Người Việt hải ngoại: Hỗ trợ trẻ em tại Hungary; Phó giáo sư tại Nam Úc; Derek Trần tuyên bố chiến thắng; Du học sinh khiếu nại công ty Nhật

NGƯỜI VIỆT TẠI HUNGARY CHUNG TAY HỖ TRỢ TRẺ EM KHÓ KHĂN, KHUYẾT TẬT

Hội chợ Từ thiện Ngoại giao là dịp để Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam sẵn sàng chung tay chia sẻ khó khăn, biến ước mơ của trẻ em cần được hỗ trợ.

Ngày 24/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary đã tham gia Hội chợ Từ thiện Ngoại giao lần thứ 13 do Hội phu nhân ngoại giao Budapest tổ chức.

Sự kiện diễn ra tại Trung tâm Quốc phòng Balna Budapest dưới sự bảo trợ của Phu nhân Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Szilvia Szijjártó-Nagy.

Đây là sự kiện thường niên của ngoại giao đoàn với mục đích đem đến một không gian đặc sắc, đa sắc màu với các chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú và ẩm thực đa dạng từ các quốc gia trên thế giới, trưng bày-bán sản phẩm đặc trưng các nước để gây quỹ thông qua các tổ chức từ thiện Hungary hỗ trợ các trẻ em khó khăn, khuyết tật, tự kỷ.

Tham gia hội chợ năm nay có hơn 20 Đại sứ quán, các doanh nghiệp nước ngoài tại Budapest, thu hút hàng trăm nhà ngoại giao, chuyên gia, truyền thông và đông đảo người dân Hungary, tạo thành một sự kiện sôi động, ấn tượng.

Đã thành truyền thống nhiều năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary tiếp tục tham gia, lần này mở rộng hơn với 2 gian hàng giới thiệu đồ lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và gian hàng ẩm thực giới thiệu sản phẩm đã trở thành thương hiệu của Việt Nam, trong đó có món nem rán và cà phê sữa đá.

Gian hàng thủ công mỹ nghệ của Đại sứ quán Việt Nam thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, cũng như truyền thông sở tại đến thăm, đưa tin và hình ảnh về Việt Nam tới bạn bè Hungary và quốc tế.

Gian hàng của Đại sứ quán Việt Nam để lại ấn tượng với hình ảnh áo dài, sự chào đón nồng nhiệt, ẩm thực hấp dẫn cùng nhiều đồ lưu niệm là các bản đồ du lịch, hình ảnh biển đảo Việt Nam, thông tin về đầu tư kinh tế-xã hội của Việt Nam và các tỉnh thành.

Cuối chương trình, Đại sứ quán Việt Nam đã quyên góp phần lớn doanh thu trong ngày qua Ban tổ chức để gửi đến các tổ chức từ thiện Hungary, bao gồm Quỹ cùng nhau vì tự kỷ, Quỹ văn hóa hỗ trợ người khuyết tật, Quỹ hỗ trợ trẻ em hòa nhập xã hội Mohamano.

Hội chợ Từ thiện Ngoại giao là dịp để Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam sẵn sàng chung tay chia sẻ khó khăn, biến ước mơ của trẻ em cần được hỗ trợ thành hiện thực, đồng thời lồng ghép hoạt động tuyên truyền thông tin đối ngoại, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện và hiếu khách trong mắt Đoàn ngoại giao, bạn bè Hungary và quốc tế.

 

 

PHÓ GIÁO SƯ & BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG TẠI NAM ÚC

Gặt hái nhiều thành công ở nước Úc, theo PGS. Ngô Tuyết Mai, bí quyết của chị ai cũng có thể áp dụng và mang lại hiệu quả bất ngờ.

Đó là hạnh phúc. Bí quyết hạnh phúc trong giáo dục

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chị Ngô Tuyết Mai (SN 1973) hiện là PGS giảng dạy tại Đại học Flinders ở thành phố Adelaide, thủ phủ Nam Australia. Cuối năm 2022, chị Tuyết Mai - người châu Á duy nhất giảng dạy ngành sư phạm tiếng Anh tại ĐH Flinders, giành giải giảng dạy xuất sắc nhất năm của trường này.

Nhân dịp về Việt Nam tham dự Hội thảo Quốc tế "Hạnh phúc trong giáo dục" (ngày 23 - 24/11 tại Hà Nội), PGS Ngô Tuyết Mai vừa có những chia sẻ rất thú vị về hành trình ở Flinders và chủ đề của Hội thảo.

Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức, với sự đồng hành của trường TH School và Tập đoàn TH. Đây là một sự kiện đặc biệt hướng đến việc thúc đẩy hạnh phúc trong giáo dục. Hội thảo có quy mô lớn, diễn ra trong 2 ngày, quy tụ gần 10 chuyên gia quốc tế uy tín, gồm các phiên được thiết kế riêng cho các nhà quản lý giáo dục, phụ huynh và giáo viên, nhằm tạo cơ hội trao đổi và học hỏi cách thức xây dựng môi trường giáo dục tích cực.

PGS Ngô Tuyết Mai là một trong những chuyên gia có những chia sẻ thú vị tại Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục 2024. Nữ PGS này sẽ có 3 bài diễn thuyết quan trọng tại hội thảo, bao gồm: "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui"; "Hành trình chuyển đổi để trở thành cha mẹ hạnh phúc" và "Thúc đẩy sự hạnh phúc và sức khỏe cảm xúc xã hội trong trường học và lớp học".

Chủ đề "Hạnh phúc trong giáo dục" thu hút sự quan tâm sâu sắc, bởi hạnh phúc là nền tảng giúp học sinh phát triển trí tuệ, nuôi dưỡng tâm hồn và đạt được sự xuất sắc. Thông qua hội thảo, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực mong muốn góp phần lan tỏa những giá trị tích cực trong giáo dục, hướng tới một thế hệ học sinh phát triển toàn diện và hạnh phúc. 

"Tôi từng gặp rất nhiều khó khăn"

Từng là trưởng khoa của một trường ĐH lớn ở Việt Nam – Đại học Hà Nội, nhưng chị đã lựa chọn bắt đầu lại sự nghiệp từ đầu ở đất nước Úc xa xôi. Trong quá trình này, chắc hẳn chị gặp phải không ít khó khăn?

Tôi thích từ "cơ hội học tập" hơn là khó khăn. Bởi khi mình thấy khó khăn thì sẽ thấy ngại, nản và không thấy hạnh phúc. Để hạnh phúc thì mình nên coi tất cả những thách thức đó là cơ hội học tập.

Với tôi, thách thức đầu tiên là văn hóa. Tôi từng học tập và làm việc tại Việt Nam cho tới ngoài 40 tuổi mới định cư ở Úc. Điều đó có nghĩa là văn hóa Việt đã ăn khá sâu vào trong cách suy nghĩ, cách làm việc, cách nói chuyện… của tôi. Đến khi làm việc ở Khoa xã hội nhân văn của ĐH Flinders, tôi là người Việt duy nhất, cũng là người châu Á duy nhất ở đây..

Thách thức thứ hai là dễ bị tự ti. Bởi vì xuất phát điểm của tôi được coi là thấp hơn so với các giảng viên ở Flinders. Khi mới được tuyển vào trường, họ yêu cầu tôi thử việc trong 2 năm, trong khi trước đó tôi từng là trưởng khoa tại một ĐH lớn của Việt Nam. Đây thực sự là một thách thức cá nhân rất lớn với tôi. Lúc đó, có rất nhiều người hỏi vì sao tôi lại chấp nhận đánh đổi để đến với một môi trường mới như vậy. Bởi nếu ở lại Việt Nam, với vị trí và kinh nghiệm, tôi có thể tiến xa hơn trong công việc. Thế nhưng, trong cái khó khăn đó tôi lại rút ra được bài học và cơ hội học tập mới là "làm thế nào để bạn vẫn tư duy tích cực?". Tôi luôn tâm niệm rằng cuộc đời là những trải nghiệm, một cuốn sách, một hành trình, thay vì cuộc đua. Giai đoạn tôi ở Việt Nam là một chương sách trong cuốn sách cuộc đời. Và bây giờ tôi muốn mình bước sang một chương mới. Vâng, đó là chương hành trình Ngô Tuyết Mai ở Úc.

Thách thức thứ ba với tôi là gia đình. Bởi khi quyết định sang Úc, tôi và cả gia đình nhỏ cùng đi. Làm thế nào để cho gia đình cũng lạc quan như mình lại là một thách thức không nhỏ.

Rồi lúc đó còn có câu hỏi "Tương lai ra sao"? Tôi cũng không nghĩ được là Covid-19 xảy ra. Từ Úc về Việt Nam chỉ có 9 tiếng di chuyển. Do đó, tôi nghĩ việc trở về thăm nhà rất dễ dàng. Nhưng khi Covid-19 xảy ra, tôi không thể về Việt Nam trong 3 năm. Trong quãng thời gian đó, có người thân của tôi bị ốm và mất, nhưng tôi không về được. Đây là thách thức cực kỳ lớn với tôi.

Sau những chông gai đó, tôi nghĩ rằng để hạnh phúc bạn cũng cần phải có những nỗi buồn. Còn nếu lúc nào bạn cũng hạnh phúc thì khó có thể biết được là bạn đang thực sự hạnh phúc.

Sau rất nhiều thử thách, sự đánh đổi và cả những nỗi buồn, hiện tại, chị có hạnh phúc không?

Tôi rất hạnh phúc. Bởi vì tôi được sống ở hai thế giới và tôi vẫn được tiếp tục đóng góp cho Việt Nam, bằng cách kết nối với cộng đồng giáo viên Việt Nam để giúp họ có được những kỹ năng, kiến thức của phương Tây mang tính ứng dụng mà họ không phải vất vả như tôi. Họ có thể học một cách dễ dàng thông qua hình thức trực tuyến qua zoom.

Tôi hạnh phúc vì tôi có tới 2 quê hương, được sống và làm việc ở hai nơi. Điều đó có nghĩa là hạnh phúc nhân đôi.

Với niềm hạnh phúc nhân đôi đó, chị mang gì tới (dự định trao đổi gì) tại Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục?

Tại hội thảo này, tôi sẽ có bài trình bày về tầm quan trọng của hạnh phúc trong giáo dục. Ngoài ra, tôi có 2 bài chuyên đề trao đổi nhỏ trò chuyện với giáo viên, phụ huynh và các nhà lãnh đạo của trường TH School và cơ quan quản lý giáo dục.

Trong bài trình bày tại phiên khai mạc của Hội thảo, chia sẻ về tầm quan trọng của hạnh phúc trong giáo dục, tôi sẽ bắt đầu với câu khẩu hiệu quen thuộc "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Đây là câu khẩu hiệu rất quen thuộc ở Việt Nam. Nhưng thực tế, có bao nhiêu giáo viên trước khi bước vào lớp học nhớ đến câu đó? Có bao nhiêu giáo viên tư duy và hành động theo phương châm rằng ngày hôm nay sẽ là ngày mà mình đem thêm một niềm vui nào đó vào "ngân hàng hạnh phúc" của học sinh?

Cha mẹ, phụ huynh cũng là người thầy đầu tiên và thường xuyên của con cái. Nhưng có bao giờ khi gặp con, cha mẹ tự hỏi là mình sẽ làm gì để đem niềm vui gửi vào ngân hàng hạnh phúc của con? Thay vào đó, chúng ta bắt gặp những lời mắng, trách móc nhiều hơn, như "sao không học đi", "sao chơi Internet nhiều thế", "sao con không học tập bạn kia đi"… Việc so sánh và trách móc theo cách đó có thực sự mang lại hiệu quả giáo dục gì và con bạn có được bồi đắp, nuôi dưỡng trở thành những cá nhân vui vẻ hạnh phúc không?

Ngoài ra, tại Hội thảo, tôi cũng sẽ chia sẻ một thông điệp dựa trên nghiên cứu khoa học. Đó là, để một trường học trở thành nơi hạnh phúc thì bạn phải đào tạo được tất cả những người liên quan, đặc biệt là thầy cô  cách để trở nên hạnh phúc. Bởi nếu thầy cô không hạnh phúc thì thầy cô cũng không thể nào làm được cho học sinh hạnh phúc. Và như tôi vừa đề cập bên trên, người thầy cô quan trọng nhất của học sinh lại là phụ huynh. Đây là những người có vai trò rất quan trọng để giúp cho học sinh trở nên hạnh phúc hơn.

Ở Việt Nam, mọi người thường nói với nhau là "làm giáo viên là làm dâu trăm họ". Nghề này rất áp lực và vất vả. Trong những năm qua, tôi đã chia sẻ nhiều về "làm thế nào để trở thành giáo viên hạnh phúc?", "làm thế nào để giúp giáo viên giảm tải, giảm áp lực" và cũng đã giúp đỡ được phần nào cho hàng trăm giáo viên ở nhiều tỉnh thành Việt Nam.

Thầy cô hạnh phúc vẫn chưa đủ để khiến học sinh hạnh phúc

Chị đánh giá thế nào về ý nghĩa của Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục? Bởi một hội thảo với quy mô lớn, diễn giả uy tín và có cách tiếp cận toàn diện như thế này không thường xuyên được tổ chức ở Việt Nam.

Tôi nghĩ ý nghĩa lớn nhất của hội thảo này là giúp những người quan trọng và có liên quan tới giáo dục thay đổi. Hội thảo quốc tế "Hạnh phúc trong Giáo dục" có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo của các trường học, các chuyên gia, các giáo viên, phụ huynh. Tôi thấy đây là hội thảo rất ý nghĩa và rất rộng, với tất cả những người liên quan tới hạnh phúc trong giáo dục. Việc này khiến cho tất cả những người tham dự hội thảo này đều thấy mình ở trong đó và cùng thay đổi.

Thầy cô hạnh phúc vẫn chưa đủ. Theo tôi, người lãnh đạo trong các trường học, phụ huynh cũng hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc.

Theo tôi, Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục còn là một sáng kiến sẽ góp phần làm nên sự thay đổi và sự lan tỏa ra ngoài Việt Nam. Bởi vì để thay đổi thì chúng ta trước tiên cần phải có tầm nhìn hướng tới một cái mới hơn.

Tên của hội thảo đã thể hiện tầm nhìn của giáo dục là hạnh phúc chứ không phải là điểm số hay thành tích thi cử đơn thuần. Hơn nữa, hội thảo còn mời rất nhiều chuyên gia đến từ các nơi trên thế giới, nên đây là sẽ là dịp chúng ta có cơ hội để lắng nghe, học hỏi  những kiến thức, ý tưởng mới, kỹ năng… để giúp cho sự thay đổi diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, đây sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo trường học, những người tham dự gồm phụ huynh, giáo viên…, nhận ra rằng thực ra chúng ta có rất nhiều nguồn lực trong tay và phải biết là chạm vào nguồn lực nào  khi chúng ta cần.

Tựu trung lại, giá trị rất lớn của hội thảo giúp chúng ta có tầm nhìn, kỹ năng, sáng kiến và nguồn lực.

Từng học tập ở cả Việt Nam và nước ngoài, cũng như trực tiếp giảng dạy, chị đánh giá như thế nào về môi trường học tập của các trường học tại Việt Nam?

Thứ nhất, giáo dục ở Việt Nam tuy đã được cải thiện nhiều mặt, nhưng có một đặc điểm là vẫn đang "đặt nặng" điểm số. Từ trường học, thầy cô cho đến cha mẹ, tất cả đều thường lấy điểm số làm thước đo thành công.

Ví dụ, bản thân tôi khi ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi điều này. Khi đón con tan học, gặp con, tôi – một người trong ngành giáo dục, hiểu về tầm quan trọng của niềm vui học tập, chỉ hỏi hôm nay con có vui không, nhưng khi con bảo hôm nay con chỉ được 6 điểm thì tôi cũng không vui. Lúc đó tôi quên luôn câu "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" và trong đầu chỉ nghĩ sao hôm nay con được 6 điểm. Thực tế, có cha mẹ thì khi đón con tan học đã hỏi luôn: "Hôm nay con được mấy điểm?" Khi con nói 9 điểm thì lại hỏi rằng tại sao không phải là 10, lớp con có bao nhiêu bạn được 10 điểm? Theo bạn, đứa trẻ có thể vui vẻ và hạnh phúc không, bởi được tận 9 điểm rồi, không tệ nhé, mà cha mẹ vẫn chưa hài lòng và lại mong điểm 10.

Trong khi đó, theo quan sát của tôi, ở phương Tây, các phụ huynh lại thường không bắt đầu bằng câu hỏi "hôm nay con được bao nhiêu điểm" mà đặt nặng vào mối quan hệ và cảm xúc. Khi đón con, một phụ huynh ở Úc thường hay hỏi: "Hôm nay con chơi được thêm với bao nhiêu người bạn? Hôm nay con biết được thêm bạn mới không?", "Hôm nay con học được gì mới khiến con vui không?". Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới những người liên quan tới giáo dục tại Úc. Chính vì cha mẹ quan tâm tới mối quan hệ và cảm xúc của con cái nên giờ ra chơi ở Úc thường rất dài để các con có nhiều thời gian để giao lưu.

Thứ hai, theo các nghiên cứu trên thế giới về tính sáng tạo, học sinh Việt Nam nói chung đang được đánh giá ở cấp độ thấp. Ví dụ dễ thấy, ở nhiều nền giáo dục phương Tây, cách dạy và học là thầy cô đặt câu hỏi và học sinh tự thảo luận, tìm hiểu để đưa ra câu trả lời. Thầy cô có cách khơi gợi và kích thích người học tự đặt câu hỏi, khuyến khích sự sáng tạo, tìm tòi. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta thường thấy cách dạy và học thụ động hơn.

"Bản thân những đứa trẻ giống như một cái cây"

Chị sẽ đưa ra lời khuyên gì cho các trường học, thầy cô giáo và các em học sinh để gia tăng trải nghiệm giảng dạy và học tập hạnh phúc?

Theo tôi, công thức của sự thay đổi giảng dạy và học tập hạnh phúc hơn trong giáo dục là cần phải có tầm nhìn, kỹ năng, sáng kiến, tài nguyên và tất nhiên phải có sự phân tích bối cảnh thực tế, xác định ưu tiên, đưa ra chiến lược và kế hoạch hành động. Để có hạnh phúc trong giáo dục, cần phải có sự tham gia của tất cả các bên, từ lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo trong các trường học, giáo viên, phụ huynh, học sinh và cả cộng đồng.

Theo tôi, trước tiên mỗi nhà giáo dục nên coi "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" thực sự là tầm nhìn hướng dẫn kế hoạch hành động cụ thể. Tất cả các bên liên quan đều cần phải đặt câu hỏi là mình sẽ làm gì để cho người học mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Chúng ta sẽ cần làm gì để học sinh cảm thấy rằng mỗi tiết học, bài học là một tiết học, bài học  vui. Cha mẹ hãy tự đặt câu hỏi rằng "Mỗi ngày trôi qua, chúng ta gửi  gì vào ngân hàng ký ức của con cái chúng ta?".

Khi chúng ta quá đặt nặng vào điểm số có thể gây ra những hệ quả cực kỳ đau khổ và cực đoan. Bản thân những đứa trẻ giống như những cái cây. Có những cái cây chúng ta để ra nắng thì nó nở hoa. Nhưng có cây chỉ vì một tý nắng là có thể héo úa. Vì thế, không thể nói là con nhà người ta bị mắng mãi nó vẫn học giỏi, còn con nhà mình mắng một tý đã sụt sùi khóc. Không, các bậc phụ huynh phải hiểu là mỗi đứa trẻ đều rất khác biệt. Khi chúng ta hiểu  được sự khác biệt đó thì cũng cần phải thay đổi cách tiếp cận.

Ngoài ra, thầy cô và phụ huynh cần tìm ra tố chất (elements) - loại trí thông minh của con và phát huy lên. Có học sinh có năng khiếu về toán, nhưng có em lại giỏi về nhảy, đàn piano, vẽ… Cha mẹ không thể so sánh một đứa trẻ giỏi nhảy, đàn… với một đứa giỏi toán được. Cây ra quả thị nhưng chúng ta lại bắt nở hoa ly thì không được. Trong cuộc sống, có thể vô tình cha mẹ và các thầy cô làm thui chột đi tài năng riêng có, thế mạnh vốn có của con trẻ, chẳng hạn "con bé này chỉ được cái múa đẹp thôi, còn học toán dốt lắm". Vậy nên, đùng áp đặt hay so sánh con bạn với bất kỳ ai. Mỗi đứa trẻ đều có một  tố chất và tài năng riêng và công viêc , vai trò của những người làm giáo dục là   tìm ra và khuyến khích tố chất, tài năng đó  phát triển.

Năm 2010, chị nhận học bổng lãnh đạo của chính phủ Úc (ALA) để học tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Đại học. Sau khi trở về, chị được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế tại Trường Đại học Hà Nội. Sau đó, chị Tuyết Mai trở lại Úc làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ theo chương trình học bổng Endeavor của Úc và được mời làm giảng viên cao cấp tại ĐH Flinders, thành phố Adelaide.

Các lĩnh vực nghiên cứu mà PGS.TS Ngô Tuyết Mai quan tâm bao gồm phúc lợi xã hội của giáo viên, phương pháp giảng dạy dựa trên hạnh phúc và hạnh phúc trong giáo dục. PGS.TS Ngô Tuyết Mai đã nhận Giải thưởng Giảng dạy Xuất sắc từ Trường Đại học Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội, Đại học Flinders vào tháng 7/2021 và Giải thưởng Giảng dạy Xuất sắc của Hiệu trưởng vào tháng 12/2022.

Gần đây, vào tháng 4/2024, PGS.TS Ngô Tuyết Mai đã được công nhận là Thành viên Cao cấp của Tổ chức Advance Higher Education. Đây là một sự ghi nhận chuyên môn quốc tế đối với những thành tựu của chị theo Khung Tiêu chuẩn Vương quốc Anh về giảng dạy và hỗ trợ học tập trong giáo dục đại học.

 

 

DEREK TRẦN TUYÊN BỐ CHIẾN THẮNG DÙ CUỘC ĐUA CHƯA NGÃ NGŨ

Ứng cử viên Dân chủ gốc Việt Derek Trần tuyên bố chiến thắng cuộc đua giành ghế dân biểu liên bang Hoa Kỳ đại diện Địa hạt 45 ở bang California dù phiếu chưa kiểm xong và cuộc đua vẫn đang rất sít sao.

Theo OC Register, ông Trần, một luật sư bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Quận Cam, tiếp tục duy trì thế dẫn trước Dân biểu đương nhiệm Steel với khoảng cách 581 phiếu tính đến ngày 25/11. Đây là cập nhật kết quả kiểm phiếu mới nhất của cuộc đua vốn được xem là tốn kém nhất trong các cuộc tranh cử vào Hạ viện Mỹ.

Trích dẫn số liệu từ Văn phòng Đăng ký cử tri, Times of San Diego cho biết ông Trần, một cựu quân nhân của quân đội Mỹ, đã giành thêm được 36 phiếu so với lần kiểm đếm trước đó, để tăng số phiếu dẫn trước bà Steel từ 545 lên 581.

Hiện ông Trần đang có 157.622 phiếu so với 157.041 mà bà Steel đã dành được, tương đương với tỷ lệ 50,1% so với 49,9%, tính đến ngày 26/11, theo Văn phòng Tổng thư ký Tiểu bang California.

Mặc dù cuộc đua còn sít sao, ông Trần đã đưa ra tuyên bố chiến thắng vào ngày 25/11, gọi đó là “minh chứng cho tinh thần và khả năng phục hồi của cộng đồng chúng ta.”

Trong tuyên bố, ông Trần nói rằng “trong suốt chiến dịch này, tôi đã nghe thấy mong muốn của cử tri cần có sự đại diện ưu tiên cho những thách thức đặc thù của cộng đồng chúng ta.”

“Từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nhà ở giá cả phải chăng đến tầm quan trọng của một nền kinh tế bao gồm tất cả mọi người, và mọi người đang hướng tới tương lai với niềm hy vọng và quyết tâm.”

Ông Trần nói rằng ông “mong muốn đại diện cho sự lạc quan đó” và sẽ “làm việc không mệt mỏi để đảm bảo rằng tiếng nói của cộng đồng chúng ta được lắng nghe tại Washington.”

AP vẫn chưa đưa ra dự đoán nào về người chiến thắng trong cuộc đua này.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới đại diện của bà Steel. Chiến dịch tranh cử của dân biểu đương nhiệm chưa đưa ra bình luận công khai nào sau khi ông Trần tuyên bố chiến thắng.

Tờ OC Register cho biết rằng bà Steel chưa chấp nhận thua cuộc cho tới tối ngày 25/11. Trước khi ông Trần tuyên bố chiến thắng, người phát ngôn của chiến dịch tranh cử của bà, Lance Trover, nói hôm 25/11 rằng bà Steel không có bình luận gì thêm liên quan đến kết quả bầu cử.

Nếu được bầu chọn, ông Trần sẽ trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng người Việt lớn nhất ở Mỹ tại Quốc hội liên bang.

Không rõ còn bao nhiêu phiếu chưa được kiểm đếm. Theo OC Register, cả hai ứng cử viên trong cuộc đua này đều đã yêu cầu các nhà tài trợ cung cấp tài chính cho khả năng phải kiểm phiếu lại.

Kết quả của cuộc bầu chọn này sẽ được chứng thực vào ngày 17/12.

 

 

BỊ TRỪ LƯƠNG, THỰC TẬP SINH KHIẾU NẠI CÔNG TY TẠI NHẬT

Vào ngày 20/11 mới đây, 11 thực tập sinh kỹ năng Việt Nam làm việc tại nhà máy may ở thành phố Echizen, tỉnh Fukui đã gửi đơn kiến nghị đến Văn phòng thanh tra tiêu chuẩn lao động Fukui. Họ báo cáo rằng công ty đã và đang có những hành vi trừng phạt bất công và trái pháp luật. Các thực tập sinh này đã bị phạt vì những sai lầm trong cuộc sống và công việc hàng ngày, đồng thời bị giảm lương và đình chỉ công việc.

Nhóm thực tập sinh gồm 10 nữ và 1 nam, độ tuổi từ 20 đến 30, làm việc tại nhà máy của công ty ở thành phố Sakai. Trong cùng ngày, họ đã tham dự một cuộc họp báo tại thành phố Fukui cùng với ông Ichiro Takahara – ủy viên của Nghiệp đoàn General Union chi nhánh Fukui – tổ chức hỗ trợ cho nhóm này.

Công ty bị tố cáo đã áp dụng các hình phạt như trừ lương hoặc đình chỉ làm việc với thực tập sinh bằng những lý do như “vệ sinh ký túc xá không sạch sẽ”, “không khóa xe đạp”, “quên khóa cửa phòng”, hay “không kiểm tra lại nội dung công việc”. Theo các thực tập sinh, mức lương bị trừ được giải thích bằng miệng là “phạt tiền”.

Do bị phạt nên có những lúc số tiền về tay thực tập sinh sau khi trừ phí bảo hiểm xã hội, tiền thuê nhà, điện nước chỉ còn khoảng 30.000 đến 40.000 yên (khoảng 4,9 triệu đến 6,5 triệu). Họ đã yêu cầu Văn phòng tiêu chuẩn lao động hướng dẫn công ty hoàn trả số tiền lương đã bị giảm và trả cho họ số tiền lương mà lẽ ra họ phải nhận. Họ cũng yêu cầu Cục lao động Fukui điều tra về cáo buộc rằng họ đã bị quấy rối quyền lực bao gồm cả việc bị la mắng trong quá trình làm việc

 

Nguồn: VTV4; Soha; VOA; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang