EU: Khóc, cười trước thuế quan; Đa dạng hóa đối tác thương mại; Đổi mục tiêu lưu trữ khí đốt; Nhà lãnh đạo mới lộ diện; Thủ tướng Anh được khen

KHÓC, CƯỜI TRƯỚC ĐÒN THUẾ QUAN CỦA MỸ

Hàng xa xỉ, ô tô và ngành tàu biển là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, trong khi một số loại tiền tệ của châu Âu bất ngờ hưởng lợi từ sự hỗn loạn...

Thị trường tài chính toàn cầu rúng động trong ngày 3/4 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng ít nhất 10% đối với hầu hết mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, và khu vực châu Âu cũng không thoát khỏi “cơn bão” này.

Liên minh châu Âu (EU) bị Mỹ áp thuế đối ứng 20%. Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng từ góc độ kinh tế, có rất ít – hoặc thậm chí không có bên nào thắng trong bối cảnh xuất hiện nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự rạn nứt trong quan hệ thương mại. Tuy nhiên, trong khi hàng loạt công ty tại châu Âu đối mặt nguy cơ thua lỗ lớn, một số ít lĩnh vực như tiền tệ, dược phẩm lại bất ngờ nhận được kết quả tích cực từ sự hỗn loạn trên thị trường.

Hàng xa xỉ

Chỉ số Stoxx Luxury 10 của châu Âu sụt giảm 5,2% trong phiên giao dịch ngày 3/4, đánh dấu phiên tồi tệ nhất trong gần 4 năm,  với các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, LVMH và Kering (chủ sở hữu Gucci) đều chịu ảnh hưởng nặng nề.

Lĩnh vực hàng xa xỉ của châu Âu chịu tác động trực tiếp từ gói thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump, do hầu hết các sản phẩm đều được xuất khẩu sang Mỹ.

Theo ngân hàng Citi, những thương hiệu chịu ảnh hưởng lớn nhất từ mức thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump gồm: nhà sản xuất giày Đức Birkenstock, thương hiệu thời trang Italia Brunello Cucinelli và hãng trang sức Đan Mạch Pandora, trong đó doanh thu từ Mỹ chiếm 31-47% tổng doanh thu của các công ty này. Bên cạnh đó, các tập đoàn xa xỉ khác như LVMH, Kering và Richemont (chủ sở hữu Cartier) cũng có ít nhất 20% doanh thu đến từ thị trường Mỹ.

Thực phẩm và đồ uống

EU mô tả Mỹ là “điểm đến quan trọng” cho các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của khu vực như rượu vang, bia, rượu mạnh, sô cô la, phô mai và dầu ô liu.

Hiệp hội Spirits Europe cho biết: “Các ngành của chúng tôi có sự liên kết chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương, và thương mại rượu mạnh giữa EU và Mỹ hỗ trợ nhiều việc làm trong sản xuất, phân phối, nông nghiệp, bán lẻ và khách sạn.”

Chủ tịch nhóm ngành rượu vang Pháp FEVS, Gabriel Picard, ngày 3/4 cảnh báo, xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh Pháp sang Mỹ dự kiến sẽ giảm ít nhất 20% do gói thuế quan đối ứng của chính quyền Tổng thống Trump.

Bán lẻ

Một loạt các nhà bán lẻ châu Âu, từ quần áo, giày dép, hàng gia dụng, điện tử và nhiều mặt hàng khác, có chuỗi cung ứng toàn cầu đặt tại châu Á. Các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Bangladesh và Sri Lanka, là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất hàng may mặc và sản phẩm cho các thương hiệu lớn như H&M và Adidas. Tuy nhiên, các quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề từ các mức thuế quan đối ứng mới của Mỹ, trong đó nhiều gói thuế lên tới hơn 40%.

Ông Ian Worth – chuyên gia trưởng về thuế và hải quan tại công ty tư vấn Crowe, cho biết nhiều hãng bán lẻ châu Âu có thể phải cân nhắc chuyển hướng sang các thị trường thân thiện hơn hoặc đa dạng hóa sản phẩm. Vị chuyên gia cũng lưu ý thêm: “Việc áp thuế ngay tại thời điểm xuất khẩu – thay vì khi hàng hóa đến Mỹ – có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng”.

Vận tải biển

Các công ty logistics và vận tải biển, vốn phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu, sẽ chịu tác động từ những dự báo tiêu cực về đà suy giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại do chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ.

“Ông lớn” vận tải biển Maersk của Đan Mạch hôm thứ Năm cho biết, kế hoạch áp thuế đối ứng của Nhà Trắng sẽ khiến khách hàng thận trọng hơn trong một môi trường kinh tế ngày càng mong manh.

“Thời điểm hiện tại, các gói thuế quan đối ứng của Mỹ không phải là tin tốt cho nền kinh tế toàn cầu, sự ổn định và thương mại toàn cầu” – báo cáo của Maersk nêu rò.

Cổ phiếu của các công ty vận tải và logistics châu Âu đồng loạt giảm mạnh trong phiên ngày ¾, với Maersk lao dốc 9,5%, Hapag-Lloyd giảm 9%, còn DSV sụt 5,2%

Diễn biến này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về tác động tiêu cực từ các mức thuế mới của Mỹ đối với chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại quốc tế.

Ngân hàng

Trong phiên giao dịch ngày 3/4, chỉ số ngân hàng Stoxx của châu Âu sụt 5,53%, mức giảm mạnh nhất trong 2 năm qua, do lo ngại suy thoái kinh tế và cuộc chiến thương mại lan rộng.

Cổ phiếu của ngân hàng Anh Standard Chartered cũng giảm 13,3%, trong khi cổ phiếu của HSBC sụt 8,9%.

Ô tô

Mức thuế quan 25% của Tổng thống Trump đối với ô tô nhập khẩu có hiệu lực vào ngày thứ Năm, khiến hàng loạt hãng xe lớn của châu Âu tiếp tục gánh chịu thiệt hại.

Cổ phiếu của Volkswagen, Mercedes-Benz Group và BMW của Đức đều giảm khoảng 4% khi đóng cửa phiên ngày 3/4, trong khi Stellantis – công ty sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Jeep, Dodge, Fiat, Chrysler và Peugeot – sụt tới 8% trên sàn giao dịch Milan.

Cuộc chiến thương mại toàn cầu leo thang dự kiến sẽ tác động mạnh đến ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là trong bối cảnh chuỗi cung ứng ngày càng toàn cầu hóa và ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào hoạt động tại khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là tại Mexico.

Đức chịu tác động lớn nhất

Đức là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của EU sang Mỹ trong năm ngoái. Quốc gia này cũng là quê hương của nhiều hãng sản xuất ô tô hàng đầu khu vực, bao gồm BMW, Volkswagen, Mercedes-Benz và Porsche – tất cả hiện phải chịu mức thuế nhập khẩu 25% từ Mỹ.

Trong một báo cáo công bố ngày 3/4, chuyên gi kinh tế trưởng Robin Winkler tại Deutsche Bank Research, nhận định: “Không có gì phải bàn cãi rằng thông báo về thuế quan được Tổng thống Mỹ công bố hôm 2/4 là tin xấu đối với nền kinh tế Đức”.

Vị chuyên gia giải thích thêm: “Điều bất ngờ tiêu cực không hẳn nằm ở mức thuế trực tiếp, bởi thị trường đã dự đoán mức thuế đối ứng 20%. Tuy nhiên, mức thuế cao hơn đáng kể của Mỹ, từ 50% trở lên đối với hàng nhập khẩu từ châu Á, thực sự là một cú sốc thương mại toàn cầu. Mức thuế này lớn hơn rất nhiều so với dự báo của chúng tôi cũng như của nhiều chuyên gia khác. Một cách gián tiếp, đây cũng là một cú sốc tiêu cực đối với nền kinh tế Đức”.

Hiệp hội Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ Liên bang Đức (BGA) đã lên tiếng chỉ trích các mức thuế đối ứng của Tổng thống Trump khi cho rằng đây là “một cuộc tấn công trực diện vào thương mại toàn cầu”.

“Với việc tăng thuế mạnh mẽ lên hơn 100 đối tác, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy thế giới vào một cuộc chiến thương mại công khai, tương tự như một 'Brexit kiểu Mỹ'. Tôi cho rằng căng thẳng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế của chúng ta. Căng thẳng thương mại càng kéo dài sẽ càng gây tổn thất lớn hơn cho tất cả các bên, bao gồm cả Mỹ” - Chủ tịch BGA, ông Dirk Jandura, nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra hôm 3/4.

Tiền tệ khu vực bất ngờ hưởng lợi

Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, các đồng nội tệ châu Âu là một trong số ít tài sản khu vực có diễn biến tích cực. Đồng euro và bảng Anh đã chạm mức cao nhất trong sáu tháng, trong khi đồng franc Thụy Sĩ đạt mức cao nhất so với đồng USD kể từ giữa tháng 10/2024.

Chuyên gia trưởng về tiền tệ Jordan Rochester tại Mizuho EMEA nhận định đồng euro có thể tăng lên mức 1,12 USD trong ngắn hạn. “Xét tổng thể, thị trường ngoại hối đang điều chỉnh theo trạng thái cân bằng lợi suất thực, điều này cho thấy tỷ giá EUR/USD có thể đạt 1,11 hoặc thậm chí 1,12. Đây vốn là mức dự báo về tỷ giá giữa euro và USD vào cuối năm nay của chúng tôi, nhưng với tốc độ này, kịch bản này có thể sẽ đến ngay trong tuần tới” – ông Rochester cho hay.

Dược phẩm là “ngoại lệ”, được miễn thuế

Dược phẩm là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của EU sang Mỹ và đã được miễn thuế quan lần này. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cảnh báo ngành dược phẩm châu Âu có thể bị điều tra trong tương lai.

Chỉ số Stoxx Pharmaceuticals và Biotechnology của châu Âu giảm 0,47%, nhưng GSK và AstraZeneca lần lượt tăng 2,2% và 1%.

Lĩnh vực tiện ích

Cổ phiếu ngành tiện ích châu Âu dẫn đầu đà tăng vào thứ Năm, bất chấp tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán châu Âu. Đây là nhóm cổ phiếu phòng thủ trong giai đoạn xảy ra bất ổn. Cổ phiếu của Engie (Pháp) và Iberdrola (Tây Ban Nha) đều tăng hơn 2%, trong đó Iberdrola thiết lập mức cao nhất trong 52 tuần qua.

 

 

EU CỐ GẮNG TÌM CÁCH ĐA DẠNG HÓA CÁC ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI

Ngày 4/4, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, việc đạt được thỏa thuận thương mại với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) sẽ mở ra những cơ hội lớn cho EU trước những bất ổn sau quyết định áp thuế đối ứng mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa được đưa ra mới đây.

Phát biểu trước báo giới, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, khối này đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa tác động từ quyết định áp thuế đối ứng mới của Tổng thống Donald Trump. Trong đó, việc tăng cường hợp tác với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) được cho là biện pháp sẽ giúp EU đa dạng hóa các đối tác thương mại và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Do đó, trong thời gian tới, EU sẽ tập trung mọi điều kiện và nguồn lực cần thiết để hoàn tất thỏa thuận thương mại với khối Mercosur .

Người phát ngôn của EU cho biết thêm, sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 20% đối với hàng xuất khẩu của EU, Pháp cũng đã tổ chức một cuộc họp với 10 nước thành viên EU để thảo luận về một thỏa thuận thương mại tiềm năng với khối Mercosur. Cuộc họp nhằm mục đích đưa vào một điều khoản để bảo vệ nông dân EU khỏi sự cạnh tranh nông nghiệp không lành mạnh, đồng thời nhấn mạnh đến nhu cầu về đa dạng các quan hệ đối tác thương mại. Ngoài ra, trong chiến lược mở rộng đối tác, EU đã công bố thỏa thuận thương mại với Mexico và thông báo nối lại đàm phán hiệp định thương mại tự do với Malaysia.

Theo Người phát ngôn của EU, trong bối cảnh thị trường châu Âu và toàn cầu đang suy yếu do các chính sách thuế quan mới của Mỹ, việc đa dạng hóa quan hệ thương mại là rất quan trọng. Một thỏa thuận phù  hợp với khối Mercosur sẽ góp phần củng cố mối quan hệ kinh tế giữa EU và các quốc gia Nam Mỹ, đồng thời giảm thiểu một phần tác động tiêu cực từ thuế quan mới của Mỹ. Bên cạnh đó, EU cũng đang cân nhắc sử dụng Công cụ chống ép buộc (ACI), một biện pháp cho phép EU áp đặt các biện pháp đáp trả có mục tiêu nhằm chống lại sự ép buộc kinh tế từ các quốc gia thứ ba.

Theo giới phân tích, bên cạnh việc mở rộng các đối tác thương mại, EU cũng đang cân nhắc kỹ lưỡng các biện pháp và các công cụ sẵn có để đưa ra phản ứng hiệu quả nhất trước mức thuế quan mới của Mỹ, đồng thời để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc đàm phán với Tổng thống Trump để không làm leo thang căng thẳng thương mại hiện nay.

 

 

ĐỀ XUẤT THAY ĐỔI MỤC TIÊU LƯU TRỮ KHÍ ĐỐT

Những thay đổi về mục tiêu dự trữ khí đốt của EU đang được các nước thành viên đàm phán.

Các nước EU đang đàm phán về những thay đổi trong nghĩa vụ bổ sung khí đốt vào kho chứa trong năm 2026 và 2027.

Theo đó, các nước muốn thay đổi mục tiêu bổ sung khí đốt ở mức 90% công suất lưu trữ trước ngày 1.11 sang mục tiêu bổ sung dự trữ ở mức 90% vào bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ ngày 1.10 đến ngày 1.12.

Tuy nhiên, những thay đổi này cũng có thể áp dụng cho năm nay, nếu các quy tắc được hoàn thiện và công bố trước ngày 1.11, các nhà ngoại giao EU lưu ý.

Quy định về lưu trữ khí đốt được EU đưa ra năm 2022 sau khi Nga cắt giảm lượng khí đốt giao cho châu lục này trong bối cảnh xung đột nổ ra ở Ukraina. Quy định này nhằm đảm bảo các nước EU có nguồn nhiên liệu dự trữ trong mùa đông.

Tài liệu đàm phán được Ba Lan - nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU và chủ trì các cuộc đàm phán giữa các nước thành viên - công bố ngày 2.4, xác nhận những thay đổi dự kiến liên quan tới quy định về lưu trữ khí đốt sẽ có hiệu lực kể từ ngày công bố trên công báo chính thức của EU.

Các nước EU đặt mục tiêu thống nhất lập trường chung về các quy định vào tuần tới, sau đó sẽ đàm phán luật cuối cùng với Nghị viện châu Âu.

Một nhà ngoại giao EU cho biết, có thể mất nhiều tháng trước khi các quy định được thống nhất và công bố dưới dạng luật của EU.

EU cũng có các mục tiêu dự trữ khí đốt cho các tháng 2, tháng 5, tháng 7 và tháng 9. Đề xuất của các nước trong cuộc đàm phán đang diễn ra sẽ chuyển những mục tiêu này thành mục tiêu tự nguyện trong những năm tới.

Ủy ban châu Âu ban đầu muốn gia hạn mục tiêu ràng buộc hiện tại thêm 2 năm nữa. Nhưng các chính phủ như Đức, Pháp và Hà Lan, phản đối vì muốn nới lỏng các quy định do lo ngại mục tiêu này sẽ làm tăng giá khí đốt. Khi người mua châu Âu phải mua khí đốt với khối lượng lớn theo thời hạn cố định có nguy cơ dẫn tới thao túng giá.

Theo tài liệu đàm phán mới nhất, ngoài việc điều chỉnh mục tiêu dự trữ khí đốt đạt 90% vào tháng 11, các quốc gia thành viên EU sẽ được phép lưu trữ khí đốt chênh lệch tới 5% so với mục tiêu trong trường hợp điều kiện thị trường bất lợi.

 

 

NHÀ LÃNH ĐẠO MỚI CỦA CHÂU ÂU LỘ DIỆN

Mặc dù chỉ mới nhậm chức từ tháng 7 năm ngoái, nhưng Thủ tướng Anh Keir Starmer được đánh giá cao nhờ những bước đi để tìm hướng phát triển cho châu Âu hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới thay đổi chóng mặt thời Trump 2.0.

Hành trình 9 năm để thành Thủ tướng

Starmer mới chỉ là chính trị gia trong 9 năm, và kể từ khi trở thành lãnh đạo Công đảng Anh vào năm 2020. Ông đã đưa đảng của mình thoát khỏi thất bại bầu cử tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ để trở thành thế lực thống trị nền chính trị ở Anh. Thành công này đưa ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo trung dung nổi bật nhất trên thế giới.

Ít ai nghĩ rằng một sự chuyển đổi như vậy có thể xảy ra. Thậm chí, nhiều người cho rằng ông được hưởng lợi từ thảm họa của Đảng Bảo thủ và là người chiến thắng theo mặc định.

Thế nhưng, sự thật lại kỳ lạ và ấn tượng, bởi ông Starmer có một câu chuyện dài đằng sau. Cha ông là một thợ làm công cụ thầm lặng. Mẹ ông là một y tá, mắc chứng bệnh Still làm suy nhược sức khỏe. Họ đặt tên ông theo Keir Hardie, lãnh đạo đầu tiên của Công đảng.

Thời niên thiếu ông học rất giỏi, và thích chơi sáo cùng bóng bầu dục. Ông là nhạc công giỏi về sáo và đam mê bóng bầu dục. Vì vậy, anh chị em của ông gọi ông là "Superboy" (cậu bé siêu nhân).

Trước khi tham gia chính trường, ông Starmer là một luật sư. Ông là người theo chủ nghĩa xã hội, sau đó chuyển sang cánh tả mềm, và khi Lãnh đạo Công đảng cánh tả cứng rắn Jeremy Corbyn bị hạ bệ vào năm 2019, Starmer đã đứng ra bảo vệ quyền lãnh đạo đảng, đưa ra 10 lời cam kết để kêu gọi những người ủng hộ người tiền nhiệm của mình.

Tuy nhiên, khi đã nắm quyền, ông đã loại bỏ tất cả. Những người theo tư tưởng của Corbyn và những người bài Do Thái đã bị thanh trừng khỏi đảng. Starmer đã loại Corbyn khỏi đảng, mặc dù ông ta chưa bao giờ nói rằng mình có ghét Corbyn hay không. Thực tế thì Starmer có một người vợ lai Do Thái, và chủ nghĩa bài Do Thái đã phát triển mạnh trong Công đảng dưới thời người tiền nhiệm của ông.

Đổi phe nhanh chóng

Starmer là lãnh đạo Công đảng đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Anh sau gần 20 năm, kể từ Tony Blair năm 2005. Trong thế kỷ qua, Công đảng luôn ở thế đối lập nhiều hơn là nắm quyền.

Nhưng sau 14 năm Đảng Bảo thủ cầm quyền, trong đó có nhiều năm đầy biến động, từ Brexit, Boris Johnson, cho đến đến sự bất ổn kinh tế của người kế nhiệm ông là Liz Truss, Starmer đã được hưởng lợi từ những bước đi sai lầm được cho là của đảng cầm quyền. Starmer hứa sẽ khôi phục năng lực cho chính phủ, quốc hữu hóa một số công ty đường sắt, tăng lương tối thiểu, đánh thuế học phí trường tư, cải thiện hệ thống y tế công cộng và cung cấp bữa sáng miễn phí tại các trường tiểu học công lập.

Theo người viết tiểu sử, Starmer từng bị trêu chọc khi còn nhỏ vì cái tên không phổ biến của mình, Keir, có nghĩa là đen tối hoặc u ám trong tiếng Gaelic và tiếng Ireland.

Starmer từng làm luật sư nhân quyền trong khoảng 20 năm và làm cố vấn cho cảnh sát ở Bắc Ireland. Nhưng sau đó ông đã đổi phe và trở thành công tố viên. Ông đã làm Giám đốc công tố của Anh và xứ Wales trong vòng 5 năm. Người viết tiểu sử của ông cho biết sự thay đổi đó, từ việc bảo vệ những người bị buộc tội là tội phạm sang truy tố họ.

Đây là điều khiến một số đồng nghiệp cánh tả về nhân quyền của Starmer khó chịu. Khi các cuộc bạo loạn nổ ra ở London vào năm 2011, Starmer đã sửa đổi các quy tắc để đẩy nhanh quá trình truy tố, với lập luận rằng việc xét xử nhanh sẽ có tác dụng ngăn chặn tội phạm hiệu quả hơn so với các bản án tù dài.

Năm 2014, Starmer được phong tước Hiệp sĩ vì công việc tư pháp hình sự của mình và trở thành “Sir Keir”. Tại buổi lễ phong tước Hiệp sĩ, Starmer đã quỳ xuống trước Charles, khi đó là Hoàng tử xứ Wales, người đã dùng kiếm gõ nhẹ vào cả hai vai ông. Đáng nói là trước đó Starmer từng bị camera ghi lại cảnh kêu gọi bãi bỏ chế độ quân chủ Anh.

Một năm sau, Starmer giành được một ghế trong Quốc hội Anh. Đến năm 2020, ông trở thành lãnh đạo Công đảng. Kể từ khi trở thành Thủ tướng, Starmer đã tìm cách "thiết lập lại" mối quan hệ giữa Vương quốc Anh với Liên minh châu Âu sau Brexit, điều mà ông từng phản đối.

Ủng hộ nhiệt thành Ukraine

Sau vụ ám sát đầu tiên nhằm vào Donald Trump, ứng viên Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó, Starmer đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới Trump và gia đình ông. Sau chiến thắng bầu cử của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, Starmer đã gọi điện cho ông để chính thức chúc mừng và được đảm bảo rằng "mối quan hệ đặc biệt" giữa Vương quốc Anh và Mỹ "sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ".

Vào tháng 2 vừa qua, Starmer đã gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng để thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine và một thỏa thuận hòa bình tiềm năng. Họ cũng thảo luận thêm về một thỏa thuận thương mại tiềm năng. Ông cũng trình bày một lá thư viết tay từ Vua Charles III mời Tổng thống đến thăm cấp nhà nước lần thứ hai mang tính lịch sử tới Vương quốc Anh.

Cuộc họp nước ngoài đầu tiên mà Starmer tham dự với tư cách là Thủ tướng là hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024 được tổ chức tại Washington từ ngày 9 đến ngày 11-7. Trên chuyến bay đến hội nghị thượng đỉnh, Starmer đã đưa ra cam kết "chắc như đinh đóng cột" về việc tăng chi tiêu quốc phòng lên mục tiêu của NATO là 2,5% GDP, sau khi xem xét "từ gốc rễ đến ngọn" các lực lượng vũ trang của Anh.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024, Starmer đã ám chỉ rằng Ukraine có thể sử dụng tên lửa Storm Shadow của Anh để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga. Trong một cuộc họp với Tổng thống Ukraine Zelensky, Starmer đã kêu gọi một chiến lược thành viên "không thể đảo ngược" để Ukraine gia nhập NATO.

 

 

THỦ TƯỚNG ANH ĐƯỢC KHEN, PHẢN ỨNG RA SAO?

Thủ tướng Anh Keir Starmer hứa với các doanh nghiệp rằng ông sẽ “đấu tranh để có được thỏa thuận tốt nhất cho nước Anh”.

Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ tham gia thảo luận với các nhà lãnh đạo quốc tế vào cuối tuần này để giải quyết những lo ngại ngày càng gia tăng xung quanh thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Số 10 Phố Downing cho biết vào ngày 4/4.

Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào cách các quốc gia nên cùng nhau phản ứng với các biện pháp thương mại do ông Trump đưa ra.

Theo hãng thông tấn Anadolu, mặc dù danh tính của các nhà lãnh đạo mà ông Starmer sẽ hội đàm cùng không được tiết lộ, nhưng một người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh (Số 10 Phố Downing) cho biết cuộc hội đàm nhằm giúp các đồng minh toàn cầu phối hợp chặt chẽ hơn trước những thay đổi kinh tế do các chính sách của Mỹ gây ra.

"Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi. Điều đó có nghĩa là chúng tôi có trách nhiệm phải làm việc chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia khác để duy trì sự ổn định và củng cố quan hệ đối tác của chúng tôi ở nước ngoài", vị phát ngôn viên nói, đồng thời cho biết sẽ có thông tin cập nhật về cuộc hội đàm trong những ngày tới.

Ông Trump hôm 2/4 đã công bố các mức thuế quan "có đi có lại" có tác động đối với hầu như tất cả các quốc gia trên toàn thế giới có quan hệ làm ăn với Mỹ và khiến thế giới chao đảo. Vương quốc Anh không được loại trừ khi phải chịu mức thuế quan tối thiểu 10%, có hiệu lực vào ngày 5/4.

Các cuộc thảo luận diễn ra sau những bình luận gần đây của ông Starmer, người hôm 3/4 đã mô tả thuế quan của ông Trump không phải là "một cuộc tập trận chiến thuật ngắn hạn", mà là sự khởi đầu của một "kỷ nguyên mới" trong quan hệ thương mại toàn cầu.

Khi được hỏi về việc liệu ông Starmer có ủng hộ cách tiếp cận do nhà kinh tế học Jim O'Neill đưa ra hay không, người đề xuất rằng các quốc gia nên tăng cường thương mại tự do và bỏ qua Washington, người phát ngôn của Số 10 Phố Downing đã trả lời: "Điều mà Thủ tướng đang tập trung vào là sự tham gia của ông ấy với các đối tác toàn cầu của chúng tôi và các vị sẽ thấy bằng chứng về điều đó vào cuối tuần này".

Người phát ngôn cũng nhấn mạnh lập trường của chính phủ Anh, tái khẳng định cam kết về "cách tiếp cận bình tĩnh, sáng suốt và thực tế" trong mọi giao dịch, với sự nhấn mạnh vào việc đảm bảo rằng các hành động của đất nước "dựa trên lợi ích quốc gia của chúng tôi".

Phản ứng bình tĩnh của ông Starmer đã nhận được lời khen ngợi từ cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người đồng thời cũng thúc giục Thủ tướng Anh đương nhiệm tránh áp thuế trả đũa đối với Mỹ.

Ông Blair, người đã cố gắng hiện thực hóa "mối quan hệ đặc biệt" giữa Vương quốc Anh và Mỹ trong thập kỷ nắm quyền từ năm 1997 đến năm 2007, cho biết Anh sẽ không được hưởng lợi từ phản ứng đối kháng.

"Tôi không nghĩ rằng việc trả đũa là vì lợi ích tốt nhất của Vương quốc Anh", ông Blair nói với sinh viên tại King's College London trong bình luận đầu tiên được The Independent đưa tin hôm 4/4.

Các Bộ trưởng Anh khẳng định họ đang nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận kinh tế với Mỹ cho phép đảm bảo một số miễn trừ thuế quan, đồng thời ông Starmer hôm 3/4 hứa với các doanh nghiệp rằng ông sẽ "đấu tranh để có được thỏa thuận tốt nhất cho nước Anh".

Song song với đó, theo PA Media, chính phủ Anh đã lập danh sách các sản phẩm có thể bị đánh thuế nhập khẩu để trả đũa và sẽ tham vấn với các doanh nghiệp về cách họ sẽ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ biện pháp nào của Vương quốc Anh đáp trả chính sách thương mại toàn cầu của ông Trump.

Một "danh sách chỉ định" được công bố hôm 3/4 cho thấy các mặt hàng có thể bị nhắm mục tiêu, bao gồm rượu whisky bourbon, xe máy, đàn ghi ta và quần jean, PA Media cho biết.

Nhưng phản ứng ngay lập tức là không thể, theo hãng tin Anh, vì Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds đã nói với các nghị sĩ rằng ông sẽ tổ chức một cuộc tham vấn kéo dài 4 tuần về các biện pháp đối phó.

Các chuyên gia dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh – vốn đã dự kiến chỉ đạt 1% trong năm nay – có thể thấp hơn tới 0,5 điểm phần trăm so với dự kiến trong những năm tới do thuế quan.

 

Nguồn: Kinh tế & Đô thị; VOV; Lao Động; Sài Gòn Giải Phóng; Người Đưa Tin\

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang