Mỹ: Tử vong vì nắng nóng tăng; 'Vua bán lẻ' chịu thua ở TQ; Cuộc chiến chống fentanyl TQ; Cáo trạng mới của Trump; Thề bảo vệ Israel

SỐ CA TỬ VONG VÌ NẮNG NÓNG TĂNG CHÓNG MẶT

Một nghiên cứu mới đã tiết lộ xu hướng đáng lo ngại về số ca tử vong liên quan đến nền nhiệt cao trên khắp nước Mỹ với tỷ lệ tử vong tăng gấp 2 lần trong 25 năm qua.

Nghiên cứu được công bố hôm 25/8 trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã xem xét hồ sơ các trường hợp tử vong trong đó nhiệt độ cực cao được liệt kê là nguyên nhân chính hoặc nguyên nhân góp phần.

Bằng cách phân tích dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ từ năm 1999 đến năm 2023, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ cao đã tăng từ 1.069 trường hợp vào năm 1999 lên 2.325 người vào năm 2023 - tương đương mức tăng 117%.

Số người thiệt mạng liên quan đến nền nhiệt cao ở mức thấp nhất trong giai đoạn nghiên cứu là 311 vào năm 2004, trái ngược với 2.325 ca vào năm 2023 - mức cao nhất.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Texas tại San Antonio, Đại học Uniformed Services University of the Health Sciences và Đại học bang Pennsylvania đã nhấn mạnh sự gia tăng mạnh mẽ trong 7 năm qua tương thích với các kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu chưa từng có khi tác động của biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn.

"Từ năm 2016 đến năm 2023, chúng tôi đã quan sát thấy tỷ lệ tử vong theo độ tuổi tăng đáng kể 16,8% mỗi năm" - các nhà nghiên cứu chop biết. Sự gia tăng gần đây đã đảo ngược xu hướng giảm trước đó về số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ.

Phát hiện trên phù hợp với các nghiên cứu toàn cầu cho thấy nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu gây tử vong ngày càng nhiều. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, vào năm 2023, thế giới đã trải qua nhiệt độ trung bình nóng nhất kể từ khi bắt đầu được thống kê vào năm 1850.

Các bệnh liên quan đến nhiệt độ như kiệt sức vì nóng hoặc say nắng xảy ra khi cơ thể không thể tự làm mát đúng cách. Theo CDC, điều này có thể gây tổn thương não và các cơ quan quan trọng khác.

Các tác giả của nghiên cứu cảnh báo rằng nếu không có sự can thiệp, xu hướng gia tăng số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ này có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra khi nhiệt độ toàn cầu tăng.

Tuy nhiên, họ cũng đề xuất rằng chính quyền địa phương ở những khu vực có nguy cơ cao nên xem xét mở rộng quyền tiếp cận các trung tâm cung cấp nước và cơ sở làm mát công cộng, điều này có thể làm giảm đáng kể tác động của nền nhiệt tăng.

Mặc dù nghiên cứu cung cấp những hiểu biết quan trọng, các tác giả thừa nhận một số hạn chế - bao gồm khả năng phân loại sai nguyên nhân tử vong. Điều này có thể dẫn đến việc đánh giá thấp tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ cao và khả năng dự báo do nhận thức ngày càng tăng về các ca tử vong liên quan đến nhiệt độ cao theo thời gian.

'VUA BÁN LẺ' THẤT BẠI Ở TRUNG QUỐC: CHẬT VẬT CẠNH TRANH VÌ HÀNG GIÁ RẺ, TRẮNG TAY SAU 28 NĂM

'Vua bán lẻ' Mỹ ra sao sau gần 30 năm thâm nhập thị trường Trung Quốc?

Tuần trước, Walmart thừa nhận đang tìm cách bán 3,7 tỷ USD cổ phiếu, tương đương hơn 92 nghìn tỷ đồng, của JD.com - sàn thương mại điện tử (TMĐT) nổi tiếng của Trung Quốc. “Quyết định này cho phép chúng tôi tập trung vào hoạt động kinh doanh vững mạnh tại Trung Quốc của Walmart Trung Quốc và Sam's Club, đồng thời phân bổ vốn cho các ưu tiên khác”, Walmart tuyên bố.

Nhiều người nghi ngờ động lực chủ yếu đến từ sức mua yếu ớt của thị trường trong thời gian qua, khi hàng loạt các sàn TMĐT Trung Quốc tìm cách chuyển hướng sang Mỹ sau thành công của Temu và Shein. Người tiêu dùng cũng đang thắt chặt chi tiêu vì lạm phát vượt ngưỡng.

“Mọi người sẽ hiểu rằng Walmart có cái nhìn bi quan về thị trường tiêu dùng Trung Quốc, dù điều này chẳng phải vấn đề mới hay gây bất ngờ gì”, Giám đốc Vey Sern Ling của Union Bancaire Privee nhận định.

“Điều này chẳng phải vấn đề mới” bởi trước đây, Walmart từng bị ví von là biểu tượng cho những tập đoàn phương Tây loay hoay phát triển thị trường tại Trung Quốc. Bất chấp nỗ lực tìm ra chiến lược kinh doanh phù hợp, ‘vua bán lẻ’ Mỹ vẫn chậm chân hơn nhiều so các đối thủ tại địa phương.

Đại siêu thị khổng lồ, thứ được kỳ vọng có thể biến Walmart trở thành thương hiệu bán lẻ hàng đầu Trung Quốc, phải mất rất nhiều năm để theo kịp các doanh nghiệp ‘cây nhà lá vườn’ vốn nổi tiếng với giá rẻ và giao hàng nhanh.

Năm 2019, Walmart tuyên bố đầu tư khoảng 8 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,2 tỷ USD, vào các trung tâm phân phối tại Trung Quốc trong vòng 2 thập kỷ. Động thái này chủ yếu nhằm mục đích đẩy mạnh mảng giao hàng thực phẩm và hạ nhiệt sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ địa phương và bán lẻ trực tuyến.

Thị trường bán lẻ của đất nước tỷ dân từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong tham vọng bá chủ của tập đoàn Mỹ. Walmart cắt giảm quy mô hoạt động tại Anh, Brazil, Nhật Bản và nhiều thị trường đầy hứa hẹn khác, song vẫn kiên trì với Trung Quốc đại lục.

Lý giải điều này, đại diện Walmart cho biết Trung Quốc là quốc gia có các hoạt động sản xuất và nguồn cung rộng lớn. Việc vận hàng chuỗi các cửa hàng tại đây, theo đó, sẽ giúp Walmart bắt kịp xu hướng trên thị trường bán lẻ và thương mại điện tử.

Theo WSJ, khi thâm nhập thị trường bán lẻ Trung Quốc hơn 28 năm trước, Walmart đã áp dụng cách tiếp cận như với thị trường Mỹ: Nhiều chuỗi cửa hàng khổng lồ được quản lý bởi các trung tâm phân phối, giúp người tiêu dùng mua hàng chất lượng cao với giá phải chăng. Tuy nhiên, cách thức này chưa thực sự hiệu quả.

Câu chuyện của Zhang Jiawei, 31 tuổi, là một ví dụ minh chứng. Người đàn ông này cho biết khi còn nhỏ, việc cùng nhau tới Walmart dịp cuối tuần luôn nằm đầu danh sách các việc phải làm của cả gia đình. Các kệ hàng đầy màu sắc với đủ mọi thứ trên đời đã in sâu trong tâm trí của cậu bé Jiawei.

Tuy nhiên, hiện tại, khi cần mua các tạp hóa phẩm, Walmart không phải sự lựa chọn ưu tiên của gia đình Zhang Jiawei. Họ chỉ tới Siêu thị Freshippo, thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba Group, một phần vì thương hiệu này có cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng chỉ sau chưa đầy 30 phút.

“Việc tới Walmart không còn thú vị nữa. Họ hiếm khi thay đổi cách bày trí hoặc làm mới dịch vụ, sản phẩm của họ”, Zhang nói.

“Walmart không phải những gì người tiêu dùng Trung Quốc muốn”, Han Hu, chuyên gia phân tích người tiêu dùng tại Euromonitor cho biết, đồng thời khẳng định người Trung Quốc rất thích mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến.

Năm 2022, Walmart phải đóng cửa hơn 40 trên tổng số 400 đại siêu thị sau khi cân nhắc lại vai trò của chúng trong dài hạn. Trong báo cáo, hãng bán lẻ này giải thích thời hạn thuê mặt bằng đã hết, song theo các chuyên gia cùng ngành, sự gia tăng trong chi phí cũng như tốc độ phát triển của dịch vụ giao hàng nhanh tại địa phương đã khiến các cửa hàng truyền thống do Walmart dẫn đầu mất lợi thế cạnh tranh.

Không chỉ ở Trung Quốc, bản thân Walmart thời gian gần đây cũng phải vật lộn trên chính quê hương mình. Việc hãng này phải đóng cửa ngày càng nhiều các cửa hàng trên khắp nước Mỹ đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về tương lai ngành bán lẻ, đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố và khu thương mại đông đúc.

“Một khi nơi đây trở thành những khu dân cư đô thị thực sự, hoạt động bán lẻ sẽ bắt đầu thay đổi”, Terry Shook, một đối tác sáng lập của công ty tư vấn Shook Kelly, nói, đồng thời cho biết cách các trung tâm thành phố được hoạch định sẽ quyết định sức khỏe tài chính nền kinh tế khu vực.

Dẫu vậy, các cựu giám đốc điều hành của Walmart vẫn khẳng định tập đoàn này muốn ở lại Trung Quốc lâu dài. Jordan Berke, Giám đốc Tomorrow Retail Consulting cho biết Trung Quốc chính là nơi thử nghiệm lý tưởng đối với kế hoạch thương mại điện tử.

“Trước đó, đây là thị trường bán lẻ lớn nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng vượt xa bất kỳ đối thủ nào. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Walmart có thể tham gia và trở thành một phần trong sự phát triển vũ bão đó”, ông Berke nói.

Ngoài ra, nhận xét về quyết định thoái vốn JD.com, chuyên gia phân tích Liu Xingliang đến từ Trung tâm Dữ liệu DCCI Bắc Kinh đã thể hiện quan điểm khá tích cực: “Walmart tuyên bố việc giảm tỷ lệ sở hữu là để tập trung vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là Sam's Club. Điều này cho thấy Walmart đang tối ưu hóa chiến lược kinh doanh toàn cầu, chứ không phải mất niềm tin vào JD.com”.

Được biết trong quý II/2024, doanh thu từ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Walmart tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 4,6 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng của chuỗi cửa hàng bán buôn Sam's Club và dịch vụ kỹ thuật số. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng bởi thị trường bán lẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với sự suy giảm niềm tin tiêu dùng kéo dài, xuất phát từ khủng hoảng bất động sản và lo ngại việc làm trì trệ.

CUỘC CHIẾN CHỐNG FENTANYL TỪ TRUNG QUỐC

Cơ quan Quản lý Thực thi Ma túy Mỹ (DEA) phát hiện, cứ 10 viên thuốc bất hợp pháp tại Mỹ thì có 6 viên chứa lượng fentanyl gây chết người; một lượng fentanyl đủ gây chết người là 2 miligam, tương đương với đầu bút chì. Dữ liệu cho thấy, ngày càng nhiều thanh thiếu niên Mỹ tử vong do vô tình sử dụng phải thuốc giả có fentanyl.

Loại ma túy nguy hiểm nhất trong lịch sử nước Mỹ

Major Manning (17 tuổi) đến từ Mountain House – California đã uống một loại thuốc giảm đau tên là Percocet, nhưng cậu không biết rằng nó có chứa opiat tổng hợp fentanyl nguy hiểm chết người, loại thuốc này cuối cùng đã cướp đi mạng sống của cậu.

Trường hợp trên không cá biệt, những thảm kịch tương tự ngày càng trở nên phổ biến ở California.

Theo Văn phòng Biện lý Quận Los Angeles, một phụ nữ 22 tuổi ở Los Angeles là Jestice James vào tháng 7 năm nay đã bị cáo buộc 2 tội giết người, do 2 đứa con sinh đôi 3 tuổi của cô qua đời tại nhà vì fentanyl. Cùng tháng đó lại có hai vợ chồng ở Apple Valley Nam California bị bắt sau khi bị cáo buộc cho con gái nhỏ của họ tiếp xúc với fentanyl.

Cuộc khủng hoảng fentanyl ở California cũng gây lo ngại cho mọi tầng lớp xã hội. Chỉ trong nửa đầu năm 2024, gần 7 triệu viên fentanyl và 3,725 pound bột fentanyl đã bị thu giữ ở California.

Rhonda Manning (mẹ của nạn nhân fentanyl) cho biết: “Điều này đã trở thành một dạng như bệnh dịch”. Sau cái chết của con trai, Manning đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận “A Major Movement” để giáo dục phụ huynh và học sinh hiểu về sự nguy hiểm của fentanyl.

Manning nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc dùng thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc. Cô nói với một phóng viên của Epoch Times: “Đối với tình trạng xã hội ngày nay thì không thể tùy tiện dùng bất cứ thứ gì, bởi vì mọi thứ đều có khả năng gây tử vong”.

Đối với thanh thiếu niên, thuốc giả chứa fentanyl là nguy hiểm nhất: Trẻ nhỏ có thể nghĩ loại thuốc chúng mua là thuốc bình thường, nhưng thực ra đó là thuốc giả có chứa fentanyl hoặc được làm trực tiếp từ thuốc fentanyl.

Trước đây ở California đã xảy ra quá nhiều bi kịch như: một cầu thủ bóng chày 17 tuổi ở hạt Los Angeles thiệt mạng do ngộ độc fentanyl; một cậu bé 16 tuổi chết vì vô tình uống phải thuốc chống lo âu “xanax” có chứa fentanyl; một nữ sinh 15 tuổi tại một trường trung học ở Hollywood đã chết trong trường sau khi vô tình uống thuốc giảm đau giả Percocet có chứa fentanyl.

Tiền chất hóa học được sản xuất tại Trung Quốc

Sở Y tế Công cộng California lưu ý rằng loại thuốc này mạnh hơn heroin ít nhất 50 lần và dễ gây nghiện hơn. Nhiều băn khoăn không biết vì đâu loại thuốc này lại trở nên phổ biến ở Mỹ như vậy? Vì sao bọn buôn bán lộng hành như vậy?

Công tố viên De Silva (Cindy De Silva) về ma tuý quận San Joaquin cho biết: “Vấn đề mà chúng tôi gặp phải là tiền chất của những loại ma túy tổng hợp này được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được buôn lậu từ Trung Quốc sang châu Mỹ Latin”.

Bà lưu ý rằng khi các băng đảng ma túy Mexico có được tiền chất hóa học cần thiết để sản xuất ma túy tổng hợp, chúng trộn tiền chất đó với các loại bột và chất khác để tạo ra thuốc giả có chứa fentanyl. De Silva cho biết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố tình làm điều này. Fentanyl có tính gây nghiện cao và có thể khiến người dùng ngay lập tức bị nghiện. Chúng cố ý sản xuất ra loại thuốc gây nghiện… nhằm đảm bảo có được một nhóm khách hàng trung thành suốt đời”.

Bà cũng cho biết chừng nào các băng đảng ma túy còn dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ thông qua biên giới phía Nam an ninh lỏng lẻo, khi đó vấn đề khủng hoảng fentanyl tại Mỹ tiếp tục không ngừng tồi tệ hơn. Theo Diễn đàn Nhập cư Quốc gia, hầu hết fentanyl được nhập lậu vào Mỹ thông qua các cảng nhập cảnh.

“Đây không phải là vấn đề nhỏ, đây là gốc rễ của vấn đề”, De Silva nói.

Sau nhiều tháng điều tra, Ủy ban về Trung Quốc (ĐCSTQ) của Quốc hội Mỹ vào ngày 16/4 đã công bố báo cáo vấn đề từ Trung Quốc trong nguy cơ fentanyl ở Mỹ năm nay. Báo cáo điều tra bom tấn này tiết lộ cách ĐCSTQ bí mật tạo điều kiện cho việc xuất khẩu nguyên liệu fentanyl và các loại ma túy tổng hợp khác thông qua trợ cấp và khuyến khích trực tiếp. Báo cáo điều tra cho rằng đây là một “cuộc chiến tranh ma túy” được ĐCSTQ sử dụng để chống lại Mỹ.

Trẻ em Mỹ chính là nạn nhân đau khổ trong “cuộc chiến chống ma túy” này. Trẻ em có thể vô tình mua thuốc giả có chứa fentanyl từ mạng xã hội hoặc có thể tiếp xúc với thuốc fentanyl tại nhà.

“Hiểm họa của các gia đình và của trẻ em”

Công tố De Silva lưu ý rằng mặc dù việc vô tình tiếp xúc với fentanyl không gây tử vong, nhưng việc hít phải hoặc nuốt phải có thể gây tử vong. Một đứa trẻ tò mò có thể uống thuốc ở nhà một người bạn của bé, và hậu quả là thiệt mạng.

Chỉ cần 2 miligam fentanyl có thể gây tử vong. Do đó, bà Jennifer Burruel, mẹ của một nạn nhân fentanyl, nói: “Tôi thực sự không đồng ý với việc mọi người mô tả những cái chết này là do dùng thuốc quá liều”.

Khoảng hai năm trước, con trai 29 tuổi của Burruel chết vì ngộ độc fentanyl. Khám nghiệm tử thi phát hiện trong cơ thể anh có trộn thuốc chống lo âu Xanax và fentanyl.

Burruel  nói với Epoch Times: “Tôi biết công việc con trai tôi làm rất căng thẳng, vì vậy tôi nghĩ cậu ấy có thể đã nhận được một viên thuốc từ một người mà cậu tin tưởng”.

Sau khi con trai bà qua đời, bà Burrul dành nhiều thời gian để giáo dục thanh thiếu niên về sự nguy hiểm của fentanyl, bà thường đăng ảnh các nạn nhân tử vong do ma túy [fentanyl] trên các bảng quảng cáo để nâng cao nhận thức. Bà cũng tổ chức các buổi họp mặt cộng đồng để phân phát miễn phí thuốc Narcan, một loại thuốc khẩn cấp có thể làm giảm độc tính của thuốc phiện.

Burrul chia sẻ: “Mọi người biết đây không chỉ là vấn đề đối với những người nghiện, vì không chỉ ảnh hưởng đến những người nghiện mà còn là nguy cơ đối với các gia đình trong đó có trẻ em”.

BẢN CÁO TRẠNG MỚI CỦA ÔNG TRUMP CÓ GÌ?

Công tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, ông Jack Smith, đã nộp một bản cáo trạng bổ sung truy tố cựu Tổng thống Donald Trump liên quan tới những cáo buộc ông Trump cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 sau khi thua ông Joe Biden.

Tài liệu lần này được tinh chỉnh dựa trên phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao Mỹ rằng các tổng thống được miễn truy tố đối với một số hành động được thực hiện với tính chất công vụ trong thời gian tại vị.

Bản cáo trạng lần này vẫn bao gồm bốn cáo buộc hình sự đối với ông Trump, nhưng lược bỏ một số mô tả hành vi bị cáo buộc của cựu tổng thống.

Bốn tội danh ông Trump bị cáo buộc gồm: âm mưu lừa dối nước Mỹ, âm mưu cản trở công vụ, cố gắng cản trở công vụ và âm mưu chống lại các quyền.

Ông Trump đã tuyên bố vô tội đối với tất cả các cáo buộc trên.

Trước đó, ông Trump đã phủ nhận những cáo buộc can thiệp bầu cử, tuy nhiên vẫn luôn khẳng định, dù không đưa ra bằng chứng, rằng đã xảy ra gian lận bỏ phiếu trên diện rộng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Ông Todd Blanche, luật sư cá nhân của ông Trump, đã chuyển yêu cầu bình luận của BBC sang ban tranh cử của ông Trump.

BBC không nhận được phản hồi.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump nói rằng bản cáo trạng mới là "một nỗ lực hồi sinh chiến dịch săn phù thủy vốn đã chết rồi" và "đánh lạc hướng người dân Mỹ" khỏi cuộc bầu cử.

Ông kêu gọi "bác bỏ NGAY LẬP TỨC" bản cáo trạng này.

Một nguồn tin thân cận với đội ngũ pháp lý của ông Trump nói với CBS News, đối tác của BBC tại Mỹ, rằng bản cáo trạng mới "không bất ngờ".

"Đây là điều chính phủ phải làm dựa trên phán quyết của Tòa án Tối cao," nguồn tin cho biết.

“Nó không ảnh hưởng tới quan điểm của chúng tôi rằng cáo buộc của ông Smith có nhiều lỗ hổng và nên bị bác bỏ.”

Theo luật của Mỹ, nếu tòa án bác bỏ một cáo trạng vì có lỗi về pháp lý hoặc xảy ra lỗi đại bồi thẩm đoàn, chính phủ có thể đưa ra một bản cáo trạng mới trong vòng sáu tháng kể từ ngày cáo trạng bị bác bỏ hoặc trong thời hạn truy tố ban đầu (tùy theo thời điểm nào muộn hơn).

Bản cáo trạng mới, được tinh giản từ 45 trang xuống còn 36 trang, điều chỉnh lại ngôn từ, đồng thời tinh chỉnh lại cách thức lập luận của cáo buộc đối với ông Trump để phù hợp với phán quyết về quyền miễn trừ của tổng thống do Tòa án Tối cao đưa ra trước đó.

Ví dụ, bản cáo trạng mới bỏ đi cáo buộc cho rằng ông Trump đã cố gắng gây áp lực lên các quan chức Bộ Tư pháp để lật ngược kết quả tranh cử.

Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng các chỉ đạo của ông Trump đối với các quan chức tư pháp không phải là hành vi phạm pháp.

Trong một thông cáo vào hôm 27/8, văn phòng công tố viên đặc biệt đã giải thích về bản cáo trạng mới.

"Bản cáo trạng lần này, được trình bày trước một bồi thẩm đoàn mới chưa từng nghe bằng chứng liên quan tới vụ án, phản ánh nỗ lực của chính phủ trong việc tôn trọng và thi hành các quyết định và chỉ thị của Tòa án Tối cao trong vụ kiện giữa ông Trump và Mỹ," văn phòng cho biết.

Bộ Tư pháp từ chối bình luận thêm.

Tài liệu buộc tội mới lập luận rằng ông Trump hành động với tư cách là một công dân bình thường, chứ không phải là tổng thống, khi tiến hành kế hoạch mà ông bị cáo buộc nhằm tác động tới kết quả bầu cử.

Một đoạn mới trong bản cáo trạng viết:

“Bị cáo không có trách nhiệm chính thức liên quan đến quy trình chứng nhận kết quả bầu cử, nhưng với tư cách là một ứng cử viên trong cuộc bầu cử, ông ấy có lợi ích cá nhân trong việc được tuyên bố chiến thắng.”

Một đoạn mới khác đề cập đến một vụ kiện do ban tranh cử ông Trump từng nộp tại Georgia.

Trong khi bản cáo trạng cũ nói rằng vụ kiện được "nộp với tên của ông ấy [ông Trump]," bản cáo trạng mới viết rằng vụ kiện được "nộp với tư cách ứng cử viên cho chức tổng thống."

Bản cáo trạng mới dường như cũng đã loại bỏ các cáo buộc đối với ông Jeffrey Clark - một cựu quan chức của Bộ Tư pháp, người đã đóng vai trò quan trọng trong cái gọi là âm mưu "đại cử tri giả", theo thông tin từ các công tố viên.

Mô hình "đại cử tri giả" là một nỗ lực can thiệp vào hệ thống Đại cử tri Đoàn – nhóm các đại cử tri tổng thống có ảnh hưởng mang tính quyết định tới kết quả bầu cử.

Mô hình này tập trung vào việc thuyết phục các cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa kiểm soát ở bảy bang lựa chọn các đại cử tri Cộng hòa hoặc không chỉ định bất cứ đại cử tri nào ở các bang mà ông Biden đã giành chiến thắng.

Các chứng nhận đầu phiếu giả mạo sau đó được chuyển đến Thượng viện Mỹ với mục đích thay thế các phiếu của đại cử tri thật và lật ngược chiến thắng của ông Biden.

Ông Clark không được nêu tên trong cả hai bản cáo trạng, nhưng đã được truyền thông xác định thông qua các hồ sơ công khai.

Bản cáo trạng mới vẫn giữ nguyên một số cáo buộc chính đối với Trump, bao gồm việc ông cố gắng thuyết phục Phó Tổng thống Mỹ, khi đó là ông Mike Pence, cản trở thể thức chứng nhận bầu cử của ông Biden.

Trong phán quyết vào tháng Bảy của Tòa án Tối cao, Chánh án John Roberts viết rằng bất kỳ cuộc trò chuyện nào giữa Trump và ông Pence có thể được liệt vào dạng hoạt động công vụ.

“Ông Trump ít nhất sẽ được hưởng quyền miễn truy tố,” ông viết, đồng thời bổ sung rằng phải chờ xem sắp tới chính phủ Mỹ có thể phản bác lại “giả định về quyền miễn trừ” đó hay không.

Bản cáo trạng mới thể hiện việc ông Smith đánh giá rằng phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ cho thấy vụ án của ông vẫn có thể được tiến hành, theo ông Daniel Charles Richman, một chuyên gia về luật hiến pháp tại Trường Luật Columbia.

Tuy nhiên, việc liệu bản cáo trạng lần này có tuân theo khung miễn truy tố của tổng thống do Tòa án Tối cao đề ra hay không vẫn chưa rõ, ông Richman đánh giá.

"Tòa án Tối cao vô cùng mơ hồ trong việc xác định loại hành vi cá nhân nào của một tổng thống có thể bị truy tố hình sự."

Bản cáo trạng mới không nhất thiết đẩy nhanh quá trình xét xử, ông Richman nói với BBC.

Ông cho rằng vụ án có lẽ được đưa ra xét xử sau khi cuộc bầu cử Mỹ đã kết thúc.

Nguồn tin của CBS News gần gũi với đội ngũ pháp lý của Trump cho biết rằng các luật sư của cựu tổng thống sẽ yêu cầu thêm thời gian để chuẩn bị cho vụ án.

Họ cho biết nếu thẩm phán đồng ý, điều này khả năng cao sẽ làm trì hoãn phiên tòa.

Vụ án này được khởi động sau khi ông Smith được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bổ nhiệm vào năm 2022 để giám sát hai cuộc điều tra liên bang đối với ông Trump: vụ án can thiệp bầu cử và một vụ án khác cáo buộc cựu tổng thống mang tài liệu mật về nhà riêng ở Florida sau khi rời nhiệm sở.

Vào ngày 26/8, đội của ông Smith đã kháng cáo phán quyết của một thẩm phán ở Florida về việc bác bỏ vụ án tài liệu mật.

"Tòa án liên bang tại khu vực đã đi ngược lại các tiền lệ ràng buộc của Tòa án Tối cao, diễn giải sai các điều luật cho phép bổ nhiệm công tố viên đặc biệt và không xem xét đầy đủ lịch sử lâu dài của việc Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm công tố viên đặc biệt," nhóm các công tố viên đặc biệt viết trong đơn kháng cáo.

Cả hai vụ án đều đối diện với một tương lại chưa rõ ràng sau khi Tòa án Tối cao đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt vào tháng trước.

Nếu đắc cử tổng thống, ông Trump được dự đoán sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp hủy bỏ tất cả các cáo buộc liên bang mà bản thân đang phải đối mặt.

MỸ QUYẾT BẢO VỆ ISRAEL ĐẾN CÙNG!

Hoa Kỳ vẫn cam kết bảo vệ Israel trong bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran và hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn có thể xảy ra ở Gaza, phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết ngày 27/8.

Ông Kirby nói với Kênh 12 của Israel rằng rất khó để dự đoán khả năng xảy ra một cuộc tấn công nhưng Tòa Bạch Ốc không coi thường các tuyên bố của Iran.

“Chúng tôi tin rằng họ vẫn đang trong tư thế và sẵn sàng phát động một cuộc tấn công nếu họ muốn làm như vậy, đó là lý do tại sao chúng tôi có lực lượng tăng cường trong khu vực”, ông nói.

“Thông điệp của chúng tôi gửi tới Iran là nhất quán, đã và sẽ luôn nhất quán. Một là, đừng làm vậy. Không có lý do gì để leo thang tình hình này. Không có lý do gì để có khả năng bắt đầu một cuộc chiến tranh toàn diện nào đó ở khu vực. Và thứ hai, chúng tôi sẽ chuẩn bị bảo vệ Israel nếu điều đó xảy ra”.

Iran đã tuyên bố sẽ có phản ứng nghiêm khắc đối với vụ ám sát thủ lĩnh Hamas là Ismail Haniyeh, vụ việc xảy ra khi ông này đến thăm Tehran vào cuối tháng trước. Iran quy trách nhiệm Israel ám sát ông Haniyeh. Israel không xác nhận hoặc phủ nhận sự liên quan của mình.

Hoa Kỳ duy trì hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở Trung Đông, cũng như một phi đội máy bay chiến đấu F-22 bổ sung.

Ông Kirby cho biết lực lượng này sẽ vẫn duy trì “miễn là chúng tôi cảm thấy cần phải duy trì lực lượng này để giúp bảo vệ Israel và bảo vệ quân đội cũng như các cơ sở của chúng tôi trong khu vực”.

Ông vẫn lạc quan về một thỏa thuận ngừng bắn có thể xảy ra ở Gaza nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 10 tháng và trao trả 108 con tin Israel còn lại. Ông nói quá trình này “mang tính xây dựng” và ông mong đợi nhiều cuộc đàm phán hơn nữa tại Doha trong những ngày tới.

Ông Kirby từ chối đổ lỗi cho bất kỳ bên nào về tình trạng bế tắc, cho biết một thỏa thuận sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp và lãnh đạo bởi Israel và Hamas.

“Các bên vẫn đang tham gia và đó là điều tốt”, ông nói. “Thực tế là chúng ta đã chuyển sang một cấp độ khác ở đây với các nhóm làm việc hiện tại ở Doha, đó không phải là điều tồi tệ. Điều đó có nghĩa là các bên vẫn đang đàm phán. Điều đó có nghĩa là vẫn còn hy vọng rằng chúng ta có thể chốt lại những chi tiết cuối cùng này và tiến lên phía trước.”

“Hamas vẫn đang được đại diện trong các cuộc thảo luận của nhóm làm việc này và đó là điều tốt. Không ai hoàn toàn tách khỏi quá trình này.”

Nguồn: VTV; Soha; Tri Thức; BBC; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang