Người Việt hải ngoại: Ngày văn hóa tại Croatia; Bế giảng CLB tiếng Việt tại Hà Lan; Giữ tiếng Việt là giữ nguồn cội

LẦN ĐẦU TIÊN TỔ CHỨC NGÀY VĂN HÓA VIỆT NAM TẠI CROATIA

Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary phối hợp với Bộ Ngoại giao và các vấn đề châu Âu của Croatia, thành phố Zagreb, công viên Mladenaca đã đồng tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam tại Croatia.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, ngày 7/7 tại Zagreb, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary phối hợp với Bộ Ngoại giao và các vấn đề châu Âu của Croatia, thành phố Zagreb, công viên Mladenaca đã đồng tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam tại Croatia.

Sự kiện diễn ra nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Croatia.

Tham dự sự kiện có ông Petar Mihatov, Đặc phái viên của Bộ trưởng, Tổng Vụ trưởng, Giám đốc Chính sách Bộ Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Croatia, Phó Thị trưởng thành phố Zagreb Luka Korlaet, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary kiêm nhiệm Croatia, đoàn ngoại giao tại Croatia, cùng hơn 70 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, các hội, đoàn cộng đồng Việt Nam tại Hungary, đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Croatia và hàng nghìn người dân sở tại.

Phát biểu khai mạc tại sự kiện, ông Petar Mihatov chúc mừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Croatia.

Ông đánh giá hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, cũng như nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước, phát triển mối quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp trong 30 năm qua.

Croatia và Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di sản văn hóa thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, mở ra cơ hội đẩy mạnh phát triển hợp tác du lịch giữa hai nước và tiếp tục chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác như văn hoá, giáo dục, thể thao và giao lưu nhân dân.

Ông đánh giá cao sáng kiến của Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary kiêm nhiệm Croatia và sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Croatia với việc lần đầu tiên Ngày văn hoá Việt Nam với quy mô lớn được tổ chức ở Zagreb nhân dịp này.

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo điểm lại lịch sử quan hệ Việt Nam-Croatia đã phát triển tích cực trong 30 năm qua (1/7/1994-1/7/2024) với nhiều dấu ấn quan trọng, nhất là các chuyến thăm cấp cao, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế.

Nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống tại khu vực Balkan, trong đó Croatia là một ưu tiên, Đại sứ tin tưởng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước có triển vọng tươi sáng, đầy hứa hẹn; đặc biệt sẽ mở rộng hợp tác hiệu quả hơn, thực chất hơn trên nhiều lĩnh vực tiềm năng và có thế mạnh bổ trợ lẫn nhau như chế biến thực phẩm, logistics, chuyển đổi năng lượng sạch, công nghệ cao, kinh tế số, dược phẩm...

Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo đã công bố đề cử Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Croatia.

Ban liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Croatia cũng đã ra mắt, góp phần tăng cường sự gắn kết cộng đồng hướng về quê hương đất nước.

Đây là lần đầu tiên Ngày Văn hoá Việt Nam được tổ chức tại Zagreb, với mong muốn giới thiệu đến những người bạn Croatia và các vị khách Đoàn ngoại giao tại Croatia trải nghiệm kho tàng văn hóa phong phú và âm nhạc truyền thống, đầy âm hưởng tình yêu đất nước của nhân dân Việt Nam.

Các bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở Hungary và Croatia cùng nhau đắm mình trong bữa tiệc âm nhạc sôi động, những điệu múa đầy ấn tượng như tiết mục múa nón “Việt Nam quê hương tôi,” múa tre và sen bài “Một vòng Việt Nam,” múa thư pháp và bài hát “Hello Việt Nam,” được trình diễn đan xen với những điệu múa truyền thống từ các vùng văn hoá nổi tiếng Valpovo, Zagorje, Sisljavic của Croatia, tạo nên một chương trình giao lưu văn hoá nghệ thuật Việt Nam-Croatia đầy màu sắc của hai dân tộc.

Bên cạnh đó, các vị khách đoàn ngoại giao và bạn bè Croatia được thưởng thức ẩm thực Việt Nam, nhận những món quà thư pháp, tham quan triển lãm tranh ảnh, video clip về 30 năm quan hệ Việt Nam-Croatia và đất nước con người Việt Nam, thăm quan gian hàng giới thiệu thủ công mỹ nghệ, nông sản đặc trưng của Việt Nam gắn với hoạt động kết nối doanh nghiệp hai nước và hòa vào không gian nghệ thuật sáng tạo cho trẻ em Croatia tô tranh, tô nón các danh lam thắng cảnh, trải nghiệm các trang phục dân tộc đa dạng của Việt Nam.

Ngày Văn hóa Việt Nam ở Croatia năm 2024 đã trở thành một sự kiện văn hóa nổi bật trong tháng Bảy ở thành phố xinh đẹp Zagreb, gây ấn tượng và cảm nhận sâu sắc với người dân Croatia và bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam với nền văn hóa truyền thống đặc sắc hàng ngàn năm, với nhiều thắng cảnh đẹp, con người thân thiện, mến khách, nét ẩm thực phong phú, là dịp để nhân dân hai nước tăng cường sự kết nối, đồng cảm văn hóa.

Các kênh truyền thông, báo chí lớn của Croatia cũng đã đưa nhiều tin cập nhật, phổ biến rộng rãi tới người dân sở tại về sự kiện này, thể hiện sự trân trọng, quan tâm của nhân dân Croatia tới Việt Nam, tới quan hệ hai nước. Đây là nền tảng vững chắc của mối quan hệ Việt Nam-Croatia trong suốt 30 năm qua và những năm tới.

LỄ BẾ GIẢNG CLB TIẾNG VIỆT TẠI HÀ LAN

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để truyền đạt văn hóa và kiến thức ngôn ngữ cho các học sinh gốc Việt tại Hà Lan.

Câu lạc bộ tiếng Việt tại Hà Lan vừa tổ chức lễ bế giảng năm học 2023-2024 vào đầu tháng 7 vừa qua. Sự kiện được tổ chức với sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, các giáo viên, phụ huynh và học sinh tham gia khóa học tiếng Việt.

Trong buổi lễ bế giảng, các học sinh và phụ huynh đã thể hiện lòng biết ơn đến cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, người đã đồng hành với lớp học suốt thời gian qua. Chị Võ Diệu Thúy, một trong những người luôn quan tâm và ủng hộ cho lớp học tiếng Việt, bày tỏ sự cảm kích đặc biệt đến cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương với sự tận tụy, nhiệt huyết và kiên trì trong việc dạy dỗ và bảo tồn tiếng Việt cho học sinh và cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan.

Phụ huynh học sinh cũng gửi lời cảm ơn đến cô giáo Phạm Hà Hương, phu nhân của cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, đã tham gia giảng dạy một lớp học tiếng Việt trong năm học vừa qua. Các học sinh đã đọc, hiểu, nói tiếng Việt chủ động không cần thông qua tiếng nước ngoài.

Là một giáo viên chuyên dạy môn Toán nhưng với tình yêu mãnh liệt đối với tiếng Việt, cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để truyền đạt văn hóa và kiến thức ngôn ngữ cho các học sinh gốc Việt tại Hà Lan. Đối với chị, tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ mà còn là một phần không thể thiếu của văn hóa quê hương.

Chị Nguyễn Lan Hương cũng cho biết vào ngày 12 tháng 7 tới đây, câu lạc bộ tiếng Việt tại Hà Lan sẽ tham gia buổi tọa đàm "Văn hoá Việt - tiếng nói Việt" do Diễn đàn gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài tổ chức. Tại sự kiện này, diễn giả Nguyễn Thị Thanh Mai, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, sẽ chia sẻ những phương pháp học tiếng Việt hiệu quả và cách phát âm chuẩn ngữ điệu.

KHI HỌC SINH 'QUÊN' TIẾNG VIỆT: CÒN TIẾNG VIỆT LÀ CÒN NGUỒN CỘI!

Trong khi nhiều học sinh VN "quên" tiếng Việt khi đang ở trên quê hương mình thì có những người Việt Nam làm việc, định cư ở nước ngoài vẫn luôn gìn giữ tiếng Việt cho các thế hệ sau.

Sống ở nước ngoài cũng chú trọng tiếng Việt

Gia đình tiến sĩ (TS) Phan Bích Thiện (Phó chủ tịch Hiệp hội Người VN tại Hungary; Chủ tịch Quỹ Vì quan hệ Hungary - VN; Chủ tịch Hội Phụ nữ VN tại Hungary) là một ví dụ. Chồng TS Thiện là người Hungary. Bà có 2 con gái là Thurózy Karolina My Lan, 25 tuổi, kiến trúc sư; và Thurózy Viktória Ly Anh, 23 tuổi, sinh viên ĐH Oxford. Hai cô con gái luôn được chú trọng gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt.

Sinh ra và lớn lên tại Hungary, hiện đang học tập và làm việc tại Vương quốc Anh, thi thoảng được về VN thăm bà ngoại, tuy nhiên cả My Lan và Ly Anh đều nói tiếng Việt rất tốt, nhờ TS Phan Bích Thiện luôn nói tiếng Việt cùng các con khi ở nhà. TS Thiện tâm niệm: "Các con có một nửa dòng máu Việt trong mình, các con phải hiểu về nguồn gốc, bản sắc, văn hóa dân tộc VN trước khi trở thành một công dân toàn cầu".

Trong bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên, hay các dịp lễ, tết, năm mới, TS Phan Bích Thiện đều nói với các con về văn hóa, phong tục tập quán của VN. Tết Nguyên đán, dù được đoàn tụ ở Hungary hay VN, cả My Lan và Ly Anh đều tự tay gói bánh chưng, cùng bố mẹ nấu xôi gấc, cắm hoa đào…

Anh Ngô Tấn Cang sang TP.Melbourne, bang Victoria, Úc, sống và làm việc hơn 1 năm nay, hai con của anh học tại các trường của Úc (một lớp 8, một lớp 10). Anh cho biết: "Các con đều là học sinh trường công lập ở TP.HCM trước khi sang nước ngoài. Trong trường con tôi học ở Úc đều yêu cầu học sinh người Việt phải đi học ngoại khóa tiếng Việt. Cộng đồng người gốc Việt tại Úc đều có ý thức giữ gìn tiếng Việt cho con cái".

Tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt cho trẻ

Trước hiện trạng HS người Việt "quên" tiếng Việt, TS giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, cố vấn xây dựng chương trình giáo dục phổ thông ở các trường ngoài công lập ở VN, khẳng định: "Chương trình giáo dục ở các trường quốc tế không có lỗi vì đa số các trường đều có tiết tiếng Việt dành cho học sinh quốc tịch VN, tuy không nhiều. Phụ huynh cần tăng cường tiếng Việt cho con tại nhà".

TS Huyền nhấn mạnh: "Nếu trẻ sống trong môi trường mà gia đình và đa số cộng đồng, xã hội xung quanh (khoảng 70%) nói tiếng Việt thì trẻ cần biết tiếng Việt. Để trẻ được phát triển lành mạnh về cảm xúc, trí tuệ, tình cảm, cần ưu tiên tiếng mẹ đẻ của trẻ".

TS Huyền cho hay khi trẻ mất tiếng mẹ đẻ, sẽ bị mất kết nối với người thân, cộng đồng, dễ có nhiều hệ lụy, như dễ gặp các vấn đề tâm lý. Trẻ không thấy mình thuộc về cộng đồng nào - gặp hội chứng "lạc lối bản sắc" khó đạt được trạng thái hạnh phúc khi không biết mình là ai. Những trẻ này cũng có nguy cơ bị thiếu hụt cảm xúc, khó chơi với bạn bè xung quanh, ngoài những bạn bè ở trường đơn ngữ của mình. Trẻ dễ bị lạc lõng khi rời khỏi môi trường tiếng Anh. Trẻ còn lạc lõng trong gia đình, không kết nối được cùng ông bà nội ngoại, họ hàng nếu không ai nói được tiếng Anh.

"Phụ huynh cần cân đối như ban ngày con đi học ở trường nói tiếng Anh thì về nhà cùng nói tiếng Việt với con. Mình là người Việt, hãy giữ tiếng Việt cho con mình", TS Huyền trao đổi.

Giúp trẻ học và sử dụng ngoại ngữ phù hợp

Theo chị Hà Đặng Như Quỳnh, Giám đốc học thuật DOL English, nghiên cứu sinh tại ĐH Reading, Vương quốc Anh, cần có sự cân bằng tiếp nhận 2 ngôn ngữ và có sự phân công khi giao tiếp với trẻ thì trẻ sẽ học được nhiều ngôn ngữ một lúc. Ví dụ trong môi trường quốc tế khi ở trường, trẻ nói tiếng Anh thì về nhà sẽ nói chuyện với ba mẹ, ông bà bằng tiếng Việt.

"Khả năng tiếp nhận ngôn ngữ của trẻ rất tốt. Trẻ có thể học nhiều thứ tiếng mà không bị loạn, miễn là có sự phân công ngôn ngữ đúng cách, không hòa trộn, nói xen vốn từ giữa 2 thứ tiếng. Tuy nhiên nên để trẻ tiếp cận từng ngôn ngữ một, ví dụ giới thiệu tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, sau đó bắt đầu giới thiệu thêm tiếng Anh, sau đó tiếng Nhật. Đừng nên giới thiệu cho trẻ một lúc quá nhiều ngôn ngữ mới khiến dẫn tới bị quá tải não bộ của trẻ; vì ngoài ngôn ngữ, trẻ còn cần học rất nhiều kiến thức kỹ năng khác", chị Như Quỳnh nêu quan điểm.

Trả lời PV Thanh Niên, Th.S-BS Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần Vinmec, khẳng định: "Việc học nhiều ngôn ngữ từ sớm không gây ra rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em. Thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc học đa ngôn ngữ từ sớm có thể mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức của trẻ".

Th.S-BS Nguyễn Trung Nghĩa cũng đưa ra một số điểm quan trọng: Trẻ học đa ngôn ngữ thường có khả năng tư duy linh hoạt hơn, kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn và trí nhớ làm việc mạnh mẽ hơn. Trẻ sẽ phát triển kỹ năng giao tiếp hiệu quả hơn và có khả năng thích nghi với nhiều môi trường văn hóa khác nhau. Trẻ học nhiều ngôn ngữ thường có khả năng học tập các môn học khác tốt hơn nhờ vào khả năng tư duy và phân tích được cải thiện.

"Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng việc học nhiều ngôn ngữ cùng lúc gây ra rối loạn ngôn ngữ. Trẻ em học song ngữ có thể gặp một số khó khăn ban đầu trong việc phân biệt và sử dụng đúng ngôn ngữ, nhưng điều này thường chỉ là tạm thời. Trẻ em song ngữ và đa ngữ phát triển ngôn ngữ bình thường và có thể đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ tương tự như trẻ em đơn ngữ", Th.S-BS Nguyễn Trung Nghĩa nhấn mạnh.

Nguồn: VietnamPlus; VOV5; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang