.jpg)
GIÓ CHÍNH TRỊ ĐỔI CHIỀU
Trong suốt nhiều thập niên, chính trường châu Âu vận hành trên nền tảng của chủ nghĩa tự do, hội nhập và quản trị kỹ trị. Thế nhưng, từ Ba Lan đến Hà Lan, từ Đức tới Pháp, một làn gió chính trị mới đang dần hình thành. Sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu và lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa không còn là hiện tượng bên lề, mà đang trực tiếp thách thức những nền tảng lâu đời của mô hình dân chủ tự do châu Âu.
Sự kiện ông Karol Nawrocki đắc cử Tổng thống Ba Lan hôm 2/6 vừa qua là một dấu hiệu rõ rệt cho thấy gió đang đổi chiều. Xuất thân là nhà sử học và từng lãnh đạo Viện Ghi nhớ Quốc gia, vị tân Tổng thống đại diện cho một xu hướng đề cao bản sắc dân tộc, chủ quyền và quyền tự quyết.
Chiến thắng của ông không chỉ phản ánh sự khéo léo trong chiến dịch tranh cử, mà còn là biểu hiện của một bộ phận cử tri đang bất mãn với những giá trị siêu quốc gia, các quy định can thiệp từ Brussels và sự xa rời thực tế của giới tinh hoa châu Âu. Xu hướng này không chỉ gói gọn trong địa lý Trung - Đông Âu. Tại Hà Lan, ông Geert Wilders, một chính trị gia kỳ cựu vốn gắn liền với các phát ngôn gây tranh cãi về nhập cư và Hồi giáo, đã giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử cuối năm 2024.
Dưới khẩu hiệu "Hà Lan cho người Hà Lan", ông thu hút cử tri bằng những tuyên bố quyết liệt chống nhập cư, cam kết cắt giảm viện trợ nước ngoài và khôi phục trật tự an ninh nội địa. Chiến thắng của ông là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên một chính trị gia thuộc phe cực hữu có khả năng thành lập chính phủ ở một quốc gia được xem là biểu tượng của chủ nghĩa tự do tại châu Âu. Tại Đức, Đảng Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) đang đạt mức ủng hộ cao kỷ lục, đặc biệt ở các bang miền Đông như Sachsen hay Thuringia. Những bất mãn xoay quanh vấn đề nhập cư, chi phí năng lượng và bất ổn kinh tế - xã hội đã tạo môi trường thuận lợi để AfD khai thác. Dù vẫn bị cơ quan tình báo liên bang đặt trong diện theo dõi vì lo ngại cực đoan hóa, nhưng sự hiện diện mạnh mẽ của AfD cho thấy ranh giới giữa "trung dung" và "ngoài rìa" đang dần bị xóa nhòa trong chính trị Đức.
Tại Pháp, bà Marine Le Pen đang từng bước đưa đảng Tập hợp Quốc gia tiến gần hơn tới quyền lực trung ương. Trong các cuộc thăm dò đầu năm 2025, bà liên tục dẫn đầu về tỷ lệ tín nhiệm cử tri, đặc biệt trong nhóm lao động trẻ ở các khu vực ngoại ô và nông thôn - những người cho rằng họ là "kẻ bị lãng quên" của toàn cầu hóa. Khác với hình ảnh gay gắt thuở đầu, bà hiện nay định hình bản thân như một lựa chọn ổn định, thực dụng và gần gũi.
Một trường hợp đáng chú ý khác là Italy, nơi Thủ tướng Giorgia Meloni đang từng bước khẳng định vị thế bằng cách dung hòa giữa đường lối dân tộc chủ nghĩa và sự hợp tác thực dụng với EU. Xuất thân từ một đảng hậu phát xít, bà Giorgia Meloni cho thấy rằng việc vận hành nền kinh tế theo hướng ổn định, không đối đầu trực diện với các thể chế tài chính quốc tế, có thể giúp các lãnh đạo dân túy duy trì quyền lực mà không tạo ra khủng hoảng hệ thống. Điều đáng lưu ý là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc không còn là hiện tượng cá biệt ở các nước từng bị xem là "ngoại vi". Romania cũng đang chứng kiến bước tiến mạnh mẽ của ông Călin Georgescu, một nhân vật theo xu hướng bảo thủ và dân tộc truyền thống. Ông gây chú ý không chỉ vì lập trường chính trị mà còn nhờ cách lồng ghép thông điệp bảo vệ môi trường với bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên một thứ "dân túy đạo đức" - trái ngược với hình ảnh dân túy thô ráp thường thấy.
Những nhà lãnh đạo này dù khác biệt về cá tính và lý lịch chính trị, đều có chung một điểm: họ lên tiếng cho một tầng lớp cử tri ngày càng cảm thấy xa lạ với mô hình dân chủ tự do hiện hữu. Đối với nhiều người, chủ nghĩa tự do không còn là bảo chứng cho tiến bộ và công bằng, mà trở thành biểu hiện của sự kiểm soát kỹ trị, chuẩn mực đạo đức hẹp và khoảng cách giữa cử tri với giới điều hành. Giới học giả phương Tây bắt đầu đặt lại câu hỏi: phải chăng mô hình dân chủ tự do đang đánh mất "linh hồn" của nó? Thay vì khuyến khích đa nguyên và tranh luận cởi mở, nhiều thể chế dân chủ tại châu Âu đang ngày càng đồng nhất hóa về tư tưởng, hạn chế sự khác biệt và đẩy bất kỳ ai lên tiếng phản biện vào vị trí bên lề. Sự bất mãn của người dân không chỉ đến từ chính sách, mà còn từ cảm giác bị phán xét, bị loại trừ ra khỏi cuộc đối thoại chính trị chính thống.
Trong bối cảnh ấy, chủ nghĩa dân tộc lại nổi lên như một lời hiệu triệu giản dị: đề cao bản sắc, khôi phục quyền kiểm soát, bảo vệ trật tự. Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu của nhiều đảng dân túy hiện nay xoay quanh những từ khóa như "trật tự", "an ninh", "thuộc về". Trong một thời đại mà biến đổi khí hậu, khủng hoảng nhập cư, chiến tranh và biến động công nghệ gây ra tâm lý bất định kéo dài, sự đơn giản của thông điệp dân tộc chủ nghĩa mang lại cảm giác an toàn và dễ hiểu hơn nhiều so với các diễn ngôn kỹ trị. Tuy nhiên, không thể không cảnh báo những hệ quả tiềm ẩn. Khi chủ nghĩa dân tộc trở nên cực đoan, nó có thể dẫn tới chủ nghĩa bài ngoại, sự phân biệt sắc tộc và sự xói mòn của các quyền tự do cơ bản. Sự trỗi dậy của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa không nên bị đơn giản hóa là "hồi sinh phát xít", nhưng cũng không thể xem nhẹ như một phản ứng tạm thời. Đây là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng, đòi hỏi một sự phản tỉnh nghiêm túc từ phía các thể chế chính trị truyền thống.
Trong khi các nhà lãnh đạo EU đang cố gắng duy trì sự gắn kết và chuẩn hóa, thì thực tế cho thấy các quốc gia thành viên ngày càng khác biệt về mô hình phát triển, văn hóa chính trị và ưu tiên chiến lược. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), dự kiến diễn ra trong tháng này, sẽ là một phép thử then chốt. Theo các khảo sát gần đây của Viện Eurobarometer, tỷ lệ ủng hộ các đảng cánh hữu tại nhiều quốc gia đang gia tăng rõ rệt, đặc biệt là tại Austria, Hungary, Slovakia và Thụy Điển. Nếu xu hướng này tiếp tục, cấu trúc quyền lực tại EP sẽ có sự điều chỉnh đáng kể, mở đường cho các thảo luận mới về chủ quyền, kiểm soát biên giới và vai trò của EU trong các quyết định nội khối.
Đáng chú ý, một số quốc gia Bắc Âu, từng là pháo đài của chủ nghĩa tự do xã hội, cũng đang chứng kiến sự đổi màu chính trị. Tại Thụy Điển, đảng Dân chủ Thụy Điển (SD) đang trở thành đối tác chính sách quan trọng trong liên minh cầm quyền, trong khi tại Đan Mạch, các biện pháp nhập cư cứng rắn từng bị coi là cực đoan nay đã trở thành dòng chính. Những điều tưởng chừng không thể cách đây một thập niên, giờ đang trở thành chuẩn mực mới.
Tương lai của châu Âu sẽ phụ thuộc vào cách hệ thống chính trị hiện hành phản ứng với những tín hiệu cảnh báo từ cử tri. Việc mô tả các lực lượng dân tộc chủ nghĩa như những "bóng ma quá khứ" có thể làm suy yếu khả năng đối thoại và cải cách thực chất. Thay vì chống đối bằng định kiến, điều cần thiết lúc này là một chiến lược tiếp cận lại niềm tin của người dân, thông qua lắng nghe, cải cách và tái lập mối liên hệ chính trị chân thực. Chủ nghĩa dân tộc có thể không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng nó đang phơi bày những rạn nứt sâu sắc trong mô hình hiện hành. Đó không phải là một mối đe dọa đơn thuần, mà là lời nhắc nhở: nếu dân chủ tự do không đổi mới, chính nó sẽ trở thành nạn nhân của sự trì trệ.
LAO ĐAO VÌ GIÁ THÉP RẺ TRÀN VÀO
Ngành thép châu Âu cảnh báo nguy cơ suy yếu khi lượng thép nhập khẩu – đặc biệt từ Trung Quốc và Mỹ – tăng vọt do bị chuyển hướng khỏi thị trường Mỹ sau các biện pháp thuế quan mới.
Châu Âu đang chứng kiến làn sóng thép ồ ạt đổ về từ Mỹ sau khi nước này tăng mạnh thuế nhập khẩu, khiến lượng hàng nhập khẩu một số sản phẩm tăng gấp 10 lần kể từ đầu năm, trang Financial Times dẫn báo cáo giám sát mới được Ủy ban châu Âu (EC) công bố.
Ngành công nghiệp thép EU đã lên tiếng kêu gọi Brussels triển khai các biện pháp khẩn cấp khi đợt nhập siêu này có nguy cơ đè nặng lên giá thép trong khu vực.
“Đã đến lúc phải hành động”, bà Ilse Henne, Chủ tịch Hội đồng Giám sát của Thyssenkrupp, nói với Financial Times.
Cảnh báo này được đưa ra sau khi EC phát hành báo cáo giám sát đầu tiên nhằm phát hiện đột biến nhập khẩu, trong bối cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng và tiếp tục đe dọa áp thuế. Báo cáo ghi nhận mức tăng mạnh về sản lượng nhập khẩu và sự sụt giảm sâu về giá đối với nhiều mặt hàng kể từ ngày 1/1 – từ đàn guitar đến robot công nghiệp.
Lượng thép không gỉ dạng thanh và thanh tròn nhập khẩu đã tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá giảm tới 88%. Nhóm thép thanh tròn thông thường cũng tăng 222% về khối lượng, giá giảm 55%.
“Với công cụ giám sát nhập khẩu mới này, chúng tôi đang nâng cao năng lực bảo vệ lợi ích của chính mình và ngăn chặn các làn sóng hàng hóa bị chuyển hướng tràn vào thị trường nội khối,” ông Maroš Šefčovič, Ủy viên Thương mại EU, cho biết.
Nhập khẩu đàn guitar điện tăng gần 500%, giá giảm tới 80%, trong khi robot công nghiệp tăng 315% và giá giảm khoảng 1/3.
Báo cáo cũng ghi nhận mức tăng lớn đối với các mặt hàng ván ép, màng nhôm.
Bản đồ nhiệt đính kèm báo cáo cho thấy Trung Quốc là nguồn gốc của làn sóng nhập khẩu tăng vọt ở các nhóm hàng máy móc, dệt may, hóa chất và sản phẩm từ gỗ, giấy.
Ngoài ra, nhập khẩu thực phẩm, đồ uống và hóa chất từ Mỹ cũng tăng mạnh, khi các công ty đẩy mạnh dự trữ trước khi EU áp thuế trả đũa.
Các nhà phân tích lưu ý dữ liệu hải quan tự động có thể thiếu chính xác do các sản phẩm có giá rất khác nhau nằm trong cùng một nhóm mã HS, phản ánh khả năng người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn các sản phẩm rẻ hơn.
Tuy vậy, bà Henne nhấn mạnh mối đe dọa đối với ngành thép là có thật. EU đã áp dụng cơ chế tự vệ từ năm 2016, đánh thuế 25% với lượng nhập vượt hạn ngạch, nhưng các biện pháp này đang dần được nới lỏng trước khi hết hạn vào năm 2026.
Ông Šefčovič hôm thứ Năm cam kết sẽ đề xuất một cơ chế thay thế vào mùa hè năm nay.
Bà Henne cũng kêu gọi đẩy nhanh các kế hoạch hỗ trợ ngành thép, bao gồm việc cắt giảm chi phí năng lượng và ưu tiên sản phẩm nội địa trong các hợp đồng công.
“Các công ty ngoài EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương đương về khí hậu, mở cửa thị trường và cạnh tranh – nếu không, chúng ta sẽ làm suy yếu khả năng chống chịu của chính mình,” bà cảnh báo.
Ngoài ra, bà cũng kêu gọi EU áp thuế đối với thép nhập khẩu từ Nga. Hiện các sản phẩm thép thành phẩm và bán thành phẩm đã bị cấm sau cuộc xung đột với Ukraine năm 2022, nhưng thép tấm (slab) vẫn được miễn trừ.
Thyssenkrupp hiện đang cắt giảm công suất từ 11 triệu tấn xuống còn 9 triệu tấn mỗi năm do nhu cầu yếu, dẫn đến việc cắt giảm hàng ngàn lao động .
Tuần trước, Mỹ đã tăng thuế đối với thép và nhôm lên 50%, gấp đôi mức 25% do Tổng thống Mỹ ban hành từ tháng 3.
Hiệp hội thép Châu Âu Eurofer hôm thứ Năm dự báo tiêu thụ thép EU sẽ giảm 0,9% trong năm 2025, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp ghi nhận xu hướng giảm. Dù vậy, nhập khẩu vẫn tiếp tục gia tăng.
“Trước triển vọng ngày càng u ám của thị trường thép EU, chúng tôi kêu gọi Ủy ban châu Âu xem xét các biện pháp thương mại khẩn cấp để đảm bảo sự ổn định của thị trường,” ông Axel Eggert, Tổng giám đốc Eurofer nhấn mạnh.
CHỨNG KHOÁN ĐÓN DÒNG TIỀN TỪ MỸ
.jpg)
Thị trường chứng khoán châu Âu đang có hiệu suất vượt trội so với toàn cầu, trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ gây ra một số hiệu ứng ngược, khiến giới đầu tư quốc tế chuyển hướng dòng vốn sang khu vực này.
Hiệu suất vượt trội
Bức tranh thị trường tài chính toàn cầu đang chứng kiến sự đảo chiều đầy bất ngờ. Việc Tổng thống Donald Trump theo đuổi các biện pháp bảo hộ thương mại, đặc biệt là chính sách thuế cao, không chỉ gây lo ngại về tính bền vững của nền kinh tế Mỹ, mà còn khiến nhà đầu tư e ngại rủi ro, từ đó tìm kiếm các điểm đến thay thế, nổi bật nhất là châu Âu.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, 5 tháng đầu năm 2025, có tới 8/10 thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới thuộc về châu Âu (thị trường Đức tăng hơn 30% tính theo USD, Slovenia tăng 42%, Ba Lan tăng 40%, Hy Lạp và Hungary cùng tăng hơn 34%...).
Đáng chú ý, chỉ số Stoxx 600 - đại diện cho toàn bộ thị trường châu Âu - đã vượt mặt S&P 500 của Mỹ với khoảng cách lịch sử lên tới 18 điểm phần trăm. Đây là mức chênh lệch lớn chưa từng thấy giữa hai thị trường chủ chốt.
Một trong những động lực chính dẫn dắt đợt tăng trưởng mạnh này là sự thay đổi đáng kể trong chính sách tài khóa của Đức - nền kinh tế đầu tàu của khu vực. Từ chỗ luôn cẩn trọng chi tiêu, Đức bất ngờ công bố kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ Euro vào hạ tầng và quốc phòng. Citigroup dự báo, chương trình này sẽ trở thành cú huých cho tăng trưởng của toàn khu vực đồng Euro kể từ nửa cuối năm 2026.
Trong đó, cổ phiếu quốc phòng là điểm sáng vượt trội. Có tới 7 trong số 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên chỉ số Stoxx 600 đều thuộc lĩnh vực này, với mức tăng từ 90% trở lên. Các doanh nghiệp Đức như Renk Group AG, Rheinmetall AG và Hensoldt AG dẫn đầu làn sóng tăng giá.
Trong khi đó, thị trường Mỹ lại đang chững lại. S&P 500 chỉ nhích nhẹ 0,5% trong 5 tháng đầu năm nay - quá khiêm tốn so với mức tăng 12% của chỉ số MSCI World (không bao gồm Mỹ). Giới đầu tư tại Mỹ ngày càng lo ngại về nguy cơ suy thoái, lạm phát kéo dài và thâm hụt ngân sách lớn. Đặc biệt, việc Moody’s lần đầu tiên hạ bậc tín nhiệm của Mỹ trong tháng 5 vừa qua, với lý do chính là nợ chính phủ ngày càng tăng, càng làm tâm lý nhà đầu tư thêm bi quan.
Chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump cũng vấp phải những phản ứng trái chiều. Một tòa án liên bang gần đây đã chặn một số biện pháp áp thuế nhập khẩu mà Washington dự kiến áp dụng. Ngoài ra, việc Mỹ xem xét đánh thuế các doanh nghiệp đến từ các quốc gia bị cho là có chính sách thuế “phân biệt đối xử” đang làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng đầu tư quốc tế.
Một số cuộc khảo sát gần đây cho biết, không ít nhà quản lý quỹ toàn cầu đã tăng tỷ trọng cổ phiếu châu Âu trong danh mục, đồng thời giảm lượng nắm giữ cổ phiếu Mỹ.
Định giá hấp dẫn và triển vọng tích cực
Bà Beata Manthey, một chiến lược gia của Citigroup cho rằng, châu Âu đang có lợi thế kép: dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ và định giá cổ phiếu vẫn ở mức hấp dẫn so với lịch sử.
“Các nhà đầu tư đã tránh xa châu Âu quá lâu. Vì vậy, ngay cả khi dòng vốn trở lại, quy mô hiện tại vẫn nhỏ so với lượng vốn rút ra trước đó”, bà Beata Manthey nhận xét.
Tín hiệu tích cực cũng đến từ kết quả kinh doanh quý I/2025. Lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc chỉ số MSCI Europe tăng 5,3%, trái ngược hoàn toàn với dự báo trước đó là giảm 1,5%. Điều này cho thấy, nền tảng tài chính doanh nghiệp tại châu Âu đang mạnh mẽ hơn kỳ vọng.
Ngân hàng UBS dự báo, xu hướng tái phân bổ tài sản có thể đưa khoảng 1.200 tỷ Euro đổ vào thị trường chứng khoán châu Âu trong 5 năm tới.
“Châu Âu đã trở lại trên bản đồ đầu tư. Trong hai tháng qua, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi về thị trường này hơn cả thập kỷ trước cộng lại”, bà Frédérique Carrier, Giám đốc chiến lược đầu tư tại RBC Wealth Management chia sẻ.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn đưa ra lời cảnh báo. Triển vọng thương mại toàn cầu vẫn bất định, trong khi nhiều ngành chủ lực của châu Âu - từ khai khoáng, ô tô cho đến hàng xa xỉ - đều phụ thuộc vào nhu cầu từ các thị trường quốc tế. Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm từ 25% lên 50% có thể tạo sức ép lớn đối với các nhà sản xuất châu Âu trong thời gian tới.
LONDON TẶNG HẬU LỄ CHO MOSCOW
London đã tặng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin hậu lễ, khi cung cấp bảo hiểm cho năng lượng Nga, trực tiếp mua dầu Nga trị giá hàng tỷ bảng Anh.
Tạp chí The New Statesman có trụ sở tại London (Anh) mới đây đã có bài viết dựa trên một cuộc điều tra của CREA (Centre for Research on Energy and Clean Air, tức “Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch”) cho rằng, chính Vương quốc Anh đã tặng phần lễ lớn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tạp chí Anh nêu rõ, điều trớ trêu là bất chấp hàng nghìn lệnh trừng phạt của phương Tây, các công ty Anh tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế dầu khí của Nga.
Theo đó, những nghiên cứu mới được The Times cung cấp độc quyền đã phát hiện ra rằng hơn 200 tỷ bảng Anh xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã được vận chuyển thông qua các công ty Anh kể từ tháng 3/2022.
Các công ty Anh đã hỗ trợ vận chuyển gần một phần tư lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu của Nga kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bắt đầu.
Nghiên cứu của CREA cho thấy giá trị dầu thô, sản phẩm tinh chế và LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) của Nga được vận chuyển theo bảo hiểm của Anh kể từ đầu năm 2022 đã đạt 205,8 tỷ bảng Anh (tương đương 278.5 tỷ USD), trong đó, ba phần tư tàu chở LNG của Nga đã được bảo hiểm tại Anh.
Không chỉ như vậy, một lỗ hổng trừng phạt còn cho phép Anh tiếp tục mua các sản phẩm dầu của Moscow.
CREA ước tính rằng, các công ty Anh đã gián tiếp mua 1,4 tỷ bảng Anh (gần 1,9 tỷ USD) dầu của Nga thông qua lỗ hổng này, tạo ra doanh thu cho Điện Kremlin hơn nửa tỷ bảng Anh (gần 700 triệu USD).
Phần lớn nhiên liệu này thuộc về chuỗi cung ứng từ các mỏ dầu ở Siberi, dùng cho các máy bay phản lực.
Không chỉ có Vương quốc Anh mà các nước châu Âu cũng tiếp tục mua LNG của Nga trực tiếp và vào năm 2024 đã nhập khẩu nhiều LNG từ Nga hơn bao giờ hết.
Phần lớn lượng LNG này được vận chuyển hoàn toàn hợp pháp bởi một công ty của Anh là Seapeak, có trụ sở tại Glasgow (Scotland).
CREA tuyên bố rằng, chỉ tính riêng Seapeak đã vận chuyển khối lượng cực lớn LNG của Nga, có trị giá lên tới 13 tỷ bảng Anh kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine chính thức nổ ra vào tháng 02/2022.
Điều đáng ngạc nhiên là các hoạt động của công ty sở hữu một nhà ga tái hóa khí, cùng với hơn 90 tàu chở dầu, trong đó có 7 tàu chở LNG chuyên dụng có thể phá vỡ lớp băng dày hai mét, lại không bị cấm và không có cáo buộc vi phạm pháp luật nào được đưa ra đối với Seapeak.
HÀNG NGHÌN NGƯỜI ANH BIỂU TÌNH TẠI LONDON ĐỂ PHẢN ĐỐI CHÍNH PHỦ CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ QUÂN SỰ
.jpg)
Hàng nghìn người đã tham gia tuần hành rầm rộ ở trung tâm thủ đô London để phản đối việc Chính phủ Anh tăng cường đầu tư cho quân sự, gây tổn hại đến phúc lợi công cộng.
Tổ chức chính trị People's Assembly có trụ sở tại Anh hô 7/6 đã tổ chức cuộc tuần hành, thu hút hàng nghìn người tham gia ở London. Những người tham gia tuần hành qua các con phố khắp thủ đô Anh đã mang theo nhiều khẩu hiệu như “Hãy đánh thuế người giàu”, “Y tá, chứ không phải vũ khí hạt nhân” và “Phúc lợi, chứ không phải chiến tranh”.
Nhiều công đoàn cùng các nhà hoạt động trên khắp “xứ sở sương mù” đã tuần hành dưới khẩu hiệu “Nói không với chính sách thắt lưng buộc bụng 2.0”, nhằm kêu gọi chính quyền hiện tại của Anh từ bỏ các chính sách cắt bỏ dịch vụ hỗ trợ dân sinh trong khi tăng chi tiêu cho quốc phòng.
“Việc bãi bỏ các khoản thanh toán nhiên liệu cho mùa đông, duy trì mức phúc lợi dành cho 2 con của đảng Bảo thủ, cắt giảm chi phí hỗ trợ người tàn tật và cắt viện trợ nước ngoài, trong khi gia tăng chi tiêu quốc phòng, không phải là lựa chọn ‘khó khăn’, mà là lựa chọn mang tính chính trị”, người phát ngôn của tổ chức People's Assembly phát biểu.
Đám đông tuần hành cũng đưa ra một số chỉ trích nhằm vào Thủ tướng Anh Keir Stamer. “Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một chính phủ chú trọng đến việc bán vũ khí hơn là chăm lo cho người nghèo của chính đất nước mình”, Martin Cavanagh, Chủ tịch Công đoàn Dịch vụ Thương mại và công cộng (PCS) nói.
Theo hãng tin RT, các cuộc tuần hành trên diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Anh Starmer dự kiến vào ngày 9/6 sẽ công bố bản “Đánh giá về quốc phòng chiến lược” của nước này, trong đó có cam kết nâng chi tiêu quân sự lên mức 3% GDP; mở rộng sản xuất máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa và hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Nguồn: CAND; VietnamBiz; Tin Nhanh Chứng Khoán; Soha; Vietnamnet
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá