Mỹ; 4 điểm tập kết trộm cắp tại Nhật
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá