.jpg)
NÚI LỬA LỚN NHẤT PHUN TRÀO
Vụ phun trào của núi lửa Etna hôm 2/6 trên đảo Sicily tạo ra cột khí và tro nóng bốc cao tới 6.500 m.
Theo Live Science, núi lửa Etna phun trào với đám mây tro khổng lồ và gây lở đất xuống sườn của ngọn núi lửa đang hoạt động lớn nhất châu Âu. Vụ phun trào lớn trên đảo Sicily của Italy khiến du khách phải vội vã tìm nơi an toàn khi khói đen bốc cao phía trên Catania, thành phố hơn một triệu người nằm gần chân núi lửa.
Một trận lở đất gồm các khối dung nham nóng, tro, khí và vật liệu núi lửa khác gọi là luồng mạt vụn bắt đầu diễn ra vào khoảng 11h20 phút sáng 2/6 (16h20 cùng ngày giờ Hà Nội). Thước phim quay lại vụ phun trào cho thấy núi lửa như thể nứt ra từ trên xuống trong khi vật liệu bắn ra trượt xuống sườn núi.
Các nhà khoa học theo dõi núi lửa cho biết hoạt động phun trào mới nhất có thể bắt đầu sau khi vật chất sụp đổ ở miệng Đông Nam của núi lửa Etna, nơi hoạt động nổ tạo ra một đài phun dung nham, theo Đài quan sát Etnean do Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia Italy điều hành.
Hiện nay, chưa có báo cáo về thương tích sau vụ phun trào. "Tôi đã nói chuyện với Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia Italy (INGV), mọi thứ đều bình thường và trong tầm kiểm soát", Independent dẫn lời Enrico Tarantino, thị trưởng thành phố Catania trên đảo Sicily. "Không có vấn đề gì nghiêm trọng, đây là hiện tượng lặp lại và đã được dự đoán trước dựa trên theo dõi ngọn núi lửa".
Núi lửa Etna phun trào không liên tục từ ngày 27/11/2022, theo Chương trình Núi lửa Toàn cầu của Viện Smithsonian. Cao 3.350 m, Etna là núi lửa cao nhất châu Âu. Đám mây tro từ vụ phun trào mới nhất bốc cao khoảng 6.500 m trên bầu trời, theo Trung tâm Tư vấn Tro Núi lửa Toulouse ở Pháp. Đám mây tro này gần như cao gấp đôi so với núi lửa.
Phần còn lại của đám mây chủ yếu bao gồm khí lưu huỳnh dioxide (SO2). Sau khi phun ra từ núi lửa, khí này có thể kết hợp với các khí và hạt khác trong khí quyển, tạo thành khói núi lửa (vog). Nếu hít nhiều, khói núi lửa có thể gây ra vấn đề về hô hấp, kích ứng mắt và da. Tuy nhiên, nhà chức trách Italy chưa đưa ra cảnh báo về bất kỳ mối đe dọa nào đối với dân cư địa phương. Vụ phun trào chấm dứt vào khoảng 18h56 ngày 2/6 (23h56 cùng ngày giờ Hà Nội).
KỲ TÍCH TÀU HYDROGEN: CHỈ THẢI RA HƠI NƯỚC, GIÚP GIẢM TỚI 700 TẤN CO2 MỖI NĂM, THỜI GIAN TIẾP NHIÊN LIỆU CHỈ 15 PHÚT
Đây là bước tiến đột phá trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực giảm phát thải carbon trong ngành vận tải.
Một buổi sáng tháng 8 năm 2022, tại bang Lower Saxony, nước Đức, đoàn tàu đầu tiên chạy hoàn toàn bằng hydro lặng lẽ lăn bánh, đánh dấu bước ngoặt trong ngành giao thông vận tải thế giới. Không tiếng động cơ gầm rú, không khói đen, chỉ có tiếng bánh xe lướt nhẹ trên đường ray và chút tiếng gió xào xạc lướt qua cánh đồng. Đó không chỉ là một chuyến tàu – mà là lời tuyên bố: kỷ nguyên giao thông không phát thải đã thực sự bắt đầu.
Coradia iLint là tên của mẫu tàu chạy bằng hydro đầu tiên trên thế giới do công ty Pháp Alstom sản xuất, nhưng được Đức là quốc gia đầu tiên vận hành thương mại hoàn toàn. Đây là loại tàu sử dụng pin nhiên liệu hydro, kết hợp với động cơ điện, cho phép chạy hoàn toàn không thải khí CO₂. Khi hoạt động, tàu chỉ thải ra hơi nước và nhiệt – một bước tiến đột phá trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực giảm phát thải carbon trong ngành vận tải.
Coradia iLint có khả năng chạy khoảng 1.000 km chỉ với 1 bình hydro, tốc độ tối đa đạt 140 km/h. Điều đặc biệt là nó thay thế trực tiếp các tuyến tàu diesel cũ kỹ – một giải pháp khả thi và thực tế cho hàng ngàn km đường sắt không điện khí hóa ở châu Âu.
Đức có hơn 33.000 km đường sắt, nhưng chỉ khoảng 60% đã được điện khí hóa. Phần còn lại vẫn phải dùng đầu máy diesel – gây ô nhiễm, tốn kém và ảnh hưởng đến mục tiêu trung hòa khí thải của châu Âu. Chính vì vậy, năm 2016, bang Niedersachsen ký hợp đồng với Alstom để thử nghiệm mẫu tàu hydro đầu tiên trên tuyến đường giữa Cuxhaven và Buxtehude, gần Hamburg. Sau 2 năm thử nghiệm thành công, đến năm 2022, Đức chính thức đưa vào vận hành đoàn tàu hydro thương mại đầu tiên gồm 14 chiếc, thay thế hoàn toàn 15 đầu máy diesel cũ trên tuyến đường dài 100 km.
Khác với xe điện truyền thống phải sạc pin, tàu hydro hoạt động nhờ phản ứng điện hóa giữa hydro và oxy trong pin nhiên liệu. Phản ứng này tạo ra điện, cung cấp năng lượng cho động cơ và tích trữ vào pin lithium để dùng trong lúc tăng tốc hoặc dừng chờ.
Điều đáng nói là tàu không phát ra khí nhà kính trong quá trình vận hành – điều mà ngay cả xe điện vẫn còn phụ thuộc vào nguồn điện đầu vào. Nếu hydro được sản xuất từ năng lượng tái tạo (green hydrogen), thì vòng đời phát thải CO₂ gần như bằng 0.
Chuyên gia ước tính tàu Coradia iLint giúp giảm tới 700 tấn CO₂ mỗi năm so với tàu diesel. Mỗi trạm nạp hydro có thể tiếp nhiên liệu cho tàu chỉ trong 15 phút, tương đương tốc độ nạp dầu diesel.
Ngoài Đức, các quốc gia như Pháp, Ý, Áo và Hà Lan cũng đang đặt mua hoặc thử nghiệm loại tàu này. Chính phủ Đức và Liên minh châu Âu cam kết chi hàng tỷ euro để phát triển cơ sở hạ tầng hydrogen, biến châu Âu thành trung tâm hydro toàn cầu vào năm 2030.
Dù đầy tiềm năng, nhưng việc triển khai tàu hydro vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là rào cản về chi phí sản xuất. Phần lớn hydro hiện nay vẫn được sản xuất từ khí tự nhiên (gray hydrogen), chưa thực sự thân thiện môi trường. Hydro xanh (từ điện mặt trời, gió) chiếm tỷ lệ rất nhỏ do giá thành đắt đỏ. Ngoài ra, hạ tầng tiếp nhiên liệu còn hạn chế: Để vận hành quy mô lớn, cần xây dựng hàng trăm trạm nạp hydro dọc các tuyến đường sắt.
Dẫu vậy, xét cho cùng, tàu chạy bằng hydro vẫn được coi là tuyên ngôn của nước Đức trong tham vọng chuyển đổi năng lượng. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga–Ukraine, việc phát triển các nguồn năng lượng sạch không chỉ là xu hướng, mà còn là yêu cầu sinh tồn.
Nhiều chuyên gia đánh giá, những dự án như Coradia iLint là cách để nước Đức khẳng định vị thế “xe đầu tàu” trong cuộc cách mạng xanh, vừa thúc đẩy công nghệ, vừa đảm bảo an ninh năng lượng.
Ngoài Đức, Pháp cũng nỗ lực chuyển đổi năng lượng, giảm khí thải và xanh hóa giao thông công cộng. Quốc gia này có mạng lưới đường sắt lớn thứ hai châu Âu, với hơn 30.000 km, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 4.000 km chưa được điện khí hóa – chủ yếu ở các vùng nông thôn, miền núi hoặc tuyến phụ. Trên các tuyến này, tàu diesel là phương tiện chủ lực, kéo theo lượng khí thải CO₂ đáng kể hàng năm.
Trong bối cảnh châu Âu ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn khí thải và nước Pháp đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, t àu chạy bằng hydro chính là lời giải. Năm 2021, chính phủ Pháp ký hợp đồng với tập đoàn Alstom để phát triển và cung cấp các đoàn tàu hydrogen – một động thái nối tiếp thành công của Đức với mẫu Coradia iLint. Đến năm 2023, Pháp chính thức đưa vào thử nghiệm thương mại đoàn tàu hydrogen đầu tiên, khởi đầu cho một hành trình “xanh hóa” hệ thống giao thông công cộng.
Dự án triển khai tàu hydrogen tại Pháp được khởi động ở 4 vùng lớn: Nouvelle-Aquitaine, Occitanie, Bourgogne-Franche-Comté và Auvergne-Rhône-Alpes. Mỗi vùng đặt mua 3 đoàn tàu, nâng tổng số lên 12 chiếc trong hợp đồng đầu tiên, với tổng giá trị khoảng 190 triệu Euro. Theo kế hoạch, các tàu này sẽ hoạt động chính thức từ cuối 2024 hoặc đầu 2025, trên các tuyến chưa được điện khí hóa, thay thế hoàn toàn tàu diesel.
CUỘC ĐUA TỰ CHỦ CÔNG NGHỆ BÁN DẪN
.jpg)
Trung tâm Nghiên cứu an ninh (CSS) thuộc Đại học Zurich, Thụy Sĩ đánh giá rằng ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành tâm điểm của cạnh tranh công nghệ toàn cầu, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, buộc châu Âu phải đẩy mạnh nỗ lực nhằm đảm bảo vị thế và khả năng tự chủ. Dù chỉ chiếm 10% chuỗi giá trị toàn cầu, châu Âu lại có thế mạnh trong các phân khúc chuyên sâu như thiết bị sản xuất và nghiên cứu phát triển (R&D), và phải đối mặt với nhiều rào cản về thị trường, đầu tư và chính trị nội khối.
Định vị vai trò
Cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn đang định hình lại bức tranh công nghệ toàn cầu và làm thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng quốc tế. Trong bối cảnh đó, châu Âu đối mặt với nhiều thách thức, song cũng nắm giữ một số lợi thế chiến lược nhất định trong các phân khúc chuyên biệt của ngành công nghiệp chip.
Bán dẫn là lĩnh vực then chốt, có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều ngành công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI), quản lý dữ liệu và hạ tầng số. Sự đối đầu Mỹ - Trung không chỉ tác động đến dòng thương mại, đầu tư, mà còn định hình lại các liên minh quốc tế, tiêu chuẩn công nghệ và mô hình quản trị toàn cầu.
Trong bối cảnh này, châu Âu giữ một vị trí đáng kể trong một số lĩnh vực có giá trị gia tăng cao của ngành bán dẫn, đặc biệt là tại các quốc gia nhỏ nhưng có trình độ chuyên môn hóa sâu như Thụy Sĩ. Những nước này đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu không nhờ vào quy mô sản xuất, mà dựa trên năng lực nghiên cứu, độ chính xác công nghệ và tính sáng tạo cao. Tuy nhiên, tham vọng mở rộng năng lực sản xuất chip của châu Âu vẫn đối mặt với nhiều rào cản về cấu trúc, bao gồm hạn chế về quy mô thị trường nội địa, nguồn vốn đầu tư và sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ngoài khu vực.
Bức tranh tổng thể cho thấy, châu Âu tuy không chiếm lĩnh toàn bộ chuỗi cung ứng bán dẫn, nhưng lại giữ vai trò quan trọng trong các mắt xích chuyên sâu - nơi đòi hỏi hàm lượng chất xám và công nghệ cao. Đây là điểm tựa để châu lục này định vị vai trò trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu đang diễn ra.
Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu hiện đang chứng kiến một nghịch lý: Các cường quốc đang tìm cách tách rời và xây dựng hệ sinh thái công nghệ riêng, trong khi chuỗi cung ứng và kỹ thuật toàn cầu vẫn gắn bó chặt chẽ, khiến mọi quốc gia đều khó tránh khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau. Một mặt, các quốc gia ngày càng ưu tiên yếu tố an ninh quốc gia thay vì chỉ dựa vào hiệu quả kinh tế thuần túy. Họ đang rà soát lại các mối quan hệ phụ thuộc truyền thống, tăng cường năng lực sản xuất trong nước hoặc liên minh, và đồng thời áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế quyền tiếp cận của các đối thủ đối với các thành phần và công nghệ chip tiên tiến.
Mặt khác, quy trình sản xuất chip bán dẫn vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp từ nhiều mắt xích khác nhau - từ khâu thiết kế, vật liệu đầu vào, phần mềm hỗ trợ đến đóng gói thành phẩm. Chính vì vậy, không một quốc gia nào, kể cả những cường quốc công nghệ như Mỹ hay Trung Quốc, có thể kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng này. Mỹ hiện vẫn dẫn đầu thế giới về thiết kế kiến trúc vi mạch và phần mềm thiết kế điện tử, trong khi các công nghệ quan trọng khác - như thiết bị in thạch bản, vật liệu chuyên dụng - lại nằm rải rác ở các quốc gia khác và thuộc về nhiều công ty quốc tế.
Trong bối cảnh đó, việc Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn “thoát ly” khỏi nhau trong lĩnh vực công nghệ được đánh giá là khó xảy ra trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xu hướng tách rời từng phần giữa 2 hệ sinh thái công nghệ đang diễn ra ngày càng rõ rệt, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn. Tình trạng này dẫn đến sự hình thành của hai hệ sinh thái công nghệ song song, ngày càng thiếu khả năng tương thích với nhau.
Châu Âu đang ở đâu?
Ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra những bài toán lớn cho châu Âu, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn cả chiến lược phát triển dài hạn. Dù nhận thức rõ tầm quan trọng then chốt của lĩnh vực này đối với tăng trưởng kinh tế, an ninh quốc phòng và năng lực cạnh tranh công nghệ, châu Âu vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng - đặc biệt là sự phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất và công nghệ tại Bắc Mỹ và Đông Á. Hiện nay, châu Âu chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, đồng thời thua kém Mỹ về thiết kế chip và tụt hậu xa so với Đài Loan (Trung Quốc) về năng lực sản xuất các dòng chip tiên tiến.
Khoảng cách này cho thấy châu Âu cần khẩn trương củng cố khả năng tự chủ công nghệ và tăng sức chống chịu trước các biến động toàn cầu. Tuy nhiên, tiến trình này đang diễn ra không đồng đều giữa các nước thành viên, khi mà Mỹ và Trung Quốc đã sớm hình thành các hệ sinh thái công nghệ riêng biệt. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp châu Âu bị cuốn vào thế lưỡng nan - vừa chịu áp lực lựa chọn “đứng về bên nào”, vừa thiếu định hướng do không có một chiến lược rõ ràng của khu vực.
Dầu vậy, châu Âu đang nắm giữ những lợi thế chiến lược đặc biệt ở các phân khúc có hàm lượng công nghệ cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Một số công ty dẫn đầu thế giới có trụ sở tại châu Âu như ASML (Hà Lan), IMEC (Bỉ) hay VAT Group (Thụy Sĩ) là những ví dụ điển hình. ASML hiện là nhà cung cấp duy nhất trên thế giới về máy in thạch bản cực tím EUV - công nghệ không thể thiếu để sản xuất chip hiện đại. Trong khi đó, các sản phẩm van chân không của VAT Group là thành phần tối quan trọng trong các phòng sạch - môi trường kiểm soát nghiêm ngặt dùng trong sản xuất vi mạch. Những năng lực mang tính chuyên sâu này giúp châu Âu giữ được vị thế tại các “điểm nghẽn kỹ thuật” mà ngay cả các siêu cường công nghệ cũng khó thay thế.
Đặc biệt, vài năm trở lại đây, nội bộ EU ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt về mặt chính trị trong định hướng phát triển ngành bán dẫn. Các sáng kiến như Đạo luật CHIPS châu Âu, Đạo luật AI, các gói hỗ trợ tài chính dành riêng cho việc xây dựng nhà máy sản xuất chip hay báo cáo của Draghi về năng lực cạnh tranh cho thấy EU đang nghiêm túc hơn với mục tiêu xây dựng chủ quyền công nghệ. Việc bổ nhiệm một Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu phụ trách các vấn đề về chủ quyền công nghệ, an ninh và dân chủ được xem là tín hiệu chính trị rõ ràng, thể hiện quyết tâm chuyển hướng chiến lược của châu lục này trong thời kỳ cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Thách thức từ thị trường
Dù sở hữu nhiều thế mạnh chuyên môn cùng với quyết tâm chính trị ngày càng rõ rệt, châu Âu vẫn gặp phải những rào cản lớn từ chính cấu trúc thị trường - yếu tố có thể làm chậm lại tiến trình xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn tự chủ và bền vững.
Nỗ lực khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ đòi hỏi chính sách nhất quán và tài sản công nghệ sẵn có, mà còn cần có điều kiện thị trường đủ hấp dẫn để thúc đẩy đầu tư dài hạn, đổi mới sáng tạo và duy trì năng lực cạnh tranh. Một trong những thách thức cốt lõi là liệu sản phẩm bán dẫn sản xuất tại châu Âu có đủ thị trường tiêu thụ hay không. Để thu hút đầu tư vào các nhà máy sản xuất chip tiên tiến, khu vực này cần một hệ sinh thái tiêu dùng đủ lớn, ổn định và có thể dự báo được nhu cầu trong dài hạn. Sản xuất chip hiện đại đòi hỏi quy mô kinh tế rất lớn - nếu không đạt được, các khoản đầu tư sẽ khó đem lại hiệu quả.
Vấn đề đặt ra là: Châu Âu có đủ sức tiêu thụ hay không - nhất là trong các ngành chủ lực như ôtô điện, công nghiệp tự động hóa hay thiết bị y tế cao cấp - để đảm bảo đầu ra cho các dòng chip thế hệ mới? Ví dụ như, nếu châu Âu muốn chủ động sản xuất chip cho thế hệ ô tô thông minh tiếp theo, thì chính ngành ô tô của khu vực cũng phải duy trì được năng lực cạnh tranh toàn cầu đủ lâu và đủ mạnh để bảo đảm hoàn vốn đầu tư trong hàng chục năm trời.
Ngoài ra, cấu trúc hiện nay của thị trường bán dẫn cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp mới gia nhập. Đây là ngành công nghệ cao, có chi phí đầu tư ban đầu rất lớn và bị chi phối bởi những tập đoàn đã nắm giữ vị thế thống trị. Điều đó khiến các công ty khởi nghiệp gần như không có cơ hội bứt phá nếu không tiếp cận được hạ tầng tối thiểu như phòng sạch - phục vụ cho thử nghiệm và sản xuất vi mạch.
Trung tâm nghiên cứu IMEC tại Bỉ là một minh chứng rõ nét. Đây là một trong những đơn vị dẫn đầu thế giới về công nghệ bán dẫn, nhưng để xây dựng và vận hành hệ thống phòng sạch tại đây cần chi phí lên tới hàng tỷ euro. Với mức đầu tư cao như vậy, hầu hết các công ty khởi nghiệp ở châu Âu không đủ nguồn lực để tiếp cận các công cụ nghiên cứu tiên tiến, dẫn đến việc khó hình thành thế hệ doanh nghiệp công nghệ mới. Điều này hạn chế khả năng mở rộng và làm chậm tiến trình đa dạng hóa hệ sinh thái công nghiệp của châu Âu trong lĩnh vực bán dẫn - một trong những lĩnh vực chiến lược nhất hiện nay.
Tác động chính trị
Yếu tố chính trị tiếp tục giữ vai trò then chốt trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của châu Âu. Ngày càng nhiều doanh nghiệp trong khu vực tư nhân kêu gọi EU xác lập rõ ràng các ưu tiên chiến lược và đầu tư tương xứng để hiện thực hóa các mục tiêu công nghệ. Hiệp hội SEMI Europe - tổ chức đại diện hàng đầu cho ngành công nghiệp vi điện tử - mới đây đã kiến nghị ban hành một phiên bản mở rộng của Đạo luật CHIPS châu Âu (Chips Act 2.0), nhằm tăng cường hỗ trợ cho các lĩnh vực thiết kế vi mạch, năng lực sản xuất và R&D. Những lời kêu gọi này phản ánh sự chuyển biến trong cách nhìn nhận: ngành bán dẫn không còn được xem chỉ là lĩnh vực kỹ thuật - thị trường, mà trở thành một cấu phần chiến lược cần có sự điều phối từ cấp chính sách và đầu tư công dài hạn.
Tuy nhiên, môi trường chính trị hiện nay cũng đặt ra nhiều rào cản. Một mặt, các động thái gần đây - như tăng cường hợp tác nội khối, đẩy mạnh ngân sách quốc phòng hay thành lập Học viện An ninh châu Âu vào đầu năm 2025 - cho thấy nhận thức đang gia tăng về những rủi ro địa chính trị. Nhưng mặt khác, tâm lý hoài nghi đối với tiến trình hội nhập sâu rộng trong EU vẫn hiện diện rõ nét ở một số quốc gia thành viên. Dù nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách đã nhấn mạnh rằng chỉ có sự đoàn kết và phối hợp mới giúp châu Âu nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ, nhưng quan điểm này vẫn chưa thực sự tạo được đồng thuận chính trị rộng rãi, nhất là khi người dân tại một số nước còn e ngại việc EU tập trung hóa quyền lực quá mức.
Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ của châu Âu cũng đang phải xoay chuyển mô hình vận hành để thích nghi với một thị trường ngày càng bị chính trị hóa. Những công ty như ASML hay IMEC được hình thành trong thời kỳ toàn cầu hóa mạnh mẽ, khi thương mại tự do và tiếp cận thị trường quốc tế là chuẩn mực chủ đạo. Nhưng giờ đây, họ buộc phải tính toán kỹ lưỡng các yếu tố an ninh, địa chính trị và áp lực từ các siêu cường. Một ví dụ điển hình là việc Chính phủ Mỹ vào năm 2024 gây áp lực với Hà Lan nhằm hạn chế việc xuất khẩu thiết bị in thạch bản của ASML sang Trung Quốc - động thái cho thấy công nghệ cao đang ngày càng trở thành công cụ trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược.
ĐÒN HIỂM TỪ MỸ KHIẾN EU HẾT ĐƯỜNG NHẬP KHÍ ĐỐT NGA
Dòng khí đốt Nga cuối cùng ở châu Âu có thể bị cắt đứt hoàn toàn bởi đòn trừng phạt của Mỹ.
Mặc cho những tuyên bố hùng hồn từ châu Âu, lục địa già vẫn chưa thể dứt khỏi khí đốt Nga. Trái lại, dữ liệu mới nhất cho thấy sự phụ thuộc ngày càng sâu sắc, nhưng điều này đang đối mặt với một cú đấm bất ngờ từ bên kia Đại Tây Dương. Một dự luật trừng phạt do Mỹ đề xuất với mức thuế lên đến 500% cho bất kỳ quốc gia nào tiếp tục giao dịch nhiên liệu với Nga.
Số liệu từ Mạng lưới vận hành khí đốt châu Âu (ENTSOG) cho thấy, trong tháng 5.2025, xuất khẩu khí đốt Nga qua đường ống dẫn khí Turkstream tăng tới 10,3% so với tháng trước, lên mức 46 triệu mét khối/ngày.
Đây là đường ống dẫn khí duy nhất của Nga đến châu Âu còn hoạt động ổn định sau khi Ukraina chấm dứt thỏa thuận trung chuyển từ ngày 1.1.2025.
Điều đáng lưu ý là mức tăng này diễn ra trong bối cảnh phương Tây liên tục kêu gọi giảm lệ thuộc vào năng lượng Nga. Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh điều ngược lại: Khí đốt Nga vẫn là cứu cánh cho nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt là các nước Đông và Nam Âu như Hungary, Slovakia, Bulgaria hay Hy Lạp.
Không chỉ có khí đốt, riêng trong tháng 2.2025, EU đã chi hơn 2 tỉ USD cho các sản phẩm năng lượng Nga, từ dầu mỏ, than đá, khí LNG đến uranium.
Trong một bước đi bất ngờ nhưng được tính toán kỹ lưỡng, một nhóm nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ Mỹ - đứng đầu là Thượng nghị sĩ Lindsay Graham (Cộng hòa) và Richard Blumenthal (Dân chủ) - đang thúc đẩy một dự luật trừng phạt với mục tiêu đánh trực tiếp vào nguồn thu năng lượng của Nga.
Theo đó, bất kỳ quốc gia nào “biết rõ và vẫn mua, bán hoặc chuyển nhượng dầu mỏ, khí đốt, uranium hay sản phẩm hóa dầu có nguồn gốc từ Nga” sẽ bị áp mức thuế không dưới 500%.
Mục tiêu gián tiếp nhưng rõ ràng của dự luật là châu Âu - những nước vẫn âm thầm nhập LNG Nga qua các cảng ở Hà Lan, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha; hoặc còn phụ thuộc vào các đường ống dẫn khí như Turkstream hay đường ống dẫn dầu Druzhba (dẫn dầu Nga qua Ukraina và Belarus sang châu Âu).
Dự luật hiện đã thu được 81 chữ ký ủng hộ tại Thượng viện Mỹ, gần như đảm bảo khả năng thông qua. Nếu trở thành luật, đây sẽ là một cú sốc địa chính trị và kinh tế thực sự, buộc châu Âu phải lựa chọn hoặc từ bỏ nhiên liệu Nga hoàn toàn, hoặc chịu mức thuế khổng lồ trên hàng nhập khẩu tại Mỹ - vốn là đối tác thương mại số một của nhiều quốc gia EU.
TÂN TỔNG THỐNG BA LAN LÀ AI?
.jpg)
Ông Karol Nawrocki giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan, giáng đòn mạnh vào chương trình cải cách của Thủ tướng Donald Tusk.
Theo Ủy ban bầu cử quốc gia Ba Lan hôm 2-6, ông Karol Nawrocki, ứng viên được đảng Luật pháp và Công lý (PiS) của Ba Lan hậu thuẫn, đã nhận được 50,89% số phiếu bầu, vượt qua ứng viên Rafał Trzaskowski, với 49,11% phiếu bầu.
Trong cuộc tranh cử, cả hai ứng cử viên đều cam kết tăng chi tiêu quốc phòng, đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ về việc châu Âu đóng góp nhiều hơn cho NATO. Họ cũng ủng hộ việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Trzaskowski ủng hộ tư cách thành viên NATO của Ukraine trong khi ông Nawrocki cho biết ông sẽ không phê chuẩn, cảnh báo điều đó có thể kéo EU vào cuộc xung đột với Nga.
Với quyền phủ quyết của tổng thống, chiến thắng của ông Nawrocki sẽ khiến chính phủ khó thông qua các cải cách lớn trước cuộc bầu cử quốc hội năm 2027.
Chiến thắng này là một sự đảo ngược đáng kinh ngạc so với các dự đoán, sau khi một cuộc thăm dò trước đó cho thấy ứng viên Trzaskowski dẫn trước với lợi thế 0,6%. Theo tờ Guardian, điều này khiến ông Trzaskowski, là một nhân vật cấp cao trong Liên minh Công dân của Thủ tướng Donald Tusk, sớm đưa ra tuyên bố chiến thắng.
Trong chiến dịch tranh cử căng thẳng, hai ứng viên đã đưa ra những tầm nhìn đối lập cho Ba Lan và kết quả cuộc bầu cử sẽ có tác động to lớn đến tương lai chính trị của Ba Lan, với quyền phủ quyết luật của tổng thống.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Nawrocki từng cam kết sẽ sử dụng quyền phủ quyết của tổng thống để ngăn chặn các đường lối cải cách do Thủ tướng Tusk đề ra.
Trong cuộc vận động tranh cử, ông Nawrocki, nhà sử học kiêm võ sĩ quyền Anh nghiệp dư, cũng đã đưa ra cam kết về những chính sách kinh tế và xã hội, ví dụ như chăm sóc y tế và giáo dục có lợi cho người dân Ba Lan hơn người mang quốc tịch khác, bao gồm cả những dân tị nạn đến từ Ukraine.
Trong một bài phát biểu trước những người ủng hộ cuối tháng 11 năm ngoái, ông Nawrocki công khai ủng hộ chủ nghĩa yêu nước, ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngay sau khi có kết quả, Thủ tướng Hungary Viktor Orban gửi lời chúc mừng đến ông Nawrocki và gọi đây là một "chiến thắng tuyệt vời". Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng chúc mừng ông Nawrocki, đồng thời kỳ vọng EU và Warsaw sẽ tiếp tục duy trì sự hợp tác tốt đẹp.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier chúc mừng ông Nawrocki và kêu gọi hai quốc gia hợp tác chặt chẽ dựa trên nền tảng dân chủ và pháp quyền.
Nguồn: Vnexpress; CafeF; CAND; Lao Động; Soha
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá