Người Việt hải ngoại: Sôi động giải bóng đá ở Nhật; 5 năm hòa nhập của cô gái ở Brazil; Nam ca sĩ bị người nhà cô lập tại Úc

GIẢI BÓNG ĐÁ NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬN DIỄN RA THÀNH CÔNG

Tại sân thi đấu Fresca, thành phố Kobe, Nhật Bản vừa diễn giải thi đấu bóng đá dành cho cộng đồng người Việt Nam đang học tập, làm việc và sinh sống tại khu vực Kansai, Nhật Bản.

Đây là sự kiện thể thao thường niên được tổ chức bởi Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam Nhật Bản (FAVIJA) dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Với 28 đội bóng được lựa chọn từ gần 40 đội bóng trong khu vực đăng ký tham gia, được chia thành 7 bảng đấu diễn ra cùng lúc trên 6 mặt sân.

Các cầu thủ tham gia thi đấu hầu hết là các cầu thủ không chuyên của người Việt và người Nhật tham gia trên tình thần giao lưu, học hỏi, tăng cường tình đoàn kết dân tộc giữa kiều bào ta với nhau cũng như thắt chặt hơn nữa tình cảm thân thiết giữa kiều bào ta với người dân bản địa.

Giải đấu đã thu hút hàng nghìn cổ động viên là kiều bào Việt Nam và người dân bản địa tới sân cổ vũ.

Sau một ngày thi đấu hết sức sôi nổi và kịch tính, chức vô địch đã thuộc về FC T-Connect Bình Định. Danh hiệu á quân thuộc về FC Quảng Trị Osaka, 2 đội đồng giải ba là FC Star và FC Nagata.

Các đội bóng đạt giải đồng thời cũng giành quyền tham dự giải bóng đá toàn quốc người Việt tại Nhật dự kiến sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 11 năm nay tại thủ đô Tokyo.

CÔ GÁI VIỆT Ở BRAZIL SAU 5 NĂM HÒA NHẬP

Dự định sang Rio De Janeiro một tháng nhưng Covid-19 khiến Kim Hồng mắc kẹt trong khi những mâu thuẫn với bạn trai ập đến khiến cô tưởng như không thể vượt qua nổi.

Tất cả bắt đầu vào một ngày cuối năm 2019, Kim Hồng, một nhân viên công ty Nhật Bản ở Long An bất ngờ nhận được tin nhắn của một người đàn ông Brazil. Cô gái khi đó 29 tuổi không để ý cho đến khi người đó nhắn hỏi bằng tiếng Việt "Em khỏe không?".

Họ nói chuyện nhiều hơn. Người đàn ông giới thiệu mình là José Lazaro, 44 tuổi, bố đơn thân của con gái 5 tuổi, sinh sống ở Brazil, đang làm việc ở Canada và rất có cảm tình với Việt Nam.

Ngày còn trẻ, José từng đến Angola làm thiện nguyện và được gặp rất nhiều người Việt Nam sống và làm việc ở đó. Anh yêu mến họ đến mức muốn tìm một người vợ ở đây. José thậm chí còn đăng ký khóa học tiếng Việt.

Nhưng biết anh là bố đơn thân, lại sống ở một quốc gia khác, Kim Hồng xác định chỉ làm bạn chứ không yêu. Các cuộc gọi, tin nhắn hồi đáp của cô gái Việt thưa dần, cho đến một ngày Jose đặt bé Angelina, con gái vào lòng, gọi video cho cô.

Nhìn cô bé 5 tuổi, Kim Hồng đồng cảm, nghĩ đến mình thuở nhỏ. Năm 6 tuổi, gia đình gặp biến cố nên cô phải xa ba mẹ đến ở với cô ruột. "Hồi đó tôi khóc rất nhiều vì thèm vòng tay và hơi ấm của ba mẹ. Đột nhiên, tôi cảm thấy gần gũi bé. Từ giây phút đó tôi dần mở lòng hơn với anh", cô nói.

Cô gọi cho José nói "hãy bay ngay về Việt Nam để thuyết phục gia đình". José đặt vé về Việt Nam ngay ngày hôm sau.

"Tôi đã nói chuyện với nhiều cô gái Việt, chưa ai thờ ơ và dứt khoát như cô ấy. Điều đó khiến tôi muốn chinh phục", anh nói.

Suốt một tuần ở Việt Nam, José không quản việc gì, từ quét nhà, giặt quần áo, rửa bát để tỏ tấm chân tình. Anh cũng xin nói chuyện nghiêm túc với mẹ Hồng, xin cho hai người được tìm hiểu nhau. Chứng kiến những điều anh làm, càng giúp cô gái tin vào lựa chọn của mình.

Kim Hồng đưa cho mẹ cô xem bức ảnh của con gái anh và thuyết phục thêm. "Thấy sự chân thành của José và cảm nhận của con gái, tôi đồng ý cho hai đứa tìm hiểu", bà Mai Loan nói.

Chàng trai Brazil mời Kim Hồng sang đất nước mình một tháng để tìm hiểu về gia đình, con người anh, trước khi quyết định kết hôn. Cô gái mang theo mỳ gói, đồ ăn Việt Nam và quần áo mùa hè cho chuyến đi cách nửa vòng trái đất.

Một tháng ở quê bạn trai trôi qua êm ấm, giúp hai người thêm gắn bó và dự tính sẽ về Việt Nam bàn chuyện trăm năm. Nhưng Covid-19 ập đến khiến những chuyến bay dừng hoạt động, Kim Hồng mắc kẹt.

Trời Brazil khi đó chuyển sang mùa đông, đồ ăn Việt Nam cũng đã cạn. "Tôi khủng hoảng tâm lý vì cảm giác mắc kẹt và bất tiện khi sống ở xứ người", cô kể.

Mâu thuẫn cũng nảy sinh nhiều hơn khi những thói quen, tật xấu của cả hai dần lộ ra. Kim Hồng nói tiếng Anh với bạn trai, nhưng gia đình anh và cả con gái chỉ nói tiếng Bồ Đào Nha. Cảm giác cô độc, không thể về cũng không thể thích nghi khiến cô rơi vào bế tắc. "Chúng ta nên ngồi lại nói chuyện với nhau. Em hãy nghĩ đến lý do vì sao mình tới đây", anh José nói khi thấy Kim Hồng rơi vào khủng hoảng.

Cả hai cho nhau thêm cơ hội. Khi bất đồng tạm thời lắng xuống, họ quyết định sinh con. Nhưng lúc mang thai, Kim Hồng không thể xin được thẻ xanh để định cư Brazil, không thể đăng ký kết hôn vì khi sang không mang đủ giấy tờ. Cô không có bảo hiểm và trở thành người định cư trái phép. Những áp lực cộng dồn khiến Kim Hồng rơi vào trầm cảm. "Tôi luôn nhìn mọi thứ theo hướng tiêu cực", cô kể.

Đỉnh điểm Kim Hồng vào nhà tắm, định cắt tay tự vẫn. May mắn José kịp thời phát hiện, đưa vợ đến bác sĩ trị liệu tâm lý.

Lúc này, trước mặt bác sĩ, cô mới nói ra hết những vướng mắc trong lòng. "Cô ấy nghĩ tôi không còn thương cô ấy, trách mình bỏ hết cơ hội ở Việt Nam để đến sống với người không thương, không hiểu cho mình", José kể.

Anh quyết định dừng đến công ty, chỉ làm việc ở nhà để theo sát vợ suốt ngày đêm, chăm sóc cô từng chút một. Thái độ của chồng khiến Kim Hồng bừng tỉnh. "Giờ không thể thay đổi hoàn cảnh thì phải thay đổi mình cho hợp hoàn cảnh'', cô nghĩ.

Hàng ngày, cô chơi với Angelina, đọc truyện của con, chơi cờ, làm bánh cùng con để tăng khả năng giao tiếp. Kim Hồng nhờ chồng in sách, mua sách để học tiếng, đồng thời lên mạng học thêm.

Bé Angelina thường bắt chước ba, xoa tay lên bụng dì nói chuyện với em bé. Kim Hồng nấu cho bé những món Việt Nam bé thích, tâm sự với con đủ điều. "Con là một phần lý do khiến tôi đến đây, nhưng cũng chính con mới là người dạy cho tôi nhiều bài học, giúp tôi mở mang ngôn ngữ và mở rộng trái tim mình'', Kim Hồng nói.

Khi rào cản ngôn ngữ không còn, khoảng cách của cô và nhà chồng cũng biến mất. Mẹ và chị em chồng sắm cho nàng dâu và cháu từng tấm tã, săn sóc, hỗ trợ suốt thời gian cô sinh và nuôi con nhỏ.

Hòa nhập được với gia đình chồng, Kim Hồng cũng dần thích nghi với cuộc sống ở Brazil. Cô tập ăn một số món quê chồng, tìm các loại rau Việt mọc dại về nấu ăn, tự trồng, nấu mời các thành viên trong gia đình anh.

"Giờ ai cũng nghiện gỏi gà, phở bò, chả giò", Kim Hồng kể. Cô còn nấu món Việt bán ở Brazil, làm YouTube về cuộc sống ở đây để tự tạo thu nhập.

Vấn đề còn lại là xin thẻ xanh để định cư tại Brazil. Một người mách với vợ chồng cô nên xin ở lại theo diện tị nạn. Nhưng khi đến cảnh sát, người ta từ chối và khuyên nên về Việt Nam 6 tháng rồi quay lại.

Về nhà, Kim Hồng viết một lá thư bằng tiếng Bồ Đào Nha, kể về cảnh ngộ của mình khi mắc kẹt ở Brazil gửi nữ cảnh sát. "Cô hẳn là một người mẹ, làm sao có thể bỏ con mình ở lại đây khi bé mới 6 tháng tuổi", Kim Hồng giãi bày. Người cảnh sát giới thiệu cho cô gái Việt một luật sư, hy vọng có thể giúp đỡ.

Hóa ra, người bạn đó là một luật sư rất giỏi ở Rio De Janeiro. Người này đã viết một lá thư kể về những khó khăn Kim Hồng trải qua trong thời gian sống ở Brazil, gửi lên chánh án tòa án bang. Vị chánh án gửi công điện khẩn đề nghị cấp thẻ xanh để cô gái Việt được định cư ở Brazil.

"Chỉ một tuần, tôi cùng chồng bế con đến văn phòng cảnh sát, mang theo lá thư của vị chánh án. Mọi thứ được giải quyết xong", Kim Hồng kể.

Một tháng sau khi lấy được thẻ xanh cũng là lúc đường bay về Việt Nam hoạt động trở lại. Cô gái cùng chồng và các con trở về quê hương tổ chức đám cưới trước sự chúc phúc của mọi người, như từng mong đợi.

Đầu năm nay, nhân lần kiếm được tiền từ công việc làm YouTube về cuộc sống trên đất Brazil, Kim Hồng viết một lá thư rất dài gửi mẹ chồng, trước sự chứng kiến của chồng, con gái riêng của anh và con trai, nhắc lại hành trình đã đi qua.

Trong thư, cô cảm ơn gia đình chồng, mẹ chồng đã yêu thương, chăm sóc, giúp cô hòa nhập với đất nước Brazil trong thời điểm khó khăn nhất.

Nghe những dòng tâm sự của con dâu, bà Maria Inês, 73 tuổi, xúc động, ôm lấy Kim Hồng nói: "Con là con gái mẹ và đây là nhà của con".

NAM CA SĨ Y THANH BỊ NGƯỜI NHÀ CÔ LẬP TẠI ÚC

"Mọi người trong nhà đều được ăn ngon, còn tôi phải ăn thức ăn thừa đã bị nguội lạnh" – ca sĩ Y Thanh chia sẻ.

Mới đây, chương trình Vali cảm xúc đã lên sóng với khách mời là ca sĩ Y Thanh. Y Thanh là một ca sĩ nổi tiếng tại hải ngoại, chuyên hát nhạc ngoại, nhưng gần đây đã về nước sinh sống.

Tại chương trình tuần này, Y Thanh đã tâm sự về công việc, sự nghiệp của mình. Anh nói: "Bản thân tôi rất yêu nhạc Việt, luôn mong muốn góp phần tạo nên những màu sắc mới trong dòng chảy đương đại của nhạc Việt.

Tuy nhiên, tôi lại thấy mình có duyên với nhạc ngoại nhiều hơn, nên nhiều khi phải né tránh một bộ phận khán giả không hiểu cho công việc của tôi.

Nhiều khán giả ngạc nhiên khi thấy một ca sĩ người Việt mà lại hát nhạc ngoại và họ trách tôi. Họ cứ hỏi vì sao tôi không hát nhạc Việt mà hát nhạc ngoại hoài.

Khán giả không biết rằng, khi bầu show mời đã yêu cầu hát nhạc ngoại thì tôi phải hát theo, không làm khác được, ở mỗi sân khấu có một cách tổ chức riêng. Ví dụ, sân khấu chỉ hát toàn nhạc ngoại.

Nhưng khán giả đến xem không thích thì lại trách tôi. Đó là một sự mâu thuẫn mà tôi luôn phải đương đầu. Với tôi, âm nhạc không có biên giới, nó giống như tình yêu cũng không có biên giới vậy.

Con đường mà Tổ nghiệp đã tạo cho tôi đi, dù mang lại nhiều khó khăn nhưng bản thân tôi vẫn phải chấp nhận được việc mình sẽ được cái này và mất cái kia".

Tiếp đó, Y Thanh mang đến chương trình một món đồ đặc biệt. Đó là một sợi dây chuyền mà nam ca sĩ được người cô ruột tặng từ khi còn bé.

Anh bật khóc chia sẻ: "Sợi dây chuyền này cho tôi sự hộ mệnh. Tôi chỉ nghe ba mẹ kể lại rằng cô đã tặng nó cho mình và nó rất quý. Cô rất thương tôi và đây cũng là một kỷ vật mà tôi thật sự trân quý.

Cô ruột tôi cũng là người đã bảo lãnh tôi sang Úc định cư. Tuy nhiên, một điều không may lại xảy đến vào một tuần trước khi tôi sang Úc. Cô tôi đột ngột qua đời vì bệnh tim. Tôi mang ơn cô rất nhiều.

Sau khi sang Úc, tôi sống chung với dượng nhưng lại bị người tình của dượng la mắng và có động thái cô lập tôi.

Mọi người trong nhà đều được ăn ngon, còn tôi phải ăn thức ăn thừa đã bị nguội lạnh.

Những ngày tháng tôi sinh sống tại Úc không hề dễ dànng. Bản thân tôi không có diễm phúc được đoàn tụ cùng ba mẹ ngay sau khi sang một đất nước khác.

Gần đây tôi có đọc những câu rất hay rằng chúng ta sẽ không bao giờ làm hài lòng tất cả mọi người, đừng bao giờ để người khác quyết định giá trị của mình".

Nguồn: Hà Nội Online; Vnexpress; Kenh14

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang