Mỹ: Người nghèo béo phì; Trắc trở đa dạng hóa khỏi TQ; Trump 'bứt phá'; Hunter Biden nhận tội; 'Cú đấm bồi' vào dự án của Nga

NGHỊCH LÝ: NGƯỜI NGHÈO TẠI MỸ CHẬT VẬT CHỐNG BÉO PHÌ

Người nghèo ở Mỹ sống nhờ vào các chế độ phúc lợi từ đồ ăn, y tế,...Nhưng cũng bởi hai chữ "miễn phí" khiến họ mắc căn bệnh béo phì và khó có thể chữa khỏi.

Kim Jackson (cựu nhân viên UPS) lang thang quanh trung tâm giải trí của thành phố, nơi đóng vai trò phát thực phẩm miễn phí hai lần mỗt tháng và có các lớp tập thể dục dành cho người nghèo.

Vài năm trước, cô được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và cần lập tức thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập. Cô lựa chọn giảm cân theo cách truyền thống: không dùng thuốc hay các phương pháp trị liệu đặc biệt; cắt giảm đồ chiên rán, bánh ngọt và đồ ăn vặt; tham gia ba lớp thể dục miễn phí tại trung tâm giải trí ở thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ.

Tuần trước, cô lái xe suốt 50 phút để được học bơi nhưng tới nơi mới biết lớp học bơi giảm cân đã bị hủy.

Cô không quen bất kỳ ai làm việc ở các hãng thuốc Ozempic, Wegovy, Mounjaro... Đây là các loại thuốc tiêm thế hệ mới thường được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, béo phì bởi thuốc có tác dụng phụ là giảm cân.

Hai người bạn của Jackson, trong đó một người nặng hơn 158kg và mắc bệnh tim, được bác sĩ khuyên nên dùng thuốc. Nhưng một người không có bảo hiểm, còn người kia tuy có bảo hiểm nhưng lại không có điều khoản chi trả thuốc giảm cân.

Theo Washington Post, người da màu, gốc Latin và người có thu nhập thấp là những đối tượng có nguy cơ béo phì và mắc bệnh tiểu đường tuýp II cao ở Mỹ. Nhưng nhiều phân tích gần đây cho thấy nhóm này ít có cơ hội được kê thuốc giảm cân thế hệ mới.

Điển hình như, bản thân Atlanta là một thành phố chia rẽ. Ở Buckhead giàu có, các phòng khám giảm cân theo yêu cầu đang mọc lên và phục vụ những người sẵn sàng trả tiền túi cho thuốc GLP-1, và các trung tâm thể dục đang xây dựng lại các chương trình để tập trung vào những khách hàng dùng thuốc.

Nhưng ở khu vực thu nhập thấp ở phía tây nam của thành phố nơi Jackson đến tập luyện, cư dân nơi đây cho rằng cuộc cách mạng về thuốc giảm cân đang bỏ qua họ. Những loại thuốc này không được Medicaid - chương trình bảo hiểm của chính phủ dành cho người có thu nhập thấp, chi trả. Nhiều gia đình đã nghe nói đến các loại thuốc giảm cân này nhưng ít bác sĩ có thể giúp họ kê đơn.

Sau đó là vấn đề về niềm tin. Người thuộc cộng đồng da màu chủ yếu biết đến các loại thuốc giảm cân thông qua tin tức về người nổi tiếng. Chẳng hạn, nữ hoàng truyền hình Mỹ Oprah Winfrey tiết lộ bà đang dùng thuốc giảm cân, và có tin đồn rằng chị em trong gia đình Kardashian cũng đang sử dụng các loại thuốc này.

"Nhưng làm thế nào để chúng tôi biết được mình cũng đang dùng thuốc giống họ?", Jacskon tự hỏi.

Quảng cáo về thuốc giảm cân thế hệ mới nghe qua thật đơn giản. "Một tuần một mũi tiêm để giảm cân" là quảng cáo đăng trên hệ thống tàu điện ngầm ở New York năm ngoái. Nhưng thực tế việc sử dụng thuốc đòi hỏi đầu tư tiền bạc và thời gian mà chỉ một số người đáp ứng đủ điều kiện.

Các nghiên cứu trên toàn quốc đều cho thấy sự chênh lệch về khả năng tiếp cận thuốc giảm cân.

Serena Jingchuan Guo tại Đại học Florida đã ghi nhận rằng, bệnh nhân tiểu đường là người da đen ở các khu vực New York và Thung lũng Silicon có khả năng tiếp cận thuốc giảm cân GLP-1 chỉ bằng một nửa so với những người da trắng dù tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.

Một phân tích khác, do công ty phân tích dữ liệu y tế Komodo Health thực hiện, phát hiện ra rằng: Trong số những bệnh nhân được kê đơn Ozempic, Mounjaro, Wegovy và Rybelsus vào năm 2021-2022, 65% là người da trắng trong khi chỉ có 59% dân số Hoa Kỳ là người da trắng.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale đã sử dụng dữ liệu đại diện toàn quốc để xem xét nguyên nhân gây ra sự chênh lệch về sức khỏe và phát hiện ra rằng hơn 50% người lớn ở Hoa Kỳ đủ điều kiện sử dụng semaglutide, thành phần chính trong thuốc giảm cân. Nhưng, những người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha không có bảo hiểm, không có nguồn chăm sóc thường xuyên; gia đình thu nhập thấp hoặc thiếu trình độ học vấn...đều có khả năng không có thuốc dùng.

Ba nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Yale và Yale lần lượt là New Haven — Yuan Lu, Yuntian Liu và Harlan M. Krumholz đã viết trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ rằng "việc cải thiện phạm vi bảo hiểm y tế là cần thiết, nhưng có lẽ không đủ để xóa bỏ sự bất bình đẳng đó".

Antonio Lewis là ủy viên Hội đồng thành phố Atlanta đại diện cho Quận 12, nơi phân hóa giàu nghèo được thể hiện rõ rệt. Ông cho biết tình trạng béo phì ở quận này xuất phát tình việc người dân sử dụng thực phẩm không lành mạnh và hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém.

Trong thời gian dài, Lewis từng di chuyển nhiều, "ban ngày ăn đồ ăn nhanh còn ban đêm thì ăn vặt như cánh gà, bia và nước ngọt". Kết quả là ông tăng gần 30 kg và sức khỏe bắt đầu xấu đi, buộc ông phải chật vật giảm cân.

Sau 18 tháng kiên trì tập đi bộ, Lewis đã trở về cân nặng phù hợp, nhưng ông hiểu rõ không phải ai cũng đủ quyết tâm thực hiện biện pháp giảm cân này.

Một số người có thể lựa chọn giảm cân bằng phẫu thuật thu nhỏ dạ dày và được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng một người thân của Lewis từng phẫu thuật đã gặp biến chứng và mỗi ngày chỉ ăn được một bữa. Ông cho rằng nếu người nghèo trong Quận 12 được tiếp cận thuốc giảm cân thế hệ mới với chi phí phù hợp, cuộc sống của họ sẽ thay đổi.

Nhưng thực tế, hầu hết mọi người đều gặp khó khăn tài chính, đồng nghĩa họ khó mua được các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, thường xuyên lạm dụng đồ ăn nhanh giá rẻ và dẫn đến béo phì.

Những cư dân nghèo nhất trong Quận 12 phụ thuộc vào Medicaid, nhưng không phải bang nào cũng chi trả giống nhau. Georgia là một trong 10 bang trên toàn quốc chi trả cho thuốc giảm cân nhưng chỉ áp dụng với Saxenda, thuốc trị tiểu đường thế hệ đầu tiên kém hiệu quả hơn Ozempic, Wegovy, Mounjaro và Zepbound.

Georgia không áp dụng bảo hiểm y tế theo Luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, nên nhiều người không kham nổi chi phí y tế.

"Nước Mỹ cần xem thuốc chữa bệnh là nhu cầu, không phải mong muốn", Lewis nói. "Nếu chính phủ liên bang đầu tư một phần nhỏ trong ngân sách vaccine Covid-19 cho thuốc giảm cân, chúng ta có thể cứu được nhiều mạng người".

Ashley Keyes, lãnh đạo một tổ chức phi lợi nhuận có tên Trung tâm giúp đỡ trẻ em hết béo phì thành công (CHOICES), từng nặng tới 180 kg và mắc bệnh tiểu đường năm 16 tuổi.

Cô đã thử các chương trình dinh dưỡng kết hợp luyện tập giảm cân Jenny Craig, WeightWatchers, Atkins và nhiều chế độ ăn kiêng, nhưng chỉ sau khi phẫu thuật thu nhỏ dạ dày và thay đổi thói quen ăn uống, cô mới khỏe mạnh hơn.

Keyes rất hào hứng với GLP-1 nhưng không nghĩ rằng mình có thể dùng loại thuốc giảm cân với chi phí lên tới 1.000 USD một tháng.

"Chừng nào vẫn còn lo lắng về vấn đề thực phẩm, chúng ta vẫn chưa thể khống chế bệnh béo phì", cô nói. "Cái này không thể xảy ra nếu thiếu cái kia".

Cô cũng e ngại về tác dụng phụ lâu dài của thuốc. "Ta có thể giảm cân hôm nay nhưng sau 12-13 năm nữa, chuyện gì sẽ xảy ra?" cô nói, lưu ý nên tập trung vào xây dựng thói quen ăn uống sinh hoạt lành mạnh.

Brandy Neighbors đã hoạt động tích cực trong CHOICES trong nhiều năm. Người mẹ của ba đứa trẻ đã đăng ký cho cậu con trai lớn nhất của mình, lúc đó 10 tuổi, tham gia một lớp học nấu ăn khi cô lo lắng về việc tăng cân khi các con cô lớn lên.

"Khi đại dịch xảy ra và các hoạt động bị đóng cửa, chúng tôi chỉ thấy cân nặng tăng lên, và không dễ để quay lại," cô nhớ lại.

Cô cho biết CHOICES đã dạy gia đình cô cách đọc nhãn dinh dưỡng, sử dụng các loại muối thay thế, loại bỏ chất bảo quản và thêm rau vào bữa ăn.

Hiện một số người bạn của cô đã có thể mua được Ozempic hoặc các loại thuốc khác được bảo hiểm chi trả và đã giảm cân nhờ chúng. Nhưng đó không phải là điều cô ấy sẽ cân nhắc cho con mình vì chúng vẫn đang lớn.

Hơn nữa, bảo hiểm của cô dù chi trả gần như toàn bộ chi phí nhưng chỉ ở mức thanh toán 25 đô la một tháng.

"Tôi không hiểu tại sao nó lại đắt như vậy", cô nói. "Tôi đoán đó là do tính chất độc quyền. Những người giàu có có thể mua được, trong khi hầu hết chúng tôi thì không".

TRẮC TRỞ CHIẾN LƯỢC ĐA DẠNG HÓA KHỎI TRUNG QUỐC CỦA MỸ: ‘CÁNH CỬA’ THOÁT TRUNG DẦN KHÉP LAI

Mỹ đang hướng đến ngành sản xuất của Ấn Độ nhằm đa dạng hóa khỏi Trung Quốc và tránh rủi ro gián đoạn nguồn cung. Trớ trêu thay, Ấn Độ lại đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu một số mặt hàng chủ chốt từ Trung Quốc.

Trong vài năm gần đây, Mỹ liên tục vượt Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Các doanh nghiệp Mỹ ngày càng để mắt đến Ấn Độ như một trung tâm sản xuất mới. Họ cũng coi quốc gia Nam Á này là một điểm đến tiềm năng trước các nguy cơ gián đoạn chuỗi cung cứng tại Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng hay một đại dịch nào khác.

Nhưng khi Ấn Độ tăng cường sản xuất các mặt hàng như điện thoại thông minh, tấm pin mặt trời và thuốc men, kinh tế nước này trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, theo số liệu thương mại và các nhà phân tích kinh tế.

Sự chuyển biến này như một bài kiểm tra thực tế đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ khi họ đang thúc đẩy nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi các nhà máy ở Trung Quốc và giảm rủi ro trong quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Sức hút từ hàng hóa Trung Quốc

Theo tổ chức nghiên cứu sáng kiến thương mại toàn cầu (GTRI), giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc của Ấn Độ đã tăng gấp đôi so với kim ngạch nhập khẩu nói chung và hiện chiếm gần 1/3 giá trị nhập khẩu của Ấn Độ trong các ngành công nghiệp, bao gồm điện tử, năng lượng tái tạo và dược phẩm. Những mặt hàng nhập khẩu này bao gồm cả thành phẩm cũng như hàng hóa trung gian phục vụ sản xuất.

Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) cho biết trong tổng kim ngạch nhập khẩu linh kiện điện tử như bảng mạch và pin, gần 2/3 đến từ Trung Quốc. Còn lượng nhập khẩu các mặt hàng này từ Trung Quốc cũng tăng gấp 3 lần trong năm qua, GTRI cho biết.

Ấn Độ từ lâu đã là nước xuất khẩu dược phẩm lớn, bao gồm cả sang Mỹ. Trước đây, ngành công nghiệp dược phẩm trong nước chủ yếu là tự cung tự cấp, thì nay lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đối với các thành phần đầu vào quan trọng như paracetamol.

Theo báo cáo của GTRI, từ năm 2007 đến 2022, Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng giá trị nhập khẩu hóa chất và dược phẩm của Ấn Độ. Chỉ trong 5 năm qua, nhập khẩu các thành phần dược phẩm và sản phẩm thuốc trung gian từ Trung Quốc của Ấn Độ cũng tăng hơn 50%.

Để thúc đẩy sản xuất hàng dệt may và may mặc – một ngành xuất khẩu quan trọng khác của Ấn Độ, nước này cũng tăng cường nhập khẩu sợi và vải từ Trung Quốc. Ngay cả ngành công nghiệp ô tô cũng tăng cường nhập khẩu linh kiện và phụ tùng từ Trung Quốc.

Giống như ngành điện tử, Ấn Độ đã có những bước tiến đáng kể trong sản xuất tấm pin mặt trời. Nhưng quốc gia này hiện cũng lại phụ thuộc nhiều vào pin mặt trời của Trung Quốc.

Sau khi Mỹ hạn chế nhập khẩu vật liệu sản xuất tấm pin mặt trời từ Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu tấm pin mặt trời của Ấn Độ sang Mỹ đã tăng gần 150% trong năm 2022, theo số liệu thương mại của chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, theo một báo cáo vào cuối năm ngoái, khoảng 50-100% thành phần tấm pin mặt trời của Ấn Độ – chẳng hạn như mô-đun, tấm wafer và kính mặt trời – đến từ Trung Quốc trong giai đoạn 2021-2023.

“Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng vai trò là bên thứ ba cung cấp linh kiện và chúng ta chỉ lắp ráp, thì sẽ không có quốc gia nào đến và sản xuất tại Ấn Độ có thể giảm thiểu được rủi ro”.

Phó Giáo sư Sriparna Pathak chuyên nghiên cứu về quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc tại Đại học Jindal

"Lực bất tòng tâm" trước Trung Quốc

Các quan chức Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden đánh giá việc loại bỏ yếu tố Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng của Mỹ tại thời điểm này là không thực tế. “Bước đầu tiên là phải có chỗ đứng trong các phần của chuỗi cung ứng, từ đó mới có thể phát triển tiếp”, một quan chức giấu tên cho biết.

Nhận định về sự hiện diện của thành phần Trung Quốc trong tấm pin năng lượng mặt trời Ấn Độ, một quan chức Mỹ nói: “Chúng tôi nhận thấy không chỉ ở Mỹ, Ấn Độ mà ở những nơi khác nữa, việc quá phụ thuộc vào một nguồn cung cho ngành năng lượng sạch là không bền vững.” “Việc này cần các bên nỗ lực phối hợp để giảm thiểu rủi ro, nhưng sẽ mất thời gian”, vị quan chức cho biết.

Ngay cả khi Ấn Độ nỗ lực tự sản xuất hàng hóa, nước này vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc về chuyên môn. Đại diện của ngành công nghiệp Ấn Độ đã kiến nghị chính phủ nới lỏng các hạn chế về thị thực cho các chuyên gia Trung Quốc để họ giúp người Ấn Độ sử dụng máy móc của Trung Quốc để sản xuất điện thoại thông minh, hàng dệt may và giày dép. Tháng 8, Ấn Độ ban hành hướng dẫn mới đẩy nhanh việc cấp thị thực cho chuyên gia Trung Quốc.

Chủ tịch Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ Pankaj Mohindroo cho biết: “Ấn Độ cần Trung Quốc trong ít nhất nửa thập kỷ tới, cùng với sự hỗ trợ toàn diện của Mỹ, để có thể đưa đất nước trở thành 1 trung tâm sản xuất thay thế quy mô lớn”.

Cố vấn kinh tế trưởng của chính phủ Ấn Độ, V. Anantha Nageswaran, nhận định: “Để thúc đẩy sản xuất của Ấn Độ và biến đất nước thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thì việc Ấn Độ đưa mình vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi”.

Các nhà phân tích đều cho rằng nguồn cung từ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với tham vọng sản xuất của Ấn Độ.

“Bất kể chúng ta nói gì, thực tế là Trung Quốc là nhà sản xuất linh kiện lớn nhất. Không thể tránh khỏi điều đó”, Indrani Bagchi, chuyên gia chính sách đối ngoại kiêm giám đốc điều hành tại Trung tâm Ananta (New Delhi) nhận xét. Và “chúng tôi không muốn kéo lùi tăng trưởng công nghiệp của chính mình”.

TRUMP ĐANG BỨT TỐC TRONG CUỘC ĐUA TRANH CỬ

Nhà phân tích bầu cử uy tín Mỹ Nate Silver đánh giá, cựu Tổng thống Donald Trump đang có cơ hội đánh bại đối thủ Kamala Harris trong tổng tuyển cử vào tháng 11, cao nhất kể từ khi bà Harris bắt đầu tranh cử tổng thống.

Dù các cuộc thăm dò dư luận liên tục cho thấy bà Harris đang tạm dẫn trước ông Trump về tỉ lệ ủng hộ của cử tri, nhưng chuyên gia Silver hôm 5/9 tuyên bố ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ đã thể hiện kém hơn trong các cuộc khảo sát gần đây. Theo ông Silver, ông Trump hiện có 58,2% cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11, cao hơn đáng kể đối thủ Harris (41,6%).

Vào thời điểm này tuần trước, mô hình tính toán của ông Silver cho thấy cựu tổng thống Cộng hòa đạt 52,4% cơ hội chiến thắng, trong khi tỉ lệ này của nữ phó tổng thống là 47,3%.

Theo đài RT, các hãng thông tấn Mỹ thường trích dẫn những dự đoán của chuyên gia Silver và ông được coi là một trong những nhà dự báo bầu cử có ảnh hưởng nhất ở xứ sở cờ hoa. Phương pháp luận của ông Silver là lấy mẫu thăm dò ý kiến, dữ liệu kinh tế, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu và các yếu tố khác, bao gồm cả những "cú hích" sau đại hội toàn quốc của các đảng, vốn thường gia tăng mức độ tín nhiệm của các ứng cử viên trong vài tuần sau khi nhận đề cử.

Đảng Dân chủ chính thức thông báo Phó Tổng thống Harris là ứng cử viên tổng thống của đảng tại Đại hội toàn quốc ở Chicago, bang Illinois cách đây 3 tuần. Tuy nhiên, chuyên gia Silver nói, bà Harris đã không nhận được "cú hích" thường thấy.

Các cuộc thăm dò sau đại hội của hãng thông tấn CNN phản ánh, bà Harris và ông Trump đang hòa nhau ở 3 trong tổng số 6 bang chiến địa và dẫn trước khoảng 5 điểm ở 3 bang chiến địa còn lại. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát của YouGov, ứng viên Dân chủ tạm dẫn trước 2 điểm trên toàn quốc. Ông Silver lập luận, vì các cuộc thăm dò này được thực hiện ngay sau Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ nên bà Harris đáng lẽ phải dẫn trước đối thủ với tỉ lệ ủng hộ lớn hơn.

Tuy nhiên, dự đoán của chuyên gia Silver lại trái ngược với các cuộc thăm dò khác. FiveThirtyEight, một tổ chức phân tích do chính ông Silver thành lập, cho rằng nếu tổng tuyển cử được tổ chức ngay hôm nay, bà Harris có 55% cơ hội chiến thắng, cao hơn ông Trump (44%). Dù sử dụng cùng một phương pháp tính toán như ông Silver nhưng FiveThirtyEight chú trọng hơn vào việc thăm dò ý kiến khi ngày bầu cử đến gần.

Dẫu vậy, các cuộc khảo sát riêng lẻ có thể gây hiểu lầm. Theo một cuộc thăm dò của tờ New York Times hồi tháng trước, bà Harris đánh bại ông Trump với tỉ lệ ủng hộ lần lượt là 50% và 46% ở các bang còn dao động là Wisconsin, Pennsylvania và Michigan. Song, cuộc thăm dò đã lấy mẫu quá mức với đảng Dân chủ và khi điều chỉnh, hai ứng viên đang có sự cân bằng về tỉ lệ ủng hộ ở cả 3 bang nói trên.

Đối với cả bà Harris và ông Trump, việc thắng ở Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri hoặc Michigan và Wisconsin với tổng cộng 25 phiếu đại cử tri là cần thiết để giành chiến thắng trong toàn bộ cuộc tổng tuyển cử.

Mô hình của ông Silver nhận định, ông Trump giành chiến thắng ở Arizona, Georgia, Pennsylvania, Nevada và Bắc Carolina, nhưng hòa với bà Harris ở Michigan và kém hơn một chút ở Wisconsin. Chuyên gia này cảnh báo, hiện không có gì chắc chắn vì vẫn có những điều kỳ lạ “và trong bối cảnh chính trị phân cực của Mỹ, hầu hết các cuộc bầu cử đều diễn ra rất sít sao”.

HUNTER BIDEN BẤT NGỜ NHẬN TỘI

Hunter Biden, con trai của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hôm 5/9 nhận tội trong vụ án cấp liên bang về thuế má. Đây được xem là một động thái bất ngờ nhằm tránh một phiên tòa có thể gây dư luận xấu chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

Đã có lịch đưa ông Hunter Biden xét xử tại tòa án cấp liên bang ở Los Angeles với các tội danh hình sự do không nộp 1,4 triệu USD tiền thuế trong khi chi tiêu xa hoa cho ma túy, gái mại dâm và các mặt hàng xa xỉ.

Nhưng thay vì ra tòa, ông đã nhận tội về tất cả 9 tội danh mà ông phải đối mặt.

Thẩm phán Mark Scarsi nói với ông Hunter Biden rằng ông phải đối mặt với án tù lên tới 17 năm và số tiền phạt lên tới 450.000 USD. Tòa ấn định ngày tuyên án là 16/12.

Thông thường các bị cáo nhận tội trong các vụ án hình sự có thể đạt một thỏa thuận trước với các công tố viên, hy vọng nhận được mức án thấp hơn để đổi lấy việc không bị xét xử.

Nhưng trong trường hợp này, việc đó dường như không xảy ra.

Trước đó cùng ngày, ông Hunter Biden đã ngỏ ý rằng ông nhận tội nhưng muốn tránh thừa nhận hành vi sai trái, một động thái pháp lý bất thường bị các công tố viên phản đối.

Một công tố viên nói với thẩm phán: “Chúng tôi không rõ họ đang cố gắng làm điều gì”.

Việc nhận tội này tránh được một phiên tòa kéo dài nhiều tuần, có khả năng sẽ phơi bày những chi tiết bê bối về cuộc đời của ông Hunter Biden trong lúc diễn ra chiến dịch tranh cử. Vào ngày 5/11, cử tri sẽ lựa chọn giữa Phó Tổng thống Kamala Harris, một đảng viên Dân chủ, và cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ông Joe Biden đã từ bỏ nỗ lực tái tranh cử vào tháng 7 dưới áp lực từ các đảng viên trong cùng đảng Dân chủ của ông.

Ông Hunter Biden bị cáo buộc không nộp thuế từ năm 2016 đến năm 2019 trong khi chi những khoản tiền khổng lồ “vào ma túy, gái mại dâm và bạn gái, khách sạn sang trọng và bất động sản cho thuê, xe hơi sang trọng, quần áo, và các vật dụng khác có tính chất cá nhân”, theo bản cáo trạng.

Phiên tòa cũng có thể làm sáng tỏ hoạt động của ông với công ty khí đốt tự nhiên Burisma của Ukraine và các giao dịch kinh doanh khác khi cha ông còn là phó tổng thống.

Bản cáo trạng viết rằng ông Hunter Biden “kiếm được rất nhiều tiền” khi phục vụ trong hội đồng quản trị của công ty Burisma và một quỹ đầu tư tư nhân Trung Quốc.

“CÚ ĐẤM BỒI” VÀO DỰ ÁN CỦA NGA Ở BẮC CỰC

Mỹ tiếp tục nhắm vào khả năng xuất khẩu từ dự án Arctic LNG 2 của Nga, vốn lần đầu bị Washington đưa vào “danh sách đen” từ cuối năm ngoái.

Mỹ vừa trừng phạt thêm 2 tàu cùng với 2 công ty vận tải biển liên quan dự án Arctic LNG 2 trong nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn những chuyến hàng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga từ Bắc Cực.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ hôm 5/9 đã thêm các tàu Mulan và New Energy vào danh sách bị trừng phạt, sau khi đã làm tương tự với 7 tàu đầu tiên vào cuối tháng 8. Các công ty có trụ sở tại Ấn Độ là Gotik Shipping Co. và Plio Energy Cargo Shipping Opc cũng bị trừng phạt, theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ hôm 5/9.

Mỹ cho rằng tàu chở LNG New Energy (85.600 dwt) đã chất hàng cách đây chưa đầy 2 tuần vào ngày 25/8, thông qua cơ chế chuyển hàng từ tàu sang tàu (STS) với tàu chở Pioneer (77.700 dwt).

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tàu New Energy đã sử dụng các hành vi gian dối để che giấu hành động của mình, bao gồm cả việc tắt truyền AIS. Con tàu này được kê khai là thuộc sở hữu của Gotik Shipping of India và được Plio Energy Cargo Shipping quản lý.

Tàu thứ 2 bị trừng phạt hôm 5/9 là tàu Mulan (44.737 dwt) cũng do Plio quản lý. Trong khi đó, tàu Pioneer nằm trong số 7 tàu bị Mỹ liệt vào danh sách đen vào ngày 23/8. Cả 3 tàu – New Energy, Mulan và Pioneer đều do cùng một công ty Ấn Độ quản lý và đều được đăng ký tại Palau.

Các lệnh trừng phạt này, giống như "cú đấm bồi", tiếp tục giáng đòn vào dự án Arctic LNG 2 của Tập đoàn Novatek, vốn lần đầu bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" từ cuối năm ngoái.

Trong nỗ lực làm tê liệt dự án trước khi nó bắt đầu sản xuất, năm ngoái Mỹ đã nhắm mục tiêu vào 2 đơn vị lưu trữ LNG nổi (FSU) được thiết kế để hỗ trợ dự án cũng như các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật để hỗ trợ phát triển dự án. Các nhà phân tích tin rằng những nỗ lực của Washington đang tác động đáng kể đến kế hoạch xuất khẩu LNG của Moscow từ cơ sở mới.

"Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục đáp trả các nỗ lực đưa dự án LNG 2 bị trừng phạt hoặc mở rộng năng lực năng lượng của Nga bằng phản ứng nhanh chóng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố. "Cùng với các đối tác G7 và các đồng minh khác, chúng tôi kiên định trong việc ngăn chặn Nga khai thác các nguồn năng lượng của mình vì lợi ích chính trị".

Các đòn trừng phạt được đưa ra trong bối cảnh Nga trong nhiều tháng qua đã nỗ lực phát triển một "hạm đội bóng tối" chuyên vận chuyển LNG theo cách tương tự như họ đã làm để vận chuyển dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác.

Những con tàu thuộc "hạm đội bóng tối" như vậy được cho là có quyền sở hữu không rõ ràng, không rõ công ty bảo hiểm và triển khai các hoạt động như che giấu vị trí của chúng bằng cách tắt hoặc thao túng hệ thống nhận dạng tàu tự động.

Nguồn: Kenh14; CafeF; Vietnamnet; VOA; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang