.jpg)
LAN TỎA HÌNH ẢNH PHỤ NỮ VIỆT TẠI AI CẬP
Ngày 25/2 tại Cairo, bà Đỗ Thu Trang, Phu nhân Đại sứ Việt Nam đã tham dự buổi gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 do Hội nữ Đại sứ và Phu nhân Đại sứ các nước tại Ai Cập tổ chức.
Sự kiện do Phu nhân Đại sứ Hàn Quốc chủ trì trên cương vị Chủ tịch Hội.
Tại buổi gặp, Phu nhân Đại sứ Việt Nam đã thông tin tới bạn bè quốc tế về vai trò và vị thế của Phụ nữ Việt Nam ngày nay, họ không chỉ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giữ các vị trí lãnh đạo cao cấp trong bộ máy nhà nước, nhất là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đã đạt 30,26%, vượt mức trung bình toàn cầu; tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 28,2% vào năm 2024.
Đặc biệt, nhiều nữ sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thể hiện khả năng và tiềm năng mạnh mẽ của phụ nữ trong các nhiệm vụ quốc tế quan trọng.
Ngoài ra, bà Đỗ Thu Trang cũng thông tin việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Theo đó, kể từ tháng 1/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên hợp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Nhân dịp này, Phu nhân Đại sứ Việt Nam cũng giới thiệu về văn hóa ẩm thực Việt Nam tinh tế, đa dạng và thiết đãi bạn bè quốc tế món nem truyền thống, được đông đảo thực khách đón nhận, thưởng thức.
NỖ LỰC PHÁT TRIỂN TIẾNG VIỆT TẠI NHẬT
Bản Thỏa thuận được ký kết sau khi hai bên đã làm việc rất kỹ với nhau để hiểu rõ năng lực cũng như nhu cầu của mỗi bên.
Ngày 25/2, tại Hà Nội, Viện Giáo dục và Đào tạo quốc tế (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) ký Biên bản Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Việt Nam học tại Nhật Bản (Trường Đại học Osaka, Nhật Bản).
Thỏa thuận được ký liên quan đến việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài tại Nhật Bản.
Viện Giáo dục và Đào tạo Quốc tế ra đời từ Trung tâm Đào tạo và Giáo dục Quốc tế, thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là đơn vị duy nhất trực thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên về đào tạo và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Hiện Viện là đối tác của một số trường Đại học của Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như các tập đoàn Samsung, Daewoo, Lotte...
Trung tâm Việt Nam học tại Nhật Bản chính thức ra mắt ngày 17/10/2024, với mục tiêu nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về Việt Nam tại Nhật Bản thông qua các dự án giáo dục, nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa, và lịch sử Việt Nam, góp phần phát triển học thuật và thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Bà Lê Thương, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học tại Nhật Bản cho biết, bản Thỏa thuận được ký kết sau khi hai bên đã làm việc rất kỹ với nhau để hiểu rõ năng lực cũng như nhu cầu của mỗi bên. Việc ký kết bản thỏa thuận này đánh dấu một sự khởi đầu mới trong việc hợp tác giữa hai đơn vị. Theo đó, hai bên sẽ cùng phối hợp và hỗ trợ nhau tổ chức các Hội thảo khoa học về nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài theo quy định về tổ chức hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam (nếu tổ chức tại Việt Nam) hoặc quy định của Nhật Bản (nếu tổ chức tại Nhật Bản); Hỗ trợ tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập giữa hai đơn vị dựa trên năng lực của mỗi đơn vị và theo quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, quy định về quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam và tại Nhật Bản.
Viện Giáo dục và Đào tạo quốc tế sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn đối với Trung tâm Việt Nam học tại Nhật Bản trong việc tổ chức Kì thi đánh giá năng lực Tiếng Việt theo khung năng lực Tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Viện cũng hỗ trợ Trường Việt ngữ Cây Tre (trực thuộc Trung tâm Việt Nam học tại Nhật Bản) nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt. Hình thức hỗ trợ bao gồm cung cấp tài liệu giảng dạy tiếng Việt, tư vấn chuyên môn theo quy định về hoạt động giáo dục trực tuyến, quy định về lao động của Nhật Bản và Việt Nam.
NGHỆ SĨ PHÁP GỐC VIỆT TÌM VỀ NGUỒN CỘI
.jpg)
Sống xa quê nhà hay sinh ra nơi đất Pháp, những nghệ sĩ đã trở về quê hương như một cách tìm lại bản ngã của mình.
Nghề truyền thống song hành cùng y học cổ truyền
Rau răm là dự án của nghệ sĩ vocal Violaine Lochu và nghệ sĩ đàn gamba Marie-Suzanne De Loye (cùng sinh năm 1987) khám phá khái niệm chữa lành liên quan giữa y học cổ truyền VN, truyền thống truyền miệng và âm nhạc. Marie-Suzanne De Loye có mẹ là người Việt trong khi Violaine rất quan tâm đến dược liệu và sáng tác âm nhạc dựa trên nghiên cứu về cây thuốc cũng như dược tính của chúng.
Marie-Suzanne kể: "Tôi phát hiện ra bài thuốc cổ truyền khi mẹ đang bị ung thư. Dì ở TP.HCM mang lá vối và cây hoàn ngọc sang Paris; dịch truyền được chế biến từ loại cây này làm dịu đi nỗi đau của mẹ vài ngày trước khi bà qua đời. Tôi là con một và là mẹ của một đứa trẻ. Sự ra đi của mẹ khiến tôi trở thành người bảo vệ bản sắc Việt của gia đình. Dự án này cho phép tôi thắt chặt mối quan hệ với quê hương và có lẽ để hiểu rõ hơn về cội nguồn của mình. Khi tham gia chương trình Villa Saigon, tôi bắt đầu học tiếng Việt. Rau răm là tên một loại cây có mùi thơm với nhiều đặc tính chữa bệnh. Đối với tôi, loài rau này gợi rất nhiều mối ràng buộc đã gắn kết tôi với đất nước nơi mẹ tôi sinh ra và lớn lên".
Violaine Lochu (đang mắc bệnh ung thư) cho biết trong hai năm điều trị tại Viện Ung thư Bergonié ở Bordeaux (Pháp), cô đã sáng tác một màn trình diễn được tiếp nối bằng các cuộc gặp gỡ với nhiều bệnh nhân. Dự án này giúp xây dựng một cộng đồng gồm những câu chuyện, trải nghiệm sống. "Rau răm là một phần của dòng chảy mang tính "gia đình" này. Nghệ thuật cho phép chống lại sự kỳ thị bệnh tật. Từ nghiên cứu về cây thuốc, tác dụng trị liệu, phương pháp điều chế, chúng tôi tìm cách tạo ra các giao thức thể hiện bằng âm thanh qua nhịp điệu, âm sắc, cao độ, âm lượng…", Violaine nhìn nhận.
Trong khi đó Emmie Mai Linh Massias (28 tuổi) cùng Marine Col (26 tuổi) lại quan tâm đặc biệt đến nghề truyền thống VN với dự án Di sản khảm xà cừ. "Điều thu hút tôi đến với nghệ thuật khảm xà cừ là sự tinh xảo, cách nó kể chuyện qua những hoa văn phức tạp. Tôi nhận ra rằng nghề khảm xà cừ Việt đang dần mai một nhưng kỹ thuật truyền thống của nghề vẫn còn giữ nguyên vẹn, ít thay đổi theo thời gian, một điều vừa quý giá vừa mong manh. Kinh nghiệm sống ở châu Âu khiến tôi luôn đặt câu hỏi về nghề thủ công này có thể thích ứng với ngôn ngữ thiết kế đương đại không. Đó cũng là cách để tôi kết nối lại với di sản Việt của mình, đặc biệt trong bối cảnh tôi là người Pháp gốc Việt", Emmie nói.
Thay vì chỉ dựa vào những loại vỏ xà cừ hiếm có và đắt đỏ, Emmie và Marine tìm kiếm nguồn thay thế phù hợp với thực tế mà vẫn giữ được giá trị, chẳng hạn như tận dụng vỏ bào ngư từ nhà hàng.
Nhắc về quê nhà, Emmie bồi hồi: "Tuổi thơ tôi tại TP.HCM có ảnh hưởng rất sâu sắc. Dù sống ở nước ngoài, tôi vẫn thường xuyên về thăm mẹ, người đã sống ở TP.HCM suốt mấy mươi năm qua. Chính mối liên kết liên tục này khiến dự án trở nên đặc biệt ý nghĩa đối với tôi, khi có cơ hội tiếp cận lại các giá trị truyền thống qua cả góc nhìn cá nhân và hồi ức".
Emmie kể về lý do triển khai dự án của mình: "Tôi lớn lên trong một ngôi nhà đầy ắp đồ thủ công, đặc biệt là bộ bàn ghế ăn khảm xà cừ cổ mà mẹ mua khi chúng tôi mới chuyển đến TP.HCM. Hoa văn tinh xảo và tay nghề thủ công của người thợ để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi, đặc biệt là trong những bữa ăn, nơi tôi phải ngồi yên giữa những người lớn mà không được chơi, nên thay vào đó, tôi quan sát chi tiết của những chiếc ghế. Dự án này không chỉ là cách tôi kết nối lại với nguồn cội, mà còn là cơ hội để đặt câu hỏi về nghề thủ công truyền thống có thể tiếp tục phát triển và tìm chỗ đứng trong thiết kế đương đại".
Lấy vợ, sinh con khi đến VN làm việc
Tham gia mùa đầu tiên của Villa Saigon năm 2018, DJ Nodey (Nguyễn Ngọc Phạm Đôn) thuộc thế hệ 8X sinh ra ở Pháp. Cha anh là ông Nguyễn Ngọc Giao (sinh năm 1940 tại Bắc Ninh, di cư vào Sài Gòn năm 1954), du học từ năm 1958, rồi giảng dạy tại khoa Toán Đại học Denis Diderot - Paris VII. Ông từng phiên dịch cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, tham gia thành lập Hội Liên hiệp Sinh viên VN tại Pháp (1965)… Mẹ anh sinh tại Phan Thiết.
Anh kể: "Tôi và rapper Suboi gặp nhau trong thời gian lưu trú tham gia chương trình Villa Saigon để cùng sáng tác âm nhạc. Chúng tôi từng thực hiện MV Đôi khi. Theo thời gian, mối quan hệ đã vượt ra ngoài khuôn khổ nghề nghiệp, trở thành tình yêu". Và đó cũng là lý do khiến DJ Nodey ở lại VN sinh sống, lập gia đình. Anh gia nhập công ty sản xuất video kỹ thuật số Shuttlerock, với tư cách là giám đốc âm nhạc. Shuttlerock gồm 180 nhà thiết kế đồ họa trẻ, chuyên sản xuất nội dung cho khách hàng trên khắp thế giới.
"Gần đây tôi có sáng tác nhạc cho một số phim, hiện tại đang thiết kế một dự án phim tài liệu về rap Việt. Nguồn gốc của tôi là người Việt và sống ở VN cho phép tôi kết nối lại với nền văn hóa mà tôi biết rất ít về nó. Đồng thời, tôi đã dành hơn 30 năm cuộc đời mình ở Paris, thành phố này chắc chắn đã truyền văn hóa vào bản sắc của tôi", Nodey cho biết.
572 NGƯỜI VIỆT ĐƯỢC GIẢI CỨU Ở MYANMAR
Lực lượng Biên phòng Myanmar (BGF) vừa giải cứu 572 người Việt bị buộc tham gia hoạt động lừa đảo ở miền Đông Myanmar, gần biên giới với Thái Lan.
Đài NHK ngày 27-2 dẫn lời Lực lượng Biên phòng Myanmar (BGF) - liên kết với chính quyền quân sự Myanmar - cho biết họ đã giải cứu 7.141 người nước ngoài khỏi các trung tâm lừa đảo.
Trong số này, có 572 người Việt, 4.860 người Trung Quốc, 526 người Ấn Độ, 430 người Ethiopia và những người khác đến từ gần 30 quốc gia và khu vực.
BGF đã khám xét một trong những địa điểm, được gọi là KK Park, vào ngày 26-2.
Theo một thành viên cấp cao của BGF, một số tên trong tổ chức lừa đảo đã kịp trốn thoát trước khi họ đột kích.
Tờ Laotian Times đưa tin BGF - phối hợp với chính quyền Thái Lan - đã chuẩn bị danh sách 7.141 cá nhân từ 28 quốc gia và khu vực. Họ được giải cứu khỏi các hoạt động bất hợp pháp tại KK Park và Shwe Kokko, các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của BGF. Tất cả đang chờ được đưa về nước.
Một quan chức an ninh Thái Lan xác nhận Myanmar đã thông báo cho đại sứ quán các quốc gia liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi hương công dân họ qua Thái Lan. Lực lượng đặc nhiệm Rajamanu thuộc Bộ chỉ huy Naresuan của Thái Lan sẽ phụ trách công việc giám sát qua biên giới.
Trước đó, vào ngày 16-2, Thái Lan cắt nguồn cung cấp điện, dầu mỏ và truy cập internet tại 5 địa điểm thuộc 3 thị trấn biên giới Myanmar.
Động thái này được cho là thúc đẩy chính quyền quân sự Myanmar hành động chống lại các tổ chức buôn người.
Nguồn: Báo Quốc Tế; VTV4; Thanh Niên; Soha
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá