Người Việt hải ngoại: 'Dáng hình VN' ở Hà Lan; Giải cứu 60 người ở Philippines; Chi nửa tỉ sinh con ở TQ; Thủ khoa ĐH ở Úc

Rộn ràng Ngày hội 'Dáng hình Việt Nam' tại xứ sở hoa tulip

(Ảnh minh họa).

Trong trang phục áo dài truyền thống và nón lá, bà con Việt kiều đã cho du khách thấy hình dáng đất nước ngay giữa quảng trường nhà ga trung tâm thành phố Utrecht của Hà Lan.

Hơn 100 bà con Việt kiều từ mọi miền đất nước Hà Lan đã tụ về thành phố Utrecht hôm 28/5 để tham gia ngày hội “Dáng hình Việt Nam” thắm đượm tình đoàn kết cộng đồng.

Sự kiện do các hội đoàn người Việt tại Hà Lan, như Hội người Việt Nam ở Hà Lan, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan và Hội Tri thức Việt Nam tại Hà Lan và Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan, tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng những ngày lễ trong tháng Năm và kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan.

Trong trang phục áo dài truyền thống với gam màu chủ đạo đỏ và vàng, nón lá Việt Nam, bà con Việt kiều đã cho du khách thấy hình dáng đất nước với đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu ngay giữa quảng trường nhà ga trung tâm thành phố Utrecht.

Có gia đình vượt hơn 150km, đưa cụ bà đã 82 tuổi ngồi xe lăn đến để gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng và có mặt trong đội xếp hình.

Các chàng rể, cô dâu Hà Lan cũng trở nên duyên dáng trong các bộ trang phục truyền thống Việt Nam.

Trong đội xếp hình còn có cả một cụ bà người Indonesia - bạn thân của một nhóm người Việt Nam. Bà cũng thích thú khi được diện áo dài Việt Nam tham gia hoạt động này.

Tiếng sáo trúc ngẫu hứng, réo rắt của bạn trẻ Chu Vương Kiệt với tác phẩm “Việt Nam quê hương tôi” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận và “Mẹ yêu con” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý càng khiến cho bà con thêm xúc động. Hồn quê hương như tụ lại trong dáng hình đất nước ngay tại xứ sở hoa tulip.

Sau màn xếp hình theo bản đồ là màn xếp chữ “I love VN” và các tiết mục múa hát do các sinh viên và bà con Việt kiều biểu diễn.

Những tà áo dài Việt Nam nhẹ bay dưới bầu trời trong xanh, đầy nắng đã đem lại cho mọi người một cảm xúc lâng lâng, dạt dào tình quê hương, chia sẻ nghĩa đồng bào, khiến ai nấy đều hồ hởi, rạng rỡ. Sự kiện cũng khiến khách qua đường tò mò, thích thú.

Đây là lần đầu tiên, các hội đoàn người Việt tại Hà Lan nắm tay nhau làm nên một sự kiện lớn đầy ý nghĩa./.

(Nguồn: VietnamPlus)

60 CÔNG DÂN VIỆT NAM ĐƯỢC LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG PHILIPPINES GIẢI CỨU ĐÃ VỀ NƯỚC

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, có 437 công dân Việt Nam được đưa ra khỏi cơ sở đánh bạc.

Liên quan vụ việc công dân Việt Nam được lực lượng chức năng Philippines giải cứu ngày 04/5/2023 tại tỉnh Pampanga, gần thủ đô Manila, Philippines, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại thăm hỏi, hỗ trợ, phỏng vấn, lên danh sách và thu thập thông tin các công dân Việt Nam, đặc biệt là những người không có giấy tờ đi lại còn giá trị.

Ngày 25/5, Ban chỉ đạo Bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao đã họp đánh giá tình hình và tìm giải pháp phối hợp với phía Philippines đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất. Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, có 437 công dân Việt Nam được đưa ra khỏi cơ sở đánh bạc nêu trên.

Cục Lãnh sự và Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị các phương án, phối hợp với các cơ quan quản lý cửa khẩu để tiếp nhận, bàn giao công dân cho người nhà, địa phương liên quan. Rạng sáng ngày 30/5, nhóm 60 công dân Việt Nam đã về nước.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines tiếp tục trao đổi với phía Philippines để sớm đưa số công dân còn lại về Việt Nam an toàn

(Nguồn: Quê Hương Online)

Cô dâu Việt lấy chồng Trung Quốc: Chi nửa tỷ đồng sinh con an toàn

(Ảnh minh họa).

Lấy chồng Trung Quốc, cô dâu Việt không chọn sống dựa dẫm mà tự lập công ty riêng, độc lập về kinh tế. Có tài chính ổn định, cô sẵn sàng chi nửa tỷ đồng sử dụng dịch vụ sinh con an toàn.

Yêu nhau nhờ Google dịch

Huỳnh Ngọc Trâm Anh (27 tuổi, tên thường gọi Suzy, quê Thừa Thiên Huế) đang sống cùng nhà chồng tại Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc.

Khoảng 4 năm trước, Trâm Anh đang làm việc tại Philippines thì tình cờ quen biết một người đàn ông Trung Quốc. Sau lần gặp mặt ở tiệc sinh nhật của bạn chung, cả hai bắt đầu hẹn hò.

Trâm Anh hoàn toàn không biết tiếng Trung, còn bạn trai lại không hiểu tiếng Anh. Thế nên, hai người giao tiếp bằng google dịch hoặc dùng tay diễn tả.

Để duy trì mối quan hệ, bạn trai quyết tâm dạy Trâm Anh nói tiếng Trung. Cô gái Việt cũng nỗ lực học và ứng dụng vào giao tiếp hàng ngày với người yêu.

“Khoảng 3 tháng sau, tôi nói tiếng Trung tốt lên, giao tiếp thoải mái hơn. Chắc nhờ chồng dạy mà tôi có thể học nhanh đến như vậy”, Trâm Anh chia sẻ.

Sau 3 năm tìm hiểu, Trâm Anh và bạn trai tổ chức lễ cưới ở Việt Nam, Philippines, Trung Quốc. Trong đó, đám cưới tại quê nhà khiến cô dâu Việt hạnh phúc và hài lòng nhất.

Với mong muốn lễ cưới diễn ra suôn sẻ và chu đáo, vợ chồng Trâm Anh thuê hẳn một ekip riêng. Lễ đường được thực hiện theo ý tưởng của cô dâu, ngập tràn họa tiết cánh bướm, vô cùng lãng mạn.

Đặc biệt, ngày vui của Trâm Anh càng trọn vẹn hơn khi có đủ mặt bố mẹ hai bên. Trước đó, lịch trình của nhà trai gặp trục trặc do dịch bệnh. Điều này khiến cô dâu lo lắng.

Trâm Anh kể: “Lúc cưới ở Thừa Thiên Huế, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã ổn định nhưng ở Trung Quốc thì chưa.

Việc đi lại giữa hai nước gặp nhiều khó khăn. Mãi đến 2 ngày trước khi cưới, bố mẹ chồng mới làm được visa và có mặt trong lễ cưới”.

Chi nửa tỷ đồng sinh con an toàn

Mặc dù chồng có công ty riêng, thu nhập ổn định nhưng Trâm Anh không ỷ lại mà cố gắng làm việc, độc lập về kinh tế.

Khi mang thai con đầu lòng, Trâm Anh đồng thời thành lập công ty riêng, mở spa hoạt động ở Philippines.

Trước khi mang thai, Trâm Anh đã khám sức khỏe và chuẩn bị tinh thần. Thế nhưng, do phải điều hành công ty mới hoạt động, cô đã trải qua thai kỳ có phần mệt mỏi.

Lo lắng sức khỏe không tốt ảnh hưởng đến quá trình sinh nở, Trâm Anh quyết định chọn dịch vụ sinh con ở Trung Quốc có chi phí lên đến 500 triệu đồng. Dịch vụ sinh con VIP đã mang đến cho cô dâu Việt những trải nghiệm thú vị.

Trâm Anh kể: “Dù chưa đến ngày sinh nhưng phát hiện bất thường, vợ chồng tôi đến bệnh viện kiểm tra. Do đã mua dịch vụ sinh con trọn gói, tôi đi thẳng vào khu VIP của bệnh viện.

Tại đây, những bác sĩ tốt nhất tiến hành thăm khám rồi quyết định cho tôi vào mổ cấp cứu. Trường hợp của tôi cũng khá nguy hiểm nhưng nhờ sử dụng dịch vụ tốt nên mẹ con may mắn khỏe mạnh”.

Dịch vụ sinh con mà Trâm Anh lựa chọn, bao gồm chi phí 4 ngày ở bệnh viện và 1 tháng ở trung tâm chăm sóc mẹ và bé.

Với nửa tỷ đồng chi ra, quá trình sinh mổ của cô dâu Việt được các bác sĩ giỏi nhất của bệnh viện phục vụ.

“Khi chọn dịch vụ VIP, bác sĩ trưởng khoa trực tiếp mổ dù tôi không đặt lịch trước. Ca mổ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, không gây đau đớn, vết mổ thẩm mỹ khá đẹp”, cô dâu Việt tâm sự.

Từ phòng mổ, Trâm Anh và con được chuyển đến khu vực phòng VIP của bệnh viện. Căn phòng rộng rãi, có phòng khách, phòng ngủ riêng biệt.

Mỗi ngày, mẹ bỉm được phục vụ 3 bữa ăn chính, 3 bữa ăn phụ, nhân viên túc trực chăm sóc chu đáo.

Sau 4 ngày ở bệnh viện, mẹ con Trâm Anh chuyển về trung tâm dành cho mẹ và bé. Phòng của trung tâm nằm bên trong một khách sạn 5 sao.

Trong 1 tháng ở đây, Trâm Anh được phục vụ 6 bữa ăn/ngày. Em bé có người chăm sóc, tắm, massage… Buổi tối, hộ lý trực tiếp trông nom em bé, mẹ bỉm thoải mái nghỉ ngơi.

Theo Trâm Anh, chi phí sinh con ở Trung Quốc dao động từ 3.000-4.000 tệ, khoảng 10-20 triệu đồng. Nếu tính theo mặt bằng chung, chi phí sinh con của Trâm Anh cao hơn mức sống bình thường ở đây rất nhiều.

Nhiều người cho rằng cô dâu Việt sử dụng dịch vụ quá đắt đỏ. Thế nhưng, lựa chọn của Trâm Anh được chồng và bố mẹ chồng ủng hộ. Họ muốn cô và em bé khỏe mạnh, an toàn và được chăm sóc tốt nhất.

Ngoài sử dụng dịch vụ tốt, Trâm Anh còn nhận được sự quan tâm, yêu thương từ chồng và bố mẹ chồng. Vì thế, cô có điều kiện phục hồi sức khỏe rất nhanh chóng và tâm lý sau sinh vô cùng thoải mái.

Hiện tại, Trâm Anh đã làm việc trở lại và hy vọng bản thân luôn giữ vững tinh thần độc lập để phát triển hơn trong tương lai.

(Nguồn: Vietnamnet)

Điều đặc biệt về nữ sinh gốc Việt thành thủ khoa đại học tại Australia

Patricia Quyen (18 tuổi) đạt số điểm tuyệt đối trong kỳ thi vào các trường đại học trên toàn Australia.

Patricia Quyen hiện sống cùng bố mẹ và em trai tại thủ đô Canberra, Australia. Cuối năm 2022, khi chuẩn bị chào đón năm mới, gia đình Patricia nhận được thông báo điểm đại học của em - Patricia đạt số điểm tuyệt đối trong kỳ thi, nghĩa là em trở thành một trong những thủ khoa các trường đại học.

“Em rất bất ngờ khi biết mình đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi. Cả thời gian dài em chỉ dành để chữa bệnh, có lúc em không thể đi lại, ăn uống hay đi học như người bình thường”, cô bé 18 tuổi bật khóc khi nhận được giấy báo điểm, vì có lúc cô nghĩ với sức khoẻ hiện tại mình chẳng thể vào đại học.

Ba năm nay Patricia bị bệnh, em ít đến trường. Thậm chí có thời gian dài cô gái không thể lên lớp vì vấn đề sức khoẻ. Năm lớp 12 Patricia chỉ lên lớp vào những hôm làm bài thi.

Việc học của em diễn ra chủ yếu ở nhà, phải tự học mà không có bất kỳ bài giảng online hay sự giúp đỡ của giáo viên. Cô bé tự tìm hiểu kiến thức và đọc sách giáo khoa để làm bài.

Patricia lựa chọn Australian National University để theo học chuyên ngành Kinh tế. Cô gái trẻ cho biết đây là một trong những trường đại học xếp hạng tốt nhất ở Úc, với đề cương bài giảng thú vị và cũng là ngôi trường bố em từng theo học.

Lĩnh vực kinh tế là niềm yêu thích từ nhỏ Patricia. Nữ sinh từng viết nhiều bài luận liên quan đến kinh tế và đọc nhiều tài liệu về lĩnh vực này. Patricia từng là người có lực học không tốt. Ngày học tiểu học, khả năng tiếp thu bài của em khá chậm, điểm tổng kết chỉ đạt C hoặc cao lắm là B. Nhiều lần trên lớp học em chưa kịp hiểu cô giáo hỏi gì thì các bạn đã trả lời xong câu hỏi.

Trước khi thiết lập được một phương pháp học tập hiệu quả, Patricia Quyen luôn cặm cụi học bất kỳ lúc nào. Giờ ra chơi ở trường cô bé vẫn đọc sách, không dám nghỉ ngơi nhưng kết quả học tập không tiến bộ. Trong khi em trai chỉ mất thời gian ngắn để hoàn thành bài, thì Quyen vẫn ngổn ngang với đống bài tập và chẳng bài nào làm xong. Ở trường cô nhút nhát vì cảm thấy mình thua kém bạn bè.

“Nhờ sự động viên từ mẹ, em lập cho mình kế hoạch học tập bài bản để cải thiện”, cô gái 18 tuổi nói.

Bản thân thường xuyên phải đến viện, nữ sinh không có nhiều thời gian để học, em tự tìm hiểu và đưa ra những cách học rút ngắn thời gian, đạt hiệu quả cao.

Với Patricia, các môn học khác nhau cần phương pháp học khác nhau. Để việc học tập đạt hiệu quả, cô chia thời gian học từng môn theo phương pháp lặp lại ngắt quãng. Nữ sinh thường dành nhiều thời gian cho môn học khó. Cô tạo bản đồ tư duy gồm những kiến thức về một chủ đề nhất định, để có thể xác định những lỗ hổng trong kiến ​​thức của mình và bổ sung phần còn thiếu. Điều này giúp cô gái ghi nhớ và liên kết các phần thông tin khác nhau, phục vụ cho quá trình ôn tập làm các bài kiểm tra.

Thay vì đặt mục tiêu cố gắng làm điều gì đó hoàn hảo, nữ thủ khoa đặt cho mình mục tiêu cải thiện từng khía cạnh nhỏ nhất. Từng chi tiết nhỏ cộng lại sẽ trở thành những khác biệt lớn. Em thường tự tạo ra những câu hỏi mà bản thân nghĩ có thể xuất hiện trong các bài kiểm tra và thực hành trả lời. Đồng thời em chia nhỏ câu hỏi phức tạp thành những câu hỏi đơn giản hơn để vừa có thể dễ dàng trả lời và lại dễ ghi nhớ.

Trái ngược với vẻ ngoài xinh xắn, nữ tính, Patricia lại rất thích những môn thể thao vận động như bơi lội, võ thuật, bóng rổ. Nữ sinh yêu thích vai trò lãnh đạo. Khi còn học ở bậc trung học, Patricia được vinh danh tấm gương tiêu biểu trong phong trào hoạt động nhân đạo, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Austrailia đích thân trao tặng Giấy khen “Công dân tích cực và hiểu biết” vì những cống hiến cho cộng đồng. Cô còn là cá nhân duy nhất giành huy chương cho thành tích xuất sắc ở môn Giáo dục thể chất ở trường trung học vào năm lớp 10 và giải Nhì “Học sinh nữ xuất sắc nhất về môn Toán” do Đại học New South Wales trao tặng. Patricia còn thành lập câu lạc bộ bảo vệ môi trường thu hút hơn 200 học sinh tham gia. Câu lạc bộ đã đưa ra nhiều chất vấn các thành viên trong Quốc hội Australia về vấn đề khí thải và các biện pháp bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, cô gái trẻ muốn trở thành người quản lý quỹ phòng hộ, hoặc làm việc cho chính phủ để giúp thiết lập chính sách kinh tế, cải thiện điều kiện sống cho người dân. Song song với công việc Patricia muốn cùng mẹ làm từ thiện giúp đỡ trẻ em.

“Mẹ là người có ảnh hưởng lớn với em, từ suy nghĩ đến hành động. Bà là người coi trọng sự nghiệp giáo dục và thường xuyên giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh không tốt. Em luôn muốn làm những việc ý nghĩa như mẹ”, Patricia chia sẻ

“Con gái luôn là niềm tự hào với tôi”

Chia sẻ về kết quả thi tuyển đại học của con gái, chị Hoàng Hằng (mẹ Patricia Quyen - giáo viên mầm non - tác giả của kênh YouTube Hey Hằng) cho biết chị sốc khi nhận được giấy báo điểm. Bản thân chị và cả con không nghĩ con mình có thể đạt điểm cao như vậy.

“Tôi đã rất hạnh phúc. Đối với người khỏe mạnh việc đạt được thang điểm này là dễ hiểu, nhưng với một người có vấn đề về sức khỏe như Patricia là điều kỳ diệu”, người mẹ nói.

Patricia sống tình cảm, luôn nghĩ cho người khác, trong công việc cô bé nhiệt tình và năng nổ. Tuy nhiên trong một khoảng thời gian dài cô bé có lực học không tốt, không theo kịp các bạn.

“Con bé tâm sự với tôi về việc không thể nghe kịp cô giảng bài, và việc làm bài tập cũng là điều khó khăn”, chị Hằng nói và cho biết chị tự hào về con và kết quả con đạt được. Cô bé đã mất một khoảng thời gian dài để học tập theo kịp các bạn. Trong khoảng thời gian đấy Patricia còn phải chiến đấu với bệnh tật hành hạ.

Chị Hằng cũng từng kỳ vọng con học hành giỏi giang, lớn lên có thể trở thành bác sĩ. Có thời điểm chị áp đặt con làm theo mong muốn của mình, học những môn mà cô bé không thích. Thấy con không hứng thú, và không tiến bộ, chị quyết định thay đổi bản thân để con được sống đúng với sở thích cá nhân. Patricia trở nên hoạt bát khi được theo đuổi những điều mình thích.

“Thời điểm biết con đạt thủ khoa, nhiều người khuyên con nên chọn lại ngành Y. Tôi cũng yêu thích ngành học này, nhưng đấy không phải sở thích của con”, chị Hằng cho biết ngành học của Patricia được lựa chọn trước khi con thi. Giả sử có thể thay đổi, chị vẫn ủng hộ con theo đuổi ước mơ của mình, để Patricia có thể phát huy hết được sở trường của bản thân.

Với chị con người sống vui nhất, hạnh phúc nhất là khi được tự do theo đuổi đam mê và sở thích của mình. Nên chị lựa chọn đồng hành cùng con trên con đường chinh phục ước mơ.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang