EU: Sinh viên thiếu chỗ ở; Căng thẳng với Thổ; Pháp đóng khu trượt tuyết, siêu thị dán mác 'lừa đảo'; Vụ sáp nhập ITA- Lufthansa

Sinh viên châu Âu đối mặt với tình trạng khan hiếm chỗ ở

(Ảnh minh họa).

Sinh viên châu Âu đang chuẩn bị bước cho năm học mới, thường là tuần cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, trong bối cảnh khan hiếm chỗ ở.

Thực trạng số lượng sinh viên nhiều hơn, có thêm nhiều sinh viên nước ngoài tới châu Âu du học, trong khi nguồn cung chỗ ở rất hạn chế đã làm cho giá thuê phòng tăng vọt. Năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều sinh viên vẫn chưa tìm được chỗ ở.

Tờ Tin tức Scotland hôm 11/0 dùng từ "khủng hoảng". Bài báo viết: "Hàng chục nghìn sinh viên sẽ bắt đầu năm học mới ở Scotland trong vài tuần tới, nhưng đối với nhiều sinh viên, lúc này vẫn là khoảng thời gian căng thẳng".

Thống kê cho thấy, "nhu cầu chỗ ở cho sinh viên tăng đều trong suốt những năm gần đây, kể cả với sinh viên nước ngoài tới Anh du học". Theo bài báo: "Sinh viên bản địa người Anh bị dồn vào thế khó, do sinh viên nước ngoài tới Anh du học thường là nhà giàu. Nhu cầu tăng mà nguồn cung không đủ, tất yếu giá thuê phải cao". Bài báo viết rằng "căn hộ cho sinh viên đã cho thuê kín từ nhiều tháng trước".

Nhiều yếu tố đang rất bất lợi cho sinh viên. Trước hết là số lượng sinh viên nhiều hơn. Tờ Tây Pháp cho biết, "năm học này nước Pháp có thêm 14.800 sinh viên, đưa tổng số sinh viên tại Pháp lên hơn 3 triệu". Trong khi đó, số lượng chỗ ở không tăng tương ứng. Giá vật liệu xây dựng làm cho các trường đại học khó xây thêm ký túc xá, nguồn thuê bên ngoài thậm chí còn bị thu hẹp. Theo bài báo, nhiều chủ có nhà cho sinh viên thuê đã "chuyển sang mô hình Airbnb, làm cho sinh viên khó thuê chỗ ở hơn".

Theo Luật Năng lượng của Pháp, "năm nay thêm 140.000 căn hộ nữa không đủ điều kiện cho thuê" do vẫn dùng hệ thống sưởi ấm quá cũ kỹ hoặc bởi tường quá mỏng không đủ cách nhiệt trong mùa đông.

Sinh viên nước ngoài gặp khó khi thường phải quyết định ngay từ khi chưa đặt chân tới châu Âu. Tờ Le Soir của Bỉ viết, do đó lý tưởng nhất vẫn là ký túc xá. "Các trường đại học có quỹ nhà tương đối thường lấy giá thuê thấp, khoảng 300 đến 450 Euro bao gồm cả điện nước cho một phòng riêng, nhưng khu phụ thì dùng chung". Việc thuê được chỗ ở gần trường còn một lợi ích nữa là giảm chi phí đi lại, tiền tàu xe có khi "lên tới 2.000 Euro một năm" nếu sống ở xa trường.

Và một lưu ý quan trọng là phải bắt đầu tìm kiếm chỗ ở từ sớm. Nhiều trường đại học cho đăng ký chỗ ở từ đầu tháng 7, do đó sinh viên không nên tìm chỗ ở vào thời điểm muộn, sắp vào năm học mới nghĩ tới chuyện thuê chỗ ở.

Căng thẳng EU - Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát vì chuyện gia nhập liên minh

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 16.9 cho biết Ankara có thể "chia tay" Liên minh châu Âu (EU) nếu cần thiết, giữa lúc nỗ lực của Ankara nhằm gia nhập khối tiếp tục gặp thách thức.

Hồi đầu tuần này, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một báo cáo cho biết quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp tục trong hoàn cảnh hiện tại, đồng thời kêu gọi EU khám phá "một khuôn khổ song song và thực tế" cho mối quan hệ giữa liên minh với Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ là ứng cử viên chính thức để gia nhập EU trong suốt 24 năm qua, nhưng các cuộc đàm phán về tư cách thành viên đã bị đình trệ trong những năm gần đây do lo ngại của liên minh về tình trạng vi phạm nhân quyền và tôn trọng pháp quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"EU đang cố gắng tách khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ đưa ra đánh giá về những diễn biến này và nếu cần thiết, chúng tôi có thể chia tay EU", Reuters dẫn lời ông Erdogan nói với các phóng viên trước khi lên đường sang Mỹ.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tuần cho biết báo cáo của Nghị viện châu Âu chứa đựng những cáo buộc và thành kiến vô căn cứ, đồng thời áp dụng cách tiếp cận "nông cạn và không có tầm nhìn xa" đối với mối quan hệ của nước này với EU.

Ông Erdogan trước đó đã nhận được cam kết từ Brussels về việc khôi phục quá trình đàm phán gia nhập EU - vốn đã được khởi động từ năm 2005 - để đổi lại việc Ankara đồng ý cho Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự NATO.

Đầu tháng này, quan chức phụ trách việc mở rộng của EU Oliver Varhelyi đã tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Ankara, ông Varhelyi nói rằng mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có “tiềm năng to lớn” để trở thành thành viên liên minh, EU cần phải nhìn thấy hành động giải quyết các vấn đề nhân quyền trước khi việc đàm phán tiếp tục.

Khu trượt tuyết ở Pháp đóng cửa vĩnh viễn vì thiếu tuyết

(Ảnh minh họa).

Một thị trấn Pháp quyết định dỡ bỏ cáp treo của mình gần núi Mont Blanc trên dãy Alps do tuyết rơi không đủ lớn, dẫn đến mùa trượt tuyết chỉ còn vài tuần và không mang lại lợi nhuận.

Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở La Sambuy "đóng cửa vĩnh viễn" vào ngày 10/9, theo thông báo trên trang web của thị trấn La Sambuy. "Cảm ơn tất cả vì mùa hè vừa qua và vì tất cả năm tháng tuyệt vời đã ở bên cạnh các bạn".

Thị trưởng La Sambuy, Jacques Dalex, nói với CNN rằng: "Trước đây, chúng tôi thường có tuyết từ đầu tháng 12 cho đến ngày 30/3 năm sau".

Nhưng mùa đông vừa rồi chỉ có "4 tuần tuyết rơi và thậm chí sau đó cũng không có nhiều tuyết", ông Dalex nói thêm. Điều đó có nghĩa là "đá và sỏi rất nhanh xuất hiện trên đường trượt".

Trong tháng 1 và 2 năm nay, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết của thị trấn chỉ có thể mở cửa chưa đầy 5 tuần và đang đối mặt với khoản lỗ vận hành hàng năm khoảng 530.000 USD, ông Dalex cho biết. Riêng việc duy trì cáp treo cũng tốn hơn 85.000 USD/năm.

La Sambuy không phải khu nghỉ dưỡng trượt tuyết duy nhất ở Pháp gặp khủng hoảng. Năm 2022, Saint-Firmin, một địa điểm trượt tuyết quy mô nhỏ khác ở dãy Alps, đã quyết định dỡ bỏ cáp treo trượt tuyết sau khi mùa đông ở đây giảm dần từ nhiều tháng xuống còn vài tuần.

Mùa đông ngắn hơn và tuyết rơi ít hơn ở châu Âu được cho là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Mountain Wilderness, nhóm hoạt động vì môi trường của Pháp, cho biết họ đã tháo dỡ 22 cáp treo trượt tuyết ở nước này kể từ năm 2001 và ước tính vẫn còn 106 cáp treo trượt tuyết bị bỏ hoang trên 59 địa điểm trên cả nước.

Theo báo cáo được công bố vào tháng 8 trên tạp chí khoa học Nature Climate Change, 53% trong số 2.234 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết được khảo sát ở châu Âu có khả năng "gặp rủi ro rất cao về nguồn cung tuyết" khi nhiệt độ toàn cầu nóng lên ở mức 2 độ C so với trước thời kỳ tiền công nghiệp, nếu không sử dụng tuyết nhân tạo.

"Mọi khu nghỉ dưỡng thể thao mùa đông ở Pháp đều bị ảnh hưởng bởi nóng lên toàn cầu", đặc biệt là những khu nghỉ dưỡng ở độ cao trung bình 1.000-1.500m, Thị trưởng Dalex cho biết.

Siêu thị Pháp dán mác ‘lừa đảo’ với các sản phẩm âm thầm giảm sản lượng và giữ nguyên giá bán

Giảm kích cỡ sản phẩm để không phải tăng giá là một chiêu trò thường thấy để lừa dối khách hàng của các nhà sản xuất khi không muốn mất doanh số lẫn lợi nhuận thời lạm phát.

Hãng tin CNN cho hay chuỗi siêu thị Pháp Carrefour mới đây đã quyết định dán nhãn cảnh báo lên tất cả các sản phẩm “giữ giá giảm lượng”, từ những thanh chocolate Lindt, gói trà Lipton cho đến hàng loạt các sản phẩm của nhà Unilever, Pepsi hay Nestle khác.

Cụ thể, Carrefour sẽ dán nhãn đối với các mặt hàng tiêu dùng bí mật giảm số lượng hay kích thước nhưng vẫn giữ nguyên giá hoặc thậm chí còn tăng cao hơn để đánh lừa khách hàng.

Hiện tượng giảm đơn vị sản phẩm này được các nhà kinh tế học gọi là "Thu hẹp do lạm phát" (Shrinkflation) khi các mặt hàng bị thu nhỏ về kích cỡ hoặc số lượng, hoặc thậm chí đôi khi thay đổi công thức, giảm chất lượng trong khi giá của mặt hàng trên vẫn như cũ hoặc tăng thêm.

Nguyên nhân chính là các hãng buộc phải cắt giảm đơn vị sản phẩm, bán ít hơn trên mỗi thành phẩm để giữ giá, qua đó tránh việc bị mất doanh số trong thời buổi lạm phát cũng như giữ được hình ảnh thương hiệu.

Thậm chí với danh nghĩa lạm phát lên cao, nhiều hãng dù giảm lượng nhưng vẫn nâng giá, bất kể giá nguyên liệu của một số mặt hàng đã được bình ổn.

Chính điều này đã khiến Carrefour quyết định có động thái dán nhãn “dằn mặt” các thương hiệu nhằm đạt được lợi thế trong cuộc đàm phán tháng 10/2023 tới đây về việc điều chỉnh giá bán với các nhà cung ứng.

“Mục đích của chúng tôi là khiến các nhà sản xuất xem xét lại chiến lược về giá của họ”, giám đốc truyền thông Stefen Bompais của Carrefour nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, CEO Alexandre Bompard của Carrefour cho biết các hãng sản xuất hàng tiêu dùng đang không hợp tác khi để vô số sản phẩm tăng giá dù nhiều nguyên liệu đã được bình ổn về chi phí.

Mác ‘lừa đảo’

Kể từ ngày 11/9/2023, Carrefour đã dán nhãn 26 mặt hàng tại Pháp với dòng chữ: “Sản phẩm này đã giảm lượng để giữ hoặc tăng giá bán cho nhà cung ứng”.

Ví dụ Carrefour cho hay một hộp trà đào không đường Lipton của Pepsi đã giảm từ 1,5 lít xuống chỉ còn 1,25 lít nhưng vẫn giữ giá bán, tương đương với mức tăng giá 40% trên mỗi lít.

Tương tự sữa bột trẻ em Guigoz của Nestle cũng đã giảm từ 900 gr xuống còn 830 gr, bánh kem Viennetta của Unilever giảm từ 350 gr xuống 320 gr dù vẫn giữ hoặc thậm chí tăng giá.

Phía Carrefour cho biết hãng sẽ tiếp tục áp dụng dán nhãn trên mọi chi nhánh cho bất kỳ sản phẩm nào chơi trò “giữ giá giảm lượng” và có thể lan sang cả những sản phẩm khác ngoài tiêu dùng. Tuy nhiên chuỗi siêu thị này chỉ giới hạn quy mô ở Pháp.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Pháp cùng nhiều nước Châu Âu đang đối mặt với nỗi đau lạm phát khi giá tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường cũng như hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Trước áp lực của chính phủ, các nhà sản xuất đã phải đồng ý một cuộc đàm phán về giá cả trong thời gian tới nhằm xoa dịu sự bức xúc của người dân.

Hãng tin Bloomberg cho biết với tình hình lạm phát như hiện nay, người tiêu dùng sẽ chẳng thể làm gì nhiều nếu vẫn muốn mua hàng với mức giá cũ.

Họ sẽ buộc phải chấp nhận chất lượng sản phẩm sẽ không còn như trước, hoặc phải chịu bỏ tiền nhiều hơn.

Theo Bloomberg, việc cắt giảm đơn vị sản phẩm này thường diễn ra với những thương hiệu lớn nhằm giữ uy tín, do đó khách hàng có thể thử tìm đến những nhãn hàng ít nổi tiếng hơn.

Ít nhất thì những thương hiệu nhỏ sẽ tăng giá sản phẩm chứ không muốn mất thêm chi phí thay đổi kích cỡ đơn vị để giữ hình ảnh.

Về phía công ty, có rất nhiều lời giải thích được đưa ra cho hành động trên.

Một số biện minh rằng khách hàng vẫn chấp nhận mua ít hơn nếu giá không đổi, trong khi số khác cho rằng họ đang bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng với những sản phẩm nhiều đường, hay bảo vệ môi trường...

Trong khi đó, khảo sát của Shopmate cho thấy 50% cửa hàng bán lẻ tại Anh nhận định rằng các thương hiệu tốt nhất là giảm bớt kích cỡ thay vì tăng giá sản phẩm bởi khách hàng hiện nay rất nhạy cảm về giá và điều này ảnh hưởng cực lớn đến doanh số.

Kinh doanh thời lạm phát

Thuật ngữ "Shrinkflation" xuất hiện lần đầu vào năm 1969 khi nhà báo Arthur Buchwald viết những bài bình luận châm biếm về lạm phát.

Từ này bắt đầu được công nhận rộng rãi trong thập niên 1970 khi hàng loạt hãng sản xuất muốn bảo vệ lợi nhuận biên của mình trước đà tăng chi phí và giảm tốc tăng trưởng, thế là họ bắt đầu nghĩ ra những mánh khóe mới.

Ngày nay, câu chuyện cắt giảm đơn vị sản phẩm đã chẳng có gì mới, tuy nhiên do mức độ suy giảm ít nên chúng không gây ra sự chú ý của người tiêu dùng.

Hãng tin Bloomberg cho biết tình hình này đang diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, từ Australia cho đến Ấn Độ, từ Anh trải qua Mỹ.

Tại Anh, câu chuyện "Shrinkfaltion" đã xuất hiện từ sau khi người dân nước này bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Ví dụ điển hình nhất là hãng Mondelez International đã giảm trọng lượng thanh chocolate Toblerone của mình, nhưng buộc phải khôi phục lại như cũ sau khi bị người tiêu dùng phản đối.

Tập đoàn này cho biết đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua phải giảm kích thước thanh kẹo chocolate Dairy Milk nhằm giữ được sự cạnh tranh, đảm bảo doanh số với đối thủ khi chi phí tăng do lạm phát.

Theo Bloomberg, để khiến người tiêu dùng khó nhận ra, các hãng sản xuất rất cẩn trọng trong việc giảm đơn vị sản phẩm.

Họ có thể giữ nguyên kích cỡ nhưng chỉ giảm nhẹ về trọng lượng, qua đó khiến khách hàng không biết rằng mình đang mua cùng số tiền nhưng ít hàng hơn.

Đồng quan điểm, hãng bán hàng trực tuyến Britsuperstore dùng số liệu phân tích của "Money Saving Expert" cho biết người Anh đang phàn nàn khá nhiều về chocolate, tiếp đó là phô mai, sữa khi kích cỡ sản phẩm thay đổi, không đúng như trước nữa.

Ví dụ thanh kẹo chocolate của Cadbury Dairy Milk đã giảm từ 200gr xuống còn 180gr, hộp sữa chua Corner của hãng Muller giảm từ 130gr xuống còn 124gr, gói bánh chocolate Maryland của hãng Biscuit Company giảm từ 230gr xuống còn 200gr.

Hộp kem Tillamook giảm khối lượng từ 56oz xuống còn 48oz, trong khi gói Bim bim Doritos của Pepsi cũng giảm số lượng, còn hãng Domino’s Pizza cũng giảm bớt số cánh gà trong combo thực đơn mang về.

Italy và EU xung đột về vụ sáp nhập ITA-Lufthansa

(Ảnh minh họa).

Lufthansa sẽ mua 41% cổ phần của ITA Airways với khoản đầu tư 325 triệu euro, sau đó có thể được phép mua số cổ phần còn lại. Nhưng việc EC không đồng ý đã khiến Thủ tướng Meloni bày tỏ sự thất vọng.

Số phận của thương vụ sáp nhập giữa hai hãng hàng hàng không Deutsche Lufthansa AG của Đức và ITA Airways của Italy, dựa trên thỏa thuận được ký với Chính phủ Italy vào tháng Năm vừa qua, hiện đang bị hoài nghi sau khi Thủ tướng Italy Giorgia Meloni chất vấn Ủy ban châu Âu (EC) về việc trì hoãn tiến trình sáp nhập này. Italy cũng kêu gọi các nhà chức trách châu Âu không lãng phí thời gian trong việc “bật đèn xanh” cho khoản đầu tư này.
Hãng Lufthansa sẽ mua 41% cổ phần của ITA Airways với khoản đầu tư 325 triệu euro, và sau đó có thể được phép mua số cổ phần còn lại. Nhưng việc EC không đồng ý đã khiến Thủ tướng Meloni bày tỏ sự thất vọng.
Thủ tướng Meloni nói trong cuộc họp báo sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20): “Thật kỳ lạ khi EC đang ngăn chặn giải pháp cho vấn đề ITA. EC trong nhiều năm đã yêu cầu chúng tôi tìm giải pháp cho vấn đề ITA, nhưng khi chúng tôi tìm ra giải pháp cho vấn đề thì họ lại ngăn chặn nó. Vì vậy, chúng tôi không hiểu và muốn có câu trả lời”.
Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti đã nêu vấn đề giải quyết việc mua cổ phần thiểu số của Lufthansa tại ITA với Ủy viên Kinh tế EU, ông Paolo Gentiloni. Vấn đề cũng được nêu ra trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Giorgetti và Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner.
Tuy nhiên, trong khi Bộ Kinh tế Italy cho biết trong một tuyên bố rằng hồ sơ sáp nhập ITA-Lufthansa vẫn chưa được EC "bật đèn xanh", thì EC lại cho biết họ chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về thỏa thuận, và một người phát ngôn nhắc lại rằng việc thông báo về giao dịch tùy thuộc vào các bên liên quan.
Một nguồn tin của Liên minh châu Âu (EU) cho biết thêm rằng “EC vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với các bên để thảo luận về giao dịch trước khi có thông báo chính thức. Các liên hệ trước thông báo này diễn ra liên tục và là một phần của quy trình tiêu chuẩn để đánh giá một hoạt động phức tạp”.
Theo Bộ Kinh tế Italy, Ủy viên EU Didier Reynders, người phụ trách danh mục đầu tư sau cựu Ủy viên Cạnh tranh EU Margrethe Vestager, dự kiến sẽ sớm gặp Bộ trưởng Giorgetti.
Tuyên bố của Bộ Kinh tế Italy viết: “Phản ứng của cơ quan điều hành EU được giao cho người phát ngôn là tích cực vì đó là điều kiện tiên quyết cho một quá trình sẽ diễn ra rất nhanh. Thông báo về thỏa thuận bán cổ phần thiểu số tại ITA cho Lufthansa cho Ủy ban Cạnh tranh châu Âu, trên thực tế, chỉ được chấp nhận khi kết thúc cuộc điều tra mà chính EC đang tiến hành rất tỉ mỉ như một phần của giai đoạn thông báo trước đã được bắt đầu”.
Sau khi các bên thông báo cho EC, tổ chức này có thể mất tới 90 ngày để đưa ra phán quyết có đồng ý hay không./.

Nguồn: VTV; Thanh Niên; Dân Trí; Soha; Bnews

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Checklist các loại bảo hiểm có tác dụng GIảm Thuế

Những loại bảo hiểm nào có tác dụng giảm thuế/ được hỗ trợ thuế/ xin lại được thuế?

các loại bảo hiểm bắt buộc cũng như tự nguyện được chính phủ khuyến khích và có tác dụng tiết kiệm tiền thuế:

1. Bảo hiểm y tế/ Krankenversicherung

2. Bảo hiểm nuôi dưỡng lúc bị tàn phế / Pflegeversicherung.

3. Bảo hiểm thất nghiệp/ Arbeitslosenversicherung.

4. Bảo hiểm trách nhiệm khi vô tình gây hại cho ngườikhác / Haftpflichtversicherung.

5. Erwerbs- und Berufsunfähigkeitsversicherung/ Bảo hiểm mất sức lao động

6. Unfallversicherung / Bảo hiểm tai nạn

7. Bảo hiểm hưu trí / Altersvorsorgeleistungen.

8. Bảo hiểm nhân thọ / Risikolebensversicherung

9. Krankentagegeld- und Krankenhaustagegeldversicherungen.

10. Rechtschutzversicherung

Quan trọng cần để ý lúc này là giới hạn cho việc khấu trừ thuế tổng các loại không quá:

- 1900e (3800e đối với cặp vợ chồng) đối với: Người đi làm công (Angestellter), Công chức (Beamter), và người về hưu (Rentner)

- 2800e đối với người Selbständiger

Ở đây mình xin nói đến những nhóm bảo hiểm đặc biệt quan trọng trong việc khấu trừ thuế trước, từ từ mình sẽ thêm những mục khác vào sau.

Số 8: Bảo hiểm hưu trí / Altersvorsorgeleistungen Bảo hiểm được tính là chi phí đặc biệt (Sonderausgaben), thuộc nhóm này chính là các loại bảo hiểm về hưu trí (ví dụ: BasisRente, Rürup Rente, RisterRente..) các loại bảo hiểm tiết kiệm dài hạn (private Altersvorsorge, Vermögensaufbau…). Chính vì vậy việc dành một khoản hàng tháng tiết kiệm cho hưu trí là một điều quan trọng, và lại rất phải chăng khi chúng ta còn khấu trừ được thuế từ đó nữa.

Anh chị có thể liên hệ để biết chính xác loại Hưu trí của mình, hoặc liên hệ tư vấn để mua chính xác loại dành cho mình tại www.taichinh360.de

Số 1 và 2. Bảo hiểm y tế và bảo hiểm thương tật tàn phế Kranken- und Pflegeversicherung.

Đối với 2 loại bảo hiểm này bạn cứ khai đầy đủ lúc khai thuế, kể cả phần của vợ/chồng/partner và con cái. Phần lớn các anh chị làm công đều đã đạt mức tối đa giảm thuế trong mục này, nhưng chắc ăn thì mình vẫn liệt kê ra, finanzamt sẽ tự tính là phần nào còn giảm thuế được và không

Quan trọng của nhóm bảo hiểm này là Basisbeitrag (14,6% giống nhau giữa các hãng bảo hiểm) và Zusatzbeitrag (1,3-1,7% chênh nhau giữa các hãng bảo hiểm). Phần Basisbeitrag thường mọi người làm công đều đạt mức giảm thuế tối đa như ở trên mình có nói. Phần Zusatzbeitrag thì sẽ là phần được giảm thuế extra nữa mà mọi người đều nên để ý khi khai thuế

Basisbeitrag và Zusatzbeitrag của Krankenversicherung có thể tìm thấy ở đâu?

Basisbeitrag có thể thấy ngay trong Lohnabrechnung hàng tháng.

Zusatzbeitrag nằm trong hóa đón của hãng bảo hiểm gửi cho mình, họ có thống kê là ví dụ AOK là 1,7%, tương ứng với bao nhiêu đây tiền...

Loại bảo hiểm y tế nào còn được giảm thuế?

Đó chính là các loại bảo hiểm về Răng cỏ (Zahnzusatzversicherung), bảo hiểm du lịch nước ngoài (Auslandskrankenversicherung), bảo hiểm tai nạn (Unfallversicherung), bảo hiểm mất sức lao động (Berufsunfähigkeitsversicherung)

Số 4, 6, 10 Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (Haftpflichtversicherung), bảo hiểm tai nạn (Unfallversicherung), và bảo hiểm luật (Rechtschutzversicherung)

Các loại bảo hiểm này phần lớn đều được khấu trừ thuế một phần theo dạng là „sonstigen Vorsorgeaufwendungen“ là chi phí đặc biệt.

Ngày nay càng nhiều anh chị làm Homeoffice, vì vậy các loại bảo hiểm này cũng được xét thêm khấu trừ thuế trong trường hợp mình sử dụng nó cho mục đích công việc.

Ví dụ: Unfall xảy ra khi mình làm Homeoffice, mình vướng chân vào máy in khi đang làm việc khiến máy tính rớt xuống là gãy xương chân. Vì vậy trong trường hợp này Unfallversicherung vốn cho privat thì cũng được khấu trừ thuế một phần do Homeoffice

Huong Luu

Lên đầu trang