.jpg)
VÒI BẠCH TUỘC VẪN LUỒN LÁCH
TPHCM đang tổng lực ra quân truy quét hàng giả hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… Cuộc chiến này không hề dễ dàng khi đối tượng buôn lậu, làm giả tìm đủ mọi cách né tránh pháp luật, tẩu tán hàng hóa vi phạm.
Án binh bất động
Gần một tuần nay, khung cảnh tại nhiều trung tâm mua sắm vốn sầm uất như Saigon Square (quận 1), An Đông Plaza (quận 5) hay Trung tâm Thương mại Dược phẩm - trang thiết bị y tế quận 10 (chợ dược) trở nên trầm lắng. Như Tiền Phong thông tin, hàng loạt quầy sạp “cửa đóng then cài”, hoặc chỉ hé cửa khi có khách quen rồi nhanh chóng đóng sập sau khi giao dịch chớp nhoáng.
Tại Saigon Square - nơi được mệnh danh là thiên đường hàng giá rẻ tại TPHCM, sau đợt kiểm tra và thu giữ hàng nghìn sản phẩm nghi giả nhái của quản lý thị trường (QLTT), một số ki-ốt vẫn cố thủ. Tiểu thương túc trực quanh quầy nhưng không dám mở bán công khai. Sau đợt truy quét, cả người bán lẫn khách đều trở nên dè dặt.
Tình trạng cũng diễn ra tương tự ở An Đông Plaza. Một số tiểu thương tiết lộ, phải tạm ngưng kinh doanh vài ngày vì hàng không có hóa đơn. Bà Tâm, một người chuyên kinh doanh quần áo thừa nhận, đa số đều là hàng từ Quảng Châu. “Khách đến mua hàng tôi cũng nói rõ xuất xứ, khách xem hàng và đồng ý giá cả thì mua. Tuy nhiên tôi không có hóa đơn chứng từ nhập hàng nên tạm đóng cửa” - bà Tâm nói.
Còn tại chợ dược ở quận 10 - trung tâm trung chuyển thuốc lớn nhất khu vực phía Nam, nhiều quầy thuốc rút hàng khỏi kệ hoặc treo biển tạm nghỉ. Nhiều xe chuyển hàng không còn dám vào thẳng chợ mà chỉ đậu ở các hẻm gần đó, giao hàng “chui” để tránh bị phát hiện.
Bỏ của chạy lấy người
Theo ghi nhận của phóng viên, khi lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra, một số đối tượng mua bán hàng lậu, hàng giả đã chọn cách “bỏ của chạy lấy người”. Trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh - Trần Quang Nghị (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM), người dân hốt hoảng phát hiện nhiều hộp thuốc, lọ siro, thực phẩm chức năng (TPCN) vứt bừa bãi trong các bụi cỏ. Toàn bộ sản phẩm đều còn nguyên tem niêm phong, mã QR, nhãn hộp ghi rõ hạn dùng đến năm 2026 - 2027.
Qua kiểm tra, Công an xã Phong Phú xác định có ít nhất năm điểm đổ bỏ các sản phẩm là thuốc và thực phẩm chức năng mang nhãn hiệu như Silymarin, Pharvita plus, Jollivit, Maxglu 1500, Arginin, Homramin Ginseng... Đây là những mặt hàng được quảng cáo là bổ sung sức khỏe cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người bệnh nền. Thậm chí trên nhiều vỏ hộp còn ghi dòng chữ “nhãn hiệu được bác sĩ và dược sĩ khuyên dùng".
Đặc biệt, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều sản phẩm tương tự đã bị đốt cháy hoàn toàn. Theo nhận định ban đầu, đây có thể là hành vi phi tang chứng cứ, nhằm che giấu nguồn gốc hàng hóa trước khi bị truy quét.
Thông tin ghi trên bao bì cho thấy, nhiều sản phẩm ghi là do Công ty CP dược phẩm MEDIUSA (Lô CN A5, KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) sản xuất, thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm là Công ty CP dược phẩm MEDIUSA (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội); hoặc ghi là sản phẩm của Công ty CP dược phẩm liên doanh MEDIPHAR (KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Qua đối chiếu, tên của hai công ty này trùng với tên các doanh nghiệp trong đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả, đã bị cơ quan công an triệt phá tháng 5 vừa qua.
Truy dấu vết kẻ gian
Ngay khi tiếp nhận tin báo, Sở Y tế TPHCM, Sở An toàn thực phẩm TPHCM và Chi cục QLTT TPHCM đã phối hợp với lãnh đạo xã Phong Phú phong tỏa hiện trường, thu thập chứng cứ. Đồng thời, cơ quan chức năng trích xuất hình ảnh camera an ninh ở nhiều tuyến đường xung quanh để truy vết người và phương tiện đã chuyển số thuốc tây, TPCN đến vứt bỏ tại khu vực này. Đại diện Sở An toàn thực phẩm TPHCM khẳng định, kể cả TPCN là hàng thật nhưng nếu hết hạn sử dụng đều phải tiêu huỷ theo đúng quy trình, dưới sự giám sát của cơ quan chức năng chứ không thể tùy tiện vứt ra môi trường như vậy.
Trước vụ việc trên, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, theo quy định tại Thông tư 03/2020/TT-BYT của Bộ Y tế, các loại thuốc bắt buộc phải tiêu hủy, ngoài những loại đã bị thu hồi, còn bao gồm: thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc hết hạn sử dụng, thuốc chứa chất cấm, thuốc sản xuất từ nguyên liệu không đạt chuẩn, thuốc thuộc các trường hợp bị xử phạt theo nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh đó, thông tư cũng yêu cầu cơ sở có thuốc bị tiêu hủy phải tự thành lập hội đồng hủy thuốc và quyết định phương pháp hủy phù hợp, bảo đảm việc tiêu hủy không gây hại cho con người, động vật và môi trường. Đồng thời, cơ sở phải báo cáo kết quả tiêu hủy kèm theo biên bản gửi về Sở Y tế địa phương, không cần có văn bản đề nghị trước.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, dù thường xuyên bị kiểm tra, xử phạt, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ở TPHCM vẫn chưa giảm. Trong đó một phần nguyên nhân đến từ chính người tiêu dùng. “Nhiều người biết hàng giả nhưng vẫn mua vì giá rẻ, hoặc vì muốn sở hữu sản phẩm giống hàng hiệu dù không đủ khả năng tài chính” - ông Huy nói.
Ông Huy cũng thừa nhận, nhiều tiểu thương coi tiền phạt như chi phí kinh doanh. Bởi họ nhập hàng giả có giá thấp nên dù bán rẻ vẫn có lời. Nếu tiền phạt thấp hơn lợi nhuận, họ vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro. “Việc xử lý hiện nay còn gặp khó do công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, sản phẩm nhái gần giống hàng thật, khó phân biệt bằng mắt thường. Thương mại điện tử cũng khiến việc truy vết khó khăn khi người bán dùng tài khoản ảo, không có địa chỉ cố định. Ngoài ra, lực lượng chức năng thường gặp cảnh báo từ các đối tượng cảnh giới, khiến việc kiểm tra thực tế gặp nhiều trở ngại” - ông Huy nói thêm.
LÀN SÓNG ĐÓNG CỬA, TRẢ MẶT BẰNG TẠI TP.HCM
Không chỉ làn sóng trả mặt bằng, từ đầu năm đến nay nhiều cái tên quen thuộc tuyên bố dừng hoạt động vĩnh viễn khiến không ít người tiêu dùng tiếc nuối.
Tiếp nối làn sóng từ sau Tết Nguyên đán, tiếp tục nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh liên tục đóng cửa, trả mặt bằng.
Dạo một vòng các tuyến đường buôn bán nhộp nhịp ở Tp.HCM như: Phan Đăng Lưu, Điện Biên Phủ, Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Trãi, Trần Quang Khải (quận 1), Lý Chính Thắng, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần (quận 3)… dễ dàng nhìn thấy những bảng treo "cho thuê nhà", "cho thuê mặt bằng".
Có nhiều nguyên nhân khiến làn sóng này tiếp tục.
Thứ nhất, một chuyên gia bất động sản nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân, từ trực tiếp sang trực tuyến thông qua các ứng dựng, sàn thương mại điện tử. Để thích nghi, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt, thay đổi phương thức kinh doanh.
Thứ hai, sự trỗi dậy của trung tâm thương mại.
Theo Savills Việt Nam, thị trường bán lẻ đường phố đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các kênh bán lẻ hiện đại, đặc biệt là các trung tâm thương mại. Các trung tâm thương mại mang đến sự đa dạng hơn về hàng hóa và dịch vụ, thu hút đông đảo người tiêu dùng.
Minh chứng cho xu hướng này là trong 3 năm qua, các dự án trung tâm thương mại mới quy mô lớn như Thiso Mall Sala, Parc Mall, Vincom Mega Mall Grand Park và Centre Mall Võ Văn Kiệt đã ra mắt thị trường với công suất cho thuê đạt ít nhất 70%, bất chấp tỷ lệ trống của mặt bằng bán lẻ đường phố ngày càng có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy sự chuyển dịch trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng và sức hấp dẫn của các mô hình bán lẻ hiện đại.
Thứ ba, kinh tế khó khăn trong khi chi phí mặt bằng neo ở mức cao khiến nhiều bên không thể gồng lỗ.
Ghi nhận, dù thực trạng ế ẩm, nhưng một bộ phận chủ nhà không muốn giảm giá thuê để giữ giá trị bất động sản, hoặc vì lo ngại mất đi lợi nhuận trong dài hạn nên quyết không giảm giá, từ đó dẫn tới nghịch lý, mặt bằng bỏ trống nhưng giá cho thuê vẫn ở mức cao ngất ngưỡng.
Nhiều ý kiến còn cho rằng chủ nhà, chủ mặt bằng vẫn giữ giá thuê cao, một phần là do thị trường đã thiết lập giá cao từ nhiều năm trước, trong khi chỉ số tiêu dùng ở Tp.HCM liên tục tăng.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều thách thức để tồn tại và phát triển.
Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thử thách từ chi phí sản xuất tăng cao, sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế thế giới, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... mặc dù có cải thiện nhưng chưa có chuyển biến rõ nét.
Không chỉ làn sóng trả mặt bằng, từ đầu năm đến nay nhiều cái tên quen thuộc tuyên bố dừng hoạt động vĩnh viễn khiến không ít người tiêu dùng tiếc nuối.
Mới nhất, Hot&Cold, thương hiệu trà sữa và xiên que nổi tiếng có từ năm 2011 vừa thông báo đóng cửa toàn bộ chi nhánh. Trên fanpage chính thức có gần 300.000 lượt người theo dõi, phía quán đã mở đầu thông báo rằng: "Lời chia tay bao giờ cũng nghẹn ngào, khó nói. Nhưng hôm nay, chúng mình phải nói lời tạm biệt. Suốt 14 năm qua, đây là bức thư khó viết nhất mà Hot&Cold từng gửi đến các bạn. Hôm nay, bằng tất cả sự trân trọng, tụi mình xin phép được thông báo: Hot&Cold sẽ ngừng hoạt động, chính thức khép lại hành trình vào ngày 30/6/2025".
Trong thông báo tạm biệt, thương hiệu cho biết từ một cửa hàng nhỏ, Hot&Cold đã phát triển lên hơn 65 chi nhánh trên toàn quốc, có lúc chạm mốc hơn 80 địa điểm - có mặt ở Tp.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Mỹ Tho, Bến Tre, Đà Nẵng... Thương hiệu đã phục vụ hàng tỷ ly trà sữa và trở thành một phần ký ức của nhiều thế hệ khách hàng.
Trước đó, thương hiệu thời trang Hnoss rút khỏi thị trường sau 17 năm hoạt động cũng gây chú ý. Thương hiệu thời trang nữ này ra đời từ năm 2008, từng có 36 cửa hàng trên toàn quốc. Loạt thương hiệu thời trang khác cũng đã đóng cửa hoàn toàn trước đó như Lép, Casta, MỌT, Elpis….
VỐN NGOẠI ĐẠT KỶ LỤC
.jpg)
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại VN tăng cao, đồng thời ghi nhận kỷ lục về số vốn mở rộng cũng như giải ngân.
Những dấu ấn đáng kinh ngạc
Bất chấp những căng thẳng thương mại và xung đột địa chính trị trên thế giới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN vẫn ghi nhận mức kỷ lục. Báo cáo từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy vốn FDI của VN trong 5 tháng đầu năm nay ghi nhận nhiều dấu ấn. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký vào VN đạt 18,39 tỉ USD, tăng mạnh 51,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng số vốn mở rộng của các dự án hiện hữu lên tới 8,52 tỉ USD, cao cấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước và giữ kỷ lục trong thời gian 5 tháng đầu năm của 5 năm qua.
Đồng thời, nguồn vốn FDI thực hiện cũng lập kỷ lục mới, ước đạt 8,9 tỉ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước và là số vốn thực hiện cao nhất trong 5 tháng đầu năm của 5 năm qua. Sự tăng trưởng này cho thấy các nhà đầu tư đang hoạt động tại VN tiếp tục đặt niềm tin vững chắc vào tiềm năng tại nước ta, thể hiện qua quyết định mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư quốc tế cũng tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị đạt 2,86 tỉ USD, tăng 82,9% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể kể đến một số dự án đáng chú ý như Nhà máy Lite-On Quảng Ninh do Tập đoàn Lite-On Technology (Đài Loan) làm chủ đầu tư đã được khởi công vào tháng 3 vừa qua. Dự án được xây dựng trên diện tích đất 30 ha, với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử máy tính, các thiết bị và dụng cụ quang học, thiết bị điện chiếu sáng, thiết bị truyền thông… Nhà máy Lite-On Quảng Ninh có tổng công suất gần 124 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào tháng 11 tới. Lite-On là một trong 10 tập đoàn lớn trên thế giới chuyên sản xuất các linh kiện điện tử máy tính, điện thoại cho các tên tuổi toàn cầu như IBM, Sony, Samsung, Lenovo…
Một trong những dự án lớn vừa được khởi công những ngày cuối tháng 5 là Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (Trump International Hung Yen) có tổng vốn đầu tư gần 40.000 tỉ đồng, tương đương hơn 1,5 tỉ USD.
Có thể thấy, hàng loạt dự án đầu tư mở rộng, khởi công diễn ra khắp nơi. Từ đầu năm đến nay, Bắc Ninh đã 2 lần trao chứng nhận đăng ký tăng vốn cho nhà máy sản xuất màn hình và các linh kiện điện tử của Công ty TNHH Samsung Display VN với tổng vốn đầu tư đăng ký thêm khoảng 1,8 tỉ USD như cam kết của tập đoàn này trong năm 2024. Vào tháng 4, Nestlé của Thụy Sĩ cũng gia tăng vốn đầu tư tại VN với số tiền gần 1.900 tỉ đồng để mở rộng Nhà máy Nestlé Trị An tại tỉnh Đồng Nai. Nhờ dự án mở rộng này, tổng số vốn đầu tư của Nestlé tại VN đã vượt mốc 20.200 tỉ đồng, tương ứng khoảng 904 triệu USD. Đáng chú ý trong tháng 5, dự án xây dựng công viên Yên Sở của Công ty TNHH Gamuda Land VN (Malaysia) cũng điều chỉnh tăng thêm vốn lên tới 1,12 tỉ USD…
Bắc Ninh cũng thu hút 2 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao với tổng mức đầu tư hơn 640 triệu USD vừa được khởi công. Đó là Nhà máy Victory Giant Technology VN và dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn Green Precision Manufacturing VN. Nhà máy Victory Giant Technology VN chuyên nghiên cứu và phát triển, sản xuất, kinh doanh các loại bảng mạch PCB nhiều lớp có độ chính xác cao, HDI, FPC và bảng mạch dẻo Rigid-Flex được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu lớn, internet công nghiệp, ô tô năng lượng xanh, công nghệ truyền thông thế hệ mới, hàng không vũ trụ, thiết bị y tế. Trong khi đó, Green Precision Manufacturing VN chuyên nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các linh kiện cấu trúc chính xác cho sản phẩm tiêu dùng điện tử như loa, điện thoại, máy tính bảng, thiết bị thanh toán điện tử…
Khẳng định niềm tin vào môi trường đầu tư của VN
Dòng vốn FDI đạt nhiều tích cực được GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nước ngoài, lý giải là nhờ những chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt về cải cách tinh gọn bộ máy cùng định hướng đầu tư trọng điểm vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đang tạo lực đẩy lớn cho lợi thế thu hút vốn ngoại của VN. Các nghị quyết mới được Bộ Chính trị liên tiếp ban hành thời gian qua giúp nhà đầu tư nước ngoài thấy được những chính sách vượt trội.
Chẳng hạn, đầu tư vào khu công nghiệp có số vốn lớn, trước đây phải xin giấy phép mất nhiều thời gian thì giờ chỉ cần đăng ký và sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn từ khi đăng ký đến khi được cấp đất, xây nhà máy… Khi nào hoàn thành thì ban quản lý khu công nghiệp hoặc cơ quan chức năng mới đến kiểm tra, tập trung vào công tác hậu kiểm. Cùng với đó là những ưu đãi hấp dẫn về thuế. VN là thị trường có nền kinh tế, chính trị ổn định; lạm phát thấp; tăng trưởng kinh tế 5 tháng đầu năm đã đạt trên 7%; cộng thêm những cải cách mới quyết liệt đã tạo sự an tâm rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, trong bối cảnh cả thế giới đang chao đảo với những cuộc xung đột, căng thẳng thương mại, đặc biệt là chính sách thuế của Mỹ tạo nên nhiều biến động về dòng vốn đầu tư thì việc Chính phủ VN đưa ra những giải pháp rất nhanh, linh hoạt được các nhà đầu tư đánh giá rất cao. "Nhất là mối quan hệ giữa VN và Mỹ liên quan đến thuế đối ứng đang có tín hiệu tích cực. Các đoàn đàm phán của Chính phủ VN với Mỹ cũng đạt được nhiều kết quả khởi sắc, hai bên có cơ hội trao đổi, cung cấp, chia sẻ thông tin, đạt được đồng thuận… Tất cả những yếu tố trên giúp nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tin tưởng vào môi trường đầu tư của VN", GS-TS Nguyễn Mại kết luận.
Theo PGS-TS Nguyễn Quốc Việt, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), giữa bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu và những xung đột về địa chính trị, dòng vốn FDI vào VN vẫn duy trì được xu hướng tích cực một lần nữa khẳng định vị trí địa chính trị rất tốt của VN trong khu vực. VN vẫn là điểm đến được lựa chọn của nhiều tập đoàn nước ngoài trong bối cảnh thế giới cơ cấu lại dòng vốn đầu tư do biến động địa chính trị gia tăng. Thứ hai có thể khẳng định VN đã tham gia được vào các chuỗi cung ứng của thế giới khi ngày càng nhiều tập đoàn nước ngoài xem nước ta như một cứ điểm sản xuất quan trọng. Thứ ba, những nỗ lực, cải cách của VN trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, môi trường kinh doanh được đổi mới hơn, giúp các tập đoàn nước ngoài mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất.
"Tôi cho rằng 3 yếu tố đó là lợi thế lớn nhất của VN so với các nước trong khu vực khi các tập đoàn lớn lựa chọn để cơ cấu lại dòng vốn đầu tư. VN vẫn được đánh giá cao nhất là điểm đến an toàn, có triển vọng phát triển mạnh. Ngoài ra yếu tố cạnh tranh về nguồn nhân lực của VN cũng khá cao. Đặc biệt, việc giải ngân vốn FDI tăng mạnh là điểm tích cực nhất vì thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư ngoại vào môi trường kinh doanh của VN. Từ đó góp phần lan tỏa nhanh hơn trong việc thu hút vốn FDI và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế VN", PGS-TS Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.
Thu hút vốn ngoại vào lĩnh vực công nghệ cao
PGS-TS Nguyễn Quốc Việt nhận xét: Thời gian gần đây, dòng vốn FDI vào VN đã dần dịch chuyển sang các dự án có hàm lượng giá trị cao hơn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, gồm cả những dự án sản xuất trong các ngành công nghệ cao nhất như chip và bán dẫn. Ông tin rằng xu hướng này sẽ ngày càng diễn ra mạnh hơn; đặc biệt với các chính sách mới gần đây như Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và mới nhất là Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Việc triển khai đồng bộ các chính sách trên sẽ giúp tăng cường nội lực kinh tế trong nước; củng cố năng lực cạnh tranh của VN và môi trường kinh doanh cũng có nhiều thay đổi tích cực mạnh mẽ. Từ đó sẽ giúp VN thu hút dòng vốn FDI bền vững nói chung và dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Mặc dù tự tin với khả năng thu hút vốn ngoại vào thị trường VN, song chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại cho rằng các cuộc xung đột về cả chính trị và kinh tế trên thế giới đang biến động rất nhanh và khó lường. Không chỉ Mỹ, mà hiện các nước châu Âu cũng đang chuyển động theo hướng đẩy mạnh đầu tư nội khối để đối phó nguy cơ giảm tăng trưởng. Do đó, một mặt chúng ta vẫn cải cách môi trường đầu tư để thu hút các dòng vốn ngoại chất lượng, một mặt VN cần tăng cường thật mạnh năng lực, tiềm lực của đất nước thông qua khuyến khích đầu tư trong nước, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và đảm bảo dự trữ quốc gia về tiền tệ, lương thực thực phẩm, xăng dầu, các dự trữ năng lượng… Phải biến những nghị quyết của Bộ Chính trị thành hiện thực, làm sao để không có rào cản nào có thể cản bước phát triển của khối DN tư nhân. Bởi khi đã có nội lực mạnh thì dù phải đối mặt với bất cứ sự cố khó lường nào, nền kinh tế vẫn có đủ dư địa để ứng phó.
"Quan điểm thúc đẩy nội lực, đẩy mạnh kinh tế tự lực tự cường cũng cần được triển khai mạnh mẽ trong việc hợp tác với các DN nước ngoài đầu tư vào VN. Khi chúng ta có nội lực mạnh, DN Việt lớn hơn, nhân lực giỏi hơn, am hiểu công nghệ hơn, chúng ta không chỉ còn chờ họ vào đầu tư để làm công cho họ, học tập từ họ, chờ họ lan tỏa giá trị kinh tế mà bản thân DN Việt có thể tự tin hợp tác với họ. Đơn cử, cách đây 15 năm khi Samsung mới vào VN, họ có 87 nhà cung ứng cấp 1 là DN từ Hàn Quốc, chỉ có 5 - 7 DN Việt là làm bao bì đóng gói.
Đến nay, sau nhiều khóa đào tạo, VN đã có hơn 100 đơn vị đủ điều kiện là nhà cung ứng cấp 1, tham gia chuỗi sản xuất của Samsung. Đây là những bài học để chúng ta tận dụng dòng vốn FDI một cách tốt nhất, thay vì chỉ tạo môi trường thuận lợi cho họ vào đây kinh doanh. Để làm được như vậy, các tập đoàn lớn như Vingroup cần được kết nối hợp tác, giúp đỡ các DN nhỏ và vừa, thúc đẩy họ cùng lớn lên, đủ sức hợp tác với các DN nước ngoài", GS-TS Nguyễn Mại lưu ý.
GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM), đánh giá mục tiêu của bất cứ quốc gia nào khi tập trung thu hút dòng vốn ngoại cũng đều muốn tạo ra sự lan tỏa, kết nối các ngành công nghiệp phụ trợ để phát triển ngành công nghiệp trong nước, tham gia chuỗi cung ứng của thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua, sự kết nối giữa khối DN FDI với các DN lớn, DN nhỏ và vừa của VN chưa nhiều. Các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa thực sự phát triển. Các DN FDI khi vào VN vẫn mang theo hệ sinh thái của họ, xây dựng chuỗi giá trị bằng các DN của họ.
Mặt khác, cũng rất khó để ép buộc hay có quy định ràng buộc yêu cầu các DN FDI khi vào VN phải chia sẻ bí kíp, chuyển giao công nghệ cho chúng ta. Do đó, trước mắt VN vẫn phải xác định hiệu ứng lớn nhất của dòng vốn FDI là lan tỏa tạo ra tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương và tạo cơ hội cho DN trong nước tham gia các dự án để từ đó học hỏi về kinh nghiệm, cách quản trị, các hợp đồng kinh tế quốc tế… Song song, có chính sách khuyến khích thu hút dòng vốn FDI vào các ngành công nghệ cao, có giá trị cao, chuyển đổi xanh, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của VN.
GIÁ CHUNG CƯ NGANG NGỬA GIÁ LIỀN KỀ, BIỆT THỰ
Một số chung cư cao cấp, hạng sang tại Hà Nội đang được chào bán với giá 150-300 triệu đồng/m2, ngang ngửa hoặc hơn giá nhà liền kề, biệt thự.
Giá chung cư tại một số dự án ngang nhà liền kề , biệt thự
Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cơ cấu nguồn cung nhà ở thời gian qua vẫn trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. Thị trường có khoảng 14.500 sản phẩm chào bán mới, giảm 50% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, 58% tổng nguồn cung là sản phẩm cao cấp , hạng sang.
Đà tăng giá của chung cư tại Hà Nội chủ yếu đến từ giỏ hàng mới ra mắt ngày càng đắt đỏ. Trong khi đó, một số dự án có giá bán chuyển nhượng đi ngang sau giai đoạn tăng nóng.
"Nguồn cung nhà ở mới chủ yếu phục vụ nhóm người có tài chính cao và nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro cho sự phát triển bền vững của thị trường", VARS đánh giá.
Khảo sát thực tế, tại quận Tây Hồ, các căn hộ có giá dao động từ 150 - 270 triệu đồng/m2. Tại quận Ba Đình, một số căn hộ sky villas được rao bán với giá khoảng 250 - 260 triệu đồng/m2, trong khi căn thông thường cũng ở mức 140 - 200 triệu đồng/m2. Đặc biệt, tại quận Hoàn Kiếm, một dự án căn hộ "hàng hiệu" được chào với mức giá lên tới 500 - 700 triệu đồng/m2. Thậm chí Đông Anh có giá chung cư lên đến 110 triệu đồng/m2.
Với những mức giá này, căn hộ chung cư đã tiệm cận hoặc thậm chí cao hơn giá nhà liền kề, biệt thự tại nhiều dự án ở các khu vực khác của Hà Nội.
Cũng theo ghi nhận của Tiền Phong, mức trên 100 triệu đồng/m2 mới xuất hiện từ cuối năm 2021, đầu 2022. Trước đó, thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án từ chủ đầu tư mức giá này. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, dòng sản phẩm này có xu hướng xuất hiện nhiều hơn.
Một trong những nguyên nhân chính khiến giá chung cư tăng mạnh là do chi phí đầu vào ngày càng cao, bao gồm giá đất, nguyên vật liệu, chi phí pháp lý và chi phí tài chính. Ngoài ra, việc nguồn cung căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội hạn chế cũng khiến người dân không còn nhiều lựa chọn.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở mới đã tạo hành lang pháp lý mới, loại bỏ các chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, buộc các chủ đầu tư còn lại trong “sân chơi” phải phát triển các đại đô thị đồng bộ hạ tầng, tiện ích, có sức lan tỏa lớn, đồng nghĩa với việc chi phí tăng cao, cũng khiến giá nhà khó hạ.
Đồng thời, việc thị trường chỉ còn lại các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, năng lực mạnh sẵn có hay có lợi thế tạo lập quỹ đất sẽ tiếp tục duy trì hiện tượng độc quyền nguồn cung, các chủ đầu tư lớn sẽ tiếp tục quyết định mức giá của thị trường, theo hướng cao hơn để tối đa hóa lợi nhuận. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.
Người mua ngày càng thận trọng
Theo các chuyên gia việc giá tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của phân khúc này. Theo đó, dù giá chung cư tăng cao, đặc biệt ở phân khúc cao cấp và hạng sang, nhưng tính thanh khoản của nhóm sản phẩm trên 150 triệu đồng/m2 lại không cao do kén khách hàng. Thị trường chung cư nói riêng và bất động sản nói chung đang trong giai đoạn chững lại, khiến các sản phẩm cao cấp, hạng sang rất ít giao dịch.
Một yếu tố quan trọng khác làm giảm thanh khoản là tâm lý thận trọng của người mua. Sau giai đoạn tăng “nóng”, cả người mua ở thực lẫn nhà đầu tư đều có xu hướng chờ đợi. Nhiều người dân dù có nhu cầu thật nhưng chưa tìm được sản phẩm phù hợp túi tiền. Còn nhà đầu tư thì cân nhắc kỹ hơn trước khi “xuống tiền”, nhất là trong bối cảnh lãi suất chưa thực sự ổn định và khả năng tăng giá của bất động sản đang chững lại.
TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế nhận định: “Việc giá chung cư bị đẩy lên quá cao trong khi giá trị sử dụng thực tế không tương xứng sẽ tạo ra sự lệch lạc trong thị trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sở hữu nhà của người dân mà còn tiềm ẩn rủi ro bong bóng bất động sản".
Nguồn: Tiền Phong; Soha; Thanh Niên; CafeF
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá