Mỹ: Bão Helene càn quét; Giáng đòn lên ô tô TQ; Tình hình các bang chiến địa; Trừng phạt Venezuela; Điều chỉnh lực lượng ở Trung Đông

SIÊU BÃO HELENE CÀN QUÉT, HÀNG CHỤC NGƯỜI CHẾT, HÀNG TRIỆU NGƯỜI MẤT ĐIỆN

Bão Helene đã làm hàng chục người thiệt mạng và gây ra hàng tỷ đô la thiệt hại trên một vùng rộng lớn ở Đông Nam Hoa Kỳ khi nó tràn qua, và khiến hơn 3 triệu người phải sống trong cảnh không có điện vào cuối tuần qua trong khi một số người vẫn tiếp tục bị đe dọa bởi lũ lụt.

Bão Helene đổ bộ vào vùng Big Bend của Florida với cấp độ 4 vào cuối ngày 26/9 với sức gió lên tới 225 km/giờ và sau đó nhanh chóng di chuyển qua Georgia, North Carolina, South Carolina và Tennessee, đánh bật gốc cây, phá hủy nhà cửa và khiến các con suối và sông tràn bờ, đồng thời gây căng thẳng cho các con đập.

Vùng phía Tây của North Carolina về cơ bản đã bị cô lập do lở đất và lũ lụt khiến họ phải đóng cửa xa lộ liên tiểu bang I-40 và các tuyến đường khác.

Có hàng trăm cuộc giải cứu trên mặt nước mà kịch tính nhất là ở Địa hạt Unicoi ở vùng nông thôn thuộc miền Đông Tennessee, nơi hàng chục bệnh nhân và nhân viên được trực thăng giải cứu từ mái nhà của bệnh viện bị nước từ một con sông ngập lụt bao quanh.

Helene, hiện là một cơn bão hậu nhiệt đới, dự kiến sẽ tràn qua Thung lũng Tennessee vào ngày 28 và 29, theo Trung tâm Bão Quốc gia cho biết. Một số cảnh báo lũ lụt và lũ quét vẫn có hiệu lực ở một số vùng phía nam và trung tâm khu vực núi Appalachian, trong khi cảnh báo gió lớn cũng được đưa ra cho một số vùng của Tennessee và Ohio.

Ít nhất 48 người đã thiệt mạng trong cơn bão; trong số đó có 3 lính cứu hỏa, 1 phụ nữ và cặp song sinh 1 tháng tuổi của cô ấy, cùng một phụ nữ 89 tuổi có ngôi nhà bị cây đổ đè trúng. Theo thống kê của AP, những người thiệt mạng được báo cáo ở Florida, Georgia, North Carolina, South Carolina và Virginia.

Tại khu vực Davis Islands giàu có ở Tampa, nơi các vận động viên ngôi sao như Derek Jeter và Tom Brady sinh sống, người dân vẫn đang tiếp tục dọn dẹp những gì mà cơn bão Helene để lại vào ngày 28/9.

Các khu phố ngay gần trung tâm thành phố Tampa và là nơi sinh sống của khoảng 5.000 người chưa bao giờ chứng kiến cơn bão dâng cao như vậy hôm 27/9. Không có ai thiệt mạng, nhưng nhà cửa, các cửa hàng và nhiều căn hộ đều bị ngập lụt.

"Tôi không nghĩ là có ai mong đợi điều đó", Faith Pilafas nói với tờ Tampa Bay Times. "Chúng tôi đã quen với việc nghe nói nhiều về những cơn bão lớn và chưa bao giờ thực sự muốn cảm nhận tác động của nó. Vì vậy, đối với tất cả những người không rời khỏi hòn đảo, tôi nghĩ rằng họ chỉ mong đợi đây là một cơn bão bình thường, không có gì ghê gớm. Và thật bất ngờ, chúng tôi đã rất ngạc nhiên."

Một trận lở đất ở dãy núi Appalachian đã cuốn trôi một phần đường cao tốc liên bang tại ranh giới tiểu bang North Carolina-Tennessee.

Ông Ryan Cole, trợ lý giám đốc dịch vụ khẩn cấp tại Địa hạt Buncombe cho biết một trận lở đất khác đã làm hư hại các ngôi nhà ở North Carolina và những người ở đó đã phải chờ hơn 4 giờ để được giải cứu. Trung tâm 911 của ông Cole đã nhận được hơn 3.300 cuộc gọi trong 8 giờ vào ngày 27/9.

“Đây là điều mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong nhiều ngày và nhiều tuần tới”, ông Cole nói.

Các nhà dự báo thời tiết cảnh báo rằng tình trạng lũ lụt ở North Carolina có thể tồi tệ hơn bất kỳ trận lũ nào từng xảy ra trong thế kỷ qua. Lực lượng Vệ binh Quốc gia tiểu bang Connecticut đã cử một chiếc trực thăng đến để hỗ trợ.

Helene là cơn bão được đặt tên thứ 8 trong mùa bão Đại Tây Dương, bắt đầu từ ngày 1/6. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ đã dự đoán rằng mùa bão năm nay sẽ cao hơn mức trung bình do nhiệt độ đại dương ấm kỷ lục.

 

 

BIDEN GIÁNG ĐÒN LÊN Ô TÔ TRUNG QUỐC: NGƯỜI CHỊU TRẬN LÀ ELON MUSK

Bộ Thương mại Mỹ đề xuất cấm nhập khẩu và bán ô tô sử dụng phần mềm và phần cứng của Trung Quốc để kết nối với internet. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực đối với các mẫu xe mới từ năm 2027.

Tờ Telegraph (Anh) tuần qua đưa tin, về mặt hình thức, lệnh cấm sử dụng công nghệ Trung Quốc trên các mẫu ô tô mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi có hiệu lực dường như sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp xe điện đang phát triển mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Nhưng trên thực tế, lệnh cấm này sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với Tesla, gã khổng lồ xe điện của Mỹ thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk – người giàu thứ hai thế giới.

Viễn cảnh đáng sợ với nước Mỹ

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 23/9 đã nêu ra viễn cảnh đáng sợ về một đối thủ nước ngoài kiểm soát ô tô của Mỹ từ xa.

"Trong tình huống cực đoan, các đối thủ nước ngoài có thể đóng cửa hoặc kiểm soát tất cả các phương tiện của họ đang hoạt động tại Mỹ cùng một lúc", bà Raimondo nói.

Bà Raimondo nhận định, những chiếc ô tô hiện đại, được kết nối internet, sở hữu camera, micro, định vị toàn cầu GPS và các công nghệ khác, nằm trong tay "những đối thủ nước ngoài... có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho cả an ninh quốc gia của chúng ta [Mỹ] và quyền riêng tư của công dân Mỹ".

Theo Telegraph, lời cảnh báo này đi kèm với lệnh cấm nhập khẩu và bán ô tô sử dụng phần mềm và phần cứng của Trung Quốc để kết nối với internet do Bộ Thương mại Mỹ đề xuất. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực đối với các mẫu xe mới từ năm 2027, và các hạn chế tiếp theo là từ năm 2030.

Các vi mạch được sử dụng để nhận và truyền thông tin như dữ liệu vị trí hoặc giao thông, hoặc để sử dụng với công nghệ tự lái sẽ bị cấm. Lệnh cấm được đề xuất cũng có thể bao gồm những mẫu ô tô sử dụng công nghệ Trung Quốc để mở khóa mà không cần chìa.

Lệnh cấm này được đưa ra sau một cuộc điều tra về rủi ro an ninh mạng do phần mềm của Trung Quốc gây ra.

Theo Telegraph, về mặt hình thức, bất kỳ lệnh cấm nào như vậy cũng sẽ là hồi chuông báo tử cho ngành công nghiệp xe điện (EV) Trung Quốc mới chớm nở tại Mỹ. Nhưng trên thực tế, nó có thể không có nhiều tác dụng vì thế hệ xe điện mới của Trung Quốc - phổ biến ở Anh và Châu Âu - hầu như không xuất hiện trên đường phố Mỹ.

Thuế quan gây sốc nhằm vào xe điện Trung Quốc

Telegraph đưa tin, thuế quan được Tổng thống Biden công bố vào tháng 5 đã tăng từ 25% lên mức gây sốc là 100%, làm tăng gấp đôi giá xe hơi Trung Quốc và đẩy chúng ra khỏi thị trường Mỹ.

Canada cũng đã áp dụng thuế quan 100%.

Và lệnh cấm phần mềm mới được đề xuất đang nhắm vào những chiếc xe mà những người tiêu dùng tỉnh táo không hề muốn mua vì giá bán quá cao.

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng có khả năng Trung Quốc sẽ trả đũa. Bill Russo - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty tư vấn đầu tư Automobility có trụ sở tại Thượng Hải - nói rằng bất kỳ lệnh cấm nào cũng sẽ "có đi có lại" và sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của Mỹ tại Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, hiện tại vẫn chưa rõ việc đó sẽ diễn ra như thế nào, nhưng có một mục tiêu rõ ràng: Tesla - nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai thế giới của Mỹ, năm ngoái đã bán được hơn 600.000 xe tại Trung Quốc - thị trường lớn thứ hai của hãng.

Trong khi đó, tập đoàn BYD của Trung Quốc là nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, nhưng xe của họ thậm chí còn không được bán tại Mỹ.

Geoffrey Gertz - thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) có trụ sở tại Washington - đã cảnh báo rằng Trung Quốc hiện có thể nhắm vào Tesla.

"Các nhà sản xuất ô tô Mỹ không thấy tác động lớn [đối với lệnh cấm này]", Gertz cho biết, "Đã có một số biện pháp được thiết lập để ngăn chặn các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc... Thật khó để suy đoán chính xác bất kỳ sự trả đũa nào có thể xảy ra. Tôi không chắc sẽ có điều gì đó nhưng chắc chắn Tesla đã có chỗ đứng ở Trung Quốc."

Giáo sư Weisong Shi - người điều hành Phòng thí nghiệm nghiên cứu kết nối và tự động (CAR Lab) tại Đại học Delaware (Mỹ) - cho biết: “Do thuế quan, chúng ta [người Mỹ] chưa thấy quá nhiều xe điện Trung Quốc ở đây [nước Mỹ]. Lệnh trừng phạt mới nhất bao gồm phần mềm cho các phương tiện kết nối và tự động trong tương lai; và do đó, chúng ta sẽ không thấy phần mềm do Trung Quốc sản xuất tại thị trường Mỹ.”

“Đây sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc. Tôi không biết liệu Trung Quốc có trả đũa hay không, nhưng họ có thể. Nếu bạn nghĩ về những chiếc xe Tesla đang hoạt động tại Trung Quốc, phần mềm mà chúng đang chạy được Tesla sản xuất. Đó có khả năng là chỗ Trung Quốc sẽ nhắm vào”, Shi nói.

 

 

TÌNH HÌNH CÁC BANG CHIẾN ĐỊA: CHƯA NGÃ NGŨ!

Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là Donald Trump và Kamala Harris đang bám đuổi sít sao ở các bang chiến trường như Arizona, Georgia và Bắc Carolina.

Theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố ngày 26.9, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris đang ở thế giằng co trong cuộc đua bầu cử tại ba bang chiến trường quan trọng gồm Arizona, Georgia và Bắc Carolina.

Cuộc thăm dò do Marist College thực hiện cho thấy rằng cả ông Trump và bà Harris đều đang được 49% cử tri ủng hộ ở Bắc Carolina. Tại Arizona và Georgia, ông Trump dẫn trước đối thủ 1 điểm phần trăm, khi 50% cử tri tại cả hai bang nói rằng sẽ ủng hộ ông, trong khi con số dành cho bà Harris là 49%.

Cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 19-24.9 với 4.643 cử tri đã đăng ký tại ba bang nói trên. Họ khẳng định sẽ đi bỏ phiếu vào tháng 11, trong đó 91% số cử tri cho biết đã chắc chắn với lựa chọn hiện tại.

Ba bang chiến trường này sẽ có tổng số phiếu đại cử tri là 43. Ông Trump từng thắng tại Bắc Carolina trong hai năm 2016 và 2020. Ông cũng từng đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ khi đó là bà Hillary Clinton ở bang Arizona và Georgia vào năm 2016, nhưng sau đó thua Tổng thống Joe Biden vào năm 2020, và đây cũng là lần đầu tiên một ứng cử viên đảng Dân chủ thắng ở bang Georgia kể từ năm 1992.

Ông Trump phản đối kết quả bỏ phiếu ở Georgia vì cho rằng cuộc bầu cử ở đó đã bị gian lận. Cáo buộc này đã bị nhiều viên chức tiểu bang bác bỏ, trong đó có cả Thống đốc Brian Kemp thuộc đảng Cộng hòa.

Một cuộc thăm dò khác do Viện nghiên cứu Cao đẳng Siena tiến hành vào tháng 8 cho thấy bà Harris đã dẫn trước ông Trump đáng kể ở ba bang chiến trường khác là Wisconsin, Pennsylvania và Michigan. Theo dữ liệu của cuộc thăm dò, phó tổng thống dự kiến có tỷ lệ ủng hộ là 50% so với 46% của đối thủ Trump tại cả ba tiểu bang.

Tuy nhiên, cách đây 4 năm, khoảng cách sau cùng giữa ông Biden và ông Trump không quá lớn như những dự đoán trước đó.

Kết quả thăm dò toàn quốc do tờ New York Times công bố ngày 26.9 cũng cho thấy bà Harris đang dẫn trước ông Trump với 3 điểm phần trăm. Tuy nhiên, tờ báo lưu ý rằng cựu tổng thống có thể “dễ dàng giành chiến thắng” nếu ông giành được nhiều phiếu ở một số tiểu bang quan trọng, như Wisconsin, Pennsylvania và Nevada, nơi hiện bà Harris dẫn trước không quá 2 điểm phần trăm.

 

 

MỸ CÂN NHẮC TRỪNG PHẠT VENEZUELA, CÁC CÔNG TY KHAI THÁC DẦU VÀO ‘TẦM NGẮM’

Mỹ đang cân nhắc các lệnh trừng phạt mới đối với ngành dầu mỏ của Venezuela.

Mỹ đang cân nhắc lệnh trừng phạt mới đối với các cá nhân ở Venezuela và có khả năng thu hồi giấy phép của các công ty dầu mỏ đang hoạt động tại đây, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết.

Trong buổi họp báo trực tuyến vào thứ Sáu (27/9), Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu Brian Nichols cho biết Mỹ đang nghiên cứu kỹ lưỡng khả năng áp đặt hạn chế thị thực mới đối với các cá nhân cũng như chấm dứt giấy phép khai thác của các công ty dầu mỏ hoạt động tại Venezuela.

Venezuela là thành viên của OPEC và là một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn của Mỹ Latinh. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 17% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu với khoảng 303 tỷ thùng.

Tuy nhiên, sản lượng dầu thô của nước này đã giảm mạnh trong hơn một thập kỷ, chủ yếu là do đầu tư ít và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp này. Sản lượng dầu của Venezuela đã phục hồi nhẹ trong những năm gần đây.

Mỹ và các đồng minh không công nhận ông Nicolas Maduro là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela ngày 28/7. Sau cuộc bầu cử, một số bên thuộc phe đối lập Venezuela đã đề nghị các quan chức Mỹ sửa đổi hoặc thu hồi giấy phép khai thác dầu mỏ tại đây.

Tháng 8, Tổng thống tái đắc cử Venezuela Maduro tuyên bố nếu Mỹ và các đồng minh phạm sai lầm lớn bằng việc tiếp tục gây bất ổn cho đất nước ông, thì những hợp đồng dầu khí đã được ký kết với các công ty Mỹ sẽ thuộc về các nước đồng minh BRICS.

Trong quá khứ, Venezuela đã từng sản xuất tới 3,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Khi sản lượng giảm xuống chỉ còn 393.000 thùng/ngày vào giữa năm 2020 do các lệnh trừng phạt của Mỹ, Caracas đã tìm tới các đối tác, bao gồm Nga và Iran, để vượt qua khủng hoảng.

 

 

BIDEN XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH LỰC LƯỢNG Ở TRUNG ĐÔNG

Ông Biden chỉ đạo Lầu Năm Góc "đánh giá và điều chỉnh nếu cần thiết" trạng thái của lực lượng Mỹ ở Trung Đông, khi căng thẳng leo thang trong khu vực.

"Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo Lầu Năm Góc đánh giá và điều chỉnh nếu cần thiết trạng thái của lực lượng Mỹ trong khu vực nhằm tăng cường răn đe, đảm bảo an toàn cho lực lượng và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của lực lượng Mỹ", Nhà Trắng ngày 27/9 cho hay.

Ông Biden cũng yêu cầu đảm bảo các đại sứ quán Mỹ ở Trung Đông thực hiện mọi biện pháp bảo vệ phù hợp.

Theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đã được báo cáo nhiều lần trong ngày về những diễn biến mới nhất ở Trung Đông.

Động thái của Tổng thống Mỹ diễn ra khi Israel và nhóm Hezbollah ở Lebanon liên tục tấn công lẫn nhau những ngày gần đây. Tiêm kích Israel tối 27/9 tiến hành một số cuộc không kích dữ dội vào vùng ngoại ô phía nam của Beirut, nhắm vào trụ sở chính của Hezbollah của Lebanon. Theo truyền thông Israel, quân đội nước này đang xác minh liệu thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah có ở trong khu vực bị nhắm mục tiêu hay không.

Bộ Y tế Lebanon cho biết 6 người đã thiệt mạng và 91 người bị thương do các cuộc không kích mới nhất của Israel. Hezbollah chưa lên tiếng về đợt tấn công này.

Quân đội Israel ngày 28/9 tiếp tục tấn công vào các vị trí của Hezbollah ở Beqaa, miền đông Lebanon. Họ cũng nói rằng một tên lửa từ Lebanon nhắm vào miền trung Israel đã rơi xuống khu vực trống. Quân đội Israel đang đánh giá vụ tấn công này.

Xung đột giữa Israel và Hezbollah tăng nhiệt sau loạt vụ nổ thiết bị liên lạc của nhóm ở Lebanon ngày 17-18/9 khiến ít nhất 39 người thiệt mạng, khoảng 3.000 người bị thương. Hezbollah cáo buộc Israel là thủ phạm, song Tel Aviv không phủ nhận hay xác nhận.

Hàng loạt vụ tập kích qua lại giữa Israel và Hezbollah diễn ra những ngày sau đó. Các trận không kích của Israel vào lãnh thổ Lebanon từ đầu tuần đã khiến hơn 700 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương. Hơn 77.000 người ở miền nam và miền đông Lebanon phải sơ tán.

Cộng đồng quốc tế đã cảnh báo về những cuộc tấn công vào Lebanon, lo ngại các đòn ăn miếng trả miếng leo thang thành chiến tranh khu vực.

 

Nguồn: VOA; Soha; Thanh Niên; CafeF; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang