Mỹ: Bệnh hô hấp gia tăng; Chính sách dầu khí mới; Cách Trump chi phối QH; Elon Musk gây phẫn nộ; Chiến lược của Biden ở Ukraine

CẢNH BÁO BỆNH HÔ HẤP GIA TĂNG

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) dự báo số ca mắc các bệnh hô hấp như cúm, Covid-19 và virus hợp bào hô hấp (RSV) gia tăng trong những tuần tới.

Tờ The Guardian ngày 5.1 dẫn thông tin cập nhật của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) cho hay số ca mắc bệnh hô hấp cấp khiến người dân nhờ đến dịch vụ y tế chăm sóc đang ở mức cao.

Dự báo số ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục tăng vào những tuần mùa đông sắp tới. Trong hai tuần kết thúc vào ngày 28.12.2024, tỷ lệ xét nghiệm dương tính đối với Covid-19 tăng lên 7,1% trên cả nước Mỹ.

Cùng kỳ, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với cúm tăng từ mức 12% lên mức 18,7%, trong đó phổ biến là cúm A (H1N1) pdm09 và cúm A (H3N2).

Ngoài ra, tỷ lệ dương tính với virus hợp bào hô hấp (RSV) được coi là "rất cao" ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. CDC nói thêm rằng trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người đến khoa cấp cứu và nhập viện, trong khi tỷ lệ nhập viện đã tăng ở người lớn tuổi ở một số khu vực.

Mặc dù tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp cấp tính cao khiến mọi người phải tìm đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhưng tỷ lệ tiêm chủng cho những bệnh này vẫn còn thấp. Theo CDC, tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 và cúm đều thấp ở cả người lớn và trẻ em. Tương tự, tỷ lệ tiêm chủng cho RSV vẫn còn thấp ở người lớn.

CDC khuyến cáo những người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc xin cúm và vắc xin Covid-19 mùa 2024-2025. Cơ quan này cho biết thêm rằng việc tiêm chủng đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng như người từ 65 tuổi trở lên, người mắc một số bệnh lý nhất định, người ở viện dưỡng lão và phụ nữ mang thai.

Theo tờ The Hill, lo ngại về "bộ tứ bệnh dịch", gồm cúm mùa, Covid-19, RSV và norovirus, đang gia tăng tại Mỹ, khi các bệnh viện chứng kiến sự gia tăng lây lan virus bệnh hô hấp. Norovirus là virus đường ruột rất dễ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bị bệnh, gây nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng.

Ở Nam California, hầu hết các bệnh viện chưa từng chấm dứt lệnh đeo khẩu trang sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên hiện nay, quy định này được thắt chặt nhiều hơn.

Các chuyên gia y tế dự báo về sự gia tăng các ca bệnh do mùa nghỉ lễ, với hàng triệu người Mỹ tụ tập tại các sân bay và gặp nhau tại các buổi họp mặt gia đình. Hiện tại, dự kiến sẽ có tình trạng lây lan hơn nữa khi hàng triệu người quay trở lại làm việc và trường học.

CHÍNH SÁCH DẦU KHÍ MỚI GẶP KHÓ

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là người ủng hộ “giải phóng năng lượng của Mỹ”, cụ thể là dầu mỏ, thứ mà ông thường gọi là “vàng lỏng”. Tuy nhiên, chính sách này có thể gặp nhiều rào cản từ đồng minh và ngay bên trong nước Mỹ.

Nhu cầu dầu vẫn thấp

Dựa trên những người được ông Donald Trump đề cử cho các vị trí phụ trách năng lượng quan trọng, giới quan sát nhận định chính quyền Trump 2.0 sẽ tích cực thúc đẩy khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, điều đó cũng không đảm bảo sản lượng sẽ tăng mạnh.

Theo NPR, xét cho cùng, sản lượng dầu khí của Mỹ đã ở mức cao kỷ lục trong khi nhu cầu dầu toàn cầu vẫn chưa trở lại như thời trước đại dịch Covid-19. Trên thực tế, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu quan trọng khác vừa trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng, cho rằng thế giới hiện không cần thêm dầu.

Thậm chí, lời kêu gọi của ông Donald Trump về việc khoan thêm dầu, nếu được ngành dầu mỏ Mỹ tuân thủ, có thể tạo ra sự bất đồng với Saudi Arabia và các nước khác trong OPEC. Kể từ khi cuộc cách mạng đá phiến bắt đầu vào khoảng năm 2007, OPEC đã liên tục mất thị phần vào tay Mỹ.

Nguồn cung dầu của Mỹ đã vượt qua Saudi Arabia trong năm 2014 và đạt mức kỷ lục dưới thời Tổng thống Joe Biden. Nếu mức tiêu thụ dầu toàn cầu tăng mạnh, OPEC và Saudi Arabia có thể thấy sự cạnh tranh của Mỹ ít đáng lo ngại hơn.

Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu vẫn tăng chậm. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, dự báo nhu cầu dầu và khí đốt sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2025, thấp hơn mức tăng trung bình 10 năm trước đại dịch là 1,5 triệu thùng/ngày. OPEC hiện vẫn còn hơn 4 triệu thùng mỗi ngày khai thác dự phòng hoặc chưa sử dụng.

Nga và các thành viên OPEC+ còn lại còn sở hữu nhiều hơn nữa. Một trong những yếu tố kìm hãm OPEC là nhu cầu dầu toàn cầu quá yếu để tiếp nhận thêm dầu từ Mỹ và các nhà sản xuất không thuộc OPEC khác như Brazil, Canada, Guyana và Na Uy.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là sản lượng dầu của Mỹ tăng như thế nào để không làm sụt giá khi ông Donald Trump ban hành các chính sách thân thiện với dầu mỏ. Tổng thống có thể cho phép tăng cường khai thác dầu và nếu Quốc hội hợp tác, thậm chí có thể thay đổi luật. Nhưng nếu các chỉ số thị trường không thuận lợi, hầu hết các giám đốc điều hành công ty dầu mỏ sẽ tìm cách phớt lờ chính phủ liên bang.

Hơn nữa, cũng nên tính đến trường hợp đến lúc nào đó, Saudi Arabia có thể quay lại “cuộc chiến giá cả”, tức tăng sản lượng để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh có chi phí cao hơn, khiến tình hình khai thác dầu thô tại Mỹ và những nơi mất dần sức hấp dẫn. Giá cả giảm mạnh sẽ gây tổn hại đến lợi ích của tất cả nhà sản xuất.

Rào cản pháp lý

Chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa dành 4 năm để cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ liên bang cho ngành năng lượng sạch, như một phần của nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) của Mỹ và giúp hạn chế những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump xem biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp và năng lượng sạch hoặc năng lượng xanh sẽ không phải là ưu tiên của chính quyền mới; thay vào đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty sản xuất và đốt nhiều than, dầu và khí đốt hơn.

Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ cấm vĩnh viễn hoạt động khoan dầu mới ở các khu vực rộng lớn của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng như các vùng biển liên bang khác. Theo New York Times, động thái này dựa trên luật đã có từ 70 năm trước, có thể gây khó cho chính quyền ông Donald Trump. Đạo luật về đất đai thềm lục địa trao cho tổng thống quyền tự do rộng rãi để cấm khoan khai thác tài nguyên và không cho phép bất kỳ tổng thống tương lai nào thu hồi lệnh cấm.

Các nhóm bảo vệ môi trường ca ngợi động thái dự kiến cấm khai thác của ông Biden. Ông Ben Jealous, giám đốc điều hành tổ chức bảo vệ môi trường Sierra Club của Mỹ, cho rằng hạn chế khoan ngoài khơi là một chiến thắng lớn cho khí hậu, động vật hoang dã biển, cộng đồng ven biển và nền kinh tế, sẽ là một chương nữa trong di sản khí hậu lịch sử của Tổng thống Biden.

Trước đây, Tổng thống Barack Obama đã ban hành lệnh cấm khoan ngoài khơi ở một số vùng của Bắc Băng Dương và hàng chục hẻm núi ở Đại Tây Dương. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Donald Trump đã cố gắng thu hồi lệnh cấm này, nhưng năm 2019, Thẩm phán Tòa án quận Sharon Gleason tại Alaska đã phán quyết rằng lệnh cấm của ông Obama không thể được hủy bỏ nếu không có đạo luật của Quốc hội.

CÁCH TRUMP CHI PHỐI QUỐC HỘI

Ngay sau khi ông Mike Johnson dường như thiếu hai phiếu để giữ ghế chủ tịch Hạ viện vào hôm 3/1, bà Marjorie Taylor Greene - đồng minh trung thành của ông Trump, nữ dân biểu Cộng hòa nóng tính từ bang Georgia - đứng giữa phòng Hạ viện, chăm chú nói chuyện điện thoại.

Mặc dù bà Greene đã lấy tay che điện thoại, Evelyn Hockstein, nhiếp ảnh gia nhạy bén của hãng thông tấn Reuters đã chụp được tên của người ở đầu dây bên kia - chánh văn phòng Nhà Trắng sắp nhậm chức Susie Wiles.

Đó là một dấu hiệu rõ rệt cho thấy Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump rất quan tâm tới cuộc bỏ phiếu này. Trước đó, ông Trump đã nhiệt tình ủng hộ Đảng viên Cộng hòa Mike Johnson tiếp tục giữ chức chủ tịch Hạ viện. Thất bại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên sẽ là một sự xấu hổ.

Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, mọi thứ diễn ra vô cùng dữ dội, tạo ra khoảng thời gian hỗn loạn tại Hạ viện sau khi ông Johnson có vẻ như đã phải đối mặt với ít nhất là một thất bại tạm thời.

Có lúc, vị chủ tịch Hạ viện rời phòng họp, theo sau là hai người đàn ông phản đối Johnson - Dân biểu Ralph Norman từ bang Bắc Carolina và Dân biểu Keith Self của bang Texas. Cùng lúc đó, các thành viên khác của Hạ viện tập trung, trò chuyện với gia đình, chờ xem điều gì xảy ra tiếp theo.

Khi Johnson quay trở lại, ông đã mỉm cười.

Chính ông Trump đã trực tiếp gọi điện đề nghị ông Norman và ông Self ủng hộ ông Johnson, các nguồn tin của Đảng Cộng hòa chia sẻ với các hãng tin.

Vì lúc ấy cuộc bỏ phiếu chưa chính thức kết thúc, hai ông Norman và Self có thể chuyển phiếu bầu của mình cho ông Johnson, giúp ông này đạt 218 phiếu cần thiết để tiếp tục giữ ghế chủ tịch.

Dân biểu Thomas Massie từ bang Kentucky là đảng viên Cộng hòa duy nhất kiên định phản đối ông Johnson.

Hai dân biểu Norman và Self đều nói với các phóng viên sau cuộc bỏ phiếu rằng họ đã nói chuyện với ông Trump trong suốt cả ngày.

Norman cho hay ông đã trò chuyện với Tổng thống đắc cử Donald Trump hai lần vào ngày 3/1. Lần đầu tiên là trong một cuộc điện thoại kéo dài vài phút khi đồng liêu Cộng hòa Nancy Mace đưa điện thoại cho ông và ông Trump thì đang ở đầu dây bên kia.

Lần thứ hai là cuộc gọi dài hơn, kéo dài 15 phút, bao gồm cả ông Norman, Johnson và Self, ông Norman cho biết, nhưng không xác nhận thời điểm cụ thể.

"Trump đã hoàn toàn đúng khi nói với tôi rằng Mike [Johnson] là người duy nhất có yếu tố thu hút," Dân biểu Norman nói.

Ông nói tiếp rằng ông Trump "háo hức" về quyền lực của Đảng Cộng hòa ở Washington DC - chiếc ghế tổng thống, quyền kiểm soát Hạ viện, Thượng viện.

"Tôi nói, 'Thưa Tổng thống, tôi đồng ý với ngài, tôi chỉ hy vọng Mike có đủ năng lực để thực hiện điều này'," ông Norman kể lại.

Dân biểu Self cũng cho biết ông đã nói chuyện với ông Trump nhiều lần vào ngày 3/1.

"Chúng tôi đã thảo luận về toàn bộ quá trình," ông kể về cuộc trò chuyện với vị tổng thống đắc cử.

Rốt cuộc, ông Trump đã không phải trải qua một phen bẽ bàng, dù cho bề ngoài có vẻ như ông đang bận tâm đến những vấn đề khác.

Giữa lúc bỏ phiếu, khi tên của các thành viên Hạ viện được gọi theo thứ tự bảng chữ cái, tổng thống đắc cử đã phàn nàn trên mạng xã hội về khả năng cờ Mỹ sẽ được treo rủ trong lễ nhậm chức của ông vào ngày 20/1 do liên quan đến tang lễ của cựu Tổng thống Jimmy Carter.

Phiên bỏ phiếu chiều 3/1 đã cho thấy sự mong manh của Đảng Cộng hòa ở Hạ viện trong những tháng sắp tới.

Bên cạnh ba phiếu bầu ban đầu của Đảng Cộng hòa phản đối ông Johnson, năm đảng viên bảo thủ cứng rắn khác - những người đã phản đối những thỏa hiệp mà ông Johnson đã thực hiện với Đảng Dân chủ trong quá khứ - đã trì hoãn việc bỏ phiếu trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên.

Mặc dù cuối cùng họ đã nhượng bộ, nhưng đó là một đòn rất rõ ràng nhằm vào vị chủ tịch Hạ viện.

Sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng, nhóm Freedom Caucus (nhóm nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện), với một số người ban đầu phản đối ông Johnson – đã tuyên bố rằng họ bỏ phiếu ủng hộ ông Johnson vì họ ủng hộ ông Trump.

"Chúng tôi đã làm điều này mặc dù chúng tôi thực sự nghi ngờ về thành tựu của chủ tịch trong 15 tháng qua," nhóm này viết.

Hiện tại, Đảng Cộng này đang có lợi thế 219 ghế so với 215 so với Đảng Dân chủ ở Hạ viện.

Nhưng con số đó có thể giảm đi hai ghế nếu nữ Dân biểu Elise Stefanik của New York và Dân biểu Michael Waltz của Florida đảm nhiệm các công việc hành chính mà ông Trump đã giao cho họ. Sẽ mất nhiều tháng cho đến khi các cuộc bầu cử đặc biệt để tìm người thay thế họ.

Điều đó có nghĩa là ông Trump sẽ phải đoàn kết toàn bộ thành viên Cộng hòa tại Hạ viện lại với nhau nếu ông muốn thông qua các phần quan trọng trong chương trình nghị sự lập pháp của mình vào đầu nhiệm kỳ tổng thống, bao gồm các cải cách nhập cư cứng rắn, thuế quan mới cũng như sự cắt giảm thuế, chi tiêu.

Như đã chứng minh vào thứ ngày 3/1, đây có thể là nhiệm vụ khó khăn.

ELON MUSK GÂY PHẪN NỘ

Người đàn ông giàu nhất thế giới công khai ủng hộ đảng cực hữu AfD của Đức trong khi lại chê trách gay gắt các nhà lãnh đạo hiện tại của nước này.

Khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz được hỏi trong một cuộc phỏng vấn về loạt lời lăng mạ từ tỷ phú Mỹ Elon Musk nhắm vào ông và các lãnh đạo Đức khác, ông trả lời rằng: "Đừng tiếp đà cho hành động 'troll' đó".

Phản ứng trực tiếp nhất

Nói với tờ Stern của Đức, Thủ tướng Scholz mô tả những lời chỉ trích này không có gì mới.

"Phải giữ bình tĩnh", ông nói trong cuộc phỏng vấn.

"Là những thành viên của đảng Dân chủ Xã hội, chúng tôi từ lâu đã quen với thực tế là có những doanh nhân truyền thông giàu có không đánh giá cao chính trị dân chủ xã hội - và không che giấu quan điểm của họ".

Nhà lãnh đạo Đức cho hay ông sẽ không tìm cách hợp tác với Elon Musk, người đã ủng hộ đảng cực hữu Alternative für Deutschland (AfD) trong cuộc bầu cử liên bang vào tháng tới, và sẽ tổ chức một cuộc thảo luận trực tiếp trên X với ứng cử viên thủ tướng Alice Weidel.

"Tôi không tin vào việc lấy lòng ông Musk. Tôi rất vui khi để người khác làm điều đó”, ông nói.

“Quy tắc là: đừng tiếp đà cho 'troll'”.

Đây là phản ứng trực tiếp nhất của thủ tướng Đức đối với vị tỷ phú giàu nhất thế giới, diễn ra vài ngày sau khi ông kêu gọi cử tri không để "chủ các kênh truyền thông xã hội" quyết định kết quả của cuộc tổng tuyển cử. Lời kêu gọi được đưa ra trong bài phát biểu đêm giao thừa không nhắc đến Musk cũng như nền tảng X.

Kể từ khi nắm quyền điều hành X, tỷ phú Musk ngày càng sử dụng phạm vi tiếp cận toàn cầu của nền tảng truyền thông xã hội này để thúc đẩy quan điểm chính trị riêng.

Sau khi chi một phần tư tỷ đôla để giúp đảm bảo cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ông chủ Tesla đã sử dụng ảnh hưởng của mình để ủng hộ các đảng cực hữu và chê trách giới cầm quyền trên khắp lục địa già, đồng thời công kích một số nhà lãnh đạo trung tả tiếng tăm nhất.

Vào tháng 11/2024, sau khi liên minh trung tả của Thủ tướng Scholz sụp đổ, ông Musk gọi thủ tướng là "kẻ ngốc" trên X, nhắc lại lời chỉ trích sau khi 5 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong một vụ tấn công vào chợ Giáng sinh. Nghi phạm tấn công được xác định là một người gốc Saudi Arabia có cảm tình với phe cực hữu.

Khi năm 2024 sắp kết thúc, Musk một lần nữa nhắm vào ông Scholz, đưa ra quan điểm của mình về kết quả cuộc bầu cử của Đức, sẽ được tổ chức vào ngày 23/2.

"Thủ tướng Oaf Schitz hay bất kỳ tên của ông ta là gì sẽ thua cuộc", Musk viết trên X.

Trong những ngày gần đây, Musk bắt đầu lớn tiếng bàn về chính trường Anh, kêu gọi Vua Charles can thiệp và giải tán Quốc hội, trong khi ông chỉ trích chính phủ Anh về các vụ việc về dụ dỗ trẻ em ở nước này, liên quan đến hành vi lạm dụng của các nhóm có tổ chức bị kết án về tội xâm hại tình dục trẻ em năm 2010-2014.

Musk cũng tuyên bố ông tin rằng lãnh đạo đảng Tái thiết (Reform) Nigel Farage của Anh nên bị thay thế trong bối cảnh có thông tin ông có thể quyên góp 100 triệu USD (80 triệu bảng Anh) cho đảng này.

Lo ngại

Thủ tướng Đức Scholz đã bỏ qua những bình luận nhắm vào mình, thay vào đó tập trung vào sự ủng hộ của Musk đối với AfD.

"Điều tôi thấy đáng lo ngại hơn nhiều so với những lời lăng mạ như vậy là Musk đang ủng hộ một đảng như AfD, một phần là cực đoan cánh hữu, rao giảng về sự hòa giải với Nga và muốn làm suy yếu quan hệ xuyên Đại Tây Dương", ông Scholz bày tỏ.

Hành động của Elon Musk nhắm vào chính trường của nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã gây ra sự phẫn nộ ở Đức và cáo buộc can thiệp.

Việc ông ủng hộ AfD - vào tháng trước, ông đã viết trên mạng xã hội rằng “Chỉ có AfD mới có thể cứu nước Đức” - diễn ra nhiều tháng sau khi đảng này bị trục xuất khỏi một nhóm nghị viện toàn châu Âu gồm các đảng cực hữu dân túy được gọi là Nhóm ID.

Vào tháng 5, AfD đã bị trục xuất khỏi nhóm ID sau một loạt tranh cãi, bao gồm bình luận gây sốc của một nhân vật cấp cao của AfD rằng các SS của Đức Quốc xã "không phải tất cả đều là tội phạm".

Nhóm ID, bao gồm đảng Quốc gia cực hữu của Pháp, đảng Lega của Italy, đảng Tự do của Italy, đảng Tự do Hà Lan của ông Geert Wilders và của ông Vlaams Belang ở Bỉ, cho biết họ "không muốn dính" đến những sự cố như vậy nữa.

Các thành viên của đảng này đã bị các cơ quan tình báo trong nước của Đức xếp vào loại cực hữu. Trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra tháng 2/2025, đảng AfD đang đứng thứ hai trong cuộc thăm dò dư luận. Tuy nhiên, các đảng phái lớn khác tại Đức đều đã cam kết không chấp nhận sự ủng hộ của AfD.

Elon Musk thậm chí vẫn đẩy mạnh hơn sự ủng hộ của mình đối với AfD.

Trong một bài xã luận khách mời trên tờ báo khổ lớn Welt am Sonntag, Musk đã bảo vệ đảng này và tuyên bố rằng đây là “tia hy vọng cuối cùng” cho nước Đức.

AfD đang thăm dò ý kiến trước cuộc tổng tuyển cử và một kết quả khả quan cho đảng này có thể làm phức tạp thêm việc xây dựng liên minh, vì các đảng chính thống đã loại trừ khả năng hợp tác với AfD ở cấp tiểu bang hoặc liên bang.

Thủ tướng Scholz cũng dùng cuộc phỏng vấn của mình trên tờ Stern để phản pháo lời mô tả của Musk vào tháng trước về Tổng thống liên bang Frank-Walter Steinmeier là "kẻ bạo chúa phản dân chủ".

"Tổng thống Đức không phải là kẻ bạo chúa phản dân chủ và Đức là một nền dân chủ mạnh mẽ và ổn định - bất kể ông Musk nói gì", Thủ tướng Scholz nhấn mạnh.

"Ở Đức, ý chí của người dân được tôn trọng, chứ không phải những bình luận thất thường của một tỷ phú đến từ Mỹ".

Ngoài việc lời ra tiếng vào với chính trường Đức và Anh, ông Musk cũng có các bước đi dấn sâu vào các nền chính trị châu Âu khác, như cuộc gặp với Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. Musk cũng chỉ trích các thẩm phán đã hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống của Romania vì nghi ngờ có sự can thiệp nước ngoài, trong khi ông nhiệt tình ủng hộ Thủ tướng cực hữu của Italy Giorgia Meloni.

CHIẾN LƯỢC SALAMI CỦA BIDEN Ở UKRAINE

Một bài học lớn rút ra từ chính sách Ukraine của chính quyền ông Biden là việc đánh giá thành công của một chiến lược thường phức tạp hơn vẻ bề ngoài.

Bất đồng xoay quanh chiến lược salami của chính quyền ông Biden

Khi đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị rời đi, một trong những chiến lược chính sách đối ngoại chính của họ đối mặt với sự công kích dữ dội. Nhóm chỉ trích ngày càng đông đảo và những người này tin rằng, tình hình tồi tệ hiện tại của Ukraine một phần là do cách tiếp cận "rụt rè" của ông Biden trong việc hỗ trợ Kiev tự vệ trước chiến dịch quân sự của Moscow. Lo ngại sâu sắc về nguy cơ bùng nổ Thế chiến III, chính quyền ông Biden đã do dự tiến hành các đợt chuyển giao vũ khí nhanh chóng và quy mô lớn có thể làm thay đổi tiến trình của xung đột vào những thời điểm quan trọng.

Tuy nhiên, cũng có các ý kiến cho rằng các chỉ trích trên đã sai. Kết luận của họ rằng chính quyền ông Biden đánh giá quá cao rủi ro leo thang đã xem nhẹ mức độ khó khăn khi vượt qua các lằn ranh đỏ trong cuộc khủng hoảng và tính toán của đối thủ.

Cho dù có chủ định hay không, cách tiếp cận của chính quyền ông Biden giống như chiến lược cắt lát salami, một chiến lược phổ biến mà theo đó, một bên tìm cách vượt qua các lằn ranh đỏ của đối thủ theo từng bước nhỏ, đến mức bất kỳ hành động trả đũa nào cũng trở nên không hợp lý.

Có người cho rằng chiến lược này đã được Washington thực hiện thành công nhưng cũng có người cho rằng chính quyền ông Biden trở thành nạn nhân cho chính thành công của mình. Việc không có những leo thang lớn ở Ukraine đã khiến những người chỉ trích tin rằng chính quyền ông Biden nên táo bạo hơn và từ bỏ chính sách do dự để giúp ngăn chặn sự leo thang ngay từ đầu.

Một chủ đề cốt lõi xuyên suốt nhiều lời chỉ trích về chính sách Ukraine của ông Biden là các quan chức cấp cao đã quá tin vào các ranh giới đỏ đã nêu của Nga. Kể từ khi xung đột nổ ra, Tổng thống Putin đã đưa ra nhiều cảnh báo nhằm ngăn chặn sự can thiệp của phương Tây.

Chúng bao gồm từ các mối đe dọa chung chung liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cho đến các mối đe dọa cụ thể hơn về cách Moscow sẽ phản ứng nếu các nước phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa. Đôi khi, Moscow đưa ra những lời đe dọa ngấm ngầm về việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các ranh giới đỏ bị vượt qua.

Mặc dù những người chỉ trích ông Biden tin rằng những đe dọa này chỉ là những lời nói suông nhưng họ hiếm khi nêu rõ ranh giới đỏ thực sự của ông Putin là gì, nếu có. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản cho rằng vì Mỹ thường vượt qua các ranh giới mà Nga thiết lập nhưng không gây ra sự leo thang lớn nên việc tiến xa hơn và nhanh hơn là điều hợp lý.

Cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ Illinois Adam Kinzinger và ông Ben Hodges, người từng là Chỉ huy của Quân đội Mỹ tại Châu Âu, đã viết trong một bài bình luận vào tháng 5/2024 trên CNN rằng:

"Trong hầu hết mọi trường hợp này, Nga đều đe dọa leo thang, tấn công NATO hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng đó chỉ là những lời nói suông và Ukraine lẽ ra có thể bảo vệ lãnh thổ của mình tốt hơn... Hãy tưởng tượng nếu chúng ta cung cấp cho Ukraine tất cả các vũ khí mà họ yêu cầu ngay từ đầu? Xung đột có thể đã kết thúc".

Nỗ lực xác định lằn ranh đỏ của Nga và tránh leo thang xung đột

Vấn đề là các ranh giới đó và ngưỡng leo thang không được xác định cụ thể và cố định. Chúng là những mục tiêu biến động phát sinh bên trong các cuộc xung đột. Một thứ từng được coi là ranh giới đỏ tại một thời điểm cụ thể có thể không phải lúc nào cũng vậy.

Trong trường hợp của Ukraine, những hành động có thể bị coi là vượt qua lằn ranh đỏ ngay từ đầu xung đột, chẳng hạn như công khai cung cấp vũ khí có thể vươn tới lãnh thổ Nga, có khả năng ít bị cấm kỵ hơn theo thời gian khi bối cảnh thay đổi.

Cần phải nhớ rằng ông Biden đã nới lỏng hạn chế với việc sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS chỉ sau khi Ukraine đã hoạt động trên lãnh thổ Nga và sau các cáo buộc cho rằng quân đội Triều Tiên đang được triển khai tới tiền tuyến với số lượng lớn.

Trong những trường hợp hiếm hoi khi những người chỉ trích đề cập rõ ràng đến ranh giới đỏ của Nga, họ định nghĩa chúng một cách cực kỳ hẹp. Ý tưởng cơ bản là sự tham gia công khai và trực tiếp của NATO vào cuộc xung đột là điều duy nhất thực sự nằm ngoài giới hạn đối với Tổng thống Putin.

Khi các cuộc phản công dữ dội của Ukraine tại Kharkov và Kherson diễn ra vào mùa thu năm 2022, Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn tiếp tục kêu gọi Washington cung cấp cho Kiev các tên lửa tầm xa hơn. Tuy nhiên, theo báo cáo của tác giả Bob Woodward trong cuốn sách "War" của ông vào tháng 10/2024, trong thời gian đó, Washington đã nhận được thông tin tình báo "rất nhạy cảm và đáng tin cậy" dựa trên "các cuộc trò chuyện bên trong Điện Kremlin" rằng Tổng thống Putin "đang nghiêm túc cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật". Nếu 30.000 quân Nga ở Kherson đối mặt với tình trạng bị bao vây, tình báo Mỹ đặt cược 50% ông Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để tránh tổn thất lực lượng.

Các nhà phân tích bên ngoài chính phủ Mỹ cũng xác định thêm một số kịch bản nguy hiểm có thể dẫn đến leo thang hạt nhân, bao gồm việc phóng thử vũ khí trên Biển Đen. Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio đã nêu ra viễn cảnh Tổng thống Putin có thể ra lệnh tấn công các trung tâm trung chuyển để tiếp tế từ phương Tây.

Chính quyền Mỹ với việc coi mối đe dọa leo thang là đáng tin cậy, đã tăng tốc hành động để ngăn chặn Nga. Họ gửi những thông điệp kín tới Tổng thống Putin và đội ngũ an ninh quốc gia của ông, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra cảnh báo công khai về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng như xây dựng phản ứng tiềm năng đối với việc triển khai chúng.

Sự do dự của chính quyền Tổng thống Biden trong việc hành động quyết đoán hơn - vì sợ Nga leo thang để đáp trả những tổn thất lớn trên chiến trường - chính là điều khiến những người chỉ trích thất vọng. Họ cho rằng làm sao Ukraine có thể giành chiến thắng nếu tay họ bị trói, đặc biệt khi họ bị đối phương dồn vào đường cùng?

Việc điều hướng nhiều lằn ranh đỏ của Nga vẫn là một thách thức trong suốt cuộc xung đột.

Trong cuốn "Vũ khí và Ảnh hưởng", nhà kinh tế học và là người đoạt giải Nobel Thomas Schelling mô tả chiến thuật salami là một quá trình dần thay đổi hiện trạng.

Theo đó, người ta có thể bắt đầu tấn công ở quy mô nhỏ để tạo ra phản ứng và tăng dần theo mức độ khó có thể nhận thấy, đồng thời không bao giờ thực sự tạo ra một thách thức đột ngột.

Khái niệm này thường được áp dụng cho bên đang cố gắng đạt được lợi ích nhỏ trong khi tránh xung đột trực tiếp. Trên thực tế, chiến lược này có khả năng áp dụng rộng lớn, bao gồm cả với những bên muốn bảo vệ hiện trạng và tìm cách quản lý sự leo thang.

Việc hỗ trợ nhỏ giọt cho Ukraine về mặt quân sự của phương Tây đã giúp Nga dần điều chỉnh theo hiện trạng mới trong khi Kiev nhận được các phương tiện chiến đấu và đạn dược ngày càng có độ nguy hiểm tăng dần.

Về mặt tâm lý, các nhà quan sát cũng cho rằng cách tiếp cận cắt lát salami là đáng tin cậy. Nhiều thập kỷ cho thấy mọi người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tránh tổn thất hơn là đạt được lợi thế tương đương. Tốc độ và quy mô tổn thất càng lớn thì mức độ chấp nhận rủi ro càng cao.

Một số nhà phân tích đánh giá, chiến lược salami là một chiến lược khôn ngoan khi xét đến sự không chắc chắn về mức độ lan rộng trong lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin. Những chiến thuật như vậy cũng hữu ích trong trường hợp chính quyền ông Biden tin rằng họ đang tiến đến lằn ranh đỏ thực sự, chẳng hạn như quyết định cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga bằng tên lửa HIMARS gần Kharkov hồi tháng 5/2024 và sau đó nới lỏng các hạn chế với tên lửa tầm xa ATACMS vào tháng 11/2024.

Một bài học lớn rút ra từ chính sách Ukraine của chính quyền ông Biden là việc đánh giá thành công của một chiến lược phức tạp hơn vẻ bề ngoài. Nếu thước đo quan trọng nhất là cung cấp cho Ukraine phương tiện để giành lại toàn bộ lãnh thổ có chủ quyền của mình thì chính sách của ông Biden đã thất bại một phần.

Mặc dù viện trợ của phương Tây đã giúp Ukraine chống trả đáng kể, nhưng điều đó vẫn không mang đến kết quả quyết định.

Tuy nhiên, nếu thước đo thành công là liệu chính sách của Mỹ có tránh được việc bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới khác hay không thì cách tiếp cận của chính quyền ông Biden đã thành công hơn, mặc dù ngay cả ở đây, rất khó để biết liệu kết quả tương tự có thể đạt được hay không nếu cung cấp viện trợ nhanh hơn.

Nguồn: Thanh Niên; Sài Gòn Giải Phóng; BBC; Zing News; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang