Covid-19 thế giới: Cập nhật; TQ ca ngợi thành tích, 'con dao hai lưỡi'; Nhật nới lỏng; Hàn Quốc giảm dần

COVID-19: SỐ CA NHẢY DỰNG VÌ BÁO CÁO SỐC TỪ CHÂU Á, 114.000 NGƯỜI CHẾT THÁNG QUA

(Ảnh minh họa).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), COVID-19 đã gây thêm gần 20 triệu ca mắc mới và hơn 114.000 ca tử vong chỉ trong 28/31 ngày của tháng 1-2023; trong đó 80% ca mắc và 67% ca tử vong đến từ khu vực có Việt Nam - Tây Thái Bình Dương.

Báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 2-2 đưa ra cách tính số ca COVID-19 toàn cầu mới, theo tháng thay vì theo tuần như các báo cáo trước. Trong dữ liệu mới nhất mà WHO thống kê được (tính từ ngày 2 đến 29-1), toàn thế giới có thêm 20 triệu ca COVID-19 trong tháng qua, nâng tổng số ca ghi nhận từ đầu đại dịch lên hơn 753 triệu.

Số ca tử vong toàn cầu trong tháng qua tăng vọt 65% so với tháng trước, tận 114.372 ca, trong đó Tây Thái Bình Dương tăng tận 173% so với tháng trước với 76.354 ca.

Tây Thái Bình Dương cũng là khu vực dịch tễ "nóng nhất" khi chiếm tới 80% ca COVID-19 toàn cầu trong tháng qua, tiếp nối nhiều tháng "đầu bảng" trước đó với tỉ lệ thấp hơn khoảng 40-50%.

Châu Mỹ chiếm 12% số ca được báo cáo toàn cầu, châu Âu chiếm 7%, các khu vực dịch tễ khác bao gồm Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và châu Phi chiếm dưới 1%.

Tây Thái Bình Dương là một khu vực dịch tễ bao gồm một phần châu Á, châu Úc. Phân tích chi tiết về số ca "khủng" ở khu vực này cho thấy chủ yếu số ca cao vọt là do dữ liệu sốc từ phía Trung Quốc: Thêm hơn 11,3 triệu ca mắc mới và 62.759 ca tử vong chỉ trong 28/31 ngày của tháng 1 (tức không bao gồm số tử vong trong giai đoạn cao điểm trước là tháng 12 và 2 ngày đầu tháng 1).

Đứng thứ nhì cả về số ca mắc lẫn tử vong là Nhật bản với hơn 3,2 triệu ca mới và 10.022 ca tử vong chỉ trong tháng qua; đứng thứ ba về số ca mắc mới là Hàn Quốc (hơn 1 triệu ca); đứng thứ ba về số ca tử vong là Úc (1.633 ca).

Số liệu trên cũng khiến Trung Quốc, Nhật Bản và Úc sở hữu tỉ lệ tử vong trên dân số đáng lo ngại: lần lượt là 4,3; 8 và 6,4 ca/100.000 dân.

Tin tốt là bản đồ tỉ lệ ca mắc mới trên dân số gián tiếp phản ánh số liệu "khủng" nói trên chủ yếu đến từ giai đoạn đầu của chu kỳ dịch tễ và đã giảm nhiệt rõ rệt trong tuần lễ cuối cùng, phản ánh qua màu xanh lục.

Cũng thuộc khu vực này nhưng Việt Nam được đánh dấu lần lượt bằng màu xanh dương và màu vàng nhạt trên bản đồ tỉ lệ số ca mắc mới - tử vong mới trong tuần lễ từ 23 đến 29-1. Các sắc độ này thể hiện số ca mắc mới thấp (dưới 10 ca/100.000 dân) và giảm mạnh trong tuần trước; số ca tử vong cũng cực thấp trong tuần (dưới 0,5 ca/100.000 dân). Mức độ thấp này đã được giữ ổn định ở nước ta nhiều tháng qua.

Các biến chủng phổ biến nhất ở Tây Thái Bình Dương là BA.5.2 (30,1%), BF.7 (13,2%) và BQ.1.1 (8,5%). Trong khi đó BQ.1.1 là dòng thống trị ở Mỹ, châu Âu và châu Phi với tỉ lệ lần lượt là 37,5%, 31,3% và 23,7%; XBB.1 thống trị ở Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á với tỉ lệ 37,2% và 41,1%.

Xét chung toàn thế giới thì phổ biến nhất vẫn là BQ.1 và các hậu duệ bao gồm BQ.1.1 với tỉ lệ 46,9%.

(Nguồn: CafeF)

TRUYỀN THÔNG TRUNG QUỐC CA NGỢI THÀNH TÍCH CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG NƯỚC

Một bài báo được đăng trên “Nhân dân Nhật báo” của Trung Quốc ngày 2/2 đã ca ngợi thành tích chống dịch Covid-19 của nước này trong 3 năm qua.

Theo bài báo, đặt an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân lên hàng đầu là ưu tiên quan trọng nhất trong việc hoạch định chính sách phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc, đồng thời cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh.

Bài báo cho biết, trong 3 năm qua, Trung Quốc đã chịu được tác động của 5 đợt dịch toàn cầu, xử lý hiệu quả hơn 100 cụm dịch, ngăn chặn thành công chủng gốc có khả năng gây bệnh nặng và sự lây lan rộng rãi biến thể Delta, bảo vệ hiệu quả tính mạng và sức khỏe của người dân. Thực tiễn đã chứng minh các chủ trương, chính sách phòng chống dịch bệnh do Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra là đúng đắn, khoa học và hiệu quả.

Liên quan đến việc nới lỏng chính sách phòng chống dịch bệnh vào cuối năm ngoái, bài báo cho rằng Trung Quốc đã liên tục tối ưu hóa và điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch theo từng thời điểm và tình hình, nắm chắc thế chủ động chiến lược trong công tác phòng chống dịch.

Bài báo đánh giá, trong 3 năm qua, Trung Quốc kiên trì đoàn kết chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế. Trong khi cùng với cộng đồng quốc tế đoàn kết chống dịch, Trung Quốc đã mở rộng hợp tác, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự thông suốt của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo động lực cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Cuối bài báo cho rằng, Trung Quốc đã vượt qua những khó khăn và thử thách chưa từng có, bảo vệ tối đa tính mạng và sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Sự đoàn kết chống dịch, biện pháp chống dịch phi thường của Trung Quốc, với những thành tích đạt được không dễ dàng trong 3 năm qua, cả thế giới đều biết và lịch sử nhất định sẽ ghi nhớ.

(Nguồn: VOV)

'CON DAO HAI LƯỠI'

(Ảnh minh họa).

Việc Bắc Kinh nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa do đại dịch Covid-19 được dự đoán sẽ là một trong những sự kiện lớn của năm 2023.

Việc Bắc Kinh nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa do đại dịch Covid-19 được dự đoán sẽ là một trong những sự kiện lớn, tác động tới nền kinh tế của năm 2023.

Về mặt tích cực, tiêu dùng tăng mạnh sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu ở những nơi khác. Về mặt tiêu cực, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc cao hơn có nghĩa là nhu cầu về nhiên liệu và đặc biệt là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhiều hơn.

Điều đó có thể dẫn đến tình trạng tái phát cú sốc chi phí năng lượng. Bên cạnh đó, nếu việc mở cửa trở lại tạo ra một đợt gia tăng số ca mắc Covid-19 mới và cuộc khủng hoảng về sức khỏe, thì đó có thể là một lực cản, thay vì thúc đẩy tăng trưởng.

Theo các chuyên gia, tác động đối với toàn cầu hóa và đặc biệt là hệ thống thương mại hàng hóa cũng không rõ ràng. Việc mở cửa trở lại có thể giúp khai thông các tuyến đường vận chuyển và vận tải đường bộ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi có thể bị thay đổi. Các cảng và nhà máy phải chịu rủi ro mở cửa trở lại. Người lao động bị nhiễm bệnh ở nhà sẽ không thể tiếp tục làm việc.

Từ nhu cầu trong nước, Trung Quốc có thể đạt thặng dư thương mại lớn nhưng không còn chỉ là một cỗ máy xuất khẩu. Với giá trị nhập khẩu 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2021 so với 2,8 nghìn tỷ USD của Mỹ, Trung Quốc là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai thế giới.

Về mặt tích cực, mức tiêu thụ tăng mạnh có thể bổ sung cho nhu cầu toàn cầu. Mặt khác, lưu lượng container nhiều hơn có thể chứng kiến sự xuất hiện trở lại của các căng thẳng trong chuỗi cung ứng. Việc mở cửa trở lại diễn ra vào thời điểm mà tình trạng tắc nghẽn đó đang nhanh chóng biến mất, nhưng không phải vì những lý do mà mọi người mong muốn.

Giá cước vận tải và thời gian chờ tàu chở hàng sụt giảm trong nửa đầu năm ngoái không phải do hiệu quả hoạt động của các cảng và vận chuyển cao hơn. Thực tế, tình trạng này xảy ra do triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Do đó, lưu lượng hàng hóa nhanh chóng suy yếu.

Khi điều đó xảy ra, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc thực sự đã làm trầm trọng thêm căng thẳng đối với chuỗi cung ứng. Lý do là vì tỷ lệ lây nhiễm giữa các công nhân gia tăng, nhưng không nhiều.

Các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang (FED) của Mỹ đã tạo ra một chỉ số tổng hợp về áp lực chuỗi cung ứng, bao gồm thời gian giao hàng và lượng hàng hóa dự trữ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa giảm mạnh đồng nghĩa với việc chỉ số này đã giảm nhanh chóng vào năm ngoái. Chỉ số này đã ngừng giảm và cân bằng trong ba tháng qua của năm. Các nhà kinh tế của FED chỉ ra rằng, nguyên nhân là do tắc nghẽn vì Trung Quốc mở cửa trở lại.

Nhiều ca lây nhiễm hơn, ngoài chi phí con người, có thể đẩy áp lực lên chuỗi cung ứng cao hơn. Song, như các nhà kinh tế của FED đã chỉ ra, sự gián đoạn nguồn cung trước đây đối với thương mại toàn cầu do Covid-19 gây thiệt hại nhiều hơn vì chúng xảy ra ở mọi nơi cùng một thời điểm.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại được coi là một tín hiệu tốt cho thương mại và toàn cầu hóa. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới cần xuất khẩu hơn, ngay cả khi có nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.

Chính xác là, không ai muốn tình trạng tắc nghẽn vận chuyển quay trở lại. Song, so với khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu thì đó không phải là một vấn đề tồi tệ.

(Nguồn: Soha)

NHẬT BẢN: NỚI LỎNG PHÒNG DỊCH COVID-19, SỐ VỤ PHẠM TỘI TĂNG LẦN ĐẦU TIÊN TRONG 20 NĂM

Trong năm 2022, số vụ phạm tội được ghi nhận ở Nhật Bản đã tăng lần đầu tiên trong 20 năm trong bối cảnh các biện pháp hạn chế phòng ngừa dịch COVID-19 tại quốc gia được nới lỏng.

Cụ thể, số vụ phạm tội hình sự tại Nhật Bản đã giảm dần kể từ mức cao nhất là khoảng 2,85 triệu vụ vào năm 2002 và đạt mức thấp nhất sau chiến tranh là 568.104 vụ được ghi nhận vào năm 2021.

Dẫn số liệu báo cáo của cảnh sát, hãng thông tấn Kyodo ngày 2/2 đưa tin trong năm 2022, Nhật Bản ghi nhận 601.389 vụ phạm tội, tăng 5,9% so với năm 2021. Cảnh sát cũng ghi nhận 115.730 trường hợp nghi ngờ ngược đãi trẻ vị thành niên và 84.493 hành vi bạo lực gia đình. Những con số này cũng đạt tỷ lệ kỷ lục từ trước đến nay.

Số các vụ tội phạm tài chính cũng tăng 28,2% so với năm ngoái, lần đầu tiên sau 8 năm, với tổng thiệt hại lên tới 36,14 tỷ yên (tương đương 281 triệu USD).

Tội phạm liên quan đến các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty và tổ chức đã tăng 57,5% so với năm 2021. Cảnh sát cũng ghi nhận 1.131 trường hợp phạm tội liên quan đến chuyển tiền bất hợp pháp và lừa đảo trực tuyến.

Các vụ tội ác tàn bạo, bao gồm giết người, tăng 8,1% lên 9.536 vụ vào năm 2022, trong đó vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 8/7 được đánh giá là vụ phạm tội nghiêm trọng nhất.

Dữ liệu phản ánh tỷ lệ tội phạm hàng tháng đã tăng dần kể từ mùa xuân năm 2022, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế về COVID-19 ở Nhật Bản được dỡ bỏ.

Bên cạnh đó, hãng thông tấn Kyodo cũng dẫn một cuộc khảo sát trực tuyến của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia tiến hành vào tháng 10/2022, cho thấy 67,1% người được hỏi trả lời mức độ an toàn công cộng ở Nhật Bản đã giảm trong 10 năm qua.

Khi những người tham gia được hỏi tội phạm phổ biến nhất mà họ nghĩ đến là gì, 63,5% trong số họ đã chọn “giết người hoặc gây thương tích bừa bãi”. “Lừa đảo đặc biệt” đứng thứ hai với 62,4%, tiếp theo là “lạm dụng trẻ em” với 55,5%.

“Tình hình an ninh rất nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ quản lý tổ chức cảnh sát một cách linh hoạt và thúc đẩy các biện pháp đối phó hiệu quả”, một quan chức cấp cao của NPA cho biết.

(Nguồn: Báo Mới)

HÀN QUỐC: SỐ CA MẮC MỚI COVID -19 CÓ XU HƯỚNG GIẢM DẦN

(Ảnh minh họa).

Theo hãng tin Yonhap, ngày 2/2, Hàn Quốc thông báo số ca mắc mới COVID-19 ở mức 16.862, trong bối cảnh nước này chứng kiến xu hướng ca mắc giảm dần và từng bước đưa nhịp sống trở lại bình thường hoàn toàn như trước đại địch.

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc tính đến ngày 2/2 là 30.213.928 ca. Số ca mắc mới ghi nhận ngày 2/2 giảm so với mức 20.420 ca trước đó 1 ngày và giảm mạnh so với mức 35.086 ca ghi nhận 1 tuần trước. Đây cũng là số ca mắc mới thấp nhất trong các ngày Thứ Năm kể từ ngày 30/6/2022 khi Hàn Quốc ghi nhận 9.587 trường hợp.

Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 36 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh này lên 33.522. Số trường hợp bệnh nặng giảm từ 359 ca ghi nhận ngày 1/2 xuống 345 ca ghi nhận ngày 2/2 và đang trên đà giảm khi duy trì ở mức dưới 400 trường hợp trong 3 ngày liên tiếp.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc đã giảm trong những tuần gần đây và ngày 30/1, chính phủ nước này đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín, trừ bệnh viện, nhà thuốc và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Một quan chức của KDCA, Lim Sook-young, đánh giá làn sóng dịch bệnh mùa Đông đã qua đỉnh. Dòng phụ BN.1 của biến thể Omicron đã thay thế dòng phụ BA.5 trở thành dòng gây bệnh phổ biến ở Hàn Quốc trong tuần qua nhưng chưa tác động đáng kể tới tình hình chung. Quan chức này cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ khả năng tái bùng phát dịch sau khi điều chỉnh quy định đeo khẩu trang cũng như khả năng lây lan từ bên ngoài cùng các yếu tố khác.

Hàn Quốc vẫn duy trì quy định cách ly bắt buộc 7 ngày đối với những người mắc bệnh và đã thực hiện một số biện pháp hạn chế khác, bao gồm hạn chế những người đến từ Trung Quốc.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

(Xem thêm:

=> Covid-19 thế giới: Cập nhật; Bắc Kinh đạt miễn dịch tạm thời; HQ bùng phát; Ý nới lỏng với khách TQ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang