.jpg)
SỐC: VÉ MÁY BAY DỊP 30-4 ĐẮT NGANG TẾT
Giá vé hạng phổ thông chặng Hà Nội - TP HCM ngày 29-4 hiện được các hãng hàng không niêm yết ở mức dao động từ 3,4 đến 3,74 triệu đồng
Tăng ngàn chuyến bay, giá vé cao chót vót
Trong dịp nghỉ Lễ 30-4, 1-5 (từ ngày 25-4 đến ngày 5-5-2025), trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến thực hiện 7.536 chuyến bay, tăng 21% so cùng kỳ năm trước; cung ứng khoảng 1,5 triệu ghế, tăng 22%.
Dữ liệu khảo sát giá vé trên một số đường bay cho thấy, trong ngày đầu nghỉ lễ (29-4) giá vé hạng phổ thông chặng Hà Nội - TP HCM hiện được các hãng hàng không niêm yết ở mức dao động từ 3,4 đến 3,74 triệu đồng tùy hãng.
Hãng Bamboo Airways và Vietnam Airlines niêm yết giá vé cao nhất khoảng 3,6 triệu và 3,7 triệu, trong khi Vietjet Air cung cấp mức giá thấp hơn không đáng kể, giá dao động từ 2,9 đến 3,68 triệu đồng và Vietravel Airlines ghi nhận mức giá đến 3,41 triệu đồng.
Mức giá trên tương đương mức giá được ghi nhận trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Trên chặng TP HCM - Đà Nẵng, giá vé chiều đi ngày 29-4 cũng được ghi nhận ở mức cao, từ 2,5 triệu đồng với Vietnam Airlines, trong khi Vietjet Air và Bamboo Airways có mức giá dao động trong khoảng 1,5 đến 2,2 triệu đồng.
Chặng Hà Nội - Đà Nẵng giá vé cao hơn từ 2,3 tới 3,5 triệu đồng với Vietnam Airlines, các hãng còn lại từ 1,9 tới 2,4 triệu đồng.
Chặng Hà Nội - Phú Quốc Vietnam Airlines niêm yết giá vé cao nhất tới 4,5 triệu đồng, còn Vietjet Air dao động từ 2,7 tới 4,3 triệu, TP HCM - Phú Quốc giá vé từ 1,6 triệu tới 2,7 triệu đồng.
Chặng Hà Nội - Cam Ranh, ghi nhận mức giá từ 3,3 tới 3,7 triệu đồng.
Tại chiều ngược lại, từ các địa phương du lịch trở lại Hà Nội và TP HCM, giá vé tăng dần trong các ngày cuối của kỳ nghỉ lễ.
Khảo sát ngày 4-5, giá vé chặng Cam Ranh-Hà Nội được ghi nhận cao nhất của VietJet Air là 3,68 triệu đồng, trong khi các hãng còn lại hiện tại đã hết vé hạng phổ thông.
Còn từ Cam Ranh về TP HCM, Vietjet Air ghi nhận mức giá 1,8 triệu đồng, trong khi Vietnam Airlines cao nhất lên tới 2,7 triệu đồng.
Tại chặng Phú Quốc - Hà Nội, ngày 4-5 hiện tại đều đã hết vé hạng phổ thông, trong khi chặng về TP HCM, giá vé của Vietnam Airlines từ 1,9 tới 2,7 triệu đồng, các hãng còn lại (Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines) đều ghi nhận mức giá trung bình là 1,8 triệu đồng.
Đã bán bao nhiêu vé?
Theo khảo sát của Cục Hàng không, giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ lễ (từ ngày 29-4 đến ngày 4-5), tỉ lệ đặt chỗ trên các đường bay du lịch từ Hà Nội, TP HCM đến các địa phương đa phần đã đạt mức trên 50% trong các ngày đầu nghỉ lễ (ngày 29, 30-4).
Đây là những ngày hành khách bắt đầu được nghỉ lễ và di chuyển tới các địa điểm du lịch trong nước, trong đó một số đường bay đã đạt từ 85% đến 100% tỉ lệ đặt chỗ trong ngày 30-4, như các chặng: Hà Nội - Huế (89%), Hà Nội - Tuy Hòa (94%), Hà Nội - Chu Lai (95%), Hà Nội - Đồng Hới (103%), TP HCM - Phú Quốc (87%), TP HCM - Côn Đảo (92,7%), TP HCM - Tuy Hòa (100%)…
Vào cuối kỳ nghỉ lễ (giai đoạn từ ngày 3-5 đến ngày 4-5), tỉ lệ đặt chỗ đã thể hiện mức tăng cao trên các đường bay từ địa phương về lại TP HCM và Hà Nội, trong đó một số đường bay có tỉ lệ đặt chỗ đã đạt tỉ lệ cao như: Nha Trang - TP HCM (98%), Tuy Hòa - TP HCM (97%), Phú Quốc - Hà Nội (100%), Tuy Hòa - Hà Nội (99%), Đồng Hới - Hà Nội (103%)…
Đối với các đường bay trục như TP HCM - Đà Nẵng, TP HCM - Hà Nội, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP HCM, tỉ lệ lấp đầy vẫn ở mức trung bình, đạt trung bình từ 30% đến 60%.
Riêng chặng Hà Nội - Đà Nẵng và chiều ngược lại đã đạt trên 70% và đang có xu hướng tiếp tục tăng lên.
Cục Hàng không tăng cường giám sát
Lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định tổ chức theo dõi sát sao tình hình đặt chỗ, giữ chỗ và diễn biến giá vé của các hãng hàng không trong các dịp cao điểm để đảm bảo minh bạch, ổn định thị trường và giúp hành khách tiếp cận thông tin giá vé kịp thời.
Trước đó, Bộ Xây dựng yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ; thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công bố, công khai giá bán và mức giá vé theo quy định.
VỤ GIÁM ĐỐC CHUYỂN HÀNG NGHÌN TỶ RA NƯỚC NGOÀI
Nguyễn Ngọc Phương - Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường bị xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo cấp dưới dùng các thủ đoạn tinh vi để chuyển trái phép hàng nghìn tỷ đồng ra nước ngoài.
Như VietNamNet đã đưa, ngày 21/4 tới, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử theo trình tự sơ thẩm vụ án vận chuyển hơn 214 triệu USD (tương đương hơn 4.719 tỷ đồng) ra nước ngoài trái phép.
Liên quan đến vụ án, Nguyễn Ngọc Phương - Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường bị đưa ra xét xử về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Theo cáo buộc, từ năm 2014- 2018, Nguyễn Ngọc Phương đã sử dụng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước do ông ta thành lập, điều hành, chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa, tạm nhập tái xuất, mua bán hàng hóa trong nước nhằm hợp thức vốn vay ngân hàng, thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Ở trong nước, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường dùng 7 pháp nhân (một số pháp nhân nhờ người đứng tên công ty); ở nước ngoài sử dụng 3 doanh nghiệp tại Hồng Kông (Trung Quốc) do chính ông Phương thành lập và điều hành.
Để có tiền chuyển ra nước ngoài, Nguyễn Ngọc Phương chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp ở trong nước với 3 doanh nghiệp ở Hồng Kông nêu trên và hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp ở trong nước với nhau để hợp thức hồ sơ vay vốn ngân hàng, hồ sơ thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Tiền được Nguyễn Ngọc Phương chỉ đạo chuyển ra nước ngoài qua 3 ngân hàng trong nước rồi đổ vào tài khoản của 3 công ty ở Hồng Kông thông qua các hợp đồng nhập khẩu khống.
Theo cáo buộc, bị can Nguyễn Ngọc Phương đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu. Từ năm 2014 đến 2018, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo cấp dưới là Phạm Thị Thu Thủy, Đinh Thị Diệu Thúy phối hợp tính toán số tiền cần vay trong mỗi hợp đồng tín dụng, số tiền cần chuyển ra nước ngoài để cân đối lập khống hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân, hồ sơ thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Sau khi trao đổi và thống nhất chủ trương vay vốn tại các ngân hàng, bị can Phương giao bà Thủy làm việc trực tiếp với cán bộ ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn, giải ngân. Trên cơ sở làm việc với ngân hàng, Phạm Thị Thu Thủy trao đổi với Đinh Thị Diệu Thúy về số tiền được giải ngân để lên phương án lập khống hồ sơ rồi chuyển tiền ra nước ngoài.
Để hợp thức hồ sơ nhập khẩu, Đinh Thị Diệu Thúy còn làm giả hồ sơ hải quan nộp cho ngân hàng nhằm giải ngân và thanh toán quốc tế với số tiền còn lại theo mỗi hợp đồng nhập khẩu, tạm nhập tái xuất.
Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường, Thủy và Thúy đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới dùng 6 doanh nghiệp trong nước lập khống hồ sơ nhập khẩu với 3 doanh nghiệp ở Hồng Kông để chuyển trái phép 148 lượt tiền ra nước ngoài thông qua 3 ngân hàng trong nước với tổng số tiền hơn 214,1 triệu USD (tương đương hơn 4.719 tỷ đồng).
Cáo buộc cho rằng, ngoài ra, Nguyễn Ngọc Phương còn có hành vi chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam 212 triệu USD (khoảng hơn 4.773 tỷ đồng). Như vậy, bị can Phương đã cầm đầu thực hiện chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (từ Việt Nam sang Hồng Kông và từ Hồng Kông về Việt Nam) với tổng số 425,1 triệu USD, tương đương gần 9.500 tỷ đồng.
DỆT MAY TRƯỚC SÓNG GIÓ THUẾ QUAN: CẦN MỘT “CÁNH RỪNG THÔNG” LIÊN KẾT
.jpg)
Ngành dệt may Việt Nam phải mạnh mẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và các doanh nghiệp dệt may cần tăng cường liên kết tạo thêm sức mạnh, đồng thời nỗ lực sản xuất xanh trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều thử thách.
Đây là những nhận định của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp trong bối cảnh dệt may Việt Nam đang đối diện với thử thách to lớn từ chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngành dệt may Việt Nam cần tăng cường sức mạnh liên kết
Chính sách thuế quan của Mỹ như một cơn bão càn quét cả thế giới, bà Lê Nguyễn Trang Nhã, Tổng giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam, nhận định tại hội thảo ngành dệt may diễn ra hôm nay 10/4 trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế SaigonTex - SaigonFabric 2025 của ngành tại TP.HCM.
“Nếu so sánh mỗi doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam như một cây thông thì bão to có thể quật ngã cây. Nhưng nếu cùng liên kết với nhau như cả một rừng thông thì bão dù to đến mấy cũng khó quật ngã cả cánh rừng như vậy”, bà Trang Nhã ví von khi nhấn mạnh việc các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần chung tay trong bối cảnh mới này, một bối cảnh thật sự là thử thách rất lớn.
“Vừa sáng nay tôi biết được thông tin khá mừng để chia sẻ là Mỹ sẽ hoãn việc áp thuế quan đối ứng trong 90 ngày đối với nhiều nước bao gồm Việt Nam”, bà Trang Nhã thông tin.
CEO của Viking Việt Nam (doanh nghiệp trong ngành dệt may do Đan Mạch đầu tư 100%) đề xuất giải pháp để các doanh nghiệp bắt tay nhau: “Liên kết chuỗi cung ứng mang tính sống còn, các doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải có định hướng chiến lược phù hợp, học hỏi lẫn nhau, liên kết để cùng tồn tại và phát triển bền vững”.
Bà Trang Nhã đề xuất 3 hình thức liên kết chuỗi cung ứng phổ biến: Liên kết dọc, liên kết ngang, liên kết hỗn hợp.
Liên kết dọc nghĩa là liên kết các công ty hoạt động trong cùng một chuỗi giá trị, như nhà cung ứng nguyên vật liệu, nhà sản xuất, bên vận tải, bên bán hàng. Trong đó, công ty ở phía trên nắm giữ dây chuyền công nghệ và đưa ra định hướng phát triển chung.
Trong khi đó, liên kết ngang là phải kết hợp các công ty có sản phẩm, dịch vụ liên quan nhau để tận dụng hệ thống phân phối để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, hình thức liên kết hỗn hợp sẽ gồm cả liên kết dọc và liên kết ngang, nghĩa là liên kết đa ngành, đa lĩnh vực, liên kết theo năng lực sản xuất hay thế mạnh của doanh nghiệp.
Dệt may bắt buộc phải sản xuất bền vững, sản xuất xanh
Các doanh nghiệp và đại biểu tại hội thảo cũng được học hỏi kinh nghiệm từ TUV Rheinland -- tổ chức quốc tế chứng nhận độc lập kiểm soát về kỹ thuật và an toàn với trụ sở chính tại Đức.
Bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia từ TUV Rheinland Việt Nam, đề xuất một số giải pháp để ngành dệt may Việt Nam có thể tiếp tục cạnh tranh trên trường quốc tế, tập trung vào sản xuất xanh. Bà nhấn mạnh, yêu cầu về sản xuất bền vững và chuyển đổi xanh của thế đang là áp lực cho doanh nghiệp vì chi phí đầu tư quá lớn.
Bà Thúy gợi ý: “Vì vậy, tại sao chúng ta không làm trước các điều kiện cần như thực hiện các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, tuân thủ yêu cầu về môi trường như tuân thủ bộ tiêu chuẩn BSCI và SMETA”?
BSCI là bộ tiêu chuẩn thiết lập giúp cải thiện điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. BSCI giúp các công ty đảm bảo rằng nhà cung cấp của họ tuân thủ các quy tắc về đạo đức kinh doanh, quyền lợi người lao động và môi trường trong quá trình sản xuất.
Trong khi đó, SMETA là bộ tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới; vì vậy mọi tổ chức, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nên tìm hiểu và áp dụng để chứng minh sự tuân thủ về trách nhiệm xã hội và mở ra nhiều cơ hội hội nhập hơn trong tương lai.
Hội thảo cùng chia sẻ ý kiến rằng ngành dệt may Việt Nam không thể tiếp tục vận hành theo mô hình gia công truyền thống. Bà Thúy cho rằng, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không những phải nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng bền vững mà còn tiếp tục tăng cường công tác marketing và xây dựng thương hiệu xanh, hợp tác và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, liên tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm…
TS. Huỳnh Thanh Điền, một chuyên gia hội nhập kinh tế quốc tế nhấn mạnh, dệt may Việt Nam đang đứng trước thách thức lẫn cơ hội. Ông cho biết, thị trường EU đang chiếm 13% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam và thuế dành cho Việt Nam chỉ 0% - 5%. Trong khi đó, các nước cạnh tranh như Bangladesh, Indonesia và Mexico chịu tới 9 - 12% từ EU.
TS Điền nhấn mạnh: “EU khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu bền vững, quá trình sản xuất tuần hoàn, chuỗi cung ứng cần minh bạch. Các nhà nhập khẩu EU ngày càng yêu cầu khắt khe hơn việc nhà cung cấp tuân thủ các tiêu chuẩn xanh. Từ năm 2026, EU sẽ áp dụng CBAM”.
CBAM là một công cụ chính sách mới của EU nhằm tạo ra mức giá công bằng đối với lượng khí thải CO₂ phát sinh trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu vào EU.
Trong khi đó, CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam đã tham gia) chưa khắt khe bằng thị trường EU nhưng tạo áp lực cạnh tranh về sản xuất xanh trong nội khối, TS Điền lưu ý. Khối CPTPP – còn bao gồm Vương quốc Anh, Canada, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Mexico, Peru, Chile, Singapore, Brunei và Malaysia – chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu của dệt may Việt Nam nhưng thuế phổ biến dành cho Việt Nam là 0%.
Ông Điền cho biết, thị trường Mỹ chiếm đến 42% trong tổng giá trị xuất khẩu của dệt may Việt Nam năm 2024. Ngoài ra, EU với 13%, Nhật Bản chiếm 9,5%, Trung Quốc 7,5%, Hàn Quốc 7% và ASEAN 5,5%.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), các doanh nghiệp Việt phải giảm phụ thuộc vào thị trường đơn lẻ. Ông cho rằng, hệ thống 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã có hiệu lực với Việt Nam, và có thể tăng lên 22 trong thời gian tới. Đây là cơ sở cho ngành tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
DÂN CHUNG CƯ HÀ NỘI KHÔNG DÁM DÙNG NƯỚC SINH HOẠT VÌ CÓ MÙI LẠ
Khoảng 2.000 cư dân khu chung cư SDU (phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) không dám dùng nước sinh hoạt vì nước bốc mùi hôi thối, nghi ngờ có thể do rò rỉ từ bể phốt sang.
Nước sinh hoạt bốc mùi hôi tanh
Theo phản ánh của cư dân tòa sinh sống tại chung cư SDU (phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội ), những ngày qua, họ phải sống trong cảnh hoang mang, lo lắng khi nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn , bốc mùi lạ.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Minh - cư dân chung cư SDU cho biết, tình trạng nước sinh hoạt có mùi hôi thối kéo dài khoảng 2 tháng nay khiến người dân không dám sử dụng.
"Cư dân phát hiện nguồn nước sinh hoạt của tòa nhà bị bốc mùi hôi thối, tanh như nước sông bị ô nhiễm từ cuối tháng 2/2025. Đặc biệt, do sử dụng nước sinh hoạt có mùi trước đó, không ít cư dân phải nhập viện hoặc khám bác sĩ vì mẩn ngứa, viêm da, nhiễm trùng đường ruột, tiêu chảy...”, anh Minh nói.
Trong khi đó, theo chị Giang – cư dân chung cư SDU, kể từ khi phát hiện nước sinh hoạt bốc mùi, cuộc sống hàng ngày của các hộ dân tại đây gặp nhiều xáo trộn.
“Từ đó đến nay, cả khu không ai dám sử dụng nước sinh hoạt để nấu ăn mà phải mua nước sạch ở ngoài để phục vụ việc ăn uống, vệ sinh cho con, còn người lớn thì đành chấp nhận hàng ngày xuống sảnh tòa nhà xếp hàng lấy nước từ vòi tạm để sinh hoạt cầm chừng. Điều đáng nói, sau nhiều tháng phát hiện nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục khiến cuộc sống chúng tôi bị đảo lộn, mệt mỏi.”, chị Giang bức xúc.
Nghi nhiễm nước bẩn từ bể phốt
Theo cư dân, chung cư SDU do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư với khoảng 2.000 cư dân đưa vào sử dụng khoảng 10 năm.
Nguồn nước sinh hoạt của tòa nhà do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cung cấp, được bơm vào ba bể chứa ngầm dưới chân tòa nhà. Trong đó bể số 3 có vách chung với bể phốt khiến nhiều cư dân nghi ngờ mùi hôi có thể do rò rỉ từ bể phốt sang.
Ông Nguyễn Khắc Điền, Trưởng ban quản trị tòa nhà cho biết, đã nhận được phản ánh về tình trạng nước ô nhiễm từ ngày 26/2. Ban quản trị đã liên hệ công ty nước sạch để lấy 11 mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để kiểm tra, xét nghiệm. Tuy nhiên, kết quả cho thấy các mẫu đều đạt chuẩn, không phát hiện Amoni.
Không đồng tình với kết quả này, 38 hộ dân đã làm đơn kiến nghị, sau đó thống nhất với ban quản trị tiến hành xét nghiệm độc lập với 5 mẫu nước. Kết quả cho thấy 4 mẫu không đạt chuẩn (tại bể ngầm, bể mái, tầng 30 và tầng 8), với hàm lượng Amoni cao gấp hơn 2 lần quy chuẩn, E.coli gấp 500 lần, Pseudomonas aeruginosa vượt 50 lần và tụ cầu vàng cũng vượt ngưỡng cho phép.
Sau khi phát hiện vấn đề, ban quản trị và ban quản lý tòa nhà đã tiến hành thau rửa bể chứa. Tuy nhiên theo phản ánh của cư dân, mùi hôi vẫn không hết. Sau đó, một nhóm cư dân xuống bể kiểm tra phát hiện nước nổi váng dù đã được thau rửa, thành một số bể bị vỡ vụn khi chạm vào, bề mặt có lớp cặn đen nhờn, nhiều bùn lắng đọng...
Do đó, để khắc phục triệt để tình trạng nước bị nhiễm bẩn cư dân kiến nghị chủ đầu tư có biện pháp xây mới bể ngầm để đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt cấp cho toà nhà.
Liên quan sự cố bể ngầm tại chung cư SUD, UBND phường Văn Quán cho biết, đã yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án xử lý cụ thể để khắc phục việc bể nước ngầm của toà nhà bị hư hại. Theo kế hoạch, tình trạng nước có mùi và vấn đề bể chứa phải được khắc phục trước ngày 30/4.
Đồng thời, trong thời gian sửa chữa bể ngầm, chủ đầu tư sử dụng tạm thời ba téc nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Nguồn: Kenh14; Vietnamnet; Dân Việt; CafeF
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá