Người Việt hải ngoại: Hội thi văn nghệ tại Nga; Cô dâu gặp khó vì ly hôn chồng HQ; Mở trường học ở Mỹ; 1 người bị chém ở Osaka

CUỘC THI VĂN NGHỆ CỦA CỘNG ĐỒNG TẠI NGA

Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), ngày 2/9, tại thủ đô Moskva, Câu lạc bộ Salyut Moskva đã tổ chức Hội thi văn nghệ cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga với sự tham gia của đông đảo bà con người Việt đang sinh sống, làm việc tại Moskva.

Tham dự sự kiện, có ông Lê Quang Anh, Tham tán-công sứ, Trưởng Ban công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga; đại diện Hội cựu chiến binh, Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, cùng đông đảo bà con người Việt, thành viên Câu lạc bộ Salyut Moskva.

Chị Lê Thị Kim Liên, Chủ tịch Câu lạc bộ Salyut Moskva, Trưởng ban tổ chức Hội thi, cho biết, các thí sinh tham gia Hội thi này đều là bà con cộng đồng đang làm ăn, buôn bán trên địa bàn Moskva. Hội thi thu hút sự quan tâm và tham gia của rất nhiều người, tuy nhiên do không có không gian tổ chức quy mô lớn nên trong lần này chỉ giới hạn ở khoảng hơn 30 tiết mục tham gia biểu diễn.

Tham dự Hội thi chủ yếu gồm những tiết mục đơn ca, song ca, tập thể với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, con người, hướng về cội nguồn và đoàn kết dân tộc.

Nhạc sĩ Phạm Hồng Hà, thành viên Ban Giám khảo cho biết, Hội thi không đặt nặng nhiều về yếu tố chuyên môn bởi đây là phong trào của quần chúng. Điều quan trọng mà Ban tổ chức kỳ vọng, đó là sự nhiệt huyết tham gia của bà con, tạo môi trường để mọi người có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh.

Lần đầu tiên tham gia Hội thi, chị Lê Thị Thanh Tâm chia sẻ, Hội thi là sân chơi bổ ích cho bà con cộng đồng người Việt Nam. Ngoài công việc kinh doanh, buôn bán bận rộn, bà con có cơ hội thể hiện đam mê, sở thích và tạo môi trường sống lành mạnh.

Điều đặc biệt, Hội thi tổ chức đúng vào Ngày Quốc khánh của đất nước, những người con xa quê mong muốn gửi tình cảm, yêu thương tới quê nhà, mong đất nước ngày càng phát triển, thịnh vượng.

Hội thi văn nghệ cộng đồng là dịp để tăng cường kết nối, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng, đồng thời, góp phần tăng cường quảng bá những nét đẹp văn hóa nghệ thuật và hình ảnh của Việt Nam tới bạn bè Nga và quốc tế.

 

 

CÔ DÂU VIỆT GẶP KHÓ SAU KHI LY HÔN CHỒNG HÀN QUỐC

Kim Oanh vẫn nhớ một ngày mùa đông 7 năm trước, cô dắt hai con rời khỏi căn nhà ở tỉnh Gyeonggi, kết thúc cuộc hôn nhân với người chồng Hàn Quốc, dù tương lai mờ mịt.

"Thứ duy nhất tôi có lúc đó là quốc tịch Hàn Quốc", người phụ nữ 42 tuổi, quê Tây Ninh, kể. Giấc mơ đổi đời của Oanh tan vỡ.

Oanh lớn lên trong một gia đình nghèo khó nên cô muốn lấy chồng ngoại để cuộc sống khấm khá hơn. Thông qua môi giới, cô kết hôn với một người đàn ông làm công nhân ở TP Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, hơn Oanh 12 tuổi. Đám cưới tổ chức năm 2009, khi cô 27 tuổi, sau đúng một tháng tìm hiểu nhau.

Nhưng cuộc sống ở Hàn Quốc của Oanh ngày càng cơ cực, nhất là sau khi hai con ra đời. Chồng cô cục tính, gia trưởng và lười biếng. Gánh nặng chăm sóc con lẫn kinh tế đổ dồn lên vai Oanh, một công nhân lắp ráp điện tử, lương 3 triệu won mỗi tháng nhưng phải làm việc 12 giờ mỗi ngày.

Cuộc sống chật vật khiến vợ chồng họ cãi vã liên miên. Không ít lần, chồng Oanh trút giận lên con, khiến hàng xóm phải chạy sang can ngăn. Một ngày đông 2017, người hàng xóm gọi Oanh lại khuyên "không sống nổi thì bỏ đi cháu".

Cô đệ đơn ly hôn đơn phương và dắt con ra ngoài thuê căn nhà trọ cách đó vài chục km, giá 600.000 won (gần 10 triệu đồng). Nhưng hai con của Oanh đều đang độ tuổi tiểu học, chúng cần được đưa đến trường mỗi sáng, cô không thể nhờ người khác. Chồng Oanh không chu cấp, còn nhà nước hỗ trợ 300.000 won mỗi tháng.

Oanh nói thuê người giúp việc ở Hàn Quốc là xa xỉ với một người nhập cư như cô. Không còn cách nào khác, cô đành trở thành công nhân thời vụ, vừa chăm sóc con vừa nhận sản phẩm về nhà gia công đến 1-2h đêm.

Cô sút 5 kg trong vài tuần, gần như kiệt sức, đổi lại mức lương vừa đủ trả tiền trọ, ăn uống, học phí cho ba mẹ con. Tháng nào con bệnh, cô thiếu hụt phải vay mượn.

Bốn năm trước, Oanh bảo lãnh mẹ ruột sang nhưng bà không biết tiếng Hàn, không thể lái xe, chỉ hỗ trợ việc cơm nước, giặt giũ cho cô đỡ vất vả. Khoảng ba tháng, bà lại phải về nước do hết hạn visa, mất thêm chi phí vé máy bay.

"Cô đơn, buồn bã, tủi thân nhưng không thể về Việt Nam", Oanh nói. Hai con cô đều quen với cuộc sống ở đây, chúng không nói tiếng Việt, càng không thể hòa nhập môi trường mới.

Hơn hết, Oanh biết mảnh đất nông nghiệp ở huyện Hòa Thành, Tây Ninh không thể giúp cô nuôi con. Cô buộc ở lại, dù mệt mỏi và lao đao.

Lo lắng của Oanh không phải là thiếu căn cứ. Báo cáo mới nhất của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho thấy cô dâu Việt chiếm tỷ lệ nhiều nhất (33,5%) trong số những cuộc hôn nhân đa văn hóa ở Hàn Quốc, tiếp theo là Trung Quốc 18% và Thái Lan 14%, tính đến cuối năm 2023. Số vụ ly hôn giữa các cặp vợ chồng đa văn hóa đang tăng mạnh, lên đến 6.000 vụ chỉ riêng trong năm 2023.

Cũng theo thống kê của Bộ này, hầu hết phụ nữ Việt Nam ly hôn chồng Hàn Quốc phải đối mặt với khó khăn tài chính, kèm với gánh nặng một mình chăm sóc con nhỏ, chiếm tỷ lệ 82,4%. Nguyên nhân chủ yếu là do đàn ông Hàn Quốc lấy vợ khác quốc tịch thường có thu nhập 2-3 triệu won một tháng, thấp hơn trung bình 3,29 triệu won của người lấy vợ Hàn Quốc.

Dù vậy, khoảng 80% số phụ nữ Việt sau khi ly hôn vẫn muốn ở lại để con cái được đi học hoặc tìm kiếm việc làm ở Hàn Quốc.

Bà Hoàng Thị Hà, trưởng nhóm hỗ trợ phụ nữ Việt ở TP Incheon, cho biết sự khó khăn sau ly hôn ngày càng lớn. Qua quá trình hỗ trợ phiên dịch cho các cô dâu Việt khi ly hôn, bà Hà nhận thấy khó khăn lớn nhất của họ thường bao gồm việc tìm nhà, tìm luật sư giành quyền nuôi con, gánh nặng kinh tế và không có người chăm sóc trẻ em. Đa số, các cô dâu là công nhân lắp ráp linh kiện, phụ tùng ôtô, vỏ hộp mỹ phẩm. Công việc này chỉ có thu nhập 2-3 ba triệu won mỗi tháng và phải tăng ca 8 tiếng, không đủ chi phí sinh hoạt, thuê nhà, nuôi con.

Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc thường xem xét các hộ gia đình đơn thân, lương người mẹ dưới hai triệu won, có trẻ nhỏ, hỗ trợ mức 200.000 - 300.000 won mỗi tháng. Số tiền vẫn không đủ trang trải, khiến họ rất khó khăn, đặc biệt là với tình hình lạm phát mấy năm nay.

Hai năm trước, lúc cầm hồ sơ ly hôn, Bích Huyền, 35 tuổi, đứng trước thế mắc kẹt. Cô có hai lựa chọn, một là chấp nhận hòa giải hôn nhân, hai là tự nuôi con.

"Tôi không muốn con mình bị tổn thương, chứng kiến bố mẹ suốt ngày cãi nhau", Huyền nói. Cô thừa nhận cuộc hôn nhân tan vỡ là do bản thân mình không tìm hiểu kỹ. Cô gái lớn lên ở Hà Nội, bố mất sớm, để lại gia đình vô cùng khó khăn.

Huyền từng là kế toán nhưng chấp nhận lấy chồng ngoại sau hai tháng trao đổi tin nhắn và một lần gặp gỡ với người chồng Hàn Quốc hơn cô 12 tuổi, với mong muốn thay đổi cuộc đời. Nhưng hôn nhân của họ là những trận cãi vã triền miên, cô nói mình khắc khẩu với chồng, mệt mỏi vì tính lười biếng.

Lúc ly hôn, Huyền thuê căn hộ giá hơn 300.000 won để ở cùng con gái, cách chỗ bố vài km. Cô có hai lý do, muốn con gần bố và có người trông nom cho cô tăng ca cuối tuần.

Lương công nhân ở công ty mỹ phẩm khoảng hai triệu won, nhà nước hỗ trợ thêm một triệu won nuôi con nhỏ, miễn học phí. Tuy nhiên, chồng cô không gửi tiền hỗ trợ. Luật sư tư vấn cô có thể kiện, lương của chồng sẽ được trích ra, chuyển thẳng vào tài khoản vợ cũ, nhưng Huyền không làm. "Một cuộc hôn nhân lục đục đã đủ rồi, tôi không muốn mâu thuẫn kéo dài", cô nói.

Luật sư Lê Hồng Hiển, Đoàn luật sư Hà Nội, từng hỗ trợ pháp lý từ xa cho nhiều phụ nữ Việt Nam ly hôn chồng Hàn Quốc, nói nguyên nhân chủ yếu do các cô dâu Việt "vỡ mộng". Họ thường kết hôn qua trung tâm mai mối và không có nhiều thời gian để tìm hiểu về người sẽ làm chồng mình. Cô dâu Việt Nam thường được gả về vùng nông thôn, khác biệt văn hóa, chồng thu nhập thấp hoặc phải chăm sóc bố mẹ chồng già yếu, nảy sinh mâu thuẫn là các lý do chủ yếu.

Có nhiều trường hợp đệ đơn chỉ sau vài tháng chung sống, khiến đời sống sau ly hôn rất khó khăn. Họ phải liên hệ với phía Việt Nam để gửi các giấy tờ sang Hàn Quốc, bản thân cũng không nắm thông tin chồng hoặc gia đình chồng không được cầm giấy đăng ký kết hôn.

"Các vụ ly hôn đơn phương ở Việt Nam với người Việt đã khó nên ở Hàn Quốc càng phức tạp, mất nhiều thủ tục và thời gian. Nhiều gia đình chồng từ chối cung cấp thông tin và hỗ trợ", ông Hiển nói.

Luật sư cho rằng để không lâm vào tình cảnh khó khăn, bơ vơ nơi đất khách quê người, không có giải pháp nào tốt hơn là các cô dâu Việt cần có thời gian tìm hiểu kỹ văn hóa, lối sống, đặc biệt là đối tượng kết hôn. Hôn nhân nếu không có yếu tố tình cảm thì khó có thể bền chặt. Đồng thời, cô dâu Việt nên chuẩn bị, tìm hiểu trước thông tin, cách thức liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam cùng các hội nhóm, cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc để được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.

 

 

THẦY GIÁO NGƯỜI VIỆT MỞ TRƯỜNG HỌC TẠI MỸ

Không thi học sinh giỏi, không đoạt giải Olympic hay bất kỳ thành tích đặc biệt nào, nhưng Hoàng Vỹ đỗ thạc sĩ Đại học Stanford và mở trường tư của người Việt ở Mỹ.

Thầy giáo từ khu ổ chuột

Vỹ từng nhận học bổng toàn phần bậc phổ thông ở London (Anh) năm lớp 10, sau đó tốt nghiệp cử nhân Toán tại Imperial College London. Mùa hè năm 2008, chàng cử nhân bay từ Anh sang Mỹ thăm chị gái. Chuyến đi là cơ duyên đưa anh trở thành giáo viên vì đúng dịp trường trung học Sam Houston bang Texas tuyển người.

Hoàng Vỹ được nhận vào dạy môn Toán tại ngôi trường khu ổ chuột - nơi đa phần học sinh quan trọng việc “ngày mai ăn gì” hơn là “làm sao để đạt điểm A”. Ngày đầu lên lớp, anh kinh ngạc khi một lớp 20 học sinh nữ thì hơn nửa trong số đó đang có bầu hoặc có con. Có học sinh mới 17 tuổi đã 3 con, và điều đó được coi là bình thường ở đây. Ngôi trường khi đó cũng sắp bị đóng cửa vì 6 năm liên tiếp bị Ủy ban Giáo dục bang xếp ở mức "không thể chấp nhận".

Vượt qua rất nhiều khó khăn, cuối năm học đó, 98% học sinh do Hoàng Vỹ kèm cặp vượt qua bài thi cuối cấp. Sau 4 năm, anh giúp gần 600 học sinh vào đại học, trong đó nhiều em từng là học sinh yếu, kém. Năm học 2009 - 2010, anh được chọn là giáo viên xuất sắc nhất trường và trở thành trưởng bộ môn Toán trẻ nhất lịch sử trường Sam Houston.

Với mong muốn đạt vị trí cao hơn để có sức lan tỏa nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục, Hoàng Vỹ học thạc sĩ chuyên ngành giáo án và huấn luyện giáo viên tại Đại học Stanford danh tiếng.

“Vào đó, sinh viên hầu như đều là thần đồng. So với người ta, mình không là gì hết. Tôi được trường nhận có lẽ vì đam mê, hoài bão rõ ràng về giáo dục”, Vỹ kể.

Làm điều không tưởng: Mở trường trên đất Mỹ

Vào Đại học Stanford, Vỹ hoàn toàn thay đổi tư duy: Học để kiểm tra hay kiếm bằng? Triết lý của Stanford gói gọn ở câu “miễn có động lực bên trong, bạn sẽ học tốt”. Một tuần, Vỹ đọc 300 trang sách nhưng chỉ để nói chuyện trao đổi kiến thức với giáo sư chứ không phải phục vụ bài thi.

Sau khi có bằng thạc sĩ, Vỹ mở trường phổ thông Van Houston theo mô hình after school (dạy phụ đạo sau giờ học và luyện thi SAT cuối tuần).

Trước Vỹ, chưa từng có người Việt nào mở trường trên đất nước Mỹ vì các điều kiện rất khó khăn. “Thị trường giáo dục phổ thông công lập ở Mỹ lâu đời và quá mạnh, còn mình quá mới và non trẻ, chưa kể tôi còn gặp bất lợi khi không phải người bản địa, không có khối tài sản khổng lồ”, Vỹ nói.

Các trường công ở Mỹ có lịch sử lâu đời, được Chính phủ đầu tư hàng trăm triệu đô la, rất đẹp, miễn học phí, lại có cơm trưa, có hệ thống xe bus đưa đón, trong khi trường của Vỹ khuôn viên nhỏ, học sinh phải tự túc bữa trưa. Tất cả khiến chàng trai người Việt lo lắng trong công tác tuyển sinh.

Ban đầu, trường chỉ có 2 giáo viên và 8 học sinh. Nhờ các biện pháp kết nối bạn bè, quan tâm điều kiện của từng học sinh, nên cuối năm đó, số học sinh tăng lên 20.

Dạy được 2 năm, dịch COVID-19 ập đến, toàn nước Mỹ bị phong tỏa, Vỹ phải cho học sinh về trường công học, do trường anh chưa đủ cơ sở vật chất và kinh nghiệm tổ chức dạy học online. Vài tháng sau, ngôi trường đóng cửa do không đủ chi phí vận hành.

Khi dịch bệnh tạm lắng, Vỹ “đánh liều” mở trường trở lại, kêu gọi giáo viên trước đây về cùng vực lại trường. Điều bất ngờ là học sinh cũ quay lại gần hết, và còn giới thiệu thêm anh chị, người quen vào học. Cuối năm đó, số học sinh tăng lên gần 70, đa số là con em gia đình Mỹ gốc Việt.

Về kiến thức, trường theo kim chỉ nam “Dạy để các em hiểu, chứ không phải để hoàn thành chương trình”, và đặt mục tiêu tối thiểu 80% học sinh trong lớp hiểu được bài, nắm vững kỹ năng, không học theo kiểu “nhồi sọ”. Vỹ cũng mở một lớp học đặc biệt dạy tiếng Việt, dành cho học sinh từ mẫu giáo đến hết cấp hai.

Năm 2021, khi các hoạt động đi vào ổn định, Vỹ lại “đánh liều” đi vay ngân hàng 10 triệu USD mua đất xây trường khang trang. Lòng yêu nghề, yêu học sinh và hoài bão của Vỹ thuyết phục được chủ tịch và hội đồng quản trị ngân hàng. Tháng 6/2022, Vỹ được rót tiền và khởi công xây dựng trường VHA.

Cùng năm này, trường được thanh tra toàn diện và thẩm định cấp chứng nhận Cognia. Với chứng nhận này, bảng điểm của trường được công nhận khắp nước Mỹ cũng như thế giới. Năm 2023, trường lần đầu tiên được cấp phép tuyển du học sinh từ Việt Nam, với 20 em.

8x gốc Việt nhấn mạnh, điều gì tốt nhất cho học sinh anh sẽ làm, chứ không phải tốt nhất cho việc kinh doanh.

Cô Baha - Hiệu phó trường VHA nhận xét, Vỹ không chỉ là ông chủ mà là nguồn cảm hứng, người cố vấn tận tâm cho giáo viên và học sinh. “Anh có sự thích nghi ngoài tầm hiểu biết và thân thiện khó ai sánh được”, cô nói.

Còn cô Shelly Tavera, giáo viên dạy đọc và viết lớp 5 tại trường cho hay, cô chưa bao giờ gặp một người có tình yêu đối với việc giảng dạy, và lòng trắc ẩn đối với học sinh, giáo viên như thầy Hoàng Vỹ.

 

 

MỘT THANH NIÊN NGƯỜI VIỆT BỊ CHÉM TẠI SAKAI, OSAKA

Vào đêm 28, tại một khu chung cư ở thành phố Sakai, Osaka một nam giới đã bị chém vào tay trái bằng một vật giống như dao. Cảnh sát đang điều tra vụ việc này như một vụ giết người chưa thành và truy tìm kẻ tình nghi đã bỏ trốn.

Vào khoảng 9 giờ 15 phút tối ngày 28 tháng 8 mới đây, cảnh sát nhận được cuộc gọi từ một cư dân sống tại khu chung cư ở Dejima-cho, quận Sakai, thành phố Sakai, báo rằng có “một cuộc cãi vã, tranh chấp đang diễn ra”.

Theo thông tin từ cảnh sát, một số người đã cãi nhau gần khu vực sảnh thang máy trên tầng một của khu chung cư. Sau đó, một nam giới quốc tịch Việt Nam, 30 tuổi, sống trong khu chung cư này đã bị một người nào đó dùng vật giống như dao chém vào tay trái.

Nam giới này đã tự mình đến đồn cảnh sát gần đó để trình báo tình hình và sau đó được đưa đến bệnh viện, tuy nhiên không nguy hiểm đến tính mạng. Kẻ tấn công đã bỏ trốn khỏi hiện trường và không có hung khí nào được tìm thấy tại hiện trường.

Cảnh sát đang điều tra vụ án này như một vụ giết người chưa thành và đang kiểm tra các camera an ninh trong khu vực để truy tìm kẻ tình nghi.

 

Nguồn: Nhân Dân; Vnexpress; Dân Trí; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang