Mỹ: Showroom Tesla ở Nhà Trắng; Áp thuế nhôm, thép; Thế giới quan của JD Vance; Di dân tìm cách hồi hương tăng; Trump & toan tính Canada

SHOWROOM TESLA TẠI NHÀ TRẮNG

Tổng thống Mỹ Donald Trump biến bãi cỏ Nhà Trắng thành “phòng trưng bày” xe Tesla được mua từ công ty do đồng minh thân cận Elon Musk làm chủ sở hữu.

Tesla vừa giao 5 chiếc xe của mình tới Nhà Trắng và đậu chúng trên lối đi riêng để đích thân Tổng thống Donald Trump kiểm tra.

Động thái diễn ra chỉ vài giờ sau khi chủ nhân Nhà Trắng hôm 11-3 (giờ Mỹ) viết trên mạng xã hội Truth Social rằng ông dự định mua một chiếc Tesla để thể hiện sự ủng hộ đối với tỉ phú Musk và công ty ô tô đang trên đà suy thoái của ông này.

NBC News mô tả khi có mặt của đồng minh thân cận Musk, vị tổng thống thứ 47 nước Mỹ tuyên bố những chiếc xe này "đẹp" và đặc biệt khen ngợi chiếc Cybertruck có thiết kế độc đáo.

"Ngay khi nhìn thấy chiếc Cybertruck tôi đã phải thốt lên: Đây là thiết kế tuyệt vời nhất" – Tổng thống Donald Trump nói.

Dù thường xuyên chỉ trích xe điện trong chiến dịch tranh cử vào năm ngoái, Tổng thống Donald Trump lần này đã nói với các phóng viên rằng "tôi được bạn bè kể về những điều tốt đẹp đối với xe Tesla".

"Tôi thích chiếc xe màu đỏ kia" – Tổng thống Donald Trump nói và chỉ vào chiếc Model S màu đỏ. Chiếc xe này trên website của Tesla được niêm yết với giá 73.490 USD hoặc 88.490 USD cho chiếc Model S Plaid dẫn động 4 bánh.

Ông Donald Trump không cầm lái nhưng cho biết "tôi có thể sẽ lái thử vào lần khác".

Việc công khai ủng hộ xe Tesla do đồng minh thân cận Elon Musk làm chủ sở hữu công ty sản xuất khiến tổng thống Mỹ bị chỉ trích.

Thực tế rất hiếm khi một quan chức cấp cao của chính phủ chứ chưa nói đến tổng thống đương nhiệm Mỹ lại ủng hộ một sản phẩm tiêu dùng công khai như đã làm với Tesla.

Cựu cố vấn Tổng thống Donald Trump (trong nhiệm kỳ đầu) là bà Kellyanne Conway vào năm 2017 từng bị "nhắc nhở" vì công khai kêu gọi người Mỹ mua quần áo từ dòng sản phẩm của bà Ivanka Trump, con gái nhà lãnh đạo Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã giao cho tỉ phú Musk phụ trách Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) với nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu của chính phủ và nhân sự ở các cơ quan. Chiến dịch của CEO Tesla và DOGE đối mặt nhiều sự phản đối.

Cổ phiếu Tesla vừa giảm hơn 15% giữa những bất ổn liên quan việc Tổng thống Donald Trump áp thuế hoặc đe dọa áp thuế nhập khẩu khiến thị trường tài chính Mỹ rơi vào hỗn loạn.

Doanh số bán hàng của Tesla cũng giảm trên khắp châu Âu những tuần gần đây sau khi tỉ phú Musk gây tranh cãi vì ủng hộ các nhóm cực hữu, trong đó có đảng AfD của Đức trong chiến dịch bầu cử vừa qua.

 

 

ÁP THUẾ 25% LÊN NHÔM VÀ THÉP NHẬP KHẨU

Ngày 12-3 (giờ địa phương), Mỹ bắt đầu áp thuế 25% với toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu vào nước này, không có ngoại lệ hay miễn trừ.

Ngày 12-3, thuế quan áp lên thép và nhôm của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức có hiệu lực, khi đã hết hạn cho các miễn trừ, hạn ngạch miễn thuế và các sản phẩm được miễn trừ trước đó, trong bối cảnh chính quyền ông Trump đang đẩy mạnh việc sắp xếp lại các quy tắc thương mại toàn cầu có lợi cho Mỹ.

Mức thuế nhập khẩu 25% với tất cả hàng nhập khẩu kim loại của ông Trump được khôi phục nhằm mục đích tăng cường bảo hộ các nhà sản xuất thép và nhôm trong nước của Chính phủ Mỹ.

Mức thuế này cũng được áp dụng mở rộng đến danh sách các sản phẩm thành phẩm được làm từ kim loại, từ đai ốc, bu lông đến lưỡi ủi đất cho đến lon nước ngọt.

Động thái được các nhà sản xuất thép của Mỹ hoan nghênh, vì đã khôi phục khoản thuế quan kim loại mà ông Trump ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2018 (từ trước đến nay, khoản thuế này bị suy yếu do các điều kiện loại trừ cũng như hạn ngạch của từng quốc gia, cùng các loại trừ khác dành riêng cho hàng ngàn sản phẩm).

"Bằng cách đóng các lỗ hổng trong thuế quan đã bị khai thác trong nhiều năm, Tổng thống Trump sẽ một lần nữa thúc đẩy ngành công nghiệp thép sẵn sàng tái thiết nước Mỹ", Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thép Mỹ Philip Bell cho biết trong một tuyên bố.

Thuế nhập khẩu vào Mỹ cho các mặt hàng từ nhôm và thép trên toàn cầu có hiệu lực ngày 11-3 (giờ Mỹ), cùng thời điểm ông Trump đe dọa sẽ tăng gấp đôi thuế quan lên 50% đối với các sản phẩm nhôm và thép xuất khẩu sang Mỹ của Canada.

Tuy nhiên, ông Trump đã lùi lại các kế hoạch trên khi Thủ hiến Doug Ford của tỉnh Ontario (Canada) đồng ý đình chỉ quyết định về việc áp phụ phí 25% đối với xuất khẩu điện sang các bang Minnesota, Michigan và New York của Mỹ.

Ngay sau khi mức thuế quan lên thép và nhôm của ông Trump có hiệu lực, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ đáp trả bằng cách áp thuế đối ứng lên hàng hóa trị giá 26 tỉ euro (28,33 tỉ USD) của Mỹ từ tháng 4 tới.

EC nói họ sẽ chấm dứt lệnh đình chỉ thuế hiện tại đối với các sản phẩm từ Mỹ vào ngày 1-4, cũng như đưa ra một gói biện pháp đối ứng mới đối với hàng hóa của Washington vào thời điểm giữa tháng.

Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds cho biết ông thất vọng về việc Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm, đồng thời nói thêm Anh đang đàm phán một thỏa thuận kinh tế rộng hơn với Mỹ.

 

 

THẾ GIỚI QUAN CỦA JD VANCE LÀ GÌ?

Một cuộc tranh cãi nảy lửa tại Nhà Trắng đã làm rạn nứt liên minh Mỹ-Ukraine, gây chấn động các nhà lãnh đạo châu Âu và làm nổi bật vai trò then chốt của ông JD Vance trong việc thể hiện mạnh mẽ chính sách đối ngoại của ông Donald Trump. Phó tổng thống đã thể hiện sự cứng rắn trên trường quốc tế - vậy điều gì định hình thế giới quan của ông?

Bài phát biểu lớn đầu tiên của ông Vance về chính sách đối ngoại, tại Hội nghị An ninh Munich vào giữa tháng Hai, đã khiến nhiều người bất ngờ.

Thay vì tập trung vào cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, phó tổng thống Mỹ chỉ đề cập thoáng qua cuộc xung đột đẫm máu nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Thay vào đó, ông đã sử dụng màn ra mắt trên trường quốc tế của mình để chỉ trích các đồng minh thân cận của Mỹ về vấn đề nhập cư và tự do ngôn luận, cho rằng giới lãnh đạo châu Âu phản dân chủ. Ông cáo buộc họ phớt lờ ý nguyện của người dân và đặt câu hỏi về những giá trị chung mà họ thực sự đang cùng Mỹ bảo vệ.

"Nếu các vị đang sợ hãi chính những cử tri của mình, thì nước Mỹ không thể giúp gì được cho các vị, và đương nhiên, các vị cũng không thể làm gì cho người dân Mỹ," ông cảnh báo.

Đó là một cách giới thiệu bản thân với thế giới một cách táo bạo và có lẽ là không ai ngờ tới - bằng cách làm phật lòng các đồng minh châu Âu. Nhưng vài ngày sau, ông lại xuất hiện trên các mặt báo, trong cuộc tranh cãi gay gắt với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người mà ông cho là vô ơn.

Đối với những người đã theo dõi sự trỗi dậy của ông Vance, hai sự kiện này không có gì đáng ngạc nhiên.

Phó tổng thống đã trở thành đại diện cho một bộ phận trí thức của phong trào bảo thủ, những người thể hiện chủ nghĩa Trump và đặc biệt là khi câu thần chú "Nước Mỹ trên hết" của họ được sử dụng ở những nơi vượt xa biên giới nước Mỹ.

Trong các bài viết và cuộc phỏng vấn, ông Vance đã bày tỏ một hệ tư tưởng dường như gắn kết người lao động Mỹ, giới tinh hoa toàn cầu và vai trò của Mỹ trên thế giới.

Trong chiến dịch tranh cử cùng ông Donald Trump năm ngoái, ông Vance đã dành phần lớn thời gian để chỉ trích gay gắt Đảng Dân chủ - một nhiệm vụ tấn công thường được giao cho các ứng viên phó tổng thống - và đấu khẩu với các phóng viên.

Trong khi vai trò quá lớn và phi truyền thống của Elon Musk trong chính quyền Trump đã làm lu mờ ông lúc ban đầu, thì bài phát biểu tại Munich và cuộc đối đầu tại Phòng Bầu dục đã nâng cao vị thế của vị phó tổng thống.

Điều này cũng dẫn đến những câu hỏi về hành trình tư tưởng quanh co mà ông đã thể hiện trong những năm tháng tham gia phong trào bảo thủ - và những gì ông thực sự tin tưởng ngày nay.

"Ông ấy là một người theo chủ nghĩa thực dụng hơn là một người theo hệ tư tưởng," James Orr, phó giáo sư triết học tôn giáo tại Đại học Cambridge và là một người bạn mà Vance mô tả là "người dẫn đường người Anh", nhận định.

"Ông ấy có khả năng diễn đạt điều gì có lợi và điều gì không có lợi cho quyền lợi của nước Mỹ," ông Orr nói. "Và quyền lợi của nước Mỹ không phải là lợi ích của một xã hội không tưởng trừu tượng hay một ma trận các mệnh đề và ý tưởng, mà chính là lợi ích của người dân Mỹ."

Ông Vance đã nhiều lần nhắc lại chủ đề "Nước Mỹ trên hết" - hay có lẽ là "Người Mỹ trên hết" - trong các bài phát biểu, vạch ra ranh giới giữa những gì ông chỉ trích là chính thống về chính sách kinh tế và đối ngoại của Washington ở nước ngoài và những cuộc đấu tranh của tầng lớp lao động Mỹ bị bỏ lại phía sau ở trong nước.

Ví dụ, tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào mùa hè năm ngoái, ông than thở rằng ở những thị trấn nhỏ trên khắp nước Mỹ, "việc làm bị đưa ra nước ngoài, còn trẻ em bị đẩy ra chiến trường". Và ông đã công kích tổng thống khi đó là ông Joe Biden, nói rằng: "Trong nửa thế kỷ, ông ấy là người ủng hộ mọi sáng kiến chính sách nhằm khiến nước Mỹ yếu đi và nghèo hơn."

Nhưng ông Vance cũng là người đã thử nghiệm nhiều quan điểm khác nhau sau khi lớn lên trong một gia đình ở Ohio có nguồn gốc Appalachia và nổi tiếng bất ngờ sau cuốn hồi ký bán chạy nhất của mình, Hillbilly Elegy (Tạm dịch: Khúc bi ca núi đồi).

Ông từng là người "không bao giờ ủng hộ Trump", mô tả tổng thống Mỹ vào năm 2016 là "đáng chê trách" và "thằng ngu". Cuốn sách của ông còn đổ lỗi phần lớn hoàn cảnh khốn khổ của người nghèo ở nông thôn cho chính những lựa chọn của cá nhân.

Gần đây, ông đổ lỗi cho giới tinh hoa - một nhóm mà ông định nghĩa theo nhiều cách khác nhau là đảng viên Dân chủ, đảng viên Cộng hòa thông thường, những người theo chủ nghĩa tự do, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những người theo chủ nghĩa toàn cầu và giới học thuật.

Trong các bài phát biểu, Phó Tổng thống Vance thường nhấn mạnh rằng "Nước Mỹ không chỉ là một ý tưởng... Nước Mỹ là một quốc gia".

Ông ấy minh họa cho tuyên bố của mình bằng một câu chuyện về nghĩa trang tổ tiên ở Kentucky, nơi ông dự định sẽ yên nghỉ cùng vợ con, từ đó lập luận rằng gia đình và quê hương cần được ưu tiên hơn những giá trị cốt lõi lâu đời của nước Mỹ.

Theo quan điểm của ông Vance, ưu tiên của chính quyền Trump nên là cải thiện cuộc sống cho những người Mỹ đã sống ở đất nước này qua nhiều thế hệ, nhưng lại có rất ít trong số của cải to lớn của quốc gia.

Rod Dreher, một nhà văn bảo thủ người Mỹ, cũng là bạn của phó tổng thống, cho hay suy nghĩ của ông Vance xuất phát từ niềm tin rằng "những người Cộng hòa bình thường ôn hòa... đã không đưa ra được bất cứ giải pháp nào để chấm dứt cái gọi là 'các cuộc chiến tranh không hồi kết', và họ cũng chẳng mang lại điều gì cho những người Mỹ bình thường như ông ấy, những người đang phải chịu đựng kinh tế suy thoái do toàn cầu hóa, và những hậu quả của làn sóng di cư ồ ạt và fentanyl".

"Ông ấy đã bị Donald Trump cho uống viên thuốc đỏ," ông Dreher nói với Chương trình Today của BBC Radio 4.

"Viên thuốc đỏ" là một từ lóng trên internet, chỉ việc đột ngột "tỉnh ngộ" trước một sự thật bị che giấu, giống như trong loạt phim The Matrix. Thuật ngữ này thường được sử dụng bởi những người theo phe cánh hữu trên mạng, những người tin rằng họ có quyền truy cập đặc biệt vào thực tế và những người có quan điểm tự do, trung dung hoặc thuộc giới tinh hoa là những người suy nghĩ thiếu phản biện.

Ông Vance là một phó tổng thống, người có vẻ như cực kỳ gắn bó với văn hóa internet hơn cả người sếp của mình. Ông ấy sử dụng mạng xã hội X nhiệt tình, thường nhảy thẳng vào các cuộc tranh luận thay vì sử dụng nền tảng này là phương tiện thông báo như nhiều chính trị gia khác.

Sự xuất hiện của ông trên các podcast cánh hữu cực đoan, trong khi ông đang cố gắng thu hút sự ủng hộ cho một cuộc chạy đua vào Thượng viện, đã thêm lý do cho những người phản đối ông, cũng như những bình luận khiêu khích, gây tranh cãi như việc nước Mỹ đang do "những bà cô không con" điều hành.

Kết hôn với con gái của những người nhập cư Ấn Độ, ông đã từ chối và bị các thành viên của phe cực hữu từ chối ngay cả khi ông có đồng tình với một số quan điểm của họ.

Tuy nhiên, ông có bạn bè và đồng minh là những người đứng đầu Thung lũng Silicon và ở một số góc khuất ít được biết đến của Thung lũng Silicon.

Sau khi tốt nghiệp Trường Luật Yale, ông được Peter Thiel, một người bảo thủ có ảnh hưởng ở Thung lũng Silicon, đưa vào thế giới đầu tư mạo hiểm, người sau này đã tài trợ cho chiến dịch tranh cử Thượng viện Mỹ của ông.

Ông trích dẫn những người như blogger Curtis Yarvin, một bậc thầy quan trọng trong phong trào "tân phản động", chuyên vẽ ra những viễn cảnh về xã hội siêu tư bản với công nghệ hỗ trợ, do những nhà độc tài quyền lực lãnh đạo.

Sự am hiểu của ông ấy về những góc khuất trên internet còn được thể hiện qua việc lan truyền tin đồn sai lệch về người nhập cư ăn thịt thú cưng và cáo buộc về tham nhũng ở Ukraine - thông tin mà BBC đã lần ra nguồn gốc từ Moscow.

"Ông ấy như đang sống trong thế giới trực tuyến này vậy", Cathy Young, cây bút của trang tin bảo thủ và chống Trump - The Bulwark - bình luận.

Đồng thời, bà Young nói thêm rằng giai thoại của ông về nghĩa trang gia đình và quê hương cho thấy một khuynh hướng chính trị khác - "một ẩn ý đáng lo ngại của chủ nghĩa bản địa".

"Điều đó làm phiền một số người và đúng như vậy," bà nói. "Một phần di sản của nước Mỹ là chúng ta là một quốc gia của những người nhập cư. [Cựu Tổng thống Cộng hòa] Ronald Reagan đã nói về điều đó, về một trong những điều đặc biệt của đất nước này là bất kỳ ai cũng có thể đến đây từ bất kỳ nơi nào trên thế giới và trở thành người Mỹ".

Tư duy "Người Mỹ trên hết" của Vance rõ ràng mở rộng sang vấn đề chiến tranh ở Ukraine. Khi còn là thượng nghị sĩ, ông thường chỉ trích sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc chiến và số tiền khổng lồ đã chi cho nó, cựu đồng nghiệp Thượng viện của ông là Josh Hawley, một đảng viên Cộng hòa từ bang Missouri, nhớ lại.

"Lập trường của ông ấy khi đó cũng giống như bây giờ... rằng cuộc xung đột phải chấm dứt," ông Hawley nói với BBC. "Cuộc xung đột cần phải kết thúc theo cách mang lại lợi ích tối đa cho an ninh của Mỹ và theo cách khiến các đồng minh châu Âu của chúng tôi phải tăng cường trách nhiệm."

Ông Vance thường xuyên cáo buộc chính quyền Biden quan tâm đến Ukraine hơn là ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp.

Viết vào năm 2022, trong chiến dịch tranh cử Thượng viện và sau cuộc xâm lược của Nga, ông nói: "Tôi sẽ bị nguyền rủa nếu tôi ưu tiên biên giới phía đông của Ukraine ngay bây giờ khi biên giới phía nam của chúng ta thì đang bị nhấn chìm do một cơn sóng thần di cư bất hợp pháp".

Quan điểm của ông đã bùng nổ trong cuộc tranh luận kịch tính đó với Tổng thống Zelensky tại Phòng Bầu dục. Ông JD Vance cáo buộc ông Zelensky thiếu tôn trọng, cử các chính trị gia đi "du lịch tuyên truyền" ở Ukraine và không biết ơn đủ về viện trợ của Mỹ.

"Hãy dành một vài lời cảm ơn cho Mỹ và vị tổng thống đang tìm cách cứu đất nước của ông," ông nói với tổng thống Ukraine.

Lập luận này khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải vội vã bảo vệ ông Zelensky, đồng thời cố gắng duy trì các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình có thể xảy ra.

Sau đó, ông Vance đã khiến các đồng minh phẫn nộ hơn nữa khi chỉ trích ý tưởng đảm bảo an ninh dưới hình thức quân đội "từ một quốc gia ngẫu nhiên nào đó chưa từng tham chiến trong 30 hoặc 40 năm".

Sau đó, ông lại nói rằng mình khi đó không phải nói về Vương quốc Anh hay Pháp, hai quốc gia châu Âu duy nhất đã công khai tuyên bố sẵn sàng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine.

Nhưng việc phó tổng thống sẵn sàng giẫm đạp lên chân các đồng minh phản ánh một thế giới quan mà theo lời ông, không có nhiều thời gian cho "những lời đạo đức về quốc gia này tốt hay quốc gia kia xấu".

"Điều đó không có nghĩa là bạn phải hoàn toàn mù quáng về mặt đạo đức, nhưng nó có nghĩa là bạn phải trung thực về những quốc gia mà bạn đang đàm phán, và có một sự thất bại hoàn toàn trong việc đó trong hầu hết giới hoạch định chính sách đối ngoại của chúng ta ở đất nước này," ông nói với một nhà báo bình luận của tờ New York Times năm ngoái.

Giọng điệu của ông đã thay đổi so với hai năm ông ở Thượng viện Hoa Kỳ trước khi được ông Trump chọn. Đảng viên Dân chủ Cory Booker nhớ ông Vance "rất thực dụng và chu đáo".

Những người khác cũng phát hiện ra sự bất đồng quan điểm tương tự.

David Frum, hiện là cây bút của tạp chí The Atlantic, cho hay quan điểm của Phó Tổng thống JD Vance đã thay đổi đáng kể so với thời điểm ông ấy mời cựu lính thủy đánh bộ này, khi đó đang theo học Đại học Ohio State, viết bài cho trang web của mình về chính trị bảo thủ hơn 15 năm trước.

"Khi đó, ông ấy hoàn toàn không phải là một 'chiến binh văn hóa' như bây giờ," ông Frum nói.

David Frum, cựu biên tập viên diễn thuyết của cựu Tổng thống George W. Bush và là người chỉ trích gay gắt ông Trump, nói rằng quan điểm của ông Vance về Nga thể hiện "sự ngưỡng mộ về mặt ý thức hệ".

Tại Munich, khi nói về quyền tự do ngôn luận, phó tổng thống đã trích dẫn các trường hợp liên quan đến những người bảo thủ và Cơ đốc giáo ở các nước phương Tây nhưng tránh đề cập đến các biện pháp đàn áp nghiêm ngặt của Nga đối với quyền tự do ngôn luận.

Vance và các đồng minh của ông phủ nhận việc ông thông cảm với Putin.

"Tôi chưa bao giờ tranh luận rằng Putin là một người tốt bụng và thân thiện," ông Vance, khi đó còn là thượng nghị sĩ Ohio, đã nói trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich năm 2024.

"Chúng ta không cần phải đồng tình với ông ấy. Chúng ta có thể tranh luận và thường xuyên sẽ tranh luận với ông ấy," ông nói. "Nhưng việc ông ấy là một người 'xấu' không có nghĩa là chúng ta không thể tham gia vào các hoạt động ngoại giao cơ bản và ưu tiên lợi ích của nước Mỹ."

Theo quan điểm của ông Vance, việc nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine không chỉ là việc ngừng chi hàng tỷ đô la ở cách xa hàng ngàn km.

Ông ấy từng nói rằng có những vấn đề lớn hơn mà Mỹ và các đồng minh cần tập trung vào hơn là Ukraine, cụ thể là mối đe dọa từ Trung Quốc, mà ông ấy gọi là "đối thủ quan trọng nhất của chúng ta... trong 20 hoặc 30 năm tới".

Quan điểm của ông Vance về Ukraine và sự sẵn sàng công khai bày tỏ chúng đã tạo ra một khoảnh khắc kịch tính trong những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.

Nhưng điều này cũng minh họa rõ ràng hệ tư tưởng của phó tổng thống, tầm ảnh hưởng của ông trong chính quyền Trump và quan điểm của ông về vị thế nước Mỹ trên trường quốc tế.

 

 

SỐ DI DÂN TÌM CÁCH HỒI HƯƠNG TĂNG CAO

Trong lúc chiến dịch chống nhập cư của Tổng thống Donald Trump tăng nhiệt, làn sóng di dân mắc kẹt tại Mexico tìm đường hồi hương gia tăng, theo Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hiệp Quốc (IOM).

Trong tháng Giêng và tháng Hai, chương trình hỗ trợ hồi hương tự nguyện của IOM nhận được 2,862 thỉnh cầu, gấp ba lần con số ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của IOM chia sẻ độc quyền với Reuters.

Số thỉnh nguyện kỷ lục này, chưa từng được báo cáo trước đây, cho thấy hậu quả của chiến dịch chống nhập cư rộng lớn của Tổng thống Trump, làm cho hàng ngàn, nếu không muốn nói là hàng chục ngàn di dân bị mắc kẹt tại Mexico.

Đây cũng là lần đầu tiên có bằng chứng rõ ràng về sự thay đổi trong thái độ của di dân, những người trước đây xem các cơ hội có được tại Mỹ xứng đáng với những nguy hiểm phải đối mặt trên hành trình vượt biên. Chiều hướng này phù hợp với các con số gần đây cho thấy số vụ bắt giữ di dân tại biên giới Mỹ-Mexico giảm đáng kể.

Trong hai tháng qua, IOM đã nhận được thỉnh cầu từ các di dân muốn hồi hương về Colombia, Ecuador, Guatemala, Honduras, Venezuela và các quốc gia khác, Alberto Cabezas, người phát ngôn của IOM tại Mexico, cho biết.

Israel Ibarra, thuộc viện nghiên cứu Mexico COLEF, cho biết sự tăng này phản ánh những hạn chế sắc nét trong các lộ trình pháp lý mà di dân phải đối mặt khi chờ đợi tại Mexico.

“Không có lựa chọn cho họ,” ông nói.

Bắt đầu từ 20/1, ông Trump đã thực hiện một loạt biện pháp chống di cư, bao gồm áp dụng lệnh cấm rộng rãi đối với quyền tị nạn đối với di dân bị chặn bắt tại biên giới và chấm dứt một số lộ trình pháp lý cho di dân vào Mỹ.

Việc chấm dứt đột ngột một trong những chương trình cấp giấy phép nhập cư nhân đạo như CBP One, khiến hàng ngàn di dân từ khắp nơi trên thế giới đột ngột bị mắc kẹt tại Mexico mà không có lộ trình pháp lý để đến Mỹ.

Khoảng 20 di dân ở Mexico cho Reuters biết từ khi CBP One kết thúc vào ngày 20/1, họ đã cố gắng trở về nước nhưng thiếu tiền bạc hoặc giấy tờ để làm điều đó. Một số người không có hộ chiếu hợp lệ, cần thiết để lên máy bay quốc tế.

Nhiều di dân sợ ở lại Mexico vì những nguy cơ bị tấn công, bắt cóc và tống tiền bởi các nhóm tội phạm săn mồi trên đường di cư.

IOM chỉ có thể giúp đưa trở về một phần nhỏ những người yêu cầu được giúp hồi hương. Vào tháng Hai, cơ quan này đã giúp khoảng 330 di dân trên khắp khu vực trở về nước, theo dữ liệu của IOM chia sẻ với Reuters.

Viện Di cư Quốc gia (INM) không hồi đáp yêu cầu bình luận.

Josybeth, một phụ nữ Venezuela 37 tuổi mắc kẹt ở phía bắc Mexico, cho biết bây giờ khi các lộ trình pháp lý để vào Mỹ đã đóng cửa, cô muốn trở về Venezuela hơn là ở lại Mexico. Nhưng cô nói rằng hộ chiếu của cô và các con đã hết hạn và họ không có đủ tiền để trả chi phí cho chuyến đi dài.

“Tôi chưa bao giờ muốn sống ở đây Mexico,” cô nói. “Tôi muốn hồi hương.”

 

 

TOAN TÍNH CỦA TRUMP VỚI CANADA

Là láng giềng, Canada và Mỹ có mối quan hệ mật thiết về kinh tế và thương mại. Nếu ông Trump mạnh tay áp thuế, Canada sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng ra sao?

Ông Trump nâng thuế thép, nhôm Canada lên 50% rồi bất ngờ "quay xe"

Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng ông đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính nâng thuế nhập khẩu với nhôm, thép Canada lên 50%. Ông Trump cũng nhắc lại ý tưởng gây tranh cãi về việc Canada nên trở thành "tiểu bang thứ 51" của nước Mỹ.

Quyết định này được đưa ra như một đòn trả đũa trực tiếp sau khi chính quyền tỉnh Ontario của Canada áp thuế 25% với điện xuất khẩu sang Mỹ từ ngày 10/3. Ontario là nơi xuất khẩu phần lớn điện cung cấp cho các bang New York, Michigan và Minnesota của Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tuyên bố ông Trump sẽ không nâng thêm thuế với nhôm, thép Canada. Nguyên nhân là thủ hiến tỉnh Ontario Doug Ford cho biết sẽ tạm dừng việc phụ thu giá điện sau cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick.

Các chuyên gia cho rằng nếu ông Trump nặng tay áp thuế thì các nhà sản xuất sẽ chịu tác động mạnh bởi Canada là nước xuất khẩu nhôm và thép vào Mỹ nhiều nhất.

Theo Viện Sắt và Thép Mỹ (AISI), trong cả năm 2024, Canada là nước cung ứng nhiều thép nhất cho Mỹ. Canada xuất khẩu 5,95 triệu tấn thép sang Mỹ, giảm 5% so với năm trước đó. Kế tiếp lần lượt là Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam.

Bên cạnh đó, Mỹ hiện phụ thuộc vào nhôm nhập khẩu, chủ yếu từ Canada, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Trung Quốc, để đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất của nước này, theo Bloomberg.

Dữ liệu chính thức của Mỹ cho thấy Canada cũng là nhà cung ứng nhôm lớn nhất của nước này, chiếm lần lượt 56% và 58% khối lượng nhôm nhập khẩu vào Mỹ năm 2023 và 2024.

Trong năm 2024, 4 quốc gia tiếp theo cung ứng nhiều nhôm cho Mỹ nhất là UAE, Trung Quốc, Hàn Quốc và Bahrain. Các chuyên gia dự báo Canada có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn nhất khi các mức thuế quan kim loại mới của Mỹ được áp dụng.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng áp thuế quan 25% lên sản phẩm thép và 10% lên nhôm nhập khẩu, nhưng sau đó đã miễn thuế cho một số đối tác bao gồm Canada, Mexico và Brazil.

Nền kinh tế Mỹ ngày nay không còn tập trung vào lĩnh vực sản xuất như trong quá khứ nhưng mỗi năm vẫn tiêu thụ hàng chục triệu tấn thép. Vậy nên, siêu cường số một thế giới vẫn đều đặn nhập khẩu thép mỗi năm.

Thép nhập khẩu thường được phục vụ cho các ngành công nghiệp như ô tô, hàng không vũ trụ, dầu mỏ và xây dựng. Vậy nên, thuế quan sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất trong các ngành này bởi kim loại nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Đồng thời, các nhà sản xuất thép Mỹ cũng có khả năng sẽ tăng giá bán khi áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ giảm bớt, theo CNN.

Canada sẽ chịu ảnh hưởng lớn về kinh tế và thương mại?

Tổng thống Trump nói ông nghiêm túc muốn sáp nhập Canada trở thành bang thứ 51 của Mỹ vì không muốn "trợ cấp" hàng năm cho nước này.

"Tôi nghĩ Canada sẽ tốt hơn nhiều nếu trở thành bang thứ 51 của Mỹ, do chúng ta mất 200 tỷ USD mỗi năm cho họ. Tôi sẽ không để điều ấy xảy ra. Tại sao chúng ta phải chi ra 200 tỷ USD mỗi năm, về cơ bản đó là trợ cấp cho Canada", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trên Fox News ngày 9/2.

Khi người dẫn chương trình Bret Baier hỏi liệu việc ông đề xuất sáp nhập Canada có phải "sự thật" hay không, Tổng thống Trump khẳng định "đúng thế".

Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Canada, đóng góp 76% kim ngạch xuất khẩu và 64% nhập khẩu của nước láng giềng. Theo số liệu của chính phủ Canada, kim ngạch thương mại song phương lên tới 2,7 tỷ USD mỗi ngày năm 2023.

Hai nước là thành viên Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) từ năm 2020. USMCA thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trước đây. Họ cũng là thành viên nhóm nước phát triển G7.

Bên cạnh đó, Mỹ và Canada còn chia sẻ nhiều cơ sở hạ tầng như cảng biển, đường sắt và cầu. Hai nước cũng xây dựng thêm nhiều công trình, như cầu treo Gordie Howe International nối Windsor and Detroit, góp phần tăng thương mại song phương.

Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Canada. Ngược lại, Canada là nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), 60% dầu thô nhập khẩu của Mỹ năm 2023 từ nước láng giềng.

Ông Vasu Menon, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Ngân hàng OCBC, nói rằng chưa rõ mức thuế lên thép và nhôm của Tổng thống Trump có phải là chiến lược đàm phán mà ông có thể cân nhắc lại hay không. "Xét cho cùng, nếu được thực hiện, nó cũng sẽ gây tổn hại cho Mỹ do nước này phụ thuộc vào thép và nhôm nhập khẩu từ Canada và Mexico", ông nhận định với Reuters.

Mối quan hệ thương mại giữa 2 nước đã trở nên căng thẳng sau những lệnh áp thuế của ông Trump. Đầu tháng 2, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu với toàn bộ hàng hóa Canada, Mexico.

Từ ngày 4/3, mức thuế này đã có hiệu lực. Trừ năng lượng Canada bị áp thuế 10%, các sản phẩm khác từ 2 nước này chịu mức 25%.

Canada lập tức đáp trả bằng việc áp thuế 25% với 30 tỷ đôla Canada hàng Mỹ. Tổng cộng 1.256 sản phẩm bị ảnh hưởng trong đợt này, gồm nước cam, bơ lạc, rượu vang, bia, cà phê, đồ gia dụng, quần áo, giày dép, xe máy, mỹ phẩm, bột gỗ và giấy.

Tuy nhiên, Mỹ vài ngày sau đó thông báo hoãn thuế với xe hơi và các sản phẩm được quy định trong USMCA thêm gần một tháng. Canada vì thế cũng hoãn thực hiện kế hoạch trả đũa giai đoạn 2 với 125 tỷ đô la Canada hàng Mỹ.

 

Nguồn: CafeF; Tuổi Trẻ; BBC; VOA; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang