
CHÍNH QUYỀN MỸ TĂNG CƯỜNG ĐỘNG THÁI NHẰM KIỀM CHẾ GIÁ DẦU
Chính quyền Mỹ cho biết họ có trong tay đầy đủ những công cụ cần thiết để kiềm chế giá dầu.
Mức tăng giá xăng dầu ở Mỹ kể từ năm 2021 đến nay là khoảng 50%. Tờ Financial Times (FT) nhận định rằng điều này liên quan trực tiếp đến hoạt động của chính quyền Đảng Dân chủ hiện nay và các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Tình hình kinh tế hiện tại đang làm giảm mức độ tín nhiệm đối với Tổng thống Joseph Biden, đây là tín hiệu xấu khi cuộc bầu cử đang tới gần. Về vấn đề này, Washington đã quyết định mở các kho dự trữ dầu chiến lược. Khối lượng hàng hóa bổ sung được tung ra thị trường sẽ giúp kiềm chế giá nhiên liệu leo thang.
Đây là động thái đáp trả của Mỹ khi trong, tháng này Tổ chức OPEC+ với sự tham gia phối hợp từ phía Nga đã quyết định giảm sản lượng khai thác nhằm duy trì mức giá chấp nhận được cho vàng đen.
Theo các chuyên gia của công ty tư vấn Goldman Sachs, điều này sẽ giúp giữ chi phí năng lượng ở mức 86 USD/thùng trong quý tiếp theo của năm nay.
Hiện tại chính quyền Mỹ rất để ý đến tầm quan trọng của việc giảm giá xăng dầu.
Theo ông Bob McNally - cựu cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, nguyên thủ quốc gia mới đắc cử sẽ buộc phải ứng phó với vấn đề giá cả tăng cao trong tình hình kinh tế bất ổn.
Tờ báo lưu ý rằng trong nhiệm kỳ Tổng thống của Biden, các kho chứa dầu đã trống rỗng đến mức kỷ lục kể từ năm 1983.
Hiện tại, giá một gallon (3,785 lít) xăng là 3,65 USD. Vào đầu năm, con số này là 3,39 USD, trong khi vào năm 2014, giá xăng ở Mỹ tăng lên 4,11 USD.
NƯỚC MỸ GẶP KHÓ VÌ XE ĐIỆN: KHÔNG MUỐN NHẬP XE TRUNG QUỐC NHƯNG CHI PHÍ TỰ SẢN XUẤT QUÁ ĐẮT, CƠ SỞ HẠ TẦNG KHÔNG ĐỦ ĐÁP ỨNG
Người Mỹ không còn mặn mà với xe điện.
Clint và Rachel Wells sống ở Normal, Illinois, nơi được hưởng trọn vẹn sự thúc đẩy kinh tế nhờ nhà máy lắp ráp xe điện của Rivian. Với ông, xe điện như một bước tiến mới và ông muốn ủng hộ cuộc cách mạng này.
Tuy nhiên, thay vì mua một chiếc xe điện mới, cặp đôi này quyết định chỉ tậu con Honda Accord động cơ xăng có giá 19.000 USD. Một chiếc xe điện 25.000 USD hẳn sẽ rất hấp dẫn, song thị trường Mỹ chỉ có 5 mẫu xe điện mới có giá dưới 40.000 USD. Nhà vô địch quê hương tập trung vào các loại xe hạng sang và mẫu rẻ nhất hiện nay là R1T trị giá 69.000 USD.
“Chúng tôi không thể tiếp cận được vào thời điểm này”, Clint nói.
Gia đình nhà Wells nằm trong số hàng triệu người Mỹ lựa chọn tiếp tục dùng xe xăng thay vì xe điện, bất chấp mục tiêu đầy tham vọng của Tổng thống Joe Biden là xe năng lượng sạch sẽ chiếm 50% tổng số ô tô mới bán ra ở Mỹ vào năm 2030. Năm ngoái, tỷ lệ này là 9,5%.
Lạm phát, lãi suất cao kết hợp với những lo ngại xoay quanh phạm vi lái xe và cơ sở hạ tầng thu phí đã làm giảm sự nhiệt tình của người mua. Nhiều nhà sản xuất ô tô đang xem xét lại kế hoạch sản xuất và cắt giảm sản lượng để chuyển sang xe động cơ đốt trong và hybrid.
Tổng thống Joe Biden cam kết giảm lượng khí thải nhà kính của Mỹ xuống 50-52% so với mức năm 2005 vào năm 2030, trong đó, việc áp dụng rộng rãi xe điện là một phần quan trọng. Ông muốn đạt được tham vọng này mà không cần nhờ đến những chiếc xe nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước đó, Washington đã đưa ra nhiều chính sách công nghiệp nhằm vào các nhà sản xuất ô tô, pin và linh kiện Trung Quốc. Ý tưởng cho phép Mỹ phát triển chuỗi cung ứng của riêng mình, song theo các chuyên gia, sẽ càng khiến người dân lưỡng lự mua xe điện vì giá quá đắt. Doanh số bán hàng bị cản trở, từ đó khiến Mỹ tụt lại phía sau Trung Quốc và Châu Âu trong việc áp dụng xe điện.
Everett Eissenstat, cựu quan chức cấp cao của Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết: “Không nghi ngờ gì nữa, điều này sẽ làm chậm quá trình áp dụng xe điện ở Mỹ”.
Đáp lại, chính quyền cố gắng điều hòa các chính sách công nghiệp - khí hậu bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi thuế cho người tiêu dùng mua xe điện. Họ cũng khuyến khích các nhà sản xuất phát triển chuỗi cung ứng do Mỹ thống trị.
Khoản tín dụng thuế lên tới 7.500 USD, song chúng chỉ dành cho những chiếc ô tô được sản xuất tại Mỹ. Các thành phần khoáng chất và pin quan trọng cũng phải có nguồn gốc chủ yếu ở xứ cờ hoa.
Do điều kiện khá khắt khe, 2 năm kể từ khi Đạo luật Giảm lạm phát được thông qua, chỉ có 12 mẫu xe thực sự giúp người mua tận dụng toàn bộ khoản tín dụng thuế 7.500 USD.
Theo Financial Times, rất ít xe điện Trung Quốc được bán ở Mỹ. Polestar là nhà sản xuất ô tô thuộc sở hữu của Trung Quốc duy nhất hiện đang hoạt động tại nước này và chỉ bán được 2.210 ô tô trong quý đầu tiên. Wendy Cutler, cựu quan chức thương mại kiêm phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á, nói: “Điều này gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc: đừng nghĩ đến việc xuất khẩu ô tô của bạn sang Mỹ”.
Theo dữ liệu được phân tích bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu ở Washington, các nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Mỹ đang nhập khẩu ngày càng nhiều pin từ Trung Quốc. Thuế quan sẽ làm tăng chi phí sản xuất và bên chịu thiệt hại cuối cùng là người tiêu dùng.
Theo Ilaria Mazzocco, chủ tịch kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại CSIS, sự cạnh tranh và chi phí nhập khẩu linh kiện pin tăng cao có thể trì hoãn việc giảm giá cho người tiêu dùng Mỹ. “Xe điện Trung Quốc rẻ mà đa dạng. Các nhà sản xuất ô tô của Mỹ sẽ thoải mái hơn khi không phải cạnh tranh”.
Theo Financial Times, giá cho một chiếc xe điện mới trung bình rơi vào khoảng dưới 57.000 USD trong tháng 5, so với mức trung bình hơn 48.000 USD cho một chiếc ô tô hoặc xe tải có động cơ truyền thống. Giá khởi điểm cho một chiếc Tesla Model Y, loại xe điện phổ biến nhất ở Mỹ cho đến nay, chưa đến 43.000 USD trong quý I. Ford F-150 Lightning, phiên bản điện khí hóa của xe bán tải bán chạy nhất ở Mỹ, hiện có giá khởi điểm là 55.000 USD - cao hơn 11.000 USD so với bản chạy xăng.
Theo Cox Automotive, xe điện đã qua sử dụng rẻ hơn, với một chiếc xe chưa đầy 5 năm tuổi có giá khoảng 34.000 USD. Tuy nhiên, nếu so với xe xăng, chúng vẫn đắt hơn.
Ford và Stellantis, công ty sở hữu các thương hiệu như Dodge, Ram và Jeep, đang hứa hẹn sản xuất những chiếc xe điện trị giá 25.000 USD cho thị trường Mỹ trong vài năm tới. General Motors lên kế hoạch hồi sinh Chevrolet Bolt với tư cách chiếc xe điện “giá cả phải chăng nhất”, trong khi Giám đốc Tesla Elon Musk hứa sẽ tung ra “những mẫu xe rẻ” trong năm nay hoặc đầu năm 2025.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu cơ sở hạ tầng sạc, tham vọng trên là khá khó.
Theo Bộ Năng lượng, Mỹ hiện chỉ có 64.000 trạm sạc công cộng, trong đó, chỉ 10.000 là bộ sạc điện một chiều, có thể sạc đầy pin trong 30 phút thay vì vài giờ.
Những người mua tiềm năng lo lắng xe điện của họ có thể không đi được quãng đường xa như mong đợi. Thời tiết lạnh có thể làm giảm phạm vi hoạt động của xe điện.
John Bozzella, giám đốc điều hành của tập đoàn thương mại ô tô Mỹ Alliance for Automotive Innovation, cho biết: “Tốc độ tăng trưởng của xe điện đang nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của bộ sạc công”.
Trước tình hình này, nhiều nhà sản xuất ô tô bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang xe hybrid. Tháng trước, các giám đốc điều hành của GM, Nissan, Hyundai, Volkswagen và Ford đều cho rằng việc khai thác nhu cầu về xe hybrid là ưu tiên hàng đầu.
“Mặc dù có rất nhiều người quan tâm đến việc mua một chiếc xe điện nhưng chi phí trả trước và lo ngại xoay quanh cơ sở hạ tầng sạc điện chính là rào cản đối với nhiều người”, Jennifer Benz, Phó Giám đốc Trung tâm AP-NORC, cho biết.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi S&P Global Mobility cho thấy chi phí là nguyên nhân hàng đầu khiến người tiêu dùng không sẵn sàng mua xe điện. Người giàu có đam mê công nghệ được cho là nhân tố giúp thúc đẩy làn sóng quan tâm đến xe điện, song giờ đây lại đang tìm kiếm một mức giá thấp hơn, hấp dẫn hơn.
Theo một cuộc thăm dò của Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago và Trung tâm Nghiên cứu cộng đồng của Associated Press-NORC, 47% người Mỹ cho biết họ sẽ không mua xe điện làm phương tiện tiếp theo. Chỉ 19% số người được hỏi nói rằng 'rất có khả năng' họ sẽ mua xe điện.
DOANH SỐ BÁN LẺ HẦU NHƯ KHÔNG TĂNG

Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này hầu như không tăng trong tháng 5/2024.
Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này hầu như không tăng trong tháng 5/2024, trong khi dữ liệu của tháng 4 được điều chỉnh giảm đáng kể, dấu hiệu cho thấy hoạt động của nền kinh tế vẫn chưa có nhiều khởi sắc trong quý II.
Doanh số bán lẻ chưa được điều chỉnh theo lạm phát của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 5/2024, trong khi số liệu của tháng 4 được điều chỉnh thành giảm 0,2% so với mức không thay đổi được báo cáo trước đó.
Doanh số bán lẻ cốt lõi, không bao gồm ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ thực phẩm đã tăng 0,4% trong tháng 5, sau khi được điều chỉnh giảm 0,5% trong tháng 4.
Doanh số bán lẻ cốt lõi tương ứng chặt chẽ với thành phần chi tiêu tiêu dùng trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và việc điều chỉnh giảm doanh số bán lẻ cốt lõi của tháng 4 cho thấy chi tiêu tiêu dùng ở mức vừa phải trong quý II.
Trong số 13 danh mục được Bộ Thương mại Mỹ theo dõi, 5 danh mục cho thấy sự sụt giảm do giá xăng rẻ hơn trong tháng 5 và các cửa hàng đồ nội thất đưa ra chương trình giảm giá cho ngày Memorial Day.
Doanh số bán hàng tại các trạm xăng đã giảm 2,2%, trong khi doanh số bán hàng tại cửa hàng vật liệu xây dựng và thiết bị làm vườn giảm 0,8%. Doanh số bán hàng tại các nhà hàng và quán bar, thành phần dịch vụ duy nhất trong báo cáo, đã giảm 0,4% trong tháng 5, sau khi tăng 0,4% trong tháng 4.
Doanh số bán hàng tại cửa hàng nội thất giảm 1,1%, song doanh thu tại các đại lý xe cơ giới và phụ tùng lại tăng 0,8%. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng 0,8%, chỉ phục hồi một phần so với mức giảm 1,8% của tháng 4.
Doanh số bán hàng tại các cửa hàng bán đồ thể thao, giải trí, nhạc cụ và sách tăng 2,8% trong tháng 5/2024. Doanh thu tại các cửa hàng điện tử và thiết bị tăng 0,4%, trong khi doanh thu tại các nhà bán lẻ quần áo tăng 0,9%.
Các số liệu mới được Bộ Thương mại báo cáo nhấn mạnh sự sụt giảm đáng chú ý trong chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ sau những con số mạnh mẽ hơn vào đầu năm. Các nhà kinh tế kỳ vọng tốc độ chi tiêu sẽ tăng vừa phải trong thời gian tới khi người Mỹ thận trọng hơn trong bối cảnh lạm phát dai dẳng, thị trường việc làm dần hạ nhiệt và các dấu hiệu căng thẳng tài chính mới xuất hiện. Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ chỉ tăng 2,0% trong quý I/2024, khiến tăng trưởng kinh tế bị kiềm chế ở mức 1,3%.
Cùng ngày 18/6, theo báo cáo của Cục Dự trữ liên bang (Fed), sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 5/2024, bù đắp cho sự sụt giảm trong 2 tháng trước đó, song đà tăng khó có thể được duy trì trong bối cảnh lãi suất cao và nhu cầu hàng hóa giảm.
Sản lượng sản xuất của Mỹ đã tăng 0,9% trong tháng 5/2024, cao hơn mức dự báo tăng 0,3% các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra trước đó. Số liệu của tháng 4 cũng được điều chỉnh giảm 0,4% so với mức giảm 0,3% được báo cáo trước đó.So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng sản xuất của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 5.
Sản lượng ô tô và phụ tùng đã phục hồi 0,6% trong tháng 5, sau khi giảm 1,9% trong tháng trước đó. Sản xuất hàng hóa lâu bền tăng 0,6%, trong khi sản lượng các sản phẩm gỗ, máy móc, máy tính và điện tử cũng như đồ nội thất và các sản phẩm liên quan đều tăng mạnh. Sản xuất sản xuất hàng không bền cũng tăng 1,1%, song hoạt động in ấn lại giảm 1,5%.
Sản lượng khai thác tăng 0,3%, sau khi giảm hai tháng liên tiếp trước đó. Sản xuất tiện ích tăng 1,6%, sau khi phục hồi 4,1% trong tháng 4. Sản xuất công nghiệp tổng thể tăng 0,9% trong tháng 5, sau khi không thay đổi vào tháng 4.
Sản xuất, chiếm hơn 10% nền kinh tế Mỹ, đã bị cản trở bởi chi phí cho vay cao. Một cuộc khảo sát của Viện Quản lý cung ứng (ISM) được công bố vào đầu tháng 6 cho thấy các doanh nghiệp có xu hướng không sẵn sàng đầu tư do chính sách tiền tệ thắt chặt. Tuần trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25-5,50%, trong khi thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất được dự báo có thể bị đẩy lùi đến cuối năm nay.
CUỘC ĐÌNH CÔNG CỦA HÀNG NGHÌN ĐIỀU DƯỠNG VIÊN
Ngày 19/6, hơn 3.000 nhân viên điều dưỡng tại 6 các cơ sở y tế thuộc hệ thống chăm sóc y tế Providence, bang Oregon (Mỹ), đã tiếp tục đình công yêu cầu mức lương công bằng và đãi ngộ tốt hơn.
Các cuộc đình công này đã bắt đầu từ ngày 18/6 và kéo dài 3 ngày, đến ngày 20/6. Theo các nhà tổ chức, đây là cuộc đình công lớn nhất mà các điều dưỡng tiến hành tại Oregon, xuất phát từ tình trạng thiếu nhân lực, phải làm việc quá sức, trong khi mức lương thấp và phúc lợi chăm sóc sức khỏe hạn chế. Những người tham gia đình công phản đối các quy định lao động mà họ cho là bất công và không phù hợp với pháp luật của Providence, đồng thời yêu cầu một thỏa thuận công bằng nhằm cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân, nâng cao tiêu chuẩn nhân sự, thực hiện việc chăm sóc sức khỏe hợp lý hơn và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân sự.
Providence cho biết có kế hoạch tiếp tục đàm phán với các nghiệp đoàn sau cuộc đình công và sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận thỏa đáng sớm nhất có thể.
Trước đó, lãnh đạo Providence và các liên đoàn điều dưỡng trên toàn bang Oregon đã trải qua hơn 6 tháng thương lượng, có sự tham gia của đại diện chính quyền liên bang, song không đạt thỏa thuận nào.
THƯỢNG VIỆN THÔNG QUA DỰ LUẬT ĐẨY NHANH TRIỂN KHAI NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN
Hôm thứ Ba 18/6, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật nhằm đẩy nhanh việc triển khai các cơ sở năng lượng hạt nhân, bao gồm cả tăng tốc về cấp phép và mở ra các ưu đãi mới cho các công nghệ lò phản ứng hạt nhân tiên tiến.
Việc mở rộng năng lượng hạt nhân nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, trong đó đảng Dân chủ đánh giá rằng loại năng lượng này có vai trò quan trọng trong việc giảm carbon trong ngành điện để chống biến đổi khí hậu, còn đảng Cộng hòa xem nó là một cách để đảm bảo nguồn cung cấp điện đáng tin cậy và tạo việc làm.
Nội dung của dự luật đã được thông qua tại Hạ viện và giờ đây nó sẽ được chuyển đến Tổng thống Joe Biden để ông ký thành luật. Dự luật, có tên tiếng Anh là ADVANCED Act, được Thượng viện thông qua với 88 phiếu thuận, 2 phiếu chống.
Trong số các điều khoản, dự luật sẽ giảm chi phí pháp lý cho các công ty muốn cấp phép về các công nghệ lò phản ứng hạt nhân tiên tiến, sẽ tạo ra giải thưởng cho việc triển khai thành công các lò phản ứng thế hệ tiếp theo và sẽ tăng tốc độ cấp phép cho các cơ sở hạt nhân tại một số địa điểm nhất định.
Dự luật này có thể làm lợi cho các công ty như TerraPower được ông Bill Gates hậu thuẫn, công ty này đang cố gắng xây dựng lò phản ứng Natrium trị giá 4 tỷ USD ở bang Wyoming trên địa điểm của một nhà máy than cũ nhưng đang gặp khó khăn trong việc xin được giấy phép chính.
Các nhóm không phổ biến vũ khí hạt nhân bao gồm Liên minh Các Nhà khoa học Quan tâm đã cảnh báo chớ có các biện pháp nới lỏng việc cấp phép cho các lò phản ứng hạt nhân công nghệ cao, bao gồm cả những lò sử dụng uranium được làm giàu ở mức độ cao, họ cho rằng an toàn vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.
Ngành công nghiệp hạt nhân của Hoa Kỳ đã gặp khó khăn trong việc mở rộng trong những thập kỷ gần đây do chi phí tăng cao và các yêu cầu cấp phép phức tạp cũng như do thực tế là có khó khăn về ngân quỹ và khó phát triển các công nghệ hạt nhân tiên tiến.
Nguồn: Soha; CafeF; Bnews; Báo Tin Tức; VOA
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá