- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
Quê hương, bằng một cách nào đó, vẫn luôn hiện hữu trong tim họ. Nó là nỗi nhớ, là khát khao về thăm, là những đôi mắt sáng lên lấp lánh khi nói chuyện về Việt Nam...
1. Khoa, 49 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Hội An, theo gia đình đi định cư ở Mỹ từ năm 1993, lúc đó mới 17 tuổi. Năm 2000, Khoa về Việt Nam, cưới Bi, là bạn cùng lớp, cũng là bạn gái của Khoa từ thời học trò, năm 2002 thì đưa vợ qua Mỹ định cư.
Thời gian đầu, hai vợ chồng ở chung với gia đình ba mẹ Khoa, 3 năm sau thì tách ra mua nhà ở riêng. Căn nhà ở Boston là căn nhà đầu tiên và duy nhất hai vợ chồng mua từ năm 2005, ở từ đó đến bây giờ.
Thời gian đầu ở Mỹ của Khoa khá vất vả. Khoa học đại học ngành kiến trúc đến hết năm thứ 2 thì bỏ đi làm nails, bởi làm nails lúc đó kiếm được nhiều tiền. Ban đầu, Khoa chưa có ý định làm nails, chỉ ra tiệm của ba mẹ phụ giúp, sau đó bị cuốn vào lúc nào không hay.
Khoa làm nails khá thành công, đã từng có tiệm nails riêng, nhưng tới năm 2017 thì chán, sang lại tiệm, chuyển sang làm thợ lắp đặt ống nước, thấy thoải mái hơn.
Ở Mỹ, có làm nghề nào, dù là nghề lao động chân tay thì cũng phải học nghề, phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Làm nghề mà không có chứng chỉ, cảnh sát bắt, phạt chết.
Bi theo chồng qua Mỹ chỉ đi học, sau đó đi làm, hiện làm trợ lý ở một phòng khám nha khoa, công việc cũng ổn. Khoa và Bi có hai con: Vân Anh, con gái lớn, còn có tên Mỹ là Kathryn, 16 tuổi, và Khan, con trai, tên Mỹ là Anthony, 12 tuổi. Tên Mỹ là chỉ để dùng ở trường. Ở nhà, thì gọi nhau bằng tên Việt.
Nhà Khoa có một mảnh vườn nhỏ, trên đó có một khoảnh đất Khoa trồng hầu hết loại rau Việt, từ rau thơm, húng quế, hành ngò, tía tô, xà lách cho đến ớt hiểm. Boston quanh năm trời mát như Đà Lạt nên cây cỏ xanh tốt, nhưng đến mùa đông thì khác hẳn. Tuyết rơi trắng xóa.
Ngay từ lúc có con, Khoa với Bi quyết định là ở nhà chỉ nói tiếng Việt, để hai con có thể học nói tiếng Việt. Việc này chỉ thực hiện được triệt để lúc Vân Anh và Khan còn nhỏ, nhưng khi hai đứa lớn lên, bắt đầu học tiểu học, trung học thì không còn khả thi nữa.
Mỗi lần nói tiếng Việt, hai đứa phải mất vài giây để suy nghĩ tìm cách trả lời ba mẹ, nên sốt ruột quá, khi nào cần trao đổi nhanh, Khoa với Bi đành nói tiếng Anh với hai con.
Kết quả là Vân Anh và Khan đều hiểu tiếng Việt nhưng chỉ Vân Anh mới có thể trả lời được một ít bằng tiếng Việt, Khan thì chỉ nói tiếng Việt lúc có nhu cầu khẩn cấp.
Ở Boston, vợ chồng Khoa - Bi có một nhóm bạn người Việt, quen biết nhau từ mười mấy năm trước, chơi thân với nhau như người trong gia đình. Vào những ngày cuối tuần, nhóm bạn này thường tụ họp với nhau, tiệc tùng, ăn những món ăn Việt, nói chuyện Việt Nam, hát hò những bài hát Việt.
2. Ở Boston, món ăn Việt không thiếu thứ gì, từ bún bò, bún cá, phở, miến, mỳ Quảng, cao lầu… Mùa đông thường tụ họp nhau nhiều hơn, vì mùa đông, trời lạnh cóng, ở nhà thì buồn, lại không làm gì được, nên hay hẹn gặp nhau. Khoa kể: Ở bên này, mùa đông buồn lắm, anh em không hẹn gặp nhau ăn uống, hát hò thì biết làm gì.
Lâu lâu, mọi người cũng có bạn bè, người thân từ Việt Nam qua chơi. Những lúc như vậy, vui lắm. Hẹn hò nhau tụ tập suốt. Bất kể là bạn bè, người quen của ai thì cả nhóm cũng tụ họp. Để hỏi thăm chuyện quê nhà, để nói cười bằng tiếng Việt cho thỏa.
Cả gia đình của Khoa đều sống gần nhau, xúm xít quanh Boston. Nhà em trai út của Khoa ngay sát bên cạnh, mẹ của Khoa ở chung với vợ chồng em trai út. Cô Hương, mẹ Khoa, năm nay chừng bảy mươi, vẫn còn khỏe lắm. Cô cũng có một khoảnh đất nhỏ trong vườn trồng đủ loại rau Việt. Cô còn trồng cả lá gai để lâu lâu làm bánh ít lá gai.
Cô vốn khéo tay, nấu được nhiều món Việt, cô còn làm được từ chả gà, chả cá, cả heo, đến bánh bột lọc, bánh nậm, nấu chè… Mấy ngày chúng tôi lưu lại nhà Khoa, cô hay qua hỏi chuyện Hội An, hỏi thăm những người quen cũ, cho chúng tôi ăn đồ ăn Việt, làm chúng tôi thấy ấm áp như ở nhà.
Ngoài Boston, chúng tôi còn ghé thăm anh Linh - chị Mẫn, một gia đình Hội An khác ở Chicago. Anh Linh và chị Mẫn mới qua đây chừng mấy năm thôi, sau khi nghỉ hưu ở Việt Nam.
Anh chị đang sống với gia đình con gái, phụ giúp con gái chăm cháu. Vợ chồng con gái của anh chị có mấy tiệm nails ở Chicago, lại sở hữu một cửa hàng chuyên cung cấp thiết bị ngành nails nên đi làm từ sáng đến tối mịt. Ngày nào cũng như ngày nào.
Tây, con rể anh chị, mới ngoài ba mươi, tâm sự với chúng tôi: Ở bên này, ai cũng bận tối mặt tối mũi hết. Ba mẹ qua hơn 3 năm rồi mà con chưa thu xếp được để dẫn ba mẹ đi chơi một chuyến.
Ở đây nếu không cày thì tiền đâu mà trang trải các loại bill hằng tháng, các loại thuế đóng cho chính phủ. Xã hội Mỹ có chế độ an sinh xã hội khá tốt cho người dân, bù lại, khi còn đi làm được thì phải đóng thuế cao ngất. Nên người ở Mỹ lâu đều hiểu: Không có cái gì miễn phí cả.
Cháu ngoại gái của chị Mẫn, chừng 3 tuổi, nói tiếng Việt tiếng Anh ngọng nghịu xen kẽ, nhưng có thể hát karaoke tiếng Việt khá sõi. Talia có thể hát trọn vẹn: Con cò bé bé… hay Một con vịt xòe ra hai cái cánh, thậm chí còn hát được theo mẹ mấy câu: Cô đơn trên sô pha, con tim như tan ra… rất sõi.
Những gia đình Hội An định cư ở Mỹ tôi từng được ghé thăm, nhà nào cũng có dàn karaoke âm thanh cực xịn để hát với nhau trong những cuộc họp mặt bạn bè, những cuối tuần gia đình sum vầy bên nhau.
3. Những ngày chúng tôi lưu lại Chicago, có gia đình hàng xóm cũ của chúng tôi ở Hội An, cô Oanh - chú Luận, thấy tin trên Facebook, đã liên lạc và lái xe gần hai tiếng đến Chicago mời chúng tôi đi ăn. Cả nhà cô chú qua Mỹ định cư theo diện H.O. từ những năm 90.
Cuộc hội ngộ sau gần 30 năm vô cùng ấm áp và cảm động. Việc cô chú và hai con gái lái xe một quãng đường khá dài chỉ để gặp một người hàng xóm Hội An mấy chục năm không gặp, để hỏi thăm về Hội An làm chúng tôi nhận ra: xa quê, tình đồng hương là một thứ tình cảm đầy sẻ chia, đôi khi, đó còn là một khao khát.
Gặp gỡ những đồng hương Hội An ở Mỹ, hay bao quát hơn một chút, gặp gỡ những người Việt Nam ở Mỹ, tôi thấy có điểm chung: Dù họ xuất thân có khác nhau, chính kiến khác nhau, lý do ra đi cũng khác nhau, nhưng quê hương, bằng một cách nào đó, vẫn luôn hiện hữu trong tim họ.
Nó là nỗi nhớ, là khát khao về thăm, là những đôi mắt sáng lên lấp lánh khi nói chuyện về Việt Nam. Nó là những buổi họp mặt để chat chít, tán gẫu với nhau những câu chuyện Việt Nam, hát những bài hát Việt, thưởng thức những món ăn Việt, đôi khi là quãng đường chạy xe mấy tiếng đồng hồ để gặp nhau thăm hỏi, gởi những món quà nho nhỏ về tặng người quen ở Việt Nam.
Họ vẫn luôn hăng hái share với nhau, thả tim, bấm like nhau trên Facebook từng tấm hình bạn bè, người thân có dịp về thăm chụp ảnh ở quê nhà. Trong thâm tâm họ luôn đau đáu tình hình Việt Nam.
Nó đôi khi còn là niềm vui khi khoe với nhau rằng: con tôi, cháu tôi nói tiếng Việt sõi lắm, hay niềm tự hào ngập tràn trong mắt khi đứa cháu gái ba tuổi sinh ra ở Mỹ nhưng có thể hát karaoke trọn vẹn, tròn vành rõ chữ: Con cò bé bé, Một con vịt xòe ra hai cái cánh…
Lần đầu tiên Ngày hội tiếng Việt diễn ra tại một trường phổ thông của Nga với mong muốn gieo hạt giống ngôn ngữ mẹ đẻ cho thế hệ trẻ để các em khi trưởng thành sẽ luôn cảm nhận và tự hào về cội nguồn.
Ngày 14/9, Ngày hội Tiếng Việt được tổ chức tại thành phố Ulyanovsk, thành phố quê hương của lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin - thành phố kết nghĩa với tỉnh Nghệ An của Việt Nam.
Ngày hội tiếng Việt lần thứ 4 này do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga phối hợp với Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và Hữu nghị,” Hội người Việt Nam “Đoàn kết” tại Ulyanovsk, Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” tổ chức.
Sự kiện đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga nói chung, cũng như thúc đẩy giao thoa văn hóa và ngôn ngữ giữa hai nước Việt-Nga và càng thêm có ý nghĩa khi diễn ra tại trường trung học số 76 mang tên Hồ Chí Minh của Ulyanovsk.
Chính quyền sở tại cũng rất quan tâm đến sự kiện này. Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Ulyanovsk Evgeny Miller cùng đại diện lãnh đạo chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục của tỉnh và thành phố đã tham dự và phát biểu chúc mừng.
Trước các vị quan khách sở tại, các nhà tổ chức và 50 em học sinh Việt Nam và Nga, các em nhỏ nhất chỉ mới 6-7 tuổi, cùng các phụ huynh quan tâm đến tiếng Việt, bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, phụ trách bộ phận giáo dục Đại sứ quán Việt Nam đã đọc thư của Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi chào mừng sự kiện.
Trong thư, Đại sứ Đặng Minh Khôi đã dẫn lời Bác Hồ kính yêu nhấn mạnh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp.”
Nhằm tôn vinh và phát huy giá trị của tiếng Việt, tạo cơ hội cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài gìn giữ, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chọn ngày 8/9 hằng năm là Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, giao lưu, đặc biệt là trải nghiệm thú vị cho các bạn trẻ nước ngoài và Việt Nam.
Đại sứ Đặng Minh Khôi tin tưởng rằng chương trình sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực, khơi gợi sự quan tâm và tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trong các em sinh ra và lớn lên trong môi trường xa quê hương, không có điều kiện thực hành ngôn ngữ mẹ đẻ.
Điều này sẽ không chỉ giúp các em tự hào về nguồn cội dân tộc mà còn tạo nền tảng vững chắc cho những mối quan hệ thân thiện, bền vững giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Chương trình trải nghiệm tiếng Việt, được Tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” thiết kế, như một chuyến du lịch ra khơi xa.
Dưới sự “cầm lái” của thuyền trưởng Thụy Anh, 4 “thủy thủ đoàn nhí” gồm cả các em nhỏ người Nga và Việt Nam đã cùng thi đua vượt qua “con sóng” đánh vần và nhận mặt chữ cái tiếng Việt qua hình ảnh trực quan, từng bước cảm nhận sự thu hút của “đại dương tiếng Việt,” được cổ vũ khích lệ mỗi khi vượt qua thử thách, tự tin “cầm bánh lái” khám phá.
Những nét đặc sắc, độc đáo của tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, từ ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục về tập tục đã được giới thiệu qua hình thức trò chơi và được tất cả các em đón nhận với tiếng cười và sự ngời sáng trong ánh mắt.
Giám đốc Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” Nguyễn Quốc Hùng thay mặt các bên tổ chức cho biết đây là lần đầu tiên Ngày hội tiếng Việt diễn ra tại một trường phổ thông của Nga vì muốn hướng đến chính thế hệ mai sau, muốn gieo những hạt giống ngôn ngữ ngay từ lứa tuổi rất nhỏ, mong mỏi các em dù trưởng thành ở xa Tổ quốc vẫn cảm nhận cội nguồn, tự hào về cội nguồn và luôn mang trong tim tâm hồn Việt giàu lòng nhân ái, yêu quê hương, đất nước.
Cộng đồng người Việt “Đoàn Kết” từ lâu đã được công nhận chính thức tại Ulyanovsk, với ý thức hội nhập và xây dựng quê hương thứ hai cộng đồng luôn nhận được sự ủng hộ và ghi nhận của chính quyền sở tại.
Giám đốc Sở Ngoại vụ E.Miller cho biết cộng đồng “Đoàn Kết,” đứng đầu là Chủ tịch Trịnh Văn Quế, đã được đăng ký chính thức là một pháp nhân tại Ulyanovsk và rất có uy tín đối với chính quyền tỉnh vì những đóng góp và nỗ lực của mình cho việc phát triển hợp tác giữa Ulyanovsk với các đối tác Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hoá và giáo dục.
Ông Miller cũng rất tin tưởng vào tiềm năng hợp tác giữa tỉnh Ulyanovsk với tỉnh Nghệ An, hai tỉnh quê hương của hai vị lãnh tụ vô sản kiệt xuất V.I.Lenin và Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện để thiết lập các mối quan hệ hợp tác, cũng như thực hiện các dự án song phương.
Địa điểm tổ chức Ngày hội Tiếng Việt cũng rất có ý nghĩa biểu tượng – trường trung học số 76 mang tên Hồ Chí Minh, nơi đặt bảo tàng mang tên Người.
Nhiều năm qua cùng với tượng đài Hồ Chí Minh nằm trên đại lộ mang tên Người cũng tại Ulyanovsk, bảo tàng đã trở thành “địa chỉ Đỏ” đón tiếp các đoàn đại biểu từ Việt Nam.
Các “hướng dẫn viên nhí” là học sinh của trường có thể giới thiệu rất đầy đủ và chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Nga và tiếng Anh cho thấy sự quan tâm và trân trọng từ phía nhà trường với lãnh tụ Việt Nam nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng.
Hiệu trưởng trường 76, bà Lyudmila Grechko, cho biết nhà trường rất vinh dự được chọn để tổ chức Ngày hội Tiếng Việt.
Từ phía Việt Nam sự kiện là sự quảng bá văn hoá, ngôn ngữ, còn đối với phía Nga, sự kiện rất đáng khâm phục và học tập ở ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, trong đó có thông qua tình cảm kính trọng với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, cũng như sự quan tâm của Hội người Việt và Đại sứ quán đến thế hệ trẻ.
Bà cũng hy vọng có thể tổ chức dạy tiếng Việt tại nhà trường như một môn học chính thức.
Sự hứng khởi ban đầu của các em với tiếng Việt và văn hóa Việt từ Ngày hội còn rất cần phải được nuôi dưỡng hàng ngày để có thể thấm sâu và lan tỏa như con sóng gối đầu nhau để chụm vào bờ, trong đó vai trò của gia đình và cơ quan đại diện là rất lớn.
Ngay sau sự kiện, từ thủ đô Moskva, Đại sứ Đặng Minh Khôi đã gọi điện chúc mừng thành công và cảm ơn sự ủng hộ của chính quyền sở tại, ghi nhận các nỗ lực đóng góp của các nhà tổ chức và bà con cộng đồng.
Đại sứ khẳng định tới đây sẽ có những hoạt động thiết thực hơn nữa để vun đắp thêm sự gắn kết của bà con, tưởng thưởng các cố gắng giữ gìn truyền thống, hội nhập và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, bền vững giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Người dân châu Phi cho biết số tiền tuy nhỏ nhưng là tấm lòng dành cho người dân Việt Nam.
Những ngày qua, với tinh thần tương thân tương ái, nhiều người đã cùng góp của, góp công góp sức chung tay hướng về bà con đang gặp muôn vàn khó khăn tại các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3. Đặc biệt, không chỉ từ những người trong nước, sự giúp đỡ còn đến từ một đất nước châu Phi xa xôi.
Theo đó, trên kênh Youtube của Công Giáp (một thành viên thuộc team Châu Phi), thay vì những hình ảnh chăn nuôi canh tác thường ngày, anh đã chia sẻ một hành động vô cùng ý nghĩa của bác chủ đất tại Angola.
Theo đó, Công Giáp đã kể về những khó khăn mà người dân Việt Nam đang hứng chịu do ảnh hưởng từ cơn bão như lũ lụt, mưa lớn, nước tràn ngập khắp nơi gây ảnh hưởng đến cuộc sống, nhiều người đã bị thiệt mạng. Bác chủ đất đã vô cùng xúc động và chia buồn với người dân.
Ngay sau đó, ông bất ngờ đi vào nhà và lấy ra số tiền khoảng 20.000 Kz (tương đương 500.000 đồng) gửi cho Công Giáp.
"Thật quá xót xa khi nhìn thấy hình ảnh người Việt Nam gặp nạn. Bác có chút tấm lòng mặc dù ít nhưng đó là những gì bác muốn chia sẻ. Người Việt Nam đã giúp đỡ người dân Angola rất nhiều, giờ đến lượt chúng tôi cần phải hành động. Mặc dù nơi đây còn nghèo khó nhưng chúng tôi vô cùng biết ơn."
Điều này khiến Công Giáp đứng hình và không nói lên lời, thậm chí anh đã bật khóc vì quá xúc động. Chỉ quen bác được hơn 2 tháng nhưng anh nhận thấy đây là một người có tâm và có tầm. Anh đã từ chối và xin phép bác chủ đất nên giữ lại số tiền để trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, bác vẫn kiên quyết và cho rằng số tiền này nhỏ nhưng có thể mua được sách, bút, vở giúp đỡ các em học sinh khi quay trở lại trường học.
Biết được tấm lòng đáng quý của người dân Angola, Công Giáp đã quyết định sẽ quy đổi số tiền này VNĐ và gửi toàn bộ đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Giữa hai nước Việt Nam và Angola có nhiều điểm tương đồng. Nhân dân hai nước có mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác truyền thống tốt đẹp, đã từng gắn bó với nhau ngay từ những ngày cả hai còn đang tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đến nay, nhờ cầu nối là team châu Phi, sự gắn kết này ngày càng được nâng cao hơn nữa.
Để có được những mâm cơm đúng vị quê nhà, Hoàng Mai Trang phải lùng sục khắp Dubai để tìm kiếm nguyên liệu Việt.
Sống và làm việc ở thành phố Dubai (Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất) đã 8 năm nay, Hoàng Mai Trang luôn cố gắng nấu những bữa cơm đậm chất Việt mỗi ngày.
Người phụ nữ 33 tuổi cho biết, sang Dubai từ năm 2016, cô từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu để nấu món ăn Việt.
Không giống như bây giờ, thời điểm Trang mới sang, cộng đồng người Việt ở Dubai chưa nhiều, các ứng dụng giao hàng cũng chưa phát triển.
“Thời gian đầu, khi chưa tìm được nguyên liệu cần thiết, tôi chỉ nấu những món dã chiến với các nguyên liệu có sẵn trong siêu thị”.
Trang thường phải đi rất xa nơi ở và tìm kiếm ở nhiều siêu thị khác nhau để có được nguyên liệu Việt, đôi khi là với giá “cắt cổ”. Cứ thấy nguyên liệu nào có thể nấu món Việt là cô gom về trữ để nấu dần.
“Khi nào không đi mua được, tôi chỉ có thể ăn cơm nhân viên trong công ty.
Bữa ăn của công ty thời điểm đó là buffet tổng hợp ẩm thực từ vùng Trung Đông, Ấn Độ và Philippines, có khi còn không có cơm loại gạo thơm (jasmine) mà là loại gạo basmati (loại gạo phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ và khu vực Nam Á - PV).
Người Việt mình ăn sẽ thấy không hợp lắm nên thường tôi sẽ chọn ăn món Philippines vì có vài phần tương đồng với Việt Nam.
Khi đó, tôi làm công việc buồng phòng khách sạn – một công việc nặng nhọc. Chuyện ăn uống không hợp khẩu vị khiến tôi nhiều khi căng thẳng. Tôi chứng kiến nhiều bạn đồng hương làm chung bỏ về Việt Nam giữa chừng vì ăn uống khó khăn”.
Trang nhớ, lần đầu tiên để nấu được tô bún bò, cô đã phải gom góp nguyên liệu trong gần 2 tuần, phải đi tàu điện ngầm và đi bộ rất xa để mua được các nguyên liệu cần thiết ở nhiều siêu thị khác nhau.
“Lúc đó, tôi còn ở nhà tập thể. Bếp điện chỉ có 1 cái, cũng không có nồi to, khó khăn đủ đường nhưng tôi vẫn ráng nấu được một nồi bún bò để chia cho mọi người trong nhà ăn cùng. Tô bún bò đầu tiên chẳng được đầy đủ nhưng nó ngon dễ sợ” – Trang chia sẻ.
Ở Dubai, thứ khó kiếm nhất có lẽ là nước mắm, thịt lợn và các loại rau củ quả. Trang cho biết, nước mắm ở Dubai có nhiều loại của Thái Lan, Philippines,... nhưng thường sẽ không được ngon như nước mắm Việt Nam và điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới vị ngon của món ăn.
“Rau thơm ở đây chỉ có ngò (mùi) và lá húng lủi (bạc hà), thì là,… còn rau răm, ngò om (rau ngổ), ngò gai (mùi tàu), kinh giới, diếp cá hầu như là phải xách tay từ Việt Nam sang hoặc phải lược bỏ bớt trong món ăn.
Nhiều khi mua được bó rau răm, tôi mừng dữ lắm. Tôi sẽ tận dụng 200 gram rau răm để nấu đủ món. Gần đây, tôi cũng lấy thân cây rau thơm trồng thử để có thể chủ động hơn”.
Các loại rau củ quả ở Dubai không được đa dạng như ở Việt Nam. Đã lâu rồi Trang không được ăn canh xà lách xoong (cải xoong), canh bí đao, canh khoai mỡ, mướp hương xào,… Những loại rau rất đỗi quen thuộc ở Việt Nam nhưng rất khó tìm ở đây hoặc phải mua với giá còn đắt hơn thịt cá, Trang nói.
Ngoài ra, vì đây là đất nước theo đạo Hồi nên việc bán thịt lợn không phổ biến và đa số là thịt đông lạnh. Hồi mới sang, cô còn tưởng ở đây hoàn toàn không bán thịt lợn. Sau này, Trang mới biết có những chuỗi siêu thị có bán và thường đặt ở một góc khuất sâu của siêu thị.
Bây giờ, Trang đã giỏi hơn rất nhiều trong việc “truy lùng” nguyên liệu Việt, đến mức bạn bè đặt biệt danh cho cô là “thổ địa Dubai”.
Trong các cuộc tụ tập bạn bè để ăn đồ Việt, Trang thường là người tìm kiếm nguyên liệu và nấu nướng. “Tôi vừa mua hàng xách tay của chị em người Việt bán, vừa mua mỗi thứ ở các siêu thị khác nhau, ví dụ mua thịt heo thì phải vào siêu thị Philippines; mua bún, mua gà vịt thì vào siêu thị Trung Quốc".
Chính vì khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu mà mỗi lần về Việt Nam và trở lại Dubai, Trang lại chất đầy 2 vali toàn đồ khô, gia vị Việt. Lần về mới đây nhất, cô còn mang sang cả một thùng đồ ăn đông lạnh, gồm: Chả cá, chả lụa, pate, sợi bánh canh, khô cá dứa,...
Hiện tại, một tuần cô nấu món Việt 4 - 5 ngày. Ngoài ra, nhờ tính chất công việc nên cô cũng may mắn được ăn món Việt thường xuyên. Công việc của cô là quản lý nhân sự và là quản lý chất lượng ẩm thực cho một chuỗi nhà hàng Việt Nam có tiếng tại Dubai.
Trang cũng từng nấu món Việt mời bạn bè đến từ nhiều quốc gia khác nhau, như: Philippines, Ấn Độ, Mexico, Ai Cập, Lebanon, Nam Phi, Colombia,... “Hầu như ai cũng mê món Việt, nhất là phở và bún bò Huế” – Trang chia sẻ.
Nguồn: Báo Quảng Nam; VTV4; Soha; Vietnamnet
Người Việt hải ngoại: Nam diễn viên thua lỗ ở Mỹ; Lớp học tiếng Việt tại Östergötland; Vẫn chia rẽ sâu sắc vì Donald Trump
Người Việt hải ngoại: Hồng Nhung hạnh phúc với bạn trai ở trời Tây; Nghệ sĩ Hoài Thanh du lịch y tế ở Nhật; 2 người bị bắn chết ở Malaysia
Người Việt hải ngoại: Công dân ở Liban an toàn; 31 giờ mắc kẹt ở Thụy Sĩ; Mỹ nhân khuynh đảo phòng vé; Gian lận vé tàu, 2 người bị bắt
Người Việt hải ngoại: Giúp việc cho đại gia Trung Đông; Ăn phở đêm ở Cali; Nữ ca sĩ bị điều tra ở HQ; 4 người làm tại hộp đêm ở Chiba bị bắt
Người Việt hải ngoại: Nơi gìn giữ nguồn cội tại Nhật; Phở khô hút khách Hàn; ‘Sốc’ vì giá bắp cải ở Đài Loan; Tránh mưa tên lửa ở Israel
Người Việt hải ngoại: Tết trung thu tại Anh, Pháp; Nơi học tập của thiếu sinh quân tại Séc; Giải cứu 2 nhà leo núi ở Thụy Sĩ; CLB áo dài ở Séc
Người Việt hải ngoại: Nghe tiếng bom ở Liban; Ôm con tháo chạy ở Israel; 9 người bị bắt ở Thái Lan; Cô giáo gây sốt ở Phi
Người Việt hải ngoại: Tổ chức thiện nguyện tại Pháp; Trân trọng nguồn cội; Giải bóng đá tại Hiroshima; Lối sống thời chiến ở Israel
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá