.jpg)
HẬU QUẢ TỪ CƠN BÃO TÀN KHỐC NHẤT LỊCH SỬ
Siêu bão Milton vừa qua đáng sợ nhưng “chỉ” khiến hơn 30 người chết, kém xa cơn bão lịch sử Galveston hồi năm 1900, khiến hơn 10.000 người chết, làm sụp đổ cả một vùng công nghiệp - tài chính đồng thời để lại vô số bài học đau thương cho nước Mỹ trong công tác phòng, chống bão.
Hủy diệt một vùng trù phú
“Đại bão Galveston” là cách gọi sau này của cơn bão đã tấn công nước Mỹ vào sáng sớm ngày 8/9/1900, theo Visit Galveston. Các báo cáo chính thức thường đưa ra con số 8.000 người chết, nhưng nhiều nguồn sử liệu tin rằng số nạn nhân thực tế phải từ 10.000 tới 12.000 người. Đô thị ven biển Galveston (phía đông nam bang Texas) là nơi chịu thiệt hại nặng nhất, với khoảng 6.000 người chết. Đây là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất lịch sử nước Mỹ. Tính trên toàn Đại Tây Dương, đây là cơn bão có số người chết lớn thứ tư.
Những ngôi nhà hai tầng sụp đổ, cổ thụ bật gốc, tàu, thuyền, xe cộ bị cuốn trong gió bão. Không còn máy đo gió nào trong thành phố hoạt động được nhưng giới chuyên gia sau này tính rằng sức gió của bão Galveston phải xấp xỉ 200 km/giờ. Cơn bão kéo theo sóng thần tràn vào thành phố. Đến chiều tối, nước đã dâng cao 3 m. Khoảng 6.000 người tử vong trong một ngày, chủ yếu do trận lụt lớn. Cả một vùng thịnh vượng chìm nghỉm, biến mất. Khi nước rút, những gì còn lại chỉ là một bình địa không nhà cửa.
Cơn bão khủng khiếp này đã mãi mãi thay đổi Galveston. Nơi này vốn được mệnh danh là “Phố Wall miền nam”, là trung tâm tài chính, hải cảng sầm uất, sở hữu số triệu phú tính theo đầu người cao nhất nước Mỹ thời điểm ấy. Bất chấp những tàn phá khủng khiếp, Galveston từ chối trở thành một “thị trấn ma”. Những người còn sống đã phản ứng rất nhanh, cuộc họp của nhóm lãnh đạo được tổ chức khi nước còn chưa rút hết.
Bước đầu tiên của cuộc tái thiết là chăm sóc, cứu trợ người còn sống đồng thời dọn dẹp đống đổ nát. Nước biển rút để lại hàng nghìn thi thể khắp thành phố. Người dân Galveston buộc phải đưa người thân vào những hố chôn tập thể, hỏa táng nhằm ngăn nguy cơ dịch bệnh.
Vài tuần sau, điện, nước đã được khôi phục, đường dây điện thoại mới được lắp đặt. Các dịch vụ giao thông, vận chuyển hàng hóa, bến cảng và cả quán rượu cũng hoạt động trở lại. Vượt qua những tranh cãi khi chứng kiến thành phố thành bình địa, người dân Galveston kiên định xây dựng mọi thứ lại từ đầu. Để thành phố mới mọc lên từ đống đổ nát, các giải pháp ứng phó thảm họa tương tự cần được tính tới ngay. Hai trong số đó là xây dựng tường chắn biển và nâng độ cao các công trình.
Hội đồng gồm 3 kỹ sư đã đề xuất xây dựng một bức tường cao, chạy dọc bờ biển. Đoạn đầu tiên của tường chắn biển Galveston được hoàn thành chỉ sau 4 năm, dài 5 km, cao hơn 5 m. Phần tường đầu tiên ấy lập tức chứng minh vai trò trong những cơn bão biển năm 1909 và 1915, giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, cơn bão năm 1915 có sức mạnh tương đương Galveston, làm nước biển dâng cao 3,7 m nhưng nhờ tường chắn biển vừa xây dựng, khu vực này chỉ ghi nhận 53 người chết.
Trong năm 1905, 1927 và 1963, các đoạn tường bổ sung được xây dựng, góp phần hình thành hệ thống tường chắn biển dài hơn 17 km như ngày nay. Đây vẫn là bức tường chắn biển dài nhất nước Mỹ, đã trải qua hơn 100 năm tồn tại.
Cùng việc xây đê biển, chính quyền Galveston cũng nâng độ cao đô thị. Những đường ống dài hàng cây số được xây để vận chuyển cát từ biển vào nội thị. Số cát đó được chèn xuống dưới đất nền ban đầu, các tòa nhà, đường sắt, công sở... rồi được nâng lên theo từng phần, mỗi phần có diện tích vài trăm m2. Thách thức về nguồn lực, kỹ thuật và sự kiên trì cho toàn bộ quá trình là cực lớn ngay cả với những tiêu chuẩn xây dựng hiện đại. Ấy vậy mà người Galveston vẫn làm được. Sau 7 năm, vùng trung tâm Galveston đã bước lên một tầm cao mới theo nghĩa đen.
Những bài học để lại
Hơn 120 năm sau cơn bão khủng khiếp, Galveston vẫn hiên ngang trước biển, đúng như mong muốn của thế hệ đã dựng lại thành phố. Tường chắn biển Galveston dài 17 km ban đầu chỉ là một công trình thủy lợi. Tuy nhiên theo thời gian, nó đã trở thành một kỳ quan, điểm thu hút du lịch. Bức tường năm xưa giờ che chở cho một bãi tắm khổng lồ, trải dài nhiều cây số, kéo theo sự phát triển của hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi và dịch vụ đông đúc. Sau hơn một thập kỷ, nó vẫn là đê biển dài nhất, đồng thời là đường đi bộ ven biển dài nhất nước Mỹ. Nhiều cơn bão khác đã đến và đi nhưng đều bất lực trước bức tường này.
Cơn bão Galveston để lại nhiều bài học lớn cho công tác dự báo và phòng, chống bão của Mỹ. Tranh luận đầu tiên nổ ra liên quan tới vị trí các đô thị, rằng có nên tiếp tục mạo hiểm đặt đầu não kinh tế ở những vùng nhiều rủi ro khí hậu. Quan điểm ấy biến thành hành động, mở đường cho sự dịch chuyển trung tâm tài chính của Texas về Houston, nằm sâu 50 km về hướng đất liền, an toàn hơn và gần các tuyến đường sắt, mỏ dầu quan trọng.
Thảm họa Galveston cũng buộc người Mỹ phải để ý hơn tới hoạt động dự báo và hợp tác dự báo bão. Theo Accu Weather, nhiều báo cáo sau này cho thấy, một số nhà khí tượng nước ngoài đã cố gắng cảnh báo người Mỹ về cơn bão đang tới gần song thông tin này bị xem nhẹ. Bản thân người dân Galveston cũng không được cảnh báo đầy đủ. Sáng sớm hôm bão vào, vẫn có rất nhiều khách du lịch ra biển chơi. Khi họ nhận ra “có gì đấy không ổn” thì đã muộn.
Công tác dự báo ngày nay đã khác nhiều. Thí dụ, một cơn bão ở phía tây Đại Tây Dương có thể được nhận diện sớm từ Hải quân Mỹ, được cập nhật và trao đổi liên tục bởi cơ quan khí tượng của mọi quốc gia cùng khu vực. Nguyên tắc chia sẻ thông tin này cũng đang được áp dụng ở nhiều vùng biển khác trên toàn cầu.
Sự phát triển sau này của Galveston cũng chứng minh rằng con người hoàn toàn có thể thích nghi và tiếp tục cuộc sống ở những miền ven biển nhiều rủi ro. Báo cáo hồi tháng 9 cho thấy dân số Galveston đang tăng lên, kéo theo giá bất động sản trong vùng tăng theo. Sức hấp dẫn từ những ngôi nhà ven biển không giảm đi, chúng còn được củng cố thêm sau các nỗ lực trị thủy hiệu quả của chính quyền. Người ta vẫn đổ tiền vào các dự án mới, thậm chí có những khách sạn được xây chỉ cách bờ biển vài trăm mét.
Đúng như The Washington Post đã viết về Galveston, “hòn đảo chắn sóng này là minh chứng hùng hồn cho hình ảnh nhân loại đứng đối diện với thiên nhiên và sẽ không bao giờ khuất phục trước nó”.
BÊ BỐI VỤ TẤN CÔNG DỮ LIỆU CHĂM SÓC SỨC KHỎE: HƠN 100 TRIỆU HỒ SƠ Y TẾ BỊ LỘ LỌT
Hơn 100 triệu người đã bị đánh cắp thông tin cá nhân và dữ liệu chăm sóc sức khỏe trong cuộc tấn công ransomware vào UnitedHealth, theo thông tin từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ…
Quy mô này đánh dấu vụ vi phạm lộ dữ liệu chăm sóc sức khỏe lớn nhất từng được ghi nhận tại Mỹ, nhấn mạnh những rủi ro từ các sự cố an ninh mạng đối với thông tin nhạy cảm của bệnh nhân.
Theo nguồn tin từ TechCrunch, nhóm tin tặc ransomware ALPHV, còn được gọi là "BlackCat", đã phát động một cuộc tấn công mạng vào công ty con Change Healthcare của UnitedHealth, khiến hoạt động công ty bị ngưng trệ và gián đoạn trong nhiều tháng. Change Healthcare là một trong những công ty xử lý thanh toán y tế lớn nhất trên thế giới và hợp tác với các công ty bảo hiểm hàng đầu như Aetna, Anthem, Blue Cross Blue Shield và Cigna.
Vi phạm dữ liệu chăm sóc sức khoẻ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ
Theo công bố của công ty, dữ liệu bị đánh cắp bao gồm: thông tin tài chính; hồ sơ bệnh án; thông tin bảo hiểm y tế và thông tin cá nhân như số an sinh xã hội và giấy phép lái xe hoặc số ID tiểu bang.
Cuộc điều tra liên bang vẫn đang trong giai đoạn cuối cùng, UnitedHealth cho biết trong một tuyên bố và công ty sẽ tiếp tục thông báo cho các cá nhân có khả năng bị ảnh hưởng càng nhanh càng tốt.
Trong phiên điều trần của quốc hội Mỹ, Giám đốc điều hành UnitedHealth, Andrew Witty cho biết nhóm tin tặc đã đánh cắp thông tin đăng nhập của nhân viên để truy cập từ xa vào hệ thống công ty. Điều quan trọng là hệ thống không bật xác thực đa yếu tố (MFA), điều này mở ra cánh cửa cho tin tặc truy cập từ xa vào mạng của công ty. Sau cuộc tấn công, công ty mới bắt buộc nhân viên phải xác thực MFA sau cuộc tấn công mạng.
UnitedHealth xác nhận với Quốc hội rằng họ đã trả 22 triệu USD tiền chuộc cho nhóm ransomware để ngăn chặn rò rỉ thêm và đảm bảo trả lại dữ liệu bị đánh cắp. Tuy nhiên, BlackCat đã lấy tiền chuộc mà không tôn trọng thỏa thuận. Những kẻ tấn công đã biến mất cùng với khoản thanh toán, khiến UnitedHealth và hàng triệu dữ liệu nhạy cảm của người Mỹ vẫn gặp rủi ro.
Có thể bị khai thác như thế nào?
Change Healthcare đóng vai trò quan trọng trong cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, xử lý hàng triệu khoản thanh toán hàng năm tại vô số bệnh viện, phòng khám và cơ sở y tế của Mỹ. Tác động của cuộc tấn công này đã lan rộng trên toàn ngành chăm sóc sức khỏe của Mỹ, làm gián đoạn việc thanh toán, xử lý thanh toán và thậm chí làm chậm trễ việc chăm sóc bệnh nhân của nhiều cơ sở y tế của Mỹ.
Để hiểu rõ hơn, 100 triệu hồ sơ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến những người được liên kết thông qua hồ sơ gia đình hoặc mạng lưới nhà cung cấp.
Với hàng loạt thông tin cá nhân bao gồm tên, ngày sinh, hồ sơ y tế, địa chỉ và thậm chí thông tin tài chính, nhóm tội phạm có quá nhiều cơ hội để khai thác thêm những cơ hội kiếm tiền khác.
Chẳng hạn với thông tin tiền sử bệnh án của nạn nhân, kẻ tấn công có thể gửi email hoặc cuộc gọi lừa đảo giả mạo nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đại lý bảo hiểm hoặc thậm chí là hiệu thuốc. Sau đó, chúng sẽ gửi email với nội dung yêu cầu nạn nhân nhấp vào các đường link chứa mã độc để xác minh thông tin bảo hiểm. Sau đó nạn nhân có thể vô tình làm theo yêu cầu hoặc cung cấp thêm các thông tin cá nhân khác.
Với dữ liệu tài chính của nạn nhân, bao gồm địa chỉ thanh toán và một số thông tin thẻ tín dụng hoặc ngân hàng, kẻ tấn công có thể tận dụng để mở các hạn mức tín dụng mới.
Trong một số trường hợp, hồ sơ y tế có thể chứa thông tin nhạy cảm về tình trạng sức khỏe tâm thần. Đây hoàn toàn có thể là điểm yếu để tội phạm tống tiền nạn nhân. Hay toàn bộ thông tin cá nhân hoàn toàn có thể trở thành hàng hoá để bán trên dark web.
BÍ ẨN LÁ PHIẾU ĐẠI CỬ TRI ĐOÀN
.jpg)
Đóng vai trò quyết định trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng với nhiều người, cử tri đoàn là một bí ẩn được gói ghém trong một câu đố phức tạp.
Để hiểu hệ thống cử tri đoàn, trước tiên chúng ta phải biết rằng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ không được định đoạt bởi tổng phiếu bầu phổ thông, tức tổng phiếu bầu mà họ nhận được từ người dân.
Thay vào đó, tổng thống Mỹ được bầu chọn bởi một nhóm gồm 538 người. Những người này được gọi là đại cử tri và họ tạo nên cử tri đoàn.
Đại cử tri là ai?
Trước cuộc bầu cử, các đảng phái chính trị ở mỗi bang sẽ chọn ra một nhóm đại cử tri: những người cuối cùng sẽ bỏ phiếu chọn tổng thống. Thông thường, đại cử tri là quan chức đảng hoặc người ủng hộ.
Số lượng đại cử tri của mỗi bang sẽ bằng tổng số lượng nghị sĩ của bang đó tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ.
Ví dụ: Michigan nhận được 15 phiếu đại cử tri - tương ứng 2 thượng nghị sĩ và 13 hạ nghị sĩ của họ tại quốc hội Mỹ.
Phiếu đại cử tri được phân bổ ra sao?
Ở hầu hết các bang trên khắp nước Mỹ, ứng viên tổng thống nhận được nhiều phiếu bầu phổ thông nhất sẽ giành được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó.
Những trường hợp ngoại lệ là Maine và Nebraska, nơi phiếu đại cử tri được phân bổ dựa trên một hệ thống phức tạp phản ánh số phiếu phổ thông ở cấp tiểu bang và khu vực quốc hội.
Quận Columbia không phải là một tiểu bang nhưng vẫn nhận được 3 phiếu đại cử tri.
Nhưng đây mới là điều quan trọng nhất: Để trở thành ông chủ Nhà Trắng, ứng viên tổng thống phải giành được sự ủng hộ của đa số đại cử tri.
Điều này đồng nghĩa trên tổng số 538 phiếu đại cử tri, ứng viên phải giành được ít nhất 270 phiếu để chiến thắng.
Đại cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu vào tháng 12, khoảng 1 tháng sau khi người dân bỏ phiếu.
Phiếu bầu của đại cử tri đoàn sẽ được Quốc hội chứng nhận vào đầu tháng 1 năm sau, khi người chiến thắng được xác nhận và nhậm chức.
Tất cả những điều trên có nghĩa là gì?
Thực tế, để đắc cử tổng thống Mỹ, ứng viên phải nhận được sự ủng hộ ở đủ các bang quan trọng để chạm mốc 270 phiếu đại cử tri.
Theo hệ thống này, ứng viên giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn chưa chắc đã là người chiến thắng.
Điều này từng xảy ra vào năm 2016, khi ứng viên Dân chủ Hillary Clinton giành được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng vẫn thua ứng viên Cộng hòa Donald Trump.
Chiến thắng của ông Trump có được nhờ những bang như Florida và Pennsylvania, nơi nắm giữ ít nhất 20 phiếu đại cử tri mỗi bang.
Trong trường hợp không có người giành được đa số phiếu đại cử tri, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống. Điều này mới chỉ xảy ra một lần vào năm 1824. Có 4 ứng viên nhận được phiếu đại cử tri nhưng không người nào có đủ số phiếu cần thiết.
Đại cử tri giả mạo là gì?
Giai đoạn trước ngày bầu cử, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ lập danh sách đại cử tri của riêng mình tại từng bang. Ứng viên tổng thống của đảng nào chiến thắng ở bang nào thì danh sách đại cử tri đoàn của đảng đó được sử dụng.
Vào năm 2020, cử tri Mỹ được làm quen với khái niệm "đại cử tri giả mạo" sau khi các đảng viên Cộng hòa ủng hộ ông Trump ở 7 bang tự thành lập đoàn đại cử tri của riêng họ để lật ngược kết quả bầu cử. Một số cá nhân liên quan đã bị truy tố hình sự.
SỐC: NHIỀU THÙNG PHIẾU BỊ PHÓNG HỎA
Các thùng phiếu ở Portland, bang Oregon và Vancouver, bang Washington đã bị phóng hỏa vào sáng 28/10 trong những vụ việc mà nhà chức trách Mỹ tin rằng có liên quan tới nhau.
Báo ABC News dẫn tin từ sở cảnh sát hai thành phố trên cho hay, có một chiếc ô tô Volvo đã xuất hiện tại cả hai hiện trường và thiết bị chống cháy bên trong thùng phiếu bầu đã không kích hoạt. Cảnh sát Portland cho biết, hành động trên là có chủ ý.
Tại Portland, có 3 lá phiếu bị hư hại trong khi ở Vancouver có khả năng hàng trăm lá phiếu bầu bị đốt ra tro.
Cục cảnh sát Portland cho biết, một thiết bị gây cháy đã được đặt trong một thùng phiếu trên vỉa hè ở quận Central City. Vào thời điểm cảnh sát phản hồi báo cáo lúc 3h30 sáng, nhân viên an ninh tại khu vực đã dập tắt được ngọn lửa.
Cảnh sát Portland đang tiếp tục điều tra vụ việc và cho biết sẽ tăng cường tuần tra quanh các thùng phiếu.
Khoảng 4h sáng cùng ngày, nửa tiếng sau khi vụ cháy thùng phiếu bầu được báo ở Portland, cảnh sát Vancouver phải ứng phó với một vụ việc tương tự.
Theo video ghi từ hiện trường, có thể thấy lửa và khói bốc lên từ thùng phiếu gần bến xe trung chuyển Fisher's Landing. Cảnh sát Vancouver đã đến dập lửa và tìm thấy một thiết bị đáng ngờ ở cạnh thùng phiếu. FBI đang điều tra và chưa có thông tin chi tiết nào được công bố.
Tuần trước, một số lá phiếu cũng bị hư hại ở Phoenix sau khi một thùng thư của Bưu điện Mỹ bị đốt cháy. Cảnh sát đã bắt giữ một nghi phạm, người này thừa nhận đã đốt phá nhưng cho biết vụ việc không có động cơ chính trị.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra vào ngày 5/11.
TRẬN CHIẾN TRUMP-HARRIS & CUỘC ĐẤU GIỮA ĐÀN ÔNG VÀ PHỤ NỮ
.jpg)
Ông Donald Trump nhận được sự ủng hộ rất lớn từ nam giới, trong khi phụ nữ cho biết họ ủng hộ bà Kamala Harris hơn, với cách biệt tương tự. Khoảng cách giới tính chính trị này phản ánh một thập kỷ biến động xã hội và có thể góp phần quyết định kết quả bầu cử ở Mỹ.
Đối với người phụ nữ da màu đầu tiên được đề cử ứng viên tổng thống, và là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử tiến tới mức này, bà Kamala Harris đã rất cố gắng để không nói tới bản dạng giới của mình.
“Nghe này, tôi tranh cử bởi tôi tin mình là người phù hợp nhất vào lúc này để đảm nhận cương vị này vì tất cả người dân Mỹ, bất kể chủng tộc hay giới tính,” phó tổng thống nói trong cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng trước.
Dù vậy, mặc cho những nỗ lực trung hòa vấn đề giới tính của bà Harris, nó vẫn đang dần trở thành vấn đề then chốt của cuộc bầu cử lần này.
“Quý bà Tổng thống” (Madame President) sẽ là một khái niệm mới đối với nước Mỹ và cũng hợp lý khi cho rằng dù nhiều người thích ý tưởng này, vẫn sẽ có những người thấy sự đổi mới ấy hơi khó chấp nhận.
Ban tranh cử của bà Harris sẽ không nói ra một cách công khai, nhưng một quan chức gần đây đã thừa nhận với tôi rằng họ tin có một thứ “chủ nghĩa phân biệt giới tính ngầm” sẽ ngăn cản một số người bỏ phiếu bầu bất kỳ người phụ nữ nào làm tổng thống.
Đã là năm 2024, không mấy ai muốn mình là một kẻ xấu tính sẵn sàng nói thẳng với người thăm dò ý kiến rằng họ không nghĩ một người phụ nữ phù hợp với công việc ở Phòng Bầu Dục (dù có rất nhiều người sẵn sàng chia sẻ những trò đùa kỳ thị giới tính trên mạng xã hội).
Một chiến lược gia của Đảng Dân chủ cho rằng có một mật mã: khi cử tri nói với người thăm dò ý kiến rằng bà Harris không "sẵn sàng" hoặc không có "tính cách” phù hợp hoặc "những gì cần thiết," điều họ thực sự muốn nói là vấn đề nằm ở chỗ bà ấy là phụ nữ.
Ban tranh cử của ông Trump nói rằng giới tính không hề liên quan.
“Kamala yếu đuối, không trung thực và có chủ nghĩa tự do nguy hiểm, đó là lý do tại sao người dân Mỹ sẽ chối bỏ bà ấy vào ngày 5/11,” ban tranh cử của ông Trump đã nói như vậy trong tuần này.
Dù vậy, Bryan Lanza, cố vấn cấp cao của ban tranh cử, đã nhắn tin cho tôi rằng ông tin tưởng vào một chiến thắng cho ông Trump vì “khoảng cách giới tính nam đem lại lợi thế cho chúng tôi”.
Lần gần nhất khi một người phụ nữ đứng ra tranh cử, thái độ tiêu cực về giới tính của bà rõ ràng là đã ảnh hưởng tới cuộc bầu cử.
Tám năm trước, bà Hillary Clinton nhấn mạnh vào việc bà là người phụ nữ đầu tiên được một đảng lớn đề cử.
Khẩu hiệu tranh cử “Tôi đồng hành cùng bà ấy” là một lời nhắc nhở không mấy tế nhị về vai trò tiên phong của bà Clinton.
Nữ Dân biểu bang Pennsylvania, bà Madeleine Dean, nhớ lại những cuộc trò chuyện với cử tri về việc bà Clinton ứng cử.
Tôi dành một buổi chiều với Dean khi bà đang vận động tranh cử tại quận của bà trong tuần này. Bà kể với tôi rằng vào năm 2016, mọi người nói với bà là “có cái gì đó về bà ấy [bà Clinton]”
Bà nói rằng bà sớm nhận ra vấn đề “nằm ở phần ‘bà ấy’. Đó là một vấn đề. Đó là chuyện [bà Hillary] là phụ nữ.”
Dù bà Dean nghĩ quan điểm này đã bớt phổ biến, bà cho rằng ngày nay “vẫn có những người sẽ nghĩ ‘Một người phụ nữ quyền lực ư? Không, hơi xa vời’.”
Đã có nhiều thay đổi đối với phụ nữ kể từ năm 2016. Phong trào #MeToo vào năm 2017 đã nâng cao nhận thức về những sự phân biệt giới tính, cả tinh vi và lộ liễu, mà phụ nữ phải đối mặt ở nơi làm việc.
Nó đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận vai trò của phụ nữ về mặt nghề nghiệp.
MeToo có thể cũng đã giúp những ứng cử viên như bà Harris dễ được đảng đề cử hơn.
Tuy nhiên, một số người coi những bước tiến lớn đó trong các vấn đề về sự đa dạng, công bằng và dung hợp là những bước lùi, đặc biệt là lớp nam thanh niên cảm thấy mình đang bị bỏ lại phía sau.
Hoặc những thay đổi này đơn giản là quá lớn đối với những người Mỹ bảo thủ ưa thích vai trò giới truyền thống.
Do đó, đối với một số cử tri, cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đã biến thành một cuộc trưng cầu dân ý về những chuẩn mực giới và các biến động xã hội những năm gần đây.
Điều này dường như đặc biệt đúng với những cử tri mà bà Kamala Harris nhọc công tiếp cận: những chàng trai trẻ đang sống trong một thế giới biến chuyển nhanh chóng đối với chính họ.
“Trai trẻ thường cảm thấy rằng việc đặt câu hỏi sẽ khiến họ bị coi là kỳ thị phụ nữ, kỳ thị người đồng tính hoặc phân biệt chủng tộc,” ông John Della Volpe, giám đốc thăm dò ý kiến tại Viện Chính trị Harvard, nói.
“Khó chịu vì không được thấu hiểu, nhiều người đắm mình vào văn hóa tình anh em của Donald Trump hoặc Elon Musk. Họ nhìn vào những ưu tiên của Đảng Dân chủ - phụ nữ, quyền phá thai, văn hóa LGTBQ – và hỏi ‘vậy còn chúng tôi thì sao?’.”
Della Volpe chuyên thăm dò ý kiến của cử tri trẻ tuổi.
Ông cho biết những chàng trai trẻ ông đang đề cập tới không thuộc về một nhóm cánh hữu cực đoan hay nhóm đàn ông đầy ẩn ức do không kiếm được bạn tình.
Họ chính là con trai của bạn, hoặc của hàng xóm bạn.
Trên thực tế, ông nói, nhiều người trong số họ ủng hộ bình đẳng giới, nhưng cũng cảm thấy rằng những lo ngại của họ không được để ý.
Della Volpe điểm qua một loạt thống kê cho thấy những điều mà nam giới trẻ thiệt thòi hơn so với đồng nghiệp nữ: ít có khả năng tìm được một mối quan hệ hơn, ít có khả năng học đại học hơn so với trước đây, và tỷ lệ tự tử của họ cao hơn so với nữ giới đồng trang lứa.
Trong khi đó, đang có những bước tiến vượt bậc cho phụ nữ trẻ Mỹ.
Họ có trình độ học vấn cao hơn nam giới, họ làm ở trong các ngành dịch vụ đang tăng trưởng và ngày càng kiếm được nhiều tiền hơn nam giới.
Kể từ khi ông Donald Trump được bầu làm tổng thống, phụ nữ trẻ cũng trở nên cấp tiến hơn một cách đáng kể so với nam giới trẻ, theo nhóm thăm dò ý kiến Gallup.
Tất cả những điều này tạo nên sự phân chia giới tính rõ rệt.
Trong bảy năm qua, tỷ lệ nam giới trẻ tuổi cho rằng Mỹ đã đi "quá xa" trong việc thúc đẩy bình đẳng giới đã tăng gấp đôi, theo Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Với khả năng gần như trực giác trong việc thấu hiểu ẩn ức của mọi người, ông Trump chạm được tới sự khó chịu của nam giới, và trong những tuần vận động cuối cùng, ông đã nhấn mạnh vào tính đàn ông.
Ông đã đăng lại một lời cảnh báo trên Truth Social rằng “nam tính đang bị tấn công.” Gần đây ông đã đùa về bộ phận sinh dục của một tay golf nổi tiếng.
“Gã này từng là một người đàn ông chính hiệu,” ông Trump nói về tay golf Arnold Palmer.
“Khi ông ta đi tắm cùng các tay golf khác, họ đã bước ra và nói, ‘Ôi trời. Thật không thể tin được’.”
Trump lôi những câu chuyện trong phòng thay đồ ra ngoài – và khán giả của ông ta thích điều đó.
Nói về kích thước dương vật tại một buổi vận động chính trị là cách phản kháng mạnh mẽ nhất đối với thứ phải đạo chính trị ngột ngạt.
Trong các buổi vận động của họ và trên các phương tiện truyền thông, phản ứng của Đảng Dân chủ đối với những người đàn ông bất mãn dường như là một tình yêu cứng rắn.
Ông Barack Obama chỉ trích rằng một số người đàn ông “cảm thấy không thoải mái với ý tưởng có một người phụ nữ làm tổng thống thế là họ bèn nghĩ ra những lựa chọn thay thế và các lý do khác”.
Trong một quảng cáo truyền hình mới đây, diễn viên Ed O’Neill nói ngắn gọn súc tích hơn: “Hãy là một người đàn ông: Bầu cho một người phụ nữ.”
Trong những ngày vận động cuối cùng, chủ đề giới tính hiện diện ở khắp mọi nơi và không ở đâu cả.
Ông Donald Trump muốn tính nam được đặt lên hàng đầu trong cuộc đua lần này.
Bà Kamala Harris hầu như không đề cập đến việc mình là một ứng cử viên nữ.
Trong một cuộc thăm dò của New York Times, ông Trump có lượng cử tri nam giới ủng hộ nhiều hơn bà Harris 14%.
Ngược lại, số cử tri nữ giới ủng hộ bà Harris nhiều hơn ông Trump 12%.
Các quý ông, quý bà, chàng trai và cô gái có lẽ sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử lần này.
Nguồn: Nhân Dân; VnEconomy; Soha; Vietnamnet; BBC
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá