.jpg)
TRUY TỐ NGƯỜI ĐỐT XE TESLA
Jamison Wagner bị cáo buộc dùng bom xăng đốt phá hai chiếc xe Tesla và xịt sơn dòng chữ đe dọa ông Musk trong vụ tấn công hồi tháng 2.
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 14/4 cho biết Jamison Wagner, 40 tuổi, sống tại thành phố Albuquerque, bang New Mexico, bị truy tố cấp liên bang với tội danh cố ý phá hoại tài sản và phá hoại tài sản bằng chất nổ, vì dùng bom xăng đốt phá ôtô trong đại lý trưng bày xe Tesla tại Albuquerque hôm 9/2. Anh ta còn xịt sơn dòng chữ ví tỷ phú Elon Musk và công ty Tesla với phát xít lên tường cửa hàng.
Wagner cũng bị truy tố với tội danh tương tự vì dùng bom xăng tấn công văn phòng của đảng Cộng hòa tại bang New Mexico tháng trước. Ông ta có thể bị phạt tù tới 20 năm cho mỗi tội danh.
"Hãy coi đây là bài học cho những kẻ tham gia vào làn sóng bạo lực chính trị đang diễn ra ở nước Mỹ", Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi tuyên bố. "Chúng tôi sẽ bắt người phạm tội, truy tố và không thương lượng. Người phạm tội phải chịu hậu quả".
Người bị truy tố cấp liên bang tại Mỹ thường chịu mức án nghiêm khắc hơn so với luật địa phương, nơi những tội danh như trên thường chỉ bị phạt tù từ 18 tháng và phạt tiền 5.000 USD. Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố những người phá hoại tài sản của Tesla có thể bị trục xuất tới El Salvador.
Ông Musk, tỷ phú gốc Nam Phi, giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX, đang đối mặt làn sóng tẩy chay vì chỉ đạo chiến dịch tinh giản của chính phủ Mỹ với tư cách là lãnh đạo Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE). Một số đại lý Tesla và xe ôtô của hãng ở Mỹ cũng như một số quốc gia trên thế giới đã bị đốt phá.
LƯU Ý: HÀNG LOẠT DU HỌC SINH BỊ THU HỒI VISA
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ cần lưu ý một vài điều để tránh những rủi ro liên quan đến visa.
Nhiều du học sinh Việt Nam lo lắng về vấn đề visa sau khi hàng trăm sinh viên quốc tế tại Mỹ bất ngờ bị tước thị thực vì nhiều lý do khác nhau.
Gần 1.000 sinh viên quốc tế tại Mỹ bị thu hồi visa
Tình trạng hàng trăm du học sinh tại nhiều trường đại học Mỹ bất ngờ bị thu hồi visa khiến nhiều sinh viên Việt Nam lo lắng.
Tháng 9 tới, Minh Đức (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) sẽ đến Mỹ du học tại Đại học Richmond. Hiện Đức đang trong giai đoạn xin visa.
"Khi biết thông tin các du học sinh quốc tế tại Mỹ bất ngờ bị thu hồi visa, cả em và bố mẹ đều rất lo lắng. Không biết liệu quá trình xin visa của mình có thuận lợi hay không. Em đã chuẩn bị rất kỹ cho hành trình học tập tại Mỹ sắp tới", Đức chia sẻ.
Tương tự, Hà My, sinh viên năm 2 trường Đại học Central Michigan, cũng tỏ ra rất lo lắng trước tình trạng nhiều sinh viên quốc tế bị thu hồi thị thực. My cho biết chưa từng vi phạm bất kỳ quy định nào của nước Mỹ, cũng không tham gia các hoạt động biểu tình hay bày tỏ, bình luận về chính trị trên trang cá nhân.
"Tuy nhiên, việc nhiều sinh viên bị thu hồi visa không rõ nguyên nhân khiến em vẫn cảm thấy rất lo. Thầy cô của em ở trường chỉ lưu ý nên tập trung học tập bình thường và không nên bất an", My cho nói.
Là chuyên trang về giáo dục đại học thuộc tổ chức Times Higher Education có trụ sở ở Anh, tờ Inside Higher Ed thống kê tính đến ngày 12-4, gần 1.000 sinh viên quốc tế của hơn 170 trường đại học và cao đẳng tại Mỹ đã bị thu hồi visa.
Loại visa bị tước đa phần thuộc diện F-1 (dành cho sinh viên) hoặc J-1 (dành cho các chương trình trao đổi). Một số trường hợp bị thu hồi là do từng tham gia các cuộc biểu tình, có tư tưởng chống đối hoặc bị xử lý do vi phạm pháp luật tại Mỹ, bao gồm cả vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bị hủy mà chưa rõ lý do cụ thể.
Lưu ý cho du học sinh Việt Nam
Liên quan đến vấn đề này, theo TS Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Tổ chức Giáo dục và Cung ứng Nhân lực quốc tế German GREATWAY Group (có trụ sở tại CHLB Đức), những lý do trên chưa đủ để đưa ra một kết luận cụ thể rằng hành động như thế nào thì sẽ bị thu hồi visa. Trong bối cảnh này, du học sinh Việt Nam tại Mỹ nên lưu ý một vài điều để tránh những rủi ro liên quan đến visa.
Cụ thể, du học sinh nên hạn chế, cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ các bài viết, bình luận về chính trị trên mạng xã hội. Những du học sinh đã từng có vi phạm hành chính trước đó, phạm luật giao thông cũng nên cẩn trọng hơn trong các hành động của mình, tránh tái phạm để hạn chế rủi ro.
Bên cạnh đó, du học sinh nên cẩn thận trong việc đi lại, cân nhắc trước khi rời khỏi nước Mỹ tránh gặp những vướng mắc khi quay trở lại nhập học.
Trong trường hợp gặp trục trặc về visa, du học sinh nên liên hệ đại sứ quán Việt Nam để yêu cầu hỗ trợ.
Đối với những sinh viên đang chuẩn bị hồ sơ du học, nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định chọn nước Mỹ trong bối cảnh hiện tại. Đây vốn là một quốc gia có chất lượng giáo dục hàng đầu, vốn luôn cổ vũ sự tự do học thuật. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, các bạn cũng có thể nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn các quốc gia phát triển khác.
Cuối cùng, TS Lê Ngọc Sơn khuyên du học sinh Việt Nam không cần quá lo lắng, hoang mang trong thời điểm này, thay vào đó nên tập trung học tập, sinh hoạt bình thường, tuân thủ các quy định pháp luật.
NGƯỜI MỸ ĐỔ XÔ TÍCH TRỮ KEM CHỐNG NẮNG HÀN QUỐC, VÌ SAO?
.jpg)
Do lo ngại giá cả tăng cao nếu Tổng thống Donald Trump quyết tâm áp thuế bổ sung, nhiều người Mỹ yêu thích mỹ phẩm Hàn Quốc đang tích trữ một số mặt hàng, trong đó có kem chống nắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tung ra những "quả bom thuế quan" gây chấn động toàn cầu trong thời gian gần đây. Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo sẽ áp dụng mức thuế đối ứng sau thời hạn tạm hoãn 90 ngày nếu không đạt được thỏa thuận.
Giữa lúc các quốc gia tìm cách đối phó và đàm phán, sự lo lắng cũng lan rộng trong chính nước Mỹ. Nhiều người Mỹ lo ngại giá cả tăng cao vì thuế nhập khẩu đã bắt đầu tích trữ một số sản phẩm, trong đó có kem chống nắng từ Hàn Quốc, theo Korea Times.
Washington Post gần đây công bố danh sách 8 sản phẩm có nhu cầu tăng cao tại Mỹ, dựa trên xu hướng từ mạng xã hội và cộng đồng trực tuyến. Kem chống nắng Hàn Quốc lọt vào danh sách này nhờ một số tính năng vượt trội so với kem chống nắng Mỹ, như khả năng ngăn chặn tia UV, kết cấu dễ chịu và dễ dàng tệp vào lớp trang điểm cùng nhiều loại mỹ phẩm khác.
"Tôi không thể dùng kem chống nắng của Mỹ"
Theo CNN, chỉ một thập niên trước, các sản phẩm làm đẹp từ Hàn Quốc hiếm khi xuất hiện trên các kệ hàng tại Mỹ. Hiện tại, theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nước này nhập khẩu 1,7 tỷ USD mỹ phẩm Hàn Quốc, vượt qua cả cường quốc mỹ phẩm Pháp.
Các tập đoàn mỹ phẩm khổng lồ của Hàn Quốc có hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới. Một trong những tập đoàn lớn nhất, Amore Pacific, ghi nhận doanh số 2,87 tỷ USD vào năm 2024, với doanh số tại châu Mỹ vượt cả doanh số tại Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử.
Trong khi châu Âu và châu Á coi kem chống nắng là mỹ phẩm, tại Mỹ, sản phẩm này được phân loại là thuốc. Điều này đồng nghĩa các nhà khoa học Mỹ cần hạn chế đưa các thành phần làm sáng da và lượng màng lọc tia UV. Hiện tại, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chưa phê duyệt đưa màng lọc UVA và UVB vào kem chống nắng nội địa. Do đó, kem chống nắng Hàn Quốc có tính thẩm mỹ cao hơn, trở thành lựa chọn thay thế phổ biến cho người tiêu dùng Mỹ.
Người Mỹ không chỉ thích kem chống nắng từ Hàn Quốc. Trong khi nhiều sản phẩm chăm sóc da của Mỹ gây cảm giác nhờn dính và để lại lớp màng trắng, đồ Hàn Quốc thẩm thấu tốt hơn và giá thành hợp lý so với các dòng nhập khẩu cao cấp khác. Giá cả tốt một phần nhờ Hiệp định thương mại tự do năm 2012, khi các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc được nhập vào Mỹ mà không cần chịu thuế.
Vào thời điểm chương trình nghị sự về thuế quan của Nhà Trắng có thể đẩy giá và thay đổi công thức sản phẩm, nhiều người tiêu dùng đang "phát điên", theo CNN.
"Tôi cảm thấy không khỏe. Nếu tôi phải dùng các sản phẩm chăm sóc da của Mỹ, khuôn mặt tôi sẽ già đi khủng khiếp trong thời kỳ suy thoái", một người dùng TikTok bình luận.
Một người dùng Reddit cho biết cô đã mua đủ lượng kem chống nắng Hàn Quốc cho một năm: "Tôi thực sự không thể dùng kem chống nắng của Mỹ nữa".
Andrew Yeo - thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Á của Viện Brookings - nhận định những người Mỹ trẻ tuổi thường quen thuộc với các thương hiệu Hàn Quốc và trở thành khách hàng trung thành. Tuy nhiên, nếu sinh viên đại học hoặc trung học thấy giá cả tăng, họ có thể suy tính trước khi rút hầu bao.
Trữ hàng
Christina Im - chủ sở hữu Olive Kollection, công ty bán sản phẩm chăm sóc da Hàn Quốc có trụ sở tại Mỹ - đã tích trữ khoảng 40.000 USD sản phẩm từ các nhà phân phối sau khi ông Trump công bố mức thuế đối ứng hôm 2/4. Thông thường, Olive Kollection chỉ chi khoảng 5.000-10.000 USD/tuần.
"Là một doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi không có sẵn tiền để mua mọi thứ với số lượng lớn", Im chia sẻ. "Chúng tôi mua nhiều nhất có thể trong khả năng và chờ đợi thêm".
Người đứng đầu Olive Kollection hy vọng sẽ kìm được đà tăng giá, song nhận thấy nhiều khách hàng đang hạn chế chi tiêu. Hiện tại, kho hàng của Olive Kollection chất đầy các mẫu sản phẩm.
7 mặt hàng khác trong danh sách của tờ Washington Post gồm rong biển khô, tóc giả, thức ăn cho mèo, cà phê hòa tan, board game, nước hoa và váy cưới.
Các nhà hàng Nhật Bản tại Mỹ đang tích trữ rong biển khô, chủ yếu nhập khẩu từ châu Á, trong khi tóc giả - chủ yếu đến từ Trung Quốc - dự kiến tăng giá mạnh. Ngoài ra, nhu cầu về thức ăn cho mèo cũng tăng vọt, không chỉ do chi phí nguyên liệu mà còn do giá thiếc dùng trong bao bì tăng.
ĐIỀU TRA VỀ CHẤT BÁN DẪN & DƯỢC PHẨM NHẬP KHẨU
Bộ Thương mại Mỹ gần đây đã khởi động các cuộc điều tra liên quan tới dược phẩm nhập khẩu và chất bán dẫn, như một phần trong nỗ lực áp thuế đối với hai lĩnh vực này.
Tờ The Hill dẫn Công báo Liên bang của Bộ Thương mại Mỹ hôm 14/4 cho biết, cơ quan này hồi đầu tháng đã khởi xướng cuộc điều tra để xác định xem việc nhập khẩu chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn (SME) tác động đến an ninh quốc gia Mỹ như thế nào. Một cuộc điều tra tương tự cũng được triển khai nhắm đến dược phẩm nhập khẩu vào Mỹ.
“Cuộc điều tra bao gồm chất nền bán dẫn, các loại chip cũ lẫn chip mới, vi điện tử và thiết bị SME. Các sản phẩm phái sinh gồm có những sản phẩm hạ nguồn có chứa chất bán dẫn, chẳng hạn các sản phẩm tạo nên chuỗi cung ứng điện tử”, một phần trong thông cáo viết.
Đồng thời, cuộc điều tra lần này cũng nhằm mục đích xem xét khả năng nguồn cung ứng nước ngoài hạn chế xuất khẩu, chẳng hạn như ‘vũ khí hóa’ việc kiểm soát chất bán dẫn và chuỗi cung ứng SME.
Đối với dược phẩm nhập khẩu, một cuộc điều tra riêng biệt khác “sẽ nhằm vào các sản phẩm Thuốc gốc (generic drug) và phi Thuốc gốc (non-generic) đã hoàn thiện; vai trò của chuỗi cung ứng nước ngoài, nhất là các nhà xuất khẩu lớn trong việc đáp ứng nhu cầu dược phẩm của Mỹ; mức độ tập trung nhập khẩu từ một số ít nhà cung cấp và mọi rủi ro liên quan…”.
Theo The Hill, việc Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố điều tra về chất bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một bài phát biểu gần đây khẳng định rằng, các sản phẩm này cần được sản xuất tại Mỹ.
TRUMP & CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ
.jpg)
Việc Iran đồng ý đàm phán trực tiếp đã mở ra triển vọng giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump giành được một chiến thắng trên ba mặt cho Hoa Kỳ.
Theo đại diện của chính quyền ông Donald Trump, cuộc gặp ngoại giao đầu tiên của Washington với Tehran “không thể diễn ra tốt đẹp hơn”, trong khi đại diện của Tehran cũng không có ý kiến phàn nàn gì, đồng thời cả hai bên đều mô tả các cuộc đàm phán ở Oman là “tích cực và mang tính xây dựng”.
Tuy nhiên, dấu hiệu thành công thực sự của họ là Bộ trưởng Ngoại giao Iran là ông Abbas Araghchi đã đồng ý nói chuyện trực tiếp với đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump là Steve Witkoff.
Theo tạp chí Responsible Statecraft (RS), trong suốt bốn năm cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden tại nhiệm, phía Iran chưa bao giờ đồng ý gặp trực tiếp các quan chức Hoa Kỳ ở cấp Bộ Ngoại giao, nhưng ở thời điểm hiện nay, đại diện cao cấp của chính quyền Tehran lại đồng ý gặp mặt. Điều đó nói lên cái gì?
Theo Responsible Statecraft, ông Trump có cơ hội thực hiện một “thỏa thuận tốt nhất” cho Hoa Kỳ bằng cách đạt được một chiến thắng ở Trung Đông, trên ba mặt, sau thất bại rõ ràng ở Ukraine.
Đối với tân tổng thống Mỹ, đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để ông phục hồi hình ảnh của mình, nhưng cũng là một cơ hội lớn để Hoa Kỳ vãn hồi lại một “Thỏa thuận Hạt nhân Iran” (còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện - JCPOA) mà chính ông Trump đã bóp chết vào năm 2015.
Ấn phẩm Responsible Statecraft nhận định, vấn đề nan giải nhất là chắc chắn chương trình hạt nhân của Iran đã có những tiến triển đáng kể trong vài năm qua và việc đưa nó trở lại mức của năm 2015 sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
Nhưng ông Trump đang ở vị thế tốt hơn để đảo ngược những thành quả đó, chính xác vì ông sẵn sàng đề nghị nới lỏng các lệnh trừng phạt quan trọng Tehran, những hạn chế đã ngăn cản các công ty Mỹ giao dịch với Iran.
Việc triển khai mô hình dựa trên phương châm này, với việc “sở hữu vũ khí hạt nhân tương lai” là ranh giới đỏ duy nhất, cho phép ông Trump đảm bảo chiến thắng ba mặt cho Hoa Kỳ:
Một là: Ngăn chặn Tehran chế tạo bom hạt nhân; Hai là: Ngăn chặn chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Iran; Ba là: Mang lại cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Mỹ, dẫn đến nhiều việc làm hơn tại chính Hoa Kỳ.
Các nhà phân tích của RS tin rằng, khả năng này khiến Trump say mê và sẽ nỗ lực thực hiện tới cùng, vì một số lý do rõ ràng.
Vị tân Tổng thống Hoa Kỳ không thể cưỡng lại sự cám dỗ mở rộng quy mô hẹp của một “thỏa thuận hạt nhân” thành quy mô rộng hơn bao hàm cả “thỏa thuận kinh tế”, gồm cả kinh tế vĩ mô.
Responsible Statecraft kết luận rằng, chính quyền Hoa Kỳ hiện tại và cá nhân ông Donald Trump thực sự cần những chiến thắng vang dội và các giải pháp hiệu quả, trong bối cảnh những thất bại đã liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.
Và hiện tại, có lẽ tiến triển tốt đẹp đang được cảm nhận ở những lĩnh vực ít được mong đợi nhất, mà đầu tiên có thể là một thỏa thuận ban đầu đạt được với Iran, khiến cả hai bên cùng hài lòng.
Nguồn: Vnexpress; Pháp Luật; Zing News; Vietnamnet; Soha
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá