EU: Nguy cơ sau sự cố mất điện; Nỗi lo taxi tự lái Made in China; Làn sóng hàng giá rẻ TQ; Tìm ra cách đè bẹp đối thủ; Lên án thỏa thuận Mỹ-Anh

CÁC NGUY CƠ SAU SỰ CỐ MẤT ĐIỆN BỊ PHƠI BÀY

Sau sự cố mất điện lớn nhất châu Âu trong hơn 20 năm, các chuyên gia cảnh báo, mặc dù những sự cố như vậy hiếm khi xảy ra, không có lưới điện nào là hoàn hảo.

Ngày 28/4, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một số vùng của Pháp đã chứng kiến cái gọi là sự cố mất điện lớn đầu tiên trong kỷ nguyên năng lượng tái tạo.

Hơn 50 triệu người đã phải trải qua gần nửa ngày không có điện sử dụng. Sự cố này đã đặt ra một câu hỏi chung cho các chính phủ trên khắp "lục địa Già" - điều tương tự có thể xảy ra nữa hay không?

Cực kỳ hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra

Các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà điều hành hệ thống năng lượng châu Âu khẳng định rằng những sự cố mất điện như vậy là cực kỳ hiếm và rằng các lưới điện châu Âu là một trong những lưới điện ổn định nhất trên thế giới.

Trả lời phỏng vấn The Guardian, Giáo sư Jianzhong Wu, công tác tại Đại học Cardiff cho biết, bất chấp tiêu chuẩn cao về độ tin cậy, các sự cố mất điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra, mặc dù xác suất thấp. Ông nói thêm rằng các mạng lưới này không được thiết kế để loại trừ hoàn toàn nguy cơ mất điện, vì đạt được mức độ tin cậy như vậy sẽ đòi hỏi mức đầu tư vượt xa khả năng kinh tế.

Chia sẻ quan điểm này, bà Charmalee Jayamaha, Quản lý cấp cao tại tổ chức Energy Systems Catapult được chính phủ Anh hỗ trợ, nhấn mạnh rằng, rủi ro cần được cân bằng với sự sẵn lòng chi trả để giảm thiểu chúng.

Mất điện xảy ra khi hệ thống điện ngừng hoạt động, điều này có thể do sự cố bất ngờ liên quan đến đường dây tải điện, trạm biến áp hoặc cơ sở hạ tầng lưới điện khác.

Các vụ sụp đổ hệ thống điện thường do các yếu tố khó lường trước hoặc nằm ngoài tầm kiểm soát. Các sự kiện thời tiết cực đoan và thiên tai gây rủi ro lớn cho lưới điện, khi bão, sóng nhiệt và động đất có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng quốc gia.

Các báo cáo ban đầu cho rằng, sự cố mất điện của Tây Ban Nha do một hiện tượng khí quyển hiếm gặp gây ra, là do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, có thể đã làm mất ổn định lưới điện. Nhưng nhà điều hành lưới điện Red Eléctrica sau đó đã bác bỏ giả thuyết này.

Hầu hết các sự cố mất điện do thiên tai dễ xác định hơn. Tại bang Texas của Mỹ, ba trận bão mùa Đông vào đầu năm 2021 đã khiến các trang trại gió và nhà máy điện chạy bằng khí đốt bị đóng băng, khiến 4,5 triệu gia đình và doanh nghiệp không có điện. Nguy cơ của các sự cố này đang gia tăng khi khủng hoảng khí hậu làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các sự kiện thời tiết cực đoan.

Trong khi đó, một số sự cố mất điện lại hoàn toàn do con người gây ra. Bà Jayamaha nói rằng, các yếu tố địa chính trị, tấn công mạng hoặc lỗi của con người cũng có khả năng gây gián đoạn nghiêm trọng cho lưới điện.

Sau sự cố mất điện ở bán đảo Iberia, nhiều người đặt câu hỏi liệu có vụ tấn công nhắm vào lưới điện hay không. Tuy nhiên, nhà điều hành lưới điện Red Eléctrica đã nhanh chóng khẳng định, không có dấu hiệu tấn công và sau đó đã loại trừ giả thuyết này.

"Tính mong manh" của nguồn năng lượng tái tạo

Liên quan đến sự cố mất điện của Tây Ban Nha, đã xuất hiện một mối lo ngại, đó là vai trò có thể có của năng lượng tái tạo. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những nước đi đầu trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, với tỷ lệ chiếm hơn 75% tổng sản lượng vào thời điểm sự cố.

Mặc dù đạt được tỷ lệ cao về năng lượng sạch là một thành tựu môi trường quan trọng, nó cũng đi kèm với thách thức về khả năng phục hồi của lưới điện khi các nguồn cung này phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và khó duy trì sự ổn định như các nhà máy nhiệt điện hoặc điện hạt nhân truyền thống.

Bên cạnh đó, một lưới điện giàu năng lượng tái tạo khó vận hành hơn lưới điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Điều này là do lưới điện ban đầu chỉ được thiết kế với các nhà máy điện than, khí đốt và điện hạt nhân.

Theo chuyên gia của Energy Systems Catapult Charmalee Jayamaha, sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ đòi hỏi các công ty lưới điện phải đầu tư vào các công nghệ ổn định lưới điện. Lưới điện đang trải qua sự thay đổi chưa từng có khi giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang các giải pháp rẻ hơn, tốt hơn và sạch hơn. Điều này tạo ra những thách thức về khả năng phục hồi khác nhau cần được quản lý. Khả năng phục hồi không còn chỉ là việc có đủ công suất dự phòng mà là sự kết hợp phù hợp giữa các công nghệ và năng lực vận hành lưới điện với nhiều năng lượng tái tạo hơn.

Bà Kate Mulvany, Cố vấn tại công ty Cornwall Insight nhấn mạnh, ở Anh, một phần quan trọng của nỗ lực đó là phát triển các công cụ quản lý hệ thống mới, đặc biệt là tích hợp pin. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của lưới điện. Theo bà Mulvany, mặc dù sự cố mất điện lớn sẽ luôn có thể xảy ra, các biện pháp bảo vệ toàn diện sẽ giảm thiểu rủi ro này.

Sự cố tại bán đảo Iberia không chỉ là một vấn đề kỹ thuật đơn thuần, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về tính dễ tổn thương và tầm quan trọng chiến lược của an ninh năng lượng trong bối cảnh địa chính trị và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Bất kể nguyên nhân kỹ thuật cụ thể là gì, sự cố đã bộc lộ một thực tế đáng lo ngại, rất cần những tính toán cụ thể về tính mong manh của hệ thống năng lượng đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục, như điện Mặt trời và điện gió.

NỖI LO TAXI TỰ LÁI 'MADE IN CHINA' XÂM NHẬP

Baidu – gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc – đang đàm phán để triển khai taxi tự lái tại châu Âu, bất chấp những lo ngại về an ninh từ phương Tây và cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong lĩnh vực xe tự hành.

Tập đoàn công nghệ Baidu của Trung Quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán để triển khai thử nghiệm dịch vụ taxi tự lái (robotaxi) tại châu Âu, trong bối cảnh các công ty công nghệ Trung Quốc đẩy mạnh cuộc đua toàn cầu hóa trong lĩnh vực xe tự hành.

Theo các nguồn tin thân cận, Baidu – thường được coi là “Google của Trung Quốc” – đang đặt mục tiêu ra mắt dịch vụ robotaxi tại Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty con chuyên về công nghệ xe tự hành Apollo Go dự kiến sẽ thiết lập văn phòng đại diện tại Thụy Sĩ vào cuối năm nay, với kế hoạch triển khai thử nghiệm xe tự lái tại nước này, tận dụng “thái độ cởi mở” của chính quyền địa phương đối với các công nghệ giao thông tiên tiến.

Trong số các đối tác tiềm năng mà Baidu đang tìm kiếm, có cả Bưu điện Thụy Sĩ – cơ quan cung cấp các dịch vụ hậu cần và giao thông công cộng tại quốc gia này. Tuy nhiên, đại diện Swiss Post xác nhận hiện chưa có mối quan hệ hợp tác nào với Baidu hay bất kỳ nhà cung cấp công nghệ nào khác, nhưng cho biết đang tích cực đánh giá các phương án đổi mới dịch vụ giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu mới của người dân.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng được xem là thị trường chiến lược tiếp theo trong kế hoạch mở rộng của Baidu. Tuy chưa công bố chi tiết, công ty cho biết đang tiến hành thảo luận với các đối tác trong khu vực để chuẩn bị cho việc triển khai xe tự lái tại quốc gia này.

Robin Li, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Baidu, nhấn mạnh rằng năm 2025 sẽ là một “năm quan trọng” trong chiến lược toàn cầu hóa của công ty. Trong buổi trao đổi với nhà đầu tư, ông cho biết Baidu đang theo đuổi mô hình mở rộng “ít tài sản” – nghĩa là hợp tác với các hãng taxi địa phương và các nhà khai thác đội xe thay vì tự đầu tư toàn bộ hạ tầng và phương tiện.

Hiện tại, Apollo Go đã hoạt động tại hơn 10 thành phố lớn ở Trung Quốc và đang thử nghiệm quy mô nhỏ tại Hồng Kông. Baidu là một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực xe tự lái ở Trung Quốc, nơi mà chính phủ đang tích cực thúc đẩy đổi mới công nghệ trong giao thông đô thị.

Kế hoạch vươn ra quốc tế của Baidu phản ánh xu hướng chung của các công ty công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực xe tự hành. Đầu năm nay, công ty WeRide – có trụ sở tại Quảng Châu – đã triển khai thử nghiệm xe buýt tự lái tại thành phố Valence (Pháp) và sân bay Zurich (Thụy Sĩ). Trong khi đó, Pony.ai thông báo đã được cấp giấy phép thử nghiệm robotaxi tại Luxembourg.

Ngoài ra, tập đoàn gọi xe Uber của Mỹ cũng đã ký kết hợp tác với ba công ty xe tự lái Trung Quốc – gồm WeRide, Pony.ai và Momenta – để tích hợp các phương tiện tự lái vào đội xe của Uber tại các thị trường châu Âu và Trung Đông.

Sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện công nghệ cao do Trung Quốc phát triển đang làm gia tăng lo ngại tại các nước phương Tây. Trong số đó, Mỹ đặc biệt quan tâm đến những rủi ro an ninh tiềm tàng liên quan đến việc sử dụng dữ liệu và kiểm soát công nghệ khi các sản phẩm công nghệ cao từ Trung Quốc tiếp tục thâm nhập vào thị trường toàn cầu.

Năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện các biện pháp hạn chế đối với phần mềm kết nối xe hơi của Trung Quốc, viện dẫn lý do lo ngại an ninh quốc gia. Washington cảnh báo rằng các phương tiện do Trung Quốc sản xuất có thể bị sử dụng để thu thập thông tin và giám sát người dùng Mỹ. Trong một động thái liên quan, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã đưa Hesai – nhà sản xuất cảm biến lidar lớn nhất Trung Quốc, vốn được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện taxi robot – vào danh sách đen vì cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Hesai đã bác bỏ cáo buộc và phủ nhận mọi mối liên hệ như vậy.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, ngành công nghiệp xe tự lái đang phát triển nhanh chóng với sự hậu thuẫn từ chính phủ. Theo Bộ Công an Trung Quốc, hiện có hơn 32.000 km đường tại khoảng 20 thành phố trên cả nước đã được phê duyệt để triển khai thí điểm xe tự hành. Các cuộc thử nghiệm robotaxi quy mô lớn đang diễn ra tại nhiều trung tâm đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Trùng Khánh và Vũ Hán.

Dù còn tồn tại nhiều lo ngại trong ngành về quy định an toàn và chính sách bảo hiểm, giới phân tích đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của thị trường này. Báo cáo của Goldman Sachs công bố đầu tháng này dự báo rằng đến năm 2030, sẽ có hơn 500.000 xe taxi tự hành hoạt động tại các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc.

Dự báo này cũng chỉ ra rằng tỷ lệ thâm nhập của robotaxi trong dịch vụ đặt xe taxi toàn cầu sẽ tăng mạnh từ dưới 1% vào năm 2025 lên 9% vào năm 2030, đưa tổng giá trị thị trường từ mức chỉ 54 triệu USD hiện nay lên tới 47 tỷ USD mỗi năm.

Theo Goldman Sachs, các công ty như Baidu, WeRide và Pony.ai đang nắm giữ lợi thế lớn nhờ rào cản công nghệ cao – từ việc phát triển các thuật toán điều khiển chính xác đến khả năng thu thập và xử lý dữ liệu khổng lồ, vốn là điều kiện tiên quyết cho việc mở rộng dịch vụ ra quy mô lớn.

Baidu hiện là đơn vị vận hành dịch vụ taxi robot lớn nhất tại Trung Quốc. Trong quý IV năm ngoái, Apollo Go – nền tảng xe tự hành của Baidu – đã thực hiện 1,1 triệu chuyến đi phục vụ công chúng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 1/2025, tổng số chuyến đi do Apollo Go thực hiện đã vượt mốc 9 triệu.

LÀN SÓNG HÀNG GIÁ RẺ TQ XÂM CHIẾM

Khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang, châu Âu ngày càng bị kẹt giữa "hai làn đạn", đối mặt với nguy cơ trở thành "thị trường dự phòng" cho hàng hóa của Bắc Kinh vốn đang bị chặn đường vào thị trường Mỹ.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) đã tăng vọt lên mức kỷ lục 90 tỷ USD, cho thấy một sự dịch chuyển rõ nét trong cán cân thương mại toàn cầu khi Mỹ sử dụng công cụ thuế quan đối ứng nhằm gây sức ép lên các đối tác thương mại.

Cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể biến châu Âu thành “bãi đáp” hàng hóa giá rẻ của Bắc Kinh?

Kẹt giữa hai "làn đạn"

Bất chấp nỗ lực duy trì thế cân bằng giữa hai siêu cường kinh tế, EU vẫn đang phải đối mặt với áp lực lớn khi thặng dư thương mại của Trung Quốc với khối này tăng nhanh trên khắp lục địa, làm lộ rõ những vết rạn trong mô hình thị trường mở của châu Âu.

Theo dữ liệu mới nhất, trong 4 tháng đầu năm 2025, thặng dư thương mại của Trung Quốc với EU đạt kỷ lục 90 tỷ USD, cho thấy sự thay đổi trong mô hình thương mại toàn cầu khi Mỹ áp đặt thuế quan có đi có lại đối với phần lớn quốc gia đối tác. Trong đó, Trung Quốc - dù đạt được tiến triển quan trọng trong đàm phán thuế quan, song vẫn còn nhiều khúc mắc cần giải quyết, theo Bộ Thương mại Trung Quốc. Điều này khiến phần lớn khối hàng hóa "chưa tìm được địa chỉ nhận" của Trung Quốc được chuyển hướng sang châu Âu – một phần trực tiếp, phần khác thông qua Đông Nam Á và Mỹ Latinh.

Theo Bloomberg, chuyên gia kinh tế cấp cao Maxime Darmet tại Allianz Trade, nhận định: “Các thị trường ngoài Mỹ, bao gồm cả châu Âu, sẽ chứng kiến sự gia tăng các lô hàng từ Trung Quốc”. Bắc Kinh chắc chắn muốn duy trì thị phần toàn cầu, nên họ sẽ cố gắng tăng thị phần ở những thị trường khác”.

Sự dịch chuyển này đang thách thức các nguyên tắc cốt lõi của EU về tự do thương mại. Trong khi Washington áp dụng chủ nghĩa bảo hộ mạnh tay, Brussels buộc phải điều chỉnh lại chiến lược thương mại. EU cũng đã buộc phải ra mặt phản ứng bằng một số biện pháp như áp thuế lên xe điện (EV) nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng cho đến nay vẫn tránh lao vào một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Như giới phân tích chỉ rõ, nguyên nhân chính của việc mất cân băng thương mại là chính sách công nghiệp đầy tham vọng của Bắc Kinh. Các khoản trợ cấp từ chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện, đã giúp các hãng xe Trung Quốc như BYD có thể "hạ gục" các đối thủ cạnh tranh trên toàn thế giới bằng giá.

Trong năm 2024, BYD đã bán được 4,27 triệu xe mới trên toàn cầu, tăng 41% so với năm trước. Trong số đó, 1,76 triệu xe là xe điện hoàn toàn, đưa BYD chỉ đứng sau Tesla về doanh số bán xe điện toàn cầu. Doanh số bán xe hybrid cũng tăng tới 72,83%, đạt 2,49 triệu xe.

Cuối năm 2024, động thái áp thuế cao của EC lên những sản phẩm được cho là được "trợ giá" này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Để trả đũa, Bắc Kinh ngay lập tức mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sữa châu Âu, bao gồm phô mai và sữa – một động thái ăn miếng trả miếng quen thuộc, cho thấy dấu hiệu căng thẳng đang lan rộng ra ngoài phạm vi xe cộ và công nghệ.

Bất chấp những tranh chấp này, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của EU và ngược lại, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Bắc Kinh. Hơn một nửa lượng hàng nhập khẩu của EU từ Trung Quốc là thiết bị cơ khí và điện tử, trong khi ô tô và máy bay chỉ chiếm dưới 6%. Ở chiều ngược lại, EU chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc thiết bị cơ khí, điện tử, xe cộ và dược phẩm.

Trong các thành viên EU, Đức chịu tác động nặng nề nhất từ những thay đổi trong quan hệ thương mại. Mối quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc, từng được đánh dấu bằng thặng dư của Đức, giờ đây đã đảo ngược đáng kể. Năm 2020, Trung Quốc thâm hụt hơn 18 tỷ USD với Đức. Nhưng đến năm 2024, con số này đã đảo chiều thành thặng dư 12 tỷ USD. Nếu xu hướng này tiếp diễn, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Đức có thể vượt 25 tỷ USD vào cuối năm 2025.

Lý do chính là sự gia tăng chóng mặt của xuất khẩu ô tô Trung Quốc – từ xe điện đến xe động cơ đốt trong – trong khi xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc, đặc biệt là ô tô giảm mạnh. Dù EU mạnh tay đánh thuế lên xe điện Trung Quốc nhằm hạn chế nhập khẩu, các hãng xe nước này vẫn tăng cường giao xe hybrid và cả xe xăng, duy trì đà phát triển trên thị trường châu Âu.

Paris cũng ở tâm điểm chú ý khi đón Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tới Pháp (12-16/5), đồng chủ trì Đối thoại kinh tế và tài chính cấp cao lần thứ 10. Cuộc gặp diễn ra sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận đình chiến thương mại tạm thời kéo dài 90 ngày, hạ một số mức thuế nhưng vẫn giữ lại nhiều rào cản. Thị trường châu Âu hoan nghênh "lệnh ngừng bắn", song các chuyên gia cảnh báo căng thẳng thương mại vẫn âm ỉ, chưa được giải quyết.

Đứng trước sức ép sinh tồn

Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic mới đây thừa nhận một mối lo ngày càng tăng - cho biết, cơ quan này đang "giám sát chặt chẽ nguy cơ hàng hóa Trung Quốc chuyển hướng sang EU". Các đánh giá ban đầu dự kiến sẽ được trình vào giữa tháng 5 - chủ đề này sẽ là tâm điểm tại cuộc họp các Bộ trưởng Thương mại EU tại Brussels.

Tình hình càng phức tạp hơn khi đồng Nhân dân tệ gần đây suy yếu, rơi xuống mức thấp nhất so với đồng Euro trong hơn một thập kỷ (vào tháng 4/2025), khiến hàng hóa Trung Quốc càng rẻ hơn với người mua châu Âu. Yếu tố này tạo thêm áp lực cạnh tranh lên các nhà sản xuất trong nước vốn đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát và nhu cầu yếu.

Khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, hàng xuất khẩu của EU sang nước này lại chững lại. Cụ thể, từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2024, xuất khẩu của EU sang Trung Quốc giảm 12,5%, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ giảm 4,9%. Trái lại, xuất khẩu của EU sang các quốc gia ngoài khối lại tăng 3% trong cùng kỳ.

Dữ liệu thương mại hàng tháng càng củng cố xu hướng này: xuất khẩu của EU sang Trung Quốc giảm từ 19,2 tỷ Euro (21,5 tỷ USD) vào tháng 1/2023 xuống còn 16,8 tỷ Euro (18,8 tỷ USD) vào tháng 12/2024. Thâm hụt thương mại đạt đỉnh 29 tỷ Euro (32,5 tỷ USD) vào tháng 8/2024.

Số liệu thực tế trên đủ cho thấy, dù nhập khẩu từ Trung Quốc giảm nhẹ, nhưng thâm hụt chung vẫn ở mức cao, cho thấy sự phụ thuộc ngày càng sâu của châu Âu vào hàng hóa Trung Quốc trong bối cảnh các sản phẩm của châu Âu mất dần sức hút tại thị trường châu Á rộng lớn này.

Cuộc đối đầu thương mại đang buộc các chính phủ châu Âu phải điều chỉnh chiến lược. Lãnh đạo các nước thành viên đang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc bảo vệ ngành công nghiệp nội địa – không chỉ trước cạnh tranh từ Trung Quốc, mà cả trước những tác động dây chuyền từ chính sách của Mỹ nhắm thẳng vào sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Trong bối cảnh hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng phân mảnh, giới chuyên gia kinh tế dự báo - EU sẽ tiếp tục mở rộng các rào cản phi thuế quan và trợ cấp cho các ngành chiến lược. Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ tăng cường các nỗ lực ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt như ô tô, công nghệ xanh và sản xuất tiên tiến.

Vấn đề đặt ra là liệu châu Âu có thể duy trì bản sắc của một pháo đài thương mại tự do trong khi vẫn bảo vệ được nền công nghiệp cốt lõi của mình trong thời đại cạnh tranh địa chính trị hay không, vẫn là một trong những thách thức mang tính quyết định đối với nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch.

Như vậy, trong ván cờ thương mại đang tái định hình bởi xung đột Mỹ-Trung Quốc, châu Âu không còn là “người đứng ngoài” mà đang trở thành bàn cờ – hoặc quân cờ. Khi hàng hóa Trung Quốc tràn vào, các nhà máy châu Âu đứng trước sức ép sinh tồn, còn giới lãnh đạo EU buộc phải lựa chọn giữa lý tưởng thị trường tự do và nhu cầu bảo hộ thực dụng.

Liệu Brussels có đủ bản lĩnh để giữ vững mô hình kinh tế mở, hay sẽ phải dựng rào chắn trước làn sóng hàng giá rẻ? Câu trả lời sẽ không đến trong một sớm một chiều – nhưng hậu quả thì đã gõ cửa từng nền kinh tế trong khối.

TÌM RA CÁCH ĐỂ ĐÈ BẸP ĐỐI THỦ?

Ủy ban châu Âu (EC) cuối cùng đã đưa ra dự thảo lộ trình loại bỏ dần nguồn năng lượng từ Nga.

Ngoài các lệnh trừng phạt mới, các quan chức còn hứa hẹn nhiều điều bất ngờ dành cho các công ty năng lượng của Moscow. Bài viết của RIA sẽ nêu rõ tác động của việc này tới người dân châu Âu.

Hứa và đã làm

Trong ba năm qua, châu Âu đã hứa sẽ đưa ra kế hoạch "loại bỏ chứng nghiện khí đốt Nga". Theo báo cáo của EC, kể từ tháng 5 năm 2022, EU đã giảm sự phụ thuộc vào khí đốt "không chính trị" từ 47 xuống còn 19 phần trăm.

Mặc dù vậy, lượng mua bắt đầu tăng vào năm 2024. Brussels gần đây cho biết: "Cần có hành động phối hợp hơn".

Hungary đã lên tiếng phản đối. Bộ trưởng Ngoại giao Peter Szijjarto chỉ ra rằng điều này vi phạm chủ quyền: nó tước đi quyền tự do lựa chọn nguồn năng lượng.

Cấm tất cả mọi thứ

Trên thực tế, mọi biện pháp "an ninh" đều chỉ là một danh sách các yêu cầu ngày càng mở rộng. Người mua khí đốt của Nga đã có nghĩa vụ cung cấp thông tin về các hợp đồng hiện tại.

Ngoài ra, mỗi quốc gia Liên minh châu Âu (EU) được yêu cầu cung cấp một kế hoạch chi tiết để từ chối khí đốt của Nga, với các hành động và thời hạn rõ ràng. Thời hạn nộp hồ sơ là cuối năm 2025.

Đồng thời, lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga theo các hợp đồng mới sẽ có hiệu lực, và đến cuối năm 2027 – theo các hợp đồng dài hạn hiện hành. Khung pháp lý sẽ được chuẩn bị vào tháng 6, nhưng hiện đã có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này.

Phó giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, Alexey Grivach tin tưởng rằng những cuộc tranh luận nghiêm túc về tính chính xác của văn bản pháp lý sẽ nổ ra tại Brussels cũng như tại các văn phòng của chính phủ các quốc gia.

"Viễn cảnh chấm dứt các hợp đồng dài hạn mà không được bồi thường cũng có vẻ đáng ngờ, mặc dù EU có thể chỉ vi phạm các nguyên tắc của luật thương mại quốc tế", ông giải thích.

EC đang có kế hoạch tương tự về năng lượng hạt nhân. Các "biện pháp thương mại" đang được chuẩn bị để chống lại uranium làm giàu từ Nga và các hạn chế sẽ được áp dụng đối với các hợp đồng mới giữa Cơ quan cung cấp Euratom và Moscow.

Đồng thời, họ có kế hoạch tăng sản lượng đồng vị phóng xạ y tế tại địa phương. Nhưng cụ thể như thế nào thì không được nêu trong kế hoạch của EC.

Với dầu mỏ, mọi thứ vẫn như vậy: EU sẽ tiếp tục áp dụng lệnh trừng phạt đối với các tổ chức và tàu chở dầu vận chuyển dầu và bị nghi ngờ hoạt động bất hợp pháp.

Mong muốn và khả năng

Theo các chuyên gia, chỉ có kế hoạch thôi là chưa đủ - cần phải có nguồn cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thay thế từ Canada, Qatar, Mỹ và các nước châu Phi.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, việc đạt được thỏa thuận đang ngày càng trở nên khó khăn hơn và có rất ít thời gian cho quá trình chuyển đổi.

Tamara Safonova, Tổng giám đốc Cơ quan Phân tích Độc lập về Ngành Dầu khí (NAANS-Media), cho biết:

"Trong khi EC không có chiến lược cân bằng để đa dạng hóa các nguồn năng lượng, việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ dẫn đến tình trạng mất điện và hỏng hóc định kỳ, và việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt của Nga được thực hiện với cái giá phải trả là đóng cửa các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế".

Giá cả tiếp tục tăng và đã vượt quá 400 đô la cho một nghìn mét khối. Ông Grivach chỉ ra rằng đây là một con số cao, đặc biệt là vào thời điểm hiện tại. Rốt cuộc, trước khi thời tiết nóng lên, chúng ta cần có thời gian để bơm khí vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất cho mùa sưởi ấm tiếp theo.

Cựu Thủ tướng Ý và cựu chủ tịch ECB Mario Draghi thừa nhận những vấn đề cơ bản trên thị trường.

Trong báo cáo chuẩn bị cho người đứng đầu EC, ông tuyên bố rằng thị trường năng lượng EU, trái ngược với những tuyên bố lạc quan, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên và giá khí đốt tự nhiên ở EU cao gấp bốn đến năm lần so với ở Mỹ.

Ngược lại, Ủy viên Năng lượng Châu Âu Dan Jorgensen tin rằng Châu Âu sẽ có thể thay thế việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ bằng nguồn năng lượng sạch và giá cả phải chăng của riêng mình.

Tại một cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng năng lượng ở Ba Lan, ông tuyên bố rằng EC sẽ tiếp tục yêu cầu từ chối hoàn toàn các nguồn tài nguyên của Nga ngay cả sau khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc.

"Chúng tôi đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng chúng tôi không muốn mua bất kỳ nguồn tài nguyên nào của Nga cho dù cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga kết thúc", Jorgensen nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng rất khó để đảm bảo lệnh cấm vận hoàn toàn. Vì vậy, rất khó để kiểm soát việc bán lại các nguồn năng lượng của Nga bởi các nước thứ ba.

Tổng giám đốc Safonova cảnh báo rằng việc tẩy chay uranium sẽ không dẫn đến sự sụp đổ của thị trường Nga, nhưng giá cả ở châu Âu sẽ tăng.

"Tính đến năm 2024, danh mục đơn đặt hàng nước ngoài của Rosatom bao gồm 39 đơn vị điện lớn và nhỏ tại mười quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hungary, Ấn Độ và Bangladesh.

Khi các đơn vị này phát triển, xuất khẩu uranium của Nga cũng sẽ tăng lên. EU sẽ phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế và điều này có thể dẫn đến tình trạng trì trệ của năng lượng hạt nhân châu Âu", bà giải thích.

Nhìn chung, kế hoạch của EC còn thô sơ và không khả thi, theo kết luận của chuyên gia thị trường nhiên liệu Anastasia Bunina.

Sẽ không thực tế nếu muốn đạt được mọi mục tiêu đã đề ra vào năm 2027, bên cạnh đó, các biện pháp thực hiện cũng chưa được cân nhắc kỹ lưỡng. Điều duy nhất chúng dẫn đến là giá cả tăng cao hơn cho người tiêu dùng châu Âu.

HÀNG LOẠT NƯỚC LÊN ÁN THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI MỸ - ANH

Các bộ trưởng thương mại của Liên minh châu Âu (EU) đã lên án thỏa thuận thương mại đạt được gần đây giữa Mỹ và Anh, cảnh báo có thể cân nhắc trả đũa Washington nếu không được đảm bảo các điều khoản có lợi hơn cho khối.

Hãng RT đưa tin, các quan chức phụ trách thương mại của các nước thành viên EU đã bày tỏ sự bất bình sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer tuần trước ký kết một thỏa thuận hạn chế, trong đó Washington giữ nguyên mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết hàng xuất khẩu của Anh, đồng thời nới lỏng mức thuế nhập khẩu cao hơn áp lên các mặt hàng như thép, nhôm và ô tô từ xứ sở sương mù.

Phát biểu với truyền thông hôm 15/5 trước cuộc họp của các quan chức EU ở Brussels, Bỉ, Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Benjamin Dousa nói: "Nếu thỏa thuận thương mại Anh – Mỹ là những gì châu Âu nhận được, Mỹ có thể phải đối mặt với các biện pháp đối phó từ EU”.

Bộ trưởng Thương mại Pháp Laurent Saint-Martin kêu gọi thận trọng và cho rằng EU nên cảnh giác với quan điểm "dừng lại ở mức thuế đối ứng 10% sẽ là điều tốt".

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Michal Baranowski của Ba Lan, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu, tuyên bố EU "sẽ không vui" nếu đạt một thỏa thuận tương tự như Anh với Mỹ.

Tạp chí phố Wall dẫn lời ông Baranowski cho hay: “Chúng tôi không cần một thỏa thuận thương mại nhanh chóng, chúng tôi cần một thỏa thuận tốt. Phía Mỹ cũng vậy, và chúng tôi có thời gian… Chúng ta đang thấy một số yếu tố lạc quan, khi chứng kiến nhiều động thái giảm leo thang từ Mỹ. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy các cuộc đàm phán giữa Washington và EU đang được đẩy nhanh. Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt một thỏa thuận tốt hơn là duy trì mức thuế quan khá cao".

Theo RT, Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước đã đưa ra một danh sách các biện pháp trả đũa thương mại nhằm vào lượng hàng hóa Mỹ trị giá 106 tỷ USD (95 tỷ Euro) nếu các cuộc đàm phán giữa khối với Washington bị đình trệ.

Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro sau đó cảnh báo EU sẽ "phạm phải sai lầm nghiêm trọng" nếu thực hiện đòn trả đũa trên, đồng thời gọi những biện pháp của khối là phản tác dụng.

Nguồn: Báo Mới; Người Quan Sát; Báo Quốc Tế; Soha; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

YOUTUBE: Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-CHLB Đức

Trong hai ngày 17 và 18/5, cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Leipzig đã phối hợp với Sở thú Leipzig tổ chức “Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig ” kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – CHLB Đức (1975 – 2025).

Đây cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ tuần lễ đa văn hóa do chính quyền thành phố Leipzig tổ chức nhằm tạo không gian để các cộng đồng sinh sống trên địa bàn quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, ẩm thực... của đất nước mình.

Nguồn: TTX VIỆT NAM

Đức Việt Online

YOUTUBE: Lễ Trao tặng Huy hiệu Danh dự, tôn vinh ông Bùi Quang Huy & 8 nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất

Lễ vinh danh chín nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất Leipzig trong những năm qua, được tổ chức trang trọng tại Hội trường, Tòa Thị chính Thành phố Leipzig.

Trước sự chứng kiến ​​của các nhân vật trọng yếu, các phó thị trưởng, hội đồng thành phố, ban đối ngoại, sở văn hóa, đặc trách ngoại kiều, các ban nghành thành phố, Thị trưởng Burkhard Jung, cổ đeo vòng dây chuyền vàng Goldketten uy nghi, trịnh trọng trao tặng huy hiệu, bảng vàng danh dự, bằng khen của Thành phố Leipzig cho 9 nhà hoạt động cộng đồng  xuất sắc nhất trên các lĩnh vực xã hội, văn hóa, chính trị.

Tác giả Đức Thúy

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Lên đầu trang