Mỹ: Vụ đình công ở Boeing; 60 ngày trước bầu cử; Vai trò các tiểu bang dao động; Trump-Harris ai dẫn trước; Sự thất bại ở Afghanistan

CÔNG NHÂN BOEING ĐÌNH CÔNG PHƠI BÀY SỰ THẬT VỀ SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG THU NHẬP CỦA LAO ĐỘNG MỸ

30.000 công nhân của hãng hàng không Mỹ Boeing đình công nhằm phản đối việc công ty không tăng lương theo đề xuất ban đầu và nhiều quy định bất hợp lý khác.

30.000 công nhân tại các nhà máy của hãng sản xuất máy bay Boeing ở Bờ Tây nước Mỹ đã đình công vào sáng 13/9, khiến hoạt động sản xuất dòng máy bay bán chạy nhất bị đình trệ, trong lúc tình trạng sản xuất của hàng chậm trễ và nợ ngày càng tăng. Các công nhân đình công hiện lắp ráp Boeing 737 MAX, 777 và 767 tại nhà máy ở Seattle và Portland.

Đây là cuộc đình công đầu tiên của người lao động Boeing kể từ năm 2008, khi công ty đang chịu sự giám sát chặt chẽ của giới chức Mỹ, các đối tác và khách hàng sau sự cố bung cửa sổ và một mảng lớn trên thân máy bay Boeing 737 MAX hồi tháng 1/2024.

Người lao động của Boeing đình công do không hài lòng với thỏa thuận sơ bộ mà các lãnh đạo Hiệp hội thợ máy và người lao động hàng không vũ trụ quốc tế (IAM) đạt được với Boeing đầu tuần này. Thỏa thuận gồm điều khoản tăng 25% lương, thưởng 3.000 USD sau khi ký hợp đồng lao động và cam kết lắp ráp máy bay thương mại kế tiếp của Boeing ở Seattle. Tuy nhiên, nhiều người muốn tăng 40% lương như đề xuất ban đầu.

Những điểm gây tranh cãi khác gồm có việc hợp đồng sẽ không khôi phục chế độ lương hưu, cũng như cam kết thiếu chắc chắn của Boeing về các dự án trong tương lai tại khu vực Seattle.

Theo một báo cáo của ngân hàng đầu tư độc lập TD Cowen của Mỹ, một cuộc đình công kéo dài 50 ngày có thể khiến Boeing thiệt hại từ 3-3,5 tỷ USD. Lần gần nhất công nhân Boeing đình công diễn ra năm 2008 và kéo dài 52 ngày khiến hãng mất khoảng 100 triệu USD mỗi ngày.

Trước đó trong năm  2023, nước Mỹ đã chứng kiến làn sóng đình công ở mọi ngành công nghiệp. Khởi đâu từ tháng 5, các nhà biên kịch Hollywood thuộc Hiệp hội Nhà văn Mỹ (WGA) đã đình công trong 148 ngày trước khi đạt được một thỏa thuận. Tiếp đó, vào đầu tháng 7, Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh SAG-AFTRA cũng đình công trong thời gian dài. Đến tháng 9, các nhân viên Starbucks cũng tổ chức bãi công. Các nhân viên tuyến đầu bao gồm các y tá, nhân viên khách sạn và phi công cũng đã đình công làm đình trệ một số công việc. Cũng có những vụ việc suýt xảy ra: vào tháng 7, Công ty vận chuyển bưu kiện UPS đã ngăn chặn được một cuộc đình công - vốn có thể trở thành cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử Mỹ của một công ty.

Theo các chuyên gia, người lao động Mỹ đang phản ứng trước tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh giá cả tăng vọt trong nền kinh tế Mỹ đang suy thoái như hiện nay.

Theo đó, một lý do khác khiến người lao động Boeing bức xúc là việc hãng này hồi tháng 5 đã hào phóng thông qua gói trả lương trị giá 33 triệu USD cho Giám đốc điều hành (CEO) sắp mãn nhiệm Dave Calhoun. Đây là gói trả lương cao chưa từng có cho một CEO của Boeing và tăng 45% so với mức 22,6 triệu USD mà ông Calhoun nhận được vào năm 2022. "Việc CEO được tăng lương 45% trong khi công nhân chỉ có 25 % là bất bình đẳng, trong khi lương của CEO cao hơn lương của công nhân rất nhiều", một chuyên gia Mỹ nhận định.

Việc các nhà sử dụng lao động thường không muốn tăng lương để đáp ứng lạm phát gia tăng hoặc giải quyết các mối lo ngại về an toàn lao động trong môi trường có rủi ro cao, người lao động đã chuyển sang giải pháp ngừng làm việc để không chỉ duy trì cuộc sống hàng ngày, mà còn đảm bảo điều kiện làm việc về cơ bản tốt hơn cho tương lai. Stephani De Luca, một thành viên của Hiệp hội Nhà văn Mỹ nói: “Nghiệp đoàn của chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh nhờ sự hỗ trợ to lớn từ các gia đình của người lao động và những người không có quyền lợi cá nhân trong cuộc đình công của chúng tôi, nhưng đã cho chúng tôi biết rằng thông điệp của chúng tôi đã gây được tiếng vang”.

 

 

NƯỚC MỸ ĐẾM NGƯỢC 60 NGÀY TRƯỚC BẦU CỬ: SỰ CHIA RẼ NGÀY CÀNG TRẦM TRỌNG

Xã hội Mỹ đang bị phân cực hơn bao giờ hết. Để hiểu tại sao tâm lý của cử tri Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà ngày bị chia rẽ và trái ngược hoàn toàn, nên nhìn lại lịch sử thế kỷ 20 và sự thay đổi của các giá trị, văn hoá, và cơ cấu nền kinh tế Mỹ.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ diễn ra vào thời điểm nước Mỹ bị chia rẽ hơn bao giờ hết, khi cả hai phe đều tin chắc rằng phe kia sẽ huỷ diệt đất nước nếu họ giành được chiến thắng chính trị. Quá trình phân cực này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng gần đây các học giả Mỹ đã nhắc tới xu hướng phân cực dựa trên cảm xúc (affective polarization), khi mà phe đối lập không chỉ được coi là có chính sách không đồng thuận đối với phe kia, mà còn bị coi là sai trái về mặt đạo đức ở mức độ cơ bản nhất. Những cảm xúc mạnh mẽ chống lại phe đối lập sẽ khiến cho một phe ngày càng có cảm tình với những người chia sẻ hệ tư tưởng của mình, và coi bất kỳ thành công nào của phe đối lập là mối đe doạ hiện hữu đối với tương lai của quốc gia.

Sự phân cực này không phải là một diễn biến đột ngột, mà là kết quả của sự chia rẽ ngày càng nặng nề trong văn hoá, kinh tế, và xã hội Mỹ trong những năm qua. Theo Pew Research, nền chính trị Mỹ đã chuyển từ một hệ thống sẵn sàng thoả hiệp sang sự cứng nhắc trong ý thức hệ. Nhà khoa học chính trị Michael Hais đã chỉ ra, người Mỹ ngày càng gắn bó nhau bởi hai thế giới quan hoàn toàn khác biệt. Một bên – phe Cộng hoà – coi thế giới bên ngoài là nguy hiểm và cần sự bảo vệ mạnh mẽ của chính phủ, trong khi bên kia – phe Dân chủ - tin vào các giá trị nhân loại, rằng hợp tác với lẫn nhau là cần thiết để giải quyết các vấn đề cấp bách của thế giới.

Thậm chí, sự bi quan về tương lai của nước Mỹ còn lan rộng đến cả những người cảm thấy hài lòng với cuộc sống cá nhân. Mặc dù các cuộc khảo sát cho thấy nhiều người Mỹ đánh giá cao cộng đồng địa phương và cuộc sống của mình, nhưng họ lại tỏ ra lo ngại về tình hình chung của đất nước. Sự đối lập giữa sự hài lòng cá nhân và nỗi lo âu về tương lai quốc gia đã tạo ra một bầu không khí chính trị đầy bất ổn. Cử tri hai đảng đều tin rằng chính cộng đồng của mình mới nắm giữ giải pháp cho các vấn đề của đất nước và thường bày tỏ sự nghi ngờ, thậm chí là thù ghét đối với phe đối lập. Điều này dẫn đến tình trạng phân cực sâu sắc trong xã hội Mỹ, khiến cho việc tìm kiếm tiếng nói chung trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nhiều người Mỹ tin rằng cách duy nhất để an tâm về tương lai của đất nước là có một nhà lãnh đạo đại diện cho phe phái của họ lên nắm quyền. Họ hy vọng rằng vị lãnh đạo này sẽ thúc đẩy những chính sách phù hợp với lợi ích của nhóm mình. Tuy nhiên, điều này càng làm sâu sắc thêm tình trạng phân cực. Khi một phe cảm thấy được đại diện và lắng nghe, phe còn lại sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, dẫn đến sự đối đầu và bất ổn xã hội. Việc chỉ tập trung đáp ứng nhu cầu của một nửa dân số sẽ làm xói mòn sự đoàn kết quốc gia, khiến cho việc giải quyết các vấn đề chung trở nên khó khăn hơn.

Sự chia rẽ ngày càng gia tăng này sẽ có hệ luỵ trong cuộc bầu cử sắp tới. Đầu tiên, nó có nguy cơ đẩy nước Mỹ gần hơn với bạo lực chính trị, như chúng ta đã chứng kiến vào năm 2020 với các vụ bạo loạn sau cái chết của George Floyd, và năm 2021 trong cuộc bạo loạn tại Điện Capitol. Các học giả và nhà phân tích cảnh Báo rằng với mỗi bên quá cố chấp trong niềm tin rằng bên kia là mối đe doạ, khả năng bùng phát bạo lực sẽ ngày càng tăng lên. Trong khi nhiều cử tri Mỹ quan tâm đến chính trị hơn bao giờ hết, điều này cũng có thể dẫn đến sự thất vọng khắp xã hội nếu không đạt được kết quả mong muốn, do cả hai phe đều đang huy động cử tri bằng cách “quỷ hoá” phe đối lập. Nếu kết quả bầu cử bị phản đối hay một phần lớn cử tri coi là bất hợp pháp, khả năng cao là bạo lực chính trị sẽ tái bùng phát trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tâm lý của cử tri Đảng Cộng hoà

Để giải thích động lực đằng sau lý do cử tri Mỹ quyết định gắn liền với hệ tư tưởng của Đảng Cộng hoà hay Đảng Dân chủ, chúng ta cũng cần phải hiểu cơ cấu xã hội và kinh tế của nước Mỹ đương đại. Phần lớn cử tri bỏ phiếu cho Donald Trump và đảng Cộng hoà đến từ tầng lớp trung lưu trở xuống, và chủ yếu là những người da trắng sinh sống ở các vùng nông thôn. Tất nhiên, nhiều cử tri ủng hộ Đảng Cộng hoà cũng nằm trong tầng lớp thượng lưu; có trình độ học vấn cao và quan điểm xã hội ôn hoà hơn. Theo một phân tích của New York Times, số người này chiếm khoảng 14% tổng số cử tri ủng hộ Đảng Cộng hoà, nhưng nhiều người trong số họ đi theo phong trào “Never Trump” (không bao giờ ủng hộ ông Trump), và sẽ bỏ phiếu cho bất kỳ ai ngoài ông Trump. Vì vậy, cơ hội thắng cử của ông Trump sẽ có thể được giải thích tốt hơn khi tập trung vào khoảng 60-70% cử tri Cộng hoà đi theo chủ nghĩa dân tuý và cánh hữu.

Trong phần lớn lịch sử Mỹ, nhóm cử tri này đã là những thành viên được hưởng nhiều lợi ích nhất từ hệ thống kinh tế và xã hội. Từ thời kỳ nô lệ đến sự bùng nổ của nền kinh tế Mỹ sau Thế chiến thứ hai, khi Mỹ trở thành cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, những người da trắng thuộc tầng lớp lao động liên tục có khả năng vươn lên và leo nấc thang xã hội, giúp họ đạt được Giấc mơ Mỹ và luôn sống với thái độ lạc quan, tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn.

Quá trình toàn cầu hóa đã gây ra những cú sốc mạnh mẽ đối với nền kinh tế Mỹ. Sự dịch chuyển của các ngành công nghiệp nặng từ Trung Tây sang các nước Đông Á, nơi có chi phí lao động thấp hơn, đã dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt nhà máy và mất việc làm hàng loạt. Những thành phố công nghiệp từng sầm uất như Detroit, Pittsburgh đã trở nên tàn tạ. Sự suy giảm kinh tế đã làm xói mòn nền tảng cuộc sống của nhiều gia đình, khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi và phẫn nộ.

Việc mất đi công việc ổn định và cơ hội thăng tiến đã làm lung lay niềm tin của tầng lớp lao động vào Giấc mơ Mỹ. Họ cho rằng chính phủ và các tập đoàn lớn đã ưu ái cho các lợi ích của mình hơn là lợi ích của người lao động. Sự thất vọng này đã khiến họ tìm kiếm những giải pháp thay thế và quay lưng lại với các chính sách kinh tế truyền thống. Điều này đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các phong trào dân túy và bảo thủ, những phong trào hứa hẹn sẽ khôi phục lại sự thịnh vượng của nước Mỹ và bảo vệ lợi ích của người lao động.

Sự đa dạng sắc tộc của Mỹ ngày càng phong phú với các làn sóng nhập cư liên tục từ châu Á và Mỹ Latinh. Từ giữa thế kỷ 20, chính sách nhập cư linh hoạt hơn đã thu hút hàng triệu người tài từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ, tạo nên một xã hội đa văn hóa sôi động. Những người nhập cư này mang theo ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng với những kỹ năng và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ để chinh phục "Giấc mơ Mỹ". Thành công của cộng đồng người nhập cư châu Á là một minh chứng rõ nét cho điều đó. Theo thống kê năm 2015, người Ấn Độ, Philippines, Đài Loan, Sri Lanka, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc và Pakistan lần lượt dẫn đầu về thu nhập bình quân đầu người. Ngược lại, người Mỹ gốc Âu, vốn là nhóm chiếm đa số trong quá khứ, hiện chỉ đứng thứ 9. Điều này cho thấy, sự năng động và tinh thần cầu tiến của người nhập cư đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Mỹ

Trong khi các thành phố lớn tại Mỹ phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự gia tăng của tầng lớp trung lưu mới, đặc biệt là từ cộng đồng người nhập cư châu Á, thì nhiều vùng nông thôn lại đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế. Hệ số Gini của Mỹ, một chỉ số đo lường mức độ bất bình đẳng về thu nhập, đã tăng đáng kể, cho thấy khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Sự thành công của người nhập cư châu Á, cùng với cảm giác bị bỏ rơi của tầng lớp lao động da trắng, đã tạo ra một bầu không khí căng thẳng và dẫn đến thái độ chống lại làn sóng nhập cư mới từ Mexico và Mỹ Latinh. Nỗi sợ mất việc làm, sự cạnh tranh về các nguồn lực, và những quan niệm sai lệch về văn hóa đã khiến nhiều người đổ lỗi cho người nhập cư về những khó khăn mà họ đang phải đối mặt, bất chấp thực tế rằng các vấn đề kinh tế sâu xa hơn mới là nguyên nhân chính.

Song song với làn sóng nhập cư, các phong trào xã hội mạnh mẽ như phong trào dân quyền, nữ quyền và đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBT đã làm rung chuyển nền tảng của xã hội Mỹ. Những thành tựu của các phong trào này, trong khi mang lại sự tiến bộ, cũng đồng thời tạo ra những căng thẳng xã hội sâu sắc. Những nhóm người trước đây được xem là đại diện cho đa số, đặc biệt là nam giới da trắng, cảm thấy vị thế của mình bị thách thức. Cảm giác mất đi đặc quyền và sự thay đổi nhanh chóng của cấu trúc xã hội đã dẫn đến sự phản kháng và bất mãn trong một bộ phận không nhỏ dân cư. Phần lớn cử tri Cộng hoà ngày nay cũng là những người theo đạo Thiên chúa tận hiến đối với đức tin của họ, và họ cho rằng các phong trào này đã tạo nên một xã hội trái ngược hoàn toàn với các giá trị tôn giáo của họ. Điều này đã tạo ra những cuộc tranh luận gay gắt về bản sắc quốc gia, giá trị truyền thống và quyền lợi của các nhóm dân cư khác nhau.

Chính trong bối cảnh này, Donald Trump đã xuất hiện trong năm 2016 như một tiếng nói cho những cộng đồng cảm thấy họ không thuộc về các giá trị mới của một nước Mỹ hiện đại. Bằng cách hứa hẹn đem lại việc làm, hạn chế nhập cư, và tái thiết nền kinh tế nội địa, Trump đã khơi dậy hy vọng trong lòng những người từng cảm thấy rằng họ đã mất tất cả. Trong bốn năm tại Nhà Trắng, Trump đã một lần nữa đưa những người này quay trở lại trung tâm của xã hội Mỹ, và khi Biden thắng cử, họ cảm thấy rằng các “thế lực” tại Washington đã tước đi vị lãnh đạo họ cần bây giờ hơn bao giờ hết. Vì vậy, trong cuộc bầu cử này, Trump không chỉ là một ứng cử viên, mà còn là biểu tượng của sự kháng cự với giới tinh hoa chính trị, và niềm hy vọng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Tâm lý của cử tri đảng Dân chủ

Ngược lại, phần lớn cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ sống ở các thành phố lớn dọc bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ, nơi có sự đa dạng sắc tộc, điều kiện kinh tế thuận lợi hơn và chất lượng cuộc sống cao hơn. Lớn lên trong một môi trường hoà thuận, nơi các giá trị con người và bình đẳng được nâng cao, và nơi các phong trào nhân quyền và quyền LGBT ra đời, họ sẽ ủng hộ các chính sách xã hội tiến bộ hơn so với cử tri ở vùng nông thôn và các thành phố nhỏ. Họ tin rằng một xã hội tiến bộ là một xã hội nơi mọi người, bất kể xuất thân, giới tính hay xu hướng tình dục, đều có cơ hội phát triển và thành công. Những thay đổi xã hội, trong mắt họ, không phải là mối đe dọa mà là cơ hội để xây dựng một nước Mỹ tốt đẹp hơn, công bằng hơn.

Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm y tế toàn dân, giáo dục công bằng, và các chương trình hỗ trợ người yếu thế. Đối với cử tri Đảng Dân chủ, việc Nhà nước quan tâm, đảm bảo mọi người đều được hưởng các phúc lợi xã hội là minh chứng cho một xã hội văn minh, tiến bộ. Họ kỳ vọng Nhà nước sẽ nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện bình đẳng để mọi người cùng phát triển. Không chỉ bảo vệ quyền lợi của các nhóm người dễ bị tổn thương, họ còn mong muốn nước Mỹ trở thành tấm gương sáng về sự đa dạng và tiến bộ, một nơi mà mọi người đều có cơ hội sống tốt đẹp.

Đối với nhóm cử tri này, toàn cầu hóa không phải là mối đe dọa mà là cơ hội vàng để nước Mỹ mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Họ tin rằng việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu sẽ mang lại lợi ích cho mọi tầng lớp xã hội, không chỉ các tập đoàn lớn. Nếu được điều hành một cách minh bạch và công bằng, quá trình này sẽ góp phần cải thiện đời sống của người dân Mỹ. Họ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như công nghệ, môi trường và nhân quyền, cho rằng đây là những yếu tố then chốt để nước Mỹ duy trì vai trò lãnh đạo thế giới. Họ kỳ vọng chính phủ Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ cùng nhau nỗ lực giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng.

Cơ cấu kinh tế hiện đại, với sự trỗi dậy của các ngành công nghệ cao, tài chính và dịch vụ, đã tạo ra một lớp trung lưu mới tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Nhóm người này thường có mức sống cao, được tiếp cận nhiều hơn với thông tin và có xu hướng quan tâm đến các vấn đề xã hội. Việc làm trong các ngành dịch vụ đòi hỏi sự giao tiếp và hợp tác, khiến họ có tư duy cởi mở và tôn trọng sự đa dạng. Do đó, họ dễ dàng đồng thuận với các chính sách của Đảng Dân chủ, vốn nhấn mạnh đến sự bình đẳng, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Việc các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống đã được đáp ứng cho phép họ dành thời gian và nguồn lực để tham gia vào các phong trào xã hội như Occupy Wall Street, Black Lives Matter hay các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine. Điều này cho thấy một mối liên kết chặt chẽ giữa cấu trúc kinh tế, tư duy xã hội và sự lựa chọn chính trị của nhóm cử tri này.

Sự chia rẽ trong hệ tư tưởng

Tuy nhiên, cách nhìn thế giới một cách lý tưởng này gần như không thể áp dụng ở bất kỳ đâu khác tại Mỹ, nơi các cộng đồng phải đối mặt với những thách thức kinh tế và xã hội hoàn toàn khác. Trong khi những cử tri Dân chủ ở các thành phố giàu có có thể dễ dàng tiếp nhận và đồng tình với các phong trào xã hội tiến bộ, thì những cử tri Cộng hoà ở các vùng nông thôn và các thành phố nhỏ thường không có đủ điều kiện kinh tế để quan tâm đến những vấn đề này. Đối với họ, việc đảm bảo cuộc sống hàng ngày và duy trì sinh kế là những ưu tiên hàng đầu, và họ cảm thấy rằng những lý tưởng xã hội lớn lao mà cử tri Đảng Dân chủ không những phục vụ lợi ích của mình, mà còn có thể gây hại nghiêm trọng đến điều kiện an sinh xã hội.

Nền kinh tế của các vùng nông thôn và thành phố nhỏ tại Mỹ chủ yếu dựa vào các ngành truyền thống như nông nghiệp, khai thác và chế biến. Những ngành này không chỉ chịu tác động tiêu cực từ quá trình toàn cầu hóa mà còn khó tận dụng được những lợi ích từ công nghệ cao và dịch vụ, vốn tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Các chính sách xã hội, dù mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, lại thường bị xem là gánh nặng đối với người dân ở các vùng nông thôn. Những quy định về môi trường ngày càng chặt chẽ và các khoản thuế mới để tài trợ cho các chương trình y tế và phúc lợi xã hội gây ra áp lực lớn lên các ngành công nghiệp truyền thống, vốn là nguồn thu nhập chính của người dân tại đây. Điều này khiến nhiều người cảm thấy bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của đất nước.

Những điều này đã tạo nên một sự chia rẽ sâu sắc về mặt tư tưởng và kinh tế giữa các thành phố lớn và các khu vực khác của nước Mỹ.

Ngoài ra, tâm lý cởi mở với sự thay đổi và các quan điểm đa dạng, truyền thống của Đảng Dân chủ trong nhiều năm nay, đang chứng kiến một bức ngoặt khi nhóm cử tri này trở nên ngày càng cực đoan trong việc bảo vệ quan điểm của mình. Đối với nhiều người ủng hộ Đảng Dân chủ, bất kỳ ý kiến nào trái ngược với các giá trị mà họ ủng hộ đều bị coi là lạc hậu, phân biệt đối xử, hay phản động. Thay vì tiếp tục truyền thống tranh luận công khai và khoan dung đối với các ý kiến đa dạng, nhiều cử tri Đảng Dân chủ tỏ ra ít sẵn lòng chấp nhận những quan điểm khác biệt, đặc biệt khi nó đến từ nhóm cử tri Đảng Cộng hoà.

Sự cực đoan này càng trở nên rõ ràng hơn trong cuộc chiến văn hoá (culture war) đang diễn ra giữa phe Dân chủ và phe Cộng hoà. Các vấn đề như quyền phá thai, kiểm soát súng đạn, hay giáo dục giới tính trong trường học không còn chỉ là những vấn đề chính trị, mà đã trở thành một cuộc đấu tranh sâu sắc giữa truyền thống và sự tiến bộ. Một số cử tri Đảng Dân chủ tin rằng chỉ quan điểm của họ là đúng, và họ coi những người phản đối quan điểm của mình là không hiểu biết, ngu dốt, hay bảo vệ các giá trị lỗi thời.

Một hậu quả của việc này là sự mất khả năng hiểu và thông cảm với quan điểm của bên kia. Một vài thống kế trong những năm qua cho thấy nhiều cử tri Đảng Dân chủ, sống trong môi trường phát triển mạnh và đa sắc tộc tại các thành phố lớn, thường khó có thể đồng cảm với những lo ngại và bất mãn của người dân nông thôn. Họ thường nhìn nhận những nỗi lo về mất việc làm hoặc sự thay đổi trong cấu trúc xã hội như là những phản ứng chống lại sự tiến bộ, thay vì là những mối lo ngại thực sự. Ngược lại, cử tri Đảng Cộng hòa ở nông thôn cảm thấy bị coi thường và không được lắng nghe bởi những người sống ở các thành phố lớn. Điều này chỉ càng làm gia tăng sự phân tách giữa hai phe và tạo ra một môi trường chính trị khó có thể tìm được thoả hiệp.

 

 

VAI TRÒ QUYẾT ĐỊNH CỦA CÁC TIỂU BANG “DAO ĐỘNG”

Trong khi hầu hết các tiểu bang có khuynh hướng đảng phái nhất quán (Dân chủ hoặc Cộng hòa), thì một số ít tiểu bang “dao động” là nơi quyết định ai sẽ là Tổng thống Mỹ tiếp theo.

Khi công chúng Mỹ chuẩn bị đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 60 vào ngày 5/11, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ đưa một số ít tiểu bang của "xứ cờ hoa" vào tâm điểm chú ý.

Các tiểu bang này đóng vai trò to lớn trong việc quyết định kết quả cuộc đua và thường chiếm vị trí quan trọng trong bất kỳ phạm vi đưa tin về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Đó là các tiểu bang "dao động" (swing state), hay còn gọi là bang "chiến trường" (battleground state).

Đúng như cách được gọi, các bang "dao động có khả năng ảnh hưởng đến kết quả của một cuộc bầu cử toàn quốc. Trên một số ít "chiến trường" cạnh tranh khốc liệt, giấc mơ của nhiều nhân vật quốc gia đầy tham vọng đã bị dập tắt và tan vỡ.

Năm nay không có gì khác biệt. Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang bị cuốn vào một cuộc chiến ở một số tiểu bang "phải thắng" (must-win state).

Tiểu bang “dao động”

Tiểu bang "dao động" là thuật ngữ dùng để chỉ một tiểu bang nơi có sự cạnh tranh sít sao trong các cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ. Những tiểu bang này được biết đến với mô hình bỏ phiếu khó lường.

Trong chính trị Mỹ, các cuộc bầu cử Tổng thống được quyết định bởi một hệ thống bỏ phiếu độc đáo được gọi là Đại cử tri đoàn, không phải bằng phiếu phổ thông. Vì lý do đó, các tiểu bang "dao động" có thể đóng vai trò cực kỳ lớn trong việc quyết định kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng.

Mỗi một bang trong số 50 tiểu bang được phân bổ một số phiếu Đại cử tri đoàn nhất định, theo tỉ lệ dân số của bang đó. Một ứng cử viên Tổng thống Mỹ phải giành được tối thiểu 270 phiếu Đại cử tri, tức là trên 50% trong số 538 phiếu Đại cử tri, để có thể đắc cử.

Ví dụ, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump đã giành chiến thắng mặc dù nhận được ít phiếu bầu hơn đối thủ Hillary Clinton, bằng cách giành được 304 phiếu Đại cử tri ở các tiểu bang quan trọng.

Trong khi hầu hết các tiểu bang đều có khuynh hướng đảng phái nhất quán – như bang California từ lâu vẫn ủng hộ Đảng Dân chủ còn bang Texas là thành trì của Đảng Cộng hòa, thì một số ít tiểu bang "dao động" là nơi quyết định thành bại. Do đó, các ứng cử viên Tổng thống có xu hướng đầu tư rất nhiều nguồn lực để thu hút cử tri ở các tiểu bang "dao động".

Với số phiếu Đại cử tri được cập nhật từ cuộc điều tra dân số năm 2020, các tiểu bang quan trọng này sẽ một lần nữa trở thành tâm điểm của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, nắm giữ tổng cộng 93 phiếu Đại cử tri.

Cuộc đua sít sao

Một trong những đặc điểm để xác định một tiểu bang "dao động" là khuynh hướng chính trị mơ hồ của bang đó. Nhưng các tiểu bang từng "dao động" cũng có thể bắt đầu "ngả xanh" (chuyển sang ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ) hay "ngả đỏ" (bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa).

Vì lý do này, các tiểu bang "dao động" có thể thay đổi theo thời gian. Ví dụ, Florida được coi là một tiểu bang "dao động" từ những năm 1990 đến năm 2020, nhưng hiện tại, tiểu bang này được coi là bang "cực đỏ" khi số lượng cử tri Cộng hòa đăng ký tăng lên.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, các tiểu bang được theo dõi chặt chẽ là Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania, Wisconsin, Nevada và Minnesota. Bắc Carolina là tiểu bang mới tham gia nhóm các tiểu bang "dao động" này.

Các cuộc thăm dò có thể hé lộ một chút về tình hình tại các tiểu bang "dao động" và cho thấy rõ ràng ông Trump và bà Harris đang trong một cuộc đua cực kỳ sít sao.

Ví dụ, tại bang Arizona, điểm trung bình thăm dò cho thấy 2 ứng cử viên gần như ngang nhau, hoặc ông Trump giành được lợi thế mong manh là 1 điểm hoặc ít hơn.

Trong khi đó, tại bang Pennsylvania, cuộc đua cũng đang diễn ra căng thẳng, với điểm trung bình thăm dò cho thấy một cuộc đua "ngang tài ngang sức" hoặc bà Harris dẫn trước chưa đến 1%.

Minnesota có khả năng là tiểu bang "dao động" duy nhất mà bà Harris vẫn duy trì được ưu thế dẫn đầu, dẫn trước ông Trump trung bình 5-8 điểm.

Mặc dù tâm lý cử tri vẫn có thể thay đổi trong những tuần tới, nhưng dựa trên điểm trung bình thăm dò, đây chắc chắn là một cuộc đua có kết quả sít sao khi cử tri đi bỏ phiếu vào tháng 11.

Trong khi đó, cả bà Harris và ông Trump đều đã vận động tranh cử mạnh mẽ tại các tiểu bang "dao động" như Pennsylvania, Michigan và Georgia, hy vọng có thể khiến các bang này nghiêng về phía mình.

Trong diễn biến mới nhất, ngay sau cuộc tranh luận gay gắt diễn ra hồi đầu tuần, cả 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều nhanh chóng quay trở lại cuộc chiến giành lấy các tiểu bang "dao động": Ông Trump tới Arizona, trong khi bà Harris tới Bắc Carolina và Pennsylvania.

Ở Pennsylvania, bà Harris đã vận động tranh cử ở một số khu vực có khuynh hướng ủng hộ Đảng Cộng hòa hơn của tiểu bang, ví dụ Quận Luzerne. Đó là nơi mà ông Trump đã giành chiến thắng thuyết phục vào năm 2020.

Theo cách nghĩ từ chiến dịch của bà Harris, có thể bà ấy được cho là cần phải thu hẹp khoảng cách ở những quận "đỏ" hơn trong tiểu bang "dao động" này. Và đó là cách họ nhìn nhận con đường chiến thắng cho bà ấy ở một nơi như Pennsylvania.

 

 

SAU CUỘC TRANH LUẬN, TRUMP HAY HARRIS ĐANG DẪN TRƯỚC?

Các cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu vào ngày 5/11 để bầu ra vị tổng thống tiếp theo.

Ban đầu, cuộc bầu cử này là màn tái hiện lại cuộc đấu năm 2020 khi ông Joe Biden và ông Donald Trump là hai ứng viên chính. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra sau khi Tổng thống Biden rút lui vào tháng 7/2024 và ủng hộ bà Kamala Harris thay thế ông cho vị trí ứng viên của Đảng Dân chủ.

Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu ông Trump sẽ có nhiệm kỳ tổng thống thứ hai hay nước Mỹ sẽ có nữ tổng thống đầu tiên.

Trong lúc ngày bầu cử đang đến gần, cùng BBC theo dõi các cuộc thăm dò và xem chúng ảnh hưởng thế nào đến cuộc đua vào Nhà Trắng.

Kết quả thăm dò cho thấy gì về người chiến thắng trong cuộc tranh luận?

Hơn 67 triệu người đã theo dõi bà Harris và ông Trump tranh luận với nhau tại bang Pennsylvania vào ngày 10/9. Các cuộc thăm dò cho chúng ta biết điều gì về người chiến thắng?

Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos trên 1.400 cử tri đã đăng ký và đã nghe ít nhất một điều gì đó về cuộc tranh luận cho thấy 53% người được hỏi nói rằng bà Harris đã thắng và 24% khẳng định ông Trump mới là người chiến thắng.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy bà Harris đang dẫn trước đối thủ của mình năm điểm phần trăm trên toàn quốc, 47% so với 42% - tăng từ mức 45%/41% vào tháng 8/2024.

Một cuộc thăm dò của YouGov đối với 1.400 người trưởng thành ở Mỹ cũng có kết quả tương tự. Trong số những người đã theo dõi cuộc tranh luận, 55% nói bà Harris đã thắng và 25% trả lời là ông Trump.

Mặc dù vậy, cuộc thăm dò không tìm thấy sự thay đổi nào trong ý định bỏ phiếu. Bà Harris vẫn dẫn trước ông Trump, 46% so với 45%, tương tự trước lúc tranh luận.

Cũng không có sự gia tăng nào cho Phó Tổng thống Harris trong cuộc thăm dò của Morning Consult đối với 3.300 cử tri tiềm năng. Cuộc thăm dò cho thấy bà Harris dẫn trước 50% so với 45% của đối thủ. Ông Trump đã bị giảm một điểm so với con số 46% trong cuộc thăm dò của Morning Consult trước cuộc tranh luận.

Dữ liệu mà BBC có lúc này cho thấy mặc dù phần lớn những người theo dõi cuộc tranh luận đều nghĩ rằng bà Harris đã chiến thắng, điều đó không hẳn có thể giúp bà có nhiều phiếu bầu hơn vì rất nhiều người Mỹ vốn đã quyết định sẽ bầu cho ai.

Ai đang dẫn đầu các cuộc thăm dò toàn quốc

Trong những tháng trước khi ông Biden quyết định rút lui khỏi cuộc đua, các cuộc thăm dò liên tục cho thấy ông tụt lại phía sau cựu Tổng thống Donald Trump. Mặc dù chỉ mang tính giả thuyết vào thời điểm đó, một số cuộc thăm dò đã cho thấy bà Harris sẽ không có kết quả tốt hơn nhiều so với ông Biden.

Tuy vậy, cuộc đua trở nên gay cấn hơn sau khi bà Harris tham gia chiến dịch tranh cử và đã dẫn trước đối thủ của mình một khoảng cách nhỏ trong trung bình các cuộc thăm dò toàn quốc. Bà đã duy trì khoảng cách này kể từ khi tham gia tranh cử.

Kết quả trung bình các cuộc thăm dò toàn quốc mới nhất cho hai ứng cử viên được hiển thị bên dưới, được làm tròn đến số nguyên gần nhất.

Trong biểu đồ theo dõi các cuộc thăm dò bên dưới, các đường xu hướng cho thấy trung bình các cuộc thăm dò đó đã thay đổi như thế nào kể từ khi bà Harris tham gia cuộc đua và các dấu chấm cho thấy sự phân bổ của kết quả các cuộc thăm dò đơn lẻ.

Mặc dù các cuộc thăm dò toàn quốc này là nguồn tin hữu ích về mức độ được ủng hộ của một ứng cử viên trên toàn quốc, nhưng chúng không hẳn là cách chính xác để dự đoán kết quả của cuộc bầu cử.

Đó là vì Mỹ sử dụng phương pháp đại cử tri đoàn, trong đó mỗi tiểu bang được trao một số phiếu bầu với tỉ lệ gần tương ứng với quy mô dân số của tiểu bang đó.

Tổng cộng có 538 phiếu đại cử tri đoàn và mỗi ứng cử viên cần đạt được 270 phiếu để giành chiến thắng.

Mỹ có 50 tiểu bang nhưng phần lớn trong đó hầu như luôn bỏ phiếu cho một đảng (tức là những bang có truyền thống ủng hộ một đảng). Trên thực tế, chỉ có một vài nơi chia đều cơ hội chiến thắng cho cả hai ứng viên.

Đây là những nơi mà kết quả cuộc bầu cử sẽ được quyết định và chúng được gọi là các bang chiến trường.

Ai đang dẫn trước ở các bang chiến trường?

Hiện tại, các cuộc thăm dò cho thấy kết quả rất sít sao ở bảy bang chiến trường, khiến cho việc biết ai thực sự đang dẫn đầu cuộc đua trở nên khó khăn.

Có ít cuộc thăm dò cấp bang hơn các cuộc thăm dò toàn quốc nên BBC có ít dữ liệu hơn để theo dõi. Bên cạnh đó, mọi cuộc thăm dò đều có biên độ sai số nên các con số trong thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn.

Hiện tại, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy có ít hơn một điểm phần trăm giữa hai ứng cử viên ở một số bang, bao gồm Pennsylvania. Đây là điều quan trọng vì bang này có số phiếu đại cử tri cao nhất (trong số các bang chiến trường) và có thể giúp người chiến thắng dễ dàng đạt được 270 phiếu cần thiết.

Các bang Pennsylvania, Michigan và Wisconsin đều là những thành trì của Đảng Dân chủ trước khi ông Trump biến những nơi này thành màu đỏ của Đảng Cộng hòa trên con đường giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Tổng thống Biden đã giành lại các khu vực vào năm 2020 và nếu bà Harris có thể làm được điều tương tự trong năm nay thì bà sẽ đi đúng hướng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Tính tới ngày ông Biden rời bỏ cuộc đua, vị tổng thống Mỹ đã kém người tiền nhiệm tới trung bình gần 5% điểm ở bảy bang chiến trường. Mọi sự đã thay đổi kể từ lúc bà Harris tham gia tranh cử.

Những con số trung bình này được tạo ra như thế nào?

Các con số BBC sử dụng trong đồ họa ở trên là các con số trung bình do trang web phân tích các cuộc thăm dò ý kiến 538 - một phần của mạng lưới tin tức ABC News tại Mỹ - tạo ra.

Để tạo ra chúng, 538 thu thập dữ liệu từ các cuộc thăm dò riêng lẻ trên toàn quốc cũng như tại các bang chiến trường do nhiều công ty thực hiện.

Là một phần trong quá trình kiểm soát chất lượng, 538 chỉ thu thập các cuộc thăm dò từ các công ty đáp ứng một số tiêu chí nhất định, chẳng hạn như minh bạch về số lượng người họ đã thăm dò, thời điểm thực hiện cuộc thăm dò và cách thức tiến hành (gọi điện thoại, nhắn tin, trực tuyến,... ).

Có thể tin tưởng vào các cuộc thăm dò không?

Hiện tại, các cuộc thăm dò cho thấy bà Kamala Harris và ông Donald Trump chỉ cách nhau vài phần trăm điểm trên toàn quốc và tại các bang chiến trường. Khi cuộc đua diễn ra sát nút như vậy, rất khó để dự đoán người chiến thắng.

Các cuộc thăm dò đã đánh giá thấp sự ủng hộ dành cho ông Trump vào cả năm 2016 và 2020.

Các công ty thăm dò sẽ cố gắng khắc phục vấn đề đó theo một số phương pháp, bao gồm việc điều chỉnh cho kết quả của họ phản ánh đúng thành phần của nhóm cử tri đi bỏ phiếu.

Tuy nhiên, những điều chỉnh đó rất khó để thực hiện chính xác. Các tổ chức thăm dò vẫn phải đưa ra những phỏng đoán có căn cứ về các yếu tố khác, chẳng hạn như ai sẽ thực sự đi bỏ phiếu vào ngày 5/11.

 

 

VÌ SAO MỸ THẤT BẠI TẠI AFGHANISTAN?

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã công bố báo cáo về những tháng cuối cùng của cuộc chiến tại Afghanistan của Mỹ, bao gồm cả cuộc rút quân thần tốc.

Theo Forbes, báo cáo được công bố hôm 8 tháng 9 đổ hầu hết lỗi lầm cho Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Đảng Dân chủ đã phản ứng bằng cách đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump, người đã ký thỏa thuận hòa bình với Taliban.

Mặc dù không thể biết được quá trình rút quân khỏi Afghanistan sẽ diễn ra như thế nào dưới thời chính quyền Trump, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, Tổng thống Biden đã đưa ra quyết định xuất phát từ sự kiêu ngạo và tập trung vào hình thức hơn là bản chất, dẫn đến thất bại cho nước Mỹ và các đồng minh.

Có thể đặt câu hỏi liệu kế hoạch của ông Trump có khả thi hay không, nhưng việc vứt bỏ nó rồi đổ lỗi cho nó về những thất bại của mình, như chính quyền Mỹ đang làm, là không hợp lý. Thật phi logic khi đổ lỗi cho một kế hoạch không hề được sử dụng.

Thỏa thuận của ông Trump khi còn là tổng thống với Taliban có điều kiện. Nó yêu cầu Taliban ngừng tấn công lực lượng Mỹ. Họ đã làm vậy.

Kế hoạch yêu cầu Taliban bắt đầu đàm phán với chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn, và họ đã tham gia vào các cuộc đàm phán dù không liên tục. Kế hoạch của ông Trump cũng yêu cầu Taliban không cho phép các nhóm khủng bố đặc biệt là Al-Qaeda và IS có mặt tại Afghanistan.

Đổi lại, Mỹ sẽ rút toàn bộ lực lượng của mình vào tháng 5 năm 2021, xem xét và có khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các thành viên Taliban và khuyến nghị các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Taliban nên được xem xét lại và có khả năng gỡ bỏ.

Cũng theo tờ Forbes, tuyên bố của Trump rằng ông sẽ để lại quân đội ở căn cứ Bagram có khả năng là sai, điều đó không có trong văn bản thỏa thuận.

Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ cho phép 8.600 quân ở lại đất nước cho đến khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban bắt đầu.

Trong khi tài liệu nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn không công nhận Taliban, tài liệu lưu ý rằng sau khi rút quân, Mỹ sẽ "tìm kiếm sự hợp tác kinh tế để tái thiết với chính quyền Hồi giáo Afghanistan sau khu định cư mới" được thành lập thông qua các cuộc đàm phán với chính quyền Afghanistan.

"Tất cả những điều trong kế hoạch của ông Trump đã biến mất và Tổng thống Biden đã thực hiện rút quân theo cách của ông và nhóm cố vấn", cựu chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại của Bộ Ngoại giao Mỹ Michael Maloof cho biết.

"Đó là điều không thực sự mới mẻ vì ông Biden, ngay cả khi ông còn là phó tổng thống, trong chính quyền Obama, đã muốn rút khỏi Afghanistan. Đây là một thất bại chiến lược về chính sách", Maloof nói.

Kế hoạch sẽ không bao giờ thành hiện thực. Ngay từ tháng 1, vài tuần sau khi nhậm chức, ông Biden đã ra hiệu rằng ông có thể giữ quân đội sau thời hạn ngày 1 tháng 5. Vài ngày sau, Taliban đã phản ứng, đưa các chỉ huy và binh lính trở lại vị trí chiến đấu.

Một chỉ huy khu vực của Taliban khi đó đã nói với giới truyền thông Mỹ rằng: "Các chỉ huy cấp cao đã được chỉ đạo quay trở lại vị trí của mình và tham dự các phiên họp và thảo luận đặc biệt để vạch ra chiến lược tương lai".

Vào tháng 4, Tổng thống Biden đã công bố quyết định của mình: Thay vào đó, quân đội Mỹ sẽ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, với những người lính cuối cùng rời đi vào ngày có ý nghĩa tượng trưng là ngày 11 tháng 9.

Taliban đã công khai tuyên bố rằng kế hoạch này là không thể chấp nhận được đối với họ và cho Mỹ hai tuần kể từ thời hạn 1 tháng 5 để rút lui hoàn toàn.

Những báo cáo đầu tiên về các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các quan chức của chính quyền Mỹ và Taliban xuất hiện vào ngày 10 tháng 8, chỉ năm ngày trước khi nhóm này tiến vào Dinh Tổng thống ở Kabul.

Taliban cuối cùng đã buộc Mỹ ra khỏi Afghanistan vào ngày 30 tháng 8, khi những người tị nạn bám vào cánh máy bay cuối cùng rời Kabul.

Tổng thống Biden cũng áp đặt những hạn chế mới đối với chính phủ Afghanistan, yêu cầu bất kỳ thỏa thuận nào họ thực hiện với Taliban đều phải bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan.

Ở mọi ngã rẽ, ông Biden có thể lập luận rằng Taliban đã vi phạm thỏa thuận của Trump và gửi thêm quân vào. Trong khi đó, Taliban không còn thấy mình bị ràng buộc bởi thỏa thuận của Trump nữa. Đến tháng 5, họ đã tiếp tục các cuộc tấn công vào binh lính Mỹ.

Ông Biden rõ ràng không thấy mình bị ràng buộc bởi thỏa thuận này vì ông là người đã phá vỡ nó, nhưng chính ông Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris lại chỉ ra thỏa thuận này là lý do khiến họ thất bại.

Ngày nay, Taliban đã hoàn toàn kiểm soát Afghanistan. Mỹ không có đòn bẩy nào đối với những người mà Taliban cho phép - hoặc không cho phép - vào quốc gia của mình, và họ được trang bị vũ khí tốt hơn bao giờ hết do đã tịch thu được của Mỹ các thiết bị có giá trị bị bỏ lại, ước tính trị giá hơn 7 tỷ đô la.

Tháng 8 năm 2024, Taliban đã tổ chức một cuộc diễu hành để trưng bày các thiết bị bị bỏ lại của Mỹ và Liên Xô, bao gồm trực thăng Mỹ, tên lửa đất đối không và xe bọc thép chở quân.

Cả ông Trump và bà Harris đã có cơ hội trình bày lập luận của mình về việc ai đã gây ra hậu quả ở Afghanistan hôm 10 tháng 9, khi hai người tham gia cuộc tranh luận đầu tiên trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.

 

Nguồn: Nguồn Lực; Vietnamnet; Người Đưa Tin; BBC; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang