- Thời sự
Xu hướng xanh hóa nền kinh tế đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Nhu cầu về tín dụng xanh do đó cũng ngày càng tăng cao, nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng xanh trong nước vẫn còn hạn chế, đặt ra yêu cầu cần thiết phải mở rộng nguồn vốn cho lĩnh vực này.
Gia tăng vốn xanh
Số liệu mới nhất theo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh trên toàn hệ thống đạt gần 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).
Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh cũng phát triển vượt bậc trong khoảng 2-3 năm gần đây trong khi cách đây 6-7 năm chỉ rất thấp so với tốc độ tăng trưởng chung.
Ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhiều gói tín dụng xanh dành cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang được triển khai như gói 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực xanh; gói 3.500 tỷ đồng để cho vay mua ô tô điện; gói 4.200 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển dịch xanh...
Theo Phó Tổng giám đốc BIDV Trần Phương, BIDV đã tài trợ cho trên 1.500 khách hàng với 1.900 dự án, phương án tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt trên 73.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% tổng dư nợ của ngân hàng. Trong đó, trên 80% là đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiếp đến là lĩnh vực bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai...
Tương tự, tổng dư nợ tín dụng xanh của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tăng mạnh trong giai đoạn 2018-2021, từ con số hơn 7.890 tỷ đồng năm 2018 lên đến gần 18.400 tỷ đồng đến hết năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) đánh giá doanh nghiệp đã ngày càng ý thức hơn về vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do đó, hàm lượng cấp tín dụng xanh của HDBank cũng ngày càng tăng. Tính đến nay, HDBank đã giải ngân trên 11.000 tỷ đồng cho các dự án thuộc lĩnh vực xanh với những cơ chế ưu đãi nhất, dư nợ tín dụng xanh chiếm đến 20% tổng dư nợ của HDBank.
Tại Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam, chiến lược phát triển bền vững dài hạn thông qua việc xây dựng đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh cũng được tập trung triển khai.
Ông Võ Vy Tùng, Giám đốc khối doanh nghiệp, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết ngân hàng đang dành nguồn vốn riêng cho các dự án xanh với lãi suất thấp hơn 2% so với các dự án thông thường và sẽ tiếp tục cân nhắc điều chỉnh chính sách vay ưu đãi hơn nữa trong thời gian tới. Tỷ trọng tín dụng xanh chiếm khoảng 5% tổng dư nợ tại Shinhan Việt Nam; trong đó, 81% nguồn vốn đầu tư dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, còn lại là các dự án quản lý nước bền vững khu vực đô thị nông thôn và nông nghiệp xanh
Để mở rộng quy mô dòng vốn
Ước tính gần đây của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC - một bộ phận của Nhóm Ngân hàng Thế giới) cho rằng đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Nhu cầu mở rộng quy mô nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam là rất rõ ràng. Tuy nhiên, để thúc đẩy tín dụng xanh, vẫn cần thêm cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng cung ứng vốn cho các dự án kinh tế xanh.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV, một trong những khó khăn trong triển khai dòng vốn xanh hiện nay là khung pháp lí. Đến nay quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành. Do vậy, chưa có căn cứ cho việc ban hành các văn bản hướng dẫn tương ứng của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc triển khai tại các ngân hàng thương mại. Đồng thời, việc xác định và thu thập dữ liệu về phát thải tiếp tục là vấn đề khó khăn tại nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam, dẫn đến những vướng mắc trong công tác thẩm định, đánh giá, giám sát tín dụng cũng như việc đo lường, định lượng phát thải tổng thể của ngân hàng...
Mặt khác, ông Võ Vy Tùng cho biết đặc điểm của các dự án xanh là chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, rủi ro thị trường cao. Do đó, ông bày tỏ mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ các tổ chức tín dụng đẩy mạnh dư nợ tín dụng xanh hiệu quả hơn như các cơ chế ưu đãi về thời gian, chi phí vốn vay, cung cấp các khoản vay ưu đãi, áp dụng lãi suất thấp, cấp bù lãi suất chênh lệch; không tính dư nợ tín dụng xanh trong chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phê duyệt cho các tổ chức tín dụng...
Phó Tổng Giám đốc HDBank Nguyễn Văn Hảo chia sẻ: "Cùng trong xu hướng toàn cầu đẩy mạnh xanh hóa dòng vốn đầu tư, HDBank đã được hỗ trợ về vốn từ các định chế tài chính quốc tế, từ đó tăng năng lực tài chính, tăng nguồn tín dụng xanh cấp cho khách hàng SME, các doanh nghiệp phụ nữ làm chủ...".
Tuy vậy, ông Hảo kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục truyền thông nhiều hơn nữa để giúp người dân và doanh nghiệp ý thức được về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trong các hoạt động. Đồng thời, có thêm cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xanh để từ đó các ngân hàng có cơ sở triển khai thêm được nhiều chính sách mới giúp tăng hiệu ứng và kết quả đầu tư tín dụng xanh.
Nhiều địa phương phê duyệt các dự án bất động sản, nhiều doanh nghiệp đổ về các tỉnh đăng ký thực hiện các dự án hàng nghìn tỷ đồng.
Long An gọi đầu tư khu đô thị hơn 3 tỷ USD
Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An đang kêu gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Tân Mỹ, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hoà.
Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích 930ha; sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 60.000 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 14.000 tỷ đồng. Tỉnh Long An yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp khoảng 11.100 tỷ đồng.
Dự án có quy mô dân số gần 81.000 người gồm nhà ở thương mại (bàn giao thô) hơn 13.000 lô và nhà ở xã hội hơn 7.000 căn.
Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được cấp Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, tiến độ thực hiện 7 năm.
Hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký thực hiện là ngày 15/3.
Doanh nghiệp rộng cửa ở dự án khu đô thị nghìn tỷ ở Bắc Giang
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang mới đây đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu 2 thuộc Khu đô thị tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng và xã Đồng Sơn, TP. Bắc Giang.
Theo đó, nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là Công ty CP Đầu tư Bất động sản Taseco.
Theo phê duyệt, dự án Khu 2 thuộc Khu đô thị tại xã Tiền Phong có diện tích 40,9ha. Sơ bộ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 3.770 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 101 tỷ đồng.
Dự án có quy mô xây dựng gồm: công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; công trình nhà ở (trong đó xây thô, hoàn thiện mặt tiền 364 căn nhà ở thấp tầng và nhà ở chung cư cao 25 tầng)... Quy mô dân số khoảng 6.140 người. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Cũng tại Bắc Giang, dự án Khu 1, thuộc khu đô thị tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng và xã Đồng Sơn, TP. Bắc Giang vừa mở hồ sơ đăng ký thực hiện.
Nhà đầu tư duy nhất đăng ký là Công ty CP Tập đoàn D-Park, thành lập tháng 5/2020, địa chỉ trụ sở chính tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo đăng ký doanh nghiệp cấp thay đổi lần 3 tháng 7/2023, công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Dự án có sơ bộ chi phí thực hiện hơn 1.290 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 134 tỷ đồng.
Quy mô đầu tư xây dựng đồng bộ phần kết cấu hạ tầng kỹ thuật và một phần kết cấu hạ tầng xã hội trên khu đất có diện tích khoảng 49ha; xây thô hoàn thiện mặt tiền 353 căn nhà với tổng diện tích đất khoảng 39.400m2.
Nghệ An chấp thuận nhà đầu tư khu đô thị hơn 900 tỷ đồng
UBND tỉnh Nghệ An vừa chấp thuận Liên danh Công ty CP Đầu tư bất động sản Bắc Trung Bộ - Công ty CP Đầu tư xây dựng du lịch và Kinh doanh bất động sản Hưng Phát Phú Quốc là nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị tại thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương.
Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 889 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 20,9 tỷ đồng.
Khu đất thực hiện dự án có tổng diện tích 109.400m2, trong đó, khu thương mại dịch vụ có diện tích đất hơn 1.900m2; khu nhà ở thấp tầng có tổng diện tích hơn 40.600m2, tổng số 315 lô đất… với quy mô dân số khoảng 1.200 người.
Dự án có thời hạn hoạt động không quá 50 năm, tiến độ thực hiện trong vòng 4 năm.
4 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội nghìn tỷ ở Đồng Nai
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu đất 1,4ha, phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa.
Theo đó, có 4 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án hơn 1.387 tỷ đồng này, gồm: Liên danh Công ty CP Tập đoàn Newday Group - Công ty CP Xây dựng Newdaycons - Công ty CP Đức Khải; Liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Địa ốc Khang Nam; Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân; Liên danh Công ty CP Chương Dương - Công ty TNHH Thiết kế xây dựng ASIA - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đỉnh Việt.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, dự kiến đưa vào khai thác từ tháng 8/2025.
Hà Nội vừa có báo cáo mới nhất về tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như vành đai 4, vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, đoạn còn lại của cao tốc Đại lộ Thăng Long, nâng cấp quốc lộ 6
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 của Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý trong tháng ước tính đạt 4.005 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 5,1% kế hoạch năm 2024, trong đó NSNN cấp Thành phố thực hiện 1.570 tỷ đồng, tăng 32,7% và đạt 4,4%; NSNN cấp huyện 2.279 tỷ đồng, tăng 86,9% và đạt 5,9%; NSNN cấp xã 156 tỷ đồng, gấp 2,2 lần và đạt 4,8%.
Trước đó, trong năm 2023, vốn đầu tư từ NSNN do Hà Nội quản lý thực hiện được 51,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm trước và đạt 89,1% kế hoạch năm 2023, trong đó: Vốn NSNN cấp thành phố 21,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6% và đạt 84,9%; NSNN cấp huyện 28,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% và đạt 92%; NSNN cấp xã 1,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% và đạt 98,1%.
Trong năm 2023, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố đạt 506,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2022. Trong đó, vốn nhà nước 171,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; vốn ngoài nhà nước 301 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 33,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%. Chia theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 326,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư và tăng 10,6% so với năm 2022.
Báo cáo cũng cập nhật tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đối với dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) với tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, dự ánđang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,1%.
Dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao Voi Phục (quận Ba Đình). Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân được 25,5% kế hoạch vốn.
Đối với, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, dự án đã khởi công tháng 12/2022. Dự án này sẽ cải tạo 21,7 km đoạn nút giao Ba La (quận Hà Đông) đến thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50 m - 60 m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng mức đầu tư của dự án 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Thời gian thi công toàn dự án từ năm 2022 đến năm 2027. Đến nay dự án đã giải ngân 6,6% kế hoạch vốn.
Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình đã khởi công tháng 10/2023. Đoạn tuyến có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc Lộ 21 (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất), điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc, Hòa Bình. Đường có mặt cắt ngang từ 120 m - 180 m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 6,2% kế hoạch vốn.
Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67,9 nghìn m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 42% kế hoạch vốn.
Về dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội, khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 (thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy) với tổng diện tích 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng là 10,3 nghìn m2. Đến nay dự án đã giải ngân 72,5% kế hoạch vốn.
Nói như Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, việc quy hoạch, triển khai và đưa vào sử dụng hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn thời gian qua, có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo động lực phát triển cho TPHCM, đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của một đô thị trung tâm, đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, gắn với quyết tâm chính trị cao nhất. TPHCM quyết tâm thực hiện nghị quyết mới đạt hiệu quả cao nhất, phấn đấu trong những năm tới đưa TPHCM thành đô thị có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, thông minh, đáp ứng các yếu tố giao thông xanh, tương xứng với đô thị phát triển hiện đại, văn minh trong khu vực.
Theo báo cáo của Sở Giao thông-Vận tải TPHCM, danh mục các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm trên địa bàn đang thực hiện gồm 34 dự án, với tổng mức vốn đầu tư khoảng 280.472 tỷ đồng; đồng thời có 21 dự án đã phê duyệt đầu tư. Xác định cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của TP, Sở Giao thông-Vận tải đã có tờ trình UBND TPHCM, về việc ban hành kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình trọng điểm, chiến lược ngành giao thông vận tải giai đoạn 2024-2030.
Theo đó, TPHCM ưu tiên bố trí vốn triển khai đầu tư 59 dự án trong giai đoạn 2024-2030 khoảng 231.048 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP dự kiến khoảng 156.560 tỷ đồng (chiếm khoảng 67,8%), vốn huy động kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP dự kiến 70.126 tỷ đồng (chiếm khoảng 30,4%); vốn ngân sách Trung ương dự kiến 4.361 tỷ đồng (khoảng 1,9%).
Sẽ đầu tư 4 đường cao tốc gồm: TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành (đoạn tuyến đường dẫn trên địa bàn TPHCM); mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn tuyến đường dẫn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2); mở rộng đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương (đoạn tuyến đường dẫn từ Bình Thuận - chợ Đệm và đoạn Tân Tạo - chợ Đệm).
Nhóm đường quốc lộ, đề xuất ưu tiên làm 3 dự án gồm: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến Vành đai 3); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An). Nhóm đường vành đai có 5 dự án gồm: khép kín 3 đoạn tuyến của Vành đai 2, đường nối từ Vành đai 3 tới đường Võ Nguyên Giáp; đầu tư xây dựng Vành đai 4 (đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai gồm cầu vượt sông Sài Gòn).
Ngoài ra còn có 3 dự án đường kết nối liên vùng, 8 nút giao thông và cầu lớn, 25 tuyến đường trục chính, xuyên tâm, 1 đường trên cao, 4 dự án đường thủy, 6 bến bãi giao thông tĩnh. Trong đó sớm triển khai làm 2 cầu vượt lớn Thủ Thiêm 4 và cầu Cần Giờ…
Trên đây là những hình ảnh tiêu biểu của TPHCM do phóng viên ảnh Hoàng Hùng thực hiện.
Nguồn: CafeF; Vietnamnet; Vietnammoi; Sài Gòn Giải Phóng
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá