EU: Đối phó nạn buôn người; Thụy Sĩ nhập vàng 'cấm'; Phần Lan đóng hết biên giới; Thất hứa với Kiev; Pháp cấm 3 nhóm cực hữu

EU tăng cường ứng phó với nạn buôn người

(Ảnh minh họa).

Ngày 28/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ điều chỉnh khuôn khổ pháp lý và đẩy mạnh vai trò của các cơ quan liên quan nhằm tăng cường ứng phó với nạn buôn người di cư.

Phát biểu tại hội nghị quốc tế về một Liên minh toàn cầu chống buôn người di cư, bà Leyen cho biết buôn người di cư là một thách thức chung mang tính toàn cầu, tất cả các nước cần hợp tác để ứng phó với loại tội phạm này. Để tăng cường các biện pháp ứng phó, EC đề xuất các nước trao đổi, thảo luận cập nhật luật pháp của EU và áp dụng nghị định thư chống buôn người di cư; tăng cường vai trò của Cảnh sát châu Âu (Europol); nâng cấp trung tâm chống buôn người di cư; tăng cường hợp tác với các nước đối tác để giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu này.

Khuôn khổ pháp lý cập nhật được đề xuất sẽ ngăn chặn và đối phó với các hành động tạo điều kiện cho nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú trái phép tại EU. Ngoài ra, EU cũng tập trung vào việc truy tố hiệu quả các mạng lưới tội phạm có tổ chức với định nghĩa rõ ràng hơn về tội phạm này; tăng thời gian án phạt tù tối đa từ 8 năm lên 15 năm; đồng thời tập trung cải thiện khả năng tài phán của các nước thành viên, tăng cường các nguồn lực và năng lực của các quốc gia thành viên EU trong cuộc chiến chống buôn người di cư; cải thiện việc thu thập và báo cáo dữ liệu. Ngoài các quy định được đề xuất, EC còn kêu gọi thành lập Liên minh toàn cầu để chống buôn người di cư.

Thời gian gần đây, EU đang phải đối phó với sự gia tăng đáng kể số lượng người di cư hợp pháp và bất hợp pháp, khiến một số quốc gia thành viên phải tạm thời tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt trong khu vực vốn được di chuyển tự do. Trong đó, Áo đã áp dụng biện pháp kiểm tra tại biên giới với CH Séc từ tháng 10, dự kiến kéo dài đến ngày 6/12. Hồi tháng 8, Đan Mạch đã thắt chặt kiểm soát biên giới đối với những người nhập cảnh, bao gồm cả những người đến từ các nước thuộc khối Schengen. Đức cũng đã công bố các biện pháp kiểm soát đến ngày 4/12 đối với đường biên giới đất liền với Ba Lan, CH Séc và Thụy Sĩ.

Quốc gia châu Âu nhập vàng ‘bị cấm’ của Nga

Theo dữ liệu mới từ Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ, nước này đã nhập hơn 14 tấn kim loại này từ Nga vào tháng trước.

Lợi dụng việc vận chuyển vàng qua nước thứ 3, Thụy Sĩ đã tránh được việc vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.

Dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ tiết lộ, tháng 10, tổng lượng vàng nhập khẩu của nước này này đạt tổng cộng 776 triệu CHF (879 triệu USD), trong đó số vàng trị giá 875,7 triệu USD có nguồn gốc từ Nga và được chuyển qua Anh và Moldova.

Tháng 8 năm 2022, Thụy Sĩ tham gia gói hạn chế thứ 7 của EU liên quan đến Ukraine, gồm lệnh cấm “mua, nhập khẩu hoặc chuyển nhượng trực tiếp hoặc gián tiếp vàng và trang sức bằng vàng” có nguồn gốc từ Nga, đồng thời cấm xuất khẩu từ Nga sang khối EU.

Các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào việc xuất khẩu các mặt hàng vàng được chế biến ở nước thứ 3.

Tuy nhiên, quy định của Thụy Sĩ cho rằng vàng được sản xuất ở Nga trước lệnh cấm vận không bị trừng phạt, nghĩa là hàng hóa này có thể được nhập khẩu hợp pháp từ nước thứ 3.

Kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực, các câu hỏi về nguồn gốc vàng ở Thụy Sĩ, một trung tâm chế biến kim loại quý lớn trên toàn cầu, đã trở thành chủ đề thu hút sự chú ý của giới truyền thông và công chúng.

Một số cơ quan truyền thông cho rằng lệnh cấm của EU dường như không có tác động mấy đến việc nhập khẩu vàng từ Nga của Thụy Sĩ khi các nhà máy lọc dầu của nước này tiếp tục mua và nấu chảy lại vàng, khiến việc truy tìm nguồn gốc của nó hầu như không thể thực hiện được.

Phần Lan đóng cửa toàn bộ biên giới với Nga

(Ảnh minh họa).

Phần Lan tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ biên giới với Nga trong vòng 2 tuần để ngăn dòng người tị nạn đông bất thường đổ sang nước này.

Theo hãng tin Reuters, hồi tuần trước, Phần Lan đã cho đóng gần như toàn bộ cửa khẩu biên giới với Nga, và chỉ để duy nhất cửa khẩu Raja-Jooseppi tại Bắc Cực hoạt động. Tuy nhiên, hôm 28/11, chính phủ Phần Lan tuyên bố cửa khẩu cuối cùng cũng sẽ dừng hoạt động từ ngày 29/11 – 13/12.

Lực lượng Biên phòng Phần Lan cho biết khoảng 900 người xin tị nạn từ các quốc gia Kenya, Morocco, Pakistan, Somalia, Syria và Yemen đã nhập cảnh vào Phần Lan từ Nga trong tháng 11, tăng mạnh so với con số dưới 1 người/ngày trước đây.

Phần Lan đóng cửa toàn bộ 8 cửa khẩu biên giới với Nga. Ảnh: Reuters

Quyết định của Phần Lan đóng toàn bộ 8 cửa khẩu biên giới đối với người nhập cảnh từ Nga sẽ đồng nghĩa với việc chỉ có hàng hóa được phép qua lại giữa 2 nước.

Helsinki cáo buộc Moscow đang đẩy người đến biên giới để trả đũa việc Phần Lan tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã phủ nhận cáo buộc này.

Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo tuyên bố, “đây là hoạt động gây ảnh hưởng của Nga, và chúng tôi không chấp nhận điều đó”.

Hôm 27/11, ông cho biết Phần Lan nhận được thông tin tình báo về việc chính quyền Nga hỗ trợ những người xin tị nạn. Dù biên giới Phần Lan đã đóng cửa, nhưng vẫn có nhiều người ở Nga di chuyển về phía Phần Lan. Cùng ngày, chỉ có 3 người xin tị nạn đến Phần Lan thông qua cửa khẩu Raja-Jooseppi. Tới ngày 28/11, không còn người nào xin tị nạn.

Chính phủ Phần Lan hôm 28/11 cho hay những hành khách di chuyển bằng thuyền và hàng không vẫn có thể xin tị nạn.

Lãnh đạo nước thành viên EU: Phương Tây đã thất hứa với Kiev

Tổng thống Séc tuyên bố Kiev chưa bao giờ nhận được đủ nguồn cung cấp đạn pháo và tên lửa tầm xa từ các nước phương Tây.

Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel cho biết, phương Tây đang cản trở khả năng tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn của Ukraine "do không cung cấp đủ vũ khí".

Tuyên bố được ông Pavel đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Corriere della Sera của Italy hôm 27/11. Nhà lãnh đạo Séc cho rằng phương Tây "chưa làm đủ" để hỗ trợ cuộc phản công đang bị chậm lại của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

“Thật không may, chúng tôi đã không đảm bảo lời hứa cung cấp đạn pháo cho người Ukraine. Việc huấn luyện làm chủ máy bay chiến đấu F-16 cũng không được tiến hành nhanh như dự kiến", ông Pavel nói.

Ông Pavel, một cựu tướng NATO, nói thêm rằng trong khi Pháp và Anh đã cung cấp cho Kiev tên lửa tầm xa Storm Shadow - thứ mà các quan chức Nga cáo buộc đã được sử dụng để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự - thì Đức cho đến nay vẫn chậm chạp trong việc gửi tên lửa tầm xa Taurus của họ.

“Điều này tạo ra sự mất cân bằng trong việc giao hàng viện trợ và không phải là cơ sở tốt cho kế hoạch quân sự của Ukraine”, Tổng thống Séc cho hay.

Ông Pavel cũng nhắc lại lời cảnh báo hồi tháng 7 rằng Ukraine về cơ bản chỉ có một cơ hội duy nhất để tiến hành một cuộc phản công lớn, vì nó "tốn kém và tốn thời gian”, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng từ "những sự thay đổi về mặt chính trị".

Ông nói: “Quan điểm của tôi dựa trên quan sát rằng năm tới sẽ có các cuộc bầu cử ở Nga, ở Mỹ và có thể cả ở Ukraine”.

Ông Pavel nhận định thêm rằng mùa đông sắp tới sẽ “cực kỳ khó khăn” đối với Ukraine do cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng nề do các cuộc tấn công của Nga gây ra.

Nhà lãnh đạo Séc nói rằng các nước cũng sẽ trở nên miễn cưỡng hơn trong việc hỗ trợ Ukraine vì “cảm giác thất vọng sẽ gia tăng”, đồng thời một lần nữa nhấn mạnh “điều này tạo ra một tình huống không mấy thuận lợi cho việc tiếp tục các hoạt động phản công”.

Cuộc phản công của Ukraine đã được tiến hành từ đầu tháng 6 nhưng không đạt được tiến bộ đáng kể nào, mặc dù được hỗ trợ bởi một lượng lớn khí tài của NATO.

Vào cuối tháng 10, Moskva tuyên bố Kiev đã mất hơn 90.000 binh sĩ kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói rằng Ukraine mất tới hơn 13.000 binh sĩ chỉ trong tháng 11.

Ông Valery Zaluzhny, tướng hàng đầu của Ukraine, gần đây cho biết, tình trạng xung đột đang bế tắc như Thế chiến thứ nhất, khi nhiều quan chức Ukraine đổ lỗi cho những khó khăn của họ là do sự chậm trễ trong việc chuyển giao vũ khí của phương Tây, điều này đã cho phép Moskva thiết lập hệ thống phòng thủ đáng gờm.

Pháp sẽ cấm 3 nhóm cực hữu nhằm đảm bảo an ninh

(Ảnh minh họa).

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết ông sẽ yêu cầu nhóm Division Martel và 2 nhóm khác giải tán sau các cuộc biểu tình bạo lực vào cuối tuần qua.

Ngày 28/11, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết ông sẽ yêu cầu 3 nhóm cực đoan cánh hữu giải tán sau các cuộc biểu tình bạo lực vào cuối tuần qua.

Phát biểu trên đài phát thanh France Inter, Bộ trưởng Darmanin cho biết sẽ đưa ra yêu cầu trên đối với nhóm Division Martel và 2 nhóm khác.

Theo ông, hiện xảy ra tình trạng kích động tụ tập liên quan phe cực hữu, gây mất an ninh trong nước.

Trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng, người phát ngôn của Chính phủ Pháp đã đích thân đến làng Crepol, miền Đông Nam nước này - nơi xảy ra vụ sát hại một thiếu niên 16 tuổi tại bữa tiệc khiêu vũ hôm 19/11.

Ngày 19/11, tranh cãi và xô xát đã nổ ra ngay tại bữa tiệc khiêu vũ ở làng Crepol, miền Đông Nam nước Pháp.

Vụ việc khiến một thiếu niên 16 tuổi tử vong và 9 người bị thương, trong đó 4 trường hợp bị thương nặng.

Phe cực hữu cho rằng đây là bằng chứng điển hình phản ánh tình trạng ngày càng bất ổn trong xã hội Pháp, đồng thời xúi giục tụ tập biểu tình. Chính phủ Pháp đã kêu gọi người dân bình tĩnh.

Trong khi đó, lực lượng an ninh phải can thiệp để giải tán các đám đông gây bạo loạn và bắt giữ khoảng 30 người có hành vi quá khích./

Nguồn: Báo Tin Tức; Soha; Vietnamnet; VTC; VietnamPlus

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang