Nguyễn Thị Thanh Nhàn kháng cáo; Truy tố bà Phương Hằng; Số TT Đăng kiểm đang 'đóng cửa'; Vụ 'làm luật' xe chở quặng

Vụ án AIC: Luật sư của Nguyễn Thị Thanh Nhàn kháng cáo toàn bộ bản án

(Ảnh minh họa).

Sau gần 1 tháng tuyên án bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo trong vụ án Công ty AIC vi phạm đấu thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, đến nay, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 16 bị cáo và Công ty AIC.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng chưa đủ căn cứ chứng minh bị cáo Nhàn là chủ mưu, chỉ đạo việc thông thầu, việc định giá thiệt hại là quá cao.

Sau gần 1 tháng tuyên án bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo trong vụ án Công ty AIC vi phạm đấu thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, đến nay, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 16 bị cáo và Công ty AIC.

Trừ một số bị cáo bỏ trốn, hầu hết các bị cáo kháng cáo đều xin được giảm nhẹ hình phạt. Công ty AIC kháng cáo phần dân sự, đề nghị đánh giá lại giá trị thiệt hại mà Công ty AIC phải bồi thường.

Trong vụ án này, tòa tuyên phạt các bị cáo về các tội: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cả 8 bị cáo bỏ trốn trong vụ án này đều được luật sư bào chữa kháng cáo thay. Trong số đó, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng chưa đủ căn cứ chứng minh bị cáo Nhàn là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo việc thông thầu, việc định giá thiệt hại là quá cao và chưa được tranh luận làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm. Từ đó, luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Luật sư của bị cáo Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) kháng cáo toàn bộ bản án và cho rằng tòa cấp sơ thẩm chưa đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, không đảm bảo quyền lợi của bị cáo Hà.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Sen (nguyên Giám đốc Công ty Thiết bị y tế và môi trường) và bị cáo Đỗ Văn Sơn (nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và cho rằng bản án này chưa đảm bảo các quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của hai bị cáo Sen và Sơn.

Luật sư của các bị cáo: Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cát Vân Sa), Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên) và Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty Mopha) đều xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo; xin miễn hình phạt và gỡ bỏ việc truy nã đối với bị cáo Vinh.

Riêng bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội), ngoài đơn kháng cáo do luật sư bào chữa làm thay, bị cáo Thuyết cũng gửi đơn kháng cáo từ Mỹ gửi về, xin được giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) kháng cáo với lý do bị cáo không phải là người chủ mưu cầm đầu, bị cáo thực hiện công việc theo ủy quyền của Tổng Giám đốc, việc đánh giá thiệt hại và phần thiệt hại quy trách nhiệm cho bị cáo là quá lớn so với thực tế.

Bị cáo Nga cho rằng nguyên đơn dân sự không yêu cầu bị cáo phải bồi thường, bị đơn dân sự là Công ty AIC đã nhận trách nhiệm bồi tường toàn bộ thiệt hại, Công ty AIC đã lựa chọn thiết bị tối tân nhất cho bệnh viện nên không có thiết bị tương đương.

7 bị cáo còn lại có đơn kháng cáo gồm: Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai), Bồ Ngọc Thu (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai), Vũ Quang Ngọc (nguyên Phó Giám đốc Công ty Medicosult Việt Nam), Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm hồ sơ-Ban Quản lý Dự án 1 Công ty AIC), Nguyễn Tiến Thu (nhân viên Công ty AIC), Lê Thị Hương (nguyên Phó trưởng Ban Kế toán Công ty AIC), Huỳnh Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân) đều làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Trong vụ án này, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái không kháng cáo, chấp nhận hình phạt 11 năm tù và 9 năm tù về cùng tội “nhận hối lộ.”

Trước đó, trong các ngày từ 21/12/2022 đến ngày 4/1/2023, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 36 bị cáo trong vụ Công ty AIC dự thầu tại Bệnh viện tỉnh Đồng Nai.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) bị phạt 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng,” 14 năm tù về tội “Đưa hối lộ." Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Nhàn là 30 năm tù.

Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC Trần Mạnh Hà (cũng bỏ trốn như bị cáo Nhàn) bị phạt 25 năm tù về 2 tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ."

Các bị cáo còn lại bị phạt từ 30 tháng tù treo đến 19 năm tù.

Bản án sơ thẩm nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quy định quản lý của Nhà nước về đấu thầu, gây thiệt hại tài sản lớn cho Nhà nước, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, nhằm cảnh cáo, răn đe và nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.

Hội đồng xét xử đánh giá trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bỏ trốn ra nước ngoài, Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã quốc tế đặc biệt nhưng không có kết quả.

Căn cứ vào các lời khai của các bị cáo, Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an về chữ ký đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án…

Hội đồng xét xử xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo một số Phó Tổng Giám đốc và nhân viên cấp dưới liên hệ, phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá để thực hiện các hành vi thông thầu, gian lận trong đấu thầu, hạn chế hoặc loại trừ cạnh tranh trong đấu thầu giúp Công ty AIC trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 148 tỷ đồng.

Đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, tòa xác định bị cáo Thành đã nhiều lần nhận tổng số tiền 14,5 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn để chỉ đạo, tác động cấp dưới tạo điều kiện cho AIC được trúng 16 gói thầu thiết bị y tế theo yêu cầu của Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Hành vi của bị cáo Thành đã bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Nhận hối lộ” là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Về dân sự, Tòa cấp sơ thẩm xác định Công ty AIC xin bồi thường 152 tỷ đồng nhưng tài sản đảm bảo không đủ nên chỉ ghi nhận một phần. Do vậy, Công ty AIC, bị cáo Nhàn, Trần Mạnh Hà và Hoàng Thị Thúy Nga cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Nhóm bị cáo Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ, Bồ Ngọc Thu phải nộp tiền thu lời bất chính, Tòa ghi nhận các bị cáo này đã nộp lại đầy đủ số tiền. Các doanh nghiệp "quân xanh" trong vụ án cũng phải nộp lại tiền bất chính.

(Nguồn: Công An)

Công an điều tra xong về bà Nguyễn Phương Hằng, chuyển sang truy tố

Bà Nguyễn Phương Hằng, nhân vật đình đám trên mạng xã hội với nhiều phát ngôn chỉ trích nhiều người nổi tiếng, đã bị công an chuyển hồ sang Viện kiểm sát để truy tố sau khi hoàn tất điều tra, báo chí trong nước đưa tin.
Bà Hằng là tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, chủ sở hữu Công viên giải trí Đại Nam ở tỉnh Bình Dương. Bà đã bị bắt tạm giam kể từ tháng 3 năm ngoái để điểu tra về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’.
Theo kết luận điều tra của Công an Thành phố Hồ Chí Minh được tờ Tuổi Trẻ dẫn lại, thì trong những buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội trong gần một năm kể từ tháng 3 năm 2021, bà Hằng đã nói nhiều điều ‘xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng uy tín và xâm phạm đời tư’ nghệ sỹ hài Hoài Linh, các ca sỹ như Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, Thủy Tiên, cầu thủ bóng đá Công Vinh, nhà báo Hàn Ni và phó Tổng biên tập báo Pháp Luật Nguyễn Đức Hiển.
Những buổi phát trực tiếp của bà Hằng đã thu hút hàng triệu lượt xem, trở thành hiện tượng trên mạng xã hội. Nhờ vào đó, bà đã xây dựng được sự ủng hộ đông đảo của cư dân mạng vốn ca ngợi bà ‘đã dám lên tiếng phơi bày bộ mặt xấu xa của giới nghệ sỹ trong nước’.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong quá trình thẩm vấn bà Hằng, bà ‘đã thừa nhận các thông tin mà bà đưa ra là do bà đọc qua các nguồn và nằm mơ’ và ‘không đưa ra được các căn cứ chứng minh’.
Nguyên nhân bà Hằng công kích các nghệ sỹ này, theo lời khai của bà với công an do tờ Pháp Luật dẫn lại, là do mâu thuẫn cá nhân và trong việc làm ăn.
Cụ thể, bà Hằng nói danh hài Hoài Linh đã không nghe theo bà Hằng cùng lên tiếng về ông Võ Hoàng Yên khi bà tố cáo ông Yên về tội lừa đảo. Đối với các ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, vợ chồng ca sỹ Thủy Tiên-Công Vinh, bà Hằng nói bà công kích họ vì họ ‘có những phát ngôn ảnh hưởng đến Đại Nam’ và ‘có những hoạt động từ thiện thiếu minh bạch’.
Riêng trong vấn đề từ thiện của giới nghệ sỹ, những cáo buộc của bà Hằng đã khiến nhiều nghệ sỹ phải lên tiếng thanh minh, công khai số tiền quyên góp được và hoạt động giải ngân và thậm chí phải lên mạng xã hội xin lỗi vì ‘đã chậm trễ trong việc đưa tiền cứu trợ đến các nạn nhân thiên tai’.
Đối với ông Hiển, bà Hằng phản pháo lại ông này khi ông cáo buộc bà ‘phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ’, cũng theo kết quả điều tra được công an công bố.
VOA tiếng Việt không thấy tờ Tuổi Trẻ và Pháp luật dẫn lời luật sư đại diện cho bà Hằng trong bản tin mới nhất về bà.
Ngoài bà Nguyễn Phương Hằng thì trong vụ án này, cơ quan công án cũng yêu cầu truy tố các phụ tá của bà Hằng với cùng tội danh trong đó có trợ lý của bà là cô Nguyễn Thị Mai Nhi, cô Lê Thị Thu Hà, nhân viên của bà và ông Huỳnh Công Tân, trưởng phòng Truyền Thông công ty Đại Nam.
Những người này được xác định đóng vai trò đồng phạm, giúp sức trong những buổi phát trực tiếp, cụ thể là dàn dựng các buổi phát trực tiếp, phát tán các nội dung, phát ngôn của bà Hằng trên mạng xã hội. Riêng ông Tân còn đóng vai trò người dẫn chương trình với bà Hằng và trực tiếp đưa ra những lời chửi bới, thóa mạ.
Cả ba người này đều khai với công an là họ ‘không có tư thù với những người bị bà Hằng điểm mặt’ mà ‘tất cả là họ làm theo lệnh của bà Hằng’.
Về phần hai luật sư tham gia với tư cách khách mời trong các buổi phát trực tiếp của bà Hằng là Tiến sĩ Đặng Anh Quân, giảng viên Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, và luật sư Nguyễn Đình Kim, sau khi xem xét kỹ những phát ngôn của họ, cơ quan điều tra cho rằng ‘chưa có đủ cơ sở khẳng định họ nói những lời vu khống, xúc phạm nhân phẩm người khác’ nên không đề nghị truy tố.

(Nguồn: VOA)

Còn bao nhiêu Trung tâm đăng kiểm đang "đóng cửa" vì sai phạm?

(Ảnh minh họa).

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cả nước có 243 Trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, có 37 Trung tâm đăng kiểm đang dừng hoạt động.

Còn hàng chục Trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động

Cụ thể, có 29 Trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động do liên quan đến sai phạm và đã bị Cơ quan công an điều tra khởi tố và bắt giữ, 2 Trung tâm đăng kiểm dừng do đang trong quá trình điều tra, 6 Trung tâm đăng kiểm bị dừng do không đủ điều kiện theo Nghị Định 139/2028/NĐ-CP.

Tại khu vực thành phố Hà Nội đang có 19 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động (38 dây chuyền) và 12 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới dừng hoạt động (23 dây chuyền); trong đó 11 Trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động do liên quan đến vi phạm pháp luật, một trung tâm dừng hoạt động do không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, ngày 30/1 vừa qua, các Trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội báo cáo trong ngày các phương tiện đến kiểm định đều, không có hiện tượng ùn ứ, số lượng cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là 1.061 phương tiện.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có 12 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hoạt động (35 dây chuyền) và 7 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới dừng hoạt động (13 dây chuyền); trong đó 6 trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động do liên quan đến vi phạm pháp luật, một trung tâm dừng hoạt động do không đủ nguồn nhân lực đăng kiểm viên theo quy định.

Các trung tâm đăng kiểm khu vực Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại thời điểm 17 giờ ngày 30/1 đã hết xe (không có xe phải chờ). Trong ngày, các phương tiện đến kiểm định không còn hiện tượng ùn ứ và một số trung tâm lượng xe đến kiểm định ở mức thấp. Số lượng cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các trung tâm đăng kiểm ở Thành phố Hồ Chí Minh là 860 phương tiện.

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhu cầu kiểm định xe của người dân sẽ không đông do đã tập trung đưa xe đi đăng kiểm trước Tết.

Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục khuyến khích người dân trên đường từ quê lên thành phố làm việc sau kỳ nghỉ Tết có thể đưa xe vào các trung tâm đăng kiểm địa phương để kiểm định, tránh phải chờ đợi lâu, giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, chủ phương tiện chủ động bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện để bảo đảm đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi kiểm định.

Đăng kiểm điều chỉnh lại những bất cập

Trong năm 2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác kiểm định xe cơ giới, đề xuất bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường công tác quản lý, siết chặt hơn nữa các điều kiện, quy định trong công tác kiểm định, điều chỉnh lại những quy định còn bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đi kiểm định.

Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động kiểm định đối với các đơn vị đăng kiểm qua camera; kiểm soát dữ liệu kiểm định các đơn vị đăng kiểm; thực hiện hiệu quả các biện pháp nâng cao chất lượng trong công tác đăng kiểm; duy trì hệ thống các trung tâm đăng kiểm hoạt động ổn định.

Cục Đăng kiểm sẽ nghiên cứu, nâng cấp, hiện đại hóa công tác đăng kiểm và áp dụng các công nghệ mới trong kiểm định như công nghệ nhận diện biển số, công nghệ đo kích thước xe tự động, kiểm tra khí thải có tải… để nâng cao chất lượng trong công tác kiểm định và quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa tác động của con người vào kết quả kiểm định.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, khi sự việc công an bắt giám đốc trung tâm đăng kiểm diễn ra vài nơi, Cục trưởng Cục Đăng kiểm lên gặp Bộ trưởng kêu hoang mang vì cho rằng mới nhận nhiệm vụ".

"Lúc đầu tôi rất thương, đến khi tôi làm việc sâu hơn với Bộ Công an thì thấy không phải thế. Tất cả đều có chủ ý. Làm lãnh đạo Cục rồi còn nhận tiền theo tháng nữa thì "chịu luôn". Đó là bảo kê tội phạm. Cho nên chúng ta không thể tha được", Bộ trưởng GTVT nói.

Người đứng đầu ngành giao thông khẳng định, có phải thay "100% cán bộ" cũng phải làm. Những sai phạm vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín tín , hình ảnh ngành giao thông, là "vết dơ" Cục Đăng kiểm. "Chúng ta phải tự soi tự sửa, vấp ngã phải đứng dậy", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Từ những sai phạm của Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo, Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu trình sửa đổi ngay Nghị định 139 quy định kinh doanh dịch vụ đăng kiểm trên cơ sở khắc phục những tồn tại mà Bộ Công an điều tra. Đồng thời, cơ quan quản lý phải phân cấp phân quyền, thanh tra, hậu kiểm; xây dựng phần mềm quản lý.

Đặc biệt, Cục Đăng kiểm phải xử lý nghiêm trung tâm sai phạm, chủ động chuyển cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm phải tập trung nhân lực cho các địa phương đang bị ách tắc.

(Nguồn: Dân Việt)

Vụ 'làm luật' 5.000 lượt xe chở quặng: Khởi tố thêm 4 cán bộ hải quan

Theo nguồn tin của Tiền Phong, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An vừa ra quyết định khởi tố thêm 4 lãnh đạo và công chức thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Cục Hải quan Nghệ An) về tội “Nhận hối lộ” do liên quan đến vụ làm luật hơn 5.000 lượt xe chở quặng quá tải từ Lào về Việt Nam.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã có quyết định khởi tố ông Nguyễn Cảnh Dũng và Lê Đình Sơn, đều là Phó chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An cũng khởi tố ông Lưu Hồng Lân, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ và ông Vũ Hồng Hải, công chức thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Các bị can trên hiện đã bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Nhâm, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, ông Ngô Xuân Khang, Đội trưởng Đội nghiệp, ông Đặng Minh Sơn công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.

Các cán bộ hải quan bị bắt giữ vì cáo buộc nhận hối lộ của một doanh nghiệp để bỏ qua lỗi quá tải hơn 5.000 lượt xe chở quặng quá tải từ Lào về Việt Nam.

(Nguồn: Soha)

(Xem thêm: => Người dân tự thông xe cao tốc; 5 ôtô tông liên hoàn; Tự thiêu vì trầm cảm; Phim Việt thắng lớn sau thảm bại ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang