.jpg)
BÁO ĐỘNG HÀNG TRĂM CA BỆNH BẠCH HẦU
AFP hôm qua dẫn nghiên cứu chỉ ra châu Âu đã ghi nhận hàng trăm ca nhiễm bạch hầu trong hơn 3 năm qua.
Cụ thể, tạp chí y khoa New England công bố nghiên cứu đề cập châu Âu đã có 536 trường hợp mắc bạch hầu kể từ đầu năm 2022 với 3 ca tử vong. Đây được xem là đợt bùng phát bạch hầu lớn nhất ở châu lục này trong 70 năm qua.
Quá trình lấy mẫu bệnh nhân từ 10 quốc gia cho thấy 98% trường hợp mắc bệnh là nam giới có độ tuổi trung bình là 18, hầu hết là người di cư từ nơi khác.
Hiện chưa rõ đâu là tâm dịch tại châu Âu, song các nhà nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ di truyền giữa chủng bạch hầu năm 2022 và chủng được phát hiện tại Đức năm nay, cho rằng vi khuẩn vẫn đang âm thầm lưu hành ở Tây Âu.
Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có khả năng lây lan cao, có thể tấn công đường hô hấp và lan khắp cơ thể, gây đau họng, sốt và các triệu chứng khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người mắc bạch hầu chưa tiêm vắc xin có 30% nguy cơ tử vong và các ca bệnh nguy hiểm hơn ở trẻ em.
NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG CHÂU ÂU GIẢM LÃI SUẤT XUỐNG 2%
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất lần thứ 8 trong một năm qua, kể từ khi bắt đầu quá trình nới lỏng tiền tệ.
Ngày 5/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo giảm lãi suất tham chiếu thêm 0,25% xuống 2%. Mức hiện tại chỉ bằng nửa so với đỉnh điểm 4% giữa năm 2023. Động thái này khớp với dự báo của thị trường.
"Quyết định giảm lãi suất được đưa ra dựa trên đánh giá mới nhất về triển vọng lạm phát, diễn biến lạm phát cơ bản và tác động của chính sách tiền tệ lên nền kinh tế", ECB cho biết trong thông báo.
Theo dữ liệu sơ bộ công bố đầu tuần này, lạm phát của khu vực đồng euro chỉ còn 1,9% trong tháng 5, dưới mục tiêu 2% của ECB. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế tại đây vẫn yếu, dù lãi suất tham chiếu đã giảm 8 lần kể từ giữa năm ngoái. Số liệu mới nhất cho thấy trong quý I, GDP eurozone chỉ tăng 0,3%.
ECB dự báo lạm phát trung bình năm nay đạt 2%. Tốc độ này giảm so với dự báo 2,3% hồi tháng 3.
Quyết định hạ lãi suất được ECB đưa ra tại thời điểm quan trọng với kinh tế eurozone. Các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách hiện đối mặt với tương lai ngày càng thiếu chắc chắn, do căng thẳng địa chính trị leo thang.
ECB cho biết hiện tại, tác động của thuế đến lạm phát vẫn chưa rõ ràng, và còn phụ thuộc vào việc Liên minh châu Âu (EU) có đáp trả thuế của Mỹ hay không. EU đang tạm dừng các biện pháp trả đũa, nhưng các lãnh đạo khối cho biết họ sẵn sàng triển khai nếu cần thiết.
ỦY BAN CHÂU ÂU CÔNG BỐ HIỆP ƯỚC ĐẠI DƯƠNG CHÂU ÂU
.jpg)
Ủy ban châu Âu vừa công bố Hiệp ước Đại dương châu Âu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm biển và khai thác tài nguyên quá mức.
Hiệp ước Đại dương châu Âu được thiết kế như một phương pháp tiếp cận toàn diện, dựa trên hệ thống luật pháp và các sáng kiến hiện hành, qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Liên minh châu Âu trong quản lý và bảo vệ đại dương.
Hiệp ước này sẽ thiết lập một khuôn khổ tham chiếu duy nhất bao trùm mọi lĩnh vực chính sách liên quan đến đại dương. Qua đó, các nước thành viên EU có thể phối hợp hiệu quả hơn trước các thách thức như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, hay quản lý tài nguyên biển...
Hiệp ước tập trung vào 6 ưu tiên, trong đó có: tăng cường an ninh và khả năng phục hồi hàng hải, đẩy mạnh ngoại giao đại dương và nâng cao năng lực quản lý đại dương quốc tế. Một điểm nhấn đáng chú ý là mục tiêu củng cố hợp tác bảo vệ bờ biển, hạ tầng thiết yếu và năng lực cơ động quân sự, trong đó có việc mở rộng năng lực phòng thủ hải quân.
Ủy ban châu Âu cũng cam kết đẩy mạnh cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua việc bắt buộc áp dụng hệ thống chứng nhận đánh bắt kỹ thuật số IT CATCH từ tháng 1/2026.
Trong bối cảnh hiện nay, 70% thủy sản tiêu thụ tại châu Âu là hàng nhập khẩu, nên Hiệp ước Đại dương châu Âu cũng đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản trong khu vực.
EU KÊU GỌI TRUNG QUỐC NỚI KIỂM SOÁT XUẤT KHẨU ĐẤT HIẾM
Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc nới kiểm soát xuất khẩu đối với đất hiếm - những khoáng sản giữ vai trò không thể thiếu đối với vô số sản phẩm từ ô tô tới máy giặt...
Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Bắc Kinh gây gián đoạn nguồn cung đất hiếm và dẫn tới đảo lộn hoạt động sản xuất của nhiều ngành công nghiệp ở châu Âu và Mỹ - hãng tin CNN cho hay.
Ông Maros Sefcovic, ủy viên phụ trách vấn đề thương mại của Liên minh châu Âu (EU), nói rằng vấn đề này là một “ưu tiên” trong cuộc gặp hôm 3/6 giữa ông với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bên lề hội nghị của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ở Paris, Pháp.
Sản xuất đảo lộn vì thiếu đất hiếm
“Tôi đã thông tin đến người đồng cấp Trung Quốc về tình hình đáng báo động trong ngành công nghiệp ô tô châu Âu và các ngành công nghiệp khác, bởi rõ ràng đất hiếm và nam châm vĩnh cửu có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất công nghiệp”, ông Sefcovic nói với các nhà báo hôm 4/6.
Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên tới mức đỉnh điểm trong tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã sử dụng vị thế thống lĩnh toàn cầu trong lĩnh vực đất hiếm, áp các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới đối với 7 loại đất hiếm và một số loại nam châm - vốn là những vật liệu cần thiết cho các sản phẩm từ hàng điện tử dùng hàng ngày cho tới xe cộ và những loại vũ khí đắt tiền như chiến đấu cơ F35. Trung Quốc hiện là nước kiểm soát 90% hoạt động sản xuất đất hiếm trên thế giới.
Dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận “đình chiến” thương mại trong 90 ngày, Trung Quốc đến nay vẫn chưa nới lỏng kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, và điều này đã khiến Mỹ bất bình. Những ngày gần đây, Mỹ - Trung cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận đạt được ở Geneva. Cùng với đó, các hãng sản xuất ô tô cũng lên tiếng cảnh báo về việc sắp phải đóng cửa nhà máy vì không thể nhập được nam châm đất hiếm từ Trung Quốc.
Ngày 5/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm và sau cuộc gọi, ông Trump cho biết các quan chức hai nước sẽ sớm có vòng đàm phán thương mại tiếp theo. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump viết: “Sẽ không còn bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến sự phức tạp của các sản phẩm đất hiếm”, nhưng ông không giải thích điều này nghĩa là gì.
Ông Sefcovic nói rằng việc thiếu nam châm vĩnh cửu đang gây ra “sự gián đoạn nghiêm trọng cho sản xuất công nghiệp”.
Hôm thứ Tư, Hiệp hội Các nhà cung ứng ô tô châu Âu (CLEPA) đưa ra cảnh báo tương tự về “gián đoạn lớn” trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ô tô do Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu đất hiếm. “Việc Trung Quốc áp hạn chế xuất khẩu đang khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn trong lĩnh vực cung ứng ở châu Âu”, Tổng thư ký Benjamin Krieger của CLEPA nói trong một tuyên bố.
Theo các biện pháp kiểm soát mới của Trung Quốc, các nhà xuất khẩu đất hiếm và nam châm phải xin giấy phép cho mỗi lô hàng và cung cấp tài liệu hỗ trợ để xác minh mục đích sử dụng cuối cùng của các vật liệu này.
Theo CLEPA, kể từ tháng 4, nhà chức trách Trung Quốc chỉ chấp thuận khoảng 1/4 trong số hàng trăm đơn xin cấp giấy phép xuất khẩu được nộp. Hơn nữa, quy trình nộp đơn thiếu rõ ràng và không nhất quán giữa các địa phương, với một số giấy phép bị từ chối vì lý do thủ tục và một số giấy phép khác yêu cầu tiết lộ thông tin nhạy cảm, bao gồm cả sở hữu trí tuệ.
Nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen gần đây đã nói với CNN rằng các nhà cung cấp của hãng xe này chỉ được cấp “một số lượng giấy phép xuất khẩu hạn chế”.
Những lô hàng chậm chạp, giá đất hiếm tăng mạnh
Dữ liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy các lô hàng nam châm đất hiếm xuất khẩu từ nước này Đức đã giảm một nửa trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 - thời gian mà các hạn chế này bắt đầu được áp dụng.
Tại cuộc gặp hôm thứ Ba, ông Sefcovic và ông Vương đã so sánh dữ liệu về giấy phép được cấp và thấy rằng số liệu của hai bên không khớp - ông Sefcovic cho biết. Ông nói thêm rằng hai bên sẽ nói chuyện “tương đối sớm” sau khi dữ liệu được làm rõ. Thay vì chế độ cấp phép hiện tại của Trung Quốc, ông Sefcovic cho biết EU mong muốn một giải pháp có tính hệ thống, chẳng hạn như nộp đơn chung một lần một năm cho mỗi nhà xuất khẩu, để tránh sự chậm trễ về thủ tục giấy tờ và căng thẳng cho ngành.
“Bức tranh lớn bây giờ là việc cấp phép diễn ra chậm hơn nhiều so với những gì doanh nghiệp cần hay muốn. Chỉ có một số ít các quan chức Trung Quốc đứng ra xử lý hàng nghìn đơn xin cấp phép. Vấn đề là rõ ràng Trung Quốc không ưu tiên thúc đẩy việc này”, một nguồn thạo tin tiết lộ.
Một nhà giao dịch đất hiếm lâu năm ở Mỹ cho biết công ty của ông vẫn đang đợi Bắc Kinh cấp phép xuất khẩu những lô đất hiếm theo hồ sơ mà bên cung ứng ở Trung Quốc đã nộp từ cách đây 7 tuần.
Việc Trung Quốc siết kiểm soát xuất khẩu đất hiếm đã khiến các nhà sản xuất nước ngoài xoảy sở tìm cách tích trữ các vật liệu này, dẫn tới giá đất hiếm tăng mạnh. “Những ai tích trữ được đất hiếm bây giờ có thể bán được với giá cao gấp 4-7 lần so với giá thị trường cách đây 2 tháng”, nhà giao dịch này cho biết. Trong một số trường hợp, như với kim loại mềm yttrium, người mua sẵn sàng trả giá cao gấp 10 lần.
Đáng chú ý, ngay cả những đất hiếm không nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu cũng đang bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi đang chứng kiến các lô hàng chậm hơn. Hải quan Trung Quốc đang xem xét kỹ lưỡng hơn bao giờ hết các lô hàng xuất khẩu. Tất cả các loại đất hiếm hiện đều bị kiểm tra kỹ và mất nhiều thời gian hơn để được vận chuyển ra nước ngoài”, một nguồn tin cho biết và nói thêm rằng rằng một số nhà cung cấp thậm chí đã từ chối vận chuyển các vật liệu không nằm trong danh sách hạn chế do sự giám sát chặt chẽ hơn.
Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, các lô hàng nam châm đất hiếm xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 đã giảm 60%.
Ngày 5/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian nói rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của nước này “phù hợp với các thông lệ quốc tế chung, không phân biệt đối xử và không nhắm vào các quốc gia cụ thể”.
LỤC ĐỤC NỘI BỘ: NGOÀI HUNGARY VÀ SLOVAKIA, THÊM HAI NƯỚC MUA LNG TỪ NGA NHIỀU NHẤT KHỐI PHẢN ĐỐI KẾ HOẠCH CẤM NHẬP KHẨU KHÍ ĐỐT NGA VÀO NĂM 2027
.jpg)
EU chia rẽ về kế hoạch cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2027.
Pháp và Bỉ từ chối ủng hộ kế hoạch cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ (LNG) Nga của Ủy ban châu Âu với lý do cần thêm đánh giá về tác động kinh tế và pháp lý, tờ Politico đưa tin.
Pháp, nước nhập khẩu LNG của Nga lớn nhất trong EU, nói với Politico rằng nước này ưu tiên chiến lược đa dạng hóa nguồn cung năng lượng thay vì cấm hoàn toàn. Bỉ – đứng thứ hai – yêu cầu báo cáo đánh giá tác động kinh tế chi tiết trước khi ủng hộ đề xuất.
Quan điểm này trái ngược với Tây Ban Nha và Hà Lan – vốn cũng là 2 nước nhập khẩu LNG Nga lớn tiếp theo trong EU. Hai quốc gia này đều sẵn sàng ủng hộ kế hoạch mới của EU nhằm cấm các hợp đồng mua LNG ngắn hạn từ năm nay và chấm dứt hợp đồng dài hạn vào năm 2027.
Để đạt được đồng thuận trong toàn khối, sự ủng hộ của 4 quốc gia nhập khẩu lớn nhất sẽ mang tính quyết định. Trong khi đó, Hungary và Slovakia dự kiến sẽ phản đối nhằm duy trì nguồn năng lượng Nga. Nhiều chính trị gia và doanh nghiệp tại châu Âu vẫn kêu gọi xem xét lại việc hợp tác với Nga do chi phí năng lượng cao và kinh tế khó khăn.
Năm ngoái, 4 nước trên đã nhập khẩu 16,77 triệu tấn LNG từ Nga, chiếm 97% tổng lượng LNG Nga vào EU và tương đương hơn 50% xuất khẩu toàn cầu của Nga. Tổng giá trị nhập khẩu vượt 6 tỷ euro.
Đối với Tây Ban Nha và Hà Lan, kế hoạch của EU là cơ hội để chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.
“Chúng tôi ủng hộ cấm nhập khẩu khí đốt Nga càng sớm càng tốt, thông qua một lập trường chung của EU”, người phát ngôn Bộ Chuyển đổi Sinh thái Tây Ban Nha cho biết. Hiện nước này còn hợp đồng dài hạn với tập đoàn năng lượng Novatek (Nga) tới năm 2042 thông qua công ty Naturgy.
Hà Lan cũng khẳng định tiếp tục ủng hộ việc chấm dứt hoàn toàn khí đốt Nga dù đang có hợp đồng cung cấp dài hạn với tập đoàn Pháp TotalEnergies đến năm 2032.
Ngược lại, Pháp thận trọng hơn. Bộ trưởng Ferracci bày tỏ quan ngại, nói rằng lệnh cấm ở cấp độ EU đồng nghĩa không quốc gia nào được nhập LNG của Nga nữa. Ông cũng đặt câu hỏi về tính chắc chắn pháp lý vì lo ngại doanh nghiệp Pháp có thể bị Nga kiện vì đơn phương hủy hợp đồng.
TotalEnergies hiện có hợp đồng với Novatek đến năm 2032 và sở hữu 20% cổ phần trong dự án Yamal tại Siberia. “Các hợp đồng hiện tại cần được bảo vệ về mặt pháp lý”, ông Ferracci nhấn mạnh.
Bỉ cũng muốn có đánh giá toàn diện về tác động của việc cấm năng lượng Nga khi nước này dự kiến tiếp tục nhận và lưu trữ LNG Nga đến năm 2035.
“Chúng tôi đề nghị Ủy ban châu Âu cung cấp báo cáo đánh giá tác động đầy đủ”, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Mathieu Bihet tuyên bố. Ông cho biết nước này sẽ tổ chức các cuộc họp kỹ thuật để phân tích tác động lên hạ tầng LNG quốc gia.
Dự thảo tuyên bố của EU hiện cũng cho thấy nhiều quốc gia đang thúc đẩy yêu cầu Ủy ban châu Âu tiến hành đánh giá kinh tế - pháp lý toàn diện của lệnh cấm.
Theo chuyên gia Laura Page từ công ty phân tích dữ liệu Kpler, sự chia rẽ trong EU phần lớn bắt nguồn từ công suất dự trữ khí. Tây Ban Nha có kho dự trữ dồi dào hơn so với Pháp và Bỉ sau mùa đông. Tuy nhiên, Page khẳng định lệnh cấm sẽ không gây ra khủng hoảng nguồn cung, do các nước có thể tăng nhập khẩu từ Mỹ và Canada.
Nguồn: Thanh Niên; Vnexpress; VTV; VnEconomy; Soha
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá