Dành cho người Việt ở nước ngoài: Cẩm nang Tết

Tết Tết Tết Tết đến rồi / Tết Tết Tết Tết đến rồi... / Tết đến trong tim mọi người / Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi / Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi / Đàn em thơ khoe áo mới... / Mừng ngày Tết ta chúc cho nhau / Một năm thêm sung túc an vui / Người nông dân thêm lúa thóc /

Người thương gia mau phát tài...

Mục lục

I- Năm mới với Ông Thần Tài

1.1- Xuất xứ

1.2- Quy cách thờ phụng Thần Tài

1.3- Mua bán Thần Tài?

1.4- Ăn cắp Thần Tài!

II- Bàn thờ thần phật, gia tiên

2.1- Sắp đặt bàn thờ theo quan niệm phong thủy

2.2- Những điều cấm kị khi đặt bàn thờ

2.3- Ngai thờ

2.4- Khám thờ

2.5- Tủ thờ

III- Phong tục Tết

3.1- Trang hoàng bàn thờ

3.2- Mâm Ngũ quả

3.3- Hoa Tết

3.4- Cây quất

3.5- Cỗ Tết

3.6- Cúng Ông Táo

3.7- Cúng Tất niên

3.8- Văn khấn Tất niên (mẫu)

3.9- Lễ trừ tịch

3.10- Văn khấn giao thừa (mẫu)

3.11- Mồng Một Tết và tục xông đất

3.12- Cách chọn tuổi xông đất

3.13- Văn khấn tổ tiên ngày mồng Một Tết

3.14- Mồng Hai Tết

3.15- Xuất hành đầu năm

3.16- Ngày nguyệt kỵ

3.17- Hái lộc

3.18- Mừng tuổi

3.19- Lễ hóa vàng

3.20- Văn khấn Lễ Hoá Vàng

3.21- Khai hạ

3.22- Đi lễ chùa, xin xăm, thẻ

IV-Những kiêng kỵ ngày Tết cần biết

4.1- Tắm rửa, gội đầu

4.2- Giặt giũ vào mồng một Tết

4.3-Nói tục, chửi bậy, gây bất hòa

4.4- Dùng vật nhọn, sắc

4.5- Chén bát, chậu cây, bình hoa, nồi xoong, tranh ảnh

4.6- Ăn dở, bỏ thừa

4.7- Đồng phục trắng, đen

4.9- Quét nhà ngày mồng Một

4.10- Đổ rác

4.11- Cho lửa

4.12- Cho nước

4.13- Đi chúc Tết ngày mồng Một

4.14- Vay, nợ

4.15- Nợ cũ

4.16- Tang tóc ngày mồng Một Tết

4.17- Nói điều xui

4.18- Món xui

4.19- Đồ xui

Dr. Nguyễn Sỹ Phương

I- Năm mới với Ông Thần Tài

1.1- Xuất xứ

Ông Thần Tài vốn được lưu truyền trong dân gian Trung Hoa và Việt Nam. Ngày xưa có một người lái buôn tên là: Âu Minh. Anh này thường mang các mặt hàng đi đây, đó, rao bán, đổi chác kiếm tiền độ nhật. Một hôm, Âu Minh đến một cái hồ rộng lớn, thì bỗng gió nổi lên. Một vị Thần xuất hiện ngay trên mặt nước, ra lệnh cho Âu Minh đến bên hồ, dang cánh tay trao cho một đưá bé kháu khỉnh mà bảo rằng: Ngươi là người lo làm ăn, buôn bán thật thà, có đạo đức, chuyên cần, nghèo mà hay giúp người. Ta cho ngươi đứa bé này tên là Như Nguyện. Có nó, ngươi sẽ được nhiều lợi trong mua bán, đổi chác. Vậy ngươi nên bảo trọng nó. Nói xong vị Thần biến mất. Âu Minh đem đứa bé về nuôi. Từ đó Âu Minh làm ăn phát đạt, dân quanh vùng cũng được lây giàu sang. Một hôm Như Nguyện làm cho Âu Minh nổi giận. Không nén được cơn bực tức, Âu Minh dùng roi đuổi đánh, khiến Như Nguyện sợ qúa, bỏ trốn vào đống rác và biến mất luôn sau đó.

Từ ngày Như Nguyện biến đi, Âu Minh trở nên sa sút, làm ăn buôn bán không còn phát đạt như xưa. Nhiều người biết chuyện lạ, bàn tán xôn xao. Các Bô lão trong vùng cho rằng Như Nguyện là một vị Thần, đã mang lại tốt lành may mắn cho Âu Minh mà anh ta không biết lo chăm sóc vun bồi. Từ đó người trong vùng lập bàn thờ vị Thần đem phúc lợi cho họ và đặt tên là Thần Tài. Cũng bởi Âu Minh nổi giận đánh đuổi Như Nguyện trốn mất tiêu vào đống rác, nên về sau, trong 3 ngày Tết, người ta thường kiêng cữ tránh hốt, đổ rác, vì sợ sẽ đổ luôn Thần Tài đang trốn trong đó. Một Thầy bói trên 80 tuổi nổi tiếng ở Hồng Kông cho rằng: chuyện Như Nguyện trốn vào đống rác và biến mất có một triết lý rất sâu xa. Bởi, trước khi từ biệt Âu Minh, Như Nguyện thường nhắc nhở mọi người rằng, trong đống rác cũng có nhiều thứ sinh lợi. Ngày nay, thế giới có biết bao nhà thầu trúng mánh từ các đống rác khổng lồ, phải chăng là điều từ lâu Như Nguyện từng ngầm bảo, nhưng hiếm người nghĩ đến...

1.2- Quy cách thờ phụng Thần Tài

Không thờ Thần Tài ở trên cao, chỉ nên đặt thờ Thần Tài dưới đất. Vì Thần Tài là vị Thần bình dân, hơn nữa theo thuyết âm dương ngũ hành thì Thần Tài dựa Thổ (Đất) để Thổ sinh Kim (Kim là tiền, vàng bạc, châu báu...). Muốn biết ý nghĩa thâm sâu trên, chỉ cần đọc hiểu hai dòng chữ Hán bằng nhũ vàng, người xưa viết dọc theo tờ giấy đỏ, dán vào hai bên bài vị thờ Thần tài: Thổ năng sinh bạch ngọc, địa khả xuất hoàn Kim (đất đai sinh ngọc trắng vàng rồng). Thần Tài thường được gia chủ để ngồi trên ván đặt lên nền nhà. Nay văn minh hơn, ván được thay bằng khảm (tang thờ) làm từ gỗ, sơn son thếp vàng, trông trang nghiêm hơn. Người ta cho rằng, trang trí cầu kỳ quá, Ông Thần Tài sẽ không hài lòng, vì Ông vốn khoáng đạt bình dân. Mỗi khi an vị nơi cơ sở làm ăn buôn bán, Ông thường quan sát khắp nhà và hết lòng giúp đỡ. Vì thế không nên che chắn nhiều mặt làm mất tầm nhìn của Thần tài. Đồ thờ tự kèm theo, nên có một bộ đèn, lư hương, bằng điện, thường được các tiệm á đông bán theo với khảm. Phía sau Thần tài, muốn trang trí bài vị thì nên viết hai câu: Ngũ phương, Ngũ Thổ, Long Thần - Tiền Hậu, Địa Chủ, Tài Thần. Trên khảm, một bình hoa nhỏ, một đĩa bánh trái, một điã hai ly nước trà, để cạnh đĩa hai ly rượu. Theo người xưa, Thần Tài trẻ tuổi, dễ tính, ham vui, thích đồ ngọt, thịt mỡ, heo luộc rắc chút muối. Không nên thờ cúng Thần Tài bằng hoa quả nhựa. Khi vái cúng, nếu dâng thịt heo luộc, thì nói: mời Thần Tài láng miệng, dâng bánh kẹo thì nói: ngọt miệng; thuốc men thì nói: thơm miệng ... Thần Tài sẽ gia tăng năng lực lôi cuốn khách hàng cho thân chủ. Cần đặc biệt lưu ý, bất cứ cúng gì, chuối chẳng hạn thì phải lột ra, thân chủ cắn trước một chút. Thuốc thắp lên thân chủ hút trước một hơi, bánh, thịt ... thân chủ phải ăn trước mặt Thần Tài, sau đó mới cúng. Bời Thần Tài vốn là trẻ con hay vòi vĩnh, giận lẩy, nghi ngờ, sợ kẻ xấu hại mình, bỏ độc vào thức ăn, đồ uống. Gia chủ nếm trước cho Ngài chứng giám, thì Ngài mới hưởng. Nhiều người Thờ Thần Tài lâu nhưng không biết điều trên. Ngoài ra phải luôn có tách hay chai nước lọc đặt trên bàn thờ Thần tài.

Khi tiệm có trở ngại gì, thì nên xem xét chỗ thờ Thần Tài, nước khô, bụi bám, nhện giăng, hay đồ ăn có mùi, lên mốc. Bàn thờ phải luôn dọn sạch sẽ, hướng mặt về phía cửa chính, đối diện lối khách ra vào nhiều nhất, để Thần Tài dễ dàng mời chào. Có người sợ bị chê cười mê tín dị đoan, Thờ Thần Tài vào nơi khuất để che dấu. Không Thần Tài nào chịu chung sống và hỗ trợ những gia chủ bán tin bán nghi Thần Tài cả.

1.3- Mua bán Thần Tài?

Khác Ông Địa, miệng cười hết cỡ, bụng phệ, ngồi thế bình chân, tay hay cầm quạt, Thần Tài trang nghiêm hơn, phần lớn đều đứng, miệng cười dễ thương, hai tay nắm hai xâu tiền, hay nâng khối vàng ròng trên đầu. Người xưa, ngày khai trương được tặng tượng Thần Tài thì thật may mắn, như tự nhiên trời cho của vậy. Tuy nhiên, it người đi mừng tiệm khai trương bằng cách đó, bởi họ không muốn đem may mắn của mình cho người khác. Năm 1969, có một nhà giàu khai trương cửa hàng tại chợ Bến Thành, khách khứa đến đông, nhiều người đem cả Thần Tài cỡ bự đến dâng tặng ông nhà giàu thế lực. Lần đó, ông nhận được tới 126 Ông Thần Tài đủ loại, có Ông đứng bạnh chân, vạch áo phô trương cái bụng bự, có Ông cười híp đôi mắt, đến không còn thấy gì nữa, có Ông lại đưa hai tay lên trời, có Ông nắm hai đồng tiền, có Ông đội mũ cánh chuồn, ăn vận như quan viên, có ông rất sexy.... Nhưng lạ thay, chỉ bảy tháng sau gia chủ đã phải dẹp tiệm, mời nhà bói toán tới xem. Ông phán, tai hại phát sinh do hơn trăm ông Thần tài bốn phương tám hướng qui nạp. Mỗi Ông mỗi ý, chỉ lo cãi nhau, còn đâu thời gian mà mời chào khách cho gia chủ. Thậm chí, có khách còn vác cả một Ông Thần Tài to lớn đến tặng, rất đẹp nhưng lại hở mặt sau, không đắp phần lưng, phía trong Tượng có viết lời chúc mừng cơ sở làm ăn được phát đạt. Lời chúc viết bằng chữ Hán mà ý nghĩa rất thâm sâu không thể hiểu hết. Khi cơ sở làm ăn chuẩn bị dẹp tiệm thì một thầy Tàu vào mua mấy bộ bàn ghế, thấy tượng Thần Tài khác lạ, tò mò xem, đọc đến câu chữ Hán, giật thót người phán: Đây là một lời chú trù yểm tinh quái. Phần lưng bức tượng bị mất trông hệt như bị ai đó chém dọc từ đầu đến chân. Thầy bảo lấy xi măng đắp mặt sau, cạo sạch câu chú, rồi đem chôn, sẽ vượng lại. Gia chủ y lời. Năm 1976, lời thầy linh nghiệm thật, khi gia chủ xuất ngoại buôn bán tại Canađa.

Có một điều, xưa nay nhiều người ít để ý dưới đáy tượng Thần Tài thường có một cái lỗ. Có giả thuyết cho rằng, người chế tạo Thần Tài làm vậy để tránh cho mình khỏi bị mất luôn may mắn. Chính ông thầy „Đại Tổ Sư“ nghĩ ra mẹo đục lỗ đó. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, chính ông Đại Tổ sư lại mách cho người mua, yểm bất lợi đó bằng cách bỏ vào trong lỗ vài đồng tiền, hoặc bạc giấy, lấy giấy đỏ bịt lại.

1.4- Ăn cắp Thần Tài!

Người Tàu và người Việt thường cho rằng, tự nhiên gặp người mang Thần Tài đến bán, biếu, là điều may mắn. Từ đó xảy ra nạn trộm cắp Thần Tài. Ở Sài Gòn Chợ Lớn, có lần các cửa tiệm đồng loạt mất tượng Thần Tài trong một ngày. Thần Tài trộm được, đem đến Quận Nhất, hay lục tỉnh, Cần Thơ, Mỹ Tho, bán được giá giá cao, người ta đua nhau mua. Nhiều cửa tiệm mất tượng Thần Tài đến mấy lần trong tháng, nhất khi Thần Tài đặt gần lối ra vào. Có người mất tượng Thần Tài lại đi đánh cắp tượng Thần tài tiệm khác để bù trừ may rủi, từng xảy ra ở Qui Nhơn và Cần Thơ trước kia, phải viện đến cả toà thời đó.

II- Bàn thờ thần phật, gia tiên

Thần phật được thờ trong nhà giống như khách quý, nên người ta thường đặt bàn thờ thần phật ở sảnh giữa nhà, áp lưng vào tường vững chắc hoặc để chung với bàn thờ gia tiên. Cho dù đặt riêng hay đặt chung với bàn thờ gia tiên thì cũng đều có những nguyên tắc cần tuân thủ: Gia tiên là chủ nhân, thần minh là khách quý, có thể chấp nhận có chủ nhân nhưng không có khách, không được có khách mà không có chủ. Nếu vừa có chủ vừa có khách cùng chung một bàn thờ là lý tưởng nhất.

Nhưng cũng không phải tùy tiện thích đặt thế nào thì đặt. Người xưa cho rằng chỉ cần nhìn vào nơi thờ cúng của gia đình là có thể biết gia chủ có tâm hay không. Cái tâm ở đây không phải đo bằng mâm cao cỗ đầy, vàng mã bao nhiêu, mà ở vị trí đặt bàn thờ, cách sắp xếp bàn thờ ra sao cho phù hợp, trang nghiêm và sạch sẽ.

2.1- Sắp đặt bàn thờ theo quan niệm phong thủy

Quan niệm phong thủy cho rằng bàn thờ là nơi linh khí quy tụ, là chỗ để người trên dương thế liên hệ với người dưới âm, người chết thì thành thần, thần lại là trung gian giữa trời với người. Từ đó có thể thấy, khí trường của bàn thờ ảnh hưởng rất lớn đến người trong nhà. Bàn thờ sắp đặt đúng cách không chỉ giúp người đã khuất được an định mà còn ở lại coi sóc phù hộ gia nhân. Nên bàn thờ cũng có những quy tắc nhất định.

Bàn thờ nên quay ra cửa chính, hoặc quay ngang vuông góc với hướng nhà, không nên đặt ngược với hướng nhà có thể gây âm dương tương phản, dễ gây bất trắc, nô bộc phản chủ, con cái bất thuận, tài vận, gia quy bị ảnh hưởng. Nếu nhà có 1 tầng thì bàn thờ gia tiên nên đặt ở gian chính giữa, quay ra cửa lớn để khi mở cửa vào đã nhìn thấy gia tiên, tiện bề chăm sóc. Nhà có nhiều tầng thì phòng thờ phải được đặt ở tầng cao nhất. Bên trên bàn thờ không được có xà đè (nếu không phải làm trần giả để che), không có bể nước. Không được để máy móc thiết bị như điều hòa, hút mùi, loa đài...

Không thờ cùng lúc quá nhiều thần phật, hoặc thờ cùng lúc hai thần xung khắc nhau có thể gây loạn linh khí khiến người trong nhà tinh thần bất an, dễ gặp tai họa. Nếu tượng thần phật bị nứt thì nên nhanh chóng thay mới tránh tà khí có thể xâm nhập.

Bàn thờ chung thần phật và bài vị tổ tiên thì thần phật đặt ở bên trái, tổ tiên đặt ở bên phải, nếu đặt ngược lại sẽ gây âm thịnh, dương suy không tốt cho phong thủy, dễ gặp thị phi kiện tụng, bệnh tật không dứt. Thông thường người ta đặt thờ thần phật ở giữa, tổ tiên ở bên phải, bà cô ông mãnh ở bên trái (nếu đứng ở ngoài nhìn vào bàn thờ). Bài vị tổ tiên cũng không được đặt cao hơn thần phật. Bàn thờ phải có chỗ dựa lưng, tức kê sát vách tường để linh khí được hội tụ không bị tản mát, bức tường để bàn thờ dựa vào phải là bức tường vững chắc, sạch sẽ, không được dựa vào tường nhà vệ sinh.

Bát hương thờ tổ tiên và thổ công nên bằng sứ, bát hương thờ phật, thánh, có thể bằng sứ hoặc bằng đồng, không nên dùng đá hoa cương.

Bóng đèn phía trước không nên xung với bàn thờ, không nên dùng đèn chiếu. Số lượng thờ thần phật nhiều nhất là 3, quá nhiều dễ bất an. Bát hương thờ thần phật nên cao hơn bát hương thờ tổ tiên, khi cắm hương thì nén hương nên cao hơn mắt người. Khi đốt hương chỉ nên đốt một nén, những ngày giỗ, ngày tết hoặc khi có điều cần khấn nguyện, thì đốt ba nén, năm nén. Không nên đốt nhiều hơn dễ khiến tà linh theo vào nhà.

Vật phẩm thờ cúng cũng cần chú ý một số điểm sau: thờ phật và Quan Âm chỉ được dùng đồ chay do nhà phật không ăn đồ tanh; thờ thần chủ yếu dùng hoa quả và phải là số lẻ 1, 3, 5, nếu cúng tổ tiên thì số lượng là hai chữ số.

2.2- Những điều cấm kị khi đặt bàn thờ

Không được dựa vào trụ nhà, không có cửa sổ bên cạnh (do không thể tụ được khí). Bàn thờ cũng không được áp lưng vào nhà bếp vì có thể khiến chủ nhân dễ bị kích động, tính tình thất thường, nóng nảy, có bệnh về cột sống. Phía sau bàn thờ đặc biệt không được có nhà vệ sinh, nhà tắm do có âm khí và xú khí nặng, dễ khiến „chư thần thoái vị“, chủ nhà dễ bị trúng phong, gặp ác mộng, đau lưng. Sau bàn thờ cũng không được có thang máy, nếu không chủ nhân dễ bị tán tài, thương tật ở lưng. Bàn thờ không được đối diện với lò, bếp, nhà vệ sinh, kể cả hướng lệch sang bên cũng không tốt. Nếu không còn vị trí nào khác để đặt bàn thờ thì nên lấy bình phong che lại. Phòng thờ không nên đặt ở nền đất vốn trước đây là nhà bếp, nhà vệ sinh do chất đất không tốt. Trên bàn thờ kị đặt các vật linh tinh, dao kéo, thuốc men, không được dùng tủ thờ làm nơi cất giữ đồ đạc hoặc bể cá, vô tuyến, loa đài. Vật liệu làm bàn thờ nên sử dụng gỗ long não, đàn hương, lõi mít và nên điêu khắc thủ công là tốt nhất, do các loại gỗ này tránh mối mọt, có thể sử dụng từ đời này sang đời khác.

Trên bàn thờ không nên đặt chậu cây cảnh mà chủ yếu dùng hoa tươi để thờ phụng, không nên dùng hoa nhựa. Thường xuyên vệ sinh khu vực xung quanh, nên thắp hương vào sáng và tối. Người xưa quan niệm, nếu khói hương bay thẳng lên là tốt, nếu cuốn thành vòng tròn hoặc tản mát là có „ngoại linh đang tranh cướp“. Nếu bát hương bàn tự nhiên bốc cháy là may mắn. Nếu bàn thờ của nhà có thờ cả họ nội và họ ngoại thì họ nội đặt bên trái, họ ngoại đặt bên phải (theo hướng của bàn thờ là bên trong nhìn ra), nhưng phải dùng vạch sơn màu đỏ phân chia rõ ràng hoặc dùng tấm vách ngăn sơn đỏ để tránh tranh chấp nhau.

Bàn thờ không nên treo trên không, không có chỗ tựa lưng, hoặc trên đường đi, vì người xưa cho rằng bàn thờ là nơi cần được hội tụ linh khí, khí trường sung mãn sẽ giúp toàn gia an lành hạnh phúc. Nếu bàn thờ treo trên không, không có chỗ dựa lưng hoặc ở nơi đi lại dễ khiến người trong nhà bất an, gia vận trồi sụt khó đoán.

Bàn thờ không được xung với đường đi: Bàn thờ bị đường đi đâm thẳng vào dễ gây bất an tổn hại đến cung tài lộc, nhân đinh của gia đình, dễ gây tai nạn bất ngờ hoặc bệnh tật đột ngột.

Nếu bàn thờ đối diện với nhà bếp dễ khiến người trong nhà hay tranh cãi những việc nhỏ nhặt, tính tình nóng nảy. Nếu phía trên bàn thờ có xà nhà có thể khiến chủ nhân dễ bị đau đầu, cuộc sống vất vả. Nếu đặt đối diện với cầu thang, chủ nhân dễ bị động dao kéo, tai nạn đổ máu. Nếu đặt dưới cầu thang thì người trong nhà khó có cơ hội phát triển. Nếu đặt trên nền đất lồi lõm không bằng phẳng có thể khiến chủ nhân gặp khó khăn trong mọi việc. Nếu ngay phía trên, dưới, trái, phải bàn thờ có cửa sổ thì chủ nhân dễ bị tán tài.

Ngày Tết là thời điểm quan trọng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, mọi người đều dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết và cũng không được phép quên trang hoàng nơi thờ cúng. Công việc này thông thường bắt đầu từ ngày 23/12 âm lịch, thời điểm tiễn táo quân lên thiên đình bẩm báo công việc ở hạ giới trong năm theo phong tục Việt Nam.

2.3- Ngai thờ

Ngai thờ cao ngang ngực đặt trước khám thờ cao ngang mặt, trên ngai thờ đặt ngũ sự hoặc thất sự. Ngũ sự gồm bát hương để ở giữa, hai chân đèn đặt hai bên, phía sau là độc bình cắm hoa đặt sau chân đèn bên trái và khay quả đặt sau chân đèn bên phải. Thất sự gồm ngũ sự cộng thêm đỉnh hương và đèn thái cực, cách bày biện có khác chút ít là đỉnh hương nằm giữa ngang chân đèn, bát hương đặt trước đỉnh hương và đèn thái cực đặt sau đỉnh hương .

2.4- Khám thờ

Có cửa mở ra đóng lại bên trong đặt các linh vị tổ tiên, ngay chính giữa khám thờ viết hai chữ thần chủ ( 神主 ). Ngày xưa khi lập bàn thờ bia Tiên, gia chủ chuẩn bị mọi thứ như trên và viết chữ thần chủ, nhưng chữ chủ thiếu một nét chấm, sau đó mời một vị quan có uy tín đến dùng son điền thêm nét chấm đó thì chữ chủ mới đủ, lễ nầy gọi là khai hoa điểm nhãn.

2.5- Tủ thờ

Ngày nay phần lớn không lập bàn thờ nữa, tất cả ngai thờ và khám thờ được thay thế bằng tủ thờ, tủ thờ có độ cao ngang mặt đặt sát vách phía trên bày biện đồ thờ tự, phía dưới trong tủ chứa các vật dụng liên quan rất tiện dụng. Nếu nhà trệt ít phòng thì đặt tủ thờ ngay phòng khách đối diện cửa ra vào, nếu có phòng thờ riêng thì bố trí cạnh phòng khách, đối diện tủ thờ phải có cửa sổ để lấy dương khí. Còn với nhà lầu thì đặt trên tầng cao nhất, đối diện tủ thờ củng phải có cửa. Trên tủ thờ bày biện ngũ sự hoặc thất sự, sát vách đặt một ngai cao có bài vị Cửu Huyền Thất tổ , hai bên ngai đặt Di ảnh của người thân.

Ai ra ở riêng vẫn lập được tủ thờ như vậy. Nếu có trách nhiệm làm giỗ cho người nào thì đặt di ảnh người đó, còn không thì thôi. Thờ như vậy là tưởng nhớ tổ tiên chứ không phải là thờ vọng đâu. Trong bát hương chỉ có cát trắng khô sạch thôi chứ chẳng có gì thêm, nhằm nhắc nhở thân người là cát bụi, mọi chuyện chỉ là vô thường. Ngày 23 tháng chạp sau khi đưa ông Táo thì gỡ các chân hương đem ra sân đốt bỏ. Tiếp đó dọn dẹp vệ sinh lại tủ thờ đến trưa ngày 30 tháng chạp mới cúng rước ông bà và bắt đầu cắm hương lại. Điều cần lưu tâm là nếu bày biện thất sự thì ngọn đèn thái cực luôn sáng không để tắt và đừng bao giờ lấy chân hương để...xỉa răng .

III- Phong tục Tết

3.1- Trang hoàng bàn thờ

Phần quan trọng nhất là bàn thờ tổ tiên, do đây là được coi là nơi linh thiêng, ngày thường không được tùy ý động chạm di chuyển mà chỉ lau chùi sạch sẽ. Người xưa cho rằng, nếu xê dịch sẽ làm kinh động, thần không được an vị thì sẽ không ở lại lâu, không chăm sóc cho nhà mình được. Ngày nay do thời gian có hạn hoặc một số kiêng kị không được lưu truyền trong dân gian nên không còn nhiều người biết cách dọn bàn thờ theo như phong tục cổ nhân.

Trước khi dọn bàn thờ, người xưa thường phải tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên, sau đó thắp một nén hương thông báo cho tổ tiên và thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn bàn thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc. Sau đó, gia chủ chuẩn bị một chiếc bàn bên trên trải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị. Nếu bàn thờ có đặt chung bài vị gia tiên với các thần thì phải để ra hai chỗ khác nhau, không được lẫn lộn. Đợi sau khi hương cháy hết rồi mới bắt đầu công việc.

Khi lau rửa bài vị gia tiên phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh. Khi làm vệ sinh, nếu có bài vị của thần phật thì lau trước, sau đó đổ nước mới để lau bài vị của gia tiên, tuyệt đối không lau bài vị của gia tiên trước. Người xưa quan niệm như vậy là bất kính, mạo phạm với thần phật, thần phật có ngôi vị cao hơn nên dễ khiến tổ tiên bị chèn ép.

Sau khi lau bài vị xong mới đến phần dọn bát hương, công việc này cũng rất quan trọng, một tay giữ bát hương, một tay rút chân hương, (nhớ nhặt chọn lại mỗi bát hương từ 3 đến 5 chân hương cũ để sau cắm lại vào bát hương khi đã làm vệ sinh xong). Người xưa thường dùng thìa nhỏ xúc từng thìa tro đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương đặt sang một bên. Không nên bê cả bát hương đổ hết tro ra một lượt vì làm như vậy là bị „tán tài“.

Khi bát hương khô ráo, nếu là bát hương thờ thần phật thì dùng bảy tờ tiền vàng, bát hương của tổ tiên thì dùng ba tờ tiền vàng đốt hơ quanh, cháy một nửa thì bỏ vào trong, đợi tiền vàng cháy hết thì đổ tro vào một lần, như vậy gọi là „ra nhỏ vào lớn“, ý là „tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như thác đổ“, nếu lúc đầu đổ ra hết sau đó múc từng ít một vào thì gọi là „vào nhỏ, ra lớn“, tức „tiền ra thì nhiều, tiền vào thì ít“.

Ngày nay có nhiều người đem tro bát hương cũ đổ ra sông, thay vào bát hương tro mới, nhưng người xưa thì dùng chiếc rổ mắt nhỏ để lọc tro cũ, lọc xong lại đổ vào bát hương chứ không đổ đi. Việc lọc tro cũng phải bắt đầu từ bát hương thờ thần phật.

Sau khi lau rửa sạch sẽ, đem bài vị thần phật và tổ tiên đặt lại chỗ cũ và công đoạn này cũng rất phức tạp. Trước hết phải chuẩn bị một chiếc lò nhỏ trong có đốt than hoa, đặt dưới bàn thờ khoảng 15 phút, sau đó đốt bảy tờ tiền vàng làm dấu hơ ở bốn hướng trên dưới trái phải, ý là dùng lửa để khai quang, làm sạch, tiền vàng chưa cháy hết thì bỏ vào lò than hoa.

Đốt tiếp bảy tờ tiền vàng làm sạch vị trí muốn đặt tượng, bài vị thần phật và bát hương, sau đó mới đặt các đồ vật vào vị trí cố định. Sau khi đặt xong, đốt 12 que hương cắm theo thứ tự hướng thời gian. Que thứ nhất cắm ở vị trí 1h, khi cắm thì đọc „niên niên thị hảo niên“, tức mỗi năm đều là năm tốt. Que thứ hai cắm ở vị trí 2h, khi cắm đọc „nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt“, tức mỗi tháng đều là tháng tốt. Que thứ ba cắm ở vị trí 3h, khi cắm đọc „nhật nhật thị hảo nhật“, tức mỗi ngày đều là ngày tốt. Que thứ tư cắm ở vị trí 4h, khi cắm đọc „thời thời vị hảo thời“, tức mỗi giờ đều là giờ tốt. Cứ tuần tự như vậy cho đến thời điểm vị trí 12h. Các vị trí bài vị, bát hương của tổ tiên và bà tổ cô cũng làm như vậy.

3.2- Mâm Ngũ quả

Đó là 5 loại quả, tức ngũ hành ứng với số mệnh con người. Ở miền Bắc thường chọn chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, hoặc chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Còn miền Nam: dừa, đu đủ, mãng cầu xiêm, xoài, sung, với ngụ ý „cầu sung vừa đủ xài“.

3.3- Hoa Tết

Đặc trưng ở miền Bắc thường chọn đào, cắm cành trên bàn thờ hoặc cây trang trí trong nhà. Đào mang mầu đỏ thắm chứa đựng sinh khí mạnh, có thể trừ khử ma tà, xấu xa, tự nó đã mang nghiã chúc phúc đầu xuân. Hoa Tết ở miền Nam là mai vàng. Màu vàng thuộc hành Thổ nằm ở vị trí trung tâm, nên được coi tượng trưng cho nòi giống, quyền lực vua chuá cao sang vinh hiển.

3.4- Cây quất

Tết đến, tại phòng khách thường được trang trí cây quất vốn nhiều kiểu dáng cầu kỳ, lá xum xuê, xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

3.5- Cỗ Tết

Thuộc về văn hoá ẩm thực cổ truyền, mang đặc trưng dân tộc, sắc thái từng điạ phương, cỗ Tết thường có 4 món chính: nem, giò, ninh, mọc. Thực đơn miền Bắc gồm 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng. Bốn bát gồm một bát chân giò lợn hầm măng, một bát bóng thả, một bát miến và một bát mọc nấu thả. Bốn đĩa gồm một đĩa thịt gà, một đĩa thịt lợn, một đĩa giò lụa, một đĩa chả quế. Ngoài ra, mâm cỗ Tết đầy đủ không thể thiếu bánh chưng, xôi gấc và đĩa dưa hành.

3.6- Cúng Ông Táo

Người xưa cho rằng, ngày Tết hết sức quan trọng quyết định vận thế, sự nghiệp và tài lộc cho cả năm tới. Táo quân cai quản khói lửa dưới hạ giới, lại thường ở trong bếp nên biết hết chuyện hay dở của gia đình trong cả năm. Sau khi nghe thông báo xong, Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào đó để định đoạt, có thể khen thưởng hoặc quở phạt.

Vì vậy, vào ngày 23 tháng Chạp, trước khi Táo quân lên thiên đình người ta bày lễ cúng để Táo quân “nói tốt“ cho nhà mình. Bà con ở các tỉnh phía Nam thường để bàn thờ, bài vị Táo công treo trên tường nhà bếp. Thần vị làm bằng giấy vẽ hình táo quân và một bát hương, cúng vào buổi sáng và buổi tối. Còn các tỉnh phía Bắc thì coi Thổ công là đệ nhất gia, nên thường để bát hương thờ Thổ công ở vị trí trang trọng nhất trên bàn thờ gia tiên. Đồ cúng Táo quân thông thường là các loại kẹo bánh có vị ngọt, hi vọng thần ăn đồ ngọt sẽ không bẩm báo những chuyện nhỏ nhặt với Ngọc Hoàng. Khi cúng tiễn Thần Bếp, thường phải tắm rửa sạch sẽ, dùng muối, hoa, tinh dầu, lá bưởi hoặc các loại lá thơm làm nước tắm, sau khi tắm xong thay quần áo sạch sẽ rồi mới cúng.

Sau khi tiễn Táo quân xong mới bắt đầu quét dọn, tục gọi là „quét tàn tinh“ nhưng nếu năm đó nhà có tang ma thì không được quét, kiêng khói bụi bay vào mắt người chết. Việc quét dọn, kê lại đồ đạc trong nhà thường được thực hiện sau khi tiễn ông táo, do lúc này các thần đã về trời bẩm báo công việc, chỉ còn một số thần nhỏ ở lại „trực“ để duy trì trật tự, nếu có xê dịch làm đảo lộn đồ đạc thì cũng không mạo phạm đến thần.

Sau quét dọn mới đến phần „lau rửa“, ngoài ý nghĩa làm vệ sinh môi trường xung quanh, lau chùi rửa sạch đồ đạc trong gia đình còn có ý nghĩa quan trọng hơn đó là sự thanh tịnh trong thâm tâm, phản tỉnh những sai lầm trong cả năm. Người xưa cho rằng nếu chỉ chăm chút bề ngoài mà không coi trọng sự thay đổi hướng thiện trong tâm hồn thì hiệu quả trừ bỏ những cái xấu của năm cũ có làm cũng như không.

Đặc biệt đối với những người trong năm gặp nhiều sự cố phát sinh khiến công việc và cuộc sống không được như ý, do gặp đen đủi, muốn tìm cách để thay đổi tương lai, hy vọng năm mới tốt đẹp hơn, sẽ nhân cơ hội này phản tỉnh, tổng kết sai lầm trong cả năm, rút kinh nghiệm cho năm mới thuận lợi hơn.

3.7- Cúng Tất niên

Diễn ra vào buổi tối ngày 30 (năm đủ) hoặc 29 (năm thiếu) tháng Chạp.

3.8- Văn khấn Tất niên (mẫu)

Nam mô a di đà phật! Trước án tọa kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết cận kề, minh niên sắp tới. Nay ngày 30 tết, chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật, hương hoa, sửa lễ tất niên, dâng cúng Tôn Thần, phụng hiến Tổ tiên truy niệm chư linh. Theo thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị Tôn Thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền chủ, hậu chủ, hương linh giáng lâm án tọa, phủ tùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho toàn gia lớn, bé, trẻ, già bình an, thịnh vượng. Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám. Tín chủ chúng con là ............. hợp toàn gia quyến thành tâm cẩn cáo.

3.9- Lễ trừ tịch

Tức lễ „khu trừ ma quỷ“, cử hành lúc giao thừa, trong khoảng thời gian 1 giờ năm cũ tới 1 giờ năm mới, tức 23 giờ đến 1 giờ đêm, nên còn mang tên lễ Giao thừa, để bỏ hết điều xấu năm cũ đón điều tốt năm mới. Lễ cúng gồm 2 mâm, xôi với gà trống hoặc chân giò lợn luộc. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ và một mâm cúng thiên địa trước nhà. Một số nơi lấy con hổ làm vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi.

3.10- Văn khấn giao thừa (mẫu)

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô Đương Lai Giáo Chủ Di Lặc Tôn Phật. Kính lạy Đức đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật, Hoàng Thiên hậu Thổ chư vị tôn Thần, ngài Cựu niên đương cai Hành Khiển, ngài đương niên Thiên Quan; ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị đại Vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài định Phúc Táo quân, ngài Địa Chúa Long mạch Tôn Thần và tất cả các Thần linh cai quản trong khu vực.

Nay là giờ phút Giao thừa năm.... Chúng con là... Ngụ tại...

Phút thiêng Giao thừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới. Tam dương khai thái, vạn

tượng canh tân. Nay Ngài Thái tuế chí đức tôn Thần trên vâng lệnh Thượng Đế giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về Triều để khuyết, lưu Phúc, lưu Ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban Tài tiếp Lộc. Nhân buổi tân Xuân, chúng con thành tâm sửa biện hương hoa vật phẩm, nghi lễ cúng trần, dâng lên trước Án. Cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm hương dốc lòng bái thỉnh. Chúng con kính mời: ngài Cựu niên đương cai, ngài Tân niên đương niên Thái Tuế chí đức tôn thần, ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị đại Vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Long mạch tài Thần, các Bản Gia Táo Quân và tất cả chư vị Thần linh cai quản trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước Án, thụ hưởng lễ vật. Nguyện cho chúng con: Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Độ cho chúng con mọi duyên thuận lợi, công việc hanh thông. Người người bình an, tháng ngày hưởng phần lợi lộc. Âm phù - Dương trợ, sở nguyện tòng tâm. Nam tử thanh cao, nữ nhi đoan chính, học hành tinh tiến, thương mại hanh thông, giúp đỡ mọi người cùng làm việc phúc. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết điềm lành tiếp ứng. Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám. Cẩn cáo. Nam mô a di Đà Phật (3 lần).

3.11- Mồng Một Tết và tục xông đất

Ngày này nếu mọi việc suôn sẻ, may mắn, thì cả năm sẽ được hưởng phúc lành, hanh thông, lợi lộc. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ ai bước từ ngoài vào nhà đều được coi là đã xông đất cho gia chủ. Người xông đất chỉ dành 5 đến 10 phút chúc tết gia chủ sức khỏe an khang thịnh vượng.

3.12- Cách chọn tuổi xông đất

Tuổi Giáp hợp với Kỷ, kỵ với Canh - Mậu. Ất hợp Canh, kỵ Tân - Kỷ. Bính hợp Tân kỵ Nhâm - Canh. Đinh hợp Nhâm kỵ Quý - Tân. Mậu hợp Quý, kỵ Giáp - Nhâm. Kỷ hợp Giáp, kỵ Ất - Quý. Canh hợp Ất kỵ Bính - Giáp. Tân hợp Bính kỵ Đinh - Ất. Nhâm hợp Đinh kỵ Mậu - Bính. Quý hợp Mậu kỵ Kỷ - Đinh.

3.13- Văn khấn tổ tiên ngày mồng Một Tết

Nam mô a di đà phật. Kính Đức Đương Lai hạ sinh Di lặc Tôn Phật; các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, cô di tỷ muội, đường thượng tiên linh các hương hồn nội tộc, ngoại tộc.

Nay theo Tuế luật, Âm Dương vận hành tới tuần Nguyên Đán, mồng Một đầu xuân mưa móc thấm nhuần, đón mừng năm mới. Con cháu tưởng niệm ân đức Tổ Tiên, như trời cao biển rộng, khôn đem tấc cỏ báo ba xuân. Do đó chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, oản quả hương hoa kính dâng lên trước án. Kính mời các cụ Cao Tằng, Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô dì tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại. Cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, hâm hưởng lễ vật. Phù hộ độ trì cho con cháu năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Tín chủ lại mời: các vị vong linh, tiền chủ, hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hưởng. Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám. Cẩn cáo!

3.14- Mồng Hai Tết

Là ngày cúng tại gia vào sáng sớm. Sau đó đi chúc tết theo thứ tự trong 3 ngày Tết, mồng Một nhà trai, mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy.

3.15- Xuất hành đầu năm

Theo phong tục xưa nay, người Á- Đông thường chọn ngày lành tháng tốt để xuất hành, động thổ, đổ bê tông mái, cất nóc, nhập trạch, khai trương, ăn hỏi, rước dâu, ký hợp đồng, hộ liệm, di quan, phá nấm, nhập phủ (hạ huyệt).

Đầu năm, ngày xuất hành có ý nghĩa mở đầu vận hên xui cho cả một năm mới. Cần chọn ngày giờ Hoàng đạo, hướng tương hợp tương sinh với mình cùng con giáp của năm để xuất hành cầu tài đón lộc, gặp được tài thần, hỉ thần... Thường sau giao thừa có thể xuất hành du xuân.

3.16- Ngày nguyệt kỵ

Xuất hành đầu năm tuyệt đối tránh các ngày nguyệt kỵ mồng 5, 14, 23 (Mồng năm, mười bốn, hai ba / Đi chơi còn thiệt, nữa là đi buôn). Ba ngày trên là ngày ở Trung cung (ngôi Trung ương ở Hà Đồ) mà Trung cung lại là ngôi vua và lấy số 5 làm biểu hiệu. Số 9 là cửu cung.

Đếm từ 1 đến 5 thì số 5 nhập vào Trung cung, rồi cộng thêm vào số cửu cung (tức là số 9) nữa thì được 14 cũng nhập vào Trung cung, cộng thêm số 9 nữa thì được 23 cũng lại nhập Trung cung nữa. Như vậy là ba lần đều nhập Trung ương (mùng 5, 14, 23).

Ngôi Huỳnh sát là hung sát ở Trung ương (trung cung), mà Thái Tuế (ngôi vua) lại chồng lên ngôi Huỳnh sát, cho nên kẻ dưới phải tránh người trên. Nếu không tránh mà phạm tới bề trên phải gặp hung lai. Ngoài ra, các ngày 5, 14, 23 cộng lại đều bằng 5 (cụ thể là: ngày mùng 5, ngày 14 gồm 1 + 4 = 5, ngày 23 gồm 2 + 3 = 5), dân gian thường gọi là ngày "nửa đời, nửa đoạn" nên làm gì cũng chỉ giữa chừng, vất vả, khó đạt được mục tiêu.

Đây cũng là những ngày ''con nước'' (tức là ngày triều cường, thường sinh ra những dòng hải lưu bất thường gây nguy hiểm cho thuyền bè). Theo đó, những ngày này thường đem đến xui xẻo cho mọi người nhất là khi đi xa, do người xưa chủ yếu đi lại bằng đường thủy.

Xét ở góc độ khoa học, những ngày trên, con người bị tác động mạnh nhất của lực tương hỗ với mặt trăng. Nó làm ảnh hưởng tới sức khỏe, thần kinh dễ làm con người mất tự chủ dễ xảy ra sai lầm trong tính toán, hành động. Đã có nghiên cứu về hiện tượng gia tăng tai nạn, rủi ro vào trung tuần trăng. Và cũng vào những ngày trên chó sói thường tru gọi bầy, chó nhà thường hay “cắn hóng“'.

Nghiên cứu chi tiết sẽ cho thấy, đầu tháng mùng 5 âm lịch là thời điểm mặt trăng bắt đầu dần dần tròn trịa và sáng hơn, thời điển ngày 14 là giữa tháng khi ấy mặt trăng tròn, sáng vằng vặc, thời điểm ngày 23 thì mặt trăng khuyết dần. Vào những mốc thời gian quan trọng then chốt đó, thủy triều lên xuống bất thường, các dòng hải lưu chảy mạnh hoặc yếu không ổn định như những ngày bình thường, chế độ gió, từ trường biến đổi khác, độ phèn xâm lấn vào đất canh tác vùng biển nhiều hơn.

Chính vì những lý do kể trên, những người sống ven biển chịu ảnh hưởng khá nhiều, việc canh tác nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi triều cường và độ mặn, việc ra khơi đánh bắt khai thác thủy hải sản không được thuận lợi may mắn, việc buôn bán kinh doanh, thương mại bằng đường biển cũng bị ảnh hưởng.

Với quá trình phân tích trên thì mùng 5, 14, 23 là chỉ bất lợi đặc biệt với những cư dân sống ở ven biển và hoạt động kinh tế gắn liền với biển, có ảnh hưởng quan hệ lớn đối với thủy triều, con nước, độ mặn, hướng gió.

3.17- Hái lộc

Nếu xuất hành tới chùa hay đền, sau khi lễ bái, người ta thường bẻ một cành lộc mang về cắm bàn thờ, để lấy may, lấy phước. Cành lộc có thể chỉ một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt, nảy lộc, ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới.

3.18- Mừng tuổi

Người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, còn gọi là „hồng bao“, hay „lì xì“ với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Đúng tục lệ, trong „hồng bao“ phải có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) dùng đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu, vì ma sợ giấy màu đỏ. Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết còn được gọi „Tiền mở hàng“.

3.19- Lễ hóa vàng

Thường tổ chức vào ngày 3, cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, đặng phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt.

3.20- Văn khấn Lễ Hoá Vàng

Nam mô a di Đà Phật (3 lần) !

Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật; con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần; con kính lạy ngài Đương niên, ngài Bản cảnh Thành hoàng, các ngài Thổ Địa, Táo quân, Long Mạch, Tôn thần; con kính lạy các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại Tiên linh.

Tín chủ, chúng con, là... Ngụ tại... Hôm nay ngày mồng 3 tháng Giêng năm... tín chủ chúng con thành tâm sắm sửa hương hoa, kim ngân vàng bạc, phẩm vật trà tửu, dâng lên trước án, kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn Tiên linh trở về âm giới. Kính xin phù hộ độ trì cho con cháu được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Chúng con lễ bạc cúi xin chứng giám. Nam mô a di Đà Phật!

3.21- Khai hạ

Ngày mồng 6 hoặc 7 tháng Giêng là ngày làm lễ hạ cây Nêu, còn gọi là lễ Khai hạ, kết thúc Tết Nguyên Đán.

3.22- Đi lễ chùa, xin xăm, thẻ

Trong những ngày đầu năm âm lịch các phật tử thường đi lễ đền chùa, cúng bái, xin xăm nhất là vào sáng mồng một, phong tục này thường được tiến hành chung với tục lệ chọn hướng xuất hành và hái lộc. Xin xăm là một hình thức tin vào các thẻ xăm có ghi lời sấm báo trước điềm lành hay dữ trong năm.

IV- Những kiêng kỵ ngày Tết cần biết

4.1- Tắm rửa, gội đầu

Bởi e ngại thần tướng hao mòn, kiến thức, tài năng cùng phúc lành có được trong năm cũ bị trôi sạch.

4.2- Giặt giũ vào mồng một Tết

Vì nó ứng với ngày thủy bá, vị thần của sự sinh sôi, thịnh vượng, xả đi nhiều nước sẽ làm tổn phúc lộc.

4.3-Nói tục, chửi bậy, gây bất hòa

Để tránh năm mới mất vui, tai ách do lời ăn tiếng nói, cần kiêng nói tục, chửi bậy, đánh mắng trẻ em.

4.4- Dùng vật nhọn, sắc

Kỵ các vật sắc chĩa vào nhà bởi nó có sát khí, có thể cắt đứt lương duyên, vận hội, tuổi thọ gia chủ. Để khắc phục, nên cất bớt dao kéo, chỉ chừa lại những cái cần dùng.

4.5- Chén bát, chậu cây, bình hoa, nồi xoong, tranh ảnh

Kiêng đánh rơi, đổ, vỡ sẽ khiến gia đình loạn lạc, chia ly.

4.6- Ăn dở, bỏ thừa

Bị coi sẽ xui cả năm, mất mùa, đói khát... Để chữa lại việc bỏ dở ăn uống bữa trước, bữa sau nên ăn cam, dưa, xoài, đu đủ... nhờ có màu đỏ hồng, vị ngọt thơm sẽ mang lại sự may mắn và thành công. Trẻ em không nên ăn chân gà tránh viết xấu như gà bới, văn phong cẩu thả, lại hay gây lộn.

4.7- Đồng phục trắng, đen

Chúng gây tâm lý lạnh giá, u uất. Sắc phục có màu sặc sỡ, tạo nên sự phấn khởi, vui vẻ, đặc biệt sắc đỏ, vàng.

4.8- Uống thuốc

Nếu không bệnh, cần kiêng uống thuốc cho dù thuốc bổ và không đến chơi bệnh viện, trạm xá vì nó hàm ý sắp sửa có bệnh.

4.9- Quét nhà ngày mồng Một

Kể từ giao thừa quét dọn nhà cửa được coi là quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà. Bởi thế, trước Tết nhà nào cũng lau dọn cửa nhà sạch sẽ, phong quang.

4.10- Đổ rác

Tục kiêng đổ rác có nguồn gốc từ truyện dân gian Tầu, kể rằng ngày xưa có một tay lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu Như Nguyệt. Nhờ đó, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, do mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ, Như Nguyệt tủi thân, biến vào đống rác. Tay lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta lại trở về cảnh nghèo khó.

4.11- Cho lửa

Lửa đỏ tượng trưng cho may mắn, đầu năm cho đi chẳng khác nào đem may mắn cả năm đi cho người khác.

4-12- Cho nước

Nước, lửa là hai thành tố trong ngũ hành, nguồn phát sinh tài lộc, cho đi bị coi mất nguồn. Xưa kia, nước đựng trong chum, vại. Ngày cuối năm, nhà nào cũng lo đổ đầy, coi như một điềm may, hứa hẹn năm mới sẽ dễ làm ăn, sinh sống, cửa nhà mát mẻ.

4.13- Đi chúc Tết ngày mồng Một

Ngày đó chỉ đi chúc Tết trong nội bộ các gia đình ruột thịt, bởi nó đồng nghĩa với xông nhà. Nếu xông nhà người ngoài, năm tới gia chủ được vạn sự như ý thì không sao, nhưng nếu chẳng may xảy ra việc gì không tốt hệ trọng, thì nguồn gốc được truy nguyên từ người xông nhà đầu năm „nặng vía“.

4.14- Vay, nợ

Ngày đầu năm, cần kiêng kỵ cho vay hay đi vay, đòi nợ hay trả nợ, dù là tiền bạc hay đồ vật. Đi vay là điềm báo sẽ túng thiếu cả năm, cho vay đầu năm khiến tiền bạc phân tán, đòi nợ đầu năm dễ gây mất hòa khí khiến người đi đòi cả năm sẽ mệt mỏi. Để tránh xui cả năm, ai nấy đều cố gắng trả nợ trước Tết.

4.15- Nợ cũ

Dịp tất niên cũng là dịp trả nợ cũ, để tránh điểm gở, nợ nần triền miên trong năm tới.

4.16- Tang tóc ngày mồng Một Tết

Xưa có lệ gia đình gặp tang tóc được phép cất khăn tang trong ba ngày Tết, để tránh cho hàng xóm láng giềng ra vào khỏi phải nhìn thấy cảnh buồn thương ngay những ngày đầu năm.

4.17- Nói điều xui

Đầu năm chỉ nói những điều tốt đẹp, vui vẻ, may mắn, không khóc lóc, buồn tủi, không nói lại chuyện đen đủi, rủi ro năm cũ.

4.18- Món xui

Đầu năm, không ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt... bởi những món đó không tốt lành, thường chỉ ăn vào cuối năm, cuối tháng để giải đen.

4.19- Đồ xui

Món hàng mua đầu năm được coi mua để lấy hên, lấy lộc, bởi „của mua là của được“. Tục ngữ có câu „đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi“. Đầu năm kiêng mua dao, thớt, chày, cối... Mua muối sáng mồng Một với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang