.jpg)
MƯA BÃO, 27 NGƯỜI CHẾT
Ít nhất 27 người thiệt mạng và nhiều nhà cửa bị tàn phá khi mưa bão và lốc xoáy quét qua các bang miền Nam và Trung Tây nước Mỹ.
Giới chức Mỹ cho biết mưa bão và lốc xoáy quét qua các bang Missouri, Kentucky và Virginia của Mỹ trong đêm 16 rạng sáng 17-5 (giờ địa phương), khiến gần 2.000 người chịu cảnh mất điện. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ thông báo có 28 cơn lốc xoáy trong ngày 16-5. Lốc xoáy tàn khốc càn quét bang Kentucky, hất tung xe cộ và phá hủy nhà cửa, khiến nhiều người mất chỗ ở.
Hình ảnh chụp từ trên không cho thấy cảnh tượng đổ nát ở quận Laurel sau khi cơn lốc xoáy san phẳng toàn bộ các dãy nhà thành từng mảnh, trong khi đó nhiều ô tô bị đập nát hoặc đè bẹp do lốc xoáy.
Với cảnh sát trưởng quận Laurel - ông John Root, thảm cảnh trên là "một sự kiện gây nhiều thương vong". Ông Root cho biết có rất nhiều người bị thương nặng và các đội cứu hộ vẫn đang tìm kiếm những người còn sống sót.
Thống đốc Kentucky Andy Beshear cho biết ít nhất 17 người thiệt mạng ở quận Laurel, 1 người thiệt mạng ở quận Pulaski.
Trong số người thiệt mạng có Thiếu tá Roger Leslie Leatherman thuộc Lực lượng cứu hỏa quận Laurel khi cố gắng ứng phó giông bão và lốc xoáy vào khoảng nửa đêm 16-5.
Thống đốc Kentucky dự báo số người chết vẫn có thể tăng. Ngoài ra, còn có 10 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Trong khi đó, lãnh đạo Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Kentucky Eric Gibson nói rằng hàng trăm ngôi nhà bị hư hại. Ông Gilbert Acciardo - người phát ngôn của Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Laurel, thông tin rằng lốc xoáy được xác định ở cấp "EF5" - cấp độ mạnh nhất trong thang đo ở Mỹ. "Nhà cửa của người dân bị phá hủy hoàn toàn" - ông Acciardo nói.
Theo lời kể của bà Kayla Patterson, sự việc "thật kinh khủng" khi "nghe thấy tiếng mọi thứ xé toạc ở xa, kính vỡ khắp nơi". Khi xảy ra lốc xoáy, bà Kayla Patterson, chồng và năm đứa con co ro trong một bồn tắm ở tầng hầm.
Sau đó, nhà chức trách phong tỏa một số đoạn của hai chục tuyến đường ở bang Kentucky, một số tuyến có thể phải sau một vài ngày mới đi lại được.
Trước đó, giông bão kèm theo lốc xoáy cũng quét qua TP St. Louis ở bang Missouri, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 38 người bị thương. Ngoài ra, có 2 người thiệt mạng do giông bão kèm lốc xoáy ở quận Scott, phía Đông Nam bang Missouri.
Thị trưởng TP St. Louis Cara Spencer cho biết khoảng 5.000 căn nhà bị hư hại nghiêm trọng.
Một cư dân TP St. Louis Joan Miller kể lại khoảnh khắc cơn lốc xoáy tấn công ngôi nhà của bà: "Gió bắt đầu thổi, cây cối ở phía trước rung lắc dữ dội. Đột nhiên tất cả cửa đóng sầm lại, cửa sổ phòng ngủ văng ra ngoài".
Theo trang web PowerOutage.us, đến ngày 17-5, hơn 63.000 hộ gia đình ở Missouri và 58.000 ở Kentucky vẫn chưa có điện.
Trong khi đó, cơ quan thời tiết dự báo mưa bão có thể tấn công Texas và Oklahoma vào chiều ngày 17-5, sau đó đến phía Tây Nam Oklahoma và một số vùng của Arkansas, Louisiana và Texas vào đêm 17-5. Cơ quan thời tiết cảnh báo có thể có mưa đá và gió giật mạnh.
CHÍNH SÁCH NHẬP CƯ VÀ QUỐC TỊCH MỸ: TỪ QUÁ KHỨ RỘNG MỞ VÀ SỰ THẮT CHẶT DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG TRUMP 2.0
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump đánh dấu một sự thay đổi đáng kể về chính sách nhập cư với những động thái ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
Các chính sách về nhập cư và quốc tịch của luôn là một trong những vấn đề cốt lõi, phức tạp và gây nhiều tranh cãi trong lịch sử chính trị Mỹ. Từ những ngày đầu lập quốc tới nay, nước Mỹ chứng kiến nhiều sự thay đổi liên quan tới các chính sách này nhằm phản ánh sự biến động trong kinh tế, xã hội, an ninh và bản sắc của quốc gia này.
Hiến pháp Mỹ trao Quốc hội quyền thiết lập một bản quy tắc về nhập tịch thống nhất, nhưng việc diễn giải và thực thi quyền lực này đã tạo ra một bức tranh với nhiều chính sách đa dạng và thường xuyên mâu thuẫn xuyên suốt quá trình phát triển của Mỹ. Gần đây, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump đánh dấu một sự thay đổi đáng kể theo hướng hạn chế và siết chặt kiểm soát nhập cư, với những chính sách gây nhiều ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng với số lượng du học sinh tại Mỹ đạt top 5 thế giới, cùng một cộng đồng Việt kiều đông đảo tại đây.
Từ khung pháp lý đầu tiên
Lịch sử chính sách nhập cư và quốc tịch của Mỹ có nền tảng pháp lý lâu đời, khởi nguồn từ Hiến pháp năm 1787 và tiếp tục được phát triển thông qua nhiều đạo luật liên bang. Hiến pháp trao quyền cho Quốc hội thiết lập một bản quy tắc thống nhất về nhập tịch, từ đó trở thành khung pháp lý đầu tiên cho vấn đề quốc tịch Mỹ - Đạo luật Nhập tịch năm 1790. Đạo luật này là nền tảng ban đầu, ở đó giới hạn cho phép “những người da trắng tự do” có phẩm chất đạo đức tốt và đã cư trú tại Mỹ ít nhất hai năm được nhập tịch Mỹ.
Ngay từ đầu, sự phân biệt chủng tộc có thể được thấy khá rõ ràng và được phát triển trong thế kỷ XIX và XX, trong thời điểm làn sóng người nhập cư từ châu Âu gia tăng để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá của Mỹ. Năm 1882, Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc (Chinese Exclusion Act) trở thành đạo luật đầu tiên ngăn chặn một nhóm dân tộc cụ thể nhập cư vào Mỹ, với mục tiêu nhằm bảo vệ việc làm cho người lao động bản xứ và thể hiện các định kiến chủng tộc thời bấy giờ.
Tới đầu thế kỷ XX, hạn ngạch quốc gia liên quan tới người nhập cư được thắt chặt hơn nữa, với Đạo luật nhập cư năm 1924 (Immigration Act of 1924), có tên gọi khác là Đạo luật Johnson-Reed được thông qua. Đạo luật này ưu tiên người Bắc và Tây Âu, hạn chế người từ Nam và Đông Âu, và gần như cấm hoàn toàn người châu Á. Đạo luật này cũng có thể cho thấy mối quan tâm mới của Mỹ bấy giờ, chính là ý thức hệ, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng sâu sắc của Liên Xô.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, những thay đổi mang tính nhân đạo hơn đã được thể hiện tại Đạo luật nhập cư và quốc tịch năm 1965 (Immigration and Nationality Act of 1965, hay Đạo luật Hart-Celler), bãi bỏ hệ thống hạn ngạch quốc gia phân biệt đối xử, đồng thời thiết lập một hệ thống ưu tiên dựa trên đoàn tụ gia đình và kỹ năng nghề nghiệp. Đạo luật được thiết lập nhằm tạo ra một hệ thống quốc tịch công bằng hơn, bên cạnh đó đề cao mục tiêu phát triển kinh tế với mối quan tâm nhiều hơn tới chuyên môn và kỹ năng của người nhập cư.
Đạo luật này thúc đẩy một lượng lớn người nhập cư từ các khu vực khác ngoài châu Âu như người châu Á và Mỹ Latinh, tạo ra một bức tranh dân cư mới cho nước Mỹ. Tuy vậy, đến thập niên 1990 và sau sự kiện khủng bố 11/9, xu hướng kiểm soát nhập cư gia tăng rõ rệt. Đạo luật Cải cách nhập cư bất hợp pháp và Trách nhiệm người nhập cư năm 1996 (Illegal Immigration Reform and Immigrant Responsibility Act of 1996) và Đạo luật Patriot năm 2001 (USA Patriot Act) gia tăng quyền lực cho cơ quan hành pháp trong việc trục xuất, từ chối nhập cư, và giám sát người nhập cư, đáp ứng nhu cầu về an ninh gia tăng tại Mỹ.
Ngoài ra, Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, được phê chuẩn năm 1868, đảm bảo quyền công dân dựa trên nơi sinh (birthright citizenship) cho hầu hết những người sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ, cũng là một nguyên tắc nền tảng, nhưng cũng trở thành vấn đề tranh cãi bởi các chính sách mới trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Có thể thấy, các chính sách trong quá khứ, như các chính sách phân biệt, hạn ngạch về chủng tộc, hay cả những mối lo ngại về an ninh, đã trở thành một trong những tiền lệ và nền tảng cho các nỗ lực hạn chế nhập cư và nhập tịch dưới thời tổng thống Donald Trump.
Những thay đổi dưới thời Tổng thống Donald Trump
Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017 - 2021), Tổng thống Donald Trump với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” đã ưu tiên việc siết chặt biên giới, hạn chế nhập cư cả hợp pháp và bất hợp pháp trong các chính sách nhập cư và quốc tịch của Mỹ.
Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký các sắc lệnh hành pháp nhằm thực hiện cam kết tranh cử. Sắc lệnh Hành pháp 13769, thường được gọi là “lệnh cấm đi lại”, ban hành vào tháng 1/2017, đã đình chỉ nhập cảnh đối với công dân từ bảy quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Dù vướng nhiều tranh cãi và thách thức pháp lý từ Toà án Liên bang, chính sách này sau được sửa đổi và vẫn được Toà án Tối cao phê chuẩn năm 2018. Chính sách này có sự tương đồng với Đạo luật loại trừ người Trung Quốc khi nhắm vào một quốc tịch cụ thể, tuy có sự khác biệt về mục tiêu là an ninh quốc gia.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng tìm cách hạn chế việc nhập cư bất hợp pháp thông qua xây dựng tường biên giới với Mexico, củng cố lập trường cứng rắn về an ninh biên giới cũng nhưng thể hiện một chính sách “không khoan nhượng” đối với các vấn đề này. Năm 2018, chính sách này thúc đẩy việc truy tố hình sự tất cả những người trưởng thành vượt biên trái phép và chia cắt nhiều gia đình, đồng thời vấp phải tranh cãi cả trong nước và quốc tế. Theo thống kê, hơn 2600 trẻ em đã bị tách khỏi gia đình vào thời điểm cao trào thực thi chính sách này.
Đối với nhập cư hợp pháp, chính quyền Tổng thống Trump cũng tạo ra những hạn chế, như việc thực hiện quy định về “gánh nặng xã hội” (public charge rule) gây khó khăn cho những người nhập cư có thu nhập thấp hoặc sử dụng trợ cấp công cộng trong việc xin thẻ xanh hoặc gia hạn thị thực. Chính sách này hướng tới việc giảm gánh nặng tài chính cho chính phủ Mỹ, nhưng lại ảnh hưởng nặng nề tới người nhập cư có thu nhập thấp như từ Mỹ Latinh và Đông Nam Á, đồng thời cũng giảm lượng người tị nạn được nhận vào Mỹ xuống mức kỷ lục.
Trong nhiệm kỳ thứ hai này (2025 - 2029), Tổng thống Donald Trump còn có chương trình nghị sự về vấn đề nhập cư và quốc tịch cứng rắn hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Chính quyền Trump 2.0 đề xuất sửa đổi Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp, chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh của trẻ em được sinh ra tại Mỹ nhằm loại trừ con của những người nhập cư không có giấy tờ. Chính sách này quy định, chỉ những đứa trẻ có ít nhất bố hoặc mẹ là công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp tại Mỹ mới có quyền công dân Mỹ.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump cũng áp dụng các chính sách cứng rắn đối với người nhập cư không có quốc tịch Mỹ, ngay cả khi những người này đã sống hàng thập kỷ tại Mỹ, đã được tăng tốc thông qua hệ thống tòa di trú đặc biệt. Theo ước tính của Trung tâm Niskanen vào năm 2024, hơn 700.000 người có thể bị xem xét trục xuất do nhiều lý do khác nhau.
Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng đề xuất chương trình “Golden Citizenship”, với cơ hội cấp quốc tịch Mỹ cho những người nước ngoài có thể đầu tư 5 triệu USD trở lên vào quốc gia này. Chính sách này khá tương đồng với chương trình EB-5, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đủ điều kiện nhận “thẻ xanh” nếu họ đầu tư một số tiền đáng kể (1.050.000 USD hoặc 800.000 USD) tại các khu vực cần làm việc mục tiêu. Chính sách này cho thấy mối quan tâm của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với kinh tế, đặc biệt khi đẩy cao yêu cầu về tài chính cũng như tạo điều kiện để thu hút đầu tư thông qua các chính sách về quốc tịch. Tuy vậy, sự nhấn mạnh vào yếu tố tài chính có thể dẫn tới sự thương mại hoá quyền công dân, nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng trong hệ thống nhập cư tại Mỹ.
Bên cạnh đó, vào ngày 9/5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã mở ra một cách khác trong vận dụng công cụ tài chính, khi ký một sắc lệnh hành pháp trong khuôn khổ sáng kiến “Dự án hồi hương”, khi chi trả tới 1000 USD cùng hỗ trợ về di chuyển cho những người nhập cư tự nguyện rời khỏi nước Mỹ. Diễn biến này cũng cho thấy tầm quan trọng và tính linh hoạt của các công cụ tài chính trong các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt ở chính sách nhập cư của Mỹ.
Triển vọng thời gian tới
Những chính sách mới về nhập cư và quốc tịch cho thấy sự suy yếu của nguyên lý bình đẳng trong quốc tịch, cũng như xu hướng chính trị của Tổng thống Donald Trump. Nhiều yếu tố trong nền chính trị Mỹ sẽ tiếp tục tác động đến các chính sách này, nhưng rõ ràng nhất có thể thấy, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục có lập trường cứng rắn trong vấn đề nhập cư và quốc tịch. Tuy vậy, chính sách sẽ được kiềm chế bởi sự phản đối của một nghị sĩ cũng như các chủ thể khác.
Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế, xã hội hiện có, cùng sự phân cực sâu sắc trong Quốc hội Mỹ, một chính sách hay một đạo luật thống nhất với quan điểm thắt chặt nhập cư và quốc tịch của Tổng thống Donald Trump sẽ khó được thông qua. Việc thực thi các chính sách này cũng sẽ vướng phải nhiều trở ngại, khi chính các bang vào tháng 1/2025 vừa qua đã kiện Tổng thống Trump vì sắc lệnh hạn chế quyền quốc tịch của trẻ em sinh ra tại Mỹ, từ chối thực hiện sắc lệnh này tại bang của mình.
Tuy vậy, các chính sách thắt chặt có thể vẫn sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực tới người nhập cư và nhập tịch Mỹ, như việc Cơ quan An sinh xã hội Mỹ gần đây đã liệt hơn 6.300 người nhập cư vào danh sách “khai tử”, vô hiệu hoá số an sinh xã hội và chính thức chấm dứt cuộc sống về mặt giấy tờ của những người này. Tổng thống Trump sẽ sử dụng nhiều công cụ khác ngoài luật pháp từ Quốc hội, mới đây là công cụ thuế làm đòn bẩy để đàm phán ngoại giao, đặc biệt là với hai quốc gia Canada và Mexico. Hai quốc gia với nền xuất khẩu phụ thuộc phần lớn vào Mỹ này đã được yêu cầu phải thắt chặt an ninh biên giới và nhập cư nếu có mong muốn thuế quan được giảm trong thương mại song phương.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể tận dụng mối quan tâm về an ninh đang nhận được sự đồng thuận lớn cả nền chính trị Mỹ, từ đó phát triển các chính sách nhập cư cực đoan hơn theo hướng đảm bảo an ninh quốc gia. Với quan điểm chính trị thực dụng của mình, Tổng thống Trump cũng có thể sẽ mở cửa cho công cụ tài chính trong lĩnh vực hành pháp, nâng cao khả năng cho một chính sách thương mại hoá quốc tịch tại Mỹ.
Có thể thấy, chính sách nhập cư và quốc tịch của Mỹ có một lịch sử phức tạp, với nhiều chính sách khác nhau, kể cả mở cửa và hạn chế đối với nhập cư vào Mỹ. Chính sách của thời kỳ Tổng thống Donald Trump là sự vận dụng những yếu tố từ lịch sử, kết hợp cùng với quan điểm chính trị thực dụng và sự ưu tiên đối với tài chính trong chính sách đối nội và đối ngoại.
Xu hướng chính được chỉ ra trong thời Tổng thống Trump 2.0 vẫn là thắt chặt các chính sách về nhập cư và quốc tịch và điều này tạo ra nhiều khó khăn và thách thức đối với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là sinh viên, người lao động và những thường trú nhân chưa có cơ sở hợp pháp tại quốc gia này. Sự thay đổi chính sách của Mỹ sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ tới nhiều mặt của thế giới, yêu cầu cần phải có sự theo dõi thường xuyên và đưa ra các đối sách thích hợp nhằm ứng phó với sự thay đổi của nền kinh tế, chính trị và quốc phòng hàng đầu này.
LÊN KẾ HOẠCH LOẠI BỎ MÁY BAY CẢNH BÁO SỚM AWACS: CUỘC CÁCH MẠNG HAY RỦI RO?
.jpg)
Quân đội Mỹ vẫn chưa chắc chắn liệu vệ tinh có thể thay thế AWACS về mặt chức năng, nhưng giới chính trị gia đang thúc đẩy đổi mới.
Việc tạo ra phiên bản F-35 hai động cơ mang tên F-55 không phải là ý tưởng duy nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông trong lĩnh vực chiến tranh trên không. Các nguồn tin tiết lộ với Aviation Week rằng Nhà Trắng đang xem xét việc không cấp ngân sách cho Không quân Mỹ để mua các máy bay E-7 Wedgetail, một dòng máy bay thuộc hệ thống cảnh báo sớm và điều khiển trên không (AWACS).
Theo Defense Express, điều này trên thực tế đồng nghĩa với việc dần loại bỏ hệ thống radar giám sát trên không để chuyển sang các giải pháp dựa trên vệ tinh. Tuy nhiên, ý tưởng này dường như không mang lại kết quả tích cực và bị đánh giá là một đổi mới đầy rủi ro trong lĩnh vực tác chiến trên không, mặc dù vẫn nhận được sự ủng hộ từ Văn phòng Tổng thống.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bước đi cụ thể nào nhằm hủy bỏ việc mua E-7 Wedgetail, nhưng các cuộc thảo luận đã bắt đầu. Theo kế hoạch ban đầu, Không quân Mỹ sẽ nhận hai chiếc Boeing E-7 đầu tiên vào năm 2028, với tổng trị giá 1,2 tỷ USD. Dòng máy bay này dự kiến sẽ thay thế E-3 Sentry - một máy bay từng rất được đánh giá cao nhưng đã lỗi thời. Việc hủy bỏ kế hoạch này, trong khi không có phương án thay thế nào khác, sẽ khiến các hệ thống giám sát và điều hành chiến đấu dựa trên máy bay sớm phải "nghỉ hưu", và toàn bộ chức năng của chúng sẽ được chuyển sang các vệ tinh - một hướng tiếp cận mới do chính quyền Tổng thống Trump đề xuất.
Tuy nhiên, đề xuất này đang gặp phải sự phản đối từ phía Không quân Mỹ. Một số nguồn tin cho biết, ngoài chức năng trinh sát radar, AWACS vẫn rất cần thiết cho nhiệm vụ điều hành và kiểm soát chiến đấu.
Tạp chí Defense News dẫn lời một số sĩ quan cấp cao trong Không quân Mỹ tiết lộ rằng việc mua sắm dòng máy bay AWACS mới vẫn sẽ được tiếp tục. Những phát biểu này cho thấy lo ngại rằng nếu từ bỏ các máy bay trinh sát radar, quân đội Mỹ có thể đánh mất một trong những công cụ tác chiến hiệu quả nhất trên không.
Defense Express cũng cho rằng cần phải cân nhắc thêm nhiều khía cạnh khác. Dù việc chuyển khả năng phát hiện máy bay địch (và các mục tiêu khác) - vốn là nhiệm vụ chính của AWACS - lên không gian nghe có vẻ thú vị, nhưng trên thực tế lại vấp phải không ít vấn đề kỹ thuật.
Ví dụ, một hệ thống thay thế dựa trên vệ tinh cần phải đảm bảo mật độ giám sát phù hợp tại các khu vực không phận được chỉ định, đồng thời truyền dữ liệu một cách tin cậy đến các phi công hoặc đội ngũ phòng không dưới mặt đất. Quan điểm bảo thủ rằng nên tiếp tục tin cậy vào AWACS trong các chiến dịch trên không - dù có thể bị coi là lỗi thời - vẫn có nhiều lý do chính đáng để tồn tại.
Chắc chắn rằng E-7 Wedgetail không phải không có vấn đề. Chẳng hạn, mức giá ban đầu do Boeing đưa ra cho loại máy bay này bị cho là quá cao, đến mức Lầu Năm Góc đã phải nhờ đến Shay Assad - một cựu quan chức phụ trách mua sắm nổi tiếng với khả năng "mặc cả cứng rắn" - để đàm phán, theo một bài viết của Defense One.
Tuy nhiên, câu hỏi then chốt đặt ra là: liệu các vấn đề tài chính có nên được ưu tiên hơn hiệu quả chiến đấu đã được kiểm chứng, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay và Mỹ đã tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương? Sự chuyển hướng này kéo theo một cuộc tái trang bị quy mô lớn, chuyển từ xe thiết giáp hạng nặng sang phương tiện cơ động nhẹ, chú trọng hải quân và tăng cường khả năng răn đe bằng các đòn tấn công chính xác.
VÙNG VỊNH TRANH NHAU LẤY LÒNG TRUMP, VÌ SAO?
Nếu các quốc gia vùng Vịnh tổ chức một cuộc thi về người được nhiều người yêu thích ngay lúc này, Tổng thống Donald Trump chắc chắn giành giải nhất.
Các quốc gia vùng Vịnh chào đón nồng nhiệt Tổng thống Trump
Tổng thống Donald Trump đã được chào đón nồng nhiệt tại Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới khu vực này.
Tại Riyadh, Thái tử Saudi Mohammed bin Salman đã phá vỡ nghi thức hoàng gia khi đích thân chào đón tổng thống trên đường băng. Đoàn xe hộ tống Tổng thống Trump từ sân bay Doha của Qatar là những chiếc xe điện Tesla màu đỏ và đoàn người cưỡi ngựa.
Như đó vẫn chưa đủ, một đoàn lạc đà hoàng gia đã chào đón ông Trump bên ngoài hoàng cung Amiri Diwan. Phát biểu với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, Tổng thống Trump nói rõ rằng ông rất ấn tượng về chuyến thăm.
"...Đây là loại đá cẩm thạch hoàn hảo", ông Trump nói, tay chỉ vào các bức tường và cột trụ của cung điện. “Đây là thứ mà người ta gọi là hoàn hảo".
"Chúng tôi trân trọng những chú lạc đà đó”, ông nói thêm. "Tôi đã không nhìn thấy những chú lạc đà như thế trong một thời gian dài. Và thực sự, chúng tôi rất trân trọng điều đó".
Còn tại Abu Dhabi, nhà lãnh đạo UAE Mohammed bin Zayed đã trao tặng người đồng cấp Mỹ Giải thưởng Zayed, danh hiệu dân sự cao nhất của quốc gia này.
Chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Trump có sức thu hút mạnh mẽ, cho thấy sự giàu có vượt bậc của các quốc gia dầu mỏ giàu có nhất trong khu vực và các nước này sẵn sàng chi nhiều tiền để tăng cường mối quan hệ với Mỹ cũng như thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế song phương.
Những con số này mang tính lịch sử. Qatar và Mỹ đã nhất trí về một “cuộc trao đổi kinh tế” trị giá 1,2 nghìn tỷ USD; Saudi Arabia cam kết đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ và các dự án lớn đã được ký kết với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, sau khi Abu Dhabi cam kết vào tháng 3 về một khuôn khổ đầu tư trị giá 1,4 nghìn tỷ USD trong 10 năm tại Mỹ.
Vẫn còn một số nghi ngờ về việc liệu những con số đó có thực tế hay không, đặc biệt là trong giai đoạn giá dầu thấp và doanh thu yếu hơn cho các nước sản xuất dầu thô. Và một số thỏa thuận, như đơn đặt hàng kỷ lục 210 máy bay Boeing của Qatar và thỏa thuận vũ khí trị giá 142 tỷ USD của Saudi Arabia với Mỹ — thỏa thuận vũ khí lớn nhất từng được ký kết — có thể sẽ mất nhiều thập kỷ để có kết quả.
Nhưng thông điệp ở đây rất rõ ràng: Các quốc gia vùng Vịnh muốn là nước đầu tiên hợp tác với Mỹ, dù là trong lĩnh vực kinh doanh, quân sự hay công nghệ.
Mục đích của các quốc gia Vùng Vịnh là gì?
Tarik Solomon, thành viên hội đồng quản trị và cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Saudi Arabia, nói rằng: “Vùng Vịnh luôn thân thiết hơn với những vị tổng thống coi trọng doanh nghiệp và Tổng thống Trump hoàn toàn phù hợp với khuôn mẫu đó".
"Ông ấy [Donad Trump] vẫn tượng trưng cho dòng tiền nhanh, quốc phòng lớn và khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ. Vì vậy, nếu việc làm thân với ông ấy giúp đảm bảo một vị trí tại bàn của trật tự thế giới tiếp theo, thì Vùng Vịnh đang mang đến chiếc ghế mạ vàng".
Một số nhà quan sát cho rằng, ba nước vùng Vịnh đang cạnh tranh với nhau để giành được thiện cảm của Tổng thống Trump. Nhưng nhiều người trong khu vực cho rằng đây là sự liên kết chiến lược lâu dài.
Ahmed Rashad, Phó giáo sư kinh tế tại Diễn đàn Nghiên cứu Kinh tế có trụ sở tại Abu Dhabi, cho biết: “Tôi không coi những thông báo kinh tế lớn là cuộc cạnh tranh giữa ba nước; thay vào đó, chúng phản ánh cuộc cạnh tranh với các khu vực khác — ví dụ như Châu Âu — để có mối quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền Mỹ".
"Các thỏa thuận kinh tế có vẻ quan trọng để tăng sức hấp dẫn của chuyến thăm Trung Đông. Mặt khác, động cơ chính của các nước GCC [Hội đồng hợp tác vùng Vịnh] dường như là tăng cường quan hệ với Mỹ và đảm bảo quyền tiếp cận các công nghệ tiên tiến", ông Rashad nhấn mạnh.
Cảm giác thân thiết thực sự diễn ra ở Saudi Arabia nói riêng, nơi Tổng thống Trump và Thái tử Mohammed bin Salman dành nhiều lời khen ngợi lẫn nhau trong các bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Mỹ-Saudi Arabia.
Sự kiện được tổ chức tại khách sạn xa hoa Ritz-Carlton Riyadh, có sự tham dự của nhiều CEO hàng đầu của Mỹ, bao gồm Elon Musk của Tesla, Jensen Huang của Nvidia và Larry Fink của BlackRock.
Trong khi đó, tại UAE, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Emirati Mohammed bin Zayed ca ngợi tình bạn cá nhân của họ và liên minh hơn 50 năm giữa hai quốc gia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới UAE kể từ khi Tổng thống George W. Bush đến thăm quốc gia này vào năm 2008.
UAE dường như đã gặt hái được thành quả từ sự thay đổi trong cách tiếp cận. Mỹ đã có một thỏa thuận sơ bộ với UAE để cho phép nước này nhập khẩu lần đầu tiên 500.000 chip H100 của Nvidia mỗi năm — loại chip tiên tiến nhất mà công ty Mỹ sản xuất. Điều này sẽ đẩy nhanh khả năng xây dựng các trung tâm dữ liệu cần thiết để cung cấp năng lượng cho các mô hình AI của tiểu vương quốc sa mạc này.
TÀI ĐÀM PHÁN CỦA TRUMP
.jpg)
Hai nhân vật nổi bật nhất trong thời sự quốc tế tuần này là tổng thống Mỹ Donald Trump và Đức giáo hoàng Lêô XIV vừa nhậm chức ở Vatican.
Những hoạt động ngoại giao dồn dập của chính quyền Trump
The Economist phân tích « Donald Trump có phải là một nhà đàm phán giỏi hay không ? ». Ông Trump muốn tranh thủ nhiệm kỳ hai để thay đổi hẳn nước Mỹ và quan hệ đối với thế giới. Ông lao vào một loạt hoạt động thương lượng từ châu Âu, châu Á đến Trung Đông. Đây có thể là chiến dịch ngoại giao dồn dập nhất của Nhà Trắng kể từ một thế hệ.
Phải nhìn nhận rằng tổng thống Mỹ đầy tham vọng và rất năng động. Ngày 06/05, Trump ký thỏa thuận với phe Houthi, ngày 10/05 ông loan báo dàn xếp được ngưng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan. Hôm sau, đặc sứ Mỹ gặp các quan chức Iran về hồ sơ nguyên tử. Ngày 12/05, tuyên bố tạm hoãn chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Và hiện nay Donald Trump đang ở vùng Vịnh, thông báo dỡ bỏ trừng phạt Syria, bàn bạc về Gaza, thúc giục Nga và Ukraina gặp gỡ tại Istanbul.
Trump tả xung hữu đột. Ông cho triển khai lực lượng, oanh kích 1.000 mục tiêu của Houthi ; thường xuyên đưa ra những đe dọa như có thể tấn công Iran, bỏ rơi Ukraina, làm NATO yếu đi, áp thuế 145 % lên Trung Quốc gây ra cú sốc làm Wall Street suy sụp. Sau khi leo thang thô bạo sẽ đến lượt hòa giải, tìm ra các lợi ích chung thường là thông qua thương mại. Ngày 30/04, Donald Trump ký thỏa thuận khoáng sản với Ukraina. Vòng công du Trung Đông hứa hẹn những hợp đồng khổng lồ về chiến đấu cơ, trí thông minh nhân tạo...
Sự thực dụng của tổng thống có thể mang lại kết quả. Việc giúp Syria tránh khỏi sụp đổ, theo The Economist là quyết định đúng đắn. Trung Đông khao khát tăng trưởng - một yếu tố ông Trump đã khai thác để đi đến thỏa thuận Abraham giữa Israel và nhiều nước Ả Rập trong nhiệm kỳ đầu. Các nước NATO dưới cú sốc đã tăng ngân sách quốc phòng, chỉ số S&P 500 đã lên trở lại từ sau quả bom « Ngày giải phóng » hôm 02/04.
Từ hiến binh quốc tế thành nhà môi giới đơn thuần
Vấn đề là sau khi tạo ra khủng hoảng, Donald Trump hiếm khi giải quyết được rốt ráo. Hưu chiến với Trung Quốc chỉ liên quan đến thuế quan, nhưng chiến tranh thương mại rộng lớn hơn nhiều. Chi tiết thỏa thuận với Houthi không được công bố, nhưng có thể chỉ liên quan đến tàu Mỹ vốn chiếm một phần rất nhỏ trong số tàu container đi qua kênh đào Suez. Thương lượng với Iran chỉ về việc làm giàu uranium, nhưng không nói đến công nghệ hỏa tiễn lẫn việc Teheran hỗ trợ các tổ chức dân quân ở nước ngoài, như vậy không rộng rãi bằng thỏa thuận thời Obama mà Trump đã rút khỏi năm 2018.
Mọi hòa bình bền vững ở Ukraina cần có sự răn đe mạnh mẽ đối với Nga trong nhiều năm trời, nhưng ông Trump làm ngơ trước điều hiển nhiên này. Các thỏa thuận chỉ là tạm thời vì những bất đồng sâu sắc chưa được giải quyết. Hưu chiến ở Gaza chỉ kéo dài được 58 ngày, Houthi tiếp tục bắn hỏa tiễn sang Israel, thỏa thuận với Bắc Kinh có giá trị trong 90 ngày, đề nghị ngưng bắn ở Ukraina giới hạn trong 30 ngày.
Những cuộc đàm phán vụng về sẽ gây ảnh hưởng lâu dài. Khi nhượng bộ quá dễ dàng trước lời đe dọa dùng vũ khí nguyên tử của Pakistan và bỏ qua việc nước này nuôi dưỡng khủng bố, coi như Hoa Kỳ khuyến khích Ấn Độ tấn công nhanh và mạnh hơn trong lần tới. Sau khi lùi bước trong thương chiến, ông Trump nói đến cơ hội thống nhất, dù chính quyền nhanh chóng đính chính nhưng cũng làm Đài Loan sợ hãi. Về lâu về dài, các nhà đầu tư chùn chân vì những quyết định kinh tế thiếu nhất quán, thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại nhưng đồng đô la thì không, giao thông hàng hải chưa trở lại bình thường.
Nỗi hoài nghi cũng đè nặng lên ngoại giao. Các nhà lãnh đạo nước ngoài công khai nịnh bợ ông Trump nhưng sau lưng thì khác. Chiến thuật leo thang rồi thương lượng của ông rồi sẽ bớt tác dụng khi một số nước kết luận chỉ là đòn gió của Mỹ. Một số đàm phán sẽ thành công, nhưng với cái giá bất ổn lâu dài. The Economist cho rằng tóm lại, một loạt động thái vừa qua của tổng thống Trump đã biến Mỹ thành nhà môi giới chứ không phải là nhà bảo trợ của thế giới.
Trump giúp « Make China Great Again »
Riêng về quan hệ Mỹ-Trung, xã luận của Le Point mỉa mai « Make China Great Again ». Theo tuần báo, được cuộc chiến tranh kinh tế của Donald Trump giúp Trung Quốc thủ lợi và đẩy nhanh việc gầy dựng một trật tự quốc tế chống phương Tây.
Thương chiến đã cho thấy ưu thế của một chế độ toàn trị khi tiến hành một chính sách lâu dài, đã chuẩn bị đối đầu, trước một nền dân chủ đã chuyển sang phi tự do. Donald Trump trở thành bậc thầy của nghệ thuật « lose » (thất bại). Kết quả chính của 100 ngày vừa qua đã đặt lại Trung Quốc vào hàng đầu trên trường quốc tế, trong khi trước đó kinh tế Hoa lục đang u ám.
Trump phá dỡ tất cả những gì làm nên sự ưu việt và tính hấp dẫn của Hoa Kỳ : ổn định chính trị thông qua tôn trọng Hiến Pháp, sự vững chắc của Nhà nước pháp trị, một nền kinh tế thị trường quy củ, sự năng động của khoa học và các trường đại học, sự thống trị của đồng đô la, sức sống và tính sáng tạo của một xã hội ngày nay chìm trong sợ hãi. Bên cạnh đó là hệ thống các đồng minh nay thất vọng trước một nước Mỹ chỉ quan tâm đến lợi ích chính mình. Trong khi đó Trung Quốc đã tính toán kỹ những đòn trả đũa, lao vào cuộc đua sáng tạo. Donald Trump là món quà quý nhất của nước Mỹ dành cho « giấc mơ đại phục hưng Trung Hoa » của Tập Cận Bình.
Trung Quốc giành được lợi thế trong thương chiến, các nước còn lại ra sao ?
The Economist cho biết trong khi bộ trưởng tài chánh Mỹ thương lượng đến tối mịt với Trung Quốc ở Thụy Sĩ đêm 11/05, các nhà đàm phán của nhiều nước trên thế giới bay đến Washington đã thất vọng khi các đối tác Mỹ đang ở nước ngoài, các cuộc họp bị hoãn lại hay bị hủy. Hoa Kỳ có tham vọng ký kết 90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày, nhưng cho đến nay chỉ mới ký được với Anh và Trung Quốc. Trong cả hai trường hợp, thuế quan đều giảm xuống, và cả hai nước trên đều không nhượng bộ nhiều đối với Mỹ. Số 88 quốc gia còn lại ra sức vận động, nhưng không ê-kíp nào tồn tại lâu ở đầu danh sách.
Từ giữa tháng Tư, chính quyền Trump dành ưu tiên cho khoảng 20 nền kinh tế. Trong số đó có những đối tác thương mại lớn bị ảnh hưởng nặng vì « thuế đối ứng », như Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, Việt Nam. Sau khi thủ tướng Nhật có tuyên bố làm mất lòng, Ấn Độ được đôn lên nhưng rốt cuộc diễn tiến quá chậm chạp. Một viên chức Việt Nam than thở, có cảm giác như cánh cửa mở ra mỗi lần đều thu hẹp lại. Một yếu tố nữa là Trung Quốc : các nước thứ ba phải cố gắng làm hài lòng cả hai cường quốc - các nhà đàm phán Mỹ thường đặt câu hỏi họ xử sự với Bắc Kinh ra sao.
Đức giáo hoàng người Mỹ của cuộc cách mạng kỹ thuật số
Hình ảnh tân Giáo hoàng Lêô XIV tươi cười chiếm trang bìa Le Point, La Croix Hebdo, Le Figaro Magazine và nhiều trang trong của các tuần báo khác. Đối với Le Point, Lêô XIV là « Giáo hoàng của một thế giới mới », Le Figaro cho rằng ngài mang lại « đầy hứa hẹn cho Giáo hội ». Nếu Lêô XIII là Đức giáo hoàng của cuộc cách mạng kỹ nghệ, thì Lêô XIV là Đức giáo hoàng của cách mạng kỹ thuật số.
Courrier International dịch bài viết của New York Times, nhấn mạnh Đức giáo hoàng Lêô XIV là người Mỹ đầu tiên được bầu vào chức vụ này. Quyết định của 133 Hồng y cử tri, vào ngày thứ hai của mật nghị, đã dập tắt định kiến xưa nay là không bao giờ mật nghị bỏ phiếu cho một Đức giáo hoàng xuất thân từ siêu cường số một thế giới vốn đã có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với quốc tế. La Croix nhấn mạnh vẻ mặt đầy xúc động của tân Giáo hoàng và lời kêu gọi hòa bình của ngài, đúng tầm vóc của nhà lãnh đạo giáo hội, và dành 10 trang cho album hình ảnh về một cuộc đời bỗng chốc đã thay đổi.
Le Point nhận xét vị Giáo hoàng trẻ sinh ở Mỹ nhưng có thêm quốc tịch Pêru, nói thông thạo tiếng Tây Ban Nha, Ý, và tất nhiên tiếng La-tinh, biết tiếng Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, bên cạnh ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Anh. Người kế vị Thánh Phêrô còn từng lãnh đạo dòng Augustinô gần gũi với người nghèo. Như vậy xuất hiện trên balcon đại giáo đường hôm ấy và trên trường quốc tế là Giáo hoàng hoàn vũ đầu tiên. Giáo sư Massimo Faggioli cho rằng tầm nhìn quốc tế của ngài khác với những người tiền nhiệm.
Người ta còn khám phá rằng tân Giáo hoàng thích chơi quần vợt, tự nấu ăn trong lúc còn phục vụ ở nhiệm sở cũ, thường xuyên du hành. Phải chăng đây là khởi đầu của hiện tượng « leomania » (ngưỡng mộ Đức giáo hoàng Lêô XIV) ? Hồng y người Pháp François Bustillo cho biết ngài là một người « biết cách làm việc theo ê-kíp, lắng nghe tất cả mọi người và sau đó tổng hợp lại ».
« America First » và một Giáo hoàng hoàn vũ
Tuần san Le Nouvel Obs dự báo « Đối mặt với Trump, Đức giáo hoàng Lêô XIV có thể làm thay đổi thế trận ». Ngài nhắc lại lời Thánh Augustinô « Trong Đấng duy nhất, chúng ta là một ». Donald Trump mới vài ngày trước đăng bức ảnh do trí thông minh nhân tạo chế ra trong trang phục giáo hoàng, chắc chắn không ngờ rằng sẽ bị một đồng hương chiếm lấy vai trò số một trên trường quốc tế khác, một người Mỹ sẽ ngự trị trên 1,4 tỉ tín đồ ; và càng không dự kiến đó là một nhà lãnh đạo phản đối chính sách dân tộc chủ nghĩa của ông.
Từ giáo dân Mỹ cho đến các chính khách ở Washington đều chưa hình dung được tầm vóc của sự kiện. Sự hồ hởi dành cho Đức giáo hoàng Lêô XIV là vô cùng lớn, trừ thế giới MAGA. Những người như Steve Bannon, cựu cố vấn của Donald Trump chẳng hạn chẳng hạn coi vị giáo hoàng kết nối ba châu lục hoàn toàn không theo ý tưởng « America First ». Theo chuyên gia Christopher White, Donald Trump không hiểu nhiều về giáo hội công giáo nên ông chỉ phát biểu ngắn gọn, nhưng có thể Trump sẽ e ngại một đối thủ cũng là người Mỹ trên trường quốc tế.
Trong suốt hai thế kỷ, Hoa Kỳ và Vatican hoạt động như các « đế chế song song », với vùng ảnh hưởng khác nhau. Tổng thống Ronald Regan và Đức giáo hoàng Gioan Phao lô II đã cùng chống lại chủ nghĩa cộng sản, rồi sau đó quan hệ với Vatican căng thẳng dưới thời George W. Bush do chiến tranh Irak. Joe Biden giữ tấm ảnh Đức giáo hoàng Phanxicô ở Phòng Bầu dục, nhưng J.D. Vance đến Vatican với tâm thế khác. Ngày càng tự cô lập, chính phủ Mỹ đang trên con đường đối đầu với Tòa Thánh. Nhưng một nhân vật từ Hoa Kỳ nay phụ trách một vương quốc bao trùm cả thế giới, đề cao lòng nhân ái, có thể là một « game changer ».
Hồ sơ tình báo tiết lộ Nga phá hoại Pháp trên đủ mọi phương diện
Tại châu Âu, số báo đặc biệt của L'Express tiết lộ « Putin gây bất ổn cho nước Pháp như thế nào ». Từ đánh cắp máy tính, đe dọa nguyên tử, gây mất điện cho đến gián điệp...mỗi ngày Nga đều tấn công Pháp - theo như một hồ sơ tình báo. Đó là một hồ sơ nhạy cảm gồm 16 trang dành riêng cho các bộ trưởng, do nhiều cơ quan tình báo quân đội và dân sự cùng phối hợp soạn thảo vào tháng Ba và tháng Tư vừa qua, mang tiêu đề « Những mối đe dọa và hoạt động chống lại Pháp của Nga ». Một loại sách đen về Putin ở Pháp.
Vì không được phổ biến, nên công chúng không mấy ý thức về nguy cơ này. Tuy vậy ngay từ phần giới thiệu có thể đọc thấy « Khả năng oanh kích bằng hỏa tiễn quy ước vào lãnh thổ quốc gia là chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh lạnh ». Trên trời, dưới biển, trong các cơ quan chính phủ, trên không gian mạng...khắp nơi đều có những chứng cứ cho thấy người của Vladimir Putin tìm cách phá hoại Pháp.
Theo báo cáo, « Nga tiến hành các hoạt động có thể gây hậu quả trực tiếp lên cuộc sống người Pháp như mưu toan phóng hỏa trung tâm thương mại, phá cáp viễn thông dưới đáy biển, tấn công mạng vào thiết bị vệ tinh, vào cơ sở hạ tầng quan trọng, gây rối cho việc tổ chức xã hội, dọ thám các định chế Pháp... ». Điểm mới kể từ khi xâm lăng Ukraina là Nga dám làm tất cả mọi chuyện.
Các phòng thí nghiệm của Trường Quân sự bách khoa, CNRS (cơ quan nghiên cứu quốc gia) bị nhắm đến, các kỹ sư trong ngành quốc phòng bị theo dõi, bị đánh cắp máy tính. Trên lãnh vực thuần túy quân sự, tài liệu tiết lộ Nga triển khai các loại vũ khí mới có thể tấn công Pháp, với sự trợ giúp của những nước như Iran, Bắc Triều Tiên ; đây là mối nguy thực sự. Hồi tháng 3/2024, một vụ tấn công mạng của Nga đã làm tê liệt hoạt động các cơ quan hành chánh trong suốt một ngày. Tính dễ tổn thương của cơ sở hạ tầng công là một chủ đề được quan tâm, tuy nhiên bọn tin tặc cũng thường xuyên cải tiến các mã độc.
Không có phép lạ ở Istanbul
Liên quan đến cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ về chiến tranh ở Ukraina, Courrier International nhận định « Không có phép lạ ở Istanbul », ngoài việc Kiev và Matxcơva đồng ý trao đổi 1.000 tù binh mỗi bên – một niềm an ủi nho nhỏ, nhưng không có lịch trình cụ thể. Cuộc đối thoại chỉ diễn ra chưa đầy hai tiếng đồng hồ, bộ trưởng quốc phòng Ukraina có vẻ rất tức giận khi ra khỏi cuộc họp. Nga hoàn toàn không muốn hưu chiến, chỉ muốn được nói chuyện với Donald Trump, và mục đích chính là câu giờ - theo El Pais. Le Monde cho rằng hãy còn xa, rất xa với một hòa đàm lớn dưới sự thúc đẩy của Washington và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian, thậm chí có sự tham dự của châu Âu.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng có mặt ở Istanbul hôm thứ Sáu, nhưng không đến dinh Dolmabahçe, chỉ tiếp xúc với nhiều đối tác và các cố vấn của tổng thống Pháp, thủ tướng Anh và Đức, họ đến để vận động trong hậu trường. Trưởng đoàn đàm phán Nga, Vladimir Medinsky tỏ ra rất thô bạo, bác bỏ tất cả những yêu cầu của Ukraina, yêu sách nhiều hơn cả lần thương lượng đầu tiên. Như vậy chỉ còn cách đối đầu, trên tiền tuyến lẫn mặt trận ngoại giao. Các nhà lãnh đạo châu Âu họp tại Tirana cho rằng thái độ của Nga là « không thể chấp nhận được », kêu gọi Donald Trump cứng rắn hơn với Matxcơva và chuẩn bị gia tăng trừng phạt.
Nguồn: CafeF; Báo Quốc Tế; Người Đưa Tin; Soha; RFI
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá