Người Việt hải ngoại: Giải Golf hữu nghị tại Đức; Giải bóng đá tại Thụy Điển; 30.000 người du học Mỹ; Học tiếng của người bản xứ

GIẢI GOLF HỮU NGHỊ VIỆT – ĐỨC

Giải Golf Hữu nghị Việt-Đức 2024 do Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tổ chức diễn ra vào ngày 2/8 trên sân Kallin ở thành phố Nauen, bang Brandenburg, thu hút sự tham gia của hơn 80 tay golf.

Ngày 2/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã tổ chức Giải Golf Hữu nghị Việt-Đức 2024, tiếp nối thành công trong nhiều năm qua.

Sự kiện thể thao thường niên này nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa những người bạn Việt Nam và Đức, cũng như nâng cao phong trào thể thao, tăng cường đoàn kết gắn bó trong cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Giải đấu năm nay được tổ chức tại sân golf Kallin, ở thành phố Nauen, bang Brandenburg, thu hút sự tham gia của hơn 80 tay golf, trong đó có các thành viên Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, một số đại diện ngoại giao đoàn như Đại sứ Lào Mayboua Xayavong; Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, một số doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp Việt Nam, cùng đông đảo người Việt từ các câu lạc bộ golf trên khắp nước Đức.

Phát biểu khai mạc sự kiện thể thao hữu nghị này, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam Chu Tuấn Đức một lần nữa nhấn mạnh mục đích tổ chức sự kiện là thông qua các hoạt động thể thao để tăng cường kết nối, nâng cao tình bạn, tình đoàn kết giữa người Việt và người Đức, cũng như trong cộng đồng người Việt tại Đức.

Ông cũng bày tỏ lời cảm ơn đối với các nhà tài trợ, các doanh nghiệp Việt Nam và Đức như Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, Signal Iduna, Gedu, Công ty Lehop, Công ty Thăng Long, “Golf For All” - tập đoàn lớn của Đức về các trang thiết bị golf- đã luôn đồng hành cùng Đại sứ quán trong nhiều sự kiện cộng đồng.

Giải đấu diễn ra trong một ngày trong điều kiện thời tiết mát mẻ lý tưởng. Chung cuộc, Giải Người chơi Tốt nhất được trao cho tay golf Nguyễn Đức Cường (Berlin); Nhất bảng A thuộc về Bác sỹ Nguyễn Thanh Phương (Halle); Nhất bảng B là anh Nguyễn Thanh Long (Berlin) và Nhất bảng C là anh Lê Ngọc Phú (Đại sứ quán).

Ngoài ra, các giải kỹ thuật như Phát bóng Xa nhất (Longest Drive) đã thuộc về tay golf Sebastian Pietz (Berlin) và Đánh bóng Gần Cờ nhất (Nearest to The Pin) được trao cho anh Nguyễn Ngọc Đăng (Đại sứ quán).

 

GIẢI BÓNG ĐÁ GẮN KẾT CỘNG ĐỒNG TẠI THỤY ĐIỂN

Giải đấu hứa hẹn là một sân chơi bổ ích, góp phần động viên phong trào rèn luyện thể dục, thể thao cũng như tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng người Việt tại Thụy Điển.

Ngày 3/8, tại sân vận động thành phố Malmo đã diễn ra Giải bóng đá người Việt tại Thuỵ Điển năm 2024.

Tham dự giải đấu có 4 đội bóng với hơn 60 cầu thủ đến từ Stockholm, Malmo và Helsingborg cùng đông đảo bà con cộng đồng người Việt tại hạt Skane và vùng phụ cận.

Phát biểu khai mạc giải đấu, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Trần Văn Tuấn bày tỏ vui mừng và hoan nghênh các đội bóng đã nhiệt tình tham gia giải, nhấn mạnh đây là hoạt động thiết thực của cộng đồng chào mừng kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển (1969-2024), tạo dựng tình cảm đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

Đại sứ Trần Văn Tuấn hy vọng giải đấu sẽ được duy trì đều đặn hằng năm, góp phần lựa chọn ra những tài năng tiêu biểu nhất để thành lập nên đội bóng đại diện cho cộng đồng người Việt tại Thuỵ Điển đi thi đấu tại các giải bóng đá của cộng đồng người Việt toàn châu Âu, đồng thời mở ra cơ hội thi đấu giao hữu với các đội bóng quê nhà trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Thế Huỳnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt tại Thụy Điển, Chủ tịch Hội văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển, Trưởng ban tổ chức giải, tuy mới là lần thứ hai được tổ chức, giải đấu đã thu hút được sự tham dự đông đảo của giới trẻ người Việt tại địa bàn. Đây hứa hẹn là một sân chơi bổ ích, góp phần động viên phong trào rèn luyện thể dục, thể thao cũng như tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng người Việt tại Thụy Điển.

Giải đấu được tổ chức theo thể thức vòng tròn tính điểm, chọn hai đội điểm cao nhất vào đá chung kết.

Sau các trận đấu sôi nổi, đội bóng đến từ thành phố Helsingborg đã xuất sắc giành cúp vô địch, đứng thứ hai là đội Yedo Team đến từ thủ đô Stockholm. Hai đội Malmo FF và Anh em Stockholm nhận đồng giải ba.

Cùng với các hoạt động giao lưu văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực, giải bóng đá Người Việt tại Thụy Điển góp phần đa dạng hóa sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại địa bàn, gìn giữ tinh thần đoàn kết và hướng cộng đồng gắn bó với quê hương, đất nước.

 

VÌ SAO NGƯỜI VIỆT ĐỔ XÔ ĐI DU HỌC MỸ?

Số lượng người Việt du học Mỹ duy trì năm thứ 2 tăng trưởng sau những ảnh hưởng từ Covid-19, song vẫn cách mốc kỷ lục khá xa trong bối cảnh những quốc gia du học ngày càng cạnh tranh.

Đứng thứ 6 về số lượng

Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) cho thấy, có 31.310 người Việt du học Mỹ trong năm 2023, đứng thứ 6 về số du học sinh và xếp sau Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Brazil. Tuy nhiên, nếu xét riêng số du học sinh ở các trường phổ thông, Việt Nam đông thứ 5 với 3.187 bạn, đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico, Tây Ban Nha.

Đáng chú ý, đây là lần đầu số du học sinh Việt tại Mỹ cán mốc hơn 30.000 người sau 2 năm dưới mức 30.000. Cụ thể, người Việt giảm khoảng 21% trong giai đoạn 2018-2021, từ 37.242 xuống còn 29.597 người, sau đó tăng nhẹ vào năm 2022 (145 người) và tăng đáng kể mới đây (1.568 người). Mặt khác, năm 2023 ghi nhận 1.503.649 người trên thế giới du học Mỹ và người Việt chiếm khoảng 2%.

Về tỷ lệ giới tính, số lượng du học sinh Việt là nữ chiếm ưu thế với 53% và nam là 47%. Điều này đối lập với xu hướng chung của thế giới (44,5% du học sinh là nữ) và của các quốc gia khác đứng đầu về số lượng (sinh viên nữ từ Ấn Độ chỉ chiếm 38%, con số này ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada lần lượt là 48%, 48%, 49%). Nhìn chung, du học sinh nữ từ các nước chiếm tỷ lệ thấp nhất ở bậc tiến sĩ (41,3%) và phổ thông (43,6%).

Cũng theo ICE, năm 2023 ghi nhận 6.268 cơ sở giáo dục tuyển sinh người nước ngoài, trong đó có 1.236 đơn vị tuyển mới từ 101-1.000 du học sinh và chỉ 7 đơn vị tuyển sinh hơn 15.000 người. 20 ĐH thu hút đông du học sinh nhất gồm: New York, Northeastern, Columbia, Southern California, Arizona State, Illinois, Boston, North Texas, Purdue, Michigan, California (trường thành viên tại các TP: San Diego, Berkeley, Los Angeles), Washington, Pennsylvania, Texas (trường thành viên tại TP.Dallas), Carnegie Mellon, Pennsylvania State, Cornell, Wisconsin-Madison.

Đáng chú ý, những cái tên hàng đầu thế giới như ĐH Harvard, Yale, Stanford hay Viện Công nghệ Massachusetts không xuất hiện trong top những trường thu hút nhiều người nước ngoài nhất.

Tại các trường ĐH Mỹ, 4 nhóm ngành thu hút nhiều du học sinh nhất là khoa học máy tính, ngôn ngữ thứ hai (trừ tiếng Anh), quản trị kinh doanh tổng hợp, khoa học máy tính và thông tin tổng hợp. Số sinh viên nước ngoài chọn những ngành học này dao động từ hơn 78.000 đến hơn 108.000, nhiều hơn ít nhất gấp đôi những lựa chọn ngành học xếp sau. 5 tiểu bang thu hút đông du học sinh nhất là California, New York, Massachusetts, Texas và Florida, chiếm 48% tổng số sinh viên quốc tế.

Tăng đáng kể, vì sao?

Tiến sĩ Lê Bảo Thắng, Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục quốc tế OSI Vietnam, lý giải số người Việt du học Mỹ bắt đầu tăng từ quý 2 năm 2023, sau khi các quốc gia đối thủ của Mỹ như Úc, Canada mở cửa biên giới và liên tục đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút lượng lớn du học sinh.

"Năm 2023 có thể nói là thời điểm cực thịnh của Úc, Canada khi sinh viên quốc tế có thể đến học mà không cần chứng minh tài chính hay biết tiếng Anh", ông Thắng nói.

Thực tế trên khiến trường ĐH Mỹ "đói" doanh thu, chính phủ Mỹ "bừng tỉnh", từ đó áp dụng những biện pháp "thông thoáng" hơn dù không đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào, theo tiến sĩ Thắng. Chẳng hạn, hầu hết ĐH nào cũng đưa ra chương trình học bổng cho du học sinh, đồng thời linh hoạt trong xét tuyển như không yêu cầu SAT, ACT hay cho phép nộp các chứng chỉ tiếng Anh có thể thi tại nhà như DET.

"Trường cũng đưa ra nhiều quyền lợi hơn trong quá trình thực tập trong và sau khi học, đồng thời hỗ trợ tìm việc làm cũng như linh hoạt trong thanh toán học phí. Đặc biệt, khi các quốc gia Úc, Canada bắt đầu thắt chặt lại vào cuối năm 2023, số lượng du học sinh đến Mỹ đang ngày càng đông hơn và dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ít nhất cho đến hết nửa năm 2025", ông Thắng dự đoán.

Sự thông thoáng còn diễn ra ở khâu xét duyệt visa (thị thực) du học. Như ở công ty của ông Thắng, năm học trước có vài chục em lớp 6, 7, 8 được cấp visa du học dù trước đó những trường hợp này khá hiếm. "Tỷ lệ cấp visa du học với các trường hợp có năng lực tiếng Anh chưa cao hay đến từ những địa phương rủi ro cũng tăng lên, không còn có sự phân biệt nhiều như trước", nam giám đốc nhận xét.

Chưa kể, lịch phỏng vấn visa cũng nhanh hơn, trung bình từ 10 - 14 ngày sau khi đăng ký và "có những hồ sơ từ lúc bắt đầu làm đến khi nhận visa du học chỉ kéo dài 3 tuần", theo tiến sĩ Thắng. "Các trường ĐH Mỹ giờ đây cũng tích cực làm việc, nhận góp ý từ đơn vị tư vấn du học để đẩy nhanh hơn nữa quá trình xử lý hồ sơ xin học, ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho học trò", ông Thắng khẳng định.

 

ĐỦ CÁCH HỌC TIẾNG CỦA NGƯỜI BẢN XỨ Ở NƯỚC NGOÀI

Nhiều người nghĩ rằng sống tại Mỹ nhưng vẫn trong cộng đồng người Việt Nam, đi đâu cũng gặp người Việt, từ đi ngân hàng, gặp bác sĩ, luật sư, cho đến mua sắm, ăn uống, thậm chí đi hãng hàng không của Việt Nam..., nói chung là không khác gì ở Việt Nam thì đâu cần học tiếng Anh làm gì.

Giới trẻ thường hòa nhập nhanh vào xã hội cho dù thời gian định cư chưa lâu. Nhưng với người có tuổi và ít có điều kiện học tiếng Anh từ trước thì khi định cư ở Mỹ, việc học tiếng bản xứ quả thật là vấn đề nan giải.

Thực tế, cộng đồng người Việt tại bang California rất đông đảo nên nhiều người nghĩ không cần phải biết tiếng Anh. Nếu xin vào công ty Mỹ làm việc thì cũng không tiếp xúc nhiều, chỉ cần làm theo đúng công việc của mình rồi về nhà, miễn sao đóng thuế đầy đủ.

Ông Đan Nguyễn, một người Việt ở Houston, bang Texas, cho biết, ông sang Mỹ ở lứa tuổi gần 50 cách đây 20 năm cùng 2 con nhỏ. Ông làm một lúc 2 công việc, từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm, ròng rã gần 10 năm. Khi con tốt nghiệp thành tài thì ông đã ở tuổi ngoài 60, và ông vẫn không biết tiếng Anh. Đi đâu cần giao tiếp với người bản xứ thì ông dùng Google dịch trợ giúp, hay nhờ con cháu, người thân phiên dịch. Ông Đan Nguyễn nói: “Do vất vả mưu sinh nên tôi không có thời gian nghĩ đến việc học tiếng Anh”.

Ở một khía cạnh khác, do cách giảng dạy tiếng Anh tự phát trong cộng đồng người Việt nên nhiều người qua vài khóa học nhưng vẫn không thể nói chuyện bằng tiếng Anh, phần vì cách phát âm, phần do thiếu tự tin.

Ông Anh Trần, năm nay gần 70 tuổi, sống ở Nam California, kể: “Tôi có học vài khóa tiếng Anh giao tiếp do người quen dạy nhưng không khá hơn gì, cũng thấy không có nhu cầu đến các lớp học chuyên sâu”. Nhiều người chọn cách tự học qua các nền tảng Internet như YouTube, phim, nhạc… như anh Huy Đặng, ở thành phố San Antonio, bang Texas.

“Lúc mới qua Mỹ, tôi không biết một chữ tiếng Anh nào hết nên đi làm bị người ta cười. Giận quá, tôi học tiếng Anh trên YouTube, vừa nghe vừa viết, bây giờ vốn tiếng Anh đủ xài”. Ngoài ra, nhiều người chọn sống xa khu người Việt để có cơ hội thực hành tiếng Anh.

Cũng có không ít người khi sang Mỹ định cư làm lao động phổ thông, ví dụ làm móng (nail), thường xuyên tiếp xúc khách hàng nên họ phải học giao tiếp tiếng Anh và đa số diễn đạt rất tốt.

Theo anh Don Trần, chủ một cơ sở làm móng ở Santa Ana, bang California, việc học ngoại ngữ của các nhân viên là tự nguyện, trình độ giao tiếp của mỗi người tùy vào năng khiếu và sự chịu khó học hỏi chứ không chỉ xét về trình độ học vấn. Chưa kể là riêng ở bang California, ngoài người Việt còn có rất đông cộng đồng người nói tiếng Hoa và Tây Ban Nha, nên việc sử dụng tiếng Anh theo phong cách của từng cộng đồng đôi khi gây khó khăn cho những người muốn học và giao tiếp tiếng Anh chuẩn.

Mặt khác, nhiều người nhập cư từ Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam... chịu học tiếng Anh, có trình độ chuyên môn sẽ kiếm được công việc tốt hơn, có thể mua nhà, xe mới, đời sống thuộc loại trung lưu khá. Vì vậy, anh cho rằng tiếng Anh quan trọng, nhưng có trình độ chuyên môn thì tốt hơn nữa.

 

Nguồn: VietnamPlus; Báo Quốc Tế; Thanh Niên; Sài Gòn Giải Phóng

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang