- Thời sự
- Thế giới
Nhiều quốc gia, bao gồm Nga và Trung Quốc, đã xây dựng các hệ thống thanh toán riêng để giao thương giữa các lệnh trừng phạt. Một số chuyên gia cho rằng điều này có thể làm suy yếu thế thống trị của đồng đô la Mỹ.
Các lệnh trừng phạt ngày càng nghiêm ngặt của phương Tây đang đẩy Nga vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhưng Moscow vẫn tìm ra cách để duy trì nền kinh tế của đất nước.
Các đối tác thương mại của Nga cũng đang tìm cách tiếp tục kinh doanh với nước này thông qua các hệ thống thanh toán thay thế trật tự tài chính toàn cầu do phương Tây dẫn đầu với sự thống trị của đồng đô la Mỹ.
Các cuộc thảo luận về phi đô la hóa đã thu hút sự chú ý trong những năm gần đây khi các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đối với Nga khiến các quốc gia khác lo ngại về hậu quả tiềm tàng nếu trái ý Washington.
Đồng đô la Mỹ đã “bén rễ” sâu vào hệ thống tài chính thế giới, vì vậy, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đồng bạc xanh khó có thể bị truất ngôi. Tuy nhiên, các nền tảng mới đang xuất hiện có thể làm suy yếu sự thống trị của nó.
Sau đây là một số hệ thống giao dịch và thanh toán thay thế đang cố gắng phá vỡ trật tự thương mại và thanh toán do Mỹ dẫn đầu:
Nga đã thành lập SPFS và Mir cách đây nhiều năm
Nga đã chuẩn bị ứng phó với lệnh trừng phạt từ nhiều năm trước, sau những hạn chế thương mại sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014.
“Có những rủi ro khi sử dụng các mạng lưới tài chính toàn cầu”, Elvira Nabiullina, thống đốc ngân hàng trung ương Nga, trả lời CNBC vào năm 2018. “Do đó, kể từ năm 2014, chúng tôi đã phát triển các hệ thống của riêng mình”.
Một số ngân hàng Nga đã bị cấm khỏi hệ thống thanh toán SWIFT sau cuộc xung đột Nga-Ukraina năm 2022. Trước đó vào năm 2024, Moscow đã ra mắt hệ thống thanh toán liên ngân hàng dựa trên đồng rúp, có tên là SPFS.
Tính đến cuối năm 2023, đã có 556 tổ chức từ 20 quốc gia sử dụng SPFS. Trong số này, 159 tổ chức thuộc nước ngoài và mức độ sử dụng hệ thống đã tăng gấp đôi so với năm 2022, ngân hàng trung ương Nga cho biết
Vào tháng 7, Nga và Iran – vốn cũng đang chịu lệnh trừng phạt nặng nề – đã hoàn tất các bước để kết nối hệ thống ngân hàng của hai nước, hãng thông tấn Mehr của Iran đưa tin. Điều này có nghĩa là hệ thống thanh toán Mir của Nga sẽ kết nối với hệ thống ngân hàng Shetab của Iran, cho phép 2 quốc gia giao dịch thuận lợi hơn.
CIPS của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng
Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc, được gọi là CIPS, là một hệ thống thay tế xử lý thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Ra mắt vào năm 2015, tính đến tháng 7, CIPS có khoảng 2.000 người tham gia, so với 11.000 người của SWIFT.
Các nhà nghiên cứu Brookings viết rằng CIPS đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây.
Theo ngân hàng trung ương Trung Quốc, năm 2023, CIPS đã xử lý hơn 6,6 triệu giao dịch với tổng giá trị là 123 nghìn tỷ nhân dân tệ (17,3 nghìn tỷ USD), tăng gần 30% về giá trị so với năm trước.
UPI của Ấn Độ đã được sử dụng rộng rãi
Ấn Độ – hiện là một thị trường thương mại quan trọng của Nga – cũng có hệ thống riêng.
Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) của Ấn Độ được phát triển vào năm 2016 và đang được sử dụng rộng rãi trong nước.
Hệ thống thanh toán này đã vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ. National Payments Corporation of India – đơn vị điều hành UPI – đang hợp tác với các tổ chức tài chính ở các quốc gia khác, bao gồm Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Singapore, nhằm thúc đẩy việc sử dụng nền tảng này.
Evan Freidin, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy (Australia), cho rằng nếu UPI mở rộng phạm sang nhiều quốc gia hơn, đây có thể là một cách để bỏ qua hệ thống ngân hàng SWIFT.
Các ngân hàng trung ương đang xem xét tiền kỹ thuật số
Các quốc gia cũng đang tìm cách phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Các loại tiền này tương tự như tiền điện tử nhưng được phát hành và hỗ trợ bởi các ngân hàng trung ương.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế – một tổ chức của các ngân hàng trung ương, đang giám sát việc thử nghiệm nền tảng CBDC phục vụ thanh toán bán buôn xuyên biên giới, được gọi là mBridge.
Những bên tham gia dự án bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út. Dự án này do Bắc Kinh dẫn đầu khi nước này đã triển khai đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Các nhà nghiên cứu tại Brookings nhận định các CBDC này có thể đảo ngược vai trò trung gian tiền tệ của đồng đô la Mỹ vì mất ít thời gian thanh toán hơn, giúp việc giao dịch các loại tiền tệ không phải đồng bạc xanh trở nên rẻ và dễ dàng hơn.
Các CBDC tích hợp cả nhắn tin và thanh toán, không giống như các hệ thống hiện tại như SWIFT và hệ thống thanh toán bằng đô la Mỹ lớn CHIPS.
Nga tham gia vào tiền điện tử
Khi cánh cửa giao dịch bằng tiền pháp định đóng lại, Nga hiện đang tìm cách giao dịch bằng tiền điện tử.
Phương thức thanh toán bằng tiền điện tử này ngày càng cần thiết vì ngay cả các ngân hàng Trung Quốc cũng đang từ chối hầu hết các giao dịch với các thực thể của Nga do lo ngại lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố vào tháng 7 rằng Nga phải nắm bắt thời cơ để tạo ra khuôn khổ pháp lý cho tài sản kỹ thuật số, vì chúng ngày càng được sử dụng nhiều để thanh toán quốc tế.
Quay trở lại với thương mại trao đổi hàng hóa
Nếu tất cả các cách trên đều không hiệu quả, vẫn còn một phương pháp lâu đời khác là trao đổi hàng hóa.
Vào tháng 8, Reuters đưa tin rằng Nga và Trung Quốc đang có kế hoạch khôi phục hoạt động trao đổi hàng hóa để tránh lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các thỏa thuận trao đổi có thể diễn trong lĩnh vực nông nghiệp, sớm nhất vào mùa thu năm nay.
Hai nước này vốn đã thực hiện trao đổi hàng hóa trong thời kỳ Liên Xô và vài năm sau khi khối này sụp đổ. Vào thời điểm đó, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Nga.
Theo hãng thông tấn nhà nước của Nga RIA Novosti, tháng 8/2022, Afghanistan cũng đã thảo luận về hoạt động trao đổi hàng hóa với Nga, gồm đổi dầu thô của Nga để lấy nho khô, khoáng chất và thảo dược.
Năm ngoái, Pakistan đã cho phép trao đổi một số hàng hóa cụ thể với Nga.
Năm 2019, Trung Quốc đã đổi nhiều sản phẩm và dịch vụ, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và thiết bị quốc phòng, để thu về dầu cọ trị giá 150 triệu USD từ Malaysia.
Căng thẳng leo thang giữa các cường quốc đã và đang thúc đẩy nhiều nước xem xét lại kho vũ khí hạt nhân của mình. Trong kho của các quốc gia như Mỹ và Nga, hiện có những đầu đạn hạt nhân hơn 50, 60 năm tuổi. Câu hỏi đặt ra đối với nhà cầm quyền các nước này là: Có nên hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân không, và hiện đại hóa như thế nào?
Ngay cả những chuyên gia hàng đầu về vũ khí hạt nhân ở Mỹ cũng không rõ liệu các đầu đạn “già nua” của nước này còn hoạt động tốt không. Sử gia Alex Wellerstein (Viện nghiên cứu công nghệ Stevens) cho biết: “Nếu như chiến tranh hạt nhân xảy ra ngay lúc này, tôi không dám nói chắc rằng Mỹ sẽ có khả năng đáp trả 100%. Chúng ta chưa thực hiện thử nghiệm vũ khí hạt nhân được hơn 30 năm rồi.
Quân đội Mỹ luôn thực hiện theo dõi và bảo trì các đầu đạn hạt nhân và hệ thống tên lửa. Nhưng bởi vì công nghệ đã quá lạc hậu mà lại không có thử nghiệm phát nổ thật nên không ai biết rõ liệu vũ khí có còn hoạt động tốt hay không.
Tổng thống George Bush cha ký sắc lệnh cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới lòng đất vào năm 1992. Không lâu sau đó quân đội Mỹ tiến hành thử nghiệm phát nổ đầu đạn hạt nhân lần cuối cùng tại sa mạc Nevada vào ngày 23/9/1992. Những cuộc thử nghiệm như vậy đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo trì đầu đạn hạt nhân. Trong lòng mỗi đầu đạn như vậy là một khối cầu làm hoàn toàn từ plutoni. Những chất phóng xạ như plutoni luôn tự phân rã theo thời gian. Các nhà khoa học rất cần những cuộc thử nghiệm phát nổ đầu đạn để có số liệu thực tế nhằm theo dõi chu trình phân rã của khối cầu.
Tất cả các khối cầu plutoni trong vũ khí hạt nhân của Mỹ đều được sản xuất tại phòng thí nghiệm Los Alamos (New Mexico) nổi tiếng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ. Những khối cầu “ít tuổi” nhất cũng đã hơn 40 tuổi.
Ngay cả bản thân những quả tên lửa mang đầu đạn cũng khiến nhà chức trách nước này lo lắng. Ông Mark Schneider, nguyên quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ, giải thích: “Chúng ta đã thấy rằng khi Nga đem từ trong kho ra những quả tên lửa cũ để sử dụng ở Ukraine, từ 20% đến 60% tên lửa của họ bắn trượt. Lý do chính là vì hệ thống dẫn đường của những quả tên lửa này đã quá lạc hậu. Chúng ta cũng có nhiều quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân lạc hậu như vậy. Chúng được sản xuất vào thập niên 1960, 1970. Khi đó công nghệ bán dẫn còn chưa phát triển nên linh kiện điện tử rất dễ hỏng hóc. Tên lửa hạt nhân không phải là vũ khí chính xác, nhưng chẳng ai muốn bắn một quả tên lửa hạt nhân mà trượt mục tiêu”.
Ông Mark Schneider lấy mẫu đầu đạn hạt nhân W47 làm ví dụ: “Sỹ quan lắp đặt đầu đạn W47 lên trên tên lửa UGM-27 bao giờ cũng phải thò tay vào đuôi đầu đạn để dứt ra một sợi dây điện giống như chốt an toàn của lựu đạn vậy. Vấn đề là sợi dây điện này để lâu thì lớp vỏ nhựa sẽ cứng lại và khiến cho sợi dây khó dứt ra. Đã có trường hợp người sỹ quan vì quá cố dứt sợi dây ra lại làm hỏng các bộ phận khác của đầu đạn”.
Mỹ và các cường quốc hạt nhân khác không ký kết vào Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện của Liên hợp quốc. Tuy nhiên trên thực tế họ đã không thử nghiệm vũ khí hạt nhân từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tâm lý chung của những sỹ quan tên lửa hạt nhân Mỹ khi bắt đầu ngày làm việc mới luôn là: “Làm thế nào để qua được ngày hôm nay?”. Nhiều người trong số họ đã qua tuổi 40, vậy mà thiết bị còn “già” hơn cả họ nữa. Đại úy Moffett cho biết: “Thiết bị mới nhất trong hầm chỉ huy là máy tính chuyên để tổng thống gửi tín hiệu khai hỏa đến các căn cứ tên lửa. Cái máy đã 47 năm tuổi rồi và vẫn còn sử dụng đĩa mềm... Mỗi khi thiết bị trục trặc là đội kỹ thuật viên lại phải tháo máy ra, đưa lên mặt đất, rồi lùng sục nhà kho để tìm bộ phận sửa chữa. Nếu không có linh kiện thì họ phải đặt hàng nhà máy sản xuất mới, nhưng làm như vậy rất tốn thời gian. Đã có lần chúng tôi phải xin bảo tàng quân sự được tháo rời hiện vật để lấy bộ phận thay thế”.
Chi phí bảo dưỡng tên lửa đạn đạo của quân đội Mỹ đã tăng 17% trong vòng 10 năm qua và hiện đứng ở mức 482 triệu USD/năm. Đây là con số khó chấp nhận được ngay cả với một cường quốc. Tổng thống Joe Biden khi mới nhận chức còn có ý định dẹp bỏ toàn bộ kho tên lửa hạt nhân trên đất liền của Mỹ mà dựa vào bom và tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Lầu Nam Góc muốn chấm dứt vấn đề bằng cách hiện đại hóa toàn bộ kho vũ khí tên lửa hạt nhân đất liền. Dự án trọng điểm của họ là phát triển, sản xuất và đưa vào sử dụng thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới mang ten Sentinel. So với loại tên lửa Minuteman III hiện đang được quân đội Mỹ sử dụng, Sentinel nhanh hơn, có tầm bắn xa hơn, chính xác hơn, và quan trọng nhất là sử dụng những linh kiện hiện đại vẫn đang được sản xuất.
Lầu Năm Góc dự tính dự án Sentinel sẽ tiêu tốn khoảng 100 triệu USD trong vòng mười năm tới. Số tiền đấy vẫn chỉ là “giọt nước” so với khoản chi phí dự tính 1 tỷ USD nhằm nâng cấp tất cả các hệ thống vũ khí hạt nhân trên bộ, trên không và dưới biển của Mỹ.
Nền kinh tế Mỹ phát triển hơn hay tệ đi dưới thời Tổng thống Joe Biden so với khi ông Donald Trump nắm quyền?
Đây là một chủ đề liên tục được nhắc tới trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024.
“Nhiều chỉ số cho thấy nền kinh tế của chúng ta lớn mạnh nhất thế giới,” Phó Tổng thống Kamala Harris từng tuyên bố.
Trong khi đó, cựu Tổng thống và ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump từng nói rằng ông đã tạo ra "nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ" và chính quyền Biden-Harris đã phá hủy nó.
BBC đã xem xét một số chỉ số chính để so sánh hiệu suất của nền kinh tế Mỹ dưới hai nhiệm kỳ tổng thống trên.
Tăng trưởng kinh tế
Tuy rằng tác động của đại dịch Covid-19 khiến việc so sánh trở nên khó khăn, cả hai nhiệm kỳ tổng thống đã đạt được một số thành công kinh tế đáng chú ý, dù rằng mức lương vẫn chưa bắt kịp tốc độ tăng giá của các sản phẩm trong những năm gần đây.
Trước tiên, hãy nhìn vào tăng trưởng kinh tế thông qua chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế Mỹ.
Chỉ số này đã sụt giảm mạnh khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa trong thời kỳ Covid-19.
Sau đại dịch, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ dưới thời ông Trump, với tốc độ phục hồi tốt hơn so với nhiều quốc gia phương Tây khác.
Xu hướng này được duy trì dưới thời ông Biden - Mỹ có mức phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong nhóm G7 nếu xét theo GDP.
G7 là tổ chức gồm bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thương mại toàn cầu và hệ thống tài chính quốc tế, gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ý và Canada.
Nhưng trong bốn năm cầm quyền của ông Trump, nền kinh tế của quốc gia này không "vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ" như ông tuyên bố.
Trong giai đoạn từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2021, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm là 2,3%.
Giai đoạn này bao gồm sự chững lại của nền kinh tế và thời kỳ phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tính đến hiện tại, sau khoảng 3 năm cầm quyền, kinh tế Mỹ dưới thời ông Biden đạt tốc độ tăng trưởng 2,2% - không quá khác biệt.
Trong quá khứ, đã từng có thời điểm tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ cao hơn mức trung bình dưới thời Trump và Biden, ví dụ như vào những năm 1970.
Vào năm 1973, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 5,6%. Năm 1976, con số này là 5,4%.
Lạm phát
Tốc độ tăng giá đã trở thành một vấn đề nóng trong các chiến dịch tranh cử.
Hai năm đầu dưới thời ông Biden, giá cả đã gia tăng đáng kể - đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022.
Ông Trump từng nói rằng nước Mỹ đã phải trải qua "tình trạng lạm phát tồi tệ nhất".
Điều này là sai. Lần gần nhất lạm phát vượt mức 9% là vào năm 1981, và trong nhiều thời điểm khác, mức lạm phát ở Mỹ cao hơn thế nhiều.
Hiện tại, lạm phát đã giảm xuống còn khoảng 3%, vẫn cao hơn thời điểm ông Trump rời nhiệm sở.
Ví dụ, giá thực phẩm đã tăng 13,5% trong giai đoạn từ tháng 8/2021 – tháng 8/2022.
Đây là mức tăng đỉnh điểm dưới thời ông Biden. Kể từ đó, giá cả đã phần nào trở nên ổn định hơn, với mức tăng 1,1% trong giai đoạn từ tháng 7/2023 – tháng 7/2024.
Xu hướng lạm phát của Mỹ trong thời gian gần đây có sự tương đồng với nhiều quốc gia phương Tây từng có mức lạm phát cao trong giai đoạn 2021-2022 khi phải hứng chịu tác động từ các vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu phát sinh do Covid-19 và giá cả leo thang do ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ (American Rescue Plan) trị giá 1.900 tỷ USD của ông Biden, được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2021, cũng là một yếu tố đóng góp vào tốc độ gia tăng lạm phát.
Các chuyên gia nhận định rằng việc bơm tiền vào nền kinh tế đã khiến giá cả gia tăng.
Tình trạng việc làm
Chính quyền ông Biden đã nhiều lần nhấn mạnh vào sự tăng trưởng mạnh mẽ về việc làm, coi đây là một thành tựu lớn.
Trước khi xảy ra tình trạng mất việc quy mô lớn vào năm 2020 do Covid-19, trong ba năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump (giai đoạn 2016-2019), đã có 6,7 triệu chỗ làm được tạo ra, theo số liệu thống kê việc làm phi nông nghiệp (vốn chiếm khoảng 80% lực lượng lao động).
Kể từ khi ông Biden lên nắm quyền vào tháng 1/2021, có gần 16 triệu chỗ làm mới.
Ông Biden từng tuyên bố rằng đó là “tốc độ tăng trưởng chỗ làm nhanh nhất, ở bất kỳ thời kỳ nào, dưới bất kỳ vị tổng thống nào, trong toàn bộ chiều dài lịch sử Mỹ”.
Khi nhìn vào những dữ liệu có sẵn kể từ khi việc ghi chép được bắt đầu vào năm 1939, có thể thấy rằng tuyên bố của ông Biden là đúng.
Nhưng chính quyền ông Biden đã hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế hậu Covid-19 khi Mỹ cho dừng phong tỏa.
“Nhiều chỗ làm [cũng] sẽ quay trở lại nếu ông Trump đắc cử vào năm 2020 – nhưng Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ đã đóng vai trò quan trọng trong tốc độ và mức độ mạnh mẽ
của sự phục hồi thị trường lao động,” Giáo sư Mark Strain, một nhà kinh tế học tại Đại học Georgetown, nhận định.
Giải cứu Hoa Kỳ là kế hoạch chi tiêu được thông qua vào năm 2021 với mục đích kích thích kinh tế thời kỳ hậu đại dịch.
Việc mức tăng trưởng việc làm vào tháng Bảy thấp hơn dự kiến đã gây ra lo ngại về một cuộc đảo chiều đi xuống đột ngột trong nền kinh tế Mỹ.
Nỗi lo này đã tác động xấu tới thị trường chứng khoán, nhưng mọi thứ đã ổn định trở lại.
Cả hai chính quyền đều nhấn mạnh tới tỷ lệ thất nghiệp thấp trong nhiệm kỳ của mình.
Trước đại dịch và dưới thời ông Trump, tỷ lệ thất nghiệp là 3,5%.
Tương tự như ở nhiều nơi khác trên thế giới, các biện pháp phong tỏa do Covid khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt ở Mỹ.
Khi ông Trump rời nhiệm sở, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn khoảng 7%.
Dưới thời ông Biden, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, xuống mức 3,4% vào tháng 1/2023 – mức thấp nhất trong vòng 50 năm, nhưng con số này đã tăng dần lên 4,3% ở hiện tại.
Mức lương
Dưới thời ông Trump, mức lương đã tăng nhưng chỉ ở mức tương tự nhiệm kỳ trước đó của ông Barack Obama.
Điều này đã thay đổi khi đại dịch Covid bùng phát.
Vào đầu năm 2020, mức lương của người lao động đã tăng mạnh. Tuy nhiên, sự gia tăng đột ngột này một phần là do những công nhân có thu nhập thấp hơn có khả năng bị sa thải cao hơn, khiến mức lương trung bình của những người vẫn còn làm việc tự động tăng lên.
Dưới thời ông Biden, thu nhập trung bình hằng tuần của người lao động đã tăng, nhưng vẫn chưa theo kịp với mức tăng giá do lạm phát cao gây ra.
Sau khi điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, mức lương trung bình hằng tuần ở hiện tại thấp hơn so với khi ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ.
Thị trường tài chính
Thị trường chứng khoán Mỹ không nhất thiết phản ánh toàn bộ tình hình của nền kinh tế, nhưng nhiều người Mỹ có các khoản đầu tư, do đó tình hình thị trường có ý nghĩa tương đối quan trọng.
Chỉ số Dow Jones là một chỉ số đo lường hiệu suất của 30 doanh nghiệp lớn niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ.
Chỉ số này đạt mức cao kỷ lục khi ông Trump còn cầm quyền.
Tuy nhiên, khi đại dịch Covid ập tới, thị trường đã sụt giảm mạnh, quét bay những tăng trưởng đạt được dưới thời ông Trump.
Dù vậy, khi ông Trump rời nhiệm sở vào tháng 1/2021, thị trường tài chính đã phục hồi lên mức cao hơn mức trước đại dịch.
Sự tăng trưởng này được tiếp nối dưới thời ông Biden, và mặc dù có một số biến động gần đây, thị trường chứng khoán cũng đã đạt mức kỷ lục dưới chính quyền Mỹ hiện tại.
Đảng Dân chủ gần đây liên tục công kích Dự án 2025, tài liệu gồm các đề xuất theo hướng bảo thủ bị chỉ trích là "cực đoan", do nhiều người liên quan đến ông Trump soạn thảo.
"Chúng ta đều biết nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ như thế nào. Tất cả đều được nêu trong Dự án 2025, do các cố vấn thân cận nhất của ông ấy soạn thảo. Nói chung, nó kéo đất nước chúng ta trở lại quá khứ. Nhưng nước Mỹ sẽ không quay lại. Chúng ta sẽ không quay lại!", Kamala Harris hôm 22/8 nói tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, trong bài phát biểu nhận đề cử ứng viên tổng thống.
Dự án 2025 là một tài liệu khoảng 900 trang do viện chính sách Heritage Foundation, trụ sở ở Washington, phụ trách, với sự tham gia của hàng chục tổ chức bảo thủ khác. Tài liệu được coi là "tiệc buffet chính sách" cho chính quyền Trump hoặc bất kỳ tổng thống nào khác thuộc đảng Cộng hòa. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy các chính sách bảo thủ và cánh hữu để định hình lại chính quyền liên bang Mỹ.
Tài liệu này gần đây trở thành mục tiêu để đảng Dân chủ công kích đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. "Giống như tiểu thuyết kinh dị, mỗi trang lại càng khiến bạn muốn đọc tiếp. Nhưng khi đọc xong, bạn cảm thấy sợ hãi, ghê tởm", Jesse Ferguson, chiến lược gia đảng Dân chủ, nói.
Heritage Foundation, thành lập năm 1973, bắt đầu vạch lộ trình chính sách cho các chính quyền tổng thống Cộng hòa tiềm năng từ những năm 1980. Bản thiết kế chính sách đầu tiên năm 1981 đã được Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan tiếp nhận, triển khai một nửa các khuyến nghị trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
Năm 2015, Heritage Foundation cũng soạn đề xuất tương tự cho tổng thống Cộng hòa tiềm năng. Ông Trump đắc cử năm 2016, nhậm chức năm 2017. Trong năm thứ hai của nhiệm kỳ, Heritage Foundation tuyên bố ông Trump đã tiếp nhận 64% khuyến nghị chính sách của tổ chức, từ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cho đến tăng chi tiêu quốc phòng, khoan thăm dò ngoài khơi.
Dự án 2025 được triển khai từ tháng 4/2022, trước khi có bất kỳ ai chính thức tranh cử tổng thống Mỹ năm nay. Chủ tịch Heritage Foundation Kevin Roberts nói chính phủ Mỹ sẽ đón nhận một kỷ nguyên bảo thủ hơn mà ông kỳ vọng do phe Cộng hòa mở ra.
Heritage Foundation công bố Dự án 2025 vào khoảng tháng 4/2023. Tài liệu được coi là lấp khoảng trống chính sách trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Cựu tổng thống Mỹ khi vận động tranh cử chỉ nêu nghị trình chung chung, website chiến dịch cũng không nêu chi tiết.
Dự án có 4 phần, gồm tài liệu Mandate for Leadership: The Conservative Promise (Thẩm quyền lãnh đạo: Cam kết bảo thủ) liệt kê nghị trình điều hành đất nước dựa trên góp ý từ 400 nhà bảo thủ, cơ sở dữ liệu hồ sơ ứng viên bảo thủ trên khắp Mỹ muốn tham gia chính quyền kế tiếp, học viện để đào tạo ứng viên tiềm năng cho chính quyền và sổ tay những hành động cần thực hiện trong 180 ngày nhậm chức.
Tài liệu liệt kê những cải cách trong nhánh hành pháp như hình sự hóa ngành phim ảnh khiêu dâm. Họ muốn giải thể Bộ Giáo dục Mỹ, giảm đáng kể vai trò của chính phủ liên bang trong giáo dục trong khi tăng cường quyền lực của từng bang với vấn đề này.
Tài liệu này đề xuất cắt giảm quỹ liên bang dành cho nghiên cứu và đầu tư vào năng lượng tái tạo, kêu gọi tổng thống tiếp theo "chấm dứt cuộc chiến với nhiên liệu hóa thạch", loại bỏ các biện pháp bảo vệ khí hậu.
Dự án kêu gọi trấn áp mạnh tay nhập cư trái phép, tăng quỹ xây dựng tường biên giới Mỹ - Mexico, giải thể Bộ An ninh Nội địa để sáp nhập bộ này với các đơn vị thực thi luật di trú ở các cơ quan khác, thực hiện tuần tra biên giới với quy mô lớn và mạnh mẽ hơn.
Dự án 2025 không kêu gọi ra lệnh cấm phá thai trên toàn quốc. Tuy nhiên, nó đề xuất rút thuốc phá thai mifepristone khỏi thị trường và ngăn chặn việc gửi loại thuốc này qua đường bưu điện.
Tài liệu đề xuất rằng toàn bộ bộ máy liên bang, bao gồm cả Bộ Tư pháp, được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của tổng thống - ý tưởng gây tranh cãi được gọi là "lý thuyết điều hành thống nhất". Điều đó sẽ giúp tổng thống trực tiếp ấn định chính sách ở một số lĩnh vực. Điều này gây lo ngại rằng nó trao cho tổng thống quyền lực để điều tra đối thủ chính trị.
Những người soạn thảo muốn cấm người chuyển giới nhập ngũ và cân nhắc khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Cụm từ "ông Trump" và "chính quyền Trump" được nhắc đến hàng trăm lần trong tài liệu.
Đảng Dân chủ công kích đây là những ý kiến "cực hữu và nguy hiểm". Một số chuyên gia pháp lý nêu lo ngại các đề xuất sẽ làm suy yếu nguyên tắc pháp quyền, tam quyền phân lập và các quyền tự do dân sự.
Tổng thống Biden mô tả Dự án 2025 là "đòn tấn công lớn nhất nhằm vào hệ thống chính quyền và tự do cá nhân từng được đề xuất trong lịch sử đất nước". Bà Harris nói rằng ông Trump sẽ sử dụng quyền lực không phải để cải thiện cuộc sống của người dân hay củng cố an ninh quốc gia mà chỉ để phục vụ duy nhất bản thân mình.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump từ năm ngoái đã tìm cách hạn chế tác động từ Dự án 2025, mô tả đây "chỉ là khuyến nghị chính sách từ đồng minh bên ngoài".
Dự án 2025 hồi tháng 7 cũng lên tiếng trên tài khoản X, khẳng định họ "không đại diện cho bất kỳ ứng viên hay chiến dịch nào". "Việc quyết định thực thi những khuyến nghị nào còn tùy thuộc vào tổng thống Cộng hòa, người mà chúng tôi tin sẽ là ông Trump", bài viết có đoạn.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ vẫn tìm được mối liên hệ giữa cựu tổng thống với dự án. CNN đưa tin 6 cựu bộ trưởng dưới thời Trump đã viết hoặc cộng tác trong tài liệu. Hàng chục nhân viên trong chính quyền Trump là thành viên các nhóm bảo thủ tham gia Dự án 2025, trong đó có cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và cố vấn Stephen Miller.
Tổng cộng, CNN phát hiện gần 240 người có liên hệ với cả Dự án 2025 và ông Trump. Con số thực tế có thể cao hơn, bởi hồ sơ của nhiều người không có trên mạng. Điều này khiến phe Dân chủ liên tục liên kết ông Trump với Dự án 2025 để cảnh báo về tương lai "nguy hiểm".
Ông Trump gần đây nhiều lần trực tiếp lên tiếng bác bỏ mối liên quan với tài liệu. "Tôi không biết gì về Dự án 2025. Tôi không biết ai đứng sau nó. Tôi không đồng ý với một số điều họ nói. Một số thứ họ đưa ra hoàn toàn vô lý và tệ hại. Bất cứ điều gì họ làm, tôi đều chúc họ may mắn, nhưng tôi không liên quan gì đến họ", ông viết trên các mạng xã hội hồi đầu tháng 7.
Trump cáo buộc đảng Dân chủ cố gán ông vào bất kỳ đề xuất cực đoan nào được nêu ra. "Nó thực sự cực đoan, nhưng tôi chẳng biết gì về dự án đó", ông nhấn mạnh trong cuộc mít tinh đầu tiên sau khi bị ám sát hụt hồi tháng 7. "Phe Dân chủ liên tục nói tôi là mối đe dọa với nền dân chủ, nhưng tôi đã làm cái gì chứ? Tôi còn lãnh một viên đạn vì nền dân chủ đây. Tôi hoàn toàn không phải là người cực đoan".
Ông nhắc lại vấn đề này khi thăm biên giới Mỹ - Mexico hôm 22/8, sau khi đảng Dân chủ tổ chức đại hội. "Chúng tôi đã thông báo chính thức rằng chúng tôi không liên quan gì đến Dự án 2025", Trump nói. "Phe Dân chủ biết rõ điều đó, nhưng họ vẫn nhai đi nhai lại. Họ cố đưa ra mọi thứ. Tất cả đều sai sự thật".
Chính quyền Mỹ vừa tịch thu một chiếc máy bay của Tổng thống Venezuela, khi lấy lý do vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Caracas.
Chính phủ Mỹ đã cáo buộc Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro và từ chối công nhận chiến thắng của ông trong hai cuộc bầu cử tổng thống Venezuela gần đây nhất.
"Việc bắt giữ máy bay của nguyên thủ quốc gia nước ngoài là điều chưa từng có đối với các vấn đề hình sự. Chúng tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng ở đây rằng, không ai nằm ngoài tầm với của các lệnh trừng phạt của Mỹ", một quan chức giấu tên của Washington nói với CNN, nơi đầu tiên đưa tin về câu chuyện này vào ngày 2/9.
Theo CNN, chiếc máy bay này có giá trị khoảng 13 triệu USD, và bị tịch thu với sự hợp tác của chính quyền Dominica.
Hãng tin CNN không nêu tên máy bay, chỉ nói rằng, nó bị tịch thu tại Cộng hòa Dominica và bay đến Miami, Florida. Các bộ An ninh Nội địa, Thương mại và Tư pháp đã tham gia vào vụ tịch thu.
Tờ Miami Herald xác định máy bay này là Dassault Falcon 900EX, một máy bay thương mại do Pháp chế tạo đã từng đến Cuba, Brazil và St. Vincent và Grenadines, thường chở ông Maduro. Có vẻ như máy bay này được đăng ký tại San Marino.
Herald trích dẫn hồ sơ từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho thấy, một công ty có trụ sở tại Florida đã bán máy bay cho một công ty ở St. Vincent, sau đó công ty này bán lại cho San Marino.
Chính phủ Mỹ cáo buộc rằng, bên bán lại là một công ty vỏ bọc của Venezuela, và việc bán hàng này đã vi phạm lệnh trừng phạt của họ đối với Venezuela.
Các quan chức Mỹ mô tả máy bay này của Venezuela tương đương với chiếc "Không lực Một" của Mỹ, lưu ý rằng, Tổng thống Maduro đã cùng nó đến một số nơi.
Không rõ làm thế nào máy bay này lại đến Cộng hòa Dominica, vì Venezuela đã đình chỉ các chuyến bay thương mại với hòn đảo này sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 28/7.
Theo CNN, Mỹ có ý định tịch thu máy bay thông qua quá trình tịch thu tài sản. Điều này có nghĩa là về mặt lý thuyết, Venezuela có thể thách thức nó tại tòa án, nếu họ có thể tìm ra cách lách lệnh trừng phạt để làm như vậy.
Phản ứng với hành động trên của chính quyền Mỹ, chính phủ Venezuela đã mô tả vụ bắt giữ này là "hành vi cướp bóc" trong một thông báo hôm 2/9, và cáo buộc Washington leo thang "hành vi gây hấn" đối với chính quyền của ông Maduro sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vào tháng 7 này.
“Một lần nữa, chính quyền Mỹ, trong một hành vi phạm tội thường xuyên không thể dán nhãn gì khác ngoài hành vi cướp bóc, đã tịch thu bất hợp pháp một chiếc máy bay được tổng thống nước này sử dụng, biện minh cho hành động của mình bằng các biện pháp cưỡng chế mà họ áp đặt một cách bất hợp pháp và đơn phương trên khắp thế giới”, thông báo cho biết.
“Mỹ đã chứng minh rằng, họ sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình để đe dọa và gây sức ép với các quốc gia như Cộng hòa Dominica để họ trở thành đồng phạm trong các hành vi tội phạm của mình. Đây là một ví dụ về cái gọi là 'trật tự dựa trên luật lệ', bất chấp luật pháp quốc tế, tìm cách thiết lập luật của kẻ mạnh nhất”, thông báo nói thêm.
Đây là chiếc máy bay thứ hai của Venezuela bị Mỹ tịch thu trong năm nay.
Vào tháng 2, Argentina đã gửi cho Mỹ một máy bay chở hàng Boeing 747-300M bị tịch thu vào năm 2022, vì Caracas bị cáo buộc đã mua nó từ một công ty Iran bị trừng phạt.
Tổng thống Maduro gọi vụ tịch thu này là "một hành vi trộm cắp trắng trợn" từ phía chính phủ của Tổng thống Argentina Javier Milei.
Một quan chức giấu tên nói với CNN rằng, Washington đã tịch thu 2 tỷ USD tài khoản ngân hàng và tài sản của Venezuela trong những năm gần đây.
Nguồn: CafeF; CAND; BBC; Vnexpress; Soha
Kỷ lục buồn về nhiệt độ; Ngân hàng Nga chao đảo; Di dân TQ đổ về Mexico; Putin trọng dụng Margarita Simonyan; Ukraine sa lầy tại Kursk
TQ ồ ạt gom chip; Canada siết chặt di trú; Vụ thảm sát phơi bày điểm yếu của Putin; 15s ác mộng với Kiev; Ukraine sa lầy tại Kursk
Mỹ: Mùa hè nóng nhất lịch sử; Chính phủ nguy cơ đóng cửa; Tranh luận Trump-Harris; Kỷ niệm ngày 11/9; Tàu sân bay rời Trung Đông
Mỹ: Người nghèo béo phì; Trắc trở đa dạng hóa khỏi TQ; Trump 'bứt phá'; Hunter Biden nhận tội; 'Cú đấm bồi' vào dự án của Nga
Làn sóng người trẻ thất nghiệp; Di dân TQ đổ xô sang Nhật; Giáo viên ở HQ bỏ việc; Nga tăng tốc phản công; Đàm phán Israel-Hamas bế tắc
Mỹ: Mưa 'nghìn năm có 1'; Khi Fed hạ lãi suất; Mức độ bảo vệ của Trump; Truy tố kẻ ám sát Trump; Cảnh báo Israel không tấn công Liban
Mỹ: Làn sóng IT thất nghiệp; Truy thu thuế giới nhà giàu; Vụ tiền bịt miệng; Trump cố cứu đồng USD; Tương phản chiến lược Trump-Harris
Grab bị điều tra; 'Mái ấm ác mộng' ở Malaysia; Lũ lụt kinh hoàng ở Thái Lan; Nạn tảo hôn nở rộ ở Pakistan; Ukraine tấn công Moscow
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá