Mỹ: Làn sóng IT thất nghiệp; Truy thu thuế giới nhà giàu; Vụ tiền bịt miệng; Trump cố cứu đồng USD; Tương phản chiến lược Trump-Harris

LÀN SÓNG NHÂN VIÊN IT THẤT NGHIỆP

Trí tuệ nhân tạo (AI) và các nỗ lực tinh giản khiến gần 148.000 lao động IT thất nghiệp tháng trước, tệ nhất hơn 2 thập kỷ, theo Janco Associates.

Tháng 7, lượng nhân sự IT thất nghiệp là 145.000 người. Phân tích dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, công ty tư vấn Janco Associates cho biết tỷ lệ thất nghiệp ngành công nghệ thông tin (IT) tháng 8 tăng lên 6%, từ mức 5,6% của tháng 7.

Con số này cao hơn tỷ lệ thất nghiệp chung toàn quốc trong 7 trên 8 tháng qua (chỉ số tính hàng tháng). Tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống còn 4,2%, khi nền kinh tế bổ sung thêm 142.000 việc làm.

Dữ liệu từ trang web theo dõi sa thải Layoffs cho biết hơn 126.000 người mất việc tại 393 công ty công nghệ kể từ đầu năm.

CEO JancoVictor Janulaitis đánh giá tình trạng thất nghiệp của những người làm công nghệ thông tin đang ở mức tệ nhất kể từ khi nổ bong bóng dot-com đầu những năm 2000. Ông cho rằng thủ phạm lần này là AI, đang gây ra "sự thay đổi lớn" tương đương với sự thay đổi khi máy tính cá nhân được sử dụng rộng rãi.

Cắt giảm nhân sự IT diễn ra ở một số vị trí thuộc nhóm phần mềm và sản xuất phần cứng. Với phần mềm và dịch vụ, tinh giản tập trung chủ yếu vào các vai trò công nghệ truyền thống như quản lý hệ thống backend của doanh nghiệp, trong khi kỹ sư làm về AI và an ninh mạng vẫn được săn đón.

"Nhu cầu cao nhất hiện nay là những vị trí đòi hỏi ứng viên có chuyên môn về an ninh mạng, AI và điện toán đám mây", Steve Watt, Giám đốc công nghệ thông tin của Hyland Software cho biết.

Trong lĩnh vực AI, các doanh nghiệp đang tìm kiếm những người có chuyên môn về dữ liệu để ứng dụng các mô hình AI, cũng như thiết kế các công cụ dùng AI, theo Vikram Nafde, Giám đốc công nghệ thông tin của Webster Bank.

Theo Hiệp hội Thương mại CompTIA, các công ty trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin đã bổ sung 3.400 nhân viên mới trong tháng trước, giảm so với 4.000 người vào tháng 7. Tuy nhiên, mức tăng trong tháng 8 bị bù trừ bởi việc mất 2.500 lao động trong ngành phần cứng.

Nhiều nhà sản xuất công nghệ Mỹ đã và tiếp tục thông báo giảm nhân sự. Tháng trước, Cisco cho biết sẽ cắt giảm hàng nghìn việc làm trong đợt sa thải thứ hai năm nay khi nhà sản xuất thiết bị mạng của Mỹ chuyển trọng tâm sang các lĩnh vực tăng trưởng cao hơn, bao gồm an ninh mạng và AI.

Số lượng người bị ảnh hưởng có thể tương đương hoặc cao hơn một chút so với 4.000 nhân viên mà Cisco đã sa thải vào tháng 2. Trước đó, đầu tháng 8, nhà sản xuất chip Intel đã cắt giảm hơn 15% lực lượng lao động, tương đương 17.500 người khi cố gắng xoay chuyển tình hình kinh doanh thua lỗ và cạnh tranh với các đối thủ thành công hơn nhờ AI như Nvidia và AMD.

Theo các chuyên gia, các lao động công nghệ thông tin bị cắt giảm đối diện với khó khăn là kỹ năng họ có không tương xứng với mức lương kỳ vọng. Theo trang việc làm Indeed, lương của ngành công nghệ ở Mỹ dần tăng chậm hơn. Nick Bunker, nhà kinh tế tại Indeed cho biết số lượng tin tuyển dụng kỹ sư phần mềm và hỗ trợ công nghệ thông tin trên trang đã giảm khoảng 30% so với trước dịch.

 

 

MỸ TỊCH THU 1,3 TỶ USD TIỀN THUẾ CỦA GIỚI NHÀ GIÀU

Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) và Bộ Tài chính nước này vừa thông báo đã truy thu 1,3 tỷ USD tiền thuế từ những cá nhân thu nhập cao không nộp tờ khai, hoặc chưa đóng đủ thuế.

Nhiều người giàu ở Mỹ nợ thuế. Ảnh: Unsplash.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Ủy viên IRS Danny Werfel gần đây đã đến Austin, Texas, để tham quan một cơ sở của IRS và công bố cột mốc nói trên trong việc thu thuế.

Yellen cho biết trong một bài phát biểu tại Austin rằng vào năm 2019, 1% người Mỹ giàu có nhất nợ hơn 1/5 tiền thuế, để lại gánh nặng cho những người thu nhập bình thường.

"Để khắc phục điều này, chúng tôi đã chuyển nguồn ngân sách của IRS vào các khoản đầu tư đáng kể để chống trốn thuế", bà nói.

Từ năm ngoái đến nay, IRS đã triển khai một loạt sáng kiến nhằm truy quét những cá nhân giàu có không đóng đủ thuế. Chiến dịch tập trung vào những người có thu nhập trên 1 triệu USD và nợ hơn 250.000 USD tiền thuế.

Kể từ khi chiến dịch được triển khai, gần 80% trong số 1.600 triệu phú nợ thuế đã thanh toán, với tổng số tiền IRS thu hồi được là hơn 1,1 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu tiên khi sáng kiến mới của IRS ra mắt, cơ quan này đã thu được 172 triệu USD tiền thuế từ 21.000 người giàu có không kê khai thuế suốt từ năm 2017. IRS ước tính có thể thu thêm hàng trăm triệu USD nữa từ 104.000 người chưa nộp tờ khai.

Chính sách thuế đang trở thành tâm điểm khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra ngày 5/11. Ông Trump đề xuất không đánh thuế tiền hoa hồng hay trợ cấp cho người lao động, trong khi bà Harris cũng ủng hộ ý tưởng không áp thuế với tiền hoa hồng.

Giới phân tích tính toán theo kế hoạch áp thuế của Trump, những người trong nhóm 0,1% giàu nhất nước này sẽ có thu nhập sau thuế tăng gần 377.000 USD. Còn nhóm 20% nghèo nhất chỉ nhận thêm 320 USD.

Trong khi đó, Harris muốn tăng thuế với người giàu. Chính sách của bà có thể làm giảm thu nhập trung bình của top 0,1% khoảng 167.000 USD. Ngược lại, nhóm 20% nghèo nhất sẽ được nhận thêm 2.355 USD.

 

 

VỤ DÙNG TIỀN BỊT MIỆNG: HOÃN TUYÊN ÁN ÔNG TRUMP ĐẾN SAU BẦU CỬ

Một thẩm phán ở New York ra quyết định hôm thứ Sáu 6/9 là hoãn tuyên án về cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong vụ án hình sự về tiền bịt miệng cho đến sau cuộc bầu cử ngày 5/11. Thẩm phán viết trong bản quyết định rằng ông muốn tránh tạo ra những cảm nhận vô căn cứ là việc tuyên án có động cơ chính trị.

Trước đây, đã có lịch là ông Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, sẽ bị tuyên án vào ngày 18/9. Vào tháng 8, các luật sư của ông đã đề nghị Thẩm phán Juan Merchan lùi ngày tuyên án cho đến sau cuộc bỏ phiếu, họ viện dẫn rằng "rõ ràng có những mục tiêu can thiệp vào bầu cử". Công tố viên Quận hạt Manhattan Alvin Bragg, người đã đề nghị khởi tố ông Trump, là một đảng viên Dân chủ.

Ông Merchan cho biết hôm 6/9 rằng giờ đây ông lên kế hoạch sẽ tuyên án ông Trump vào ngày 26/11, trừ khi vụ án bị bác trước thời điểm đó.

"Việc tuyên án sẽ bị hoãn lại để tránh bất cứ biểu hiện nào, cho dù có vô căn cứ đến đâu, là quá trình tố tụng đã bị ảnh hưởng bởi hoặc tìm cách gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới mà Bị cáo là ứng cử viên", thẩm phán viết. "Tòa án là một cơ quan công bằng, vô tư và phi chính trị".

Trong một bài đăng trên nền tảng Truth Social của mình, ông Trump bày tỏ ông đánh giá cao việc ông Merchan lưu ý rằng bản án sẽ chỉ được đưa ra nếu thẩm phán bác bỏ lá đơn của luật sư đại diện cho ông Trump hiện đang được xem xét, đó là đơn đề nghị bác bỏ phán quyết của bồi thẩm đoàn.

"Vụ án này cần phải bị chấm dứt và như thế là đúng, giữa lúc chúng ta chuẩn bị cho Cuộc bầu cử quan trọng nhất trong Lịch sử đất nước", ông Trump viết.

Trong phiên tòa hình sự đầu tiên từ trước đến nay xét xử một người là cựu tổng thống hoặc đương kim tổng thống Mỹ, ông Trump đã bị kết tội hôm 30/5 về 34 tội danh đại hình vì làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu khoản thanh toán 130.000 đô la mà luật sư của ông khi đó đã chi cho ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels để bà ấy giữ im lặng trước cuộc bầu cử năm 2016 về một lần mà bà nói là bà đã có quan hệ tình dục với ông Trump trước đó 10 năm.

Ông Trump phủ nhận chuyện này và tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết sau khi bị kết tội.

Làm giả hồ sơ kinh doanh có thể bị phạt tù tới 4 năm, tuy vậy, các hình phạt thường được áp dụng là phạt tiền hoặc quản chế.

 

 

TRUMP HỨA LÀM MỌI CÁCH ĐỂ CỨU ĐỒNG USD

Liệu nước Nga có được hưởng lợi nếu ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại Nhà Trắng?

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa quyết định sử dụng các khẩu hiệu dân túy để thu hút sự chú ý của cử tri. Trên tờ New Republic, ông nói rằng sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do chính quyền Biden áp đặt đối với Nga.

Cựu tổng thống đã lưu ý rằng những hạn chế được đưa ra đang làm suy yếu niềm tin của thế giới đối với đồng đô la Mỹ. Ông Trump so sánh việc mất vị thế dự trữ của đồng tiền Mỹ với việc thua trong một cuộc chiến.

"Cuối cùng, các biện pháp trừng phạt sẽ giết chết đồng đô la của chúng ta và giết chết mọi thứ mà đồng đô la đại diện. Tôi nghĩ sẽ giống như thua một cuộc chiến nếu chúng ta mất đi tư cách là tiền tệ thế giới của USD".

"Tôi tin rằng điều đó tương đương với việc thua cuộc trong chiến tranh, và sẽ khiến chúng ta trở thành một quốc gia thuộc thế giới thứ ba, nước Mỹ không thể cho phép điều đó xảy ra".

"Đó là lý do tại sao tôi sử dụng các biện pháp trừng phạt rất mạnh mẽ đối với những quốc gia đáng bị trừng phạt. Và sau đó tôi gỡ chúng xuống vì nhìn xem, bạn đang mất Iran, bạn đang mất Nga".

"Trong khi đó, Trung Quốc đang cố gắng làm cho đồng tiền của họ có vị thế thống trị, bạn biết điều này hơn ai hết", ứng cử viên Tổng thống Mỹ cho biết.

Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump nói thêm rằng ông cũng sử dụng các biện pháp trừng phạt như một công cụ gây áp lực, nhưng sau đó sẽ xem xét để dỡ bỏ chúng càng nhanh càng tốt.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh, chính ông Trump là người khởi xướng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga đầu tiên, sau khi bán đảo Crimea được "sáp nhập" vào Liên bang Nga. Và cho đến hết nhiệm kỳ của ông, những hạn chế vẫn chưa được dỡ bỏ.

Chính vì vậy, những phát biểu nói trên của ông Trump được nhận xét chỉ có thể coi là khẩu hiệu bầu cử và khó có thể thực hiện được.

 

 

CHIẾN LƯỢC TƯƠNG PHẢN GIỮA TRUMP VÀ HARRIS

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tập luyện với người đóng vai đối thủ, trong khi cựu Tổng thống Donald Trump ít đề cập sự chuẩn bị cho cuộc tranh luận sắp tới.

Khi đối đầu nhau tại Trung tâm hiến pháp quốc gia ở Philadelphia (bang Pennsylvania) vào ngày 10.9 (giờ địa phương), cựu Tổng thống Trump và Phó tổng thống Harris sẽ có màn tranh luận trực tiếp đầu tiên. Theo CNN, trong khi bà Harris tích cực tập luyện, ông Trump vẫn tập trung tuyên truyền về những cam kết chính sách.

Bà Harris nhận kèo dưới

Giới phân tích chưa rõ ông Trump có đạt hiệu quả khi dùng cách tiếp cận cũ hay không, trong khi đội ngũ của bà Harris tự xem mình ở "kèo dưới" vì đối thủ có bề dày kinh nghiệm và sắp lập kỷ lục là ứng viên tổng thống Mỹ từng 7 lần tranh luận trực tiếp. Sau khi Tổng thống Joe Biden rút lui hôm 21.7 và đề cử bà Harris thay mình ra tranh cử, nữ phó tổng thống còn mất nhiều thời gian để đạt đề cử chính thức từ đảng Dân chủ, rồi vận động tranh cử và chuẩn bị cho cuộc tranh luận.

Bầu cử Mỹ: Ứng viên Harris-Trump khác biệt ra sao về các vấn đề hệ trọng của nước Mỹ?

Trong tháng qua, bà Harris chuẩn bị với một nhóm do cố vấn chính sách Rohini Kosoglu dẫn đầu, cùng chuyên gia tranh luận kỳ cựu của đảng Dân chủ là bà Karen Dunn và nhiều nhân vật khác. Bà Harris tham gia những phiên tranh luận mô phỏng, trong đó vị trí của ông Trump được cố vấn Philippe Reines đảm nhận. Ông Reines là trợ lý lâu năm của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và từng vào vai ông Trump để bà Clinton tập luyện tranh luận trước cuộc bầu cử năm 2016.

Dù bà Harris có lợi thế từ những lời khuyên của ông Biden và bà Clinton, một số người ủng hộ vẫn khuyến cáo bà không nên tự tin quá mức. "Họ là những đối thủ lớn với quan điểm rất khác biệt. Tôi nghĩ rằng việc truyền đạt những quan điểm đó, đảm bảo không bị ông Trump làm cho bối rối sẽ là một điều quan trọng đối với bà Harris", theo Thống đốc Jay Robert Pritzker thuộc đảng Dân chủ.

Ông Trump tập trung vào chính sách

Về phía đảng Cộng hòa, những cố vấn của ông Trump có xu hướng tránh sử dụng từ "chuẩn bị" khi nói đến cuộc tranh luận. Cho đến nay, cựu tổng thống vẫn chưa tập luyện tranh luận với người đóng thế vai bà Harris. Trong tuần qua, ông Trump di chuyển giữa các khu nghỉ dưỡng, khi các cố vấn cho biết ông tập trung vào vấn đề chính sách.

Phát biểu hôm 7.9 tại thị trấn Mosinee (bang Wisconsin), ông Trump cam kết áp mức thuế quan chưa từng có và đối phó những người nhập cư mà ông cho là đang "đánh cắp việc làm và giết chết" người Mỹ. Theo Reuters, cuộc vận động được cho là nhằm củng cố sự ủng hộ của tầng lớp lao động và người da trắng ở nông thôn, một bộ phận cử tri quan trọng đối với ông. Ngoài ra, cựu tổng thống tuyên bố sẽ loại tham nhũng khỏi chính quyền liên bang.

Ông Trump hứa mời tỉ phú Musk nắm cơ quan đánh giá hiệu quả chính phủ Mỹ

Các đồng minh khuyên ông Trump tập trung vào vấn đề nhập cư và lạm phát, đồng thời chuẩn bị đối phó khả năng bà Harris xoáy vào vấn đề quyền sinh sản. Một số thân tín của ông Trump thừa nhận bà Harris là một người tranh luận khác với ông Biden. Họ cũng lo ngại về giọng điệu ông Trump sẽ công kích bà Harris, lưu ý thái độ hùng hổ thường thấy của cựu tổng thống có thể gây tác dụng ngược với phụ nữ.

 

Nguồn: Vnexpress; Zing News; VOA; CafeF; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang