- Thời sự
- Thế giới
NASA hé lộ ảnh vệ tinh năm 2024 và năm 2005 cho thấy sự phát triển của những khu rừng toàn cây chết ven biển Bắc Carolina.
Những rừng cây bách hói (Taxodium distichum) dọc theo bờ biển của bán đảo Albemarle-Pamlico, Bắc Carolina, chuyển sang màu nâu nhiều hơn trong năm nay, dù vào năm 2005, khu vực này vẫn xanh tươi, Newsweek hôm 30/10 đưa tin.
"Rừng ma" là những khu rừng ven biển mà cây cối chết do mực nước biển dâng cao, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn và xói mòn. Nước mặn từ biển làm ô nhiễm nguồn nước ngầm mà những khu rừng này cần, ảnh hưởng đến tính chất hóa học của đất và sức khỏe của cây, dần giết chết chúng, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Cuối cùng, cây chết sẽ đổ xuống và phân hủy, nhưng khi vẫn còn đứng vững, chúng trông giống những thây ma kỳ lạ giữa cảnh quan tươi tốt xung quanh.
"Rừng càng gần với mực nước biển thì nguy cơ cây chết và xuất hiện rừng ma càng cao", Xi Yang, nhà khoa học môi trường tại Đại học Virginia, cho biết.
Rừng ma đang xuất hiện xung quanh Bắc Carolina và bờ biển phía đông nước Mỹ, ảnh hưởng đến nhiều loài thực vật, từ cây bách đến cây thông. Diện tích chịu ảnh hưởng từ những cây chết này đang tăng nhanh.
Theo nghiên cứu trên tạp chí Ecological Applications năm 2021, 11% đất rừng ở khu bảo tồn sinh vật hoang dã ven biển lớn nhất Bắc Carolina đã trở thành rừng ma trong giai đoạn 1985 - 2019. "Sự hình thành trạng thái chuyển tiếp rừng ma này đạt đỉnh vào năm 2011 - 2012, sau bão Irene và đợt hạn hán kéo dài 5 năm, với 4.500 ± 990 ha rừng ma hình thành", nhóm nghiên cứu viết.
Rừng ma lan rộng khi mực nước biển dâng lên trên toàn thế giới do nhiệt độ toàn cầu tăng cao và băng tan ở hai cực. Đặc biệt, dọc theo bờ biển phía đông nước Mỹ, tình trạng nước biển dâng có vẻ trầm trọng hơn do kết hợp với sụt lún đất. Mực nước biển ở Bắc Carolina dâng nhanh gấp ba lần so với mức trung bình trên toàn thế giới, đạt 3 - 4 mm mỗi năm.
Rừng ven biển đóng vai trò như vùng đệm tự nhiên, bảo vệ vùng nội địa khỏi nước dâng do bão và xói mòn. Điều này đồng nghĩa, việc mất rừng ven biển khiến các cộng đồng gần đó dễ chịu thiệt hại hơn. Ngoài ra, việc rừng ma lan rộng trong những khu rừng bách hói ở Bắc Carolina cũng đang giết chết một số cây lâu đời nhất miền đông nước Mỹ.
"Bạn có thể thấy tác động của biến đổi khí hậu xung đột với sự phát triển của con người trong những hình ảnh vệ tinh như thế này. Qua thời gian, đầm lầy thay đổi vị trí khi nước biển dâng, nhưng không có nơi nào cho rừng bách chuyển đi. Chúng đã bị đất nông nghiệp hoặc công trình phát triển khác vây quanh. Do đó, những vùng đất ngập nước mang tính biểu tượng này đang bị dồn ép và chết dần hàng loạt", nhà sinh thái Emily Bernhardt từ Đại học Duke chia sẻ.
Theo tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp , sự đổi mới và tính năng động trong công nghệ đang tiếp tục mang lại cho Mỹ lợi thế cạnh tranh cao hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới.
Mặc bộ trang phục bảo hộ trắng từ đầu đến chân, chỉ để lộ đôi mắt, ông S.V. Sreenivasan cẩn thận nâng niu vật thể mỏng manh vốn đang là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, một tấm bán dẫn silicon nhỏ. Nhưng tấm bán dẫn này hơi khác một chút so với hầu hết những tấm bán dẫn đang sử dụng: nó được hợp nhất với một tấm kính.
Nhóm của ông Sreenivasan tại Viện Điện tử Texas, một tập đoàn bán công, đang thực hiện một dự án nghiên cứu trị giá 1,4 tỷ USD để sản xuất một loại chip sử dụng vật liệu không phải silicon. Nếu thành công, dự án này có thể sửa đổi cấu trúc cơ bản của chất bán dẫn. Theo ông, sự đổi mới trong ngành bán dẫn đang tăng tốc.
Một trong những động cơ thúc đẩy sự tăng tốc này, không chỉ có tham vọng của nhà nghiên cứu, mà còn nhờ nguồn tài trợ của các nhà đầu tư. Dự án trên của Viện Điện tử Texas đã được nhận một nguồn vốn lớn nhất – 840 triệu USD –từ Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA), một cơ quan chính phủ đóng vai trò chính trong việc phát minh ra Internet, phổ biến hệ thống GPS, cũng như thúc đẩy đổi mới và năng suất của Mỹ.
Theo Giám đốc DARPA Stefanie Tompkins, cơ quan này luôn sẵn sàng đặt cược vào mọi cuộc chơi. Điều này được coi là một trong những lý do khiến Mỹ không chỉ luôn luôn đổi mới mà còn có năng suất cao hơn nhiều nước khác. Vào tháng Chín, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đã chia sẻ điều này trong một báo cáo gửi Ủy ban châu Âu khi ông "phàn nàn" về sự tăng trưởng yếu kém của “Lục địa Già”.
Ông Draghi nhấn mạnh năng suất cao hơn của Mỹ và lưu ý rằng trọng tâm của thành công này bắt nguồn từ việc DARPA sẵn sàng hỗ trợ những ý tưởng mạo hiểm bằng nguồn vốn nhà nước cho các dự án từ thông thường đến những đột phá công nghệ của Mỹ. Và không chỉ có vốn đầu tư công mà nhiều nguồn vốn khác cũng được huy động để tăng năng suất, từ đó tạo nên thành quả kinh tế của nước Mỹ.
Sự vượt trội về năng suất
Năm nay, một công nhân Mỹ trung bình sẽ sản xuất khối lượng hàng hóa tương đương khoảng 171.000 USD, so với 120.000 USD ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), 118.000 USD ở Anh và 96.000 USD ở Nhật Bản (tính theo sức mua tương đương). Điều này thể hiện mức tăng năng suất lao động ở Mỹ là 70% kể từ năm 1990, lớn hơn nhiều so với mức tăng được quan sát ở những nơi khác: 29% ở châu Âu, 46% ở Anh và 25% ở Nhật Bản.
Nhiều người cho rằng năng suất của người Mỹ bị phóng đại vì người lao động Mỹ có thời gian nghỉ phép ít hơn nhiều so với những người đồng nghiệp nước ngoài. Nhưng nếu chúng ta xem xét theo số giờ làm việc, khoảng cách cũng vẫn rất đáng kể: từ năm 1990, năng suất của công nhân Mỹ đã tăng 73%, so với 39% ở Eurozone, 55% ở Anh và 55% ở Nhật Bản. Trên thực tế tăng trưởng năng suất ở các quốc gia đã giảm dần trong hai thập kỷ qua do phải đối mặt với tình trạng dân số già đi và bối cảnh công nghệ đang phát triển. Tăng trưởng năng suất ở Mỹ cũng giảm, nhưng vẫn mạnh hơn hầu hết các nền kinh tế khác.
Đầu tư vào R&D
Để giải thích sự vượt trội về năng suất này của Mỹ, cần xem xét trên phạm vi rộng và đa chiều. Đầu tiên là vốn đầu tư. Đơn giản là công nhân Mỹ có nhiều công cụ hơn, dù là cơ sở hạ tầng như đường cao tốc và nhà kho hay các công cụ vô hình như phần mềm. Theo chuyên gia John Fernald của INSEAD, một trường thương mại của Pháp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Mỹ chiếm khoảng 17% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kể từ giữa những năm 1990, cao hơn tỷ trọng của các nền kinh tế lớn ở châu Âu.
Ngoài ra, Mỹ dành một phần lớn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, gieo mầm cho sự tăng trưởng trong tương lai. Ngoại trừ Israel và Hàn Quốc, Mỹ đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, khoảng 3,5% GDP. Ngay cả Trung Quốc là cường quốc duy nhất đã thu hẹp rất nhanh khoảng cách về chi tiêu cho hoạt động R&D, nhưng vẫn kém xa Mỹ về mặt này.
Theo nhà kinh tế học Antonin Bergeaud tại HEC, năm 2005, các công ty phát hành bằng sáng chế lớn nhất ở Mỹ là Procter & Gamble, 3M, General Electric, DuPont và Qualcomm, trong khi ở Eurozone là Siemens, Bosch, Ericsson, Philips và BASF. Năm 2023 tại Mỹ, có 4 công ty mới gia nhập trong số 5 công ty hàng đầu: Microsoft, Apple, Google và IBM cùng với Qualcomm. Trong khi đó, tại Eurozone, chỉ có Bayer đứng đầu, thay thế Siemens.
Năng động về công nghệ
Theo tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp, một lý do thúc đẩy năng suất của Mỹ đó là sự năng động của các doanh nghiệp. Tỷ lệ của những công ty được thành lập hoặc giải thể trong một năm so với tổng số công ty ở Mỹ ở mức gần 20% mỗi năm.
Ở châu Âu, con số này là gần 15%, theo Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu, một tổ chức tư vấn. Việc các doanh nghiệp cũ đóng cửa đã tạo điều kiện để những công ty mới khởi nghiệp tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn, cho phép môi trường doanh nghiệp Mỹ tiếp tục phát triển theo hướng mang lại lợi nhuận cao hơn.
Sự năng động này cũng được thể hiện trong thị trường lao động Mỹ. Trong vòng ba tháng, khoảng 5% công nhân thay đổi công việc. Ở Italy, phải mất một năm để đạt được mức luân chuyển lao động tương tự. Một nghiên cứu năm 2020 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, trong số công dân ở các nước phương Tây, người Mỹ dễ dàng chấp nhận di chuyển để tìm việc làm mới hơn các nước khác.
Quyết định thay đổi công việc ở Mỹ dễ dàng một phần có thể là do luật công đoàn của Mỹ ít nghiêm ngặt hơn và người lao động ít nhận được hỗ trợ thất nghiệp hơn các nước khác. Sự thay đổi này thường mang lại hiệu quả. Những người thay đổi công việc có xu hướng kiếm được mức lương cao hơn những người ở lại, cho thấy họ đã gia nhập những công ty có khả năng tận dụng tài năng tốt hơn.
Sự vượt trội về công nghệ giúp tăng năng suất
Theo thời gian, tất cả những thay đổi này có xu hướng thúc đẩy người lao động, doanh nghiệp và khoản đầu tư hướng tới các lĩnh vực hiệu quả hơn. Khoảng cách về năng suất giữa Mỹ và châu Âu rất lớn do sự vượt trội của Mỹ trong một số phân khúc sử dụng kỹ thuật số nhiều hơn. Đây cũng là yếu tố thứ ba dẫn đến thành công của Mỹ về mặt năng suất.
Mỹ đã rất thành công trong việc thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp như luật và tư vấn. Trong các lĩnh vực khác như bán lẻ, các nước châu Âu thường thu được nhiều lợi nhuận hơn. Do đó, không thể nói rằng tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ đều có năng suất cao hơn, mà là Mỹ mạnh ở những lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào việc tạo ra tăng trưởng và của cải trong những thập kỷ gần đây.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến ưu thế công nghệ của Mỹ là sự ưu tiên trong đổi mới sáng tạo. Điều này bắt đầu với các trường đại học, được hỗ trợ bởi khả năng thu hút những bộ óc thông minh nhất từ khắp nơi trên thế giới. Nhà nước hỗ trợ rất mạnh cho công tác nghiên cứu. Nguồn tài chính dành cho doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp rất dồi dào.
Và các công ty ít phải đối mặt với những trở ngại pháp lý khi mở rộng quy mô. Không phải là các cơ quan quản lý của Mỹ không giám sát chặt chẽ mà là so với nhiều cơ quan quản lý ở nơi khác trên thế giới, họ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển. Châu Âu vẫn bị bó hẹp trong khuôn khổ từng quốc gia. Nhật Bản vẫn còn một chặng đường dài để thay đổi cách quản trị doanh nghiệp tương đối cứng nhắc của mình.
Tập trung và độc quyền, không cản trở năng suất
Sự thành công của những “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ đang làm dấy lên lo ngại rằng các tập đoàn này đã trở nên siêu quyền lực và sự thống trị của họ đang gây tổn hại cho nền kinh tế bằng cách bóp nghẹt sự năng động của nó. Chuyên gia Thomas Philippon của Đại học New York đã ghi nhận sự gia tăng tập trung doanh nghiệp ở Mỹ kể từ những năm 1980: các công ty lớn chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng doanh thu doanh nghiệp; lợi nhuận doanh nghiệp nói chung đã tăng lên theo tỷ lệ của sản lượng kinh tế; và các công ty, đặc biệt là trong những lĩnh vực tập trung nhất, ít chuyển lợi nhuận sang đầu tư mới mà chuyển nhiều hơn sang mua lại cổ phiếu.
Tất cả những điều này có nguy cơ làm chậm năng suất, làm suy yếu tăng trưởng và gia tăng bất bình đẳng. Quan điểm này có sức ảnh hưởng lớn đến mức nó đang thúc đẩy việc thực thi chống độc quyền quyết liệt của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhằm mục đích giảm bớt ảnh hưởng của các doanh nghiệp công nghệ lớn.
Tuy nhiên, không dễ để chứng minh xu hướng tập trung đã đạt đến mức gây hại. Lý thuyết kinh tế cho rằng các công ty độc quyền (hoặc nhóm độc quyền) có thể lạm dụng ảnh hưởng của mình để giảm sản lượng và tăng giá. Nhưng nghiên cứu của chuyên gia Sharat Ganapati thuộc Đại học Georgetown lại cho thấy mối quan hệ gần như nghịch đảo trong dữ liệu điều tra dân số Mỹ trong bốn thập kỷ: các ngành có mức độ tập trung ngày càng tăng cũng có năng suất cao nhất và những công ty hoạt động tốt nhất đã không tăng giá. Một cách giải thích có thể là các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đã đạt được kết quả kinh doanh xuất sắc nhờ hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung.
AI - công cụ tăng tốc năng suất tiếp theo
Hơn nữa, nhiều nhà quan sát tin rằng làn sóng đổi mới mới nhất từ những “gã khổng lồ” công nghệ – sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) – sẽ báo trước sự trở lại của tốc độ tăng năng suất nhanh hơn, cả ở Mỹ và ở nước ngoài. Trong một nghiên cứu năm ngoái, các nhà kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs đã kết luận rằng AI có thể giúp GDP toàn cầu tăng 7% trong vòng 10 năm. Họ ước tính Mỹ sẽ được hưởng lợi từ sự thúc đẩy tăng trưởng lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác vì nước này đang ở trình độ nghiên cứu công nghệ tiên tiến nhất, cả về phát triển công nghệ và AI cũng như việc áp dụng nó trên quy mô lớn.
Sự trỗi dậy của AI đang góp phần giúp Mỹ duy trì vai trò đầu tàu trong đổi mới sáng tạo. Nước này thu hút hơn một nửa số tiền đầu tư toàn cầu vào các doanh nghiệp chưa niêm yết hoạt động trong lĩnh vực AI. Ngoài vốn cổ phần tư nhân, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) cũng đang hoạt động mạnh mẽ, tài trợ cho hàng chục dự án sử dụng AI, từ tăng cường an ninh mạng đến biến máy móc trở thành đối tác đáng tin cậy hơn cho người vận hành. Một lần nữa, sự trỗi dậy của AI lại góp phần viết nên chương tiếp theo trong câu chuyện về năng suất và sức cạnh tranh của Mỹ.
Nhập cư là một chủ đề chính trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Cả hai ứng viên Dân chủ và Cộng hòa đều nói về sự cần thiết phải kiểm soát chặt hơn những người nhập cảnh qua biên giới, đặt biệt là ở biên giới giáp Mexico.
Ông Donald Trump đã nhiều lần cảnh báo về một cuộc "xâm lược" của người nhập cư và thề sẽ ban hành lệnh trục xuất hàng loạt người nhập cư không giấy tờ.
Đối thủ Kamala Harris từ Đảng Dân chủ đã cáo buộc cựu tổng thống "thổi bùng ngọn lửa sợ hãi và chia rẽ" xung quanh vấn đề nhập cư, tuy nhiên cũng nhấn mạnh việc bà ủng hộ dự luật an ninh biên giới của lưỡng đảng sẽ bao gồm hàng trăm triệu đô la để xây một bức tường biên giới.
Nhưng người nhập cư đóng vai trò như thế nào ở Mỹ - nơi có số lượng dân là người nước ngoài đông nhất thế giới - và điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ không có người nhập cư?
Dân số
Không có người nhập cư, dân số Mỹ sẽ giảm đáng kể.
Dân số Mỹ là người sinh ra ở nước ngoài đã đạt kỷ lục 47,8 triệu người vào năm 2023 - chiếm 14,3%.
Mexico là nước đứng đầu về người nhập cư tại Mỹ, chiếm 10,6 triệu, theo sau là Ấn Độ với 2,8 triệu và Trung Quốc 2,5 triệu.
Nhưng trong khi số người nhập cư cao kỷ lục, tổng dân số ở Mỹ đang giảm do tỷ lệ sinh giảm.
Từ năm 2010 - 2020, Mỹ trải qua thời kỳ tăng dân số chậm nhất mọi thập kỷ kể từ những năm 1930, với tỷ lệ sinh thấp nhất từ trước tới nay trong thời kỳ Đại Suy Thoái.
Điều này có nghĩa Mỹ, giống như nhiều nước khác, đối mặt với các thách thức về già hóa dân số, với chi phí y tế tăng và ít người trong độ tuổi lao động hơn.
Điểm tới hạn được dự đoán vào năm 2040, khi số người chết sẽ vượt số người sinh, theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội - người nhập cư khi đó sẽ chiếm toàn bộ mức tăng trưởng dân số.
Kết quả là, một số nhà kinh tế và các nhóm ủng hộ nhập cư cho rằng nên cho phép tăng số lượng người nhập cư để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Ảnh hưởng kinh tế
Không có người nhập cư, kinh tế Mỹ sẽ tổn thất, Tarek Hassan, giáo sư Kinh tế tại Đại học Boston, nói: "Nếu xóa bỏ hoàn toàn người nhập cư thì chúng ta cần nói về việc giảm GDP bình quân đầu người khoảng 5-10%, nghĩa là tài sản bình quân đầu người sẽ giảm, và tổng GDP sẽ thấp hơn nhiều do ít người hơn."
Ông Hassan nói thêm rằng nghiên cứu của ông cho thấy người nhập cư "làm tăng sự sáng tạo, giúp tăng năng suất trên mọi lĩnh vực, do đó không giới hạn ở một lĩnh vực - nhập cư giúp tăng khả năng sáng tạo nói chung của nền kinh tế Mỹ."
Người nhập cư cũng nhiều khả năng ở vào độ tuổi lao động. Trong khi họ đại diện khoảng 14% dân số Mỹ, họ chiếm gần 19% lực lượng lao động - 31 triệu lao động - và có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao hơn dân bản địa, theo Văn phòng Thống kê Lao động, một cơ quan thuộc chính phủ.
Theo dự đoán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, khoảng 91% dân nhập cư tuổi từ 16 trở lên đến Mỹ trong khoảng năm 2022-2023 dự kiến dưới 55 tuổi, so với chỉ 62% tổng dân số trưởng thành.
Một số lĩnh vực của nền kinh tế, như nông nghiệp, đặc biệt phụ thuộc vào người nhập cư.
Theo Khảo sát về Người lao động Nông nghiệp Toàn quốc của Bộ Lao động Mỹ, 70% lao động tại các trang trại trồng trọt là người nhập cư, dù nhiều người trong số họ không có giấy tờ.
Mất những người này "sẽ khiến nhiều chủ trang trại phải vật lộn để tìm người thu hoạch mùa màng, hoa quả và rau, và sơ chế chúng cho khách hàng là người Mỹ trong mùa cao điểm," Nan Wu, Giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Nhập cư Mỹ (AIC), một tổ chức phi chính phủ ủng hộ nhập cư, nói.
Một lập luận phổ biến thường được giới chỉ trích nhập cư đưa ra là dòng chảy công nhân nước ngoài sẵn sàng làm việc với mức lương thấp sẽ làm giảm tiền lương của người bản địa.
Nhưng một khảo sát năm 2014 của Đại học California, trong số 27 nghiên cứu về ảnh hưởng kinh tế của nhập cư, đã kết luận rằng ảnh hưởng trung bình của nhập cư lên tiền lương của dân bản địa là bằng không.
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Eastern Illinois chỉ ra rằng việc tăng số người nhập cư có thể thậm chí mang lại ảnh hưởng "tích cực dù không đáng kể về mặt thống kê" lên việc tăng lương.
Thuế
Nhưng thế còn tác động tới doanh thu thuế thì sao?
Các hộ dân nhập cư đóng góp gần một phần sáu tổng số thuế - gần 580 tỷ USD - năm 2022, theo phân tích của AIC.
Không chỉ dân nhập cư hợp pháp đóng góp vào tiền thuế, bà Wu nói.
Người nhập cư không giấy tờ chiếm khoảng 23% tổng số dân nhập cư - khoảng 11 triệu người, với khoảng 4 triệu từ Mexico - theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu PEW.
Và một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thuế và Chính sách Kinh tế chỉ ra rằng người nhập cư không giấy tờ trả gần 100 tỷ USD thuế liên bang, bang và địa phương năm 2022.
Tuy nhiên, Daniel Costa, giám đốc nghiên cứu chính sách và luật nhập cư tại Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế, nói rằng trong khi ảnh hưởng kinh tế của nhập cư có thể tích cực trên toàn quốc, nó cũng có thể tiêu cực ở một vài bang, đặc biệt là trong ngắn hạn.
Trong một nghiên cứu mới đây, ông và các cộng sự đã đưa ra ví dụ về một dòng chảy lớn người nhập cư thu nhập thấp nhưng đủ tiêu chuẩn để hưởng trợ cấp khiến "cán cân tài chính bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn".
Vì lý do đó, ông và cộng sự lập luận rằng để tái phân bổ một cách hiệu quả hơn các nguồn tài trợ liên bang cho cấp bang, cần phân bổ nhiều ngân sách hơn cho khu vực có nhiều người nhập cư hơn để chính quyền các bang này có thể phản ứng trước các thách thức có thể xuất hiện tại đó.
Giáo sư Giovanni Peri, một chuyên gia hàng đầu về nhập cư và là nhà kinh tế học tại Đại học California, lưu ý rằng sức ép lên các cộng đồng nhập cư có thể tương tự như áp lực xảy ra khi số dân sinh ra ở Mỹ tăng lên.
Ông nói rằng khi số dân sinh ra ở Mỹ tăng thì "cũng sẽ gây ra sức ép lên các dịch vụ và nhà cửa nếu việc xây dựng không được điều chỉnh... Chỉ có điều là người nhập cư dễ bị chú ý hơn mà thôi."
Sáng tạo và tinh thần kinh doanh
Một tỷ lệ đáng kể người nhập cư, hoặc con cái họ, đã trở thành các doanh nhân hàng đầu.
Khoảng 45% công ty của Fortune 500 - một danh sách hằng năm gồm 500 công ty có doanh thu lớn nhất nước Mỹ - được thành lập bởi người nhập cư hoặc con cái của họ, và người nhập cư thành lập 55% các công ty khởi nghiệp Mỹ trị giá 1 tỷ USD trở lên.
Năm năm 2022-2023, hơn một triệu sinh viên quốc tế đóng góp 40 tỷ USD cho kinh tế Mỹ và hỗ trợ hơn 368.000 việc làm thông qua tiền học phí và sinh hoạt phí, theo Hiệp hội Các nhà Giáo dục Quốc tế.
Dư luận
Bất chấp vai trò của người nhập cư trong nền kinh tế Mỹ, một cuộc khảo sát mới đây của tổ chức Gallup chỉ ra rằng 55% người Mỹ muốn giảm số người nhập cư.
Và có một sự đồng thuận lớn về mặt chính trị rằng cần thắt chặt kiểm soát nhập cư, đặc biệt về vấn đề nhập cư trái phép ở biên giới Mexico.
Giáo sư Peri nói rằng một số chính trị gia và báo chí mô tả người nhập cư như "sự hỗn loạn ở biên giới", tập trung vào các câu chuyện vượt biên bất hợp pháp, hơn là ảnh hưởng rộng lớn hơn của nhập cư.
"Người ta thường nghe về nhập cư như một 'trận lụt' từ biên giới phía nam, do đó họ nghĩ rằng nó quá mức và tai hại," ông nói thêm, hơn là nói về vai trò của người nhập cư trong nền kinh tế và việc họ bù đắp cho sự suy giảm dân số.
Và theo Tarek Hassan từ Đại học Boston: "Hơn hai thập kỷ qua, số người nhập cư đặc biệt cao, điều này có thể gây áp lực lên năng lực xã hội trong việc hòa nhập những người mới đến."
"Và trong khi người nhập cư ảnh hưởng tích cực tới lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, thì có thể có những khía cạnh khác mà người dân Mỹ cảm thấy không thoải mái."
Chính quyền Biden - Harris vẫn duy trì khoảng 360 tỷ USD thuế quan được đặt ra từ thời chính quyền ông Trump và bổ sung hàng chục tỷ USD tiền thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Sự khác biệt rõ nét trong lập trường đối ngoại được cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump thể hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng trên thực tế không chỉ phản ánh đầy đủ quang phổ chính trị đặc trưng của nước Mỹ, mà còn khéo léo góp phần thăm dò phản ứng của dư luận khu vực và quốc tế đối với các phương án xử lý có phần đối trọng lẫn nhau ở các "điểm nóng" chiến sự nhạy cảm.
Do đó, việc nhìn nhận về những khác biệt về lập trường đối ngoại của hai ứng viên cần được đặt vào tổng thể các tính toán chiến lược nhằm đảm bảo lợi ích "cốt lõi" của nước Mỹ ở cả ba cấp độ: quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Hai thái cực, một mục tiêu
Trong đó, với tư cách đương kim phó Tổng thống Mỹ nhưng lại chưa có thành tích đối ngoại cụ thể nào đáng thuyết phục, bà K. Harris hiện đang đại diện cho các định hướng chính sách dựa trên lập trường thống nhất với chính quyền Tổng thống J. Biden (còn gọi là chính quyền Biden - Harris) đương nhiệm nói riêng và nền tảng cương lĩnh của đảng Dân chủ vừa được thông qua vào tháng 7/2024 nói chung.
Với sự đề cao một cách kiên định chủ nghĩa quốc tế - duy trì hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đối ngoại của Mỹ, bà K.Harris trên thực tế đang thăm dò phản ứng của dư luận đối với kịch bản phía Mỹ duy trì cách tiếp cận "chia sẻ quyền lực" với các quốc gia "cùng chí hướng" - di sản sắp hoàn thành của chính quyền ông J. Biden.
Sự chia sẻ này vừa giúp nước Mỹ tối đa hóa đáng kể nguồn lực thực hiện các mục tiêu chiến lược trong chương trình nghị sự toàn cầu, vừa giảm thiểu được rủi ro tính toán sai lầm ở các "điểm nóng" cụ thể đang ngày càng leo thang căng thẳng.
Ở chiều ngược lại, ứng viên D. Trump với kinh nghiệm của một cựu Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa có xu hướng bảo thủ lại tiếp tục tập trung vào lập trường "nước Mỹ trên hết" của nhiệm kỳ trước.
Với các ưu tiên cao nhất cho nhóm mục tiêu phục vụ lợi ích của riêng nước Mỹ, quan điểm đối ngoại của ông D. Trump khắc họa rõ nét các định hướng truyền thống và thực dụng khi hạ thấp vai trò của các tổ chức quốc tế lẫn hệ thống đồng minh, chủ trương triển khai các xu thế đối ngoại do chính nước Mỹ trực tiếp can dự và thúc đẩy.
Cách tiếp cận này của ông Trump tưởng chừng có vẻ bảo thủ và đơn độc, nhưng lại chính là sự phát huy lợi thế tuyệt đối của siêu cường Mỹ - nền tảng cốt lõi trong quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây nói riêng và xu hướng tập hợp lực lượng đối trọng với trục Nga - Trung hiện tại nói chung.
Vì vậy, rõ ràng hai thái cực có bề ngoài đối trọng lẫn nhau giữa bà K. Harris và ông D. Trump lại có nhiều chỉ dấu tương hỗ với nhau xoay quanh mục tiêu chung giúp nước Mỹ phát huy đầy đủ cả lợi thế tương đối trong tương quan so sánh có thể tận dụng từ quốc gia "cùng chí hướng", lẫn sức mạnh tuyệt đối mà một siêu cường như nước Mỹ đang sở hữu trên tất cả các lĩnh vực chủ chốt như ngoại giao, kinh tế, khoa học - công nghệ, năng lượng, y tế và quân sự.
Vì vậy, cho dù kết quả cuộc bầu cử ngày 5/11 sắp tới có thế nào thì ứng viên đắc cử Tổng thống Mỹ cũng sẽ có được đầy đủ thông tin về phản ứng của dư luận đối với các định hướng đối ngoại cụ thể, từ đó thuận lợi hơn trong quá trình lựa chọn và đề xuất những điều chỉnh cần thiết ở nhiệm kỳ mới sau tháng 1/2025.
Chính sách của 2 ứng viên đối với 4 nhóm lợi ích cốt lõi
Dựa trên sự nhìn nhận tổng thể về lợi ích quốc gia của nước Mỹ, có thể hệ thống được 4 nhóm lợi ích cốt lõi mà cả hai ứng viên đều có cùng mục tiêu theo đuổi nhưng định hướng cách tiếp cận đa dạng, thậm chí có phần tương phản về hình thức như sau:
Đầu tiên là nhóm lợi ích đảm bảo sự tự chủ chiến lược trong lĩnh vực năng lượng của Mỹ. Mặc dù được thừa nhận vai trò "máu" của mọi nền kinh tế, nhưng lĩnh vực năng lượng từ lâu đã trở thành lằn ranh khác biệt về định hướng chính sách phát triển giữa hai đảng Dân chủ (ưu tiên năng lượng tái tạo lợi cho môi trường) và Cộng hòa (ủng hộ năng lượng hóa thạch).
Tuy nhiên, trong lúc những kế hoạch lớn có chiều hướng ủng hộ mạnh mẽ ngành năng lượng hóa thạch của ứng viên D. Trump đang bị giới hàn lâm của Mỹ chỉ trích nặng nề rằng sẽ kéo lùi nước Mỹ đến "hàng thập kỷ", thì thực tế lại cho thấy lập trường của bà K. Harris đang dần để lộ các tính toán mang tính "nước đôi" - đứng giữa cả hai lập trường.
Theo hãng tin Reuter, mặc dù vẫn ủng hộ các dự án năng lượng gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng tái tạo khác, chiến dịch tranh cử của bà Harris đã làm rõ sự thay đổi sang thái độ không còn ủng hộ lệnh cấm khai thác khí đá phiến - một dạng nhiên liệu hóa thạch trên đất của liên bang.
Không chỉ vậy, dưới thời chính quyền Biden-Harris, nước Mỹ đã đạt được mức sản lượng dầu khí kỷ lục vào năm 2023 với trung bình 12,9 triệu thùng dầu mỗi ngày đồng thời trở thành nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch (dầu thô và khí tự nhiên) lớn nhất thế giới.
Con số này thậm chí vượt qua cả mức đỉnh trước đó là 12,3 triệu thùng mỗi ngày được thiết lập trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump vào năm 2019.
Sự điều chỉnh sang cách tiếp cận "mơ hồ chiến lược" của bà K. Harris không chỉ cho thấy được khả năng thỏa hiệp của đảng Dân chủ, mà còn nhấn mạnh lợi ích cốt lõi trong việc đảm bảo sự độc lập về năng lượng của Mỹ để bảo vệ an ninh quốc gia.
Cần lưu ý rằng, dù có nhiều tranh cãi nhưng nhiệm kỳ của cựu Tổng thống D. Trump đã đánh dấu hai năm liên tiếp (2019-2020) đạt kỷ lục chưa từng thấy trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Tiếp theo, chính phủ Mỹ phải cùng lúc thực hiện: (i) các nỗ lực tối ưu hóa lợi ích thương mại ngay cả với các quốc gia "cùng chí hướng (like-minded partner)" và (ii) giảm thiểu sự can dự tốn kém ở các "điểm nóng" chiến sự quy mô khu vực.
Theo viện nghiên cứu Stimson, cho dù triển khai theo cách tiếp cận "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA)" của ông Trump hay "Nền kinh tế cơ hội" của bà Harris thì nước Mỹ vẫn có xu hướng củng cố một môi trường không mấy thân thiện cho các khoản đầu tư nước ngoàivào quốc gia này.
Về phía bà Harris, mặc dù tuyên bố không phải "đảng viên Dân chủ theo chủ nghĩa bảo hộ" nhưng bà vẫn duy trì lập trường chung của chính quyền Biden – Harris trong việc sử dụng nguồn lực liên bang để hỗ trợ gia tăng năng lực cạnh tranh đối với các ngành công nghiệp chiến lược nội địa của Mỹ.
Thông qua sự ủng hộ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) với khoảng 370 tỷ đô la tiền tài trợ, cho vay và ưu đãi thuế của liên bang cho năng lượng sạch, cùng với 280 tỷ USD từ Đạo luật CHIP và Khoa học nhằm tăng cường năng lực bán dẫn cho nền kinh tế Mỹ, bà Harris đang làm trỗi dậy các quan ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ.
Tương tự như vậy nhưng với biện pháp lộ liễu hơn, ông D. Trump đã cam kết áp dụng mức thuế "phổ quát" đối với hầu hết hàng nhập khẩu trong khi vẫn áp dụng mức thuế cao hơn mà các nước khác áp dụng đối với các sản phẩm của Mỹ, cũng như mức thuế bổ sung đối với các nước tìm kiếm giải pháp thay thế cho đồng USD bất kể đó có là quốc gia "cùng chí hướng" với Mỹ hay không.
Ngoài ra, cả bà Harris và ông Trump đều cùng phản đối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì không muốn loại bỏ thuế quan nội khối, đồng thời cùng có quan điểm không ủng hộ theo nhiều mức độ khác nhau đối với cơ chế giải quyết tranh chấp hiện tại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà ông Trump cho là "thảm họa".
Không chỉ vậy, cả ông Trump và chính quyền Biden-Harris hiện tại đều có cùng chủ trương rút quân đội khỏi các "cuộc chiến không hồi kết" để giảm thiểu các chi phí khổng lồ vốn đang khiến cho nợ công của nước Mỹ ngày càng trầm trọng.
Ngay sau khi rút khỏi Afghanistan trong tháng 8/2021, chính quyền Biden – Harris được cho là đã đồng ý rút đa số trong 2.500 quân còn lại ở Iraq theo hai giai đoạn kể từ cuối tháng 9/2024. Thêm vào đó, lập trường của cả hai ứng viên cùng ủng hộ Israel thúc đẩy các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza và khu vực Nam Lebanon tuy ở các mức độ khác nhau nhưng cũng đã khiến cho Ủy ban Hành động Chính trị người Mỹ gốc Ả Rập (AAPAC) lần đầu tiên quyết định không ủng hộ một ứng cử viên nào kể từ khi nhóm này thành lập vào năm 1998.
Sự khác biệt còn lại giữa ông Trump và chính quyền Biden - Harris trong việc duy trì hiện diện quân sự của Mỹ ở các khu vực còn giao tranh khác như Syria (sát bên "điểm nóng" ở Dải Gaza và Nam Lebanon) và Biển Đỏ (đối đầu với lực lượng Houthi thân Iran) trên thực tế là động thái điều chỉnh phù hợp với hiện trạng chiến sự giữa Israel và Trục Kháng chiến do Iran điều phối.
Cuối cùng là các biện pháp đồng thuận lưỡng đảng nhằm duy trì lập trương cứng rắn hơn nữa với các đối thủ chiến lược của Mỹ.Dễ thấy nhất chính là xu hướng củng cố lập trường cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc, khi chính quyền Biden – Harris vẫn duy trì khoảng 360 tỷ USD thuế quan được đặt ra từ thời của chính quyền ông D. Trump và bổ sung thêm hàng chục tỷ USD tiền thuế bổ sung đối với Trung Quốc.
Trong khi ông Trump có xu hướng muốn hiện thực hóa kịch bản "phân tách toàn diện" này bằng cách tái phân bổ (re-shoring) toàn bộ nhân lực của Mỹ ra khỏi Trung Quốc trong 4 năm sắp tới trong các lĩnh vực liên quan đến chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và an ninh y tế, thì chính quyền Biden – Harris cũng có những bướ tiến đáng ghi nhận nhằm định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm loại Trung Quốc ra khỏi các kết nối khu vực châu Á.
Động thái "giảm rủi ro" điển hình chính là những nỗ lực của chính quyền Biden – Harris nhằm gây sức ép cho các nền tảng công nghệ Trung Quốc phải thoái vốn khỏi nước Mỹ theo Đạo luật (HR7521) bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát.
Sự khác biệt đến mức tạo ra bất đồng sâu sắc giữa hai ứng viên xuất hiện rõ nét trong vấn đề xử lý quan hệ với Nga và đặc biệt là chiến sự đã chuyển sang năm thứ ba giữa Nga với Ukraine.
Mặc dù đã có sự điều chỉnh đáng kể nhưng quan điểm của ông Trump vẫn giữ ở mức không cam kết sẽ tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, hoàn toàn trái ngược với lời hứa tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực phòng thủ của Ukraine "cho đến khi nào cần thiết" của bà Harris.
Thêm vào đó, ông Trump dường như đang giữ vai trò "quân xanh" với Nga bằng các nỗ lực vận động Ukraine nhượng bộ, trong khi chính quyền Biden - Harris vẫn kiên trì cách tiếp cận của "quân đỏ" khi vận động các đồng minh phương Tây tăng cường chuỗi biện pháp trừng phạt toàn diện lên phía Nga, đồng thời gửi đi hơn 175 tỷ USD viện trợ nhân đạo và quân sự cho Ukraine kể từ năm 2022.
Tuy nhiên, lập trường của bà Harris có phần gần gũi hơn với báo cáo của ủy ban lưỡng đảng vào cuối tháng 9/2024 kêu gọi nước Mỹ phải định hình lại chính sách với Nga. Báo cáo đề xuất theo hướng đảm bảo chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến phòng thủ chống lại Nga, tiếp tục viện trợ quân sự và nhân đạo "lớn" cho Kyiv, đồng thời cho phép lực lượng vũ trang Ukraine tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.
Giữa "nhất siêu" và "đa cường", chọn cả hai?
Nhìn chung, lập trường đối ngoại giảm can thiệp của ông D. Trump chính là đại diện cho quan điểm rằng nhóm "lợi ích cốt lõi" của nước Mỹ phải là các vấn đề trong nước chứ không phải sự vướng bận vào các cuộc chiến tranh bất tận ở nước ngoài - một quan niệm đang ngày càng phổ biến trong công chúng Mỹ.
Trong khi đó, lập trường của bà K. Harris đại diện cho nhóm "lợi ích ngoại vi" liên quan đến các liên minh mạnh mẽ và hợp tác đa phương, đặc biệt là với các đối tác chủ chốt ở châu Âu.
Qua quá trình vận động tranh cử, cả hai ứng viên này sẽ cùng lúc thăm dò được phản ứng của dư luận trong nước lẫn quốc tế đối với đa dạng các kịch bản ưu tiên khác nhau khi kết hợp giữa hai nhóm lợi ích "cốt lõi và "ngoại vi" vào các định hướng đối ngoại của vị Tổng thống đắc cử.
Sự định hình một quỹ đạo "nhất siêu, đa cường" kiểu mới sẽ như thế nào vẫn đang hoàn toàn phụ thuộc vào các động thái điều chỉnh linh hoạt tiếp theo, cũng như sức ảnh hưởng của các thỏa thuận lưỡng đảng Mỹ và thực tiễn chiến sự ở các "điểm nóng" cụ thể.
Vì vậy, dù cho kết quả cuộc bầu cử ngày 5/11 sắp tới có ra sao, Tổng thống đắc cử chắc chắn sẽ vẫn kết hợp giữa việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại dựa trên các nhu cầu đối nội mang tính cốt lõi của nước Mỹ, đồng thời tiếp tục duy trì năng lực lãnh đạo toàn cầu theo hướng giảm dần các can dự có mức độ rủi ro quá cao.
Kho dự trữ tên lửa phòng không của Mỹ đang cạn kiệt giữa lúc nhu cầu hỗ trợ an ninh cho Israel và Ukraine tăng cao.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), giới chức Lầu Năm Góc và các nhà phân tích Mỹ đang "lo ngại" về khả năng sẵn sàng của Mỹ, do không có khả năng sản xuất tên lửa mới nhanh hơn tốc độ sử dụng. Theo đó, hơn 100 tên lửa Standard Missiles đã được Mỹ phóng, kể từ khi Hamas bất ngờ tấn công vào Israel hồi tháng 10/2023.
Giới chức Mỹ cảnh báo tình trạng thiếu hụt vũ khí phòng thủ quan trọng có thể khiến quân đội Mỹ dễ bị tổn thương trước một cuộc xung đột tiềm tàng ở Thái Bình Dương.
Trên thực tế, các tên lửa đánh chặn Standard đã được sử dụng để chống lại 2 cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran vào Israel, cũng như ngăn chặn các đợt tấn công của lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen.
"Mỹ chưa phát triển được ngành công nghiệp quốc phòng đáp ứng được cuộc chiến tiêu hao quy mô lớn ở cả châu Âu và Trung Đông, trong khi vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn sẵn sàng chiến đấu của nước mình. Cả 2 cuộc chiến này đều là xung đột kéo dài, và không nằm trong kế hoạch quốc phòng của Mỹ", chuyên gia Elias Yousif tại Trung tâm Stimson nhận định.
Washington không thể công khai tiết lộ sức mạnh kho dự trữ tên lửa do lo ngại vấn đề an ninh. Các quan chức Lầu Năm Góc cũng cho biết hiện không có kế hoạch tăng cường sản lượng tên lửa Standard. Mỗi tên lửa này có giá lên tới hàng triệu USD. Trong khi đó, RTX, nhà sản xuất Standard Missile, cũng chỉ sản xuất tối đa vài trăm tên lửa mỗi năm, nhưng phải cung ứng cho ít nhất 14 quốc gia đồng minh của Mỹ.
Chia sẻ với WSJ, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho hay: "Trong năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng cường năng lực trong khu vực để bảo vệ các lực lượng Mỹ và hỗ trợ phòng thủ cho Israel, cũng như luôn tính đến khả năng sẵn sàng cùng kho dự trữ của Mỹ".
Nguồn: Vnexpress; Bnews; BBC; Soha; Vietnamnet
Các tập đoàn lớn cắt giảm lao động; Thảm họa rượu độc ở Lào; Truy nã ông Netanyahu; Israel chiếm toàn bộ Bờ Tây; Putin làm gì tiếp theo?
Mỹ: Người nhập cư ‘nháo nhào’; Nợ quốc gia phá kỷ lục; ‘Đế chế’ Trump & ảnh hưởng; Trump hoàn tất nội các; Chính sách TQ thời Trump 2.0
Các cam kết ở Thượng đỉnh G20; Chuyện lính Nga đào ngũ; Nga sửa chính sách hạt nhân; Kế hoạch 2 của Ukraine; Israel nhượng bộ Hamas
Ngành sữa TQ gặp rủi ro; Nga giáng đòn vào Mỹ; Bộ trưởng ngoại giao họp G7; Ukraine ‘khó chồng khó’ ở Kursk; Trận chiến giành Kurakhovo
Mỹ: Lý giải hiện tượng ‘bão bom’; Thế hệ 1 con nở rộ; Musk & kế hoạch giảm biên chế; Tour du lịch ‘trốn’ Trump; Sự tương phản với TQ
Mỹ: Nội các mới bị đe dọa; Thỏa thuận chuyển giao Nhà Trắng; Tương lai thời Trump; Chính sách thuế mới; ‘Chiến tranh tiền tệ’ tái diễn
Chính trường Philippines dậy sóng; Nội chiến Syria bùng phát; Kiev gặp khó vì ATACMS, vũ khí ồ ạt đổ về; Putin tăng ngân sách quốc phòng
Mỹ: Bão tuyết tấn công; Chi 10,8 tỷ đô cho Black Friday; Tham vọng siêu cường bitcoin; Bán vũ khí cho Đài Loan; Trump đe dọa BRICS
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá