Người Việt hải ngoại: Đại hội bóng đá tại Nhật; Cô gái Pháp tìm thấy mẹ ruột; Nữ nghệ sĩ guitar làm say đắm công chúng Bỉ

GIẢI BÓNG ĐÁ TOÀN NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT

Giải đấu không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện sức khỏe mà còn để tạo ra một sân chơi lành mạnh gắn kết tình cảm đồng bào, đồng hương, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn nơi đất khách quê người.

Ngày 24/11, Đại hội bóng đá tranh Cup vô địch toàn quốc người Việt tại Nhật Bản “FAVIJA Champions Cup 2024" đã diễn ra sôi nổi tại tỉnh Saitama.

Đại hội quy tụ 32 đội bóng là những đội đã đoạt giải Nhất, Nhì, Ba tại 9 giải khu vực trên 7 vùng miền khắp Nhật Bản, gồm Kanto, Chubu, Tokai, Kansai, Hokuriku, Chugoku và Kyushu.

FAVIJA Champions Cup 2024, do Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam-Nhật Bản (FAVIJA) tổ chức, với sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và các cấp chính quyền Nhật Bản. Các trận đấu trong khuôn khổ giải đấu diễn ra cùng lúc trên 8 mặt sân thuộc khu liên hợp thể thao Resland, thành phố Saitama.

Phát biểu tại lễ khai mạc, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ông Vũ Tiến Hân cho biết: "Hiện nay số lượng người Việt tại Nhật đã lên tới hơn 600.000 người trong đó đại đa số là thanh niên. Ngoài thời gian học tập và làm việc các bạn trẻ rất cần có các sân chơi lành mạnh. FAVIJA Champions Cup 2024 là một trong những sân chơi bổ ích dành cho các bạn trẻ đang làm việc tại Nhật Bản, tạo cơ hội giải trí, rèn luyện thể thao, sức khỏe cũng như tăng cường giao lưu kết nối trong cộng đồng và với người dân Nhật Bản."

Ông Đỗ Quang Ba, Chủ tịch FAVIJA, cũng nhấn mạnh mục đích của giải đấu không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện sức khỏe mà còn để tạo ra một sân chơi lành mạnh gắn kết tình cảm đồng bào, đồng hương, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn ở nơi đất khách quê người.

Anh Trần Anh Tây, đại diện đội bóng Hà Tĩnh Fukuoka, Kyushu, chia sẻ rằng để đến được vòng chung kết của FAVIJA Champions Cup 2024, đội bóng Hà Tĩnh Fukuoka đã tham gia và giành chức vô địch tại Giải vô địch bóng đá của người Việt ở vùng Kyushu. Anh cho biết toàn thể thành viên của đội bóng gồm 20 người đã có mặt tại Saitama từ sáng 23/11 với tâm trạng háo hức vì được tham gia vòng chung kết bóng đá của người Việt trên toàn Nhật Bản.

Mặc dù lực lượng nòng cốt của các đội bóng là các bạn trẻ người Việt, nhưng theo điều lệ của Ban Tổ chức đưa ra, mỗi đội được phép đăng ký tối đa 2 cầu thủ người Nhật Bản và có không quá 3 cầu thủ là những ngôi sao bóng đá phong trào từ Việt Nam sang tham dự. Điều này vừa giúp tăng cường chất lượng, đồng thời thắt chặt hơn nữa tình cảm thân thiết giữa kiều bào Việt Nam với người dân Nhật Bản.

Anh Sato Yoshihara đến từ Machida, thủ đô Tokyo, cho biết đây là lần thứ hai anh tham gia FAVIJA Champions Cup 2024 với tư cách là cầu thủ. Anh cho biết anh có nhiều đồng nghiệp Việt Nam tại nơi làm việc bán thời gian và họ đều thực sự tốt bụng.

Chia sẻ về lý do tham gia đội bóng phong trào của người Việt Nam tại Nhật Bản, anh cho biết đã được những đồng nghiệp Việt Nam rủ tham gia đội bóng và anh rất thích con người cũng như không khí của những trận bóng. Lần đầu tiên tham gia, gặp gỡ các thành viên trong đội, anh cảm thấy thực sự rất vui.

Sau một ngày thi đấu hết sức sôi nổi và kịch tính, Cup vô địch đã thuộc về đội FC T-Connect Bình Định. Đứng thứ nhì là đội FC Asahi. Hai đội đồng giải ba là FC ISC và FC Uni-co Hải Phòng.

Ban Tổ chức cũng trao các giải cá nhân, theo đó cầu thủ Pablo Miura thuộc FC ISC đạt danh hiệu Vua phá lưới, cầu thủ Trịnh Huỳnh Anh Minh của FC Asahi đạt danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất và cầu thủ Trần Thắng của FC T-Connect Bình Định đạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất.

Theo FAJIVA, trước đó đã có 232 đội tham gia các trận đấu vòng loại từ ngày 17/3 đến ngày 27/10, đưa FAVIJA Champions Cup 2024 trở thành mùa giải có nhiều đội bóng tham gia nhất từ trước đến nay.

 

 

CÔ GÁI PHÁP TÌM THẤY MẸ RUỘT

Những ảnh chụp gia đình gần 30 năm về trước ở TP.HCM là manh mối quan trọng để cô gái Pháp tìm được mẹ ruột và người thân ở Việt Nam. Nếu bạn là người trong hình hay biết họ hiện ở đâu, xin hãy lên tiếng.

Đó là câu chuyện tìm mẹ ruột của chị Noémie Coyez (29 tuổi) hiện đang sống và làm việc tại Paris (Pháp). Chưa bao giờ như bây giờ, khát khao tìm lại người thân của cô gái Pháp gốc Việt lại da diết đến vậy.

Ký ức năm xưa

Đó là những ngày tháng 5.1997, cuộc đời của cô bé Việt Nam với cái tên Nguyễn Hoàng Yến mãi mãi thay đổi khi theo cha mẹ nuôi người Pháp từ TP.HCM đến vùng ngoại ô Paris sinh sống.

Từ thời khắc đó, với cái tên Noémie Coyez, bé gái gốc Việt đã lớn lên trong tình yêu bao la của cặp vợ chồng Pháp nhân hậu. Họ từng sinh 3 người con, nhưng tiếc thay những đứa trẻ đều đoản mệnh. Đó cũng là lý do cặp vợ chồng quyết định về Việt Nam nhận con nuôi.

"Ngày đó, tại khách sạn cha mẹ nuôi tôi ở, cô gái ở quầy lễ tân nói tiếng Pháp đã kể với họ rằng có một bé gái trong một gia đình cần nhận nuôi. Đó là tôi! 1 ngày sau, họ đã đến nhà mẹ ruột tôi tại TP.HCM để tìm hiểu và chụp lại những bức ảnh và rồi quyết định nhận nuôi tôi vì cảm nhận được một mối liên kết đặc biệt", chị Noémie kể lại những ký ức của cha mẹ nuôi người Pháp.

Cô gái tiếp lời, rằng trước khi sang Việt Nam, cha mẹ dự định nhận nuôi 2 người con, tuy nhiên họ đã quyết định chỉ nhận nuôi một mình chị mà không thêm ai khác. Không may sau hàng thập kỷ, ông bà đã không nhớ địa chỉ, tên khách sạn và cả gia đình mà họ tới thăm.

Tuy nhiên theo những giấy tờ còn được gìn giữ có nhiều thông tin quan trọng về gia đình ruột thịt của Noémie, rất có thể là chìa khóa để giúp cô tìm lại mẹ.

Theo đó, cô gái Pháp tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Yến, sinh ngày 15.12.1995 tại Bệnh viện Sông Bé (rất có thể là Bệnh viện đa khoa Bình Dương ngày nay - PV).

Mẹ ruột của Hoàng Yến là Nguyễn Thị Kim Phượng, địa chỉ nhà ở số 55C tại TP.HCM nhưng không rõ đường nào. Bà ghi trong giấy tờ mình làm nội trợ. Khi con gái được 2 tuổi, người mẹ đã cho cặp vợ chồng Pháp nhận nuôi với sự chứng kiến của ông bà ngoại.

"Những bức hình được cha mẹ nuôi tôi chụp lại, với những khoảnh khắc giữa tôi và mẹ, ông bà cùng người thân trong gia đình là manh mối quan trọng để tôi tìm lại họ. Bố mẹ kể với tôi rằng không có sự xuất hiện của cha ruột, còn mẹ tôi là một người tốt bụng nhưng quá nhút nhát và không có nhiều cá tính", Noémie cho biết.

"Cảm ơn mẹ vì tất cả!"

Cô gái Pháp nói rằng trong năm vừa qua, chị có một khoảng thời gian để tự hỏi bản thân rất nhiều điều. Đặc biệt, cô gái có kế hoạch mở một quán cà phê ở Paris, pha chế cà phê Việt Nam. Từ đây, Noémie nhận ra mình không hề biết gì về đất nước và nguồn cội của mình.

"Không hiểu sao tôi thấy buồn vì điều đó. Tôi quyết định tìm lại mẹ ruột của mình, tìm về gia đình Việt Nam", chị bày tỏ.

Từ tận đáy lòng, Noémie nói rằng mình chưa từng giận mẹ ruột và gia đình đã cho mình đi. Bởi nhờ quyết định đó, chị đã có một cuộc sống mới tốt đẹp và hạnh phúc. Cô gái hy vọng rằng với những thông tin đã có, chị có thể tìm gặp mẹ ruột để trả lời hết những thắc mắc về nguồn cội, gốc gác của mình.

"Con hy vọng mẹ vẫn còn sống và hạnh phúc. Nếu con tìm được mẹ, con mong sẽ có thật nhiều kỷ niệm đẹp với mẹ và khám phá thêm thật nhiều điều ở Việt Nam. Sau tất cả, con cảm ơn mẹ đã cho con sự sống, giúp con có một cuộc đời mới ở Pháp", cô con gái nhắn nhủ.

Hiện tại, chị Noémie đang là quản lý một nhà hàng Hàn Quốc ở Paris và dự định mở một quán cà phê của riêng mình vào năm 2025. Chị cũng có kế hoạch về Việt Nam trong ít tháng tới đây để tìm hiểu thêm về quê hương, nguồn cội của mình.

ThS.Kiến trúc sư Đỗ Hồng Phúc, hiện đang sống và làm việc ở TP.HCM là người đã giúp đỡ, hỗ trợ Noémie trên hành trình tìm mẹ này. Anh Phúc bày tỏ sự xúc động trước câu chuyện của cô gái Pháp và cho biết với những thông tin rõ ràng, đặc biệt thông qua các bức ảnh gia đình, khả năng tìm thấy cao.

 

 

NỮ NGHỆ SĨ GUITAR LÀM NƯỚC BỈ SAY ĐẮM

Xen kẽ những bản nhạc đương đại và cổ điển của phương Tây, nghệ sỹ guitar gốc Lê Thu khiến khán giả không khỏi trầm trồ và phấn khích khi trình diễn các làn điệu dân tộc Việt Nam.

Trong các ngày 22-26/11, Lễ hội và Cuộc thi Guitar quốc tế 2024 với chủ đề “Trái Đất, Hành tinh của chúng ta," đã diễn ra tại Brussels, Bỉ.

Nhạc hội đã quy tụ nhiều nghệ sỹ nổi tiếng khắp nơi trên thế giới về tham dự và trình diễn, đặc biệt có sự tham gia của nữ nghệ sỹ guitar gốc Việt rất được mến mộ Lê Thu, đang sinh sống tại Bahrain.

Buổi biểu diễn bắt đầu từ 20h, nhưng trong khán phòng của Nhà hát Nhạc viện Hoàng gia Bỉ, khán giả đã đến rất sớm và gần như không còn một chỗ trống.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Grégory Van Delborg, một thính giả người Bỉ cho biết đến thưởng thức buổi hòa nhạc cùng với hai con trai. Cả gia đình ông đều đam mê guitar và đều biết danh tiếng của nữ nghệ sỹ guitar Lê Thu cũng như các nghệ sỹ tham gia trình diễn trong đêm nhạc.

Không phụ sự trông đợi của khán giả, trong phần đầu của buổi trình diễn, các nghệ sỹ đã đem đến những màn trình diễn đầy sắc màu văn hóa, qua những câu chuyện kể bằng âm nhạc đậm chất Latinh quyến rũ.

Được mong chờ nhất ở phần thứ hai trong đêm nhạc là phần trình diễn của Lê Thu, với các phân đoạn guitar solo và guitar duo, song tấu cùng nam nghệ sỹ nổi tiếng người Áo gốc Cuba Marco Tamayo. Đây là tiết mục song tấu guitar lần đầu tiên được trình diễn tại Bỉ.

Xen kẽ những bản nhạc đương đại và cổ điển của phương Tây, Lê Thu khiến khán giả không khỏi trầm trồ và phấn khích khi trình diễn các làn điệu dân tộc Việt Nam như bản “Lới Lơ” mang âm hưởng chèo được chuyển soạn cho guitar.

Đặc biệt, bản dân ca vùng Bắc Bộ “Bèo dạt mây trôi” được chị song tấu cùng nam nghệ sỹ Marco Tamayo nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của khán giả.

Kết thúc phần trình diễn, những tràng pháo tay không ngừng vang lên khắp khán phòng, khiến cặp nghệ sỹ liên tục đứng lên cúi chào để đáp lại sự yêu mến của công chúng.

Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Bỉ sau buổi biểu diễn, nghệ sỹ Lê Thu nhấn mạnh đối với cô, đây là đêm diễn rất đặc biệt, vì 10 năm trước cũng tại Brussels, cô đã lần đầu tiên tham dự chính cuộc thi này và đoạt giải thưởng. 9 năm sau đó (năm 2023), cô được mời tham dự, nhưng không biểu diễn và năm nay, tròn 10 năm, cô lại được mời biểu diễn tại cuộc thi. Cảm xúc với cô vẫn vẹn nguyên như 10 năm trước, rất tuyệt vời, vinh dự và tự hào.

Theo nghệ sỹ Lê Thu, việc rất nhiều khán giả Việt Nam, trong đó có Ngài Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu Nguyễn Văn Thảo đến thưởng thức và cổ vũ cô trong đêm diễn đã khiến cô thực sự xúc động.

Là người nghệ sỹ đã đi nhiều nơi, trình diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng biểu diễn cho đồng bào mình ở xa Tổ quốc luôn là một cảm xúc rất thiêng liêng và tự hào, xúc động. Không chỉ biểu diễn phục vụ đồng bào, cô còn muốn truyền tải bản sắc, nét đẹp văn hóa Việt tới khán giả quốc tế, để họ thêm hiểu và yêu đất nước, con người Việt Nam. Đây cũng là lý do vì sao cô luôn trình diễn các tác phẩm Việt Nam trong các buổi biểu diễn của mình.

Chia sẻ về thực tế tỷ lệ nữ giới chơi guitar thấp hơn nhiều so với nam giới, nghệ sỹ Lê Thu cho biết người thầy đầu tiên của cô chính là bố và để có thể duy trì được sự thành công cho đến ngày nay, thì động lực lớn nhất là niềm đam mê được truyền lại từ người cha, thứ hai, chính là sự nỗ lực và quyết tâm để khẳng định mình.

Dù phụ nữ chơi guitar gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới, vì còn vướng bận trách nhiệm với gia đình, con cái, nhưng cô luôn tâm niệm rằng phải luôn cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa, những gì nam giới làm được, thì phụ nữ cũng sẽ làm được, miễn là duy trì được ngọn lửa đam mê và tự hào về những gì mình làm.

Đề cập tới dự định trở về Việt Nam biểu diễn phục vụ khán giả quê nhà, nghệ sỹ Lê Thu khẳng định đó luôn là niềm vui và tự hào, cũng như là một phần rất quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của cô. Gần như năm nào cô cũng trở về Việt Nam để biểu diễn và kết hợp thăm gia đình và cô mong sẽ được gặp khán giả Việt Nam vào một dịp gần nhất, có thể là tháng 5/2025.

Trong khi đó, nam nghệ sỹ Marco Tamayo, người cùng Lê Thu trình diễn nhạc phẩm “Bèo dạt mây trôi," chia sẻ anh có đam mê với âm nhạc châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Dù chưa đến Việt Nam nhưng anh rất mong có thể đặt chân đến đất nước tươi đẹp này.

Nghệ sỹ Lê Thu, sinh năm 1978, tốt nghiệp xuất sắc Học viện Âm nhạc Việt Nam năm 2001 sau 15 năm theo học và trở thành giảng viên của trường. Năm 2010, cô chuyển sang sinh sống tại New Delhi, được Học viện Âm nhạc Bridge của Ấn Độ mời giữ chức Trưởng khoa Guitar.

Nghệ sỹ Lê Thu đã giành nhiều giải thưởng guitar quốc tế, như nghệ sỹ guitar xuất sắc châu Á tại Liên hoan guitar Kolkata (Ấn Độ) vào năm 2010 và 2013, giải nhất Cuộc thi guitar quốc tế Nilüfer (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2015.

Cô đang sống cùng gia đình tại Bahrain. Cô đã được mời tham gia biểu diễn và giảng dạy guitar ở nhiều nước như Italy, Pháp, Anh, Áo, Đức, Tây Ban Nha, Bulgaria, Romania, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ…

Lễ hội và Cuộc thi guitar quốc tế tại Brussels là một festival âm nhạc thường niên do ông Hugues Navez, Chủ tịch sáng lập và Giám đốc nghệ thuật tổ chức. Festival này nhiều năm qua đã tạo dựng được uy tín và trở thành nơi hội tụ của các nghệ sỹ và người yêu guitar từ khắp nơi trên thế giới. Điều đặc biệt là lễ hội năm nay do Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, bên cạnh Liên minh châu Âu đồng tài trợ.

 

Nguồn: VTV4; Thanh Niên; Dân Việt

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang