- Thời sự
- Thế giới
Theo Newsweek, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ Palestine đã tập trung xung quanh Nhà Trắng hôm 8.6.
Những người biểu tình nói với các phương tiện truyền thông rằng họ căng tấm vải dài màu đỏ và giơ biểu ngữ có tên những người Palestine bị lực lượng Israel hạ sát, khi giao tranh ở Dải Gaza đã bước sang tháng thứ chín.
Alejandro Alvarez, một phóng viên và nhiếp ảnh gia, đã đăng một đoạn clip lên X cho biết: “Hàng nghìn người biểu tình ủng hộ Palestine đang giương một biểu ngữ dài màu đỏ xung quanh Nhà Trắng. Họ gọi đó là ‘lằn ranh đỏ của nhân dân', lên án Tổng thống Mỹ Joe Biden vì đã không từ chối viện trợ quân sự cho Israel”.
Hầu hết người biểu tình mặc quần áo màu đỏ, cầm cờ Palestine và giơ khẩu ngữ với các nội dung “Lằn ranh đỏ của Biden là dối trá”, hay “Đánh bom trẻ em, dân thường không phải hành động tự vệ”.
"Tôi không tin bất kỳ lời nào của ông Biden. Lằn ranh đỏ mà tổng thống nói chẳng có chút giá trị nào. Nó chỉ cho thấy sự đạo đức giả và hèn nhát”, người biểu tình Zaid Mahdawi, 25 tuổi, đến từ bang Virginia và có cha mẹ là người Palestine, cho hay.
Trong khi đó, một người biểu tình khác tên Tala McKinney, 25 tuổi, nói: “Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hy vọng chiến sự sẽ chấm dứt. nhưng rõ ràng ngài tổng thống đã không thực hiện đúng những lời đã hứa với đất nước chúng ta. Điều này thật quá đáng”.
Một số người gốc Palestine tham gia biểu tình cho biết họ đã bỏ phiếu cho ông Biden hồi năm 2020, nhưng sẽ không ủng hộ tổng thống đương nhiệm trong bầu cử năm nay. “Tôi hối hận về mọi việc. Tôi sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho ông Biden nữa”, một người biểu tình nói.
Cuộc biểu tình diễn ra giữa lúc Tổng thống Biden đang ở Pháp để tham dự lễ kỷ niệm D-Day, sự kiện quân đồng minh đổ bộ lên Pháp trong Thế chiến II. Nhà Trắng đã dựng thêm hàng rào để tăng cường an ninh khi cuộc biểu tình diễn ra.
Ông Biden hiện phải đối mặt với áp lực từ các cử tri Hồi giáo và thanh thiếu niên, những nhóm người đang bày tỏ sự thất vọng với cách xử lý của chính quyền ông với cuộc chiến ở Gaza. Trong nhiều tháng qua, nhiều cuộc biểu tình của sinh viên ủng hộ Palestine và phản đối cuộc chiến ở Gaza đã diễn ra ở khắp các trường đại học trên nước Mỹ.
Tháng trước, nhà lãnh đạo Mỹ 5 cho biết ông sẽ tạm dừng việc gửi vũ khí của Mỹ tới Israel nếu lực lượng nước này tiến vào các khu vực của Rafah - nơi hàng trăm nghìn người Palestine đang ẩn náu để tránh chiến tranh ở những nơi khác ở Dải Gaza. Nhà Trắng sau đó cho biết Israel đã không vượt qua “lằn ranh đỏ” của Washington trong các hoạt động của mình.
Nhiều tỷ phú Mỹ từng xa lánh Donald Trump sau bạo loạn Đồi Capitol giờ đã làm lành với cựu tổng thống và quyết đưa ông trở lại Nhà Trắng.
Sau khi những người biểu tình ủng hộ Donald Trump tràn vào tòa nhà quốc hội ở Đồi Capitol ngày 6/1/2021 để cản trở phiên họp chứng nhận chiến thắng của ứng viên Joe Biden, nhiều tỷ phú đã nhanh chóng cắt liên lạc với ông Trump để tránh khủng hoảng truyền thông.
Một ngày sau vụ bạo loạn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, tỷ phú Nelson Peltz, CEO quỹ đầu tư Trian Partners, trả lời phỏng vấn trên CNBC rằng ông hối hận vì từng tài trợ cho Trump tranh cử vào Nhà Trắng. Ông gọi những gì diễn ra tại Đồi Capitol là "nỗi hổ thẹn" của ông "với tư cách một công dân Mỹ".
Nhưng, hồi tháng 3, Peltz đã chào đón ông Trump đến dinh thự ở Florida để dùng bữa sáng. Washington Post cho biết buổi gặp gỡ thân mật còn có nhiều doanh nhân nổi tiếng, trong đó có tỷ phú Elon Musk.
Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, Peltz thừa nhận ông "có lẽ sẽ lại bầu cho Trump" vào tháng 11, nhưng khẳng định "cá nhân tôi cũng không vui vẻ mấy". Tỷ phú 81 tuổi nói ông ủng hộ Trump một lần nữa trở lại Nhà Trắng vì không an tâm với nước Mỹ dưới Tổng thống Joe Biden, trong đó nổi bật là làn sóng người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía nam, cũng như những đồn đoán về mức độ minh mẫn của ông Biden ở tuổi 81.
Theo Wall Street Journal, Musk đã hứa với Trump sẽ tổ chức "gặp mặt các lãnh đạo kinh doanh quyền lực trên cả nước" và thuyết phục họ đừng ủng hộ Tổng thống Biden tái đắc cử. Musk cũng từng thảo luận cùng các tỷ phú khác cách thức "rót tiền cho Trump mà không bị công chúng chú ý".
Sau khi bồi thẩm đoàn tại New York kết luận ông Trump có tội với 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền ém nhẹm thông tin bất lợi trước chiến dịch tranh cử năm 2016, các tỷ phú thân với đảng Cộng hòa đã cam kết tiếp tục quyên góp mạnh tay cho ông Trump chạy đua vào Nhà Trắng.
Nổi bật trong số đó có tỷ phú sòng bạc Mỹ Miriam Adelson và ông trùm ngành khách sạn Robert Bigelow.
"Tôi sẽ gửi ngay cho Tổng thống Trump thêm 5 triệu USD như đã hứa", Bigelow tuyên bố hôm 31/5, sau khi đã rót 9 triệu USD cho một tổ chức vận động cử tri ủng hộ ông Trump.
Miriam Adelson dự định quyên góp cho tổ chức Gìn giữ Nước Mỹ, một ủy ban hành động chính trị (PAC) ủng hộ ông Trump và đảng Cộng hòa. Ở kỳ bầu cử tổng thống năm 2020, Miriam Adelson và người chồng quá cố Sheldon Adelson từng rót vào PAC này 90 triệu USD. Truyền thông Mỹ tiết lộ nữ tỷ phú 78 tuổi năm nay còn quyết chi tiền mạnh tay hơn nữa để giúp ông Trump thắng cử.
Miriam Adelson, một người Mỹ gốc Israel, đã ủng hộ Donald Trump từ khi ông bắt đầu tranh cử vào năm 2016, với hy vọng tác động lên chính sách đối ngoại của Washington với Tel Aviv.
Gia đình Adelson bỏ ra khoảng 25 triệu USD cho các siêu PAC vận động cử tri cho Trump vào năm 2016 và tài trợ 5 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông vào năm 2017. Họ có liên hệ thân thiết với con rể ông Trump là Jared Kushner, và từng xuất hiện tại tiệc mừng chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv đến Jerusalem vào năm 2018.
Steve Schwarzman, nhà sáng lập Tập đoàn Blackstone, một trong những quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, cũng đã làm lành với ông Trump sau một thời gian lạnh nhạt vì bạo loạn Đồi Capitol. Schwarzman từng chỉ trích người ủng hộ ông Trump là "đám đông quá khích tìm cách làm suy yếu Hiến pháp Mỹ".
Hơn ba năm sau, Schwarzman vào ngày 24/5 công khai ủng hộ Trump trở lại Nhà Trắng vì lo ngại khủng hoảng nhập cư bùng nổ ở biên giới Mỹ - Mexico. Ông cũng ám chỉ chính quyền Tổng thống Biden làm ngơ cho "làn sóng bài xích Do Thái trỗi dậy mạnh mẽ", khiến tỷ phú này phải quan tâm nhiều hơn đến cuộc bầu cử năm nay.
"Tôi có cùng nỗi lo như đa số người dân Mỹ rằng chính sách kinh tế, nhập cư và đối ngoại hiện nay của đất nước đang được định hướng sai", tỷ phú 77 tuổi sở hữu khối tài sản hơn 37 tỷ USD chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Paul Krugman, nhà kinh tế học người Mỹ từng đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 2008, các tỷ phú đang tập hợp tài trợ cho ông Trump chủ yếu vì lợi ích của bản thân họ, thay vì các chính sách đại chúng. Họ ủng hộ ông Trump dù cựu tổng thống Mỹ đã bị kết tội và đang đối diện hàng loạt vụ kiện dân sự lẫn truy tố, vì tin rằng ông sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách thuế ưu đãi cho người giàu nếu đắc cử.
"Câu trả lời thẳng thắn là giới nhà giàu gần như chắc chắn sẽ đóng thuế ít hơn, và các tập đoàn sẽ không chịu quản lý quá nghiêm ngặt, nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng", Krugman bình luận hồi tháng 4.
6 năm trước, với sự hậu thuẫn của đảng Cộng hòa tại quốc hội, chính quyền ông Trump đã thông qua luật cắt giảm thuế, giúp giới siêu giàu được hưởng lợi đáng kể, trong khi người lao động không nhận được hiệu ứng tăng thu nhập như cam kết của đảng Cộng hòa, theo Trung tâm Ngân sách và Ưu tiên chính sách (CBPP).
Ứng viên chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ có khả năng tác động đáng kể lên tài sản của giới siêu giàu Mỹ, một khi đạo luật giảm thuế năm 2017 sẽ hết hiệu lực vào năm 2025.
Trong suốt nhiệm kỳ lẫn quá trình tái tranh cử, Tổng thống Biden không che giấu ý định áp mức thuế mới lên giới siêu giàu nếu ông tái đắc cử và đảng Dân chủ giành đa số ở lưỡng viện quốc hội Mỹ. Vào năm 2022, Tổng thống Biden từng tìm cách thúc đẩy tăng thuế tối thiểu đối với các tỷ phú, buộc những gia đình có thu nhập hơn 100 triệu USD, chiếm khoảng 0,01% dân số Mỹ, phải đóng thuế 20%. Trước những cản trở từ đảng Cộng hòa tại quốc hội, dự luật này cuối cùng không được thông qua.
Ở chiều ngược lại, ông Trump liên tục cam kết duy trì chính sách cắt giảm thuế cho người Mỹ, không phân biệt đối xử giữa giới siêu giàu và người lao động bình dân. Các nghị sĩ Cộng hòa còn đang chuẩn bị sẵn gói dự luật về chính sách thuế và kinh tế, sẵn sàng tung ra "chớp nhoáng" một khi đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm nay.
Jonathan Chait, nhà bình luận chính trị Mỹ của New York Magazine, nhận định số tỷ phú ủng hộ Trump "tăng vọt" từ đầu năm nay, sau khi nhận thấy cựu tổng thống nắm chắc phần thắng trong bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.
Phong độ ổn định của ông Trump trong các cuộc khảo sát tín nhiệm từ cử tri Cộng hòa cũng thúc đẩy các mạnh thường quân làm lành với cựu tổng thống 77 tuổi, gác lại những hiềm khích sau bạo loạn Đồi Capitol năm 2021. Nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đã thể hiện rõ ông "không ngần ngại ưu ái những doanh nhân đứng về phe mình và trừng phạt thẳng tay những kẻ đứng ngoài cuộc", theo Jonathan Chait.
"Trong tâm trí của giới giàu có thuộc phe bảo thủ, bầu cử năm nay là bài toán lựa chọn giữa hai điều: ứng viên Trump có nguy cơ lạm dụng quyền lực và không chấp nhận kết quả bầu cử bất lợi, hoặc ông Biden đã cam kết sẽ tăng thuế để đánh vào túi tiền của họ. Vậy tại sao giới siêu giàu Mỹ không chọn ứng viên gần gũi hơn với lợi ích của chính họ", Chait bình luận.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị kết tội hình sự ở New York, nhưng điều đó khó có thể tạo ra nhiều khác biệt đối với đảng Cộng hòa (GOP), khi các chính khách GOP nhiều lần tỏ ra sẵn sàng tha thứ cho ông trước mọi cáo buộc, dù nặng đến đâu.
Trang Project Syndicate nhận định, vị thế của ông Trump có vẻ không mạnh như nhiều người kỳ vọng. Trên thực tế, vị trí dẫn đầu của ông trong các cuộc thăm dò dư luận vẫn nằm trong giới hạn sai sót và tại các cuộc bầu cử sơ bộ đang tiếp diễn của GOP, ông tiếp tục để mất 10 - 20% số phiếu ủng hộ về tay Nikki Haley, người từ hơn 2 tháng trước đã bỏ cuộc đua giành chiếc vé đại diện đảng “đấu chung kết” với đại diện đảng Dân chủ vào Nhà Trắng năm nay.
Nếu không có sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông cánh hữu như Fox News, các ứng cử viên độc lập và bên thứ ba, mức tín nhiệm của ông Trump có thể sẽ còn tệ hơn nhiều so với hiện nay.
Tuy nhiên, các thành viên cấp cao của GOP, bao gồm cả những người từng gay gắt chỉ trích ông Trump, đang nỗ lực để có được thiện cảm của cựu tổng thống trước ngày tổng tuyển cử 5/11. Giới phân tích đánh giá, động lực của họ không hẳn vì “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) như khẩu hiệu tranh cử từ năm 2016 của ông Trump.
Để hiểu rõ lí do thật sự cho điều này, cây bút bình luận Reed Galen đã trích dẫn một số ví dụ về “sự quay ngoắt thái độ” của các chính khách GOP, kể cả cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr. Mặc dù đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ ông Trump khỏi những hành vi xấu khi còn đương chức nhưng ông Barr đã chĩa búa rìu công kích vào cựu lãnh đạo Nhà Trắng sau khi ông Trump cố gắng đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Thời điểm đó, ông Barr mô tả hành động của ông Trump là “đáng khinh” và cựu tổng thống “không nên ở gần Phòng Bầu dục”.
Tuy nhiên, ông Barr hiện có giọng điệu rất khác. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin Fox News, cựu Bộ trưởng Tư pháp khẳng định bản thân dự định bỏ phiếu bầu cho ông Trump vào tháng 11. Ông Barr cũng ca ngợi những ưu điểm của “lý thuyết điều hành thống nhất”, một quan điểm cho rằng nếu tổng thống làm điều gì đó khi tại nhiệm thì việc đó là hợp pháp.
Trước những chỉ trích về quyết định ủng hộ ông Trump tái tranh cử tổng thống, ông Barr quả quyết bản thân từ lâu đã nói rằng giữa “hai lựa chọn tồi”, “nghĩa vụ” của ông là chọn ứng cử viên mà mình tin “sẽ ít gây hại nhất cho đất nước nhất” và điều đó đồng nghĩa bỏ phiếu cho gương mặt đại diện GOP.
Song, một số ý kiến cáo buộc hành động của ông Barr mang động cơ cá nhân. Cựu quan chức này hiểu rõ, nếu tái đắc cử vào tháng 11, ông Trump sẽ thực hiện lời cảnh báo trước đây về việc trừng phạt những người đã chống lại ông cả về mặt cá nhân và chính trị. Ông Barr rõ ràng không muốn vào tù hay hứng chịu những hậu quả tồi tệ khác. Vì ông Trump trước đó đã tuyên bố sẵn sàng tha thứ cho “những kẻ phản bội” công khai “ăn năn, hối lỗi” nên ông Barr có thể cố gắng để được hưởng “khoan hồng”.
Một trường hợp khác là Thượng nghị sĩ bang Oklahoma James Lankford, người gần đây vẫn lên tiếng bênh vực ông Trump mặc dù bị cựu tổng thống công kích vì vai trò trong đàm phán dự luật nhập cư lưỡng đảng. Ông Lankford có thể giải thích việc bản thân đứng về phía cựu lãnh đạo Nhà Trắng vì những khác biệt về chính sách với đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ. Song, theo giới quan sát, có vẻ điều thực sự quan trọng đối với chính khách này là ngăn chặn sự xuất hiện của một đối thủ mạnh ở bang quê hương ông, vốn luôn trung thành với đảng GOP.
Theo nhà báo McKay Coppins của tạp chí The Atlantic, còn một lí do nữa khiến ông Barr, ông Lankford và những người khác, chẳng hạn như Thống đốc bang New Hampshire Chris Sununu, sẵn sàng công khai “quay ngoắt thái độ” như vậy. Đó là việc chống lại ông Trump đòi hỏi đảng GOP phải rời bỏ “hệ sinh thái xã hội và chính trị của họ”.
Ông McKay Coppins lập luận, các chính khách GOP đều là sản phẩm của một phong trào không ngần ngại thanh trừng những người không thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với lãnh đạo đảng. Dù có được gọi là Trump, MAGA hay “nước Mỹ trước tiên”, đó vẫn là phong trào không chấp nhận sự bất đồng trong hàng ngũ GOP. Ngay cả cựu ứng viên tổng thống Haley hiện cũng thông báo bà sẽ bỏ phiếu cho ông Trump.
Nhiều chính khách GOP đã lên án ông Trump khi cho rằng cựu tổng thống sẽ không trỗi dậy lần nữa và họ dự kiến sẽ không phải chịu tổn hại nào khi điều đó phù hợp với hoàn cảnh cá nhân và chính trị của mình. Nói cách khác, quay lưng lại với ông Trump chỉ là một tính toán ngắn hạn. Vì vậy, việc quay lại ủng hộ ông không gì khác hơn là sự hợp lý hóa liên tục vị thế của họ trong hệ sinh thái MAGA và nội bộ đảng GOP.
Không chỉ các chính trị gia mới tìm tới phong trào MAGA. Tầng lớp giàu có của GOP, vốn từng coi Thống đốc bang Florida Ron DeSantis là giải pháp thay thế sớm, đã quay trở lại hậu thuẫn ông Trump dưới danh nghĩa ủng hộ các chính sách cắt giảm thuế, bãi bỏ các quy định và chấm dứt tình trạng nhập cư trái phép “ngoài tầm kiểm soát”. Các trùm tài phiệt của Mỹ thích cựu tổng thống vì cũng giống họ, ông Trump đang hành động theo cách giao dịch thuần túy. Do đó, họ tin rằng ông Trump sẽ để họ yên nếu trở lại Nhà Trắng lần nữa.
Nhiều nhà phân tích tỏ ra lo ngại khi tương lai của nước Mỹ nằm ở vị trí thấp trong danh sách các mối quan tâm hoặc tính toán của các chính khách GOP hiện nay, trong bối cảnh họ đang tái tập hợp xung quanh ông Trump.
Dư luận hiện vẫn chờ xem các diễn biến tiếp theo khi ông Trump dự kiến sẽ bị tòa án New York tuyên án vào ngày 11/7 tới đây vì 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền che giấu mối quan hệ với ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trước thềm bầu cử năm 2016. Động thái sẽ diễn ra chỉ 4 ngày trước khi đại hội toàn quốc của GOP khai mạc ở Wisconsin, nơi ông Trump dự kiến sẽ chính thức được công bố là ứng cử viên tổng thống đại diện đảng năm nay.
Nhiều cử tri Mỹ tại bang chiến trường Nevada xem phán quyết "có tội" của ông Trump là động lực khiến họ cần ủng hộ ông trong cuộc bầu cử.
Hàng nghìn người ở Las Vegas, bang Nevada xếp hàng để nghe cựu tổng thống Donald Trump phát biểu hôm 9/6, bất chấp nắng nóng. Nhiệt độ ở Las Vegas lúc 10h sáng 9/6 là 93 độ F (khoảng 34 độ C), trước khi tăng vọt lên 3 chữ số vào giữa trưa.
Sự kiện ở Las Vegas là lần đầu tiên Shay Chan, 25 tuổi, tham gia cuộc vận động tranh cử của ông Trump. Phán quyết "có tội" của bồi thẩm đoàn New York đối với cựu tổng thống cuối tháng trước là động lực của Chan.
"Thật nản lòng khi thấy nước Mỹ đang đi theo hướng này? Nếu điều đó có thể xảy ra với ông Trump, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai khác, đúng không?", Chan nói.
Beth Matthews, người tham gia sự kiện ở Las Vegas, cho biết cô được tiếp thêm động lực sau khi ông Trump bị kết tội.
"Tôi đã đóng góp cho chiến dịch ngay sau khi họ đưa ra phán quyết", cô nói.
Bồi thẩm đoàn New York ngày 30/5 tuyên bố ông Trump "có tội" với toàn bộ 34 tội danh trong vụ truy tố làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016. Thẩm phán New York Juan Merchan dự kiến kết án ông Trump vào ngày 11/7.
Với những người ủng hộ trung thành nhất của cựu tổng thống, phán quyết này chỉ củng cố thêm vị thế của ông trước đối thủ đảng Dân chủ, Tổng thống Joe Biden.
"Tôi không quan tâm đến những gì xảy ra với ông ấy tại phiên tòa. Điều đó không làm thay đổi chút nào suy nghĩ của tôi về ông ấy", Lindsay Elliott, người tham dự sự kiện cùng gia đình, nói. "Tôi nghĩ phán quyết sẽ giúp ích cho ông ấy và tin rằng người dân Mỹ đã chán ngấy với chuyện vớ vẩn này rồi".
Mackenzie, con gái 19 tuổi của Elliott, đồng tình với mẹ. "Những gì đã xảy ra thật tệ nhưng tôi tin điều đó sẽ khiến ông ấy mạnh mẽ hơn và khiến cử tri có động lực bỏ phiếu cho ông ấy hơn", cô nói.
Sự kiện tại Sunset Park ở thành phố Las Vegas là cuộc vận động tranh cử lớn đầu tiên của ông Trump kể từ sau khi bị phán có tội. Nevada được xem là bang chiến trường quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Trong bài phát biểu kéo dài gần một giờ, ông Trump chỉ trích ông Biden là "tổng thống tệ nhất" trong lịch sử nước Mỹ. Cựu tổng thống cũng bày tỏ lo ngại về hậu quả nếu ông không tái đắc cử vào tháng 11.
"Nếu điều đó không xảy ra, các bạn sẽ đối mặt Thế chiến III", ông nói.
Nhiều người tham gia sự kiện Las Vegas để bày tỏ ủng hộ ông Trump ngay cả khi họ không có quyền bỏ phiếu vào tháng 11. Karen Hall, người Chile sống tại Mỹ, là một trong số đó. Đối với cô, di cư bất hợp pháp là vấn đề quan trọng.
"Tôi là người nhập cư và từng phải đợi rất nhiều năm để có được thị thực đến Mỹ hợp pháp. Tôi thấy khó chịu khi nhiều người nhập cư một cách bất hợp pháp vào đất nước này. Đó là lý do tôi ủng hộ ông Trump", cô nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/6 nói rằng ông đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để giúp đỡ Ukraine.
Khi được hỏi liệu hai người có đã thảo luận vấn đề này chưa và liệu họ có đạt được thỏa thuận hay không, ông Biden trả lời, "Có và có”.
Nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét cách sử dụng lợi nhuận có được từ tài sản của Nga bị phong tỏa ở phương Tây để cung cấp cho Ukraine một khoản vay lớn ngay bây giờ và đảm bảo nguồn tài chính của Kyiv cho năm 2025.
Khoảng 260 tỷ euro (280,9 tỷ USD) của ngân hàng trung ương Nga đang bị đóng băng trên toàn thế giới, phần lớn là ở EU. Khoản tiền này tạo ra lợi nhuận từ 2,5 tỷ đến 3,5 tỷ euro mỗi năm, khoản tiền mà EU cho rằng không phải là khoản thuộc về Nga theo thỏa thuận nên có thể sử dụng.
Ý tưởng mà Hoa Kỳ thúc đẩy là sử dụng lợi nhuận này như một nguồn doanh thu ổn định để trả cho khoản vay lớn trị giá 50 tỷ USD có thể huy động được trên thị trường. Nga cho biết bất kỳ sự chuyển hướng lợi nhuận nào từ các nguồn tiền bị đóng băng của họ bị coi là hành vi trộm cắp.
Việc khai thác lợi nhuận từ tài sản của Nga đã thu hút sự lo ngại từ một số quốc gia, nhưng một quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết hôm 4/6 rằng Hoa Kỳ và các đối tác G7 đang đạt được tiến bộ.
Nguồn: Một Thế Giới; Báo Hà Tĩnh; Vietnamnet; Vnexpress; VOA
Mỹ: Biểu tình lan rộng; Cú sốc thuế quan; ‘Giấc mơ’ tiết kiệm 2.000 tỷ đô; Thế giới chấn động vì câu nói của Trump; Những cáo buộc gian lận
‘Phòng điều chế’ ma túy; Thêm liên minh mới nổi; Indonesia cấm điện thoại Google; Tự lực vũ khí, Ukraine chật vật; Israel sẵn sàng, Iran gặp khó
Mỹ: Bầu cử & giá vàng; So sánh chính sách Trump-Harris; Cuộc đua đốt tiền; 3 kịch bản bầu cử; Điều máy bay hạt nhân tới Trung Đông
Mỹ: Nhiệm kỳ thứ 2 của Trump; J.D.Vance chiến thắng; ‘Ván cược’ của Elon Musk; Bất mãn di sản của Biden; Trật tự thế giới thay đổi?
Mỹ: Rừng ma lan rộng; Giải mã lợi thế cạnh tranh; Tương lai không người nhập cư; Chọn nhất siêu hay đa cường; Cạn tên lửa đánh chặn
Mỹ trừng phạt ‘không lại’ với TQ; Dân Bắc Gaza bị bao vây; Tân thủ lĩnh Hezbollah; Vai trò Trung-Nga ở Trung Đông; Liên minh Nga-Triều
Ẩm thực Nhật vươn tầm; TQ siết thuế nhà giàu; Kêu gọi Triều Tiên rút quân khỏi Kiev; Israel ‘siết gọng kìm’; Cứu trợ ở Gaza gặp khó
Du lịch ‘làm nô lệ’ ở TQ; Sự bế tắc của OPEC+; Biểu tình ở Israel; Kiev thấy tương lai u ám; Google làm lộ căn cứ của Ukraine
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá