Mỹ: Lạm phát giảm bớt; Kinh tế lộ vết nứt; Sản lượng dầu khí chững lại; Biden quyết không bỏ cuộc; Rút hết lính khỏi Niamey

TÌNH HÌNH LẠM PHÁT GIẢM BỚT

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed- ngân hàng trung ương) đánh giá tình hình lạm phát của nước này đang giảm bớt và thị trường việc làm đã quay trở lại tình trạng trước đại dịch COVID-19.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ mới nhất gửi đến Quốc hội Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed- ngân hàng trung ương) đánh giá tình hình lạm phát của nước này đang giảm bớt và thị trường việc làm đã quay trở lại tình trạng trước đại dịch COVID-19.

Theo Fed, lạm phát đã giảm đáng kể vào năm ngoái và tiếp tục cho thấy những tiến triển hơn nữa trong năm nay. Ngân hàng trung ương Mỹ cho rằng có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi tốc độ tăng giá trong lĩnh vực dịch vụ nhà ở quay trở về mức trước đại dịch.

Báo cáo lưu ý thị trường việc làm tiếp tục tái cân bằng trong nửa đầu năm 2024, trong khi nhu cầu lao động đã giảm bớt do cơ hội việc làm giảm ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và nguồn cung lao động tiếp tục tăng, được hỗ trợ bởi tình trạng nhập cư mạnh mẽ. Báo cáo đánh giá sự cân bằng giữa cung và cầu lao động có vẻ tương tự như giai đoạn ngay trước đại dịch, khi thị trường lao động tương đối thắt chặt, nhưng không tăng trưởng quá nóng. Fed cũng cho biết tăng trưởng tiền lương danh nghĩa tiếp tục chậm lại.

Báo cáo chính sách tiền tệ gửi tới Quốc hội Mỹ hai lần mỗi năm, được Fed đưa ra trước phiên điều trần của Chủ tịch Jerome Powell. Dữ liệu lạm phát mới sẽ được Chính phủ Mỹ công bố vào ngày 18/7 và nếu áp lực giá tiếp tục giảm bớt có thể mở ra cơ hội giúp các nhà hoạch định chính sách của Fed cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 9/2024.

Tại cuộc họp chính sách gần đây nhất vào tháng Sáu vừa qua, Fed đã giữ nguyên lãi suất ở mức từ 5,25% - 5,50% và những dự báo mới từ các nhà hoạch định chính sách cho thấy số lần cắt giảm lãi suất của ngân hàng này trong năm nay dự kiến sẽ giảm từ 3 lần xuống chỉ còn 1 lần. Tuy nhiên, thị trường tài chính và một số nhà hoạch định chính sách vẫn kỳ vọng Fed sẽ thực hiện 2 lần cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm/lần từ nay tới cuối năm.

KINH TẾ MỸ ĐANG DẦN LỘ VẾT NỨT

Sức mạnh bền bỉ của nền kinh Mỹ trong những năm qua khiến các chuyên gia kinh ngạc. Tuy nhiên, vết nứt bắt đầu xuất hiện ở nền kinh tế lớn nhất thế giới khi ngành dịch vụ suy yếu rõ rệt trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp chạm mức cao nhất trong gần ba năm.

Một số chuyên gia kinh tế bắt đầu lo ngại kinh tế Mỹ sắp rơi vào suy thoái, có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiến hành một loạt đợt giảm lãi suất.

Tín hiệu bất ổn từ ngành dịch vụ

Cuộc khảo sát mới nhất của Viện Quản lý cung ứng (ISM), trụ sở ở bang Arizona, cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành dịch vụ ở Mỹ giảm sâu xuống 48,8 điểm trong tháng Sáu so với 53,8 điểm trong tháng 5. Chỉ số này cũng đã rơi vào vùng suy giảm (dưới 50 điểm) trong tháng Tư sau chuỗi 15 tháng tăng trưởng liên tục.

Chỉ số đơn hàng mới của ngành dịch vụ thậm chí còn suy giảm mạnh hơn, từ 54,1 điểm trong tháng 5, xuống còn 47,3 điểm trong tháng vừa qua.

Sự suy giảm rõ ràng về nhu cầu, nếu kéo dài đủ lâu có thể khiến các doanh nghiệp ngành dịch vụ tuyển dụng với tốc độ chậm hơn và cắt giảm việc làm. Ngành dịch vụ áp đảo thị trường việc làm của Mỹ. Cụ thể, 86% trong tổng số 158,6 triệu việc làm hiện nay ở Mỹ, tính đến tháng Sáu, liên quan đến các ngành dịch vụ.

“Phần lớn các dịch vụ ở Mỹ được thúc đẩy bởi người tiêu dùng và sức chi tiêu của họ là chìa khóa cho tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Nhưng chúng tôi bắt đầu thấy căng thẳng tài chính tăng lên ở nhiều hộ gia đình”, James Knightley, nhà kinh tế quốc tế của ngân hàng ING nói với hãng tin CNN.

Với lạm phát vẫn ở mức cao, lãi suất cao nhất trong hơn hai thập niên, tiền tiết kiệm cạn kiệt sau đại dịch Covid-19 và nợ nần ngày càng tăng, người tiêu dùng Mỹ thực sự đang chịu áp lực.

Dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ đã chậm lại trong vài tháng qua. Các nhà bán lẻ cũng nhận thấy người mua sắm ở mọi phân khúc thu nhập đang chi tiêu dè sẻn hơn. Số liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho thấy chi tiêu tại các nhà hàng và quán bar giảm 0,4% trong tháng Năm.

Tuy nhiên, phải mất thời gian trước khi nhu cầu chậm lại dẫn đến việc tuyển dụng chậm hơn hoặc sa thải vì doanh nghiệp phải xác định xem liệu có đối mặt thời kỳ nhu cầu suy yếu kéo dài nhiều tháng hay không.

Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ đã bắt đầu kìm hãm tốc độ tuyển dụng. Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, công bố hôm 5-7, các doanh nghiệp này tạo thêm trung bình 168.000 việc làm mỗi tháng trong quí 2. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong ba tháng trước đó là 241.000 việc làm. Năm ngoái, mức tăng việc làm trung bình hàng tháng trong ngành dịch vụ là 228.000 việc làm.

Tháng trước, việc làm trong lĩnh vực thương mại bán lẻ giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11-2023. Chăm sóc sức khỏe là một điểm sáng đáng chú ý trong lĩnh vực dịch vụ, tạo thêm việc làm với tốc độ nhanh chóng trong vài niên kỷ qua, ngoại trừ tình trạng sụt giảm vào năm 2020 do đại dịch Covid-19. Gần đây, một số doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe nhận thấy nhu cầu đang chững lại.

Thị trường việc làm phục hồi đáng kinh ngạc khi nền kinh tế Mỹ mở cửa sau đại dịch Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lần đầu tiên giảm xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3,4% trong năm 2023. Tuy nhiên, gần đây, thị trường việc làm đã hạ nhiệt. Mỹ ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Sáu tăng lên mức 4,1%, cao nhất kể từ tháng 11-2021. Đồng thời, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đang có xu hướng tăng lên.

Fed có thể phải quyết liệt giảm lãi suất

Theo nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s, nếu Fed duy trì chiến lược lãi suất cao càng lâu thì nguy cơ nền kinh tế tổn thương càng lớn.

“Chúng tôi bắt đầu thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và số lao động bị sa thải cao hơn trong bối cảnh thị trường việc làm suy yếu. Đó là mối lo ngại ngày càng tăng”, ông nói.

Các dự báo bi quan bắt đầu xuất hiện. Trong báo cáo gửi khách hàng gần đây, Peter Berezin, giám đốc chiến lược toàn cầu của BCA Research, cho rằng suy thoái sẽ xảy ra với nền kinh tế Mỹ vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025. Cơn suy thoái sẽ khiến chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm xuống còn 3.750 điểm trong năm 2025, thấp hơn 30% so với điểm số hiện nay.

“Sự đồng thuận của các chuyên gia về kịch bản kinh tế Mỹ hạ cánh mềm là sai lầm. Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới cũng sẽ chậm lại đáng kể”, Berezin nhận định.

Berezin đưa ra dự báo bi quan như trên một phần vì tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ “chậm chân” trong việc giảm lãi suất và cơ quan này chỉ nới lỏng các điều kiện tài chính một cách có ý nghĩa khi suy thoái kinh tế đã rõ ràng. Ông lưu ý, thị trường lao động Mỹ đang suy yếu rõ rệt, với số lượng việc làm mới tạo ra trong tháng Tư và tháng Năm bị điều chỉnh giảm so với ước tính ban đầu.

“Hai năm trước, người lao động thất nghiệp chỉ cần rảo chân trên các tuyến phố là có thể tìm được việc mới. Nhưng điều đó đang ngày càng khó khăn hơn”, Berezin nói.

Trong báo cáo mới đây, các nhà phân tích của Citi Research dự báo, với các dấu hiệu suy yếu mới của nền kinh tế, Fed có thể cắt giảm lãi suất đến 200 điểm cơ bản thông qua 8 đợt giảm lãi suất 25 điểm, bắt đầu từ tháng 9.

“Hoạt động kinh tế tiếp tục suy yếu sẽ thúc đẩy Fed tiếp tục giảm lãi suất trong 7 cuộc họp tiếp theo (sau tháng 9)”, trích báo cáo. Citi Research cho rằng, đến tháng 7-2025, lãi suất chuẩn của Fed sẽ giảm về biên độ 3,25-3,5% so với 5,25-5,5% hiện nay.

Nhiều nhà phân tích lưu ý, mức giảm 48.900 việc làm tạm thời trong tháng 6, cao nhất kể từ tháng 4-2021, theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, là điều đáng báo động. Việc làm tạm thời thường suy giảm mạnh ngay trước thời điểm kinh tế suy thoái khi người sử dụng lao động bắt đầu sa thải những người lao động ít gắn bó nhất.

SẢN LƯỢNG NGÀNH DẦU KHÍ MỸ ĐANG CHỮNG LẠI, TẠI SAO?

Hoạt động khoan dầu chậm lại tại khu vực đá phiến của Mỹ đang kìm hãm sự tăng trưởng sản lượng dầu trong khi sản lượng khí đốt giảm so với mức năm ngoái do tồn kho trên mức trung bình và giá thấp không bền vững vào đầu năm nay.

Giá dầu khí đã giảm kể từ mức cao nhất vào mùa hè năm 2022 khi giá tăng vọt sau khi Nga mở Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Sự sụt giảm giá dầu khí chuẩn của Mỹ trong gần hai năm qua đã làm giảm hoạt động khoan dầu ở khu vực đá phiến. Sản lượng dầu khí của Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2023 và tiếp tục tiến gần đến mức cao nhất mọi thời đại, nhưng sản lượng dầu tăng trưởng chậm lại trong khi khai thác khí đốt bắt đầu giảm sau mùa đông ôn hòa 2023/2024 đẩy lượng tồn kho lên trên mức trung bình và khiến giá khí đốt Henry Hub giảm xuống còn 1,80 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) vào tháng 2/2024, so với 9 USD/MMBtu vào tháng 8/2022.

Tăng trưởng sản lượng dầu chậm lại

Sản lượng dầu thô từ các lưu vực Lower 48, không bao gồm Vịnh Mexico ngoài khơi liên bang, đã tăng 500.000 thùng mỗi ngày (bpd) vào tháng 4/2024 so với cùng tháng năm 2023. Nhưng vào tháng 4 năm ngoái, mức tăng trưởng hàng năm ở Lower 48 đứng ở mức 900.000 thùng/ngày, theo dữ liệu từ EIA được trích dẫn bởi nhà phân tích thị trường John Kemp của Reuters.

Theo dữ liệu mới nhất của Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu hiện ở mức 479, giảm 66 giàn so với thời điểm này năm ngoái.

Các nhà phân tích cho biết, bất chấp số lượng giàn khoan dầu giảm, sản lượng dầu của Mỹ vẫn tăng so với mức của năm trước, chủ yếu nhờ vào những cải tiến về hiệu suất.

Trong bối cảnh sự hợp nhất đang diễn ra trong ngành dầu khí của Mỹ, các nhà khai thác đã trở nên lớn hơn và đang tập trung vào lợi nhuận của cổ đông. Họ không có xu hướng phản ứng trước mỗi đợt tăng giá khi tăng cường khoan dầu, điều này cuối cùng khiến dầu tràn ngập thị trường và làm giá giảm.

Các công ty lớn đang tìm cách mở rộng bằng cách bổ sung các tài sản hàng đầu của các mục tiêu mua lại vào danh mục đầu tư của họ. Và động lực chính của ngành hiện nay là thu hồi vốn nhiều hơn cho các cổ đông và chuẩn bị cho hàng tồn kho chất đống cho nhiều năm khai thác sắp tới, mà không cần đầu tư quá nhiều dòng tiền vào việc khoan các địa điểm và giếng mới.

Trong quý 2 năm nay, sản lượng dầu về cơ bản không thay đổi so với quý 1, trong bối cảnh chỉ số hoạt động kinh doanh tổng thể tăng khiêm tốn, theo các giám đốc điều hành dầu khí trả lời Khảo sát năng lượng mới nhất của Fed ở Dallas.

“Giá dầu thô WTI (West Texas Middle) và khí Henry Hub ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi khi chúng tôi đang vận hành các giếng hiện có và cung cấp dòng tiền cho các nhà đầu tư”, giám đốc điều hành tại một công ty thăm dò và khai thác (E&P) nói trong cuộc khảo sát.

Một giám đốc điều hành khác của E&P nói thêm: “Những năm sáp nhập và mua lại gần đây đã làm giảm hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ. Các công ty lớn sẽ không cạn kiệt nguồn dự trữ khi nâng cao khai thác trong nước cho đến khi đường cung và cầu đạt tới mục tiêu của họ”.

Giám đốc tiếp tục: “Họ không cần phải tham gia vào hoạt động khoan liên tục để duy trì thu nhập ở mức ổn định nhằm phát triển nguồn dự trữ và trả nợ”.

Vì vậy, tăng trưởng sản lượng đá phiến dự kiến sẽ chậm lại. Tăng trưởng sản lượng dầu của Lower 48 vượt quá kỳ vọng vào năm 2023, bổ sung thêm nguồn cung 900.000 thùng/ngày vào năm ngoái, nhưng Wood Mackenzie dự kiến lượng dầu của Lower 48 sẽ chỉ tăng 270.000 thùng/ngày vào năm 2024 và thêm 330.000 thùng/ngày vào năm 2025.

Theo nhà phân tích chính của WoodMac, Nathan Nemeth, năm ngoái, những cải tiến hiệu quả lớn đã cho phép các nhà khai thác đáp ứng hoặc thậm chí vượt mong đợi đối với số giếng được đưa vào hoạt động, giúp thúc đẩy khai thác với số lượng giàn khoan ít hơn đáng kể.

“Tuy nhiên, hiệu quả đạt được và tiết kiệm chi phí liên quan đến giếng không dẫn đến hoạt động khoan nhiều hơn như chúng ta đã thấy trước đây. Thay vào đó, E&P đã nhắc lại kế hoạch trả lại tiền mặt cho các cổ đông”, ông Nemeth lưu ý.

Sản lượng khí đốt giảm

Trong khi sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn, khai thác khí đốt đã giảm so với mức cao nhất vào tháng 12/2023 và thấp hơn so với mức của năm trước. Sản lượng khí khô tự nhiên là 101,7 tỷ feet khối mỗi ngày (bcf/d) vào tháng 4/2024, giảm từ 102,7 bcf/d vào tháng 4/2023, mức thấp nhất trong 16 tháng qua.

Các nhà khai thác khí đốt lớn đã cắt giảm một phần sản lượng trong mùa xuân để đối phó với sự sụt giảm giá vào đầu năm nay, khiến giá khí giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ.

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn mới nhất của EIA dự kiến sản lượng khí đốt được bán trên thị trường của Mỹ sẽ giảm 1% trong năm nay, dẫn đầu là mức giảm 9% ở khu vực Haynesville và mức giảm 4% ở khu vực Appalachia do một số nhà khai thác có sự phát triển hạn chế và do giá khí đốt thấp.

Cho đến nay, thị trường đã chứng kiến lượng khí bơm vào kho lưu trữ thấp hơn do nhu cầu về điện chạy bằng khí đốt tăng lên trong các đợt nắng nóng mùa hè.

Tuy nhiên, lượng khí đốt tồn kho cao hơn mức trung bình vào thời điểm này trong năm và tồn kho khí trong tuần kết thúc vào ngày 26/6 cao hơn 21% so với mức trung bình của 5 năm qua và cao hơn 11% so với năm ngoái tại thời điểm này, theo dữ liệu của EIA.

EIA dự kiến hàng tồn kho dự trữ sẽ kết thúc mùa bơm khí vào ngày 31/10 ở mức cao hơn 6% so với mức trung bình 5 năm qua.

Cơ quan này cho biết: “Nếu sản lượng khí của Mỹ thấp hơn dự báo của chúng tôi và mức tiêu thụ trong lĩnh vực điện để đáp ứng nhu cầu điều hòa không khí tăng nhiều hơn kỳ vọng, giá khí đốt có thể cao hơn dự báo”.

BỎ MẶC MỌI LỜI KÊU GỌI, BIDEN QUYẾT KHÔNG TỪ BỎ CUỘC ĐUA VÀO NHÀ TRẮNG

Bất chấp áp lực gia tăng từ các nghị sĩ cùng đảng Dân chủ, Tổng thống Mỹ Joe Biden kiên quyết không rời cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay và khẳng định ông sẽ là người đoàn kết đất nước ở nhiệm kỳ 2.

Sau màn tranh luận trực tiếp trên truyền hình “lép vế” trước đối thủ Donald Trump tối 27/6 và cuộc phỏng vấn bị đánh giá kém thuyết phục với hãng thông tấn ABC vào tuần trước, Tổng thống Biden tiếp tục đối mặt áp lực tăng cao khi một nhóm nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ họp trực tuyến với lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries hôm 7/7 để than phiền về cơ hội chiến thắng của ông.

Theo báo Guardian, các hạ nghị sĩ Jerry Nadler đến từ bang New York và Jamie Raskin đại diện bang Maryland nằm trong số các nhà lập pháp Dân chủ đã nói với ông Jeffries rằng, ông Biden nên rời khỏi cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ năm nay.

Quốc hội Mỹ sẽ tái nhóm họp hôm nay (8/7) sau kỳ nghỉ và trọng tâm của các nhà lập pháp Dân chủ sẽ là xác định liệu ông Biden có thể tiếp tục vận động tái tranh cử hay không. Các thành viên Dân chủ tại Hạ viện dự kiến sẽ gặp trực tiếp ông Jeffries vào ngày 8/7 để thảo luận về tổng thống.

Một nguồn thạo tin tiết lộ với đài CNN, số nghị sĩ Dân chủ tuyên bố rõ ràng rằng ông Biden không nên trở thành ứng cử viên đại diện đảng “đấu chung kết” với ông Trump vào ngày tổng tuyển cử 5/11 hiện nhiều hơn số nhà lập pháp lên tiếng ủng hộ ông tiếp tục cuộc đua.

Một trong những lo ngại được đề cập đến trong cuộc họp trực tuyến ngày 7/7 là đảng Dân chủ sẽ mất cơ hội chiếm đa số tại Hạ viện nếu ông Biden tiếp tục tranh cử tổng thống. Những hạ nghị sĩ tham gia cuộc họp đó thậm chí tán thành ý kiến cho rằng Phó Tổng thống Kamala Harris nên được chọn là ứng viên tổng thống đại diện đảng năm nay.

Adam Schiff, một nghị sĩ Dân chủ có ảnh hưởng tại Hạ viện Mỹ công khai kêu gọi Tổng thống Biden nên “chuyển ngọn đuốc” cho người khác nếu ông không thể giành chiến thắng “áp đảo” trong các cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, lãnh đạo Nhà Trắng sắp mãn nhiệm tiếp tục tham gia các cuộc gặp gỡ cử tri và nhà tài trợ cho chiến dịch vận động tái tranh cử của mình ở bang chiến địa Pennsylvania. Ông Biden không hề đề cập đến sức khỏe và thể lực khi phát biểu trước một giáo đoàn ở nhà thờ ở Philadelphia hôm 7/7: “Chúng ta phải đoàn kết nước Mỹ một lần nữa… đó là mục tiêu của tôi, là những gì chúng tôi sẽ làm”.

Sau đó, ông Biden bất ngờ dừng chân tại một văn phòng tranh cử địa phương, động thái báo hiệu các sự kiện ngoài dự kiến, không lên kế hoạch trước như các đồng minh khuyến khích ông thực hiện. Điểm dừng chân thứ 3 của tổng thống là Harrisburg, nơi ông khoe đã nhận được sự hậu thuẫn của các quan chức Dân chủ là Thượng nghị sĩ John Fetterman, Hạ nghị sĩ Madeleine Dean và Phó Thống đốc bang Pennsylvania Austin Davis.

MỸ HOÀN THÀNH RÚT HẾT QUÂN KHỎI THỦ ĐÔ NIGER

Mỹ hoàn thành rút quân khỏi căn cứ quân sự ở thủ đô Niamey của Niger, sẽ rút nốt số binh sĩ còn lại ở nước này trước tháng 9.

"Bộ Quốc phòng Niger và Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo việc rút lực lượng và trang thiết bị của Mỹ khỏi căn cứ 101 Niamey đã hoàn tất", tuyên bố chung ngày 7/7 của hai nước cho biết, đề cập Căn cứ Không quân 101 gần sân bay quốc tế Diori Hamani ở thủ đô Niamey.

Tiếp theo, lực lượng Mỹ sẽ tập trung vào việc rút quân khỏi Căn cứ Không quân 201 ở thành phố miền trung Agadez và dự kiến hoàn thành trước ngày 15/9 theo kế hoạch. Thiếu tướng không quân Mỹ Kenneth Ekman ngày 5/7 cho biết nhiều khả năng binh sĩ nước này sẽ rút xong trong tháng 8.

Mỹ có khoảng 950 binh sĩ đồn trú tại hai căn cứ 101 và 201, 766 người đã rời khỏi Niger, theo AFP.

Niamey hồi tháng 3 tuyên bố chấm dứt thỏa thuận hợp tác quân sự với Washington, khẳng định sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại nước này là "bất hợp pháp". Quyết định được đưa ra vài tháng sau khi Niger trải qua cuộc đảo chính hồi tháng 7/2023, lật đổ cựu tổng thống Mohamed Bazoum, đồng minh của phương Tây.

Căn cứ Không quân 201 là cơ sở chuyên vận hành thiết bị không người lái (drone), được Mỹ sử dụng làm nơi điều phối hoạt động tập kích các nhóm phiến quân thân IS và al-Qaeda ở vùng Sahel từ năm 2018.

Niger trước đó cũng đã yêu cầu Pháp, đồng minh an ninh truyền thống của Niamey, rút quân. Bộ Quốc phòng Đức hôm 6/7 thông báo Berlin cũng sẽ chấm dứt hoạt động tại căn cứ không quân ở Niger vào ngày 31/8, sau khi các cuộc đàm phán giữa giới lãnh đạo quân sự hai bên đổ vỡ.

Song song với việc rời xa phương Tây, Niger đang thắt chặt quan hệ với Nga, nước đã cung cấp cho quốc gia châu Phi trang thiết bị và huấn luyện viên quân sự. Hồi tháng 4, quân nhân Nga đã tới Niger và sử dụng căn cứ 101 làm nơi huấn luyện binh sĩ bản địa.

Giới chức Mỹ cho biết quân nhân nước này và Nga ở căn cứ không tiếp xúc với nhau. Chính phủ Niger cũng đảm bảo binh sĩ hai nước hoạt động tại các khu vực tách biệt trong căn cứ.

Thiếu tướng Ekman ngày 5/7 nói lực lượng Nga có khoảng 100 người và họ sẽ về nước sau khi hoàn thành huấn luyện binh sĩ sở tại.

Ngoài Niger, hai nước láng giềng Mali và Burkina Faso cũng đã yêu cầu binh sĩ phương Tây rời đi để chuyển hướng sang tìm kiếm hỗ trợ từ Nga. Ba quốc gia châu Phi ngày 6/7 ký hiệp ước thành lập "Liên hiệp quốc gia vùng Sahel" nhằm tăng cường hội nhập, sau khi cùng nhau rời khỏi Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vào tháng 1. ECOWAS trước đó đình chỉ tư cách thành viên của ba nước sau các cuộc đảo chính.

Nguồn: Bnews; The Saigon Times; Năng Lượng Quốc Tế; Vietnamnet; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang