Mỹ: Mưa 'nghìn năm có 1'; Khi Fed hạ lãi suất; Mức độ bảo vệ của Trump; Truy tố kẻ ám sát Trump; Cảnh báo Israel không tấn công Liban

MƯA LỚN 'NGHÌN NĂM CÓ MỘT' TẤN CÔNG BẮC CALIFORNIA

Lượng mưa kỷ lục trút xuống chỉ trong vài giờ, khiến nước lũ đổ về nhiều khu vực ở bang Bắc Carolina trong 12 giờ qua.

Thị trấn Carolina Beach ngập nặng sau trận mưa lớn 'nghìn năm có một' tấn công Bắc Carolina. (Nguồn: WAAY 31 News)

Theo CNN, nước lũ tràn vào các khu dân cư và gây ách tắc giao thông, buộc lực lượng cứu hộ Bắc Carolina phải triển khai tối đa lực lượng để ứng phó.

"Đây có lẽ là trận lụt tồi tệ nhất mà người địa phương từng chứng kiến" , Bruce Oakley, quan chức thị trấn du lịch Carolina Beach, nói. "Chúng tôi phải cứu người khỏi ôtô, khỏi nhà hay nơi làm việc. Cơ quan cứu hộ tiếp nhận hàng chục cuộc gọi".

Thị trấn Carolina Beach ven biển ở bang Bắc Carolina ngày 16/9 được đặt trong tình trạng khẩn cấp sau trận mưa lịch sử trút xuống 457 mm nước trong 12 giờ qua. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết đây là hiện tượng "nghìn năm có một". Các nơi khác trong khu vực cũng ghi nhận lượng mưa hơn 300mm trong 12 giờ, nhiều nhất trong 200 năm.

Trước diễn biến bất thường của mưa lũ, các trường học địa phương phải đóng cửa, cho học sinh ra về sớm sau khi nước tràn vào các lớp học. Giới chức cứu hộ, cứu hỏa phải đưa nhiều em về nhà vì một số tuyến đường ngập đến 91cm.

Lisa và Gary Hollon, sống ở Kure Beach, cách Carolina Beach khoảng 5km, cho biết thị trấn này chưa từng bị ngập sau 15 năm sinh sống tại đây.

Trong video chia sẻ với CNN, con đường bên ngoài ngôi nhà của cặp đôi này bị nước bao phủ và xe cộ đi lại khó khăn.

Lượng mưa ở hạt Brunswick lân cận có lúc là hơn 127 mm một giờ. Thị trấn Sunny Point hứng lượng mưa 228 mm trong ba giờ, lớn hơn lượng mưa trung bình một tháng.

"Giới chức đang hỗ trợ nhiều người mắc kẹt trong xe, trong nhà" , văn phòng cảnh sát khu vực thông báo.

Còn ở thành phố Southport, chính quyền đưa ra lệnh cấm đi lại nhằm giữ an toàn cho người dân. Lệnh giới nghiêm kéo dài từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng.

Trận mưa lịch sử này là ảnh hưởng của khối áp thấp nằm gần bờ biển, sức gió mạnh nhất 56 km/h, chưa đủ điều kiện để được gọi là bão nhiệt đới hay cận nhiệt đới.

Lũ lụt ở Carolina Beach bắt đầu rút vào chiều 16/9 khi áp thấp chuyển đến phía tây khu vực, dự kiến suy yếu và tan vào sáng 18/9.

KỊCH BẢN NÀO KHI FED HẠ LÃI SUẤT?

Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào ngày 18/9, đây sẽ là lần hạ đầu tiên trong bốn năm, với những tác động vượt ra ngoài nước Mỹ.

Nhiều chuyên gia đang tranh luận về quy mô hạ lãi suất lần đầu tiên và tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed. Trong khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới là yếu tố làm phức tạp tình hình, khi các nhà đầu tư và hoạch định chính sách lãi suất trên toàn cầu đang tìm kiếm một sự dẫn dắt từ Fed và đang hy vọng kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm", tức giảm lạm phát nhưng không gây suy thoái.

Ông Kenneth Broux, Trưởng bộ phận nghiên cứu doanh nghiệp, ngoại hối và lãi suất tại Societe Generale, cho rằng hiện vẫn chưa rõ chu kỳ lần này sẽ như thế nào, liệu có giống như năm 1995, khi lãi suất chỉ giảm 75 điểm cơ bản hay như giai đoạn 2007-2008, khi mức hạ đến 500 điểm cơ bản.

Dưới đây là những tác động đến các thị trường trên toàn cầu sau động thái của Fed:

Dẫn dắt các ngân hàng trung ương hạ lãi suất

Vào mùa Xuân, khi lạm phát ở Mỹ cao hơn dự kiến, đã xuất hiện lo ngại về việc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cả năm nay. Trong kịch bản này, các tổ chức như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hoặc Ngân hàng trung ương Canada gặp khó khăn trong việc lựa chọn có nên hạ lãi suất nhằm kích thích nền kinh tế hay không.

Nhưng hiện nay, việc Fed bắt đầu hành động giúp ngân hàng trung ương các nước phát triển khác dễ cân nhắc chính sách tiền tệ hơn. Các nhà giao dịch đang dự đoán các ngân hàng trung ương khác sẽ lần lượt nối gót Fed. Tuy nhiên, ECB và Ngân hàng trung ương Anh khả năng có số lần cắt giảm ít hơn Fed vì vẫn còn cảnh giác với lạm phát.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu toàn cầu cũng hưởng lợi khi thường diễn biến theo thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, Đức và Anh đều đang hướng đến mức giảm theo quý đầu tiên kể từ cuối năm 2023, khi Fed tiến gần bước ngoặt hạ lãi suất vào ngày 18/9. Điều này có nghĩa giá trái phiếu tăng.

Các thị trường mới nổi "dễ thở" hơn

Lãi suất tại Mỹ giảm có thể giúp các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi có nhiều không gian hơn để tự điều chỉnh và hỗ trợ tăng trưởng trong nước. Áp lực đối với các thị trường này trong việc phải giữ lãi suất cao để ngăn dòng vốn chảy ra ngoài và bảo vệ tỷ giá hối đoái sẽ giảm bớt khi Mỹ hạ lãi suất.

Nhờ đó, các thị trường mới nổi có thể giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng và đầu tư trong nước. Khoảng một nửa trong số 18 thị trường mới nổi do Reuters theo dõi đã bắt đầu cắt giảm lãi suất trong chu kỳ này, dẫn đầu là các nước Mỹ Latinh và châu Âu.

Tuy nhiên, biến động và bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là một thách thức. Bà Trang Nguyen, Trưởng bộ phận chiến lược tín dụng thị trường mới nổi toàn cầu tại BNP Paribas, đánh giá cuộc bầu cử sẽ có tác động lớn, thực sự làm phức tạp chu kỳ cắt giảm lãi suất.

Đồng USD khó giảm sâu

Các nền kinh tế đang hy vọng việc Mỹ hạ lãi suất sẽ khiến đồng USD suy yếu hơn, từ đó đẩy giá trị đồng nội tệ của các nền kinh tế này lên, có thể thất vọng.

JPMorgan chỉ ra rằng, 3 trong 4 chu kỳ nới lỏng tiền tệ gần đây, đồng USD thực tế đã mạnh lên.

Đó là do triển vọng đồng USD phụ thuộc nhiều vào tương quan so sánh giữa mức lãi suất của Mỹ và lãi suất của các quốc gia khác. Nếu lãi suất ở Mỹ cao hơn so với các nước khác, đồng USD thường trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và ngược lại.

Đồng yen Nhật và franc Thụy Sỹ là những đồng tiền được xem là nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, theo khảo sát của Reuters, mức chênh lệch lãi suất giữa hai nước này có thể giảm một nửa vào cuối 2025. Nghĩa là hai đồng tiền này có thể kém hấp dẫn hơn, làm cho các nhà đầu tư tiếp tục cân nhắc giữ đồng USD.

Trong khi đó, mức chênh lệch lãi suất tương đối nhỏ giữa Anh và Australia (Ô-xtrây-li-a) so với Mỹ, tức ngay cả khi lãi suất ở hai nước này có cao hơn Mỹ thì vẫn không đủ lớn để làm cho bảng Anh và đô la Australia hấp dẫn hơn đáng kể so với đồng USD. Vì vậy, đồng USD sẽ tiếp tục duy trì sự hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế, trừ phi Mỹ có lãi suất thực sự thấp.

Trong bối cảnh này, các nền kinh tế châu Á đã đi trước thị trường trong việc dự đoán Mỹ cắt giảm lãi suất, dẫn đến nhiều đồng tiền như won Hàn Quốc, baht Thái Lan và ringgit Malaysia (Ma-lai-xi-a) tăng giá vào tháng Bảy và Tám vừa qua. Đồng nhân dân tệ cũng đã phục hồi khoản mất giá từ đầu năm so với đồng USD. Điều này cho thấy các thị trường châu Á đã phản ứng tích cực với kỳ vọng về việc Mỹ hạ lãi suất, làm tăng giá trị các đồng tiền của họ so với đồng USD.

Các thị trường chứng khoán phục hồi

Gần đây, do lo ngại về tăng trưởng khiến đà đi lên của thị trường chứng khoán toàn cầu chậm lại. Các thị trường chứng khoán đã giảm hơn 6% trong ba ngày đầu tháng 8/2024, sau số liệu việc làm yếu kém của Mỹ.

Tuy nhiên, thị trường sẽ phục hồi nếu lãi suất ở Mỹ thấp hơn thúc đẩy hoạt động kinh tế và tránh được suy thoái. Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Âu tại Barclays, Emmanuel Cau, cho biết thị trường chứng khoán luôn không ổn định sau lần hạ lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương, khi gây ra những hoài nghi về lý do cho động thái này. Nhưng nếu có một đợt cắt giảm mà không đi kèm suy thoái, thường thị trường có xu hướng đi lên trở lại. Barclays cho rằng các lĩnh vực sẽ hưởng lợi từ lãi suất thấp là bất động sản và tiện ích.

Việc kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" cũng mang lại lợi ích cho thị trường châu Á vì tạo ra môi trường ổn định hơn cho các nền kinh tế khác. Đến nay, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm hơn 10% từ mức cao kỷ lục vào tháng 7/2024 do đồng yen và lãi suất tăng ở Nhật Bản.

Giá vàng hưởng lợi

Trong lĩnh vực hàng hóa, các kim loại quý sẽ hưởng lợi từ hành động của Fed. Giá vàng thường ngược chiều với lãi suất vì nhu cầu đầu tư vào vàng tăng lên khi lãi suất thấp.

Giá vàng cũng đang ở mức cao kỷ lục, nhưng chuyên gia John Reade của Hội đồng Vàng Thế giới khuyến nghị các nhà đầu tư thận trọng. Ông chỉ ra rằng các nhà đầu cơ trên thị trường vàng tương lai đang đặt cược vào giá tăng. Tuy nhiên, có một chiến lược phổ biến gọi là "mua tin đồn, bán sự thật", nghĩa là các nhà đầu cơ mua vào khi nghe thông tin dự đoán rằng giá vàng sẽ tăng (mua tin đồn). Khi sự việc thực sự xảy ra, tức giá vàng đạt mức cao như dự đoán, họ bán ra để thu lợi nhuận (bán sự thật). Nói cách khác, giá vàng có thể không duy trì mức cao kỷ lục lâu dài nếu các nhà đầu cơ quyết định "xả hàng" lúc giá đạt đỉnh họ muốn.

Ngoài kim loại quý, kim loại cơ bản như đồng cũng hưởng lợi. Lãi suất thấp hơn và đồng USD có thể yếu hơn giúp giá kim loại giảm, từ đó kích cầu.

Chuyên gia của MUFG cho Ehsan Khoman, cho rằng lãi suất cao là lực cản lớn đối với kim loại cơ bản, gây ra áp lực đáng kể về nhu cầu.

ÔNG TRUMP ĐƯỢC BẢO VỆ ĐẾN MỨC NÀO? VÌ SAO BỊ ÁM SÁT HỤT 2 LẦN?

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội cấp phép đặc biệt để tăng mức chi tiêu cho Cơ quan Mật vụ Mỹ và cảnh báo rằng nếu không có các khoản như vậy, cơ quan này sẽ "không đủ nguồn lực" cho các hoạt động bảo vệ.

Yêu cầu trên được đưa ra sau vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump lần thứ hai.

Cơ quan Mật vụ phải đối mặt với thêm các câu hỏi khác liên quan đến việc bảo vệ ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa.

Ông Trump được áp dụng chế độ an ninh nào?

BBC không rõ số lượng chính xác các đặc vụ có nhiệm vụ bảo vệ cựu tổng thống. Nhưng theo ông Ronald Kessler, một tác giả chuyên về Mật vụ, có khoảng 80 người được phân công để có thể bảo vệ ông Trump tại bất kỳ thời điểm nào.

Ông Kessler nói rằng có khoảng 300 đặc vụ được phân công bảo vệ tổng thống và phó tổng thống đương nhiệm, so với 90 đến 100 người bảo vệ cựu tổng thống. Con số này bao gồm tất cả các nhân viên, nghĩa là ông Trump sẽ không có nhiều đặc vụ như vậy bên mình trong mọi trường hợp (nghĩa là chừng đó người có thể được chia theo ca, với số lượng mỗi ca thấp hơn).

Ông Michael Matranga, người đã làm việc tại Mật vụ Mỹ trong 12 năm và đã phục vụ ông Barack Obama, nói:

"Chi tiết ca làm việc luôn giống nhau - đây là những người bảo vệ ở gần tổng thống - nhưng còn có các đội chống bắn tỉa, chống đột kích, chống theo dõi."

Theo ông Matranga, về cơ bản, các cựu tổng thống sẽ không có các đội bổ sung đó, nhưng ông Trump lại có.

"Vẫn có thể cải thiện hoạt động của Mật vụ hiện nay. Sẽ rất tốt nếu có thêm chó để đánh hơi hoặc một đội phản ứng khẩn cấp chuyên dò quét trong khu vực."

“Nhưng mọi người nên hiểu rằng Mật vụ cũng cần tìm ra sự cân bằng để tổng thống có thể giao lưu với cử tri hoặc chơi golf. Họ không thể cứ giữ ông ấy trong một chiếc hộp chống đạn,” ông Matranga nói thêm.

An ninh cho ông Trump đã thay đổi ra sao?

Trước vụ ám sát hụt đầu tiên, Mật vụ Mỹ đã tăng cường an ninh sau khi nhận được tin tình báo về âm mưu ám sát ông Trump của Iran. Họ cũng tăng cường nhân sự kể từ đó tới nay.

Trong phiên điều trần sau vụ ám sát ở bang Pennsylvania, quyền Giám đốc Mật vụ Ronald Rowe đã nói với các nhà lập pháp rằng họ đang mở rộng việc sử dụng máy bay không người lái để kiểm tra các khu vực, cải thiện thông tin liên lạc và tăng số lượng nhân viên an ninh.

BBC Verify đã hỏi Mật vụ Mỹ rằng có thêm bao nhiêu nhân viên được giao cho đội an ninh của ông Trump sau vụ ám sát đầu tiên nhưng cơ quan này vẫn chưa trả lời.

Jason Russell, một cựu mật vụ, nói với BBC Verify rằng ông đã nhận thấy "nguồn lực bảo vệ cho cựu Tổng thống Trump chắc chắn đã tăng lên".

"Khi ông ấy trở thành ứng viên tranh cử, rõ ràng là sự bảo vệ sẽ tăng lên một cấp độ khác, và đó là lúc ông ấy nhận được thêm nguồn lực... nhưng chắc chắn không phải là cấp độ mà một tổng thống hoặc phó tổng thống đương nhiệm sẽ có," ông Russell nói thêm.

Tờ Washington Post đưa tin rằng các viên chức cấp cao tại Cơ quan Mật vụ đã nhiều lần từ chối các yêu cầu tăng cường bảo vệ từ nhóm an ninh của ông Trump trong hai năm trước khi vụ ám sát hụt xảy ra vào tháng 7/2024.

Mặc dù ban đầu cơ quan này phủ nhận việc có những yêu cầu như vậy, nhưng sau đó thừa nhận rằng họ có thể đã từ chối một số yêu cầu từ nhóm an ninh của ông Trump.

Ngân sách và nhân sự của Mật vụ Mỹ

Cơ quan Mật vụ vụ có tổng ngân sách là 3,1 tỷ USD trong năm tài chính 2024. Con số này cao hơn 9% so với năm trước đó.

Hơn 1 tỷ USD trong đó được phân bổ cho việc "bảo vệ các yếu nhân và cơ sở vật chất".

Cơ quan này có tổng cộng khoảng 8.000 nhân viên, bao gồm các đặc vụ, nhân viên hành chính và kỹ thuật.

Gần một nửa (3.671 người) làm việc toàn thời gian cho các hoạt động bảo vệ.

Theo NBC News, một thập kỷ trước, có 4.027 người được giao nhiệm vụ bảo vệ tổng thống và các quan chức cấp cao khác.

"Toàn bộ ngân sách của Cơ quan Mật vụ chỉ bằng giá một máy bay ném bom tàng hình," ông Kessler nói.

"Toàn bộ cơ quan này đang phải chịu cảnh thiếu tiền và nhân sự," ông nói thêm.

Ngoài yêu cầu tăng chi tiêu chính phủ trong những tuần tới, Mật vụ Mỹ đã nói riêng với Quốc hội rằng họ cần nhiều nguồn lực hơn để thực hiện nhiệm vụ.

Câu hỏi về lịch trình của ông Trump

"Câu hỏi lớn nhất của tôi không phải là về phản ứng của Mật vụ mà là làm sao nghi phạm biết Trump sẽ ở sân golf vào thời điểm đó," ông Matranga nói với chúng tôi.

Hiện BBC chưa xác định được làm sao nghi phạm biết ông Trump ở đâu vào hôm 15/9.

BBC Verify đã xem qua các bài đăng gần đây của ông Trump trên mạng xã hội và ông không nói rằng mình sẽ chơi golf tại sân golf West Palm Beach của mình vào thời điểm và ngày xảy ra vụ ám sát hụt.

Sau một cuộc mít tinh ở Las Vegas (bang Nevada) vào ngày 13/9, lịch trình vận động tranh cử của ông Trump không đề cập đến bất kỳ sự kiện nào khác từ đó cho tới bài phát biểu ở bang Michigan vào ngày 17/9.

CNN trích từ các nguồn tin cho thấy chuyến đi đến sân golf là sự bổ sung vào phút chót trong lịch trình của ông Trump.

Tuy nhiên, sẽ hợp lý khi cho rằng ông Trump có thể tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (bang Florida) vào cuối tuần nếu xét tần suất ông đến đó.

Ông cũng viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) vào hôm 12/9 rằng mình sẽ tổ chức một sự kiện về crypto vào hôm 16/9.

Vị cựu tổng thống được quay phim và chụp ảnh với công chúng tại sân golf của mình.

TRUY TỐ NGHI PHẠM ÁM SÁT HỤT ÔNG TRUMP

Nghi phạm mưu sát ông Donald Trump có thể đã ẩn núp gần 12 giờ đồng hồ hôm 15/9, theo đơn truy tố hình sự được đệ trình vào ngày 16/9.

Có thể nghi phạm này sẽ bị nhiều cáo trạng thêm nữa nhưng sơ khởi đã bị hai cáo trạng và sẽ bị giam giữ trong khi cuộc điều tra tiếp tục.

Ông Trump, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11, không hề hấn gì. Nhưng vụ việc đã đặt ra những câu hỏi mới về cách một nghi phạm có vũ trang có thể tiếp cận gần ông ta như vậy, chỉ hai tháng sau khi ông bị một tay súng ám sát hụt trong một cuộc tập họp hôm 13 tháng 7 tại Butler, Pennsylvania.

Trong vụ ám sát hụt thứ nhì, Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ đã nổ súng sau khi một đặc vụ nhìn thấy nòng súng nhô ra khỏi một bụi cây hôm 15/9 tại sân golf của ông Trump ở West Palm Beach, cách nơi cựu tổng thống đang chơi golf vài trăm thước.

Theo đơn khởi tố, nghi phạm bỏ trốn trên một chiếc xe thể thao đa dụng. Cảnh sát đã tìm thấy một khẩu súng trường tấn công đã nạp đạn cùng với ống ngắm, một máy ảnh kỹ thuật số và một túi nhựa đựng thức ăn bị bỏ lại.

Nghi phạm Ryan Routh, 58 tuổi, đã bị bắt khoảng 40 phút sau khi lái xe về phía bắc. Khi được hỏi có biết tại sao bị chặn xe lại không, Routh “trả lời là có”, theo đơn truy tố. Biển số trên xe ông ta lái đã được báo cáo là bị đánh cắp từ một chiếc xe khác.

Hồ sơ cho thấy một chiếc điện thoại liên quan đến Routh đã được tìm thấy tại sân golf.

Ông Routh có ít nhất hai tiền án, cả hai đều ở North Carolina, theo đơn truy tố hình sự.

Năm 2002, ông ta đã nhận tội sở hữu một khẩu súng hoàn toàn tự động, thường được gọi là súng máy, bị cấm ở Hoa Kỳ và bị kết án quản chế. Trong vụ này, ông ta đã bỏ trốn khi bị dừng xe ở Greensboro và cố thủ bên trong doanh nghiệp của mình trước khi cảnh sát có thể bắt giữ ông ta, theo hồ sơ tòa án và một bài báo năm 2002 của Greensboro News & Record.

Ông cũng bị kết tội sở hữu hàng hóa bị đánh cắp vào năm 2010.

Lịch trình vận động tranh cử của ông Trump sẽ không thay đổi.

Ông Trump tuyên bố rằng nghi phạm nổ súng đã hành động theo “ngôn ngữ cực kỳ kích động” của đảng Dân chủ, mặc dù chính quyền vẫn chưa đưa ra bằng chứng về bất kỳ động cơ nào.

“Lời lẽ của họ khiến tôi bị bắn, trong khi tôi là người sẽ cứu đất nước, và họ là những kẻ đang phá hủy đất nước - cả từ bên trong lẫn bên ngoài”, ông Trump nói, theo Fox.

Vào ngày 15/9, Phó Tổng thống Harris nói trên X: “Bạo lực không có chỗ ở nước Mỹ”.

Phát biểu tại một sự kiện ở Philadelphia hôm 16/9, Tổng thống Biden nói: “Ở Mỹ, chúng ta giải quyết những bất đồng một cách hòa bình thông qua hòm phiếu, chứ không phải bằng súng đạn”.

Cơ quan mật chịu áp lực

Cơ quan Mật vụ, đơn vị bảo vệ các tổng thống Hoa Kỳ, các ứng cử viên tổng thống và các chức sắc cấp cao khác, bị chú ý kể từ vụ ông Trump bị mưu sát hồi tháng 7 vốn đã khiến Giám đốc Cơ quan Mật vụ là Kimberly Cheatle từ chức. Cơ quan này đã tăng cường lực lượng an ninh của ông Trump sau vụ tấn công hôm 13 tháng 7, trong đó tay súng đã bị các đặc vụ bắn chết.

Ông Biden nói với các phóng viên vào ngày 16/9 rằng Cơ quan Mật vụ “cần thêm sự giúp đỡ”, bao gồm cả việc có thể tăng thêm nhân sự.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người đã triệu tập một lực lượng đặc nhiệm lưỡng đảng để điều tra sau vụ mưu sát đầu tiên, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng Quốc hội cũng sẽ xem xét vụ việc mới nhất.

Người thay thế bà Cheatle, Quyền Giám đốc Ronald Rowe, đã đến Florida sau vụ mưu sát hôm 15/9, theo một số hãng tin. Ông Rowe, người nhậm chức sau khi bà Cheatle từ chức vào tháng 7, đã nói với Quốc hội vào ngày 30 tháng 7 rằng ông “xấu hổ” về những sơ suất an ninh trong vụ tấn công trước đó.

Ông Rowe đã làm việc với Cơ quan Mật vụ gồm 7.800 nhân viên trong 25 năm, theo tiểu sử chính thức, vươn lên vị trí số 2 của cơ quan này trước khi được thăng chức vào tháng 7.

Nghi phạm là kẻ có cảm tình với Ukraine

Ông Routh là người ủng hộ trung thành của Ukraine và đã đến đó sau cuộc xâm lược của Nga năm 2022, tìm cách tuyển mộ các chiến binh nước ngoài. Các quan chức Ukraine hôm 16/9 nói họ không dính líu gì tới ông Routh.

Các hồ sơ trên X, Facebook và LinkedIn có tên Routh chứa các thông điệp ủng hộ Ukraine cũng như các tuyên bố mô tả ông Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ Hoa Kỳ.

Bà Harris và những người khác bên Đảng Dân chủ coi ông Trump là mối nguy hiểm đối với nền dân chủ Hoa Kỳ, viện dẫn nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược thất bại của mình trong cuộc bầu cử năm 2020, dẫn đến cuộc tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021. Bà Harris đã hứa sẽ ủng hộ Ukraine nếu đắc cử.

Ông Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về số tiền viện trợ mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine và đã tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh ngay lập tức nếu đắc cử. Ông đã nói với Reuters vào năm ngoái rằng Ukraine có thể phải nhượng lại một số lãnh thổ để đạt được hòa bình.

Tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu của X, đã đăng và sau đó xóa một tin nhắn trên trang mạng xã hội X hôm 15/9 tự hỏi tại sao không có ai tìm cách mưu sát ông Biden hoặc bà Harris. Trong một bài đăng tiếp theo hôm 16/9, ông Musk, người ủng hộ ông Trump, cho biết ông đã nói đùa.

MỸ ĐÁNH TIẾNG CẢNH BÁO ISRAEL KHÔNG ĐƯỢC TẤN CÔNG LEBANON

Hôm qua (16/9), các cuộc giao tranh ác liệt xuyên biên giới tiếp tục nổ ra giữa quân đội Israel và Phong trào Hezbollah ở Lebanon, bất chấp việc đặc phái viên Mỹ đã trở lại Ten Avid để thuyết phục giới chức Israel hạ nhiệt chiến sự.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đêm 16/9 cho biết, trong ngày hôm qua, không quân nước này đã đánh phá nhiều mục tiêu Hezbollah ở phía Nam Lebanon. Theo đó, máy bay chiến đấu Israel đã bắn phá các kho chứa vũ khí, tháp cảnh giới, tòa nhà và cấu trúc quân sự của nhóm vũ trang đối địch ở các khu vực Rab al-Thalathine, Houla, Maroun al-Ras, Blida, Tayr Harfa, Odaisseh và Kafr Shuba.

Ở chiều ngược lại, Hezbollah tổ chức ít nhất 4 cuộc tấn công, bắn hàng chục quả tên lửa vào nhiều vị trí khác nhau ở phía Bắc Israel, trong đó có khu dân cư Metula, các khu vực Ramot Naftali, Matat và vùng Thượng Galilee. Các đợt tấn công của Hezbollah không gây thương vong, do hầu hết số tên lửa bị lưới phòng không Israel đánh chặn hoặc rơi vào khu vực trống trải.

Các cuộc giao tranh ác liệt qua biên giới giữa Israel và Hezbollah tiếp tục nổ ra bất chấp việc Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Amos Hochstein hôm qua đã trở lại Israel trong nỗ lực tiếp theo nhằm hạ nhiệt chiến sự dọc biên giới Israel-Lebanon, trọng tâm là thuyết phục Israel không tiến hành chiến dịch tấn công quy mô lớn vào quốc gia láng giềng.

Theo truyền thông Israel, trong cuộc gặp gặp Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tại Tel Aviv chiều qua, Đại phái viên Mỹ một lần nữa cảnh báo rằng cuộc tấn công quy mô lớn của Israel vào Lebanon sẽ không chỉ không thể giúp hồi hương hàng chục nghìn cư dân biên giới phía Bắc Israel, mà còn có nguy cơ làm bùng phát một cuộc chiến kéo dài tại khu vực. Ông Hochstein nhấn mạnh Mỹ ủng hộ một giải pháp ngoại giao để hóa giải căng thẳng giữa Israel và Hezbollah, hoặc thông qua việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, hoặc bằng một con đường khác.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Israel nêu rõ chỉ có hành động quân sự mạnh mẽ chống Hezbollah mới có thể đảm bảo cho hàng chục nghìn cư dân Israel ở khu vực biên giới phía Bắc được trở về nhà an toàn. Ông Gallant cho rằng, khả năng đạt được thỏa hiệp với Hezbollah không còn, do nhóm này tiếp tục liên kết chặt chẽ với lực lượng Hamas và từ chối chấm dứt chiến sự.

Theo truyền thông Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng đã đưa ra quan điểm tương tự trong cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ khi nhấn mạnh rằng cần phải có một sự thay đổi căn bản về tình hình an ninh tại mặt trận phía Bắc mới có thể đảm bảo cho 60.000 cư dân Israel được trở về nhà an toàn.

Trước đó, Thủ tướng Israel nhiều lần tuyên bố sẵn sàng mở cuộc tấn công tổng lực vào Lebanon để trấn áp Hezbollah, buộc nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn phải thoái lui ra xa khỏi đường biên giới chung Israel-Lebanon.

Các cuộc giao tranh ác liệt qua biên giới kéo dài hơn 11 tháng qua giữa quân đội Israel và Hezbollah đã khiến hơn 600 người chết, hàng nghìn người bị thương và buộc hàng chục nghìn cư dân dọc hai bên biên giới Israel-Lebanon phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Dư luận khu vực cũng như quốc tế lo ngại lần đối đầu quân sự đẫm máu này có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai bên, tương tự như cuộc chiến thảm khốc mùa hè năm 2006 khiến hàng nghìn người thương vong.

Nguồn: CafeF; Bnews; BBC; VOA; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang