.jpg)
PHỤ NỮ THÍCH TIỆC TÙNG SAU GIỜ LÀM
Nhiều phụ nữ châu Âu, đặc biệt là các bà mẹ, đang đón nhận xu hướng tiệc tùng sau giờ làm việc như một cách để thư giãn, giải tỏa áp lực và kết nối cộng đồng.
Tại một hộp đêm sang trọng ở thủ đô Paris (Pháp), vào các buổi tối trong tuần từ 19h đến 22h, hàng chục phụ nữ – chủ yếu ở độ tuổi trung niên – bước vào sàn nhảy mà hầu như không có bóng dáng đàn ông. Đây là một phần trong trào lưu "tiệc tùng sau giờ làm" đang lan rộng khắp châu Âu.
Xu hướng này lấy cảm hứng từ mô hình "Mẹ đi nhảy" tại Đức, vốn đã thu hút hàng nghìn bà mẹ ở hơn 170 thành phố trên khắp nước Đức. Không có sự hiện diện của nam giới, không áp lực, khung giờ hợp lý – mô hình này đang dần lan sang Anh và Pháp.
Các bữa tiệc này chủ yếu dành riêng cho phụ nữ có gia đình, đặc biệt là những người vừa hoàn thành công việc nơi công sở, vừa lo toan trách nhiệm gia đình. Người tham dự có thể thoải mái nhảy múa, trò chuyện và thư giãn mà không sợ bị đánh giá hay soi mói.
Chị Constance d'Armécourt, người tổ chức sự kiện, chia sẻ: "Tôi vừa sinh con thứ ba. Chúng tôi cần một nơi để gặp gỡ nhau từ 7 giờ đến 10 giờ tối – không quá muộn để về nhà – nơi có thể tụ tập, thư giãn và thực sự xả hơi sau ngày làm việc".
Thành công ngay từ buổi đầu tiên khiến ban tổ chức quyết định tổ chức buổi tiệc tiếp theo vào tháng 4 tại một địa điểm lớn hơn.
Với giá vé khoảng 45 Euro (hơn 1,2 triệu đồng), người tham gia được phục vụ đồ uống cùng các món ăn nhẹ như cá hồi, rau củ, trái cây và bánh macaron.... Không gian tại đây chỉ có một vài nam giới làm nhân viên phục vụ hoặc ca sĩ biểu diễn.
Chị Julie – một người tham dự – cho biết: "Sự kiện bắt đầu lúc 7 giờ, nên 7 giờ 30 chúng tôi đã nhảy tưng bừng. Chúng tôi có thể về nhà sớm, dành thời gian cho chồng con. Điều đó thật tuyệt".
Nhiều người cũng cho rằng việc không có đàn ông giúp họ thoải mái hơn, không phải lo lắng về ngoại hình hay sự đánh giá. "Chúng tôi không ở đây để tán tỉnh hay bị tán tỉnh. Chúng tôi đến để vui chơi", chị Julie nói thêm.
Chị Nathalie – một bà mẹ hai con – chia sẻ: "Không ai phán xét chúng tôi. Chúng tôi cũng không quan tâm. Tôi thích điều đó, đó là tự do!".
Yếu tố an toàn cũng là một điểm cộng. "Chúng tôi không bị quấy rối hay lo lắng về việc đồ uống bị can thiệp", chị Lucie de Gorcuff nói.
Nhiều phụ nữ cũng dễ dàng thuyết phục chồng khi cho biết họ tham gia bữa tiệc "toàn nữ". "Tôi nghĩ các ông chồng rất hài lòng khi biết vợ họ chỉ đang khiêu vũ với bạn bè, xả hơi và trở về nhà với tâm trạng tốt hơn", chị Lucie chia sẻ thêm.
NGÀNH THÉP NGUY CƠ TAN RÃ TRƯỚC ÁP LỰC TỪ NHIỀU PHÍA
Thuế quan từ Mỹ, tình trạng sản xuất ồ ạt của Trung Quốc và giá năng lượng tăng cao do gián đoạn nguồn cung từ Nga khiến ngành công nghiệp này của châu Âu tổn thất nặng nề.
Liên minh châu Âu đang tìm cách hỗ trợ ngành công nghiệp thép và kim loại của khu vực này bằng một kế hoạch hành động mới. Các tổ chức trong ngành hoan nghênh kế hoạch này, nhưng cho biết cuộc khủng hoảng này cần được giải quyết bằng các hành động khẩn cấp.
Chi phí năng lượng cao đã làm tê liệt ngành công nghiệp kim loại châu Âu, kết hợp với thuế quan của Mỹ làm suy yếu thêm ngành thép và nhôm của châu Âu, vốn đã rơi vào khủng hoảng trong suốt 3 năm qua.
EU cần chuyển từ "kế hoạch hành động" sang "hành động ngay lập tức" để bảo vệ những gì còn lại của ngành công nghiệp này, theo các hiệp hội.
Tháng này, EU đã công bố thứ gọi là "Kế hoạch hành động về thép và kim loại châu Âu" để giải quyết những thách thức mà ngành công nghiệp kim loại phải đối mặt – chi phí năng lượng cao, cạnh tranh quốc tế không lành mạnh, nhu cầu khử carbon và gánh nặng quản lý.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết ngành công nghiệp kim loại châu Âu đang bị đe dọa bởi tình trạng dư thừa năng lực sản xuất toàn cầu, chủ yếu do Trung Quốc và một số quốc gia khác bảo trợ cho các ngành công nghiệp trong nước hoặc lách các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như lệnh trừng phạt của châu Âu.
EU là khu vực sản xuất thép lớn duy nhất chứng kiến công suất giảm, theo báo cáo của EC.
EC đã chọn ra 47 dự án chiến lược, gồm khai thác chế biến và tái chế lithium, niken, coban, mangan và than chì… để đảm bảo và đa dạng hóa khả năng tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng tại EU. Các dự án được chọn sẽ được hưởng lợi từ quá trình cấp phép nhanh hơn và tiếp cận tài chính dễ dàng hơn.
"Đây là thời điểm quan trọng đối với châu Âu với tư cách là một thế lực về công nghiệp", Stephane Sejourne, Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu về Thịnh vượng và Chiến lược công nghiệp cho biết.
Những năm gần đây, sức cạnh tranh của kim loại châu Âu bị xói mòn do giá năng lượng cao – gấp 5 lần so với giá ở Mỹ và Trung Quốc. Thuế quan mới từ Mỹ cũng ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp kim loại của châu Âu. Một số cơ sở sản xuất ở khu vực này đối mặt với tình trạng phá sản sau nhiều năm cố gắng ứng phó với chi phí năng lượng cao.
Kế hoạch hành động, danh sách dự án lựa chọn hỗ trợ đã được đưa ra nhưng chưa thể giảm bớt căng thẳng cho ngành này. Một số dự án có thể không chờ được cho đến khi các kế hoạch của EU chuyển thành hành động thực tế.
EUROFER, Hiệp hội Thép châu Âu, cho biết EU đã chẩn đoán chính xác tình trạng khó khăn của ngành nhưng cần hành động khẩn cấp.
"Bất chấp đề xuất tích cực từ Ủy ban, năng lượng vấn là vấn đề nan giải. Giá năng lượng cao không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất thép và kim loại mà còn kéo tụt toàn bộ chuỗi giá trị công nghiệp của châu Âu. Việc giảm chi phí năng lượng rất quan trọng", Chủ tịch EUROFER Henrik Adam cho biết.
Hiệp hội nhôm châu Âu cũng hoan nghênh kế hoạch này nhưng kêu gọi hành động khẩn cấp. "Chắc chắn có những yếu tố đầy hứa hẹn trong kế hoạch. Nhưng chỉ có chiến lược thôi thì không thể duy trì hoạt động của chúng tôi", Tổng giám đốc hiệp hội Paul Voss nói. "Tình hình đang diễn biến nhanh chóng. Các đối thủ toàn cầu đang đưa ra những quyết định sẽ định hình thị trường trong nhiều năm", Voss nói thêm.
TỤT HẬU TRONG CUỘC ĐUA CÔNG NGHỆ: CẦN NHỮNG THAY ĐỔI QUYẾT LIỆT
.jpg)
Việc tên lửa Spectrum phóng từ cảng vũ trụ Andoya (miền Bắc Na Uy) rơi và phát nổ ngay sau khi cất cánh đã phủ bóng u ám lên ngành công nghiệp vũ trụ châu Âu.
Điều này cũng cho thấy, năng lực công nghệ của Lục địa già đang ngày càng tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh.
Ngày 30-3, tên lửa Spectrum của Công ty Isar Aerospace (Đức) đã được phóng từ cảng vũ trụ Andoya, đánh dấu nỗ lực đầu tiên nhằm triển khai chuyến bay quỹ đạo thương mại được phóng từ châu Âu (trừ Nga). Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 30 giây, tên lửa bắt đầu bốc khói và nhanh chóng rơi trở lại mặt đất, phát nổ dữ dội.
Thất bại này là gáo nước lạnh dội lên giấc mơ chinh phục không gian vũ trụ của châu Âu, trong bối cảnh Lục địa này muốn phóng tên lửa lên quỹ đạo để giảm phụ thuộc vào các công ty của Mỹ.
Châu Âu từng có Ariane - được xem một trong những phương tiện phóng vệ tinh đáng tin cậy nhất thế giới. Tuy nhiên, tên lửa đẩy này đã lỗi thời trước sự xuất hiện của SpaceX (Mỹ) với khả năng tái sử dụng tên lửa. Trong khi Dự án phát triển Ariane-6 để cạnh tranh liên tục bị trì hoãn. Cuối năm 2022, tên lửa Vega-C do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phát triển cũng phóng thất bại.
Tụt hậu trong lĩnh vực không gian mới là một mảnh ghép trong bức tranh về sự ì ạch của châu Âu trong cuộc đua công nghệ giữa lúc thế giới đang bước vào kỷ nguyên công nghệ cao với những đổi mới đột phá.
Giới chuyên môn đánh giá, dù sở hữu nền tảng khoa học kỹ thuật tiên tiến, châu Âu đang đối mặt với nhiều rào cản lớn từ thiếu hụt tài chính, chậm đổi mới, quan liêu trong quản lý, dè dặt trong việc rót vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ… Điều này khiến các công ty công nghệ châu Âu khó có thể cạnh tranh với những gã khổng lồ của Mỹ hay các tập đoàn Trung Quốc, vốn được hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Một số phân tích cũng chỉ ra, chính sách điều tiết của châu Âu quá chặt chẽ cũng khiến các công ty khó phát triển nhanh chóng. Một ví dụ là Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) giúp bảo vệ quyền riêng tư, nhưng vô tình cản trở hoạt động khai thác dữ liệu để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và các dịch vụ số.
Châu Âu đang thiếu một trung tâm công nghệ mạnh mẽ để hội tụ nguồn lực phát triển, khác hẳn tình hình tại Mỹ hay Trung Quốc. Thực tế, Brexit đã làm suy yếu vị thế của London (Anh) như một trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực, làm giảm khả năng thu hút đầu tư và nhân tài.
Chậm trễ trong đổi mới công nghệ cũng là điểm yếu. Lấy ví dụ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, các công ty hàng đầu đều đến từ Mỹ và Trung Quốc.
Tương tự với điện toán lượng tử - khi IBM, Google và các công ty Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến lớn, các công ty châu Âu vẫn loay hoay với những dự án thử nghiệm.
Trong ngành công nghiệp ô tô điện, Tesla của Mỹ và các công ty Trung Quốc như BYD đang chiếm lĩnh thị trường, trong khi các nhà sản xuất ô tô châu Âu như Volkswagen, BMW hay Renault gặp nhiều thách thức trong việc chuyển đổi sang xe điện.
Mặt khác, cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa chính trị. Căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc dẫn đến nhiều lệnh cấm vận và hạn chế thương mại, làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng công nghệ của châu Âu, vốn phụ thuộc vào chíp từ Mỹ và châu Á.
Trong khi Mỹ đang tích cực triển khai loạt chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để bảo đảm khả năng ứng phó của ngành bán dẫn nội địa, châu Âu vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng.
Các quan điểm phân tích nhận định, châu Âu cần sớm thực hiện một số thay đổi quan trọng để lấy lại vị thế trong cuộc đua công nghệ như: Tăng cường đầu tư tài chính cho các công ty công nghệ và nghiên cứu đổi mới; phát triển trung tâm công nghệ có tầm ảnh hưởng toàn cầu như Silicon Valley (Mỹ); giảm rào cản pháp lý, đầu tư để tự chủ trong sản xuất linh kiện bán dẫn…
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho rằng, châu Âu có thể tập trung vào một số lĩnh vực đang “nóng” như AI chi phí hợp lý, nền tảng điện toán hiệu suất cao. Nhà sáng lập Fabian von Heimburg của Hotnest cho rằng, Lục địa già nên học hỏi kinh nghiệm của các nước châu Á trong cách đầu tư thúc đẩy phát triển công nghệ cao…
Nếu không có những thay đổi thực sự quyết liệt, châu Âu sẽ tiếp tục bị bỏ xa trong hàng loạt cuộc đua mới, mất đi cơ hội phát triển trong nhiều lĩnh vực đầy tiềm năng, có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với nhân loại.
THỨC GIẤC TRƯỚC ÁP LỰC CỦA MỸ
Châu Âu đang có những động thái chưa từng có nhằm củng cố quốc phòng, trong bối cảnh sự hỗ trợ từ Mỹ trở nên không chắc chắn, nhiều khả năng mở ra kỷ nguyên mới về an ninh khu vực.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hồi tháng 2 được cho là đã khiến nhiều quốc gia châu Âu giật mình.
Sự chỉ trích công khai của ông Trump đối với Ukraine không chỉ đặt ra câu hỏi về cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ châu Âu mà còn làm dấy lên mối lo ngại về tương lai an ninh của toàn khu vực.
Trong bối cảnh đó, những phát ngôn từ Washington càng làm tăng thêm sự hoang mang. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth dùng tính từ "thảm hại" để mô tả châu Âu vì “quá phụ thuộc” vào sự bảo trợ quân sự của Mỹ.
Phát ngôn nói trên vô tình để lộ trong một cuộc trò chuyện nội bộ và sau đó được báo chí tiết lộ, đẩy các nhà lãnh đạo châu Âu vào tình thế phải tự đánh giá lại khả năng tự vệ của chính mình.
Những động thái đầu tiên của "anh cả" châu Âu
Một trong những thay đổi quan trọng nhất đến từ Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Quốc hội Đức mới đây đã bỏ phiếu thông qua việc bãi bỏ “phanh nợ” - một cơ chế hạn chế chi tiêu của chính phủ.
Theo ước tính của các chuyên gia, quyết định này có thể giúp Đức giải phóng tới hơn 600 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới để đầu tư vào quốc phòng.
"Đây là một bước ngoặt thực sự của châu Âu, bởi Đức từ lâu đã là nước tụt hậu nhất trong các cường quốc về quốc phòng", chuyên gia Piotr Buras thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định.
Ông Buras cho rằng chỉ đến khi đối diện với “cú sốc Trump”, Berlin mới thực sự hành động để thay đổi.
Bên cạnh Đức, Pháp cũng đang có những bước đi quan trọng. Tổng thống Emmanuel Macron, người từ lâu đã kêu gọi "tự chủ chiến lược" của châu Âu, gần đây tuyên bố đang xem xét mở rộng lá chắn hạt nhân của Pháp cho các đồng minh.
Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia châu Âu có thể không còn phải dựa vào “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ trong tương lai, CNN nhận định.
Đề xuất của Tổng thống Macron nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ Ba Lan, khi Thủ tướng Donald Tusk không chỉ hoan nghênh sáng kiến mà còn gợi ý về khả năng Warsaw tự phát triển vũ khí hạt nhân nếu cần thiết.
Ngoài những thay đổi lớn từ Đức và Pháp, một loạt quốc gia Đông Âu cũng đang có những động thái mạnh mẽ nhằm chuẩn bị cho các kịch bản quân sự xấu nhất.
Ba Lan và ba nước vùng Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania) đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Ottawa về mìn sát thương, đồng thời tăng cường mua sắm vũ khí. Lithuania đã đặt hàng 85.000 quả mìn mới, trong khi Ba Lan có kế hoạch sản xuất một triệu quả trong nước.
Bên cạnh đó, Lithuania cũng trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi Hiệp ước quốc tế về vũ khí chùm, một quyết định đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chiến lược phòng thủ của nước này.
Xu hướng gia tăng quân số cũng đang diễn ra trên khắp châu Âu. Đan Mạch đã quyết định mở rộng nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với phụ nữ từ năm 2026, trong khi Ba Lan tuyên bố sẽ yêu cầu tất cả nam giới trưởng thành tham gia huấn luyện quân sự, theo CNN.
Ngay cả những quốc gia có truyền thống trung lập như Ireland cũng đang cân nhắc điều chỉnh chính sách quốc phòng. Chính phủ Ireland đã đề xuất dự luật cho phép triển khai quân đội mà không cần sự phê duyệt của Liên Hợp Quốc, nhằm tránh nguy cơ bị cản trở bởi quyền phủ quyết của các cường quốc như Nga hoặc Mỹ.
Bất đồng nội bộ
Mặc dù các nước Đông Âu và Trung Âu đang đẩy mạnh chính sách quân sự, sự đồng thuận trong toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được những bước tiến đáng kể.
Khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố kế hoạch tăng cường ngân sách quốc phòng "Tái vũ trang châu Âu," Tây Ban Nha và Italy đã phản đối mạnh mẽ. Điều này buộc Brussels phải đổi tên kế hoạch thành "Sự sẵn sàng 2030" để giảm bớt áp lực chính trị.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố nước này sẽ không tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu tại Ukraine nếu có một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez công khai nhấn mạnh: "Mối đe dọa đối với chúng tôi không phải là Nga đưa quân vượt dãy Pyrenees". Ông kêu gọi EU chú trọng hơn vào các vấn đề an ninh phía Nam, thay vì chỉ tập trung vào mối nguy từ Đông Âu.
Phát ngôn này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nước vùng Baltic. Gabrielius Landsbergis, cựu Ngoại trưởng Lithuania, bày tỏ sự thất vọng: "Càng đi về phía Tây, người ta càng khó tưởng tượng ra viễn cảnh chiến tranh. Nhưng với chúng tôi, đây là một nguy cơ hiện hữu".
Dù còn nhiều tranh cãi, các chuyên gia cho rằng châu Âu đang đi đúng hướng trong việc xây dựng một nền quốc phòng độc lập hơn.
"Sự thống nhất tuyệt đối giữa các nước châu Âu là một điều viển vông. Điều quan trọng là những quốc gia chủ chốt như Đức, Pháp, Anh và Ba Lan có hành động thực tế", ông Buras nhận định.
Khi được hỏi liệu đây có thể được coi là thời điểm châu Âu "thức giấc" về quốc phòng hay không, ông Buras đáp: "Vâng, chúng ta đã thức tỉnh - nhưng bây giờ chúng ta cần phải sẵn sàng hành động".
CHẤN ĐỘNG ÁN TÙ CHO BÀ LE PEN
.jpg)
Phán quyết gây sốc đối với bà Marine Le Pen đã làm rung chuyển phe cực hữu Pháp.
"Không thể tin được." Đó là lời thốt lên đầy phẫn nộ của Marine Le Pen khi bà bước ra khỏi phòng xử án Paris vào sáng thứ Hai.
Bà rời tòa sớm – ngay trước khi nghe phán quyết cấm tham gia tranh cử trong vòng 5 năm vì tội biển thủ công quỹ của Liên minh châu Âu – điều gần như chắc chắn xóa bỏ khả năng bà tranh cử tổng thống Pháp năm 2027.
Ngay cả khi chưa nghe thẩm phán tuyên bố đầy đủ chi tiết bản án, người đứng đầu Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) đã biết rằng sự nghiệp chính trị của mình đã chấm hết.
Sẽ không có sự trì hoãn nào trong khi chờ kháng cáo. Lệnh cấm tranh cử là có thật và có hiệu lực ngay lập tức.
Bản án 4 năm tù giam, trong đó 2 năm hưởng án treo, sẽ được hoãn thi hành trong khi chờ kháng cáo.
Nhưng kế hoạch chính trị của bà đã tan thành mây khói.
Có lẽ sự khó tin của bà Le Pen có thể hiểu được nếu xem xét tình hình tại thời điểm này.
Gần như toàn bộ chính giới Pháp đều có chung nhận định rằng bản án chung cuộc của tòa án này rốt cuộc thì sẽ không, và sẽ không thể, xảy ra.
Không chỉ những người ủng hộ bà Le Pen nói vậy. Đối thủ của bà cũng chung ý kiến, từ ông Jean-Luc Mélenchon ở phe cực tả đến Thủ tướng François Bayrou ở phe trung dung và Bộ trưởng Tư pháp Gérard Darmanin ở phe cánh hữu.
Nhưng tất cả họ đều đã sai. Thẩm phán tuyên bố rằng luật là luật.
Luật trên thực tế đã được siết chặt gần đây – bởi chính những chính trị gia hiện đang phàn nàn về việc áp dụng luật – để hình phạt cho việc sử dụng sai mục đích công quỹ trở nên rất nghiêm khắc. Vâng, thẩm phán nói bằng nhiều lời lẽ, bây giờ hãy để các chính trị gia nếm trải chính thuốc đắng của mình.
Có lẽ bà Marine Le Pen đã ngây thơ khi không nhìn trước được kết quả này. Chắc chắn có vẻ như đảng RN của bà đã hoàn toàn không chuẩn bị cho điều đó.
Vì vậy, khi họ họp khẩn cấp sau phán quyết, các lãnh đạo đảng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Liệu họ có tiếp tục như thể vẫn còn cơ hội bà Marine Le Pen sẽ tranh cử vào năm 2027 không?
Về lý thuyết, vẫn còn một khả năng (nhỏ). Bà đã đệ đơn kháng cáo. Việc kháng cáo có thể được đẩy nhanh và diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2026. Một phán quyết sẽ được đưa ra vào mùa xuân.
Một quyết định khác tại phiên xử kháng cáo có thể rút ngắn thời gian mất tư cách hoặc loại bỏ hoàn toàn – trong trường hợp đó, bà vẫn có thể tranh cử. Nhưng cơ hội đó rất mong manh.
Hoặc, họ nên tiến hành kế hoạch B – tức là chỉ định Chủ tịch đảng Jordan Bardella làm người sẽ thay thế bà Le Pen ra tranh cử.
Đó có lẽ là một đánh giá thực tế hơn về những gì đang chờ đợi phía trước. Nhưng việc quá nhanh chóng chuyển sang Bardella sẽ là không phù hợp. Bên cạnh đó, không phải ai trong đảng cũng ủng hộ ông.
Đến tối hôm 31/3 giờ Pháp, sự lựa chọn đã được đưa ra: trong một lần xuất hiện trên truyền hình, bà Marine Le Pen đã phản kháng mạnh mẽ, tuyên bố bà không có ý định rút lui khỏi chính trường.
Lên án điều mà bà gọi là một quyết định "mang tính chính trị" của thẩm phán và một "sự vi phạm pháp quyền", bà yêu cầu một phiên tòa phúc thẩm nhanh chóng, để tên tuổi của bà có thể được minh oan – hoặc ít nhất là lệnh cấm tranh cử được dỡ bỏ – kịp thời cho cuộc bỏ phiếu năm 2027.
"Có hàng triệu người Pháp tin vào tôi. Trong 30 năm qua, tôi đã chiến đấu chống lại sự bất công. Đó là điều tôi sẽ tiếp tục làm cho đến cùng," bà nói.
Những lời lẽ đó tuy đanh thép nhưng trên thực tế thì tương lai của bà Le Pen có vẻ rất mù mịt. Và vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời đáp.
Chẳng hạn, quyết định của tòa án sẽ tác động như thế nào đến số phiếu bầu của đảng RN?
Trong ngắn hạn, có thể mong đợi một làn sóng phản đối và sự ủng hộ tăng lên cho đảng. Tại sao? Bởi vì những gì đã xảy ra hoàn toàn phù hợp với câu chuyện mà đảng RN xây dựng, rằng phe cánh hữu dân túy là nạn nhân của "hệ thống".
Không ai có khả năng bỏ phiếu cho RN lại thực sự trách cứ Marine Le Pen vì đã tài trợ bất hợp pháp cho đảng của mình bằng quỹ của Nghị viện châu Âu. Tất cả họ đều biết rằng hầu như mọi đảng chính trị Pháp đều đã sử dụng các phương pháp mờ ám tương tự trong quá khứ.
Tương tự như vậy, hình phạt "khắc nghiệt" của bà – bị cấm tranh cử tổng thống – sẽ được xem như một tấm huân chương danh dự: bằng chứng cho thấy chỉ một mình bà đang đứng lên chống lại những thế lực cầm quyền.
Tuy nhiên, về lâu dài, sự thúc đẩy có thể không còn mạnh mẽ như thế. Quả thực, Marine Le Pen là một tài sản vô giá của RN. Người phụ nữ từng trải, giàu tình cảm, yêu mèo, mạnh mẽ, chịu đựng nhiều gian khổ này được những người ủng hộ yêu mến, những người cảm thấy họ hiểu bà với tư cách cá nhân.
Jordan Bardella cũng là một nhân vật nổi tiếng, nhưng ở tuổi 29, thật khó để thấy ông có thể thay thế vị trí của bà. Nếu bà Marine Le Pen thực sự không thể tranh cử vào năm 2027, RN sẽ mất đi phần lớn sức hấp dẫn của mình.
Điều chắc chắn là nhiều ứng cử viên tiềm năng thuộc phe hữu không phải RN – ví dụ như Laurent Wauquiez, Bruno Retailleau – sẽ coi việc ông Bardella ra tranh cử là một cơ hội lớn cho chính họ.
Một ẩn số khác là sự trả thù.
Marine Le Pen vẫn là nghị sĩ Quốc hội, nơi bà lãnh đạo một nhóm gồm 125 người – nhóm lớn nhất trong Quốc hội. Trước đây, bà khá ôn hòa với thủ tướng gặp nhiều khó khăn Francois Bayrou, người đang cố gắng điều hành dù không có đa số ủng hộ.
Những ngày đó có lẽ đã trôi qua.
Tại sao giờ chúng ta lại phải ưu ái bất kỳ ai - họ có thể sẽ nói như vậy tại trụ sở RN. Vì sao lại không quậy tung lên?
Nguồn: VTV; Soha; Hà Nội Mới; Zing News; BBC
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá