Nỗi niềm người Việt hành nghề bán hàng hoa ở Đức: Ngày làm 12 tiếng, 7 ngày 1 tuần, cứ thế cho tới khi không thể

Đúng 8 giờ 30 mặc dù sáng Chủ nhật lạnh lẽo, chị B. bắt đầu dựng quầy hoa của mình trong một đường hầm đến một ga tầu S-Bahnhof, Berlin. Chị B. 57 tuổi, người nhỏ bé, với đôi má hồng tươi, mái tóc đen được vấn lại thắt bằng chiếc khăn quàng quấn kín cổ chống giá rét, vận chiếc áo nỉ mầu gi, và đeo găng tay cao su màu xanh.

Với các kệ giá di động chất đầy hoa, chị vận chuyển hàng chục giỏ hoa từ kho hàng nằm phía sau quầy ra phía trước để trưng bày. Chị bảo đây là công việc nặng nhọc, trong khi đang dùng hết sức mình bê những giỏ đựng đầy hoa đồng tiền trắng, hoa hồng đỏ và thược dược đầy màu sắc lên kệ rồi đẩy đi. Tới nơi bày bán, chị bê chúng đặt lên giá gỗ. Chín giờ, công việc chuẩn bị xong, hoa được bày bán rực rỡ như một thảm hoa bắt mắt người qua lại. Một người đạp xe đi qua vào nhà ga. Trông thấy, chị gọi to, hôm nay không có tầu. Người đi xe giật mình lầu bầu, vâng, rồi quay xe.

Chị B. bán hàng hoa suốt 8 năm nay, bảy ngày một tuần, nghĩa là không có ngày nghỉ. Mặc dù công việc cải tạo nhà ga đang làm tê liệt S-Bahn, tính tới nay đã 3 tuần, ngày cuối tuần hôm nay chị vẫn bày bán. Chị nói, nếu S-Bahn không chạy, sẽ có rất ít khách hàng đến hơn. Tuy nhiên, hôm qua, chị nhận thêm hoa mới từ nơi bán buôn ở Marzahn, chúng phải được đưa ra ngoài trời thoáng khí, nếu không sẽ bị rũ héo.

Ngay sau đó, có một phụ nữ mập mạp với mái tóc ngắn, nhuộm đỏ tới nhìn ngắm quầy hoa rồi nói: Tôi cần hai bó hoa mỗi bó 12 euro, và loại hoa màu cá hồi. Người phụ nữ chỉ vào giỏ thược dược màu vàng và nhẹ nhàng rút ra vài bông ngắm nghía. Chị B. nói tiếng Đức thường khách hàng khó hiểu, nên luôn tay chỉ trỏ ra hiệu, đầu lắc hoặc gật, rồi hỏi khách, ngài có cần thêm mầu xanh không? Khách trả lời không nhưng bảo chị cắt cuộng ngắn thêm một chút.

Chị xé tờ giấy dùng để bó hoa màu vàng cam từ cuộn giấy chuyên dụng ngay bên cạnh trên mặt bàn mình rồi quấn nó quanh bó hoa. Khách hàng nhìn theo từng cử động hai tay thoăn thoắt của chị, tấm tắc khen bó hoa rất đẹp, rồi bảo muốn mua thêm một bó cho riêng mình. Vài phút sau, bó hoa thứ hai đã sẵn sàng. Chị bảo khách hàng tổng cộng 22 Euro.

Đúng được một khách hàng, rồi mãi không thấy ai tới nữa.

Bữa sáng tiết kiệm

Hơn 10 giờ rưỡi sáng. Vẫn không có khách hàng. Hỏi chị B đã ăn sáng chưa? Chị chìa ngón tay trỏ ra xoay một vòng bên thái dương ra vẻ suy nghĩ, rồi nói: 3 euro cho bữa sáng, 90 euro một tháng. Một người ở Việt Nam có thể sống được trong cả một tháng. Số tiền này chị B thích tiết kiệm như một lẽ sống hơn là tiêu xài.

Chị B. đã sống ở Đức đến nay đã 23 năm. Từ 8 năm nay chị chưa hề mua thêm một bộ quần áo mới nào. Dưới chiếc áo len đan màu đỏ, chị mặc thêm tới 5 lớp áo. Cứ mỗi buổi tối, một người phụ nữ có mái tóc bạc đến và đưa cho cho chị B. những tờ báo cũ để sử dụng làm giấy gói, bởi mua giấy gói cũng tốn tiền.

Đằng sau lẽ sống tiết kiệm của chị B là niềm vui mang lại từ số tiền thu được từ kinh doanh hàng hoa để gửi về Việt Nam, quê nhà chị ở Nam Định. Chị gái và anh trai của chị B. sống ở đó.

Đến đầu giờ trưa, con trai chị gọi điện từ Hà Nội tới, thời đại gọi điện miễn phí qua mạng nên giờ này trở thành lịch thường nhật của chị dành cho con cái. Gọi miễn phí nên kết nối nhiều khi bập bõm. Chị cầm điện thoại trên tay, đeo kính mầu và liếc vào màn hình. Sắc mặt con trai trên màn hình cứ chập chờn lúc rõ lúc không, đằng sau là đất trời chạng vạng tối. Múi giờ chênh nhau tới 6 tiếng giữa Berlin và Hà Nội. Cả hai nói đủ thứ chuyện, nhưng nhắc nhiều tới cháu trai của chị bé bỏng lên 4 tuổi, chị cưng nựng như một cục vàng.

Con trai chị là một doanh nhân thành đạt. Hai năm trước, cả nhà con trai với vợ là bác sĩ nha khoa, cùng cháu tới Berlin thăm mẹ mình. Chị B. không bao giờ quên nổi giờ phút đưa vợ chồng con và cháu mình tới xem quầy bán hoa tươi của mẹ. Con bà đã bật khóc, khi cả 3 đứng trong kho nhập hàng chỉ có mỗi một chiếc lò vi sóng cũ kĩ để làm nóng thức ăn nuôi mẹ cả ngày, đằng đẵng năm tháng này qua năm tháng khác. Con trai chị tha thiết khuyên mẹ trở về Việt Nam. Nhưng chị vẫn muốn ở lại.

Quầy hoa công sức cả cuộc đời

Chị B rất tự hào về con trai mình. Nhưng quầy hoa là đã gắn bó với cả cuộc đời của chị. Chỉ khi không thể còn sức làm việc được nữa, chị mới có thể quay lại quê nhà cùng chị gái đang sinh sống ở quê hương Nam Định.

Chị B đã từng tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo đói Việt Nam xảy ra vào Giáng sinh năm 1999 bằng một thị thực du lịch Đức. Ở Nam Định, nơi chị từng làm thợ may, người ta nói rằng các chính khách Đức có một trái tim nhân hậu. Và nay chị vẫn tin điều đó. Mặc dù, nước Đức không phải lúc nào chị cũng hài lòng. Tại Sở Ngoại kiều ở Eisenhüttenstadt, chị đã trải qua những những ngày ú ám mất hết niềm tin. Căn hộ hai phòng của chị ở Schöneberg đã bị cảnh sát theo dõi và khám xét vì bị cáo buộc cuộc hôn nhân giữa chị và chồng Đức là giả tạo.

Chồng Đức của chị là một giảng viên khoa học chính trị đã nghỉ hưu. Hai người kết hôn vào năm 2004. Chồng chị thuyết phục chị biến sở thích hoa thành nghề nghiệp, trực tiếp tìm và giúp chị kí hợp đồng thuê một ki ốt bán hoa ở Schoeneberg, đáng tiếc ki ốt bị lỗ, buộc phải đóng cửa. Tiếp đó chị chuyển sang lập quầy hoa tại nhà ga ở Tempelhof.

Năm 2005, ở tuổi 40 tuổi, chị đã mở gian hàng bán hoa tươi tại nhà ga này. Chị đã học được rất nhiều điều từ người Đức trong thao tác, kĩ năng chọn lựa trang trí hoa, theo thời vụ, mùa nào hoa nấy. Ở Việt Nam, gia đình chị rất thích mua hoa loa kèn như bên Đức, nhưng loại này rất đắt tiền.

Năm tháng trôi qua. Chị B. làm việc 12 giờ một ngày, từ tám giờ rưỡi sáng đến tám giờ tối. Công việc kinh doanh diễn ra suôn sẻ và chị đã nhận được giấy phép cư trú vô thời hạn. Một gia đình hạnh phúc, ấm cúng, luôn luôn sau bữa sáng, trước khi đi làm, chồng chị thường chơi một bản nhạc guitar chào tạm biệt.

Năm 2009, chồng chị đến Chile định cư, lên kế hoạch xây một ngôi nhà ở đó làm nhà dưỡng già cho cả hai. Còn chị sau khi nghỉ bán sẽ sang Chile sống cùng chồng. Nhưng đau đớn thay, đời người không thể nói trước, ngay sau đó, chồng chị đột ngột qua đời vì đột quỵ chết trong một bệnh viện ở Chile.

Những tuần sau đó, khách hàng trông thấy chị bảo rằng trông chị giống như người đã chết. Chị như người mất hồn, xơ xác, gầy rộc mất hết cả thần sắc. Rồi một lần, sau khi tháo dỡ quầy hàng hoa của mình, chị không thể tìm được đường về nhà.

Chỉ một lần gặp bác sĩ

Nhưng may thay, sau đó chị B vẫn hành nghề tiếp tục. Hiện chị sống trong 1 căn hộ 1 phòng, thuê lại tại Lichterfelde. Chị kể, rất tự hào vì từ năm 2009 chỉ đến bác sĩ một lần. Chị cũng chưa bao giờ nhận tiền trợ cấp xã hội, và đó là điều quan trọng đối với chị vì không phụ thuộc vào nhà nước.

Hết một ngày làm việc

18 giờ rưỡi. Hôm nay chỉ có một nhúm khách hàng. Chị B thu dọn quầy hàng sớm hơn bình thường một chút, bởi hôm nay có mở cửa tiếp thì chắc cũng chẳng còn ai đến.

Từ điện thoại di động của chị, giọng nói của một phát thanh viên tin tức Việt Nam vang lên. Đèn huỳnh quang trong quầy bật sáng, cả quầy hoa lại rực rỡ trong ánh điện. Chị B. thả mình ngồi xuống ghế bó gọn lại các nhành hoa để cất đặt, chuẩn bị đóng cửa, kết thúc một ngày làm việc ngót 12 tiếng.

(Xem thêm:

=> Hội đồng Cứu xét Sachsen quyết định xem xét trường hợp gia đình ông Phạm Phi Sơn bị lệnh trục xuất sau 37 năm ở Đức).

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang