Mỹ: Mùa hè nóng nhất lịch sử; Chính phủ nguy cơ đóng cửa; Tranh luận Trump-Harris; Kỷ niệm ngày 11/9; Tàu sân bay rời Trung Đông

MÙA HÈ NÓNG NHẤT LỊCH SỬ NƯỚC MỸ

Các bang như Arizona, California, Florida, Maine và New Hampshire tại Mỹ đang trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử.

Mùa hè năm 2024 tại Mỹ đã ghi nhận mức nhiệt độ trung bình cao kỷ lục, gây lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Theo số liệu từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 đạt 23,2 độ C, tăng 1,4 độ so với mức trung bình trước đây. Nền nhiệt độ tăng này không chỉ làm thay đổi môi trường sống mà còn đặt ra nhiều thách thức mới cho cả người dân lẫn chính quyền các bang.

Các bang như Arizona, California, Florida, Maine và New Hampshire đã trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử. Tại thủ phủ Phoenix của bang Arizona, nhiệt độ trung bình mùa hè lên tới 37,2 độ C, đánh dấu một kỷ lục mới. Những khu vực thành thị của các bang này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi cái nóng gay gắt, điều này đặt ra câu hỏi về khả năng chống chọi với khí hậu khắc nghiệt của hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại.

Mỹ đối mặt với mùa hè nóng nhất lịch sử

Thậm chí, các khu vực ở phía bắc như Alaska, nơi giáp với Bắc Băng Dương, cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của cái nóng. Sân bay Deadhorse tại Alaska đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 31,7 độ C vào ngày 6/8, phá vỡ kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 7/2016. Đây là mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận ở khu vực nằm ở 70 vĩ độ Bắc của Alaska, điều này càng khẳng định rõ ràng rằng biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của các khu vực nhiệt đới mà còn ảnh hưởng tới các vùng cận cực.

Trong khi nhiều khu vực của Mỹ phải đối mặt với nắng nóng gay gắt, một số vùng khác lại bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ. Đặc biệt, trong tháng 8, bão nhiệt đới Debby đã gây ra thiệt hại lớn tại các bang Florida và Nam Carolina, trong khi bão Ernesto đổ bộ vào Puerto Rico gây ra lũ lụt và mất điện diện rộng. Sự kết hợp giữa nhiệt độ cao và hiện tượng thời tiết cực đoan tạo nên bức tranh ảm đạm về sự thay đổi của khí hậu trên khắp nước Mỹ.

NOAA cũng ghi nhận rằng năm 2024 có thể trở thành một trong những năm ấm nhất trong lịch sử ghi nhận của nước Mỹ. Từ tháng 1 đến tháng 8, nhiệt độ trung bình của nước này đạt 13,8 độ C, cao hơn 1,7 độ so với mức trung bình của thế kỷ 20. Đây là năm ấm thứ hai trong vòng 130 năm qua, và dữ liệu này cảnh báo về tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng.

Trước đó, trong bối cảnh nắng nóng cực đoan đang đặt ra nhiều thách thức ở nhiều bang, thì các bang khác lại đang ứng phó với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Giới chức New Mexico, bang Tây Nam nước Mỹ, đang gồng mình ứng phó với không chỉ nắng nóng gây cháy rừng mà còn bão cát và lũ lụt. Tình trạng cháy rừng ở New Mexico nghiêm trọng đến mức cướp đi sinh mạng của 2 người và phá hủy hoặc làm hư hại ít nhất 1.400 công trình. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần trước đã ban bố tình trạng khẩn cấp do cháy rừng tại bang New Mexico.

Các khu vực ở phía Tây Bắc bang Iowa ở Trung Tây nước Mỹ đang chìm trong lũ lụt do mưa lớn từ nhiều ngày qua. Thống đốc bang này ngày 22/6 đã phải ban bố thảm họa đối với 21 quận của bang do lũ lụt.

 

 

CHÍNH PHỦ MỸ TRƯỚC NGUY CƠ ĐÓNG CỬA

Các dịch vụ của chính phủ Mỹ sẽ bị gián đoạn và hàng trăm nghìn nhân viên liên bang bị nghỉ việc nếu Quốc hội không gia hạn tài trợ sau ngày 1/10.

Ngân sách chính phủ Mỹ dự kiến hết hạn vào cuối tháng 9 và Quốc hội Mỹ sẽ cần một dự luật tạm thời được gọi là "nghị quyết tiếp tục" (CR) để giữ cho các hoạt động diễn ra sau cuộc bầu cử trong bối cảnh các đảng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về ngân sách cho cả năm.

Quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo luật chi tiêu chi tiết cho hầu hết các cơ quan chính phủ Mỹ hàng năm nhưng hiếm khi hoàn thành công việc trước khi năm tài chính bắt đầu vào ngày 1/10. Các nhà lập pháp thường thông qua các dự luật chi tiêu tạm thời để tránh gián đoạn trong vài tuần hoặc vài tháng thời gian chờ họ hoàn thành công việc nhưng thường xuất hiện khá nhiều kịch tính liên quan.

Năm nay, những thành viên đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện cho biết bất kỳ dự luật chi tiêu tạm thời nào cũng phải bao gồm việc thắt chặt luật bỏ phiếu để ngăn những người không phải công dân Mỹ tham gia cuộc bầu cử ngày 5/11. Những người không phải công dân Mỹ đã bị luật pháp nước này cấm bỏ phiếu nhưng những thành viên đảng Dân chủ nắm giữ đa số tại Thượng viện lại phản đối điều này, cho rằng đây là nỗ lực ngăn cản cử tri.

Nếu hai bên không giải quyết được bất đồng trước ngày 1/10, nhiều cơ quan chính phủ Mỹ sẽ không có tiền để tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên, trong trường hợp chính phủ Mỹ đóng cửa, các chế độ phúc lợi và chăm sóc y tế dành cho cựu chiến binh vẫn sẽ tiếp tục, mặc dù chúng có thể bị gián đoạn ở một mức độ nào đó.

Ngoài ra, 2 triệu quân nhân Mỹ sẽ tại ngũ nhưng khoảng một nửa trong số 800.000 nhân viên dân sự của Lầu Năm Góc sẽ bị cho nghỉ phép.

Trong lần đóng cửa năm 2018 - 2019, Nhà Trắng đã cho 1.100 trong số 1.800 nhân viên tại Văn phòng điều hành của Tổng thống nghỉ phép. Một số văn phòng, chẳng hạn như Hội đồng An ninh Quốc gia, vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, trong khi những văn phòng khác như Văn phòng Quản lý và Ngân sách lại bị cắt giảm mạnh.

Hiến pháp Mỹ quy định rằng Tổng thống vẫn được trả lương trong bất kỳ tình huống nào.

Hồi tháng 3/2024, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cấp ngân sách với số tiền 1.200 tỷ USD để đảm bảo chính phủ Mỹ có ngân sách hoạt động tới cuối năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 9/20224 cũng như để ngăn chặn nguy cơ chính phủ nước này phải đóng cửa một phần.

 

 

QUỐC TẾ NGHĨ GÌ VỀ CUỘC TRANH LUẬN TRUMP-HARRIS

Không chỉ Mỹ mà nhiều nơi trên thế giới cũng chú ý theo dõi màn đối đầu trực tiếp đầu tiên giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump.

Trong cuộc tranh luận ở Philadelphia, đã có những trao đổi căng thẳng giữa hai ứng cử viên tổng thống khi nói về chính sách đối ngoại của Mỹ.

Từ Bắc Kinh đến Budapest, dưới đây là cách mà cuộc tranh luận được diễn giải, theo các phóng viên nước ngoài của BBC.

Nhắc tới Putin, Điện Kremlin để ý

Steve Rosenberg, Biên tập viên BBC News Tiếng Nga, từ Moscow.

Bà Harris đã nói với ông Trump rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là “một nhà độc tài sẽ ăn tươi nuốt sống ông [Trump]”.

Cách nói “ăn tươi nuốt sống” (hay ăn sống nuốt tươi gì đi chăng nữa) không tồn tại ở Nga.

Tuy nhiên, điều tồn tại ở Nga là nỗi khao khát một kết quả bầu cử Mỹ có lợi cho Moscow.

Điện Kremlin chắc hẳn phải ghi nhận (với sự hài lòng) việc ông Trump lảng tránh trả lời câu hỏi liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng trước Nga hay không.

“Tôi muốn chiến tranh chấm dứt” là câu trả lời của ông Trump.

Ngược lại, bà Harris nói về “cuộc phòng vệ chính nghĩa” của Ukraine và cáo buộc ông Putin “nhòm ngó phần còn lại của châu Âu”.

Sau đó, Điện Kremlin đã nói rằng họ cảm thấy nhột mỗi khi tên ông Putin được nhắc tới trong cuộc tranh luận.

“Tên của ông Putin đang được sử dụng làm phương tiện phục vụ nội đấu ở Mỹ,” người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói với tôi.

“Chúng tôi không thích điều này và mong họ đừng nhắc tới tổng thống của chúng tôi nữa.”

Tuần trước, ông Putin cho biết mình ủng hộ bà Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đồng thời khen ngợi “nụ cười có sức lan tỏa” của bà.

Một người dẫn chương trình của kênh truyền hình nhà nước Nga sau đó nói rằng ông Putin đã “hơi mỉa mai” khi phát biểu như vậy.

Người dẫn chương trình này coi thường kỹ năng chính trị của bà Harris, đồng thời cho rằng phó tổng thống Mỹ phù hợp hơn với công việc dẫn chương trình nấu ăn trên truyền hình.

Tôi tự hỏi: Liệu chương trình đó có nói tới các “nhà độc tài ăn tươi nuốt sống” các ứng cử viên tổng thống Mỹ không...?

Nỗi lo ở Ukraine về câu nói của ông Trump

Nick Beake, Phóng viên Châu Âu, từ Kyiv

Việc ông Trump không nói rõ muốn Ukraine thắng hay thua không gây bất ngờ tại Kyiv.

Tuy nhiên, sự mập mờ này đã làm dấy lên những lo ngại về viễn cảnh ông Trump tái đắc cử.

Lâu nay, ông Trump vẫn luôn khẳng định có thể kết thúc cuộc chiến tại Ukraine trong vòng 24 giờ - một viễn cảnh mà nhiều người dân Ukraine cho rằng sẽ là một thỏa thuận tồi tệ, trong đó Kyiv buộc phải từ bỏ những vùng đất rộng lớn mà Nga đã chiếm giữ trong hai năm rưỡi qua.

Ngược lại, người dân Ukraine có lẽ sẽ cảm thấy yên lòng hơn với cách bà Harris nói về cuộc chiến này - không có dấu hiệu nào cho thấy độ vênh giữa quan điểm của bà và lập trường ủng hộ Ukraine mạnh mẽ của Mỹ hiện tại.

Nhắc lại những thành tựu đã đạt được của mình, bà Harris nói rằng bà đã chia sẻ thông tin tình báo quan trọng với Tổng thống Zelensky trong những ngày trước khi Nga thực hiện cuộc xâm lược toàn diện.

Bà cho rằng ông Trump, với lập trường hiện tại, mà vẫn còn làm tổng thống thì Ukraine hẳn đã tiêu vong.

“Nếu ông Trump còn làm tổng thống thì giờ này Putin hẳn đang ngồi ở Kyiv rồi.”

Tới nay thì các bộ trưởng và sĩ quan quân sự cấp cao đương nhiệm của Ukraine rất im ắng về cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống.

Trận chiến bầu cử của Mỹ không phải là điều họ cần phải xía vào khi họ đang dồn lực cho cuộc chiến thực sự ở trong nước.

Chính Tổng thống Zelensky là người bày tỏ rõ nhất, dù có phần nói giảm nói tránh, về tương lai của Ukraine nếu ông Trump lại thắng cử.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC vào tháng 7, ông nói rằng nếu ông Trump đứng đầu Nhà Trắng thì sẽ “khó khăn lắm, nhưng chúng tôi là những người chịu khó.”

Bà Harris - ẩn số đối với Bắc Kinh

Laura Bicker, Phóng viên Trung Quốc, từ Bắc Kinh

Bà Harris là một đại lượng không xác định đối với với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thậm chí ngay cả sau cuộc tranh luận.

Không có thông tin thể hiện rõ quan điểm của bà Harris về Trung Quốc và khi đăng đàn, bà chỉ lặp lại quan điểm rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ở thế kỷ 21.

Phó Tổng thống Mỹ đại diện cho thứ mà Trung Quốc không hề thích – sự không chắc chắn.

Đó là lý do vì sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã tận dụng chuyến thăm của các quan chức Mỹ để kêu gọi “sự ổn định” giữa hai siêu cường. Đó có thể là một thông điệp gửi tới bà Harris.

Một quan điểm phổ biến trong giới học giả Trung Quốc là bà Harris sẽ có lối tiếp cận ngoại giao không quá khác phong cách từ tốn và ổn định của Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, trên sân khấu tranh luận, bà Harris đã có đòn công kích khi cáo buộc ông Trump “bán chip của Mỹ cho Trung Quốc để giúp họ cải thiện và hiện đại hóa quân đội”.

Ông Trump từng thể hiện rõ rằng ông có kế hoạch áp thuế nhập khẩu 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Mức thuế này sẽ thêm vào mức thuế mà ông đã áp dụng khi còn làm tổng thống, bước đi đã gây ra cuộc chiến tranh thương mại vào năm 2018.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc Trung Quốc trả đũa đã gây ra thiệt hại kinh tế cho cả hai bên.

Đây là điều Trung Quốc không muốn lặp lại, trong bối cảnh quốc gia này đang cố gắng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa để cứu vãn nền kinh tế.

Đối với các lãnh đạo Trung Quốc, cuộc tranh luận không tác động nhiều tới niềm tin rằng ông Trump đại diện cho một yếu tố khác nữa mà Bắc Kinh không thích – sự khó đoán.

Dù vậy, thực tế là Trung Quốc không kỳ vọng quá nhiều vào việc Mỹ sẽ thay đổi chính sách ngoại giao với mình, dù ai là chủ nhân của Nhà Trắng.

Trung Đông theo dõi sát sao

Paul Adams, Phóng viên quốc tế, từ Jerusalem

Trong buổi tranh luận, hai ứng cử viên không đi lệch quá xa khỏi những quan điểm đã từng tuyên bố, dù rằng ông Trump có nói quá lên rằng Israel sẽ biến mất sau hai năm nữa nếu bà Harris trở thành tân tổng thống.

Tại Trung Đông, cuộc đua vào Nhà Trắng đang được theo dõi sát sao.

Khi mà cuộc chiến ở Gaza đang bùng nổ và một thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa có vẻ gì là sắp đạt được, một số người chỉ trích cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang cố tình trì hoãn tới khi cuộc bầu cử Mỹ kết thúc với hy vọng ông Trump ủng hộ Israel nhiều hơn bà Harris.

Có một dấu hiệu cho thấy lịch sử có lẽ sẽ lặp lại nay mai.

Vào năm 1980, ban tranh cử của ông Ronald Reagan bị nghi ngờ đã thuyết phục Iran không thả các con tin Mỹ đang bị giam giữ ở Tehran cho đến khi ông đánh bại Tổng thống Jimmy Carter, với lời hứa rằng ông Reagan sẽ cho Iran một thỏa thuận tốt hơn.

Liệu điều tương tự có đang diễn ra?

Chắc chắn các đối thủ của ông Netanyahu tin rằng ông là trở ngại chính ngăn cản một thỏa thuận ngừng bắn.

Bà Harris từng ám chỉ rằng bà có thể sẽ cứng rắn hơn ông Biden trong giao thiệp với Israel.

Ông Trump đã nắm lấy điều này và đã lên tiếng vào tối qua rằng Phó tổng thống Harris “ghét Israel”.

Người dân Palestine, có sự hoài nghi sâu sắc đối với ông Donald Trump và nỗi thất vọng về việc chính quyền ông Biden không thể ngăn chặn cuộc chiến ở Gaza, có lẽ đang nghiêng về lựa chọn đỡ tồi tệ hơn – bà Harris.

Lâu nay, họ vốn đã từ bỏ ý niệm rằng Mỹ là một nhà trung gian công bằng ở Trung Đông, nhưng chắc chắn đã nhận thấy việc bà Harris đã làm điều mà ông Trump không làm – khẳng định cam kết của mình với việc thành lập một nhà nước Palestine.

Lời ca ngợi Orban làm dậy sóng Hungary

Nick Thorpe, Phóng viên Trung Âu, từ Budapest

Ông Trump dành hàng loạt lời ngợi ca cho Thủ tướng Hungary.

“Viktor Orban, một trong những người đàn ông đáng kính nhất, họ gọi ông ấy là người mạnh mẽ. Ông ấy là một người cứng rắn, thông minh…”

Truyền thông thân chính phủ Hungary đã chớp lấy những lời khen này.

“Sự công nhận to lớn!” tờ Magyar Nemzet giật tít.

Nhưng cổng thông tin 444, một nền tảng truyền thông chỉ trích chính phủ, đã dẫn lời ông Tim Walz, phó tướng của bà Harris.

“Ông ta [Trump] được yêu cầu nêu tên một nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ mình. Và ông ta nhắc tới ông Orban. Ôi trời. Thế là đủ hiểu rồi.”

Ông Orban đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và hiện đang mạnh mẽ ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử lần này.

Hai người đã gặp nhau lần thứ hai trong năm tại nhà ông Trump ở Florida vào ngày 12/7, sau chuyến đi chóng vánh của ông Orban tới Kyiv, Moscow và Bắc Kinh.

Chính quyền ông Orban đang đặt cược vào một chiến thắng của ông Trump và cả khả năng nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine của cựu tổng thống Mỹ.

"Thế cục đang thay đổi. Nếu ông Trump trở lại [Nhà Trắng], hòa bình sẽ được lập lại mà không cần đến các lãnh đạo châu Âu,” ông Balazs Orban, cố vấn chính trị của ông Viktor Orban, nói với BBC vào tháng 7.

Ảnh chế Abdul sau phát ngôn của ông Trump về Taliban

Lyse Doucet, Trưởng phóng viên quốc tế

Cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ đã kết thúc vào tháng 8/2021 khi Mỹ vội vàng cho rút nốt những người lính cuối cùng và di tản hàng ngàn dân thường trong lúc quân đội Taliban tiến vào Kabul với tốc độ đáng kinh ngạc.

Thảm họa đó đã được khơi ra trong cuộc tranh luận. Không có gì lạ khi chủ đề này bị lảng tránh, bác bỏ, hoặc bóp méo.

Bà Harris đã lảng tránh câu hỏi “bà có chịu trách nhiệm về cách cuộc rút lui diễn ra hay không?”

Là một phóng viên theo dõi sát sao cuộc rút lui hỗn loạn này, tôi chưa từng nghe tới việc bà Harris có mặt khi các quyết định được đưa ra trong những tuần cuối cùng định mệnh đó.

Nhưng bà khẳng định rõ rằng bà ủng hộ quyết định rút quân của Tổng thống Biden.

Ông Trump thì khoe rằng ông đã có cuộc nói chuyện cứng rắn với “Abdul, lãnh đạo của Taliban” và là “người vẫn đang đứng đầu Taliban”.

Có vẻ ông Trump đang ám chỉ Abdul Ghani Baradar, người đã ký thỏa thuận rút quân với Mỹ.

Nhưng ông Baradar chưa bao giờ là lãnh đạo Taliban và đã bị cho “ra rìa” từ khi Taliban lên nắm quyền.

Sau khi cái tên này được nhắc tới, internet dậy sóng với hàng loạt ảnh chế về “Abdul”, với nhiều người tên Abdul nhảy vào bình luận, nhiều người khác thì hỏi “Abdul là ai?”.

Cả hai ứng cử viên đều tập trung vào thỏa thuận đầy thiếu sót mà Mỹ đã ký với Taliban.

Sự thật là chính quyền ông Trump đã đàm phán kế hoạch rút quân này; còn chính quyền ông Biden đã vội vã thực hiện nó.

Vào thời điểm tháng 8/2021, ông Biden vừa nhậm chức tổng thống được khoảng 7 tháng.

Ông Trump nói rằng đó là thỏa thuận tốt vì “chúng ta đã rút quân”.

Không có cách rút lui nào tốt cả, nhưng sự kiện đó là một thảm họa và ai cũng có lỗi.

 

 

MỸ TƯỞNG NIỆM 23 NĂM NGÀY KHỦNG BỐ 11/9

Hôm nay (11/9) nước Mỹ kỷ niệm 23 năm vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9/2001 khiến gần 3.000 người thiệt mạng. 23 năm đã trôi qua nhưng đối với toàn thể người dân Mỹ, vụ tấn công 11/9 sẽ là những ký ức đau buồn không thể nào quên.

Trước thềm kỷ niệm vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ, từ mấy ngày nay, bầu trời nơi tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới trước đây tọa lạc ở New York lại được thắp sáng bởi những chùm ánh sáng được chiếu lên bầu trời để tưởng nhớ các nạn nhân đã thiệt mạng.

Dự kiến, hôm nay (theo giờ địa phương), tại Đài tưởng niệm & Bảo tàng Quốc gia, nơi tọa lạc 2 tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới trước đây, sẽ diễn ra một buổi lễ kỷ niệm 23 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9, với sự tham gia của các quan chức chính phủ Mỹ cùng nhiều người thân các nạn nhân và cả những người sống sót sau vụ tấn công. Tại đây, những người tham dự sẽ cùng nhau mặc niệm, đọc tên các nạn nhân cũng như đặt hoa hồng lên đài tưởng niệm. Theo ông Joe Daniels - Chủ tịch Đài tưởng niệm sự kiện ngày 11/9, rất nhiều người dân Mỹ đã đến đây để đặt hoa và thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân.

"Rất nhiều sự kiện lịch sử đã xảy ra tại địa điểm này vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay. Điều quan trọng là mạng sống của những người vô tội đã thiệt mạng trong vụ tấn công này không bị lãng quên. Mỗi ngày, mọi người từ khắp nơi trên thế giới đều đến để vinh danh và tưởng nhớ họ cùng tất cả những người đã mất trong vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới”.

Ngay sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia (NCC) ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là bà Kamala Harris và ông Donald Trump dự kiến cũng sẽ tham dự các sự kiện ngày 11/9.

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đến các địa điểm từng xảy ra vụ tấn công bao gồm khu vực số 0, chân tòa tháp đôi bị tấn công, thành phố New York, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ để tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công. Trong khi đó, nguồn tin đội ngũ tranh cử của ứng cử viên Donald Trump cho biết, ông Trump cũng đang có kế hoạch đến thăm Đài tưởng niệm 11/9 và một trạm cứu hỏa ở Thành phố New York.

23 năm đã trôi qua nhưng đối với toàn thể người dân Mỹ, vụ tấn công 11/9 sẽ là những ký ức đau buồn không thể nào quên. Theo truyền thông Mỹ, các gia đình nạn nhân vụ 11/9 và các nghị sĩ đại diện của các bang tại Quốc hội cũng đang thúc đẩy việc biến ngày 11/9 thành ngày lễ liên bang. Vào năm ngoái, nghị sĩ Mike Lawler thuộc Đảng Cộng hòa đưa ra một dự luật yêu cầu đóng cửa trường học và các tòa nhà chính phủ vào ngày 11/9 để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong vụ tấn công.

 

 

TÀU SÂN BAY LŨ LƯỢT RỜI TRUNG ĐÔNG

Theo các quan chức Mỹ, động thái hiếm hoi của Lầu Năm Góc duy trì hai tàu sân bay ở Trung Đông trong nhiều tuần qua hiện đã kết thúc, vì USS Theodore Roosevelt đang trên đường trở về nước

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực để giúp bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công có thể xảy ra.

Quyết định đưa USS Theodore Roosevelt hồi hương được đưa ra khi cuộc chiến ở Gaza đã bước sang tháng thứ 11, với hàng chục nghìn người thiệt mạng, và những nỗ lực quốc tế nhằm khiến Israel cùng phong trào Hamas đạt được thoả thuận ngừng bắn đã nhiều lần bị đình trệ.

Trong một số tháng đầu năm nay, tàu USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ cũng hiện diện ở Biển Đỏ, để giúp Israel và bảo vệ các tàu thương mại và quân sự khỏi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi. Houthi bắt đầu tấn công tàu hàng liên quan tới Israel đi qua Biển Đỏ từ tháng 11/2023. Houthi mô tả đây là hành động bày tỏ đoàn kết với 2,2 triệu người Palestine ở Gaza.

Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đã trở về Norfolk, Virginia vào tháng 7, sau hơn tám tháng triển khai. Sau đó, USS Theodore Roosevelt đến tiếp quản vị trí của USS Dwight D. Eisenhower tại Trung Đông.

Các chỉ huy của Mỹ ở Trung Đông từ lâu nhận định rằng sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ cùng các chiến hạm hộ tống là một biện pháp răn đe hiệu quả trong khu vực, đặc biệt là đối với Iran. Kể từ khi xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza nổ ra vào mùa thu năm ngoái, đã có hiện diện liên tục của tàu sân bay Mỹ trong và xung quanh khu vực. Thậm chí, có thời điểm, hai tàu sân bay Mỹ hiện diện tại Trung Đông cùng một lúc.

USS Abraham Lincoln hiện vẫn ở Vịnh Oman cùng với một số tàu chiến khác. Tàu sân bay này đã đến Trung Đông cách đây khoảng ba tuần. Ngoài ra, còn có một số chiến hạm của Mỹ ở phía Đông Địa Trung Hải, cùng hai tàu khu trục và tàu ngầm tên lửa dẫn đường USS Georgia ở Biển Đỏ.

USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thứ tư thuộc lớp Nimitz. Tên của tàu sân bay này được đặt để vinh danh tổng thống thứ 26 của Mỹ.

Hải quân Mỹ hiện sở hữu 11 tàu sân bay. Các tàu sân bay có tuổi thọ khoảng 50 năm và sau một nửa thời gian, chúng sẽ trải qua một cuộc đại tu lớn, quá trình này có thể mất vài năm. Mỹ hiện có 4 hàng không mẫu hạm đang được bảo trì bao gồm USS George H. W. Bush, USS Gerald R. Ford, USS John C. Stennis, USS Nimitz.

 

Nguồn: Dân Việt; CafeF; BBC; Soha; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang