Đường sắt đô thị cần giải pháp đột phá; Vay thế chấp 'nhà trên giấy'; Cải tạo chung cư cũ ở HN; Vụ 'mất' 400ha đất dự án

Cần giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị

Thời gian qua, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư các dự án đường sắt đô thị.

Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ các dự án bị chậm và bị đội vốn, trong khi tình hình ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng phức tạp. Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng, chính quyền của hai thành phố tiếp tục nghiên cứu các giải pháp đột phá, nhằm triển khai đồng bộ, sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị đáp ứng sự phát triển kinh tế-xã hội tại hai thành phố lớn.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km, trong đó có 75,6 km đi ngầm. Sau 13 năm thực hiện quy hoạch trên, đến nay Hà Nội mới hoàn thành 13 km của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (tuyến 2A) và đang thi công 12,5 km tuyến Nhổn-ga Hà Nội (tuyến số 3.1).

13 năm mới hoàn thành một tuyến đường sắt đô thị

Sau hơn hai năm đi vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã chứng minh được tính ưu việt của phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn; giúp người dân thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa giao thông văn minh.

Tính đến cuối năm 2023, tàu Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển được gần 20 triệu lượt hành khách. Khi mới vận hành, tàu vận chuyển được khoảng 30 nghìn lượt khách/ngày. Hiện tại, con số này dao động từ 35 nghìn đến 36 nghìn lượt khách/ngày. Đối với tuyến Nhổn-ga Hà Nội, sau 14 năm thi công, đến nay tiến độ tổng thể của dự án này đạt 77,76%, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99,65%, tiến độ thi công đoạn ngầm đạt 37,25%.

Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đơn vị sẽ hoàn thành việc vận hành chạy thử đoạn trên cao tuyến Nhổn-ga Hà Nội vào cuối tháng 4/2024; vào cuối tháng 6/2024 sẽ hoàn thành công tác chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao cho Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội đưa vào vận hành thương mại. Các nhà thầu cũng đang gấp rút triển khai phần đi ngầm để hoàn thành toàn tuyến vào năm 2027.

Theo điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn gồm tám tuyến có tổng chiều dài khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước khoảng 25 tỷ USD.

Hiện nay Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố đang tập trung triển khai đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành-Tham Lương). Trong đó tuyến Bến Thành-Suối Tiên dài gần 20 km, có tổng mức đầu tư 43.757 tỷ đồng, sau hơn 10 năm khởi công xây dựng, nhiều lần lùi thời gian vận hành khai thác, vừa qua đã được thành phố lên kế hoạch đưa vào khai thác thương mại vào tháng 7/2024.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR), đến nay, tổng khối lượng thực hiện của toàn dự án đạt gần 98%, phần thi công xây dựng cơ bản đã hoàn thành xong, chỉ còn hạng mục các cầu bộ hành và hoàn thiện tòa nhà của công ty khai thác vận hành sẽ được hoàn thành trong quý II năm 2024.

Bên cạnh hai dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị đưa vào vận hành trong tháng 6 và tháng 7 năm nay, thành phố Hà Nội đang triển khai tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Ngày 10/1/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang phối hợp với các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án.

Đồng thời, Hà Nội đang triển khai một số dự án khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, bao gồm: Tuyến số 1 (Yên Viên -Ngọc Hồi); tuyến số 2A kéo dài (Hà Đông-Xuân Mai); tuyến số 3.2 (ga Hà Nội đến Hoàng Mai); tuyến số 5 (Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc) và tuyến số 6 (Nội Bài-Ngọc Hồi). Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành-Tham Lương) có mức đầu tư 47.890 tỷ đồng đã cơ bản hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu khởi công xây dựng vào năm 2025.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Tuy đã có nhiều cố gắng triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tất cả các dự án đã và đang thực hiện đều có tiến độ quá chậm. Thực trạng này được nêu rõ trong Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, nguyên nhân hai dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-ga Hà Nội bị chậm tiến độ là do mỗi dự án áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn khác nhau.

Tuyến Cát Linh-Hà Đông thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung Quốc; còn tuyến Nhổn-ga Hà Nội thực hiện theo tiêu chuẩn của châu Âu. Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, chuyên gia về đường sắt đô thị cho biết, việc sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau có nguy cơ lãng phí nguồn lực do không tận dụng được nhân lực, thiết bị, sản phẩm kỹ thuật như bản vẽ, tính toán, kinh nghiệm thi công… ở các dự án khác nhau. Việc vận hành và khai thác cũng không thống nhất; khó khăn trong kết nối giữa các tuyến đường sắt.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải cho rằng, các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các dự án không đồng bộ còn dẫn đến khó khăn trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình, cũng như duy tu, bảo dưỡng. Một rào cản lớn khác khiến cho dự án Nhổn-ga Hà Nội triển khai rất chậm là công tác giải phóng mặt bằng do chưa có quy định cụ thể về việc di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của việc thi công ngầm.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều vấn đề nan giải về nguồn vốn, thủ tục đầu tư, nhân lực… mà thành phố gặp phải khi đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Nhu cầu vốn cho hệ thống tám tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 25 tỷ USD. Đây là số vốn rất lớn, nếu đầu tư bằng vốn vay ODA sẽ gặp nhiều khó khăn vì trình tự, thủ tục phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài, suất đầu tư cao, phụ thuộc về tư vấn, thiết kế, công nghệ của nước cho vay.

Chia sẻ về trình tự, thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án, ông Hiển thông tin, theo quy định hiện nay, công tác đầu tư cho một dự án đường sắt đô thị kéo dài trung bình từ 12 đến 15 năm (trong đó giai đoạn chuẩn bị đầu tư mất từ 4 đến 5 năm). Do thời gian chuẩn bị dự án kéo dài, số vốn cam kết của các nhà tài trợ thường bị trượt giá, dẫn đến bị đội vốn. Bên cạnh đó, khó khăn về nhân lực cũng là một thách thức không nhỏ khi hiện nay các viện, các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo tại Việt Nam chưa có chiến lược đào tạo kỹ sư chuyên ngành đường sắt đô thị.

Phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD

Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2045, hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035. Ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho rằng, định hướng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội đến năm 2045 và Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035 là đúng đắn.

Tuy nhiên, nhiệm vụ hoàn toàn bất khả thi nếu triển khai thực hiện theo đúng các quy định pháp luật hiện hành và sẽ khả thi nếu được thực hiện với tư duy mới, thật sự đột phá, một khung khổ pháp lý mới được áp dụng riêng cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tiệm cận với cơ chế phổ biến của các nước đã phát triển thành công hệ thống đường sắt đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).

Theo PGS, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường đại học Việt Đức), về nguồn vốn, việc sử dụng vốn vay ODA hay sử dụng các nguồn vốn tài trợ khác như thời gian qua là gánh nặng cho chính quyền, do đó nên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hay phương thức đối tác công-tư (PPP), hoặc tạo nguồn thu từ khai thác quỹ đất dọc hai bên nhà ga đường sắt để đầu tư xây dựng các tuyến này theo mô hình TOD.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng cho rằng, mô hình TOD chính là lời giải “bài toán” khó cho giao thông đô thị hiện nay. Phát triển đô thị theo mô hình TOD lấy đầu mối giao thông công cộng (thường là các nhà ga đường sắt) để tích hợp các chức năng sử dụng khác như khu nhà ở, văn phòng, tài chính, thương mại vào bên trong nhà ga và khu vực chung quanh nhà ga trong phạm vi bán kính tối đa 800-1.000m (tương đương với 10-15 phút để người dân đi bộ đến nhà ga).

Theo ông Vũ Anh Tuấn, muốn khai thác TOD hiệu quả thì quy trình thu hồi đất, cơ chế bồi thường cũng phải thay đổi. Chính phủ nên cho các thành phố áp dụng cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, theo nguyên tắc giá đền bù phải đúng với giá thị trường. Vừa qua, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thí điểm triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5 từ Văn Cao đến Hòa Lạc theo mô hình TOD. Thành phố có thể áp dụng mô hình TOD để xây dựng cơ chế đặc thù thực hiện đấu giá quyền sử dụng các quỹ đất, ô đất để tạo nguồn thu ngân sách thực hiện dự án.

Vay thế chấp “nhà trên giấy”: NHNN khẳng định không ảnh hưởng, HoREA nói quy định chưa rõ ràng

Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định mới tại Thông tư 22 không hạn chế quyền của người mua nhà ở hình thành trong tương lai, tuy nhiên, HoREA cho rằng việc quy định chưa rõ ràng sẽ gây khó cho thị trường.

Theo Thông tư Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu rõ: Khoản 10 Điều 2 Thông tư 41/2016/TT- NHNN quy định: “Khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản là khoản cho vay đối với cá nhân, pháp nhân để mua bất động sản, thực hiện dự án bất động sản và được bảo đảm bằng chính bất động sản, dự án bất động sản hình thành từ khoản cho vay theo các quy định của pháp luật về giao dịch đảm bảo”.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc theo Thông tư 22 tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua nhà và đảm bảo (thế chấp) nhà hình thành trong tương lai sẽ áp dụng hệ số rủi ro từ 30-120% phụ thuộc vào tỷ lệ bảo đảm (LTV) được tính bằng tỷ lệ số dư khoản cho vay so với giá trị của tài sản bảo đảm, trường hợp không có thông tin về tỷ lệ LTV hệ số rủi ro 150%.

Thông tư 22 không chỉ giới hạn ảnh hưởng đối với lĩnh vực ngân hàng, mà còn đặt ra các quy định chi tiết về việc xác định và áp dụng hệ số rủi ro đối với từng loại tài sản, bao gồm cả khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản và cho vay thế chấp nhà.

Cũng theo NHNN, một điểm quan trọng của Thông tư 22 là việc không sửa đổi, bổ sung nội dung của Thông tư 41/2016/TT- NHNN, mà chỉ làm rõ và mở rộng các điều kiện và quy định liên quan đến việc mua nhà và thế chấp chính nhà hình thành trong tương lai.

Theo quy định mới, việc định giá độc lập của nhà hình thành từ khoản cho vay thế chấp được thực hiện theo nguyên tắc thận trọng, không cao hơn giá thị trường tại thời điểm xét duyệt cho vay. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình xác định giá trị tài sản bảo đảm.

Điều kiện nhà đã hoàn thành theo hợp đồng mua bán chỉ áp dụng đối với khoản cho vay thế chấp nhà và trường hợp xây dựng, mua nhà ở hình thành trong tương lai được áp dụng theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Hệ số rủi ro tương ứng áp dụng từ 30% đến 120%, tùy thuộc vào tỷ lệ LTV và tỷ lệ thu nhập (DSC).

HoREA cho rằng cần sửa Thông tư 22 trước khi có hiệu lực

Liên quan đến quy định mới tại Thông tư 22, theo Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) “vướng mắc pháp lý” của Thông tư số 22/2023/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN) vẫn đặt ra.

Cụ thể, tại tiết (ii) điểm a khoản 11 Điều 2 Thông tư 41/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 22/2023/TT-NHNN) chỉ quy định trường hợp “a) Khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản đối với cá nhân để mua nhà đáp ứng các điều kiện sau: (…) (ii) Nhà đã được hoàn thành để bàn giao theo hợp đồng mua bán nhà” áp dụng đối với trường hợp nhà ở thương mại “đã được hoàn thành để bàn giao”, tức là nhà ở thương mại “có sẵn”, nhưng chưa bao gồm trường hợp vay tín dụng để mua nhà ở thương mại “chưa được hoàn thành để bàn giao”, tức là nhà ở thương mại “hình thành trong tương lai”.

HoREA cho rằng, cần phải sửa đổi chi tiết trên trước khi thông tư có hiệu lực, để không dẫn đến hệ quả xấu, gây khó khăn, cản trở hoạt động bình thường của thị trường bất động sản, tác động tiêu cực đến tiến trình phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản cả trước mắt và lâu dài. Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thực hiện việc xét duyệt cho cá nhân vay tín dụng để mua "nhà ở thương mại hình thành trong tương lai" được bảo đảm (thế chấp) bằng chính căn nhà đó.

Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Gỡ vướng từ hệ số K

Từ năm 2024, các quận, huyện được ủy quyền xác định hệ số K (hệ số khung) bồi thường khi triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, dưới sự giám sát của Sở Xây dựng Hà Nội. Đây được coi là giải pháp nhằm bảo đảm tính chính xác, hiệu quả, góp phần triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Khó thống nhất phương án bồi thường

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 chung cư cũ, hầu hết trong số này đều đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng, không còn đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt của người dân. Cuối năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố và các kế hoạch triển khai Đề án. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, việc triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố vẫn chậm và còn nhiều vướng mắc.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2023, Sở đã rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư của 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, song mới chỉ có 2 dự án hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác, là chung cư 3A Quang Trung (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) và dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2 (số 93 phố Láng Hạ, quận Đống Đa).

Như vậy, tính đến hết năm 2023, toàn thành phố mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại được 19 khu tập thể, nhà chung cư cũ, bằng 1,14% tổng khối lượng công việc. Nhiều dự án đang tiếp tục được đôn đốc triển khai như: Dự án cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng); nhà A & B Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy); khu tập thể X1, số 26 Liễu Giai (quận Ba Đình); khu tập thể Dịch vụ vận tải đường sắt (quận Hoàng Mai); nhà chung cư số 148 - 150 phố Sơn Tây (quận Ba Đình); khu tập thể Viện Tư liệu phim Việt Nam - The Boulevard (số 22 phố Liễu Giai, quận Ba Đình); dự án phá dỡ nhà nguy hiểm và xây dựng mới tại số 225 phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ); dự án số 23 phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm)...

“Việc thống nhất phương án bồi thường giữa nhà đầu tư và các chủ sở hữu gặp nhiều khó khăn bởi chủ sở hữu thường yêu cầu hệ số K bồi thường cao, nhất là đối với các hộ tại tầng 1, dẫn đến nhà đầu tư khó cân đối hiệu quả tài chính của dự án. Đây là một trong những trở ngại lớn ảnh hưởng đến tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố”, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành nêu.

Phân cấp để có hệ số K sát thực tiễn

Tìm phương án tháo gỡ, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, tham mưu thành phố quy định về hệ số K làm căn cứ để các địa phương, nhà đầu tư chủ động thỏa thuận, thống nhất với người dân.

“Đầu năm 2023, Sở Xây dựng đã xây dựng phương pháp xác định hệ số K, đồng thời làm việc với tất cả các quận, huyện, thị xã có nhà chung cư cũ để hướng dẫn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vì mỗi nhà chung cư cũ có một vị trí khác nhau; quy hoạch và mật độ dân số cũng khác nhau”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho hay.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố thống nhất việc ủy quyền, phân cấp cho quận, huyện có chung cư cũ xác định hệ số K theo hướng dẫn của Sở Xây dựng. Bởi UBND các quận, huyện cũng là đơn vị nắm được chính xác vị trí dự án, quy mô dân số và toàn bộ quy hoạch chung cư cũ tại địa bàn. “Để tính hệ số K sát nhất, bảo đảm tiêu chí hiệu quả cho chủ đầu tư, quyền lợi cho người dân và giữ gìn sự khang trang đô thị thì việc giao cho UBND cấp quận, huyện là phù hợp”, ông Mạc Đình Minh khẳng định.

Cuối năm 2023, Sở Xây dựng đã có tờ trình kèm dự thảo quyết định về việc ủy quyền cho UBND quận, huyện, nơi có nhà chung cư cũ cải tạo, xây dựng lại, phê duyệt hệ số K bồi thường khi thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn quản lý, phù hợp với quy hoạch được duyệt, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Hiện nay, các quận, huyện đang lựa chọn nhà thầu, hoàn thành việc lập quy hoạch và kiểm định chất lượng nhà chung cư cũ theo kế hoạch. UBND thành phố đã bố trí vốn tạm cấp khoảng 5,7 tỷ đồng năm 2022 và 35,3 tỷ đồng năm 2023 cho các quận, huyện để lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng; bố trí tạm cấp khoảng 86,4 tỷ đồng năm 2022 và 141,8 tỷ đồng năm 2023 cho các quận, huyện để thực hiện kiểm định chung cư cũ.

“Năm 2024, chắc chắn việc ủy quyền cho các quận, huyện sẽ được triển khai. Với trách nhiệm của mình, Sở Xây dựng sẽ vào cuộc để giám sát việc xác định hệ số K bảo đảm chính xác, hiệu quả. Với giải pháp này, hy vọng việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố sẽ được triển khai đồng bộ”, ông Mạc Đình Minh nêu.

Vụ 'mất' gần 400ha đất dự án ở Đắk Lắk, chủ rừng không hợp tác

Được giao gần 1.000ha để trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng, Công ty Hoàng Gia Phát không bố trí lực lượng đủ mạnh, bất hợp tác với cơ quan chức năng.

Như VietNamNet đã thông tin, năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi 977,36ha đất rừng của Công ty Lâm nghiệp Ea H'Mơ tại tiểu khu 134, 138 thuộc địa bàn xã la Jlơi (huyện Ea Súp) giao cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (Hoàng Gia Phát) để thực hiện dự án trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng.

Sau 10 năm triển khai dự án, đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Sở TN&MT Đắk Lắk kết luận, tổng diện tích đất rừng bị lấn, chiếm khoảng 396ha, trong đó gồm 52ha đất trồng cao su trước đây bị chết và 344ha đất có rừng.

Liên quan đến việc để mất gần 400ha đất rừng, ông Nguyễn Như Hoàng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Súp, cho biết sau khi kiểm tra và phát hiện diện tích rừng tự nhiên do Hoàng Gia Phát quản lý bị suy giảm, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu UBND huyện Ea Súp yêu cầu công ty thực hiện ngay việc đánh giá hiện trạng rừng, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại vùng dự án để làm cơ sở lập hồ sơ thuê rừng, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên công ty vẫn không thực hiện.

Theo ông Hoàng, Hạt Kiểm lâm Ea Súp đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu Chủ tịch UBND xã Ia J’Lơi tổ chức kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đối với dự án trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng của Hoàng Gia Phát.

Qua các đợt kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý đất đai trên vùng dự án, tổ công tác xã Ia J’lơi không nhận được sự phối hợp của công ty, do đơn vị không bố trí người trông coi, có khi chỉ có 1 bảo vệ (không có hợp đồng lao động).

Trước sự việc này, UBND xã Ia J’lơi đã nhiều lần báo cáo UBND huyện về sự buông lỏng quản lý của Hoàng Gia Phát.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Súp cũng cho biết, sau khi nắm bắt được tình hình diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm, đơn vị đã nhiều lần tham mưu UBND huyện chỉ đạo, đồng thời có văn bản đôn đốc Hoàng Gia Phát phối hợp để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai vùng dự án, nhằm ngăn chặn sự lấn chiếm của người dân.

“Năm 2022 và 2023, UBND huyện Ea Súp (Đắk Lắk) và UBND huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã có nhiều cuộc làm việc để xem xét hướng giải quyết đối với việc người dân lấn chiếm đất tại vùng dự án của công ty. Tuy nhiên, việc phối hợp của công ty với địa phương để giải quyết các vấn đề trên rất hạn chế, có khi không tham gia hoặc chỉ cử bảo vệ tham gia không đúng theo thành phần mời của các cuộc làm việc”, ông Nguyễn Như Hoàng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Súp khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Như Hoàng, sau khi Luật Lâm nghiệp được thông qua, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu UBND huyện Ea Súp ban hành nhiều văn bản để triển khai, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp được nhà nước giao quản lý bảo vệ.

Tuy nhiên, Hoàng Gia Phát không xây dựng phương án mà chỉ giao cho bảo vệ (không có hợp đồng lao động) làm việc cùng đoàn kiểm tra của huyện, thậm chí có nhiều đợt kiểm tra công ty không có người tham gia. Hạt Kiểm lâm đã nhiều lần mời ông Võ Hoàng Đại Dương, Giám đốc công ty đến làm việc nhưng ông Dương không chấp hành, chỉ hứa hẹn qua điện thoại.

“Công ty Hoàng Gia Phát không thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, cập nhật diễn biến rừng, không xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cũng như lập thủ tục thuê rừng. Giám đốc Công ty luôn tránh mặt, không làm việc với các đoàn kiểm tra của huyện Ea Súp, của xã Ia J’lơi. Các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, giấy mời họp đều không được giám đốc công ty phản hồi, có khi cho bảo vệ đi họp theo giấy mời của UBND huyện”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Súp nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Như Hoàng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Súp, sau khi phát hiện gần 400ha rừng bị suy giảm tại dự án của Hoàng Gia Phát, đơn vị đã có các văn bản yêu cầu công ty giải trình, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong việc để suy giảm rừng, đồng thời báo cáo về UBND huyện để đề xuất phương án giải quyết.

Phản hồi về vấn đề này, ông Võ Hoàng Đại Dương, Giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát chỉ nói ngắn gọn rằng "có những cuộc họp quan trọng như họp quý, họp 6 tháng hoặc tập huấn, doanh nghiệp đều cử Phó giám đốc hoặc đội trưởng quản lý tham gia" rồi cáo bận.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng; CafeF; Hà Nội Mới; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang