Mỹ: Cúm gia cầm bùng phát; Tái khởi động chương trình di trú; Trump muốn hoãn tuyên án; Vụ không kích Iraq; Cấp bằng sáng chế cho TQ

MỸ CẢNH BÁO DỊCH CÚM GIA CẦM BÙNG PHÁT

Các trang trại bò sữa ở California, bang sản xuất sữa lớn nhất nước Mỹ, đã phát hiện 3 đàn bò dương tính với cúm gia cầm, theo thông báo của Sở Nông nghiệp California vào thứ Sáu.

Các ca nhiễm này đã mở rộng đợt bùng phát virus H5N1 trong đàn gia súc bò sữa ở Mỹ lên 14 bang. Theo số liệu liên bang, từ tháng 3 đến nay, đã có hơn 190 đàn bò bị nhiễm bệnh, cùng với 13 công nhân tại các trang trại bò sữa và gia cầm.

Việc virus lây từ các loài chim sang bò đã làm dấy lên lo ngại nó có thể thích nghi và lây lan sang người. Các quan chức liên bang cho biết cúm gia cầm có nguy cơ thấp đối với cộng đồng nói chung và quá trình tiệt trùng sẽ vô hiệu hóa virus trong sữa.

Không có trường hợp nào lây nhiễm sang người được xác nhận ở California, theo Sở Nông nghiệp và Thực phẩm California. Theo thông cáo, các đàn bò nhiễm bệnh, nằm ở vùng Thung lũng Trung tâm của bang, bắt đầu xuất hiện triệu chứng vào ngày 25/8.

Các trang trại bị nhiễm bệnh đã được cách ly. Những con bò bệnh được cách ly và điều trị tại trang trại, trong khi những con bò khỏe mạnh vẫn được phép tiếp tục vận chuyển sữa để tiệt trùng.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết họ đang tiến hành xét nghiệm để xác nhận các trường hợp ở California. USDA cũng cho biết họ đang làm việc chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Thực phẩm California nhằm kiểm soát sự lây lan của virus.

 

 

TÁI KHỞI ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH NHẬP CƯ CHO 4 NƯỚC

Chính quyền Biden đang khởi động lại chương trình di trú cho phép di dân 4 nước đến Mỹ và có tăng cường “kiểm tra bổ sung” đối với những người bảo lãnh tài chính của họ tại Hoa Kỳ sau những lo ngại về gian lận.

Bốn nước nằm trong chương trình này là Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela.

Bộ An ninh Nội địa đã đình chỉ chương trình vào đầu tháng này để điều tra những lo ngại nhưng cho biết rằng một cuộc đánh giá nội bộ không phát hiện thấy gian lận lan rộng giữa những người bảo lãnh.

“Cùng với việc kiểm tra nghiêm ngặt hiện tại của chúng tôi đối với những người thụ hưởng tiềm năng muốn đến Hoa Kỳ, các thủ tục mới dành cho những người bảo lãnh này đã củng cố tính toàn vẹn của các quy trình và sẽ giúp bảo vệ chống lại việc bóc lột những người thụ hưởng”, cơ quan này cho biết.

Chương trình được triển khai vào tháng 1 năm 2023 và là một phần quan trọng trong chính sách di trú của chính quyền Biden nhằm tạo ra hoặc mở rộng các con đường nhập cảnh hợp pháp trong khi hạn chế quyền tị nạn đối với những người vượt biên trái phép.

Chính sách này nhắm vào các quốc gia đưa một lượng lớn người đến Hoa Kỳ và thường từ chối tiếp nhận những người bị trục xuất. Chính sách này đi kèm với các cam kết từ Mexico về việc tiếp nhận lại những người từ các quốc gia vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ.

Theo chương trình, Hoa Kỳ tiếp nhận tối đa 30.000 người mỗi tháng từ bốn quốc gia này trong hai năm và cung cấp đủ điều kiện để được cấp phép làm việc. Để đủ điều kiện, những di dân phải có người bảo lãnh tại Hoa Kỳ và bay đến một sân bay của Hoa Kỳ bằng chi phí của họ, thay vì vượt biên giới phía nam. Những người đóng vai trò là người bảo lãnh và những di dân muốn đến Hoa Kỳ phải trải qua quá trình kiểm tra của Bộ An ninh Nội địa.

Đảng Cộng hòa đã nhiều lần chỉ trích chương trình này là một việc lách luật di trú. Họ ngay lập tức tấn công chính quyền khi chương trình bị đình chỉ vào đầu tháng này, chỉ ra rằng đây là sự xác nhận thêm cho mối lo ngại của họ về việc liệu những di dân có được kiểm tra đúng cách hay không. Và họ chỉ trích quyết định được công bố vào ngày 29/8 để khởi động lại.

“Thay vì hủy bỏ chương trình có khuyết điểm rõ ràng này, Bộ lại cho phép chương trình tiếp tục mà không loại bỏ hoàn toàn gian lận hoặc đưa ra các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn chặn việc các người bảo lãnh tại Hoa Kỳ bóc lột. Nhưng về cơ bản, sẽ không có gian lận nào để ngăn chặn nếu Bộ An ninh Nội địa chỉ đơn giản là ngừng tiếp nhận 30.000 người nước ngoài không đủ điều kiện nhập cảnh mỗi tháng ngay từ đầu”, Dân biểu Cộng hòa Mark Green, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện cho biết.

Bộ An ninh Nội địa nói trong một tuyên bố vào ngày 29/8 rằng quá trình kiểm tra bổ sung sẽ bao gồm việc xem xét kỹ hơn các hồ sơ tài chính mà người bảo lãnh ở Hoa Kỳ được yêu cầu nộp cũng như lý lịch hình sự của họ. Các người bảo lãnh sẽ được yêu cầu nộp dấu vân tay và cơ quan này sẽ tăng cường các bước để xác định những người bảo lãnh gian lận và khi một người nộp nhiều đơn.

Bộ An ninh Nội địa cho biết một cuộc đánh giá nội bộ đã phát hiện ra một số trường hợp gian lận, chẳng hạn như các người bảo lãnh sử dụng số An sinh Xã hội giả, nhưng phần lớn các trường hợp mà họ điều tra đều có lý do hợp lý, chẳng hạn như lỗi đánh máy khi người bảo lãnh nộp thông tin trực tuyến.

“Kể từ khi bắt đầu quá trình này, một số rất ít người bảo lãnh đã bị phát hiện có hành vi gian lận hoặc tội phạm cần phải chuyển đến cơ quan thực thi pháp luật để điều tra và/hoặc có hành động thích hợp”, cơ quan này cho biết.

Bộ An ninh Nội địa cũng nói họ không tìm thấy vấn đề gì trong việc thẩm tra những người di cư, nói rằng những người đến Hoa Kỳ theo chương trình này “đã được sàng lọc và thẩm tra kỹ lưỡng”.

Khi thông báo về việc đình chỉ chương trình, Bộ An ninh Nội địa không cho biết thời điểm dừng xử lý. Nhưng tin tức này đã nổ ra sau khi Liên đoàn Cải cách Nhập cư Hoa Kỳ FAIR, một nhóm ủng hộ các hạn chế di dân, trích dẫn một báo cáo nội bộ của cơ quan nêu ra những câu hỏi về gian lận.

Cả Bộ An ninh Nội địa và FAIR đều không cung cấp báo cáo đó. FAIR khẳng định rằng báo cáo cho thấy 3.218 người bảo lãnh chịu trách nhiệm cho hơn 100.000 hồ sơ và 24 trong số 1.000 số An sinh Xã hội hàng đầu mà các người bảo lãnh sử dụng tương ứng với những người đã chết.

Mối lo ngại về các người bảo lãnh tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng đã xuất hiện gần như ngay từ đầu. Các nhóm trên Facebook có tên như “Người Bảo lãnh Hoa Kỳ” đã đăng hàng chục bài cung cấp và tìm kiếm những người bảo lãnh.

Kể từ khi chương trình được triển khai, hơn 520.000 người từ bốn quốc gia này đã đến Hoa Kỳ.

Các vụ bắt giữ vì vượt biên trái phép đã giảm mạnh trong số bốn quốc gia này.

 

 

TRUMP YÊU CẦU TÒA ÁN HOÃN TUYÊN ÁN VỤ DÙNG TIỀN BỊT MIỆNG

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/8 đã yêu cầu tòa án liên bang can thiệp vào vụ án tiền bịt miệng của ông ở New York để lật ngược bản án và hoãn vô thời hạn việc tuyên án vào tháng tới.

Theo ABC News, các luật sư của ông Trump đã đề nghị tòa án liên bang ở Manhattan tiếp nhận vụ án từ tòa án tiểu bang, nơi vụ việc được xét xử. Họ lập luận rằng vụ truy tố lịch sử đó đã vi phạm các quyền hiến định của ông Trump cũng như phán quyết miễn trừ truy tố Tổng thống của tòa án tối cao Mỹ.

Nếu vụ việc được chuyển tới tòa án liên bang, các luật sư của ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa này này sẽ tìm cách lật ngược phán quyết và bác bỏ vụ án trên cơ sở miễn trừ.

Nếu vụ án tiếp tục được xử ở tòa án bang và việc tuyên án ông Trump diễn ra như lịch trình là 18/9 - 7 tuần trước ngày bầu cử, thì nó được coi là can thiệp vào bầu cử. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng ông Trump có thể bị bỏ tù ngay khi bỏ phiếu sớm đang diễn ra.

Hồi tháng 5, ông Trump bị kết tội phạm phải 34 tội danh nghiêm trọng, gồm cả giả hồ sơ kinh doanh liên quan tới vụ trả 130.000 USD tiền bịt miệng cho diễn viên phim người lớn Stormy Daniels vào năm 2016. Những cáo buộc của diễn viên này đe dọa cản trở cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông Trump.

Hiện chưa rõ tòa án có xem xét kiến nghị mới của ông Trump không, vì hồi tháng 7/2023 thẩm phán quận Alvin Hellerstein đã bác bỏ nỗ lực ban đầu của ông Trump nhằm xóa bỏ vụ án. Khi đó, cựu Tổng thống lập luận rằng vụ án tập trung vào các hành vi chính thức của ông khi còn đương chức.

Tuy nhiên, thẩm phán Hellerstein viết trong phán quyết: "Tiền bịt miệng trả cho một ngôi sao phim người lớn không liên quan đến hành vi chính thức của Tổng thống".

Yêu cầu mới nhất của ông Trump sẽ được chính thẩm phán tòa án liên bang Mahattan, người đã bác bỏ đề nghị trước đó của ông về việc chuyển vụ án, quyết định.

 

 

MỸ CÔNG BỐ KẾ HOẠCH KHÔNG KÍCH IRAQ

Bảy binh lính Mỹ bị thương trong trận chiến ở sa mạc Anbar, theo Bộ Chỉ huy trung tâm, theo Guardian.

Quân đội Mỹ và Iraq đã thực hiện một cuộc đột kích chung nhằm vào các phần tử nghi thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở sa mạc phía tây Iraq khiến ít nhất 15 người thiệt mạng trong khi 7 binh lính Mỹ bị thương, các quan chức cho biết hôm 31/8.

Bộ Chỉ huy trung tâm của quân đội Mỹ cho hay các phần tử nghi IS trang bị vũ khí, lựu đạn và đai thuốc nổ trong trận chiến hôm 29/8. Lực lượng Iraq quân sự Iraq tiết lộ vụ đột kích xảy ra ở sa mạc Anbar.

"Chiến dịch này nhắm vào các thủ lĩnh IS nhằm phá vỡ và làm suy yếu khả năng lập kế hoạch, tổ chức và tấn công của IS nhằm vào thường dân Iraq, cũng như công dân Mỹ, đồng minh và đối tác trên khắp khu vực và xa hơn nữa", Bộ Chỉ huy trung tâm cho biết. "Lực lượng an ninh Iraq tiếp tục khai thác thêm các địa điểm bị đột kích".

Bộ chỉ huy nói thêm: "Không có dấu hiệu thương vong về dân thường".

Một tuyên bố của quân đội Iraq xác nhận "các cuộc không kích nhắm vào các nơi ẩn náu, sau đó là một chiến dịch trên không".

"Trong số những người thiệt mạng có các thủ lĩnh chủ chốt của IS", quân đội Iraq cho biết, nhưng không nêu chi tiết danh tính. “Tất cả nơi ẩn náu, vũ khí và hỗ trợ hậu cần đã bị phá hủy, đai thuốc nổ đã được kích nổ an toàn và các tài liệu quan trọng, giấy tờ tùy thân và thiết bị liên lạc đã bị tịch thu”.

Một quan chức quốc phòng Mỹ (giữ kín danh tính) cho biết một số binh lính Mỹ bị thường. “Tất cả nhân sự đều trong tình trạng ổn định”, quan chức này cho hay.

Hiện vẫn chưa rõ tại sao phải mất hai ngày Mỹ mới thừa nhận sự tham gia của mình trong cuộc đột kích. Iraq không đề cập tới sự tham gia của Mỹ trong thông báo ban đầu. Giới chính khách Iraq đang tranh luận về tương lai của lực lượng quân sự Mỹ ở nước này.

Trong nhiều năm sau khi đánh đuổi các phần tử IS khỏi vương quốc Hồi giáo tự xưng của họ trên khắp Iraq và Syria, các lực lượng Mỹ vẫn tiếp tục chiến đấu với nhóm này. Số thương vong trong cuộc đột kích mới nhất cao hơn những cuộc đột kích khác trước đó.

Vào thời kỳ đỉnh điểm, IS đã cai trị một khu vực có diện tích bằng một nửa Vương quốc Anh khi nhóm này cố gắng thực thi cách diễn giải cực đoan của mình về đạo Hồi, tấn công các nhóm tôn giáo thiểu số và trừng phạt khắc nghiệt đối với những người Hồi giáo bị coi là bội giáo.

Một liên minh gồm hơn 80 quốc gia do Mỹ đứng đầu đã được thành lập để chống lại IS, đẩy lùi sự kiểm soát của IS ở Iraq và năm 2017 và ở Syria vào năm 2019. Các phần tử IS vẫn tiếp tục hoạt động tại sa mạc Anbar ở Iraq và Syria, trong khi tuyên bố thực hiện các cuộc tấn công ở những nơi khác trên thế giới. Chi nhánh IS ở Afghanistan khét tiếng các cuộc tấn công dữ dội gây nhiều thương vong.

 

 

VÌ SAO MỸ BẤT NGỜ CẤP HÀNG NGHÌN BẰNG SÁNG CHẾ CHO TRUNG QUỐC

Bất chấp là lĩnh vực nhạy cảm, Mỹ vẫn cấp hàng nghìn bằng sáng chế khoa học cho các phát minh ở Trung Quốc.

Reuters hôm 29/8 dẫn số liệu từ Cơ quan cấp bằng sáng chế Mỹ cho thấy, các cơ quan Chính phủ Mỹ đã cấp hàng nghìn bằng sáng chế cho các phát minh có trụ sở ở Trung Quốc, bao gồm cả trong lĩnh vực nhạy cảm.

Dữ liệu cho thấy, các cơ quan như Bộ Quốc phòng Mỹ, Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) và các cơ quan chính phủ khác đã tài trợ cho các nghiên cứu mang lại 1.020 bằng sáng chế cho các nhà phát minh tại Trung Quốc. Số liệu được lấy từ năm 2010 tới nay. Các bằng sáng chế được cấp bao gồm cả trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ sinh học và chất bán dẫn.

Số liệu này thực sự mâu thuẫn với những lời kêu gọi hủy bỏ hoặc đàm phán lại Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ mang tính bước ngoặt giữa Mỹ và Trung Quốc, một thỏa thuận hợp tác mà những người chỉ trích cho rằng có lợi không cân xứng cho đối thủ địa chính trị hàng đầu của Washington.

Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ đã cung cấp dữ liệu trong tháng này cho Ủy ban đặc biệt của Hạ viện về Trung Quốc. Vào tháng 6, Ủy ban đã làm việc với Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu về việc liệu nguồn tài trợ của Mỹ có dẫn đến những đột phá của Trung Quốc hay không. Việc điều tra này nhằm mục đích đánh giá rủi ro khi gia hạn hiệp ước về thỏa thuận khoa học và công nghệ giữa hai nước.

Theo báo cáo từ văn phòng cấp bằng sáng chế, cơ quan này đã cấp 1.020 bằng sáng chế từ năm 2010 đến quý đầu tiên của năm 2024. Các nghiên cứu đều được tài trợ ít nhất một phần bởi chính phủ Mỹ và liên quan đến ít nhất một nhà phát minh cư trú tại Trung Quốc. Dữ liệu không nêu chi tiết liệu các thực thể hoặc cá nhân Mỹ có chia sẻ các bằng sáng chế hay không.

Trong số đó, 197 bằng sáng chế về dược phẩm và 154 bằng sáng chế về công nghệ sinh học, cả hai đều là ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc và Mỹ.

Nguồn tài trợ từ nhiều cơ quan chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cho nghiên cứu, dẫn đến 92 bằng sáng chế thông qua nguồn tài trợ của Lầu Năm Góc, 175 từ tiền của Bộ Năng lượng và bốn từ hỗ trợ tài chính của NASA.

Đáng chú ý, NASA đã và đang phải đối mặt với lệnh cấm theo luật pháp Mỹ về việc hợp tác với Trung Quốc hoặc các công ty Trung Quốc.

Nguồn tài trợ từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã mang lại 356 bằng sáng chế như vậy, nhiều nhất trong số các cơ quan.

Dữ liệu từ Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ không nêu chi tiết các bằng sáng chế được cấp là kết quả trực tiếp đến từ Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ - Trung. Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ song phương sau khi ký kết vào năm 1979 đã đặt nền tảng cho sự bùng nổ trong trao đổi học thuật và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các bằng sáng chế bao gồm những tiến bộ trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, hóa học phân tử và polyme, kỹ thuật hóa học, công nghệ nano và công nghệ y tế.

Số lượng bằng sáng chế như vậy đã giảm từ mức cao nhất hằng năm là 99 vào năm 2019 xuống còn 61 vào năm 2023. Năm 2024, 16 bằng sáng chế được ghi nhận trong quý đầu tiên mặc dù chính phủ Mỹ ngày càng lo ngại rằng những tiến bộ về khoa học và công nghệ của Trung Quốc gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Chủ tịch ủy ban đặc biệt của Hạ viện về Trung Quốc, Đại diện đảng Cộng hòa John Moolenaar nói: "Thật đáng báo động khi người nộp thuế Mỹ đã vô tình tài trợ cho hơn 1.000 bằng sáng chế do các tổ chức Trung Quốc sở hữu, trong đó Bộ Quốc phòng chiếm gần 100 bằng sáng chế này."

Bộ Ngoại giao Mỹ, đơn vị chịu trách nhiệm đàm phán lại thỏa thuận với Trung Quốc, cho biết họ vẫn đang trao đổi với phía Bắc Kinh về khả năng gia hạn thỏa thuận.

"Mỹ vẫn cam kết thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của chúng ta trong khoa học và công nghệ" - một phát ngôn viên của bộ trả lời Reuters.

 

Nguồn: Công Luận; VOA; Vietnamnet; Zing News; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang