.jpg)
BI QUAN VỀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Nền kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng trong năm nay do sức ép từ chính sách thuế quan khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump - các nhà kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) nhận định trong một báo cáo mới được công bố...
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ một số tín hiệu khả quan về nền kinh tế khu vực là thị trường lao động mạnh và lạm phát suy yếu nhanh.
Trong dự báo kinh tế mùa xuân hàng năm công bố ngày 19/5, Ủy ban châu Âu (EC) nhận định tổng sản phẩm trong nước (eurozone) của nhóm 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm nay, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng 1,3% đưa ra trong báo cáo mùa thu năm 2024. Tuy nhiên, con số dự báo mới này vẫn cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 0,4% mà eurozone đạt được trong năm ngoái.
Tăng trưởng kinh tế toàn khu vực EU được dự báo đạt 1,1% trong năm nay, so với mức dự báo tăng 1,5% đưa ra trong báo cáo trước - theo EC.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, được dự báo sẽ chịu tác động đặc biệt mạnh do thuế quan của Mỹ. EC dự báo kinh tế Đức đi ngang trong năm nay do xuất khẩu giảm 1,9%. Kinh tế Đức đã ở trong tình trạng trì trệ suốt 3 năm qua, kéo tăng trưởng của EU xuống theo.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực, cũng bị cắt giảm còn 0,6% từ 0,8% trước đó. Dự báo tăng trưởng kinh tế Italy giảm còn 0,7% từ 1%.
“Sự bất định toàn cầu gia tăng và căng thẳng thương mại đang gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế EU”, ông Valdis Dombrovskis - ủy viên của EC về kinh tế” - phát biểu trước báo giới tại Brussels.
Báo cáo của EC cũng nói rằng bất kỳ sự xuống thang nào của căng thẳng thương mại giữa châu Âu và Mỹ - xuất phát từ việc ông Trump áp thuế quan lên hàng hóa châu Âu - cũng đều có thể đưa nền kinh tế khu vực tăng trưởng mạnh hơn. Các thỏa thuận tự do thương mại (FTA) mới mà châu Âu có được với các đối tác thương mại khác cũng sẽ có tác dụng tương tự, theo báo cáo.
Ngày 19/5, Anh và EU đã đạt được một thỏa thuận nhằm dỡ bỏ một số rào cản thương mại do việc Anh rút khỏi EU, tức Brexit, đặt ra. EU hiện đang đàm phán thương mại với Mỹ nhằm được chính quyền ông Trump giảm thuế quan.
Cũng theo báo cáo của EC, nền kinh tế châu Âu sẽ tăng tốc trong năm 2026. Tuy nhiên, mức dự báo tăng trưởng của năm tới đối với khu vực eurozone là 1,4%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức 1,6% đưa ra trong lần dự báo trước.
Một điểm sáng của nền kinh tế khu vực là thị trường lao động đang mạnh. Ông Dombrovskis nhấn mạnh eurozone có 1,7 triệu việc làm mới được tạo ra trong năm ngoái và có thể có thêm 2 triệu việc làm mới nữa trong năm tới.
Chi tiêu cho quốc phòng tăng có thể giúp kích thích nền kinh tế khu vực - theo EC. Chính phủ Đức đang có kế hoạch chi 500 tỷ USD cho quốc phòng, và kế hoạch này chưa được tính đến trong dự báo kinh tế mà EC đưa ra cho năm nay. Theo ông Dombrovskis, đến trước năm 2028, kế hoạch này có thể đóng góp tròn 1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực.
Báo cáo của EC dựa trên giả định rằng thuế quan mà Mỹ áp lên phần lớn hàng hóa từ EU sẽ duy trì ở mức 10%, thay vì mức 20% như trong kế hoạch thuế đối ứng mà ông công bố hôm 2/4 sau đó hoãn trong 90%. Dự báo cũng dựa trên giả định Mỹ tiếp tục áp thuế 25% lên thép, nhôm và ô tô nhập khẩu, nhưng miễn trừ đối với dược phẩm và con chip.
EC hạ dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của EU năm nay còn 0,7% từ mức 2,2% đưa ra trong lần dự báo hồi tháng 11.
Do tăng trưởng kinh tế được dự báo chậm lại, EC nhận định tốc độ lạm phát ở khu vực sẽ giảm nhanh hơn kỳ vọng. Cơ quan này dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng năm tới tại eurozone sẽ là 1,7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Lạm phát giảm sẽ tạo dư địa để ECB tiếp tục hạ lãi suất, kích thích tăng trưởng.
Theo số liệu điều chỉnh được cơ quan thống kê Eurostat công bố mới đây, GDP của eurozone tăng trưởng 0,3% trong quý 1 năm nay, thấp hơn mức tăng 0,4% đưa ra trong lần công bố sơ bộ.
NHIỀU NƯỚC NHẬN KẾT QUẢ BẦU CỬ
Ông Nicușor Dan, thị trưởng Bucharest theo đường lối trung dung, đã giành chiến thắng trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Romania hôm 18-5.
Phát biểu sau khi đánh bại đối thủ George Simion, ông Dan đã thúc giục người ủng hộ "kiên nhẫn" khi cho rằng giai đoạn khó khăn đang ở phía trước nhưng đó là điều cần thiết để cân bằng nền kinh tế và xây dựng nền tảng cho một xã hội lành mạnh. Ông cũng cam kết mạnh tay với nạn tham nhũng.
Ứng viên Simion, lãnh đạo Đảng cực hữu Liên minh vì Thống nhất người Romania (AUR), là người có lập trường chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) và phản đối cung cấp quân sự cho Ukraine. Ngược lại, ông Dan là người ủng hộ EU và việc Romania là thành viên NATO, cũng như cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Không gì lạ khi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lên tiếng chúc mừng ông Dan thắng cử, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Tổng thống Moldova Maia Sandu…
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh "chiến thắng lịch sử" của ông Dan cũng như vai trò của Romania như một "đối tác đáng tin cậy" của Kiev.
Tại Ba Lan, cuộc bầu cử tổng thống hôm 18-5 đã xác định 2 ứng viên dẫn đầu là Rafal Trzaskowski, thị trưởng Warsaw và Karol Nawrocki. Kết quả này đồng nghĩa ông Trzaskowski, nhân vật theo đường lối trung dung và ông Nawrocki, được hậu thuẫn bởi Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, sẽ đối đầu trong vòng 2, dự kiến diễn ra vào ngày 1-6. Khi đó, lựa chọn của cử tri sẽ quyết định liệu Ba Lan có tiếp tục đi theo con đường thân châu Âu do Thủ tướng Donald Tusk đề ra hay sẽ chuyển hướng sang chương trình nghị sự mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn.
Còn tại Bồ Đào Nha, Liên minh Dân chủ (AD) trung hữu cầm quyền đã chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 18-5 nhưng không đủ đa số phiếu cần thiết để nắm quyền. Cụ thể, AD giành 89/230 ghế trong khi Đảng cực hữu Chega có 58 ghế. Đáng chú ý, số ghế của Đảng Xã hội giảm còn 58 ghế.
Thủ tướng Luis Montenegro cho biết ông dự kiến thành lập chính phủ thiểu số sau khi bác bỏ khả năng bắt tay với Đảng Chega. Hãng tin AP nhận định kết quả cuộc tổng tuyển cử thứ 3 trong 3 năm này không mang lại nhiều hy vọng đối với việc sớm chấm dứt bất ổn chính trị tại quốc gia thành viên EU có 10,6 triệu dân này.
THEO ĐUỔI QUÂN SỰ HÓA, VÌ SAO?
.jpg)
Châu Âu đã nhất trí về quỹ tăng cường an ninh khu vực trị giá 150 tỷ Euro do Ủy ban châu Âu đề xuất. Cơ cấu này sẽ được tài trợ thông qua hình thức vay chung và cung cấp các khoản vay cho các nước thành viên và một số quốc gia khác, bao gồm cả Ukraine.
Theo RT ngày 20/5, Reuters đưa tin EU đã nhất trí về quỹ an ninh EU trị giá 150 tỷ Euro do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất.
"Các nước EU đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để tạo ra một quỹ trị giá 150 tỷ Euro (168,3 tỷ Đô la) có tên là Hành động An ninh cho Châu Âu (SAFE) nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Châu Âu", một nhà ngoại giao EU cho biết.
Kế hoạch do EC đề xuất vào tháng 3 sẽ được tài trợ thông qua hình thức vay chung và sẽ cung cấp các khoản vay cho các nước EU và một số quốc gia khác, "như Ukraine, cho các dự án nhằm tăng cường quốc phòng và kích thích ngành công nghiệp vũ khí châu Âu”.
Tuy nhiên, tờ Politico lưu ý, các kế hoạch tái vũ trang quy mô lớn ở các nước EU có thể gây tổn hại đến nền kinh tế của họ. Theo ấn phẩm này, các quốc gia châu Âu có ý định tài trợ cho chi phí quân sự chủ yếu bằng cách tăng nợ quốc gia.
“Do các kế hoạch tái vũ trang châu Âu sẽ được tài trợ phần lớn bằng nợ, điều này gây ra vấn đề. Mức nợ công trong EU đã cao và sự gia tăng của nó có thể gây hại cho nền kinh tế trong dài hạn”, Politico lưu ý.
Ủy ban châu Âu đã "mở ra cơ hội đầu tư vào lĩnh vực quân sự" trị giá hàng tỷ euro, nhưng kết quả là "căng thẳng kinh tế chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi trong ngắn hạn và việc cắt giảm chi tiêu ở các lĩnh vực khác cũng sẽ là bắt buộc".
Tờ Politico cho rằng: “Mặc dù việc sản xuất vũ khí và bom được đưa vào số liệu GDP, nhưng mìn dưới đất hoặc lựu pháo trong doanh trại không làm tăng năng suất trong dài hạn. Chúng có thể đóng vai trò là biện pháp bảo vệ cho hệ thống tạo ra GDP, bảo vệ hệ thống khỏi sự xâm lược, nhưng đóng góp của chúng vào lợi nhuận ròng là không thể định lượng được”.
Trước đó, cựu Thủ tướng Italy, lãnh đạo đảng đối lập Phong trào Năm Sao, Giuseppe Conte, cũng lưu ý đến thực tế rằng, kế hoạch tái vũ trang châu Âu của EC sẽ dẫn đến bất ổn thậm chí còn lớn hơn. “Khi các quốc gia tích lũy vũ khí để theo đuổi sự ổn định, kết quả duy nhất là sự bất ổn gia tăng”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với cổng thông tin Euractiv.
Konstantin Blokhin - nghiên cứu viên hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga trao đổi với RT cho rằng: “Châu Âu đang áp dụng cách tiếp cận quân sự, quân sự hóa nền kinh tế quốc gia với lý do cần phải kiềm chế Nga và giúp đỡ Ukraine. Nhưng nhiều người trong Liên minh châu Âu không thích điều này, vì quá trình chuyển đổi như vậy sẽ khiến người châu Âu tốn rất nhiều tiền, họ sẽ phải cắt giảm chi phí, tiêu dùng và hướng mọi thứ vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của mình”.
Người đứng đầu Cục Phân tích Quân sự - Chính trị, Alexander Mikhailov tin rằng, những nỗ lực của các quan chức châu Âu nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của EU sẽ không chỉ dẫn đến sự phẫn nộ trong xã hội mà còn gây ra thêm các vấn đề kinh tế.
“Bây giờ các vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng năng lượng ở các nước châu Âu sẽ được xem xét theo hướng có lợi cho việc sản xuất và mua vũ khí. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến không chỉ căng thẳng xã hội mà còn dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế khác: lạm phát tăng cao hơn nữa, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng nhanh”, nhà phân tích Mikhailov cho biết.
Giới chuyên gia đều cho rằng, việc theo đuổi quân sự hóa của châu Âu cuối cùng chỉ có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Với việc châu Âu đang tiến tới một cuộc chiến tranh, người dân sẽ phải bước ra khỏi vùng an toàn mà họ đã quen.
BẬT ĐÈN XANH DỠ BỎ TOÀN BỘ LỆNH TRỪNG PHẠT VỚI SYRIA
Các nước EU đã bật đèn xanh cho việc dỡ toàn bộ lệnh trừng phạt kinh tế với Syria, giúp nước này khôi phục sau chiến tranh.
Các nhà ngoại giao hôm nay cho biết đại diện từ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận sơ bộ về việc dỡ lệnh trừng phạt với Syria. Quyết định dự kiến được công bố tại cuộc họp của các Ngoại trưởng EU tại Brussels, Bỉ trong ngày 20/5.
"Về Syria, tôi hy vọng chúng tôi sẽ nhất trí dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế trong hôm nay", Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Kaja Kallas nói trên đường đến cuộc họp.
EU đã áp loạt lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân, lĩnh vực kinh tế ở Syria dưới thời chính quyền tổng thống Bashar al-Assad, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu dầu, hạn chế tiếp cận các kênh tài chính toàn cầu.
Khối bắt đầu xem xét lại cách tiếp cận sau khi các lực lượng do ông Ahmed Shaara lãnh đạo lật đổ chính quyền Assad hồi tháng 12/2024. Ông Shaara hiện là Tổng thống lâm thời Syria.
EU hồi tháng 1 nhất trí lộ trình dần nới lỏng lệnh trừng phạt Syria. Asaad Hassan al-Shibani, quan chức phụ trách ngoại giao của chính quyền Syria mới, hoan nghênh quyết định của khối, mô tả đây là "bước tiến tích cực".
Tổng thống Donald Trump hôm 13/5 cũng thông báo Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria, mở đường cho nước này tái thiết hậu chiến dưới thời chính quyền mới.
Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Syria kể từ năm 2004, đặc biệt là sau khi cuộc nội chiến bùng nổ vào năm 2011 dưới thời tổng thống Assad. Các biện pháp này bao gồm đóng băng tài sản, cấm giao dịch tài chính, hạn chế xuất khẩu và cấm vận vũ khí.
Việc được dỡ lệnh trừng phạt sẽ đánh dấu chiến thắng ngoại giao quan trọng cho chính quyền Tổng thống lâm thời Sharaa, khi nhiều vùng đất ở Syria đã bị phá hủy và nền kinh tế rơi vào tình trạng kiệt quệ.
Theo một báo cáo từ Liên Hợp Quốc hồi tháng 2, 90% dân số Syria sống trong cảnh nghèo đói và sản lượng kinh tế của đất nước chỉ bằng 1/4 so với trước chiến tranh. Báo cáo cho biết với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Syria sẽ không thể trở lại mức sản lượng kinh tế cũ trước năm 2080.
ANH – EU ĐẠT THỎA THUẬN LỊCH SỬ HẬU BREXIT
.jpg)
Thủ tướng Keir Starmer của Vương quốc Anh vẫn đang cố gắng thúc đẩy quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của London.
Sau nhiều tháng đàm phán, cuối cùng Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được sự nhất trí về một thỏa thuận hợp tác mang tính bước ngoặt sẽ giúp tăng cường quan hệ song phương thời hậu Brexit.
Các cuộc đàm phán đã "đi đến hồi kết", với một bước đột phá vào cuối ngày 18/5, trước thời hạn chót là 10h sáng ngày 19/5 (giờ địa phương), đài Sky News cho biết.
Là một phần của thỏa thuận, theo Politico, London và Brussels đã nhất trí về một hiệp ước quốc phòng và an ninh mới, chính thức hóa sự hợp tác giữa hai bên về các vấn đề như chiến tranh hỗn hợp, an ninh mạng, khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng quan trọng và an toàn hàng hải.
Về quốc phòng, hiệp ước mở đường cho Vương quốc Anh tham gia vào các chương trình mua sắm chung của EU. Tuy nhiên, nước này sẽ cần phải đàm phán thêm để tiếp cận chương trình tái vũ trang SAFE trị giá 150 tỷ euro của Brussels, trong đó yêu cầu đóng góp ngân sách từ London.
Hai bên cũng đã nhất trí gia hạn quyền đánh bắt cá tại các vùng biển của Anh. Quyền đánh bắt cá một lần nữa vẫn là điểm bế tắc lớn mà các nhà đàm phán phải giải quyết trước khi đi đến sự đồng thuận.
Theo Sky News, EU vốn muốn tiếp cận vĩnh viễn các vùng biển của Vương quốc Anh để đánh bắt cá, nhưng cuối cùng thỏa thuận đạt được là quyền đánh bắt cá sẽ được gia hạn 12 năm, cho đến năm 2038.
Sẽ không có thay đổi nào đối với quyền tiếp cận hiện tại cho các cộng đồng đánh bắt cá của Anh, không có sự cắt giảm hạn ngạch của Anh hoặc tăng số lượng mà EU được phép đánh bắt, Sky News cho hay.
Quyền đánh bắt cá từng là một phần chính của chiến dịch Brexit, mặc dù đánh bắt cá chỉ chiếm 0,4% GDP của Vương quốc Anh, đài truyền hình Anh lưu ý.
Ngoài các điểm trên, hai bên cũng đã nhất trí hướng tới các thỏa thuận về năng lượng, quy định về nông sản, khí hậu, di cư và cảnh sát, và khả năng di chuyển của người dân.
Politico dẫn nguồn một trong những nhà ngoại giao tham gia đàm phán cho biết, theo thỏa thuận mới, Ngoại trưởng Anh David Lammy và nhà ngoại giao hàng đầu của EU Kaja Kallas sẽ tổ chức đối thoại mỗi kỳ một lần, ngoài các cuộc trao đổi thường xuyên về xung đột Nga-Ukraine, các mối đe dọa hỗn hợp…
Vương quốc Anh đã rời EU (Brexit) vào năm 2020, nhưng Thủ tướng đương nhiệm Keir Starmer vẫn đang cố gắng thúc đẩy quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của London.
Khác với chính phủ bảo thủ tiền nhiệm đã hoàn thành Brexit, chính phủ do Đảng Lao động trung tả của ông lãnh đạo đang xích lại gần hơn bao giờ hết với khối 27 quốc gia trên lục địa châu Âu.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Anh-EU lần đầu tiên được tổ chức tại London hôm 19/5, ông Starmer đã tiếp đón Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và các quan chức cấp cao khác của EU.
Cả hai bên đều ca ngợi sự xích lại gần nhau đạt được tại cuộc họp, diễn ra trong bối cảnh động lực toàn cầu khó lường và các liên minh đang thay đổi.
Vào cuối hội nghị, Thủ tướng Starmer và các nhà lãnh đạo EU sẽ hoàn tất thỏa thuận mang tính bước ngoặt nói trên mà hai bên đã đạt được.
"Đây là kết quả cuối cùng rất tích cực cho cả hai bên", một quan chức cấp cao của EU đã nói với CNBC vào đầu ngày.
Nhà đàm phán chính của Anh, Bộ trưởng Quan hệ Liên minh châu Âu Nick Thomas-Symonds, bình luận rằng "hôm nay là một ngày lịch sử, đánh dấu sự mở đầu cho một chương mới trong mối quan hệ của chúng tôi với EU, mang lại lợi ích cho người lao động trên khắp Vương quốc Anh".
Nguồn: VnEconomy; Người Lao Động; Báo Nghệ An; Vnexpress; Người Đưa Tin
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá