Mỹ: Dấu hiệu tuyệt vọng; Biden gặp thách thức; Trump lấy lòng siêu giàu; Tăng áp lực với chip TQ; Thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine

DẤU HIỆU TUYỆT VỌNG

Một cựu quan chức Lầu Năm Góc mới đây nhận định, việc Mỹ trang bị vũ khí cho phe phát xít mới Ukraine là dấu hiệu cho thấy họ đang tuyệt vọng.

“Quyết định của Washington bật đèn xanh cho Lữ đoàn Azov khét tiếng của Kiev sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp là một động thái tuyệt vọng, chỉ củng cố thêm tuyên bố của Nga rằng, nước này đang chống lại chủ nghĩa phát xít mới ở Ukraine”, ông Michael Maloof, cựu nhà phân tích chính sách an ninh cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, nói với phóng viên của RT hôm 12/6.

Bình luận trên của ông Maloof được đưa ra sau khi vào ngày 10/6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bãi bỏ lệnh cấm giao vũ khí cho Lữ đoàn Azov, vốn được Quốc hội áp đặt vào năm 2018 do đơn vị này có mối quan hệ với chủ nghĩa phát xít mới.

Theo cơ quan này, một cuộc đánh giá gần đây cho thấy không có bằng chứng nào cho thấy việc điều động quân đội vi phạm Luật Leahy, cấm Washington hỗ trợ các đơn vị lực lượng an ninh nước ngoài vi phạm nhân quyền mà không bị trừng phạt.

“Rõ ràng, nhóm Azov không từ tội nhân trở thành thánh chỉ sau một đêm. Vẫn còn một danh sách những hành động tàn bạo mà họ đã phạm phải, vi phạm nhân quyền… bạn vẫn thấy họ tuần hành như một nhóm với các biểu tượng của họ, với tình bạn thân thiết và kỷ luật của họ để ủng hộ chủ nghĩa phát xít”, ông Maloof giải thích trong một cuộc phỏng vấn với RT hôm 12/6.

“Sự thay đổi lập trường này của Washington đối với Lữ đoàn Azov có nghĩa là bạn không còn có thể thực sự tin vào bất cứ điều gì Bộ Ngoại giao nói, chứ đừng nói đến cộng đồng tình báo”, ông Maloof nhấn mạnh.

Theo cựu quan chức Lầu Năm Góc, động thái của Mỹ là “dấu hiệu của sự tuyệt vọng”, và là một nỗ lực muộn màng nhằm “nâng cao tinh thần” của người Ukraine trong bối cảnh Nga đang giành được nhiều ưu thế trên tiền tuyến trong năm nay.

“Tôi đặt câu hỏi về lý do muốn tiếp tục ủng hộ một tổ chức có dấu hiệu phát xít như thế này vì về cơ bản thì cuộc chiến đã thất bại rồi. Hỗ trợ Azov chỉ là đổ thêm dầu vào lửa… đồng thời củng cố và củng cố quan điểm của Nga rằng, đây là cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít ở Ukraine”, ông nói, và lưu ý rằng, các tay súng Azov “chưa thực sự thể hiện” trong chiến đấu, họ đã bị quân Nga đánh bại trong trận chiến giành Mariupol ngay từ đầu cuộc xung đột.

Ông tin rằng họ khó có thể làm tốt hơn ngay cả khi được trang bị vũ khí của Mỹ.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm là “ một nỗ lực nhằm chọc tức người Nga vì Moscow kiên quyết phản đối chủ nghĩa Quốc xã”, điều này sẽ không dẫn đến bất kỳ thay đổi nào trên chiến trường.

Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 12/3 cho biết, thái độ của Moscow đối với việc Washington cung cấp vũ khí cho “ các đơn vị vũ trang theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan” như Lữ đoàn Azov là “cực kỳ tiêu cực”.

BIDEN GẶP THÁCH THỨC LỚN SAU KHI CON TRAI BỊ KẾT TỘI

Sau khi bị bồi thẩm đoàn ở Delaware tuyên phạm 3 trọng tội về sử dụng súng, Hunter Biden, con trai của Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định phán quyết sẽ không thể ngăn cản họ “tiến về phía trước”.

Theo hãng tin NBC, phán quyết kết tội nói trên đã gây chấn động gia đình Biden. Tổng thống Biden ngay lập tức thay đổi lịch trình làm việc và bay đến Wilmington để ở bên con trai. Hai cha con ôm chầm lấy nhau khi hội ngộ trên đường băng sân bay tại căn cứ của Lực lượng Phòng không quốc gia Delaware trong ngày 11/6.

Giới quan sát nhận định, diễn biến mới có thể đã tạo nên một thách thức lớn đối với cha con ông Biden, cả về mặt cá nhân, pháp lý và chính trị.

Trong vòng vài giờ sau phán quyết, đảng Cộng hòa (GOP) đã phát đi tín hiệu rằng, dù họ đã tỏ ra khoan nhượng trong quá trình xét xử Hunter Biden về những cáo buộc có liên quan đến ma túy, nhưng họ sẽ không ngần ngại chĩa búa rìu công kích nếu vụ truy tố con trai tổng thống về các cáo buộc trốn thuế ở California diễn ra tới đây. Các trợ lý của Tổng thống Biden đang hồi hộp chờ đợi phiên tòa đó.

Theo một số nhà phân tích, trong khi phiên tòa kết tội Hunter Biden nói dối về chứng nghiện ma túy để sở hữu trái phép vũ khí đã cho thấy góc khuất cá nhân thì phiên tòa diễn ra ở California có thể làm lộ những thông tin gây tranh cãi về các giao dịch kinh doanh của con trai tổng thống.

Thời điểm của phiên tòa mới cũng làm gia tăng khó khăn. Một phiên điều trần trước xét xử dự kiến ​​diễn ra vào giữa tháng 8, ngay trước Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ. Việc lựa chọn bồi thẩm đoàn bắt đầu vài tuần sau đó, khi Tổng thống Biden và ông Trump tham gia cuộc tranh luận trực tiếp thứ 2 và cũng là cuối cùng giữa họ trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay. Phán quyết có thể được đưa ra vào thời điểm một số bang trọng yếu bắt đầu bỏ phiếu sớm trước ngày tổng tuyển cử 5/11.

Các trợ lý và đồng minh thân cận gia đình Biden thừa nhận, vấn đề gia đình là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất đối với những người làm việc trong Nhà Trắng và chiến dịch tranh cử. Theo họ, sự soi xét sẽ càng trở nên dữ dội hơn khi chú ý đổ dồn sang phiên tòa vào tháng 9.

Một cựu trợ lý cho hay, các cuộc thảo luận về ý kiến của công chúng liên quan đến gia đình Biden thường được xử lý thông qua “các kênh riêng biệt”. Và chỉ một số ít người được chọn mới được phép đưa ra các tuyên bố với giới truyền thông. Ông Biden cũng ưu tiên giải quyết những vấn đề đó với mức độ quan tâm cao nhất.

Tuy nhiên, một cựu quan chức Nhà Trắng cảnh báo, việc nhà Biden có xu hướng hạn chế nghiêm ngặt bình luận xung quanh các vấn đề nhạy cảm trong gia đình có thể làm phức tạp thêm thông điệp xung quanh phiên tòa. Cựu quan chức này giải thích: “Nếu họ không lên tiếng, những người khác sẽ nói. Khi ấy, khoảng trống sẽ được lấp đầy và câu chuyện có thể được kể theo cách chiến dịch tái tranh cử của ông Biden hay Nhà Trắng không mong muốn. Các thành viên đảng Dân chủ ở khắp mọi nơi cũng có thể bối rối không biết nên phản ứng thế nào cho phù hợp”.

Lãnh đạo Nhà Trắng chỉ đưa ra những tuyên bố bằng văn bản khi bắt đầu và kết thúc phiên tòa đầu tiên chống lại con trai mình. Cả hai tuyên bố đều nhấn mạnh ông sẽ "tôn trọng quy trình xét xử", giống như ông từng phát biểu khi cựu Tổng thống Trump bị kết tội hình sự ở New York vì bê bối làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền che giấu mối quan hệ với ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trước thềm bầu cử năm 2016.

Tuy nhiên, điểm giống chỉ có vậy. Tổng thống Biden và đội ngũ vận động tái tranh cử của ông gọi ông Trump là “tội phạm bị kết án”. Họ đã dùng việc ông Trump bị tuyên phạm 34 trọng tội ở New York để kêu gọi quyên góp tiền cho chiến dịch của ông Biden. Họ cũng lập luận đó là lí do khiến cựu tổng thống không thích hợp để trở lại nắm quyền ở Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.

Nhóm tranh cử của ông Biden có kế hoạch tránh xa những rắc rối pháp lý của Hunter Biden, mặc dù cách tiếp cận của họ với ông Trump dự kiến ​​sẽ không thay đổi. Josh Schwerin, một chiến lược gia của đảng Dân chủ nhấn mạnh: “Đảng GOP đã cố gắng tấn công Hunter Biden và ràng buộc ông với cha mình trong khoảng 5 năm nay nhưng chưa từng hiệu quả. Nếu có bất cứ điều gì, nó sẽ chỉ cho thấy rằng hệ thống pháp luật không bị gian lận để chống lại Donald Trump, rằng không có hệ thống tư pháp 2 cấp như ông Trump phát biểu và điều đó làm suy yếu quan điểm phòng thủ cốt lõi của cựu tổng thống”.

Trong khi ông Trump và các đồng minh cố gắng ràng buộc tổng thống với các cáo buộc gian lận thuế của con trai, đội ngũ của ông Biden sẽ cố gắng tách biệt các hành vi của hai cha con. Họ cũng sẽ tìm cách nêu bật khác biệt giữa các cáo buộc trọng tội nhằm vào chính ứng viên tổng thống với những cáo buộc chống lại người thân của ứng viên đang tranh cử.

Bill Russo, người từng làm việc cho ông Biden thời còn là Phó Tổng thống và cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của ông tin rằng, dù vụ kết tội là điều tồi tệ đối với Hunter Biden và gia đình Biden nhưng họ sẽ luôn sát cánh cùng nhau vượt qua như từng trải qua các bi kịch trước đây. Ông Russo lưu ý thêm, việc đảng GOP có phản ứng rời rạc đối với phán quyết của bồi thẩm đoàn ở Delaware phản ánh phe đối lập không thực sự coi vụ kết tội Hunter Biden là một chiến thắng.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện James Comer gọi phán quyết hôm 11/6 là “một bước tiến tới trách nhiệm giải trình”. Song, nghị sĩ GOP này vẫn cáo buộc Bộ Tư pháp tiếp tục “bao che cho Tổng thống Biden”. Tuần trước, ông Comer và các nhà lập pháp GOP hàng đầu khác đã gửi kiến nghị tới Bộ Tư pháp yêu cầu truy tố Hunter Biden và em trai của tổng thống là James Biden vì những tuyên bố sai sự thật trước Quốc hội Mỹ. Kiến nghị không xuất phát từ các cáo buộc về sở hữu súng trái phép, mà từ lời khai của họ trước Quốc hội xung quanh cuộc điều tra luận tội tổng thống của phe GOP tại Hạ viện.

Hạ nghị sĩ GOP Mariannette Miller-Meeks tỏ ra thận trọng khi tuyên bố hầu hết mọi người “muốn đặt niềm tin vào hệ thống tư pháp hình sự”, đặc biệt sau vụ kết tội ông Trump ở New York.

Với các thành viên đảng Dân chủ, câu hỏi quan trọng hơn có thể là vụ kết tội Hunter Biden đã tăng thêm gánh nặng ra sao cho tổng thống khi ông chuẩn bị tham gia tranh luận trực tiếp với đối thủ trong 2 tuần nữa, sự kiện có thể là bước ngoặt trong chiến dịch tái chạy đua vào Nhà Trắng của ông.

Sự không chắc chắn về việc liệu Hunter Biden có phải lĩnh án tù trong cả hai trường hợp hay không đang đè nặng lên gia đình tổng thống. Các tội danh trong vụ truy tố ở Delaware có tổng mức phạt tối đa là 25 năm tù giam cùng khoản tiền phạt lên tới 750.000 USD. Song, theo các chuyên gia pháp lý, Hunter Biden có thể được nhận bản án nhẹ hơn nhiều so với mức tối đa vì là người phạm tội lần đầu và các tội không liên quan đến bạo lực.

Những người ủng hộ quả quyết, việc ông Biden cam kết tôn trọng phán quyết của tòa, không can thiệp hay ân xá cho con trai là bằng chứng cho thấy tổng thống quan tâm hơn đến việc bảo vệ đất nước. Một nguồn tin thân cận cũng khẳng định, gia đình tổng thống “quan tâm sâu sắc đến sự phục vụ của họ dành cho nước Mỹ”, luôn đoàn kết lại với nhau và “không có gì có thể ngăn cản họ”.

TRUMP HỨA GIẢM THUẾ TẬP ĐOÀN ĐỂ LẤY LÒNG GIỚI SIÊU GIÀU

Cựu tổng thống Mỹ cam kết giảm thuế tập đoàn nhằm thuyết phục lãnh đạo những tập đoàn hàng đầu ủng hộ ông trở lại Nhà Trắng.

Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump ngày 13/6 dự buổi tọa đàm của tổ chức Bàn tròn Kinh doanh (BR) ở Washington, với khoảng 100 giám đốc điều hành của những công ty hàng đầu nước Mỹ, trong đó có lãnh đạo ngân hàng JPMorgan Jamie Dimon, CEO Tim Cook của Apple, CEO Walmart Doug McMillon và CEO Scott Kirby của hãng hàng không United Airlines.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, tranh thủ thời điểm đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ, ông Trump đã thúc đẩy Đạo luật Giảm thuế và Tạo việc làm (TCJA) ngay sau khi nhậm chức vào năm 2017. Mức nộp thuế của các tập đoàn khi đó được điều chỉnh còn 21% doanh thu.

Trả lời Larry Kudlow, người dẫn chương trình của Fox Business và cựu giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, ông Trump tuyên bố ý định "kéo dài vĩnh viễn" đạo luật giảm thuế năm 2017. Ông cũng sẵn sàng giảm thêm thuế cho các tập đoàn Mỹ xuống còn 20%, theo Jason Miller, người phát ngôn của ông Trump.

Đối với các tập đoàn lớn của Mỹ, giảm thêm 1% đóng thuế hàng năm có thể giúp họ tiết kiệm hàng tỷ USD.

Ông Trump ủng hộ giảm thuế thu nhập cho cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ, không áp thuế liên bang đối với "tiền boa" trong các mảng dịch vụ và cam kết nới lỏng quy định quản lý cho các tập đoàn, trong đó có quy trình cấp giấy phép ở ngành năng lượng.

BR là tổ chức vận động hành lang chính sách kinh tế, dẫn đầu bởi cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Joshua Bolten và có khoảng 200 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đăng ký thành viên.

Trong trong buổi tọa đàm ở Washington hôm 13/6, Chánh văn phòng Nhà Trắng Jeff Zients đã thay mặt Tổng thống Joe Biden gặp giới lãnh đạo các doanh nghiệp để trao đổi về ưu tiên chính sách kinh tế của chính phủ nếu ông Biden tái đắc cử.

Ông khẳng định Tổng thống Biden tiếp tục hợp tác với khu vực tư nhân, tập trung vào các biện pháp trợ giá và đầu tư hạ tầng trong những nhiệm kỳ thứ hai, đồng thời sẽ đặc biệt quan tâm vấn đề người nhập cư.

Quan chức Nhà Trắng tái khẳng định cam kết bảo vệ những trụ cột ổn định kinh tế Mỹ gồm tôn trọng pháp quyền, bảo vệ thương hiệu quốc gia và tính dễ dự báo chính sách.

Jeff Zients nhấn mạnh ông Biden không ủng hộ chủ nghĩa biệt lập như ông Trump. Ứng viên đảng Dân chủ cũng không muốn chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhưng sẽ phối hợp với đồng minh "bảo vệ các ngành kinh tế Mỹ".

Cựu tổng thống Donald Trump đang nhận được ủng hộ từ nhiều tỷ phú Mỹ nhờ cam kết chính sách có lợi cho giới siêu giàu, đặc biệt là kế hoạch giảm thuế, theo Paul Krugman, nhà kinh tế học người Mỹ từng đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 2008.

Sau khi bồi thẩm đoàn tại New York kết luận ông Trump có tội với 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền ém nhẹm thông tin bất lợi trước chiến dịch tranh cử năm 2016, các tỷ phú thân với đảng Cộng hòa đã cam kết tiếp tục quyên góp mạnh tay cho ông Trump chạy đua vào Nhà Trắng.

Phong độ ổn định của ông Trump trong các cuộc khảo sát tín nhiệm từ cử tri Cộng hòa cũng thúc đẩy các mạnh thường quân làm lành với cựu tổng thống 78 tuổi, gác lại những hiềm khích sau bạo loạn Đồi Capitol năm 2021.

Nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đã thể hiện rõ ông "không ngần ngại ưu ái những doanh nhân đứng về phe mình và trừng phạt thẳng tay những kẻ đứng ngoài cuộc", theo Jonathan Chait, nhà bình luận chính trị Mỹ của New York Magazine.

MỸ GIA TĂNG ÁP LỰC LÊN NGÀNH CHIP TRUNG QUỐC?

Trung Quốc cáo buộc Mỹ lợi dụng khái niệm an ninh quốc gia và sử dụng quyền lực nhà nước để tăng cường trấn áp các công ty của nước này

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét thêm các biện pháp hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip dùng cho trí tuệ nhân tạo (AI). Trang Bloomberg hôm 11-6 dẫn một số nguồn thạo tin cho biết bước đi mới nhất tập trung vào một kiến trúc chip tiên tiến, gọi tắt là GAA. Đây là một loại kiến trúc bóng bán dẫn giúp cải thiện hiệu suất chip và giảm tiêu thụ năng lượng.

Mục tiêu là khiến Trung Quốc gặp khó hơn trong việc lắp ráp các hệ thống máy tính tinh vi cần thiết để xây dựng và vận hành các mô hình AI. Ngoài ra, động thái trên còn nhằm hạn chế việc tiếp cận công nghệ còn mới này trước khi nó được thương mại hóa.

Một số công ty như Nvidia, Intel, Advanced Micro Devices (đều của Mỹ) cùng với các đối tác dự định bắt đầu sản xuất hàng loạt chất bán dẫn với thiết kế GAA trong năm tới.

Mỹ hiện áp đặt nhiều hạn chế đối với việc bán chất bán dẫn tiên tiến và công cụ sản xuất chip cho Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo không ít lần tuyên bố Washington sẽ có thêm động thái tương tự khi cần để ngăn công nghệ AI tiên tiến nhất rơi vào tay Bắc Kinh, lấy lý do công nghệ mới này có thể mang lại lợi thế cho quân đội Trung Quốc.

Đáp lại, Trung Quốc cáo buộc Mỹ lợi dụng khái niệm an ninh quốc gia và sử dụng quyền lực nhà nước để tăng cường trấn áp các công ty của nước này.

Chính quyền ông Biden hiện chạy đua với thời gian để ban hành các quy định bổ sung trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 và đang cân nhắc xem cần ưu tiên công nghệ nào. Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ gần đây đã gửi dự thảo quy định GAA tới một ủy ban tư vấn công nghệ.

Ủy ban này gồm các chuyên gia trong ngành công nghiệp chip, đưa ra lời khuyên về các thông số kỹ thuật cụ thể - bước cuối cùng trong quy trình quản lý. Dù vậy, quy định về GAA vẫn chưa được hoàn tất do bị chỉ trích là quá rộng.

Hiện chưa rõ liệu quy định mới, nếu được thực thi, có thể hạn chế Trung Quốc phát triển chip GAA của riêng mình hoặc tiến xa hơn. Ngoài ra, cũng chưa rõ liệu quy định này có tìm cách ngăn các công ty nước ngoài, nhất là hãng chip của Mỹ, bán sản phẩm cho các nhà sản xuất điện tử Trung Quốc hay không.

Một nguồn tin cho Bloomberg biết các biện pháp sẽ không đi xa đến mức cấm hoàn toàn xuất khẩu chip GAA, mà thay vào đó sẽ tập trung vào công nghệ cần thiết để sản xuất chúng.

Một khả năng khác cũng được tính đến là hạn chế xuất khẩu chip bộ nhớ băng thông cao, được sử dụng để giúp tăng tốc ứng dụng AI. Chip này hiện được sản xuất bởi những công ty như SK Hynix (Hàn Quốc), Micron Technology (Mỹ) và được sử dụng bởi những tên tuổi như Nvidia.

Theo Reuters, một loạt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn về xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc đã ảnh hưởng đến vị thế của các nhà sản xuất chip. Các công ty như Intel và Qualcomm cho biết doanh số bán hàng của họ bị ảnh hưởng sau khi Mỹ thu hồi một số giấy phép xuất khẩu chip cho một khách hàng của họ tại Trung Quốc.

Ngoài ra, các biện pháp trên còn ngăn hãng Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), trụ sở ở Đài Loan (Trung Quốc), nhận đơn đặt hàng sản xuất chip AI tiên tiến do công ty này sử dụng công cụ sản xuất chip của Mỹ.

Để tiếp tục hợp tác với TSMC, một số công ty Trung Quốc buộc phải thiết kế những chip AI ít mạnh hơn. Cụ thể, theo Reuters, 2 công ty MetaX và Enflame đã gửi các thiết kế chip cấp thấp hơn cho TSMC vào cuối năm 2023 để tuân thủ các hạn chế của Mỹ.

THỎA THUẬN AN NINH 10 NĂM VỚI UKRAINE CÓ GÌ?

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký thỏa thuận an ninh kéo dài 10 năm, trong đó Washington cam kết tiếp tục hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Moscow và đưa nước này đến gần hơn với tư cách thành viên NATO.

Theo Reuters, thỏa thuận an ninh được hai nhà lãnh đạo Mỹ – Ukraine ký kết vào ngày 13/6, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố Bari, Italy. Nội dung thỏa thuận khẳng định văn bản này là khuôn khổ cho nỗ lực lâu dài của Mỹ nhằm giúp Ukraine phát triển lực lượng vũ trang, đầu tư vào cơ sở công nghiệp quốc phòng và tạo bước tiến để Kiev cuối cùng sẽ trở thành thành viên của NATO.

Mỹ cam kết sẽ “hỗ trợ Ukraine duy trì khả năng phòng thủ và răn đe” thông qua nhiều cách, bao gồm viện trợ quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ kinh tế, công nghiệp quốc phòng, thể chế và các vấn đề khác.

Bên cạnh đó, Washington cũng sẽ “giúp ngăn chặn và đối đầu với bất kỳ hành động gây hấn nào trong tương lai chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” và “ủng hộ những nỗ lực của Ukraine để giành chiến thắng trong cuộc xung đột hiện nay và ngăn chặn hành động quân sự trong tương lai của Nga”.

Phát biểu với các phóng viên sau lễ ký kết thỏa thuận, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Một nền hòa bình lâu dài cho Ukraine phải được bảo đảm bằng khả năng tự vệ của Ukraine hiện tại và ngăn chặn sự gây hấn trong tương lai”. Ông cũng nói thêm rằng nhóm G7 đã thống nhất kế hoạch cho Ukraine vay 50 tỷ USD từ tiền lãi thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi thỏa thuận này mang tính lịch sử và nói rằng đây là cầu nối để Kiev cuối cùng sẽ trở thành thành viên NATO. Trong một bài phát biểu video được công bố sau đó, ông Zelensky nói rằng thỏa thuận đã nâng mối quan hệ Mỹ - Ukraine “lên cấp độ của một liên minh thực sự”. “Thỏa thuận an ninh này là thỏa thuận mạnh mẽ nhất với Mỹ trong suốt 33 năm độc lập của chúng tôi,” ông Zelensky nhấn mạnh.

Kể từ năm 2023, Ukraine đã ký các thỏa thuận an ninh tương tự các quốc gia NATO, bao gồm Anh, Pháp và Đức. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết Kiev hiện có 17 thỏa thuận an ninh với các đối tác nước ngoài và có “10 thỏa thuận nữa đang được chuẩn bị”.

Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi cuối tháng 9/2022. Tổng thống Zelensky đã nhiều lần bày tỏ hy vọng nước này có thể được gia nhập khối quân sự khi cuộc chiến kết thúc, đồng thời kêu gọi khối quân sự này cần đẩy nhanh quy trình xét duyệt và phê chuẩn.

Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO sẽ là một trong những lằn ranh đỏ của nước này. Từ trước khi chiến sự nổ ra, Moscow đã nhiều lần yêu cầu phương Tây phải đảm bảo sự ràng buộc về mặt pháp lý để Ukraine không bao giờ được gia nhập vào khối quân sự này.

Đồng thời Nga muốn Ukraine cam kết trung lập, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự do việc NATO mở rộng về phía biên giới của Nga được nước này coi như một mối đe dọa tới an ninh quốc gia.

Nguồn: Soha; Vietnamnet; Vnexpress; CafeF; VTV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang