Covid-19 thế giới: Cập nhật; Nhà tang lễ TQ tăng hoạt động; Nhật tử vong tăng đột biến, bỏ yêu cầu đeo khẩu trang

HƠN 6,7 TRIỆU NGƯỜI TỬ VONG VÌ COVID-19

(Ảnh minh hoạ).

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng 16/1/2023, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 671.333.289 ca, trong đó bao gồm 187.036 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Thế giới cũng ghi nhận thêm 676 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 lên 6.730.384 ca.

Châu Á chiếm phần lớn số ca nhiễm mới COVID-19 của thế giới trong 24 giờ qua với 170.349 ca, trong đó riêng tại Nhật Bản là 108.281 ca; Hàn Quốc là 32.570 ca; Đài Loan (Trung Quốc) là 21.270 ca; … Châu Á cũng ghi nhận 596 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong trong khu vực vì COVID-19 lên 1.520.921 ca. Trong tổng số 210.794.756 ca mắc COVID-19 của khu vực châu Á, có 195.375.970 ca đã được chữa khỏi.

Hãng tin Yonhap dẫn số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) cho thấy ngày 15/1 là ngày Chủ nhật Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 thấp nhất trong gần 3 tháng, trong bối cảnh chính phủ đang tăng cường nỗ lực khống chế dịch bệnh lây lan từ nước ngoài. Theo KDCA, Hàn Quốc xác nhận 32.570 ca mắc mới ngày 15/1, trong đó có 104 ca mắc từ nước ngoài, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 29.806.891 ca.

Chính phủ Hàn Quốc đang tăng cường giám sát các du khách từ nước ngoài nhập cảnh sau khi nước láng giềng Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa từ tháng 12/2022. Trong số 104 ca mắc mới trên, 64 ca lây nhiễm từ Trung Quốc. Nhằm ngăn dịch bệnh lây lan, đầu tháng 1 này, Hàn Quốc đã triển khai chính sách yêu cầu các hành khách từ Trung Quốc đại lục, các Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Macao (Trung Quốc) phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay. Các hành khách từ Trung Quốc cũng cần được xét nghiệm bằng phương pháp PCR sau khi nhập cảnh Hàn Quốc.

Trong khi đó, tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế Malaysia Zaliha Mustafa cho biết tình hình COVID-19 ở nước này vẫn đang được kiểm soát và cho đến nay chính phủ không cần phải đóng cửa biên giới. Bà cho biết, Malaysia không phát hiện ca nhiễm hay du khách nào có triệu chứng COVID-19 tại các cửa khẩu biên giới mặc dù nước này đã đón khoảng 7.000 du khách từ Trung Quốc kể từ ngày 8/1. Bà khẳng định tình hình COVID-19 đang được kiểm soát tốt và nhận thức của người dân cũng rất cao, vì vậy Malaysia không bắt buộc phải đóng cửa biên giới.

Tại châu Âu - khu vực ghi nhận tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới, khu vực này ghi nhận 9.785 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca trong khu vực lên 243.999.579 ca. Tình hình số ca mắc mới tại các nước trong 24 giờ qua như sau: Nga có thêm 4.789 ca; Pháp có thêm 4.166 ca; Serbia có thêm 447 ca…

Tình hình số ca mắc mới COVID-19 tại các khu vực khác như sau: Bắc Mỹ ghi nhận 4.104 ca nhiễm mới (con số này bao gồm 4.087 ca ở Mỹ, 17ca ở Cuba); Nam Mỹ có thêm 2.577 ca (con số này bao gồm toàn bộ số ca ở Chile); châu Phi có thêm 219 ca; châu Đại Dương có thêm 2 ca ở Niue.

(Nguồn: Báo Dân Tộc)

ẢNH VỆ TINH NHÀ TANG LỄ TRUNG QUỐC TĂNG HOẠT ĐỘNG GIỮA SÓNG COVID-19

Loạt ảnh vệ tinh cho thấy thay đổi đột biến trong hoạt động của các nhà tang lễ Trung Quốc giữa sóng Covid-19, khi nước này ghi nhận gần 60.000 người chết.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 14/1 thông báo nước này ghi nhận 59.938 ca tử vong liên quan đến Covid-19 từ ngày 8/12/2022 đến ngày 12/1. Trong số này, hơn 5.500 người chết vì suy hô hấp sau khi mắc Covid-19, hơn 54.000 ca tử vong chết vì biến chứng bệnh nền nguy hiểm sau khi nhiễm virus.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố số ca tử vong với quy mô lớn như vậy kể từ khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 từ 7/12/2022. Tuy nhiên, tờ Time ngày 12/1 dẫn ảnh vệ tinh do hãng Maxar Technologies của Mỹ cho thấy mức tăng đáng kể trong hoạt động của các nhà tang lễ Trung Quốc giữa sóng Covid-19 trong một tháng qua.

Trong ảnh vệ tinh chụp ngày 24/12/2022, nhà tang lễ quận Thông Châu ở thủ đô Bắc Kinh đã xây thêm một bãi đậu xe mới trên bãi đất trống cạnh đó, với hàng chục phương tiện đang đậu. Bãi đậu xe này không xuất hiện trong ảnh vệ tinh chụp chưa đầy ba tuần trước đó.

Ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, ảnh vệ tinh Maxar cũng cho thấy hàng chục phương tiện xếp hàng bên ngoài và đậu bên trong khu phức hợp Nhà tang lễ Nam Kinh vào ngày 3/1. Tình trạng đông đúc này không được ghi nhận trong ảnh vệ tinh chụp ngày 9/11/2022.

Trước đó, truyền thông quốc tế cũng tiết lộ nhiều trường hợp bệnh viện, nhà tang lễ ở Trung Quốc quá tải vì số ca bệnh, ca tử vong tăng vọt. Theo NHC, độ tuổi trung bình của gần 60.000 bệnh nhân tử vong vì Covid-19 trong một tháng qua là khoảng 80, trong đó khoảng 90% là bệnh nhân trên 65 tuổi.

Tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, ảnh vệ tinh cho thấy nhiều xe van trắng, thường được sử dụng làm xe tang, tập trung tại Nhà tang lễ Đông Lâm.

Trong một bức ảnh chụp khu vực này một năm trước, hầu như không có phương tiện nào xuất hiện trong khu vực. Trong tháng 12/2022, Trung Quốc chỉ công bố hơn 20 ca tử vong vì Covid-19.

Các ảnh vệ tinh các nhà tang lễ ở Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, Đường Sơn ở Hà Bắc và Hồ Châu, Chiết Giang, trong cùng giai đoạn so sánh cũng ghi nhận tình trạng đông đúc tương tự, theo CNN.

Hiện chưa rõ lý do Trung Quốc công bố số ca tử vong tăng đột biến trong thời gian ngắn như vậy. Tổ chức Y tế Thế giới đã đề nghị Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu về tình hình Covid-19 ở nước này.

Dữ liệu chính thức trước đó của Trung Quốc chỉ ghi nhận 37 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 trong khoảng thời gian từ 7/12/2022 đến 8/1. Điều này khiến một số quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại Bắc Kinh "thiếu minh bạch" về dịch bệnh.

Một số nước, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, còn áp dụng biện pháp kiểm soát nhập cảnh đối với người đến từ Trung Quốc như yêu cầu hành khách phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi khởi hành. Trong khi đó, một số nước thông báo theo dõi thêm tình hình như Philippines hay khẳng định không áp biện pháp hạn chế như New Zealand.

Tằng Quang, cựu trưởng nhóm dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, dự đoán đỉnh dịch Covid-19 sẽ kéo dài từ hai đến ba tháng, gia tăng ở vùng nông thôn, khi hàng trăm triệu người về quê nghỉ Tết Nguyên đán, bắt đầu từ ngày 21/1. Đây được coi là đợt di cư hàng năm lớn nhất trên thế giới.

(Nguồn: Vnexpress)

NHẬT BẢN: SỐ CA TỬ VONG DO COVID-19 2 TUẦN QUA TĂNG ĐỘT BIẾN, CAO NHẤT ĐẠI DỊCH

(Ảnh minh hoạ).

Báo cáo từ Bộ Y tế Nhật Bản cảnh báo số người tử vong do COVID-19 từ tháng 12 đến nay chiếm gần 1/5 tổng số ca tử vong suốt đại dịch 3 năm, trong đó dữ liệu 2 tuần đầu tháng 1 đặc biệt đáng ngại.

Theo NHK, báo cáo từ Bộ Y tế Nhật Bản hôm 15-1 cảnh báo số người tử vong vì COVID-19 Nhật Bản đang gia tăng với tốc độ nhanh trong làn sóng thứ 8 đang diễn ra tại nước này.

Tổng số người thiệt mạng vì đại dịch tính từ tháng 1-2020 ở Nhật Bản lên hơn 62.264 ca tính đến hết ngày 14-1; với 12.620 ca trong số đó ghi nhận chỉ từ tháng 12 của năm 2022. Điều này có nghĩa là gần 1/5 nạn nhân COVID-19 từ đầu đại dịch đã thiệt mạng chỉ trong 1 tháng rưỡi qua.

Số ca tử vong tăng liên tục trong các tháng gần nhất: 1.864 vào tháng 10; 2.985 vào tháng 11; lên tới 7.622 vào tháng 12. Chỉ trong 2 tuần đầu tiên của tháng 1, số ca tử vong đã lên tới 4.998 người, tốc độ cao nhất kể từ đầu đại dịch.

Trong số những người thiệt mạng do COVID-19 kể từ tháng 12-2022, 6.505 người được ghi nhận độ tuổi cho thấy 17,25% là người từ 70-79 tuổi; 40,55% từ 80-89 tuổi và người từ 90 tuổi trở lên là 34,76%.

Tình trạng số ca tử vong tăng cao đột biến từng được Bộ Y tế nước này cảnh báo vào tuần trước khi dữ liệu tính đến ngày 10-1 cho thấy có tới 10.000 người thiệt mạng chỉ trong 1 tháng.

Ngày 15-1 cũng đánh dấu 3 năm kể từ khi Nhật Bản phát hiện ca COVID-19 đầu tiên, khi nó vẫn được gọi là "virus corona mới". Từ đó đến nay toàn quốc ghi nhận khoảng 31 triệu ca mới; trong đó 27 triệu ca ghi nhận trong năm 2022. 39.000/hơn 62.000 ca tử vong cũng được ghi nhận trong năm vừa qua.

Bộ Y tế Nhật Bản đang thảo luận về việc hạ cấp độ dịch COVID-19 xuống ngang hàng với cúm mùa, tuy nhiên theo NHK đại dịch có vẻ vẫn chưa có hồi kết trong bối cảnh số ca mắc trong làn sóng thứ 8 tăng nhanh, số tử vong hàng ngày liên tục lập kỷ lục.

Hôm 15-1 Nhật Bản tiếp tục ghi nhận hơn 108.000 ca mắc mới và 415 ca tử vong, thấp hơn so với con số kỷ lục 503 ca tử vong của ngày 14-1. 672 người vẫn đang phải thở máy hoặc chạy ECMO.

Chuyên gia Trung Quốc lo ngại khi người dân hướng về quê

Theo Reuters, hơn 2 tỉ chuyến đi đã được người Trung Quốc đặt cho mùa lễ Tết này và theo ghi nhận tại Bắc Kinh hôm 16-1, các nhà ga xe lửa đang chật kín người về quê ăn Tết sau 3 năm xa cách vì các hạn chế thời đại dịch.

Một số chuyên gia dịch tễ của nước này lo ngại và dự đoán có thể Trung Quốc phải ghi nhận tới hơn 1 triệu ca từ vong vì căn bệnh này trong năm nay, với một dịp Tết Nguyên Đán chứng kiến sự lan rộng của dịch bệnh về phía nông thôn, nơi cơ sở vật chất y tế còn hạn chế.

"Đỉnh điểm của các ca mắc COVID-19 ở làng chúng tôi đã qua, nhưng Tết Nguyên Đán đang đến gần và nhiều người, đặc biệt là người già, có nguy cơ bị lây nhiễm lần nữa. Nếu thuốc kháng virus và các thuốc khác dồi dào hơn, tôi sẽ tự tin hơn" - một bác sĩ ở tỉnh Thiểm Tây trả lời phỏng vấn tờ Red Star News.

Ủy ban Y tế Trung Quốc (NHC) cho biết họ sẽ trang bị thêm cho mọi phòng khám trong ngôi làng này thêm một số thiết bị như máy đo nồng độ oxy máu, bên cạnh thuốc hạ sốt và nguồn oxy dự phòng.

Trước đó nhà dịch tễ học hàng đầu của nước này Zeng Guang (cựu Giám đốc dịch tễ tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc) từng cảnh báo đỉnh lây nhiễm có thể kéo dài từ 2-3 tháng và chuyển dịch về phía nông thôn.

(Nguồn: CafeF)

NHẬT BẢN TÍNH BỎ YÊU CẦU NGƯỜI DÂN ĐEO KHẨU TRANG Ở KHÔNG GIAN KÍN

Theo truyền thông Nhật Bản, chính phủ nước này đang xem xét việc dỡ bỏ yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang trong những khu vực có không gian kín.

Trang Kyodo News dẫn nguồn tin giấu tên trong Chính phủ Nhật Bản nói rằng, chính quyền Tokyo cũng thảo luận về việc hạ mức ứng phó với dịch bệnh Covid-19 giảm từ cấp 2 xuống cấp 5, tức giảm xuống mức coi Covid-19 chỉ tương đương với cúm mùa.

“Các loại bệnh được liệt vào mức độ ứng phó cấp 2 sẽ buộc người dân phải tuân thủ nhiều biện pháp phòng dịch như hạn chế đi lại, cũng như tiếp xúc gần. Theo tôi, những thay đổi về việc đeo khẩu trang trong không gian kín sẽ sớm được thực hiện trong mùa xuân, cùng dịp chính phủ cho hạ mức độ ứng phó với dịch Covid-19”, nguồn tin giấu tên cho hay.

Theo Kyodo News, nhiều đảng chính trị ở Nhật Bản thời gian gần đây đã kêu gọi chính phủ xem xét lại chính sách yêu cầu người dân đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, nhiều nhà dịch tễ học và bác sĩ vẫn tỏ ra thận trọng với việc chính quyền cho nới lỏng quy định đeo khẩu trang. Các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang “lúc có mặt ở những nơi đông người, hay khi nghi ngờ bản thân hoặc người khác đã nhiễm bệnh”.

“Việc dỡ bỏ yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở Nhật Bản, như Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu từng làm, sẽ có thể khiến số ca tử vong do Covid-19 tăng lên, nhất là khi nhóm người trên 65 tuổi đang chiếm tới 30% tổng dân số toàn quốc”, các chuyên gia y tế nhận định.

(Nguồn: Vietnamnet)

(Xem thêm:

=> Covid-19 thế giới: Dịch đã đến chặng cuối; TQ tử vong tăng mạnh, đảm bảo xuân vận bùng phát; Nhật tử vong kỷ lục ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang