Mỹ: Giảm lãi suất; Cú sốc vụ Trump bị ám sát hụt; Trump 'mắc bẫy' Harris; Giữ vị thế ở Trung Đông; Bác đề xuất lập NATO của châu Á

VÌ SAO MỸ GIẢM LÃI SUẤT LÚC NÀY VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã lần đầu giảm lãi suất trong bốn năm vào hôm 18/9. Điều này ảnh hưởng đến bạn ra sao?

Việc giảm lãi suất đã được nhiều người dự báo từ trước. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến lãi suất thế chấp, thẻ tín dụng và khoản tiết kiệm của hàng triệu người dân Mỹ và thậm chí là người dân trên toàn thế giới.

Fed đã giảm lãi suất cho vay chính xuống nửa điểm phần trăm, xuống mức từ 4,75% đến 5%.

Các khoản thế chấp, vay mua xe hơi và các khoản nợ khác bị tác động ra sao?

Lãi suất cho vay chính của Fed là mức lãi suất mà Fed tính đối với các ngân hàng khi vay.

Mức này cũng đặt ra mức cơ sở cho lãi suất mà các công ty tính cho người dân Mỹ để vay các khoản như thế chấp hoặc các khoản nợ khác, chẳng hạn dư nợ thẻ tín dụng chưa thanh toán.

Mức lãi suất đó đã dao động quanh mức 5,3% trong hơn một năm qua - mức cao nhất kể từ năm 2001.

Đợt cắt giảm này sẽ khiến những người đi vay cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Tuy nhiên, những người gửi tiết kiệm có thể không vui khi nhiều ngân hàng sẽ giảm lãi suất của họ.

Lãi suất thế chấp tại Mỹ trước đó đã giảm một ít, phần nào đến từ việc dự báo được Fed sẽ giảm lãi suất.

Điều này tác động gì đến thế giới?

Ngoài ra, một số ngân hàng trung ương có tiền tệ neo giá với đồng USD thường sẽ ra quyết định giống Fed, chẳng hạn như ở Hong Kong hoặc các quốc gia vùng Vịnh. Do đó, người dân ở những nơi này cũng sẽ cảm nhận được sức ảnh hưởng.

Đối với nhiều người bên ngoài nước Mỹ và đang đầu tư vào chứng khoán Mỹ, đây có thể là một tin tốt.

Đầu tiên, việc giảm lãi suất có nghĩa là các công ty có thể vay với chi phí ít hơn để tái đầu tư, tạo ra lợi nhuận lớn hơn.

Thứ hai, lãi suất thấp hơn có nghĩa là việc gửi tiết kiệm và một số loại đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn hơn, vì vậy các nhà đầu tư có xu hướng chuyển tiền của họ sang các kênh khác như cổ phiếu.

Tại sao Fed lại cắt giảm lãi suất lúc này?

So với các ngân hàng trung ương khác, Fed hơi muộn trong việc cắt giảm lãi suất.

Châu Âu, Vương quốc Anh, New Zealand và Canada cũng như nhiều ngân hàng ở các thị trường mới nổi đã giảm lãi suất trước đó.

Đối với Fed, họ cắt giảm hoặc tăng lãi suất để ứng phó với hai thứ: lạm phát và việc làm.

Vào năm 2022, khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, các quan chức tập trung vào lạm phát và muốn giá tiêu dùng ổn định trở lại. Giá tiêu dùng khi đó đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980.

Việc tăng lãi suất thường khiến giá cả giảm.

Vì việc vay trở nên khó khăn hơn nên mọi người chi ít hơn cho mọi thứ, từ hàng tiêu dùng đến nhà cửa và trang thiết bị kinh doanh.

Nhưng khi nhu cầu giảm cũng có nghĩa là nền kinh tế đã không hẳn tăng trưởng nhanh. Nếu nền kinh tế chậm lại quá mức và bắt đầu co lại thì đó là khi suy thoái xảy ra.

Trước đây, nền kinh tế Mỹ thường rơi vào suy thoái sau một loạt lần tăng lãi suất, khiến hàng triệu người mất việc làm.

Trong năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng cao khi tuyển dụng giảm mạnh.

Vậy Fed cắt giảm lãi suất vì họ đã chiến thắng cuộc chiến chống lạm phát hay vì nền kinh tế đang gặp nguy?

Nhiều nhà phân tích cho rằng là vì Mỹ đã chống lạm phát thành công. Lạm phát giá cả nằm ở mức 2,5% vào tháng 8/2024.

Các quan chức nói họ ngày càng tin rằng lạm phát đang quay trở lại bình thường, vì vậy sự chú ý của họ đang chuyển sang những rủi ro đối với thị trường việc làm.

Các quan chức cũng khẳng định cuộc bầu cử năm nay không tác động đến quyết định giảm lãi suất này.

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã theo dõi chặt chẽ các động thái của Fed trong hai năm và việc giảm lãi suất có thể sẽ giúp ích cho Đảng Dân chủ khi đảng này nắm quyền.

Nhưng chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần nói rằng họ tập trung vào dữ liệu kinh tế chứ không phải chính trị khi đưa ra quyết định của mình.

Việc cắt giảm nửa điểm phần trăm có phải là điều bất ngờ?

Động thái này chắc chắn đã gây bất ngờ.

Trước cuộc họp của Fed, các nhà phân tích đã tranh luận xem liệu Fed sẽ công bố mức cắt giảm 0,25 điểm phần trăm hay sẽ cắt giảm lớn hơn và bất thường hơn là 0,5 điểm phần trăm.

Hầu hết tin rằng mức giảm 0,25 điểm phần trăm là khả thi nhất nhưng điều đó đã không xảy ra.

Đối với một ngân hàng đã cố gắng truyền tải các động thái của mình một cách rõ ràng trước đó, động thái này gây ngạc nhiên cho nhiều người.

 

 

CÚ SỐC SAU 2 LẦN TRUMP BỊ ÁM SÁT HỤT

Nhiều nước trên thế giới lo ngại rằng nền dân chủ Mỹ đã rạn nứt tới điểm giới hạn và cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sẽ không kết thúc trong êm đẹp.

Trong 9 năm kể từ khi ông Donald J. Trump bước chân vào chính trường, nước Mỹ trong mắt người dân trên toàn thế giới dần mang hình ảnh một quốc gia lục đục, ẩn chứa nhiều sự khó lường. Hai lần ám sát hụt nhắm vào vị cựu Tổng thống càng nêu bật nỗi quan ngại của phương Tây về nguy cơ bất ổn dẫn đến bạo lực và nội chiến ở Mỹ.

Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ thái độ "rất lo lắng" và "rất đỗi băn khoăn" trước vụ ông Trump bị ám sát hụt tại sân golf chưa đầy 50 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và chỉ 2 tháng sau sự việc tương tự ở bang Pennsylvania.

"Bạo lực không có chỗ trong bất kỳ tiến trình chính trị nào", ông Starmer nói.

Hoài nghi số phận nền chính trị Mỹ

Nhiều quốc gia trên thế giới đang lo ngại rằng cuộc bầu cử vào tháng 11 tới sẽ không có kết thúc tốt đẹp và nền dân chủ Mỹ đã rạn nứt đến điểm bùng nổ.

Chẳng hạn, theo giáo sư lịch sử người Pháp Corentin Sellin, "tình trạng bạo lực hóa trong nền chính trị Mỹ" đã khiến Pháp "tự hỏi liệu chiến dịch tranh cử tổng thống có thể kết thúc trong hòa bình hay không".

Ông Sellin nói nước Pháp đã choáng váng trước việc người ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol tại Mỹ vào ngày 6/1/2021. Lúc này ở Pháp, người ta vẫn "cho rằng câu chuyện bắt đầu từ cuộc bạo loạn đó vẫn chưa kết thúc" và sẽ chỉ ngã ngũ sau cuộc bầu cử ngày 5/11 tới.

Theo New York Times, mối đe dọa bạo lực luôn là một phần cốt lõi trong những thông điệp ông Trump đưa ra.

Ngay từ lúc này, cựu Tổng thống đã gieo rắc nghi ngờ về kết quả cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới. Trong các phát ngôn của mình, ông liên tục đưa ra lời kêu gọi "đấu tranh" và sử dụng từ ngữ gây kích động để hạ thấp người nhập cư. Ngay trước khi xảy ra cuộc bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1, ông từng thúc giục người ủng hộ "chiến đấu đến cùng".

Đáp trả, đảng Dân chủ mô tả ông Trump là mối đe dọa trực tiếp đối với nền dân chủ Mỹ, và là "mối đe dọa đối với nền tự do của chúng ta", theo lời Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ.

Nhưng một số người ở châu Âu lại nhìn nhận mọi thứ theo hướng rất khác.

“Họ đã làm đủ mọi cách”, Andrea Di Giuseppe, nhà lập pháp thuộc đảng cánh hữu Brothers of Italy của Thủ tướng Giorgia Meloni, nói. “Họ cố hạ bệ ông Trump bằng các phiên tòa, bằng những lời bóng gió, bằng lời đe dọa ‘nếu Trump thắng, nền dân chủ sẽ cáo chung’. Sau cùng, khi không còn cách nào hiệu quả, họ đã cố sát hại ông ấy”.

Sau vụ ám sát hụt lần 2, Carsten Luther, biên tập viên quan hệ quốc tế, bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự tồn vong của nền dân chủ Mỹ trong bài viết trên tờ báo Đức Die Zeit. “Đã xuất hiện những lời cảnh báo về khả năng bùng nổ nội chiến, và chúng không còn nghe viển vông như trước”, ông viết.

“Cơn bão hoàn hảo”

Tương tự Mỹ, một số xã hội phương Tây như ở Pháp và Đức cũng chia rẽ sâu sắc, cũng xuất hiện các đảng cực hữu, bài ngoại tung ra thông điệp giống ông Trump. Nhưng các quy định ngặt nghèo về súng đạn tại châu Âu đã kiềm hãm mức độ bạo lực chính trị.

Félix Maradiaga, cựu ứng viên tổng thống Nicaragua và hiện là nghiên cứu viên tại Đại học Virginia, cho biết tình trạng chia rẽ, tâm lý hẹp hòi, và độ phổ biến rộng khắp của súng đạn tại Mỹ đã tạo ra "cơn bão hoàn hảo".

"Cả thế giới đang dõi theo cuộc bầu cử. Nguy cơ lần này đã lên đến đỉnh điểm", ông nói thêm.

Câu hỏi lúc này là đối đầu chính trị ở Mỹ còn có thể bạo lực đến mức nào? Đối với nhiều người trên khắp thế giới, có vẻ như cuộc bầu cử hiện nay đang chứa đựng mầm mống xung đột.

“Chính trị Mỹ đang xảy ra một dạng quá trình phi chính danh hóa lẫn nhau, tức là đối thủ chính trị của chúng ta không còn là đối thủ chính trị thông thường nữa, mà là kẻ thù đe dọa sự sống còn”, Mario Del Pero, giáo sư Lịch sử Mỹ và Quốc tế tại Đại học Sciences Po ở Paris, đánh giá.

Cuộc đối đầu cốt lõi trong các xã hội phương Tây không còn xoay quanh những vấn đề nội bộ. Đó đã trở thành cuộc chiến giữa “toàn cầu hóa” và “quốc gia”, giữa những người sống kết nối trong nền kinh tế tri thức với những người bị bỏ lại phía sau ở vùng nông thôn và khu công nghiệp điêu tàn.

Những điểm yếu bộc lộ trong nền dân chủ Mỹ đã gây ra nhiều phản ứng trên toàn thế giới, từ sự hả hê của một số nước “không thân thiện” cho đến tâm lý lo lắng của châu Âu. Rất ít quốc gia đang phát triển hiện còn muốn học hỏi từ Mỹ về cách điều hành xã hội.

Một phần thế giới đang lo lắng. Thời điểm bầu cử chỉ còn cách nay chưa đầy 50 ngày, nhưng có vẻ vẫn là khoảng thời gian quá dài.

"Rốt cuộc thì những người duy nhất có tiếng nói sau cùng là người dân Mỹ", ông Di Giuseppe, nhà lập pháp người Italy, cho biết. "Nếu muốn đánh bại một người mà bạn cho là không đủ tư cách điều hành nước Mỹ, bạn phải đánh bại người đó trong một hệ thống dân chủ thông qua bầu cử, không phải qua đường tòa án hay súng Kalashnikov".

 

 

CÁCH ÔNG TRUMP BỊ HARRIS GÀI BẪY: 7 BANG CHIẾN ĐỊA QUYẾT ĐỊNH THẮNG THUA Ở BẦU CỬ

Cuộc tranh luận hôm 10/9 giữa ông Trump và bà Harris gay cấn ngay từ đầu. Dù có lúng túng ban đầu nhưng bà Harris đã nhanh chóng kiểm soát được và "giăng bẫy" đối thủ của mình.

Cuộc tranh luận giữa ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris diễn ra trong bối cảnh rất gần cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 5/11) và cuộc đua giữa hai ứng viên đang là rất sát sao cũng như còn nhiều ẩn số phía trước.

Bước vào tranh luận trực tiếp hôm 10/9 có những tỷ lệ thăm dò dư luận sát sao nhưng cũng có những sự đảo chiều.

Thứ nhất là đa phần các thăm dò dư luận đều cho rằng bà Kamala Harris dẫn điểm ở cả ở tầm quốc gia, toàn liên bang và một số bang chiến trường. Nhưng cũng có thăm dò dư luận ngay trước tranh luận của New York Times (NYT) lại cho rằng bắt đầu có sự chững lại của bà Kamala Harris và có sự vươn lên, nhỉnh lên của ông Donald Trump.

Hai ví dụ rất điển hình của hai người nổi tiếng về dự đoán bầu cử của Mỹ thì cũng ngược nhau trước tranh luận. Một là Giáo sư sử học Allan Litchman - người bằng công thức của mình, đã dự đoán từ những giữa những năm 1980 cho đến nay, chỉ sai 1 lần trong 10 cuộc bầu cử - cho rằng bà Harris sẽ thắng.

Trong khi đó, chuyên gia về thăm dò dư luận bầu cử tổng thống Mỹ rất có uy tín là ông Nate Silver thì lại dự đoán là ông Trump sẽ thắng và thậm chí là đặt tỷ lệ là 64% cho khả năng ông Trump thắng cử.

Cuộc tranh luận của sự đối lập

Bước vào tranh luận, nhìn vào quá trình vận động tranh cử và tuyên bố chính sách của hai bên thì thấy rõ ràng rằng hai ứng viên bước vào cuộc tranh luận với rất nhiều thứ đối ngược nhau.

Thứ nhất là về tuổi tác, giới tính, phong cách. Trong đó, tuổi tác có một sự đối ngược và đảo chiều so với cuộc tranh luận trước đây giữa ông Trump và Tổng thống Joe Biden: hiện giờ ông Trump lại ở thế già yếu (78 tuổi), trong khi đó, bà Kamala Harris mới 59 tuổi và thể hiện sự năng động.

Về phong cách cá nhân thì rõ ràng bà Harris điềm tĩnh hơn, năng động hơn và có những chuẩn bị cho bầu cử kỹ lưỡng, cả về phong cách, chính sách và cả cách tiếp cận làm sao để có thể chiến thắng ông Trump và tranh thủ cử tri.

Trong khi đó ông Trump vẫn giữ những chính kiến và cách tiếp cận của mình, đó là lời nói hoa mỹ về chủ thuyết nước Mỹ trên hết một cách rất mạnh.

Trước khi bước vào tranh luận, dư luận và cử tri Mỹ đều đã biết về ông Trump. Ông đã trải qua một quá trình tranh cử suốt từ đầu năm cho đến nay và ông đã từng làm một nhiệm kỳ Tổng thống. Ông đã tham gia 3 cuộc tranh cử liên tiếp. Đặc biệt là với cuộc bầu cử năm 2024 này, ngay từ đầu năm ông đã bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình.

Do vậy, kì vọng và tò mò nhất của cử tri là hướng vào bà Harris.

Bà Harris mới chỉ bắt đầu "xuất hiện" từ ngày 21/7, khi ông Biden rút khỏi cuộc đua. Mặc dù bà có sự hưng phấn và nhanh chóng quy tụ được sự ủng hộ trong đảng, nhưng thực sự là cử tri và dư luận chưa biết nhiều về bà.

Bà chưa tham gia vào các cuộc tranh luận ở tầm liên bang nhiều nên cử tri đặt rất nhiều dấu hỏi và chờ xem bà ấy sẽ trình diễn như thế nào.

Về cuộc tranh luận thì rõ ràng đây là một cuộc tranh luận gay cấn từ đầu đến cuối, về phong cách, về chính sách và cả về chỉ trích cá nhân.

Cuộc tranh luận đã thể hiện sự gay cấn ngay từ lúc đầu khi hai ứng viên đã trình bày ngay chính sách kinh tế rất khác nhau. Bà Harris thì muốn xây dựng một nước Mỹ hướng tới tương lai tươi sáng dựa vào phát triển kinh tế cho tất cả mọi người, dựa vào những giá trị của nước Mỹ và xử lý những vấn đề về xung đột để bảo đảm đoàn kết.

Còn ông Donald Trump cho rằng hình ảnh một nước Mỹ dưới thời bà Kamala Harris và ông Joe Biden là một nước Mỹ đen tối cần phải được thay đổi, bao gồm những thất bại về kinh tế, giá cả và lạm phát, câu chuyện liên quan đến đối ngoại, những cuộc khủng hoảng diễn ra dưới thời kỳ của ông Joe Biden và bà Harris như là ở Trung Đông hay Ukraine và đặc biệt xoáy vào câu chuyện rút quân khỏi Afghanistan.

Thứ hai, là trên các vấn đề quan trọng chủ chốt thì nổi lên một số nội dung. Đó là kinh tế, trong đó có lạm phát và giá cả; vấn đề nhập cư, trong đó kiểm soát biên giới, có vấn đề công ăn việc làm và tội phạm; vấn đề về phụ nữ, đặc biệt là vấn đề về nạo phá thai; vấn đề đối ngoại, liên quan đến Trung Đông và Ukraine. Ngoài ra là một loạt những vấn đề khác như là vấn đề chủng tộc, biến đổi khí hậu…

Và có thể thấy là hai bên khác biệt nhau, rất đối lập nhau về quan điểm trên những vấn đề chủ chốt này.

Về kinh tế thì bà Harris đưa ra chương trình Kinh tế hướng tới cơ hội cho mọi người thông qua câu chuyện đánh thuế vào những tập đoàn lớn nhưng có điều chỉnh. Mặc dù không nói chi tiết trong buổi tranh luận nhưng trong chính sách của bà Harris, mức thuế này sẽ là 28% so với mức hiện tại là 21% từ thời kỳ Trump.

Trước đó, trong tranh cử thì ông Biden muốn nâng lên là 39% vào các tập đoàn lớn và người giàu. Đồng thời cung cấp thêm trợ cấp và tín dụng để hỗ trợ cho việc nuôi con, mua nhà, giảm chi phí sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày.

Trong khi đó, ông Donald Trump nhấn mạnh thời kỳ kinh tế dưới thời ông cầm quyền phát triển một cách mạnh mẽ, tạo ra nhiều công ăn việc làm, lạm phát được kiểm soát.

Cộng với một nội dung nữa là chính sách kinh tế của ông sẽ hướng tới giảm thiểu những trở ngại cũng như giảm thuế cho các tập đoàn và các doanh nghiệp lớn để từ đó tạo ra động lực sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tạo công ăn việc làm và trả lương cho cho người dân để từ đó họ có thể trang trải cho cả cuộc sống lẫn phúc lợi xã hội.

Thậm chí ông nhắm vào việc giảm thuế cho các doanh nghiệp, cho các tập đoàn lớn, từ mức hiện nay 21% xuống 15%.

Hai bên cũng cọ xát trên một loạt các vấn đề mà cử tri quan tâm, như về nhập cư, kiểm soát biên giới, phụ nữ và quyền nạo phá thai, hay các giá trị dân chủ. Đối ngoại cũng là vấn đề được chú ý trong tranh luận lần này.

Trong câu chuyện về Gaza: bà Harris về cơ bản giữ lập trường tương tự như của ông Biden với những điều chỉnh nhất định. Tức là, ủng hộ quyền tự vệ của Israel, ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Nhưng bà tỏ ra bất bình rất lớn trước việc gây ra thảm họa nhân đạo đối với người Palestine và kêu gọi phải có giải pháp đình chiến ngay.

Trong khi đó, ông Trump cho rằng kể cả Ukraine lẫn ở Gaza, việc nổ ra những cuộc xung đột này chính là do sự thất bại và sự yếu kém trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden và Harris.

Ông cũng nhấn vào thời điểm khi ông còn cầm quyền, nước Mỹ ở thế mạnh và đã áp đặt lên cho các nước khác như thế nào.

Những lần bỏ lỡ cơ hội của ông Trump

Theo dõi cả quá trình đó và qua phản ứng của dư luận thì dường như là kết quả phiên tranh luận ngày 10/9 có sự thuận lợi hơn nghiêng về phía bà Harris.

Trong quá trình tranh luận bà Harris có đôi phút lúng túng ban đầu nhưng đã nhanh chóng kiểm soát được và giành được thế chủ động dẫn dắt cuộc tranh luận.

Sự dẫn dắt của bà Harris thể hiện được ở 2 điểm: Bà đã nói được những điểm mạnh của bà, nhất là những tuyên bố về chính sách. Thứ hai là bà tránh được những điểm yếu dễ bị đối phương tấn công như là câu chuyện về nhập cư, câu chuyện lạm phát và giá cả, hay cả câu chuyện là bà có khuynh hướng thiên tả. Bà Harris cũng dẫn dắt và tạo ra cái bẫy để ông Trump bị vướng vào.

Với ông Trump, nếu nhìn lại với các cuộc tranh luận thông thường và những vận động tranh cử của ông ấy thì rõ ràng là ông có kiểm soát hơn trong cách tiếp cận và cách trình bày.

Ông Trump có được giai đoạn đầu là bình tĩnh và nhấn được vào những vấn đề chính sách thuộc vào điểm yếu của bà Harris, trong đó có vấn đề về kinh tế. Nhưng khi bị rơi vào bẫy của bà Harris thì ông sa đà vào những lời lẽ khoa trương "kiểu Trump" và không nêu được những điểm yếu của đối thủ.

Ông đã lỡ cơ hội để nói được những điểm yếu của đối thủ mà đi vào tranh luận những điểm cụ thể nhưng không gây tác động ấn tượng cho cử tri.

Chẳng hạn như trong vấn đề kinh tế, ông đã bỏ lỡ cơ hội buộc bà với vấn đề giá cả đang lên cao. Ông Trump có đề cập đến việc bà Harris có một chương trình kinh tế mới, và đặt câu hỏi tại sao trong thời kỳ 3,5 năm làm Phó tổng thống, bà không thực hiện?

Ở nội dung này, đáng lẽ phải theo đuổi tiếp, "truy" bà Harris đến cùng. Hay là câu chuyện về nhập cư thì có rất nhiều những tệ nạn liên quan đến nhập cư nhưng không được nhấn vào.

Ông cũng bỏ lỡ thêm một cơ hội khi không "truy" tiếp bà Harris về vấn đề đối ngoại.

Bên cạnh đó, ông Trump lại vào quá sa đà vào vào những chi tiết "bẫy" mà đối thủ giăng ra như là các cuộc vận động tranh cử có số người bao nhiêu rồi những câu chuyện tranh cãi nhau rất là chi tiết liên quan đến nạo phá thai…

Rõ ràng trong cuộc tranh luận này, bà Harris đã được đánh giá là đã chủ động hơn và có phần thắng thế hơn.

Trong các thăm dò dư luận ngay sau cuộc tranh luận này, cao nhất là của CNN cho rằng phần thắng thuộc về bà Harris là 63% và 37% cho ông Trump. Đây là một sự đảo chiều so với cuộc tranh luận ngày 27/6 giữa ông Trump và ông Biden khi ông Trump được 67% và ông Biden 33%.

Nhiều bình luận khác thăm dò dư luận khác của các báo khác cũng đều đánh giá phần thắng là thuộc về bà Harris (từ hơn 50 % trở lên, còn ông Trump chỉ được hơn 30%).

Tác động của cuộc tranh luận với cuộc đua vào Nhà Trắng

Cuộc tranh luận này thực sự là được rất nhiều cử tri và dư luận Mỹ quan tâm, khác hẳn với cuộc tranh luận lần trước. So với cuộc tranh luận lần trước, hai ứng cử viên là ông Biden và ông Trump đều đã quá quen mặt và già nua.

Trong khi đó, cuộc tranh luận lần này có một bên rất mới, lại là nữ, trẻ, năng động đối lại với một bên là ứng viên đã cũ. Một bên là bà Kamala Harris được cho là thiếu kinh nghiệm trong chính trường cũng như là trong tranh luận với một ông Trump được cho là cựu trào trong trong truyền hình và truyền thông.

Với những đòn chỉ trích và thường là bất ngờ, khó dự đoán của ông Donald Trump thì bà Harris sẽ ứng phó ra sao?

Vì vậy, cử tri họ rất quan tâm và nếu như trước đây chỉ hơn 50 triệu người theo dõi tranh luận thì cuộc tranh luận lần này có gần 70 triệu người xem truyền hình theo dõi.

Về kết quả, phần thắng được đánh giá là nghiêng về bà Harris và trên thực tế đã tạo ra đà hưng phấn mới để bà đi vận động tranh cử, nhưng liệu phần thắng trong tranh cử này có làm thay đổi hoặc đảo chiều những lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới hay chưa thì tất cả các nhà bình luận, thăm dò dư luận đều cho rằng chưa thể xác định được.

Sau tranh luận, thăm dò dư luận về độ chênh giữa hai ứng cử viên này vẫn nằm trong khoảng 3 điểm % và vẫn nằm trong sai số có thể có. Cho nên, cuộc tranh cử sắp tới, cuộc đua sắp tới vẫn tiếp tục là rất sít sao.

Với ông Trump thì đương nhiên phần thắng không không nghiêng về phía ông ấy, nhưng đồng thời là ông Trump lại có lượng cử tri nòng cốt và rất nhiệt huyết ủng hộ.

Tuy không rộng rãi nhưng người ủng hộ ông Trump rất trung thành và sự trung thành này kéo từ đầu năm đến nay và kéo từ nhiệm kì một của ông ấy.

Do vậy, cuộc tranh luận này kết quả có tốt hay xấu thì chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động, mở rộng thêm số lượng cử tri ủng hộ ông Trump còn sẽ không ảnh hưởng đến lực lượng nòng cốt ủng hộ ông Trump, những người ủng hộ thuyết MAGA (Make America Great Again) của ông.

Với bà Harris, kỳ vọng của cử tri là qua cuộc tranh luận này hiểu rõ bà và chính sách cũng như cách lãnh đạo của bà trong tương lai với tư cách là một tổng thống nước Mỹ thì bà lại chưa làm rõ được điều đó.

Vậy thì chắc chắn là chặng đường phía trước vẫn sẽ là một kỳ bầu cử rất sát sao, cả hai phía cho đến nay vẫn chưa thể chắc chắn có được 270 phiếu đại cử tri để có thể trúng cử, dù phần thắng cuộc tranh luận này có nghiêng về bà Kamala Harris.

Trong các cuộc thăm dò dư luận, bà Harris vẫn chỉ nắm chắc trong tay khoảng 230 phiếu đại cử tri, trong khi ông Trump có thể ít hơn một chút. Như vậy mỗi một bên dù nhỉnh hay thấp hơn đều vẫn chưa đủ 270 phiếu đại cử tri để đắc cử.

Như vậy, cả hai sẽ phải tập trung vận động sát sao vào những bang chiến trường, vào những cử tri còn chưa quyết định ở các bang chiến trường này. Cho đến nay thì người ta tính đến 7 bang chiến trường bao gồm Pennsylvania, Wiscosin, Michigan, Arizona, Bắc Carolina, Georgia và Nevada.

Hiện tại, bà Kamala Harris đang dẫn điểm và có thể có cơ hội nhỉnh hơn qua các cuộc thăm dò dư luận. Số cử tri ủng hộ ông Trump, tuy chưa thể mở rộng, nhưng lại là những người trung thành trong 8 năm qua, trong khi tập hợp lực lượng của bà Harris mới được củng cố trong vòng 2 tháng qua, sau khi ông Biden rút. Tỉ lệ những người ủng hộ sẽ đi bầu trên thực tế vào ngày 5/11 là điều mà cả hai ứng viên đều rất quan tâm.

Kinh nghiệm từ 2 cuộc bầu cử gần đây, bao gồm cả năm 2016 ông Trump thắng hay là năm 2020 ông Biden thắng, cho thấy với các bang chiến trường này, phần thắng có đạt thì chỉ chênh nhau có khi cũng chỉ vài chục ngàn phiếu phổ thông.

Cuộc bầu cử tới là rất sát sao, bất cứ một sự thay đổi nào ở những bang tranh chấp cũng có thể dẫn đến những kết quả quan trọng cho các ứng viên, 10.000, 20.000, 30.000 phiếu là có thể đảo chiều cuộc đua.

 

 

MỸ QUYẾT GIỮ VỊ THẾ TẠI TRUNG ĐÔNG

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 19/9 cho biết Mỹ sẽ không thay đổi vị thế quân sự ở Trung Đông trong bối cảnh các cuộc tấn công ở Lebanon những ngày qua.

Lebanon và nhóm vũ trang Hezbollah đã cáo buộc Israel đứng sau các cuộc tấn công khiến các thiết bị liên lạc của Hezbollah phát nổ làm 37 người chết và khoảng 3.000 người bị thương.

Phát biểu với báo giới ngày 19/9, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh cho biết Mỹ sẽ không thay đổi vị thế quân sự của mình ở Trung Đông đồng thời nhấn mạnh Mỹ không muốn một cuộc xung đột lan rộng ở khu vực này.

Trong khi đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cùng ngày cảnh báo các bên về leo thang ở Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Hezbollah tiếp tục ở mức cao. Theo ông Miller, ưu tiên của Washington là tìm một giải pháp ngoại giao cho các vấn đề hiện nay ở Trung Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được cho là đã hoãn chuyến thăm Israel trong tuần tới do lo ngại leo thang căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Israel và Lebanon.

 

 

MỸ BÁC BỎ ĐỀ XUẤT THÀNH LẬP NATO TẠI CHÂU Á

Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng hiện chưa đến lúc để bàn về việc thành lập một liên minh quân sự giống tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Á như đề xuất của Nhật Bản.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Ishiba Shigeru, ứng viên hàng đầu cho vị trí kế nhiệm Thủ tướng Kishida Fumio, tuần trước đã kêu gọi thiết lập một "phiên bản NATO của châu Á" bằng cách thống nhất các thỏa thuận an ninh khác nhau trong khu vực thành một hiệp ước phòng thủ chính thức. Ông Ishiba cũng bày tỏ mong muốn Mỹ thảo luận sâu hơn về đề xuất này.

Tuy nhiên, phát biểu tại một hội nghị ở Washington trong tuần này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã bác bỏ đề xuất của ông Ishiba.

"Hiện vẫn còn quá sớm để nói về an ninh tập thể trong bối cảnh đó và [việc thành lập] nhiều thể chế chính thức hơn. Điều chúng tôi đang tập trung là đầu tư vào cấu trúc chính thức hiện có của khu vực và tiếp tục xây dựng mạng lưới các mối quan hệ chính thức và không chính thức này. Sau đó, chúng tôi sẽ xem mọi thứ đi đến đâu”, ông Kritenbrink chia sẻ với hãng thông tấn Nikkei của Nhật Bản.

Một quan chức Mỹ ẩn danh cũng tiết lộ, Washington hiện không tìm kiếm một phiên bản “NATO của châu Á” trong khu vực. Mặc dù quan chức này nói Mỹ muốn tránh tạo ra một "liên minh theo kiểu khối" ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng Washington đã dành nhiều thập kỷ để xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác và các thỏa thuận đa phương trong khu vực, khiến các nước đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc gay gắt phản đối vì tin đây là những bước tiến tới một "NATO của châu Á" trên thực tế.

Bắc Kinh đã chỉ trích Hiệp ước AUKUS giữa Australia, Anh và Hoa Kỳ cũng như diễn đàn Đối thoại an ninh 4 bên giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ là những nỗ lực của Washington nhằm "kích động đối đầu" trong khu vực. Việc NATO tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng bị Bắc Kinh lên án là “tạo ra căng thẳng, khơi dậy tâm lý chiến tranh Lạnh và xúi giục đối đầu giữa các khối ở Châu Á - Thái Bình Dương".

 

Nguồn: BBC; Zing News; Soha; VOV; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang